MỤC LỤC
- Hư Trúc (phần 1)
- Hư Trúc (phần 2)
- Du Thản Chi
- Bắc Kiều Phong
- Thủ Cung Sa
- Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá
- A Châu (phần 1)
- A Châu (phần 2)
- Tình Oan, Những Thủy Chung
- Mã Phu Nhân: Dâm Thì Dâm Cũng Có Ngần Ấy Thôi
- Đoàn Nam Vương: Cơm Hàng, Cháo Chợ, Vợ Mười Phương
- Mộ Dung Công Tử: Cháu Chúa, Con Vua Mất Bản Đồ
- A Tử: Hoá Công Đại Pháp Luyện Không Thành …
- Đoàn Dự – Vương Ngọc Yến: Con Vua Chẳng Thích Làm Vua
- Thiên Long Bát Bộ Luận Anh Hùng
- Thiên Long Tình Sử – Lời phi lộ
- Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu
Đoàn Dự - Vương Ngọc Yến: Con Vua Chẳng Thích Làm Vua
Thiên Long Bát Bộ là chuyện kể về những người bất đắc chí, những người không được toại ý trong đời, những người bị bắt buộc phải sống những cảnh đời họ không muốn sống.
Kiều Phong vẫn yên trí mình là người Hán, chàng chỉ muốn là người Hán, kiêu hãnh là dân Hán. Chàng khinh thị và thù ghét người Khiết Đan cũng như tuyệt đại đa số người Hán yêu nước cùng thời với chàng. Định mệnh an bài với những tiền oan, nghiệp chướng làm cho Kiều Phong tối tăm mắt mũi khi phát hiện chàng là người Khiết Đan.
Hư Trúc Tử, Sư Chú Thiếu Lâm, chỉ muốn tu hành chay tịnh một đời, thuyền từ thuận buồm, suôi gió về Tây Trúc. Duyên nghiệp hay oan nghiệp an bài làm chàng "được" Thiên Sơn Đồng Mỗ thu xếp cho nằm chung mền bông với Công Chúa Tây Hạ trong Hầm Băng. Nhà Sư trẻ đành hẹn cuộc tu hành đến kiếp sau vì kiếp này chàng còn phải trở thành Cung Chủ Linh Thứu Cung rồi Phò Mã Tây Hạ.
Mộ Dung Phục, Cô Tô Mộ Dung Công Tử, chỉ muốn khôi phục ngai vàng Vua nước Yên của tổ phụ. Kim Dung giới thiệu Mộ Dung Công Tử như Rồng Vàng trên đám rắn rết, như Phụng Hoàng trong đàn gà. Mộ Dung Công Tử xuất hiện trên sân khấu Thiên Long oai phong lẫm lẫm nhưng chàng đi từ thất bại này đến thất bại khác. Cuối cùng Mộ Dung thân bại, danh liệt, trở thành điên khùng.
Du Thản Chi yêu mê A Tử đến cái độ tự móc mắt mình để Thần Y lắp mắt cho A Tử khi A Tử bị mù vì độc thủ của Lão Ma Đầu Đinh Xuân Thu. Nhưng Du Thản Chi là người yêu đau khổ nhất Thiên Long. Chàng hy sinh hết cho A Tử nhưng chàng không được nàng đoái thương ban cho nửa lời thương xót. Nàng còn tàn nhẫn móc mắt vứt trả lại chàng trước khi ôm xác Tiêu Phong nhẩy xuống vực thẳm.
Thiên Long có năm nhân vật chính, bốn nhân vật trong số có cuộc đời ái tình và sự nghiệp đen hơn mõm chó mực. Tuy vậy cũng có một nhân vật được toại nguyện, đạt được ước mơ, vớ được hạnh phúc. Nhân vật may mắn đó là Đoàn Dự.
Đoàn Dự, Vương Tử Đại Lý, vương quốc ở miền Nam Trung Hoa đời nhà Tống. Trong giang hồ có lời đồn đại khi quân Nguyên xâm chiếm Đại Lý, họ Đoàn bỏ nước chạy xuống phía Nam rồi trở thành giòng Vua Thái Lan. Nước Đại Lý nhỏ bằng bàn tay nhưng cũng như nước Việt đời Trần, đời Lê, có cả Đế với Vương. Đoàn Dự là con của Đoàn Nam Vương Đoàn Chính Thuần. Ông anh Đoàn Nam Vương là Bảo Định Đế mới là Vua nước Đại Lý, ông Đế này tu hành, chay trường, không vợ con. Ngôi vua nuớc Đại Lý sẽ về Thế Tử Đoàn Dự. Nhưng Thế Tử lại không thích làm Vua. Thế Tử chỉ thích ngao du sơn thủy, một thứ Bụi Đời Vương Giả.
