Lê Xuyên
Vợ Thầy Hương
MIỀN NAM xuất bản 1965
PHẦN THỨ I
CHIẾC đồng hồ chuông treo trên vách thong thả điểm đúng tám tiếng sau một hồi đổ kiểng đờn. Tám giờ tối.
Thầy Hương quản làng Tân Thời Võ Thiện Nam móc vội chiếc đồng hồ trái quít trong túi áo trong của chiếc áo bành-tô ka-ki vàng nút đồng ra đễ so giờ. Kim số dạ quang trên mặt đồng hồ cũng chỉ gần đúng giờ như vậy, xê xích không đầy một phút.
Thầy Hương nhét chiếc đồng hồ vào chỗ cũ rồi tằng hắng lấy giọng day qua báo một người đang cậm cụi làm sä sách dưới ánh sáng xanh của một ngọn đèn măng-sông treo trên chiếc móc sắt giữa nhà:
- Nè chú Giáo, sao chú hổng bơm xăng thêm cho cây đèn nó sáng một chút. Tụi coi bộ nó hơi lu đa!
‘‘Chú giáo’’ ngẩng đầu lên đon đả đáp:
- Dạ được mà thầy Hương. Tôi cũng tính đợi thầy đi rồi về nhà lo chấm bài...
- Đâu có được! Tối nay chú phải ở đây luôn. Để tui kêu bầy trẻ bắt ghế bố giăng mùng sẵn để khi nào chú làm sổ xong nằm nghỉ.
- Dạ... nếu thầy Hương muốn như vậy...
‘‘Chú Giáo’’ đây là một chàng trai trạc không quá ba mươi tuổi, nghe nói dân ở miệt Bạc-Liêu, trôi nổi lên đây làm nghề dạy học tư và trọ một nhà trong xóm.
Thường thường vào mỗi buổi tối, anh giáo tư Trần văn Dị đến nhà thầy Hương để kèm thêm cho hai đứa con của thầy (một trai một gái) học và giúp làm các thứ sổ sách, vì thầy Hương là một người có điền đất nhiều, lại đại diện cho mấy ông chủ Chà ở Cần-Thơ trên các phần đổi tọa lạc rải rác khắp mấy làng trong quận Ô Môn.
Mấy tối nay, vì là vào lúc cuối năm nên anh Giáo Tư rất bận rộn biên chép tính toán về các khoản lúa ruộng, tiền vay, bạc lúa, lớp của thầy Hương, lớp của mấy ông chủ Chà...
... Bỗng có tiếng chó sủa vang rân ngoài ngõ.
Thầy Hương đang lúi húi lau chùi, xăm xoi khẩu súng hai lòng vội ngẩng lên và vui vẻ nói với, anh Giáo Tư:
- Chắc anh Hương Tuần và dân của ảnh tới rồi đó.
Chưa thấy mặt ông Hương Tuần đâu thì đã có tiếng nói bô bô của ông ta từ ngoài vọng vô:
- Thầy Hương sẵn sàng chưa? Cha, bộ mấy chậu bông sứ của thầy trồng nở bông rộ lên hay sao mà thơm nhột mũi như vậy cà!
Thầy Hương treo khẩu súng lên cái móc nón gạc nai trên cột rồi hấp tấp bước ra cửa
- Chú Hương Tuần đó hả? Sao đi lại trễ vậy cha nội? Anh em đi theo đông đủ độ chớ?
Ông Hương Tuần cười hì hì:
- Trễ gì mà trễ đó thầy Hương ! Mà mình đi sớm có ăn thua gì, bắt ăn cướp mà thầy đi sớm quá động ổ tụi nó dông mất hết !
Thầy Hương Nam nhún vai rồi lôi ông Hương Tuần vào nhà:
- Nếu còn sớm thì vô đây nhăm nhi một vài chung trà nóng cho ấm bụng.
Ông Hương Tuần bước qua ngưỡng cửa thấy anh giáo Tư liền kêu lên :
- Ủa, có thầy giáo ở đây nữa hả?
Thầy Hương quản liền nói chen vô:
- Ờ, tui nhờ chú Giáo lại làm sổ và kèm mấy đứa nhỏ học đó mà.
