MỤC LỤC
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
- Chương 61
- Chương 62
- Chương 63
- Chương 64
- Chương 65
- Chương 66
- Chương 67
- Chương 68
- Chương 69
- Chương 70
- Chương 71
- Chương 72
- Chương 73
- Chương 74
- Chương 75
- Chương 76
- Chương 77
- Chương 78
- Chương 79
- Chương 80
- Chương 81
- Chương 82
- Chương 83
- Chương 84
- Chương 85
- Chương 86
- Chương 87
- Chương 88
- Chương 89
- Chương 90
- Chương 91
- Chương 92
- Chương 93
- Chương 94
- Chương 95
- Chương 96
- Chương 97
- Chương 98
- Chương 99
- Chương 100
- Chương 101
- Chương 102
- Chương 103
- Chương 104
- Chương 105
- Chương 106
- Chương 107
- Chương 108
- Chương 109
- Chương 110
- Chương 111
- Chương 112
- Chương 113
- Chương 114
- Chương 115
- Chương 116
- Chương 117
- Chương 118
- Chương 119
- Chương 120
- Chương 121
- Chương 122
- Chương 123
- Chương 124
- Chương 125
- Chương 126
- Chương 127
- Chương 128
- Chương 129
- Chương 130
- Chương 131
- Chương 132
- Chương 133
- Chương 134
CHƯƠNG XIII
– Cái thằng trông bộ điệu dáo dác thế kia, mày lo tìm bầy gà tơ đấy hẳn? Hãy bỏ cái bộ tịch đói khát đó đi, hãy tỏ ra là một người đàng hoàng xem nào.
Hồ trả đũa ngay: “Có mày mọi rợ thì có, đi tới nhà ai là chỉ lo nghĩ tới chuyện ăn thôi, đi thăm anh Lương mà cứ nghĩ tới bầy gà tơ, không biết ngượng. Hãy tỏ ra đứng đắn tí nào, trước mặt tao mày phải đi đứng cho tử tế nghe không.”
Hoàng làu nhàu:
– Mấy thằng quỷ này, cãi vã nhau cả ngày, nghe nhức óc, khi nào cũng như những đứa trẻ con, đừng làm tao nổi xung lên nghe.
Chưa ra đến sân Lương đã nghe tiếng Hoàng, Bửu, Hồ, Phong cãi nhau ỏm tỏi. Lương mỉm cười, cảm thấy vui vui; các ông tướng đây rồi. Anh bước ra sân vừa gặp Huỳnh, Lương vui mừng ôm lấy bạn:
– A, Huỳnh, anh đã lành rồi sao, đi được rồi đấy à?
Huỳnh siết tay Lương: “Tôi đã trở về đơn vị, hôm nay chủ nhật, các ông ấy rủ kéo nhau qua thăm anh chị đây, ý là các ông ấy muốn nhắc nhở câu mời hấp dẫn của anh tháng trước đấy mà.”
Lương vui vẻ: “Tốt lắm, xin mời cả vào đây. Đây là Huyên, em họ của tôi. Từ ba năm nay Huyên học ở Liên khu Tư, vừa mới về đây hôm qua, sáng nay anh em tôi mới gặp lại nhau đấy.”
Lương lần lượt giới thiệu các bạn với em, mọi người chào hỏi nhau xong, Huỳnh hỏi:
– Chị và các cháu đâu rồi anh?
Lương cười buồn: “Hôm tưởng là ngày buồn lắm vậy mà hóa ra vui. Sáng sớm nay tôi đưa Hà và hai cháu đi Huế. Cháu Cao bị đau, nó cứ mòn dần đi. Hà được phép đưa hai cháu vào Huế chữa kẻo ở đây không đủ phương tiện. Vợ con đi rồi tôi buồn quá, đi lang thang một lúc, định về qua nhà dặn dò một chút rồi qua ở lại với anh đêm nay, ai ngờ về đến nhà thì gặp Huyên rồi tiếp đến bây giờ có anh và các chú nữa. Tất cả mọi người đều đến với tôi đúng lúc quá.”