Khi Đoàn Dự được Cắm Dùng - Kim Dung - đẩy vào sân khấu Thiên Long, chàng ở số tuổi mười bẩy, mười tám mùa táo tầu trở ngọt trên cành. Đây là một điểm yếu của Cắm Dùng: Đoàn Thế Tử bỏ lầu vàng, điện ngọc đi khơi khơi như con nhà phó thường dân không có lấy được một vệ sĩ. Khi ấy Đoàn Dự chưa có qua một xu teng võ công nào cả. Chàng bị Mộc Uyển Thanh bắt đi như quạ bắt gà con, bị Nam Hải Ngạc Thần để nhẹ một chưởng rơi xuống tuyệt cốc. Cốc sâu ngàn trượng, từ đáy cốc nhìn lên chỉ thấy mây mù ngút ngàn. Dzậy mà người rơi xuống vưỡn cứ sống nhăn. Dưới tuyệt cốc Đoàn Dự đi loạng quạng lạc vào điện đài nguy nga không biết do những ông thợ xây cất nào và dựng nên tự đời nào. Trong điện có bức tượng Mỹ Nhân tuyệt đẹp. Đoàn Dự rập đầu trước tượng và nhờ vậy được truyền Lăng Ba Vi Bộ.
Lăng Ba Vi Bộ là võ công nhưng là võ công Phú Lỉnh, Võ Công Chạy. Bí kíp Lăng Ba Vi Bộ được rất nhiều cao thủ võ lâm Giao Chỉ xử dụng nhuần nhuyễn trong những thập niên 1975, 1980. Chạy, tránh né, luồn cúi, nâng bi vv... và lợi hại nhất là Võ công Chui, kẻ địch lợi hại đến mấy cũng không đụng được đến thân.
Trong những ngày sống dưới tuyệt cốc Đoàn Dự đói quá bắt nhái ăn. Xin lỗi, lâu quá không ôn lại lịch sử, kinh điển, quên mất tên khoa học của loài nhái đỏ này này - ( Chu cáp, tên loài nhái đỏ, và Chu cáp thần công do loài nhái đỏ có tính cực dương cung cấp. Lời viết thêm ở Rừng Phong, Xê Kỳ, Thu 2000, khi sửa lại bản thảo để xuất bản.) Vì tình cờ ăn sống năm bẩy chục con nhái đỏ có chất nóng dữ dội làm cơ thể Đoàn Dự có nội lực thuần dương, cực dương. Về sau có lần Đoàn Dự đấu công lực với Du Thản Chi. Công lực của Du Thản Chi thuần âm. Cực Dương đấu với Cực Âm. Tình cảnh giống như cái tủ lạnh thi đấu với cái bếp điện. Chỉ có điều khác tí chút là nếu tủ lạnh thi đấu với bếp điện chủ nhà sẽ lăn đùng ngã ngửa vì phải chi tiền điện. Còn Đoàn Dự Cực Dương mà đấu nội lực với Du Thản Chi Cực Âm thì cả hai cậu sẽ lăn đùng ngã ngửa nếu không có hai đại cao thủ Tiêu Viễn và Mộ Dung Bác ra tay chia rẽ.
Từ đáy cốc sâu ngàn trượng Đoàn Dự lò mò trở lên mặt đất, trở về với cuộc bụi đời dễ dàng như không có chuyện gì lạ xẩy ra. Chàng tình cờ gặp Bang Chủ Cái Bang Kiều Phong. Hai người uống rượu. Đoàn Dự nhờ biết lõm bõm bí kíp Lục Mạch Thần Kiếm gia truyền - chàng biết lơ mơ về lý thuyết, chưa xử dụng được - nên vận dụng khí lực đẩy rượu ra giữa kẽ hai ngón tay. Rượu uống vào được cho tia xuống chậu hoa để bên bàn. Kiều Bang Chủ không biết nên thán phục tửu lượng của Đoàn Dự. Hai người kết tình huynh đệ. Đoàn Dự theo nghĩa huynh rời cao lâu đi đến dự khán Đại Hội Cái Bang ở Rừng Hạnh.
Tiểu thư Vương Ngọc Yến yêu biểu huynh của nàng là Mộ Dung Công Tử. Đến đây bèn có một đoạn viết riêng về Tục Lệ Hôn Nhân Hoa tộc và Việt tộc. Nói nôm na là luật lệ lấy nhau, vợ chồng mí nhau của người Tầu và người Ta.