Ông Hương tuần liền bước đến một bên bàn giấy của anh giáo Tư:
- Cha, sổ sách gì mà dày cộm vậy ! Thôi bỏ đó hết đi! Đêm nay thầy giáo theo tụi tui đi bắt đám ăn cướp này, năm thuở mười thì mới có một đám dữ dằng như vầy nghen!
Anh giáo Tư mỉm cười nhỏ nhẹ đáp:
- Dạ tôi có nghe thầy Hương quản nói qua. Nghe đâu tụi nó là đám em út đồ đệ gì của tướng cướp lừng danh Năm Cà Dom đó phải hông ông Tuần?
- Ừ phải đa. Ý cha, tụi này võ nghệ song toàn, nhứt là thằng đầu đảng của tụi nó. Thằng này luôn luôn bôi lọ nghẹ vằn vện trên mặt, đúng là một đứa ở trong làng mình đó thầy Hương quản à! (vừa nói ông vừa day qua hỏi ông Hương quản).
Ông nầy cau mày:
- Thì chắc mẻm như vậy rồi !... Bởi vậy tui mới nóng lòng muốn thộp óc nó... (đoạn ông ta thở dài) cái tụi gì mà lộng hành quá đỗi, đánh một đêm một hơi ba bốn cái nhà... Đang lúc mùa lúa mà mình cũng bận công kia việc nọ túi bụi chớ phải ở không đâu !
Ông Hương Tuần rụt rè hỏi:
- Thầy Hương quản à, nghe nói quan lớn chủ quận... có kêu ông cả mình lên... để cạo sát ván về cái chuyện đó phải hong thầy?
Thầy Hương quản nhăn mặt
- Chớ bộ chú hỏi kêu ông cả lên để... gắn mề đai điều cho ổng sao !
Ông Hương Tuần xẻn lẻn day qua phía anh giáo Tư hỏi lảng ra:
- Nè thầy giáo, thầy theo tụi này cho biết vì thế nào khi bắt được mấy thằng đó thầy Hương đây cũng nhờ thầy giáo lập vi bằng cho nó được… văn hay chữ tốt...
Anh Giáo Tư mỉm cười đáp:
- Dạ, không nói dấu gì, tôi ngán mấy cái chuyện... dao súng đó ghê lắm. Để chừng nào mấy thầy về, thầy Hương quản đây kể sơ qua đầu đuôi nội vụ là tôi làm у theo đó cũng được... Tối hôm nay, số sổ sách còn đọng chưa rớ tới cũng khá bộn...
Thấy Hương quản gật gù nói chen vô:
- Thôi anh em mình để cho chú giáo ở nhà, chớ bắt chú phơi sương lội ruộng theo anh em mình thì cũng… ngặt.
Vừa lúc ấy thím Hương quản từ trong nhà sau vén màn cửa buồng bước ra, nét mặt tươi rói. Đó là một người đàn bà trạc độ hai mươi lăm hai mươi sáu tuổi đẹp mặn mòi và chải chuốt se sua.
Vừa bước ra là thím Hương đã đon đả cất tiếng chào ông Hương Tuần:
- Chú Hương Tuần đến rồi hả ! Thím ở nhà mạnh giỏi chớ! Sao bữa hổm, đằng này tui thiếu một tay tứ sắc sai bầy trẻ nó đi qua bển mời thím Hương năm lần bảy lượt mà thím nhứt định hổng qua vậy? Bộ chú Hương... cấm thím hả? Chú làm cái chuyện ác nhơn sát đức đó... chú coi chừng tui nghen !
Ông Hương Tuần cười xòa:
- Ý trời đất ơi, con vợ tui nó có chưn có cẳng thì đi chớ mụ nội tui bây giờ hổng dám cấm cản nó nữa ! (bỗng ông ta nheo mắt nhìn sững vợ thầy Hương quản rồi trầm trồ) Cha, bữa nay thím Hương bận cái áo bà ba kiểu gì và bằng thứ hàng gì mà tui coi ngộ quá vậy !