Huỳnh chép miệng: “Thôi thế cũng hay, để chị ấy đưa cháu đi cho qua một lúc, chứ ở đây cứ nơm nớp chạy giặc mãi, mình đàn ông không nói làm gì chứ đàn bà trẻ con thấy tội lắm.”
Hoàng gật đầu tán thành:
– Vâng có thế thật, thấy cảnh anh Lương bây giờ tụi em nghĩ mà sợ, trời đất kháng chiến này chắc không bao giờ tụi em dám nghĩ đến chuyện vợ con đâu.
Lương cười xoà:
– Hãy cứ biết thế, có chắc gì đâu, người ta nói một đàng làm một nẻo là sự thường đấy nhé. Các cụ ngồi chơi nhé, tôi đi dặn qua người nhà làm cơm trưa nay, họp mặt đông đủ như thế này phải có gà mới được. Hôm nay mừng em Huyên vừa đi xa về nhà và anh Huỳnh vừa bình phục. Thật không ngờ mà vui quá. Huyên kể chuyện Khu Tư cho các anh nghe đi em, anh xuống nhà một tí anh lên ngay.
Lương ra khỏi phòng, Huỳnh nói với Huyên:
– Trông Huyên gầy yếu thế mà đi được từ ngoài kia vào đây, phải đi cả tháng trường, làm sao Huyên đi nổi?
– Vâng, hồi em mới rời gia đình đi ra ngoài ấy cách đây ba năm thật là cực khổ vất vả với chuyến đi đầu tiên ấy, bây giờ thì cũng quen chịu đựng rồi anh ạ.
– Tôi nghe anh Lương nhắc đến Huyên luôn, Huyên về đây đã được tin tức gì về gia đình Huyên ở trong thành phố chưa?
– Em mới vừa về hôm qua, chưa hỏi thăm được tin tức gì của mẹ và các em của em cả. Gia đình em ở mãi trong Hàn chứ không phải ở Huế, nên tin tức cũng khó khăn lắm.
Phong xen vào:
– Huyên kể chuyện đi học ở ngoài Khu Tư cho chúng tôi nghe đi nào, kể chuyện qua Liên U Ba Rền cho bọn này nghe với, xem có kinh khủng như người ta thường tả không nào.
Hồ tỉnh bơ quay mặt nhìn ra sân, hát khe khẽ:
“Trèo đèo Ba Rền
Băng qua Nhã Nam
Vui lên đi tươi cười nụ cười gian nan,
Nghe đâu đây Liên U
Nơi chân chồn mỏi gối
Đường trường xa lắc, còn đi mấy ngày…”
Phong quay lại, trừng mắt:
– Cái thằng quấy hoài, có im đi cho người lớn nói chuyện không mày?
Huyên cố nhịn cười:
– Anh ấy hát đúng đấy, vâng, Huyên đã đi ngang qua Ba Rền rồi đấy ạ. Đó là một đỉnh núi khá cao mà người ta phải vượt qua trong cuộc hành trình ra vào Liên khu Tư. Nghe mọi người truyền miệng thì cũng ghê gớm lắm, bởi vì dọc theo con đường trèo lên núi có vài nấm mộ rải rác bên đường. Người ta thêu dệt rất nhiều chuyện khủng khiếp chung quanh những nấm mồ vô danh đó. Nhưng theo Huyên thì Huyên nghĩ rằng đó là những người bị chứng đau tim hay bị cảm sốt dọc đường nên họ không chịu đựng nổi một cuộc leo núi, thế thôi. Với những người bình thường thì Ba Rền không có gì ghê gớm cả, chỉ mất nửa ngày để leo lên đỉnh núi và nửa ngày còn lại để trụt xuống chân núi bên kia; lại còn cái thú khi lên tới đỉnh núi bỗng thấy mình đứng trên một biển mây, lần đầu tiên khi nhận thấy thế Huyên kinh ngạc và vui sướng vô cùng. Theo Huyên thấy thì trong một thời thanh bình nào đó, mọi người cũng cần có những cuộc đi núi như thế trong những dịp hè, cũng là điều thích thú và bổ ích lắm đấy chứ.
Bửu gật gù:
– Thế là Huyên vừa qua một cuộc leo núi mùa hè này đấy.
– Vâng, có lẽ cứ xem như thế nó lại bớt tính cách gian nan trầm trọng hơn.