Luật Ta: Con cô, con cậu, con dì, con già làm vợ chồng mí nhau hổng có được. Anh chị nào can tội nặng này chỉ có nước dắt nhau sang sống bên Congo, Mozambique, Yemen, Dzimbaboué, thay họ, đổi tên, mãn đời không được đọc tiểu thuyết của Bà Tùng Long đăng tải nơi trang trong Nhật Báo Saigon Mới của Bà Bút Trà, không ăn bún riêu, bún ốc, mắm tôm, mắm ruốc, rau muống, cà pháo.
Vì đây là vấn đề thuộc pháp luật nên cần phải viết chi ly, đi vào tiểu tiết để bạn đọc nắm bắt ngay sự kiện không phải mất công suy nghĩ, hỏi han. Luật Ta cấm ngặt, cấm triệt để, cấm đến không còn gì có thể cấm hơn, việc những anh Con Trai Bà Cả Đọi vợ chồng mí những chị Con Gái Bà Hai Đọi. Vì hai bà Đọi là chị em. Mặc dù anh họ Mít, chị họ Soài. Không được là không được. Bất kể anh chị có duyên nợ mí nhau từ muôn kiếp trước, anh chị hò hẹn nhau kiếp này luân hồi để trả nợ nhau. Cũng không được. Càng duyên nợ lại càng không được. Pháp luật dòng họ, gia đình, huyết thống trần ai khoai củ không công nhận những chuyện vớ vẩn gọi là "duyên nợ ái tình tiền kiếp".
Cũng trong tinh thần ấy anh Con Trai Ông Tư Đọi không thể nào mần vợ chồng với chị Con Gái Bà Năm Đọi. Bởi vì Ông Tư Đọi với Bà Năm Đọi là anh em ruột.
Nhưng Pháp Luật Tầu thì lại cho phép đám con cô, con cậu, con dì, con già được vợ chồng mí nhau. Vợ chồng hợp pháp. Bằng chứng rõ ràng ghi trong kinh điển Hồng Lâu Mộng: Giả Bảo Ngọc mần vợ chồng với Tiết Bảo Thoa. Bà mẹ Bảo Ngọc và bà mẹ Bảo Thoa là chị em ruột. Nếu không lấy Tiết Bảo Thoa, Giả Bảo Ngọc có thể mần vợ chồng với Lâm Đại Ngọc, con bà cô ruột của chàng. Bà mẹ Lâm Đại Ngọc là em ruột ông bố Giả Bảo Ngọc.
Cũng nghe nói dường như - chuyện này người viết không nắm vững nên chỉ nêu lên để hải nội chư quân tải rộng đường suy luận - ở những xã hội Âu Tây đám cousin, cousine - cu-zanh, cu-zin - cũng được mần vợ chồng mí nhau thoải mái, hợp pháp, hợp đạo đức như đám biểu huynh, biểu muội Ba Tầu. Trong khi đó thì riêng ở Xứ Giao Chỉ, một xứ nhỏ bé nằm sát ngay cạnh đất nước vĩ đại của những Chú Con Trời, nơi người dân chịu ảnh hưởng nặng văn hóa, phong tục Tầu, lại tuân thủ điều luật Hôn Phối khác hẳn. Trong nhiều đêm khắc khoải ở Thành Hồ, anh Công Tử Hà Đông - vì là anh em cùng vợ với anh Con Trai Bà Cả Đọi nên hai anh nằm chung giường, chung đèn dầu hôi - đêm tắt điện - đọc chung trang sử ái tình, cùng thắc mắc với câu hỏi: Tại sao Luật Ta lại khác Luật Tầu về mục con dì, con già được và không đươc mần vợ chồng với nhau?
Câu hỏi "Tại sao?" đó không nằm trong loạt bài Thiên Long Hoài Cổ. Vậy xin gác lại để dịp khác. Ta trở lại với Đoàn Dự - Vương Ngọc Yến - Mộ Dung Phục.
Thông số trong Thiên Long Bát Bộ về liên hệ huyết thống giữa Vương Ngọc Yến và Mộ Dung Phục không được rõ ràng. Dường như Mộ Dung Bác, ông bố của Mộ Dung Phục, là anh của Vương phu nhân, bà mẹ của Vương Ngọc Yến. Nàng với chàng là biểu huynh, biểu muội. Nàng yêu chàng. Chàng đi giang hồ, nhớ chàng nàng cũng đi giang hồ tìm chàng.