Thím Hương bẽn lẽn cúi mặt xuống đất và đưa tay vuốt vuốt một cái nếp áo:
- Ờ kiểu áo bà lai... Kiểu này mấy cô mấy bà ngoài chợ Cần-Thơ người ta bận thường lắm. Còn hàng này là hàng Bom-bay mới có bán kỳ này nên nó hơi... hoa hòe một chút...
Ông Hương Tuần chép miệng nói phân bua với thầy Hương-quản:
- Thiệt thím Hương đây lịch sự người lại trắng trẻo nên ăn bận thứ gì tôi coi cũng ngộ hết, chớ còn con vợ tui ở nhà... ý cha, hễ nó bận một cái áo hơi có màu một chút là tui thấy sao nó giống... bà bóng bà đồng quá cỡ!
Thầy Hương-quản không trả lời, đưa tay vân vê bộ ria mép, mắt lim dim nhìn vợ một cách vừa âu yếm vừa... hài lòng, trong lúc anh giáo Tư ngó vu vơ lên nóc nhà tay nhịp nhịp cán viết trên bàn và miệng thì mủm mỉm như... khoái chí một điều gì!
Thím hương kiếm cách gợi sang chuyện khác
- Nè chú Hương Tuần ơi, tối nay chú dẫn mấy anh em khác đi ên một mình hổng được sao mà phải lôi ông nhà tôi theo nữa hả?
Ông Hương Tuần trợn mắt:
- Ý trời, thím Hương nói như vậy là... lộn ngược ngạo hết ! Tui phải đi theo phò tá ổng đây chớ! Đi ban đêm ban hôm như vầy rầu thúi ruột...
- Chớ bộ tui ở nhà đây sướng lắm sao! Chú Hương nghĩ coi: cả tháng nay, mười đêm như một, đêm nào đêm nấy ổng cũng mắc lo đi rỏn trong ruộng canh chừng sợ ba đứa tá điền nó lưu lúa đi hết, rồi mấy đêm nay lại đi rình mò trộm đạo cướp bóc nữa... ông thức đêm thức hôm riết rồi ổng ốm xọp đi, và hễ ổng dìa tới nhà là ổng nằm lăn kềnh ra ngủ ngáy khò khò, tui có lấy xà beng xeo ổng bây giờ ổng cũng chẳng nhúc nhích cục cựa nữa !
Cả thầy Hương-Quản lẫn ông Hương Tuần đều cười xòa. Thím Hương xẻn lẻn cúi đầu xuống rồi háy xéo hai người :
- Ớ…mấy ông nầy lảng òm !
Ông Hương Tuần làm bộ cự nự:
- Coi, tụi này có nói gì đâu ! (rồi ông xuống giọng làm lành)… Mà thiếm Hương nói như vậy cũng phải, nhiều khi tui tưởng hai ông bà như... một cặp vợ chồng son, nhứt là thím Hương... tui sợ mấy cô dâu mới cưới cũng còn thua xa nữa là khác !
Thiếm Hương cau mày chắc lưỡi:
- Đó, nữa đi ! Cái ông Tuần nầy sao bữa nay ông nhiều chuyện quá hổng biết !
Ông Hương Tuần vẫn chưa chịu thôi:
- Thiệt tôi cũng phục thầy Hương quản, vợ con như vầy mà thầy... tàn nhẫn vô nhân đạo bỏ bê hoài chớ ! (chợt nhớ tới anh giáo Tư, ông Hương Tuần day qua anh ta, tiếp lời) may mà có thầy giáo ở đây chớ hông thôi thím Hương... sợ ma chết rồi còn gì!
Anh giáo Tư buông cán viết xuống bàn và gượng cười một cách rất khó khăn.
Thím Hương thì liếc nhạnh về phía anh ta rồi nghiêm giọng đáp lời ông Hương Tuần:
- Nói nào ngay có chú giáo qua bên đây thì nhà cửa nó cũng bớt vắng vẻ trong đêm hôm, nhưng từ lúc tới cho đến giờ về, chú giáo hết chỉ vẽ cho mấy đứa nhỏ học bài thì nhảy qua chúi đầu chúi cổ vô mớ sổ sách, chớ có lúc nào rảnh rang đâu…
Ông Hương Tuần chép miệng than thở dùm cho thím Hương:
- Ờ, tui quên chuyện đó nữa há! Cơ khổ...như vậỵ thím phải trách ổng cho dữ mới phải…
Thầy Hương quản níu nhẹ tay ông Hương Tuần :
- Thôi anh em mình lại bộ tràng kỷ uống sơ vài chén nước rồi đi cho sớm. Anh em mình ráng chịu khó một chút chớ để rủi ro tới trễ tụi nó ăn hàng xong xuôi rồi ‘‘buồm’’ hết thì anh em mình chỉ còn có nước sáng mơi...vác cái mặt mo lên cho ông cả ổng xài xễ đã nư thôi !