Lương đã trở lại ngồi bên Huỳnh từ lâu, anh nhìn em gái bằng đôi mắt trìu mến:
– Em vẫn không bỏ cái tính lạc quan hóa mọi vấn đề, anh thấy chuyện gì cũng khiến em trầm trồ thích thú, cả những chuyện khiến người khác bực mình, với em bao giờ nó cũng đâm ra hay hay.
Hoàng hỏi: “Như thế chắc Huyên không biết buồn đâu nhỉ?”
Huyên cười, đôi mắt chợt im vắng, tiếng nàng nhẹ nhàng: “Vâng, có lẽ thế.”
Người nhà mang lên một ấm nước chè. Huyên đón lấy, đến bên kệ tủ lấy mấy chén con rót nước ra chén, mang đến từng người.
Bửu đón lấy chén nước từ tay Huyên, chàng ấp chén nước ấm nóng trong lòng bàn tay, nhắm mắt hít mùi nước chè xanh có bỏ gừng tỏa ra thơm ngát cả căn phòng.
– Cám ơn Huyên, lâu lắm tôi mới được uống nước chè trong một cái chén xinh nhỏ như thế này, và lại do tay một người khác đưa mời. Thường thì tụi tôi chỉ uống nước trong cái ca bằng nhôm múc nước từ trong một cái vại, mà nếu chậm chân chậm tay là hết.
Hồ liếc xéo Bửu:
– Thằng này lại giở trò tiểu tư sản ra rồi. Huyên biết không, nó dòng vua, cái giống đế quốc phong kiến ấy mà. Đi kháng chiến mà bao giờ cũng mơ mơ màng màng cứ tưởng như mình là ông hoàng như thời trước. Đêm nào trước khi đi ngủ nó cũng làm cái trò như thế này, nó hô: “Hai tay” – “Dạ” – “Làm giường cho cậu ngủ,” thế là hai tay ông ấy lo kê một tấm ván hay quơ một đống rơm vun lại làm chỗ nằm; khi nằm vào chỗ ngủ rồi, ông ấy lại hô: “Hai tay” – “Dạ” – “Đắp mền cho cậu,” xong ông ấy mới thò hai tay kéo chăn lên trùm kín đầu đánh một giấc ngon lành, cứ y hệt như là ông hoàng ấy thôi.
Mọi người cười vang, Bửu quay lại sừng sộ với Hồ:
– Mày chỉ được tài nói người khác, còn cái thứ mày đi kháng chiến mà lúc nào cũng lo kỳ cọ hai bàn chân với hai bàn tay trắng nõn như tay con gái thì sao, xin quý vị cứ nhìn tay chân nó thì biết, cứ gọi cách mạng vô sản vùng lên họ chặt tay chân của mày trước hết.
Mọi người cùng quay lại nhìn Hồ, quả nhiên tay chân của Hồ trắng múp như tay chân con gái thật, Hồ càu nhàu Bửu:
– Trời sinh ra tao như rứa, mi ghen sao?
Tất cả lại cười vui, mọi người đều cảm thấy thoải mái, bọn Hoàng vui vì sự có mặt của Huyên trong buổi họp mặt này như một bóng mát nhắc nhở họ nhớ lại những năm thanh bình ở trong thành phố của họ, ở đó họ có những người chị, những người em gái, bạn gái hay người yêu đã dành tất cả sự thương mến nuông chìu cho họ, đã lâu lắm rồi họ không còn được ai thêu cho một cái khăn hay cái áo gối, đan cho một chiếc áo, làm cho vài thức bánh hay đưa mời một chén nước trà chẳng hạn. Những thói quen cam khổ hiện thời làm cho họ dường như không còn nhớ rằng đã có những điều đó trong đời.