Có nhà phê bình Âu Tây nhận xét: vì nước Trung Hoa quá lớn nên những văn sĩ Trung Hoa có phản ứng ngược là luôn luôn quan niệm, diễn tả một không gian thật nhỏ hẹp. Trong tiểu thuyết võ hiệp những cao thủ Côn Luân - ở mãi tận biên giới Tây Tạng hay Ấn Độ chi đó - chạm trán soành soạch với những cao thủ Thổ Phồn ở miền cực nam Trung thổ. Ví von cho thêm sáng sủa ta có thể coi địa lý Trung Quốc trong tiểu thuyết võ hiệp chỉ lớn bằng thành phố Sàigòn Đẹp Lắm Sàigòn Ơi: Hồng Thất Công đấu chưởng kịch liệt trong tiệm phở gà Hiền Vương - bao nhiêu đĩa bát bể tùm lum - loạng quạng đi sang Tân Định, Hồng Thất Công gặp Tây Độc Âu Dương Phong đang ngồi cạo râu trong Động Hoàng Thơ. Hai đại cao thủ gặp nhau đâu là đánh nhau đó, nhị vị thi triển Đả Cẩu Bổng Pháp, Hàm Mô Công làm toong-đưa, dao cạo, que móc tai văng lung tung ra đường Hai Bà Trưng. Đi xa hơn, Hồng Thất Công đến tận Khu Bàn Cờ, gặp Đoàn Nam Tăng từ trong Kỳ Viên Tự ôm bình bát đi ra đường Phan Đình Phùng. Rồi đi xa hơn nữa vào đến tận khu Cầu Ba Cẳng Hồng Thất Công gặp Vương Trùng Dương đang được các Bang Hội Tiều, Quảng Toóng, Phước Kiến, Hẹ, Hành tiếp đón long trọng, mời đến tham quan Hãng Sà Bông Việt Nam Cô Ba 72 phần dầu của Ông Trương Văn Bền bên chợ Kim Biên, rồi lên xe Huê Kỳ Pontiac đến Cao Lầu Ngọc Lan Đình dự tiệc.
° ° °
Theo Dịch, quẻ Bác là quẻ vật đổ, quẻ Phục là vật bắt đầu gượng dậy. Đặt tên hai cha con Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, Cắm Dzùng Tiên Sinh có ý báo cho ta biết họ Mộ Dung đến Mộ Dung Bác là hết chu kỳ rơi xuống, đến Mộ Dung Phục là khởi đầu chu kỳ đi lên.
Mộ Dung Phục khôi ngô, tuấn tú, thông minh, ôm mộng phục quốc, lấy lại ngai vàng Yên quốc. Chàng rời Cô Tô Yến Tử Ổ đi giang hồ với mục đích không rõ ràng lắm là học thêm võ công để thực hiện ý đồ phục quốc. Nhà Mộ Dung được giang hồ kinh sợ ngoài mục có võ công riêng còn có thủ đoạn học bí kíp võ công của nhà khác rồi dùng chính chiêu thức riêng của nhà ấy đánh chết chính người nhà ấy. Thủ đoạn này được gọi văn hoa là " Đẩu chuyển, tinh di ", nôm na là " Gậy ông đập lưng ông ". Vương Ngọc Yến được hai gia nhân Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác hộ vệ đi tìm Mộ Dung Công Tử. Ít nhất Vương cô nương còn có hai gia nhân võ nghệ hạng khá đi theo, Đoàn Vương Tử con vua nhưng đi sô-lô trên răng dưới không có hành lý.
Nghĩ rằng Mộ Dung Phục có thể đến Rừng Hạnh dự Đại Hội Cái Bang, Vương Ngọc Yến đến Rừng Hạnh. Nhìn thấy nàng là Đoàn Dự hồn xiêu, phách tán. Dung nhan nàng giống y như Pho Tượng Mỹ Nhân chàng được thấy dưới tuyệt cốc. Từ giây phút đó Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến. Chàng chỉ sống với ước mộng được yêu nàng, được có nàng làm vợ, cùng chung sống đến ngày đầu bạc, răng giả trong cung điện vàng son hay ở bất cứ mái tranh nghèo nào nàng muốn.
Đại Hội Cái Bang Rừng Hạnh, theo đúng thông lệ của những Đại Hội Tự Do Bát Nháo trên cõi đời này, là một Đại Hội Bang Chúng đấu tố nhau vung... đả cẩu bổng. Kiều Bang Chủ - Bang Chủ Cái Bang Hiện Đại, không mặc áo chín túi, không dùng Đả Cẩu Bổng, không xách bị ăn mày - có võ công lệch đất, nghiêng trời nhưng mù tịt về chuyện bổn bang. Bang chủ hạ Cờ Tây, bụa Cognac, Whisky tối ngày nhưng lại không có Ban Mật Vụ rình mò, báo cáo những chuyện nội bộ của bang, không biết nên không trừng trị mà cũng không đề phòng bọn phản đồ nên khi Đại Hội khai mạc Bang Chủ ú ớ thấy mình bị bang chúng tố cáo những tội tầy đình.