Ông Hương Tuần gật gù bước theo thầy Hương:
- Ờ phải. Thiệt ba cái thằng ăn cướp chết dầm, sao nó hổng chịu mần ăn lương thiện như người ta để... làng xã thảnh thơi một chút hổng biết! Hồi đó, tui mà dè cái nạn trộm đạo, cướp bóc như vầy, tui chẳng ra cái chức Hương Tuần nầy làm gì cho nhọc sức. Thà ở nhà đuổi gà, giữ con cho má bầy trẻ mà khỏe hơn!
Thím Hương vội vã chạy tới trước rót nước ra tách, cho hai người...
... Một lát sau, thầy Hương nhìn đồng hồ rồi đứng dậy hối ông Hương-Tuần !
- Thôi mình đi chú Hương Tuần! Bộ chú tính làm hết. Cái nước dảo của bình trà này rồi chú mới nhốm đích sao? Tự nãy giờ anh em họ đợi đằng trước, họ chữi thề nhoi trời đất kìa!
Ông Hương Tuần còn ráng uống cho cạn chén nước:
- Đi thì đi !
Thầy Hương bước lại lấy cây súng hai lòng mang lên vai rồi day qua hỏi ông Tuần:
- Cây ca-líp đui tui mượn trên ông Cả đưa cho chú xài, chú để đâu rồi chú Hương Tuần?
- Tui nhờ một thằng ở ngoài nó đeo dùm chớ có mất mát đâu thầy lo!
Thầy Hương nhún vai:
- Chú sao lôi thôi tổ mẹ.
Vừa lúc ấy, thím Hương cầm một chiếc khăn bàn lông lớn đem lại đưa cho chồng:
- Nè mình, mình lấy cái khăn này quấn cổ, hông thôi lạnh rồi cảm đó nghen !
Thầy Hương đỡ lấy chiếc khăn, âu yếm nhìn vợ trong lúc ông Hương Tuần chắc lưỡi hít hà:
- Cha, bà cưng ông hết chỗ để há !
Thầy Hương bèn lên tiếng dặn vợ:
- Mình ở nhà biểu bầy trẻ mần vịt nấu cháo để sẵn đó chờ tụi nầy dìa ăn chơi. Mình nhớ nấu nhiều nhiều nghen...cho mấy em kia họ ăn luôn thể. Tui với chú Tuần đây đi.. chắc hổng lâu đâu.
Thím Hương cầm lấy cây đèn năm pin trao cho chồng.
- Mình có đi vô trỏng cũng nên...coi chừng coi đổi. Mình ỷ у quá hổng nên đâu nghen. Tụi ăn cướp này là thứ liều mạng, nếu tụi nó...lướt thế thì mình nên cho tụi nó chạy huốt đi, rồi sau này sẽ liệu.
Thầy Hương cười xòa rồi hỏi lại:
- Bộ mình quên rằng ở trên còn có ông Cả, thầy Cai, quan lớn Chủ quận nữa sao?
Thím Hương xụ mặt xuống:
- Xí, mấy ổng cũng ngồi vít đốc chớ làm cái gì? Mà bắt quá bị mấy ổng rầy, hay cách chức là cùng! Cái đó đâu có chết!
Thầy Hương vỗ nhẹ vào vai vợ:
- Thôi dẹp bà đi! Mình ăn nói...ngang ngược vậy sao được, (đoạn nhìn vô phía trong buồng, thầy Hương hỏi luôn) Bộ hai đứa nhỏ ngủ hết rồi hả mình?
- Ừa.