Buổi trưa hôm nay mọi người vui vầy họp mặt trong thư phòng của Lương mà những kệ sách đã gần như trống rỗng không còn gì nữa, những chiếc trường kỷ, bộ bàn ghế bằng gỗ trắc, những cái tủ, tất cả đều được chạm trổ tinh vi lên nước đen bóng có khảm những miếng xa cừ ngũ sắc, những chiếc rui, xà cột nhà to lớn cũng đều được chạm hình long ly quy phượng. Khung cửa sổ màu xanh mở ra khu vườn cây rợp mát phía sau tỏa hắt vào phòng một ánh sáng trong trẻo xanh lơ. Căn phòng tuy không tránh thoát vẻ trần trụi điêu tàn dấu vết của chiến tranh, vài vết đạn xẹt qua mũi chiếc đầu rồng trên cái xà ngang to nhất, chiếc trường kỷ kê ở góc trái bị đạn cày thành một đường trũng để lộ màu gỗ chân phương trắng toát, tất cả đều phủ một lớp bụi mỏng tỏ ra không được săn sóc tỉ mỉ như xưa, nhưng những cái đó gây ấn tượng vang bóng một thời êm đềm vàng son nhất. Sự có mặt của Huyên, người con gái mảnh mai với làn da xanh xao dáng vẻ học trò, hồn nhiên vui vẻ trong ánh mắt nụ cười trong khung cảnh này khiến bọn Hoàng tưởng như mình đang sống lại cả một thời yên vui thuở trước.
Đột nhiên, một sự yên lặng bao trùm tất cả.
Buổi trưa ở miền quê chợt lắng đọng, nghe thật xa tiếng hò của một người thợ cấy buồn não nuột. Nền trời ngoài kia trong vắt không gợn mây, nhưng từ phía cánh đồng xa chạy dài đến tận giòng sông bốc lên một lớp hơi mờ dị hoặc, làm chìm xuống ngọn nắng hanh hao của buổi chớm thu, một màu vàng óng chuốt lung linh tỏa khắp không gian. Từ trong căn phòng im mát này nhìn ra, người ta có cảm tưởng như mình đang được bao bọc bởi những tơ vàng rực rỡ.
Tiếng cười của Huyên trong vắt:
– Sao tự nhiên mọi người yên lặng cả thế?
Huỳnh trỏ bọn Hoàng:
– Mấy ông tướng này có mấy khi ngồi yên vậy mà bây giờ ngồi mặc niệm như thế kia là vì các ông ấy bị ngợp vì cảm thấy hạnh phúc quá trong hiện tại này đấy thôi. Tôi nói có đúng không các cụ?
Hoàng mỉm cười: “Chịu anh rồi đấy, – giọng chàng chợt trở nên bâng khuâng – sao lại có những thời khắc lạ lùng như thế này nhỉ? Mình có cảm giác đầy đủ quá đến nỗi đâm ra lười biếng, không muốn nghĩ gì, nói gì nữa hết.”
Bửu mỉm cười quay sang Huyên:
– Hoàng nói đúng đấy. Huyên biết không, chiều nay khi bọn này rời khỏi đây trở lại nơi trú đóng, lại phải mang cà mèng, ca, muỗng loảng xoảng ra đứng giữa sân chờ hỏa đầu vụ phát cơm, nhận phần của mình xong phải lo đớp cho thật nhanh chứ nếu ăn nhấm nháp chậm rãi sẽ bị phê bình là tiểu tư sản. Tiểu tư sản được coi như đồng nghĩa với phản quốc, là đi theo Tây, giết hại đồng bào, có thể hiểu nôm na làm vậy. Sau khi ăn cơm là buổi họp kiểm thảo việc làm và tác phong của mình trong ngày, phải nặn óc moi cho ra một lỗi nào đó của mình để xung ra, nếu không sẽ bị phê bình là mang bệnh tự mãn, tự kiêu, không hề thấy mình có lỗi. Lại phải xoi bói moi móc cho ra một lỗi nào đó của đồng đội để phê bình họ, nếu không sẽ bị cho là không có thiện chí xây dựng cho đồng đội. Kế tiếp, là thảo chương trình hoạt động cho ngày mai. Cái ngày mai ấy cũng lại sáng làm việc, trưa họp, chiều làm việc, tối họp, và cái vòng lẩn quẩn cứ y như thế đều đều. Chúng tôi phải luôn luôn tự dằn vặt để tìm cho ra tư tưởng xấu và hành động sai của mình cũng như phải xét nét tìm tòi những điều tương tự ở anh em đồng đội tối ngày, không bao giờ được yên ổn thoải mái cả. Vì thế, giây phút này, khung cảnh này, những khuôn mặt bạn bè này đã mang lại cho chúng tôi cảm giác bình yên, thư thái vô cùng. Chúng tôi không được thấy lại tưởng như nhiều năm lắm rồi.