Vụ án Kiều Phong Khiết Đôn và vụ Kiều Bang Chủ bị Sương Phụ Mã Phó Bang Chủ phu nhân - Phó Bang Chủ Mã Đại Nguyên đã bị ám sát chết thảm thiết - sẽ được viết đến trong một đoạn riêng về Nàng Sương Phụ Đa Tình.
Theo đúng những bang hội có đám bang chúng chỉ lo, và chỉ giỏi ủng oẳng chửi nhau, bới xấu nhau, tranh dành ngôi vị trên cõi đời này, Cái Bang nhóm đại hội mà không có Phú-lít giữ an ninh, trật tự. Bang chủ đang bị bang chúng tố tội giết người, nhận vơ quốc tịch thì đám dũng sĩ Tây Hạ ập vào tấn công. Không ai biết đám người được gọi là dũng sĩ Tây Hạ này từ Vương quốc Tây Hạ xa sôi đến Rừng Hạnh, Hoa Nam, nước Đai Tống bằng cách nào, quan quân Đại Tống ở đâu hết mà để cho họ mang đao, vác giáo, đeo kiếm, cung tên lỉnh kỉnh, bận quân phục, cưỡi ngựa chiến, cờ xí đàng hoàng, phây phây đi ngang giang sơn Đại Tống như đi qua sa mạc không người. Đánh nhau chí chóe. Vương cô nương bị thương, Đoàn Vương Tử lập tức thi triển Lăng Ba Vi Bộ nhào đến bồng Vương Cô nương đi một đường Lăng Ba Vi Bộ.
Chàng bồng nàng chạy thẳng một lèo đến một nhà Xay Lúa ở giữa đồng. Đến đây ta thấy Cắm Dzùng xử dụng kỹ thuật tả cảnh giống như phim xi-nê Mỹ. Cối Xay Lúa chạy bằng sức nước dòng suối bên nhà. Cảnh giống như cảnh phim Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ - The Three Muskeeters - Gene Kelly D’Artagnan, Lana Turner Milady, Van Helflin Athos, June Allyson Constance Bonacieux - cảnh D’Artagnan Gene Kelly đánh với Lính Hồng Y Giáo Chủ Richelieu ở Nhà Xay Lúa. D’Artagnan đứng trên guồng nước, địch thủ đưa kiếm chém chân chàng, guồng nước đưa chàng lên tầm cao hơn làm đường kiếm chém hụt. Đoàn Dự cũng tránh những đường đao của dũng sĩ Tây Hạ chém hai chân chàng bằng cách lên dần những bực thang. Đôi người trẻ tuổi ở trên gác lửng, anh dũng sĩ Tây Hạ nào thò đầu lên là bị Vương Cô Nương chỉ điểm cho Đoàn Vương Tử đánh một chưởng ngã xuống - Bắc Kỳ gọi là chết tươi, Nam Kỳ gọi là chết tốt. Một dũng sĩ Tây Hạ lên lầu bằng thang cuốn nước. Anh này leo cửa sổ vào lầu và cũng bị Vương Cô Nương chỉ điểm cho Đoàn Vương Tử đánh chết không kịp ngáp.
Trong trận kịch đấu này ta thấy Đoàn Dự thi triển Lăng Ba Vi Bộ chạy luẩn quẩn trong nhà xay lúa mà các dũng sĩ Tây Hạ không sao đụng được vào chàng. Nhưng cuối cùng Đoàn Dự cũng bị đánh ngã nằm chờ chết. Người dũng sĩ Tây Hạ đánh ngã chàng và có thể giết chàng dễ dàng được tả một cách mơ hồ, bí mật. Dũng sĩ này mang mặt nạ da người. Y chỉ cần xuống đao là Đoàn Dự hết còn Lăng Ba Vi Bộ, tiêu luôn cả Nhất Dương Chỉ, Lục Mạch Thần Kiếm. May ra trước khi chết chàng chỉ còn có thể ngóc cổ dậy ca Sáu Câu mùi mẫn, hẹn Vương Cô Nương mùa thu lá bay kiếp sau cùng nhau ăn gà xé phay...
Nhưng người dũng sĩ Tây Hạ kỳ bí đã không xuống đao. Đoàn Dự nằm ngửa chờ chết, nhìn lên thấy bộ mặt nạ da người lạnh lùng. Dũng sĩ Tây Hạ thở dài, thâu đao, lặng lẽ bỏ đi. Cả chục xác dũng sĩ Tây Hạ Đơ Dzèm Cù Bắp bị bỏ lại chiến trường.