- Còn mình, mình cũng đi ngủ đi chớ đừng thức canh tui đó nghen ! À mình đi nhớ biểu sắp nhỏ dưới nhà nhắc chiếc ghế bố ra giăng mùng sẵn cho chú giáo ngủ...
Thím Hương ngước mặt lên hỏi liền:
- Bộ đêm nay chú giáo ngủ ở đây... (nhưng rồi thím xuống giọng thản nhiên nói tiếp)... Được rồi, mình để đó cho tui.
Thầy Hương day qua bảo anh giáo :
- Chú giáo có buồn ngủ thì nghỉ lưng đi nghen. Chừng nào tụi này dìa tới, tôi sẽ kêu chú dậy nhờ chú làm sơ tờ vi bằng để sáng mơi trình liền lên cho ông Cả…
Anh giáo Tư đứng dậy sốt sắng đáp:
- Dạ được, thầy Hương cứ để cho tôi...
Thầy Hương quản liền xô nhẹ vai ông Tuần đi ra:
- Anh em mình đi chớ !
Ông Tuần vừa bước đi vừa ngoái cổ lại:
- Thím Hương với thầy giáo ở nhà chờ đó nghen ! Tụi nầy đi nhấp nháy là dìa liền !
... Ngóng thấy hai người bước ra tới cửa rào, anh giáo Tư thở ra một hơi dài, gập mạnh quyển sổ đang làm lại, xô chiếc ghế ngồi qua một bên để mau chơn bước thẳng lại chỗ ngưỡng cửa nơi thím Hương đang đứng.
Thím Hương chưa kịp nói gì thì anh giáo Tư đã nắm tay thím kéo mạnh vào:
- Em đi vô đi để anh đóng cửa rồi tắt đèn măng xông!
Thím Hương hất tay anh ta xuống, thụp núp qua một bên cửa và xua anh ta đi:
- Anh... sao hổng ý tớ gì hết á! Để mấy ổng đi khỏi hẳn hoi đã. Chưa chi anh chờn vờn như vậy...
Vừa lúc ấy có tiếng chân người quay vô nhà. Thím Hương ló mặt ra nghe ngóng và thấp giọng cự nự anh giáo:
- Đó, thì em nói có sai đâu: có ai trở vô nữa kia kìa. Anh đứng xê qua một chút coi.
Thím Hương vừa dứt lời thì ông Hương Tuần đã bước trờ tới nói oang oang:
- Thím Hương chưa đóng cửa hả? Chút xíu nữa tui bỏ quên túi thuốc trong nhà rồi....
Thím Hương đưa tay áp vào ngực:
- Dữ hông! Chú làm tui hết hồn... (rồi thím gượng cười nói trớ đi)... Bị mấy ông bàn tán chuyện ăn trộm ăn cướp hồi nãy nên mới rồi tui nghe có tiếng chơn người lạo xạo... tui tưởng là quân gian chớ.
Ông Hương Tuần nhìn thím Hương trong một giây rồi bước lại bộ tràng kỷ lấy túi thuốc:
- Thôi tui lui đây. Thím đóng cửa lại đi, muốn chắc ăn thì thím nhờ thầy giáo đây đóng luôn mấy cây song hồng vô thêm nữa.. Mà có thầy giáo ở đây thì thím còn sợ cái gì chớ! Chẳng lẽ quân cướp dám cả gan nhè cái... ổ ong vò vẻ này mà tụi nó đâm đầu vô !
Anh giáo Tư bèn nói chen vào
- Ối hổng có gì đâu ông Hương Tuần à. Chắc thím Hương đây... lo cho thầy Hương... nên mới sợ bóng sợ gió như vậy đó mà!
Ông Hương Tuần cười rộ lên
- Cha, thầy giáo tinh ý dữ quá he!
Nói xong ông ta bước vội ra ngoài sân rồi biến mình trong đêm tối.
- Anh sao còn bày đặt lép xép cái lỗ miệng nữa hổng biết! Thằng cha Hương Tuần đó nó khôn giàn trời mây chớ hổng vừa đâu nghen!
Anh giáo nheo mắt mỉm cười:
- Ý cha, người ta binh mình hết mình mà còn trách nữa chớ!
- Xí, ai cần anh binh?