Hồ lại quay mặt đi chỗ khác, ngâm nga: “Ở đây tai vách mạch rừng…”
Bửu ngoảnh lại, trừng mắt:
– Cái thằng này phá đám hoài, không để người lớn nói chuyện cho yên. Mày sợ hả, tao thì lâu lâu phải nói ra cho nó hả một chút, kháng chiến còn trường kỳ mà, cụ dạy thế mày không nhớ sao?
Hồ nói chậm rãi:
– Đồng ý với mày, nhưng mọi sự nó là vậy, ở đâu cũng thế chứ không riêng gì trong bộ đội chúng mình đâu. Mày hỏi Huyên xem ở trường Huyên theo học ngoài kia có như vậy không?
Huyên gật đầu:
– Không khác gì đâu các anh ạ. Không khí học đường lẽ ra phải được vô tư hồn nhiên nhưng Huyên và các bạn học cũng phải sinh hoạt y như các anh vậy thôi.
Huỳnh mỉm cười khoan hòa:
– Chúng ta không nên làm hỏng mất bữa cơm trưa đầy hứa hẹn sắp tới bằng những câu chuyện buồn thảm như thế, có phải vậy không anh Lương?
Như để trả lời Huỳnh, người nhà lên báo cơm đã được dọn xong, Lương đứng dậy tỏ vẻ hài lòng:
– Anh Huỳnh nói rất trúng, nào, chúng ta hãy đi ăn, mong rằng bữa cơm sẽ ngon cho quên bớt đắng cay trong cõi đời này vậy.
Bữa ăn có măng kho với thịt cò, mùa mưa ngoài ruộng đầy tôm tép và cá đồng nên thịt cò thơm phức và béo ngậy. Những miếng măng trắng ngần nằm lẫn với những thỏi thịt cò săn sắt ngập trong chất nước ngọt ngào trong bóng, bên trên có rắc hạt tiêu, một nhánh ngò xanh tươi mơn mởn vắt ngang trên chiếc tô tráng men có vẽ hình hai ông tiên đánh cờ, nét mặt tiên ông ngẩng lên trong một thần thái ung dung nhàn tản. Bên cạnh là một dĩa thịt gà xé bóp rau răm, những thớ thịt gà trắng muốt trong những lớp da màu vàng mỡ điểm những sợi rau xanh nom thật khỏe mắt và hứa hẹn nhiều cho vị giác. Lại có cá đồng kho với riềng, những con cá nhỏ bằng ngón tay tròn trĩnh vàng óng bên những cọng riềng màu ngà tỏa lên một hương vị đằm thắm hiển hiện những mặt nước cánh đồng dâng khói mùa thu. Và sau hết là món canh chua nấu măng giang với cá ngạnh nguồn, mùa nước lên, cá ngạnh từ trên nguồn kéo về đồng gặp nhau xây mùa tình ái nên con nào con nấy căng đầy bụng trứng vàng tươi óng chuốt giữa những sợi măng trắng, có những hạt mỡ ớt nổi lên long lanh đỏ trên tô canh bốc khói nghi ngút.
Bữa cơm ngon lành và thật là đẹp mắt, được nấu nướng bởi những bàn tay khéo léo của những người đàn bà miền quê Thừa Thiên.
Trong đời sống kháng chiến những bữa ăn như vậy rất hiếm hoi. Căn bếp đầy mùi khói nồng nàn của rơm rạ, người đàn bà quê mùa ngồi quay mặt vào bếp quơ từng nắm rơm đun dần vào lò, lửa nhảy múa vờn liếm trên chiếc ấm nấu nước, tiếng nước sôi reo nghe vui tai, một ngày đầm ấm như trong giấc mơ của một thời thanh bình nào đó.
Hiện tại bỗng xa vời như một bóng mây trôi.
Cám ơn các bạn , nếu được xin diễn đàn cho cái biểu tượng cám ơn nhé .