Người đọc Thiên Long đến đoạn Dũng Sĩ Tây Hạ bỏ đi không giết Đoàn Dự đoán chắc - theo kinh nghiệm - Dũng Sĩ này có cái gọi là "uyên nguyên" chi đó với Đoàn Dự. Cắm Dzùng Tiên Sinh thắt cái nút này để rồi sẽ cởi nút trong năm bẩy chục hồi sau.
Nhưng những gì xẩy ra sau đó cho thấy cái nút Dũng Sĩ Tây Hạ chỉ được thắt mà không bao giờ được mở. Người Dũng Sĩ mang Mặt Nạ Da Người Hành Tung Qủi Bí này từ Nhà Xay Lúa ra đi là một đi không trở lại sân khấu Thiên Long.
Đến đây xin có lời thưa với quí bạn đọc:
Tôi viết Thiên Long Tình Sử và kể lại những chuyện tình Thiên Long theo trí nhớ của tôi. Tôi đọc Thiên Long khoảng năm 1970, đọc một lần, và từ đó không lần nào tôi đọc lại. Trí nhớ của tôi không thể nhớ hết, nhớ đúng từng chi tiết một truyện võ hiệp tôi đọc một lần từ ba mươi năm trước. Vì vậy trong những trang này quí bạn sẽ thấy có nhiều chi tiết tôi kể sai. Xin quí bạn sửa dùm và xin coi truyện Thiên Long Tình Sử quí bạn đang đọc là Thiên Long Tình Sử trong trí nhớ của tôi, nó có nhiều điểm không giống với tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của người viết tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Chẳng hạn như đoạn chàng Dũng Sĩ Tây Hạ mang mặt nạ da người đánh ngã Đoàn Dự nhưng không xuống đao giết chết trên đây, tôi viết chàng dũng sĩ ấy không trở lại sân khấu Thiên Long và Kim Dung không cho người đọc biết tên thật của người dũng sĩ ấy. Có người bạn nhớ Thiên Long hơn tôi, đọc đoạn này, cho tôi biết chàng Dũng Sĩ Tây Hạ mang mặt nạ da người ấy là Mộ Dung Công Tử.
° ° °
Sau trận kịch đấu ở Nhà Xay Lúa Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến chia tay nhau. Gia nhân nhà họ Vương tìm đến đón nàng.
Từ đó Đoàn Dự lằng nhằng, lẵng nhẵng đi theo Vương Ngọc Yến. Vô Vi Phái mở cuộc tuyển lựa nhân tài anh tuấn vào chức Chưởng Môn Nhân - Cái phái này có tục lệ kỳ cục: không chọn Chưởng Môn trong bổn bang mà lại tuyển người ngoài - Vương Ngọc Yến nghe tin Mộ Dung biểu huynh yêu qúi của nàng sẽ đến Tổng Đàn Vô Vi ở Hồ Nam dự tuyển nên nàng đến đó chờ gặp chàng. Vì vậy Đoàn Dự cũng đến Tổng Đàn Vô Vi Phái ở Hồ Nam.
Tô Tinh Hà, đại diện phái Vô Vi, tuyển nhân tài bằng một thế cờ vi. Thứ cờ vi này khác với cờ tướng. Đoàn Dự, Mộ Dung Phục được mời vào bàn cờ. Tô Tinh Hà rất muốn người anh tuấn như Đoàn Dự hay Mộ Dung Phục giải được thế cờ để làm chưởng môn. Nhưng hai chàng vương tôn công tử này đều bị thế cờ bí hiểm làm cho hộc máu. Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh có mặt bên bàn cờ, dùng phép "Truyền âm nhập mật" chỉ nước cờ cho Sư Chú Hư Trúc Thiếu Lâm phá thế, thắng cuộc. Đó là chuyện sẽ được kể kỹ hơn trong đoạn viết về Hư Trúc Tử.
Sau nhiều lần được nói đến qua những lời truyền tụng trên cửa miệng người khác Mộ Dung Công Tử xuất hiện như Rồng, như Phượng. Chàng từ xa liệng chiếc lá lên trời, chiếc lá bay đến rơi đúng xuống ô cờ chàng muốn đặt quân. Chưa thấy Mộ Dung, chỉ mới thấy chiếc lá rơi, Vương Ngọc Yến đã sung sướng kêu lên:
- Mộ Dung biểu huynh...
Đoàn Dự vỡ tim khi nhìn thấy ánh mắt yêu đương của Vương cô nương. Nàng yêu biểu huynh của nàng - Chàng thầm nghĩ:"Đúng thôi. Mộ Dung Công Tử hơn ta cả trăm lần..."
Mộ Dung Phục không yêu Vương Ngọc Yến. Không phải chàng vô tình, chàng là người làm chính trị mê say với mục đích khôi phục ngai vàng Yên quốc, ngai vàng ông cha chàng đã để mất. Chàng không lý gì đến tình yêu nam nữ.