Anh giáo lại cười mơn:
- Thôi anh đóng cửa và tắt đèn măng xông nghen?
Thím Hương cau mày
- Đóng cửa thì… đóng, nhưng khoan tắt đèn đã! Mấy đứa nhỏ nó mới vô mùng và bầy trẻ còn lăng xăng mần gà mần vịt dưới bếp đó!
Anh giáo xuống giọng năn nỉ :
- Để đèn... hao xăng lắm mà !
Thím Hương trề môi:
- Chà, anh hà tiện quá !
Anh giáo dùng dằng bỏ đi đến bên cạnh bàn viết, kéo mạnh chiếc ghế ra rồi ngồi phịch xuống
- Em sao làm khó dễ hoài hè? Bộ bữa nào cũng có một đám ăn cướp như vầy sao!
Thím Hương bước lại gần anh ta, xuống giọng vỗ về:
- Thì để em biểu tụi nó lên đem ghế bố ra giăng mùng sẵn cho anh đã, rồi sau đó... mình có nói chuyện hổng phải dễ hơn không ! Em còn nóng ruột bằng mười lần như anh nữa là đằng khác!
Anh giáo tươi hẳn mặt lên:
- Vậy hả ! Thôi em hối con nhỏ ở lên đem ghế bố ra rút đi. Em sao huỡn đãi quá hổng biết !
Thím Hương mỉm cười liếc xéo anh ta rồi bỏ đi về phía cửa buồng, miệng réo gọi con ở :
- Bảy a! Mầy bỏ đó lên đây tao nhờ một chút coi!
Con Bảy còn lục đục dưới bếp một hồi rồi mới ló mặt lên:
- Thím kêu con chi thím?
- Mầy vô vác cái ghế bố ra bắt gần chỗ bàn viết cho thầy giáo để thẩy mần sổ sách xong thẩy nghỉ lưng chờ ông mầy về... Nè, mầy vô buồng mở tủ lấy luôn cái mùng mới một nóc đó đem ra giăng luôn nghen Bảy.
- Dà.
Trong lúc con Bảy loay hoay banh ghế bố ra rồi giăng mùng, thím Hương day qua niềm nở bảo anh giáo
- Đó chú Giáo, khi nào chú Giáo mỏi mệt chú Giáo nằm nghỉ đi nghen. Chú nhớ tắt đèn măng sông dùm... Thôi tôi cũng vô ngủ đây chớ hơi sức đâu mà chờ ổng về..
Anh Giáo mỉm cười đáp:
- Dạ cám ơn Thím Hương... chắc tôi cũng tắt đèn liền bây giờ...
Thím Hương cau mày nhìn anh trong một giây rồi quay sang phía con Bảy:
- Bảy à, thôi mày xuống dưới bếp coi lại nồi cháo... Mày cứ cào lửa để than riu riu đó cho tao rồi mầy đi ngủ trước đi, chừng nào mấy ổng dìa tới tao sẽ kêu mày dậy.
Con Bảy ‘‘dà’’ một tiếng, bươn bả đi thẳng xuống nhà dưới như nóng lòng muốn cho xong công việc để nghỉ ngơi.
Thím Hương đứng xớ rớ ở đó chưa biết phải làm gì thì anh Giáo đã bắt ghế; bước lên và vói tay khóa hơi ngọn đèn măng sông...
Ánh sáng chợt tắt làm Thím Hương bối rối. Thím chắc lưỡi rồi hấp tấp chạy tuốt vô buồng khi nghe tiếng chân của anh Giáo bước xuống chạm vào chiếc ghế nghe lụp cụp lạc cạc.
Anh Giáo lật đật đuổi theo, nhưng khi đi ngang qua chiếc tủ thờ cẩn ốc để ở cuối gian giữa, trên có để một ngọn đèn ống khói trứng vịt leo lét, anh ta bỗng nhiên sượng lại… rồi len lén nép mình sát vô vách lần từng bước đi về phía buồng thím Hương…
Nghe tiếng chân người chạm nhẹ vào ngưỡng cửa buồng, thím Hương vừa nằm thụt sát tuốt vô phía trong giường vừa hỏi nho nhỏ:
- Ai... đó vậy?