Những ngày như lá, tháng như mây trôi qua Tình Sử Thiên Long. Nhiều hồi sau đến trận xung đột với Lão Quái Đinh Xuân Thu, Vương Ngọc Yến bị Lão Quái đánh rơi xuống giếng sâu. Mộ Dung không đoái hoài gì đến nàng. Đoàn Dự nhẩy xuống giếng cùng chết với nàng. Vương Ngọc Yến cảm động: "Chàng yêu ta chân tình. Ta phải yêu chàng...". Cuộc tình Đoàn Dự-Vương Ngọc Yến nở hoa dưới đáy giếng. Bọn Phong Ba Ác, Bao Bất Đồng - gia nhân nhà họ Vương - đem thang dây đến thả xuống giếng cứu đôi tình nhân lên. Từ đó họ yêu nhau, thề sẽ là vợ chồng...
Nhiều hồi sau nữa, đến những trang gần kết Bộ Tình Sử Thiên Long, Đoàn Dự xin cưới Vương Ngọc Yến. Chàng và nàng - kể cả một số anh chị Con Trai, Con Dâu Bà Cả Đọi theo dõi Thiên Long Bát Bộ - ngã ngửa người khi được biết chuyện động trời:
- Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến không có thể mần vợ chồng với nhau được vì hai người là anh em ruột. Họ là anh em cùng cha khác mẹ. Vương Ngọc Yến là con rơi của Đoàn Nam Vương...
Không thấy tả Vương Ngọc Yến cô nương đau khổ chi lắm trước tin này, còn Đoàn Dự thì lăn đùng, ngã ngửa, tối tăm mắt mũi theo nghĩa đen chứ không phải theo nghĩa trắng. Than ôi... Tình là dây oan. Đúng vậy. Nước Trung Hoa có cả mấy chục triệu thiếu nữ xinh đẹp, nõn nà, nết na, thơm phức, sẵn sàng và hoan hỉ chờ được Vương Tử dùng đến. Nhưng Vương Tử không yêu ai, Vương Tử lại yêu cô em cùng cha khác mẹ. Yêu quá là yêu. Yêu đến cái cái độ không lấy được nàng thì chàng phải chết...
Và Đoàn Vương Tử sắp chết. Chàng sắp chết thật chứ không phải giả vờ. Chàng thổ ra nhiều búng máu tươi, nằm thẳng cẳng, mắt trợn trắng, sùi bọt mép, tay bắt cả chuồn chuồn lẫn cào cào, châu chấu, bọ ngựa...
Đoàn Dự chết chắc như bắp rang nếu không có bà mẹ của chàng can thiệp. Bên giường bệnh cậu con trai duy nhất của bà, trước mặt nhiều người Mẫu Hậu nói với cậu con:
- Con yên tâm. Đừng ra nghĩa địa vội. Sống mà hưởng sự đời. Con với Vương Ngọc Yến có thể là vợ chồng với nhau được vì con không phải là con của Đoàn Nam Vương như con và cả và thiên hạ vẫn tưởng...
Ui chui choa.. Cái chi kỳ dzậy? Đoàn Dự không phải là con Nam Vương Đoàn Chính Thuần - Ông Vua Playboy Thiên Long - thì chàng là con ai?
Mẫu Hậu đi một đường kể chuyện lòng. Số là bà hờn giận ông chồng Vương Giả đa tình chia xẻ tình yêu, đáng lẽ phải dành độc quyền cho bà, với không biết bao nhiêu người đàn bà khác. Bà đau, bà muốn trả thù ông chồng vương giả chủ trương chính sách "cả sông, đông chợ, lắm vợ nhiều con" nhưng bà trả thù bằng cách nào bi giờ?
Người đàn bà đau khổ vì chồng ngoại tình thường dùng cách trả thù thông thường nhất, phổ biến nhất, dễ làm nhất là... ngoại tình với anh đàn ông khác. Nhưng với Mẫu Hậu khả kính thì bà khó có thể tìm được người đàn ông nào hào hoa phong nhã ngang với ông chồng bà để trả thù. Mẫu Hậu tìm đến một gã hành khất dơ bẩn nằm ở cổng chùa. Chịu sự chi phối cuả cái gọi là phản ứng ngược, Bà dùng gã hành khất này để trả thù ông chồng. Và gã hành khất đó mới là bố của Đoàn Dự, con bà đẻ ra, không phải Đoàn Chính Thuần, bố của Vương Ngọc Yến.
Và trái đất không tròn, trái đất méo. Vì trái đất méo nên những người có duyên nợ với nhau trên cõi đời này loạng quạng thế nào rồi cũng gặp nhau. Gã hành khất dơ dáy, thối tha nằm tuyệt vọng trước cửa Thiền đó lại là Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh. Trên đường lưu lạc giang hồ tìm phương tiện và cơ hội trở lại ngôi báu của ông cha, Doàn Diên Khánh bị trọng thương rồi đau ốm, nằm ở trước cổng chùa chờ chết. Đêm ấy bà Vương Hậu đến với Y, tự ý trao thân cho Y, Đoàn Diên Khánh mơ màng thấy bà bận toàn xiêm y trắng, hiện ra với Y như một nữ thần. Kim Dung không cho ta biết khi cho gã hành khất dơ bẩn hưởng thụ ân huệ Vương Hậu có biết Y là Đoàn Diên Khánh, ông anh của chồng mình hay không. Nếu lúc đó bà không biết thì vào lúc nào, do cơ hội nào, nhờ lý do gì mà bà biết gã hành khất đó là Đoàn Diên Khánh? Cuộc giao tình này sinh ra Đoàn Dự. Và nhu dzậy Đoàn Dự là con của Ác Quán Mãn Doanh, người đứng đầu Tứ Ác.
Và cũng như vậy là Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến không phải là anh em cùng cha khác mẹ. Nhưng... khoan khoan... hãy hượm... Đừng có nóng. Đừng có vội...Để xét thêm lý lịch chút nữa xem sao. Đoàn Diên Khánh là người họ Đoàn chi trên. Ông nội Đoàn Diên Khánh xưa là Vua Đại Lý. Đến đời ông bố của Đoàn Diên Khánh thì vì bị bệnh điên loạn sao đó, Hoàng Tộc truất phế ông ta, cho chi thứ lên làm vua. Vì vâỵ ngôi vua Đại Lý về tay Bảo Định Đế, ông anh của Đoàn Chính Thuần. Đoàn Diên Khánh muốn dùng võ công lấy lại ngôi vua nên luyện võ công tà ma ngoại đạo, trở thành Lão Ma Đầu Đại Ác như ta đã thấy...
Tuy không phải là anh em cùng cha khác mẹ, Đoàn Dự với Vương Ngọc Yến lại là anh em đồng tông, tức là cùng họ. Văn huê họ là anh em thúc bá, nôm na họ là anh em con chú, con bác. Con chú, con bác làm sao lấy nhau được? Con cô, con cậu, con dì, con già vợ chồng với nhau cũng được đi nhưng còn anh em con chú, con bác? Về huyết thống kể ra cũng gần đấy chứ? Chú rể là con ông bác chi trên, cô dâu là con ông em chi dưới. Hai họ nhà trai, nhà gái cùng là một họ.
Nhưng thôi... Luật lệ là luật lệ. Tình yêu là tình yêu. Ta chớ nên khắt khe áp dụng luật đến từng chữ một. Mình lấy vợ con nhà khác kệ mình, anh em họ người ta lấy nhau mặc người ta. Live and let live. Mình sống thì cũng phải để cho người ta sống mí chứ.
Mẫu Hậu Ngoại Tình kể uyên nguyên cứu tử con trai xong là tự vận chết ngay. Đoàn Chính Thuần bị trọng thương cũng chết. Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh đến nơi họp mặt gia đình và thanh toáùn chuyện gia đình này với ý đồ giết Đoàn Chính Thuần, giết luôn cả Đoàn Dự. Khi được biết chàng thanh niên khôi ngô, anh tuấn ấy là con mình, Áùc Quán Đoàn Diên Khánh sung sướng cười lên ha hả rồi phơi phới đi khỏi Thiên Long. Đoàn Diên Khánh là người hạnh phúc nhất đời vì giấc mộng khôi phục ngai vàng của ông đã thành: Con trai ông sẽ là Vua Đại Lý.
Trong Năm Nhân Vật Chính của Thiên Long, như đã viết ở đoạn đầu, chỉ có một mình Đoàn Dự là toại nguyện. Trong những đêm dài ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Thành phố Sài Gòn bị cưỡng hiếp đổi tên, Công Tử Hà Đông làm cuộc Thiên Long Hoài Cổ, mần thơ Vịnh Chàng Vương Tử Thiên Long:
ĐOÀN DỰ
Con vua chẳng thích làm vua
Lang thang đi quét lá chùa vẩn vương.
Yêu Vương Ngọc Yến cô nương
Toát mồ hôi lạnh tưởng Nường là em.
Nhất Dương, Lục Mạch lem nhem
Lăng Ba chỉ giỏi cõng em chạy dài.
Nhờ ơn Ông Bố Ăn Mày
Lại thêm Mẫu Hậu ăn chay, ngoại tình.