Anh Giáo không đáp liền mà bước thẳng lại vén mùng lên đưa tay quờ quạng níu lấy ngang mình thím Hương lôi nhẹ ra:
- Thì... ai vô đây nữa !
Thím Hương cố nhoài người nhích ra nhưng không mấy kết quả nên đành thở ra một hơi dài rồi thì thầm cằn nhằn anh Giáo :
- Anh sao hổng bỏ tật lớn... Anh ẩu tả như vầy có ngày hai đứa chết dính chùm với nhau chớ hổng chơi đâu!
Anh Giáo vừa hôn nhẹ dưới vành tai của người tình vừa xầm xì
- Ẩu cái gì mà em nói hổng biết ! Giờ nay ổng đi mất rồi, cửa nẻo anh đã đóng kỹ... trong nhà quanh đi quẩn lại có ai nữa đâu ! Bất quá anh vọt ra ghế bố nằm ngủ... hay chạy ra mở cửa cho ổng vào là cùng chớ gì !
Thím Hương vẫn còn cự nự:
- Em nói để chút nữa yên, em ra ngoài mà!
Anh Giáo đã nằm hẳn lên giường từ lúc nào:
- Chút nữa, chút nữa... để cho ổng về tới kịp thì còn mau chết nữa! Mà em ra ngoài hay anh vô trong, nầy thì... cũng vậy chớ gì...
Thím Hương hất mạnh tay anh ta xuống:
- Anh cái gì cũng... xô bồ xô bộn hết á ! Nhưng đây là... buồng của em và mọi khi ổng ngủ trên cái giường nầy đây nè ! Mình cũng nên... nể mặt người ta một chút chớ...
Anh giáo Tư cười khúc khích:
- Nếu thiệt tình muốn... nể mặt ông Hương quản thì hai đứa mình đã... không dám chàng ràng với nhau như vậy! Thôi mà em, em đây hổng phải là... vợ ‘‘của’’ thầy Hương sao? Đó em coi em đâu có tiếc chút xíu nào với anh đâu, như vậy em còn để ý gì đến căn buồng này, đến cái giường nầy...
Thím Hương khẽ trở mình rồi thở dài như cam phận, Anh Giáo xoay người theo, chép miệng nói đùa
- Em thiệt giống mấy người ăn xài bạc trăm bạc ngàn hổng tiếc, mà có khi... xót ruột vì một hai cắc bạc !
Thím Hương nhoài đầu lên, cắn nhẹ vào vai anh ta:
- Anh thì giỏi bép xép cái miệng ! Anh hổng biết chớ anh... xấu thói lắm, mấy lần trước ở bên nhà, tuy không có ai, nhưng anh làm em ngán thấy mồ !... Bộ anh quên rằng có… mấy đứa nhỏ nó ngủ ở buồng bên kia sao ! Em sợ... là sợ như vậy đó !
Anh Giáo Tư thích chí thiếu điều muốn cười rộ lên nhưng anh ta chỉ đáp, giọng như nghiến giữa đôi hàm răng:
- Thì người ta có thương mình người ta mới như vậy. Thử thời em đem các cô mười bảy mười tám lại coi anh có quí bằng em hông ! Mà em làm như em... tốt nết lắm vậy !
Thím Hương vừa nhích người vô phía trong vừa đưa tay phủi lia:
- Mắc dịch anh... Bộ anh nói em...
Thím chỉ nói thêm được có bấy nhiêu đó, và những tiếng sau cùng như chìm lắng... đi đâu mất.
°
° °
... Tiếng của hai con thằn lằn cắn đuổi nhau trên vách ván nghe rõ mồn một làm cho anh giáo Tư giật mình. Cả mấy gian nhà sao im lặng quá... Nhưng rồi anh ta cũng chẳng thèm để ý tới điều ấy nữa...
Thím Hương bỗng nhích đầu qua …đưa tay lắc nhẹ vai anh Giáo, rồi mãi một lúc sau mới hớt hải hỏi nho nhỏ anh Giáo
- Cái gì em nghe một tiếng ‘‘phịch’’ như...
Anh Giáo vuốt nhẹ má Thím Hương
- Cái gối rớt xuống gạch đá mà ! Bộ em nói ai nhảy vô đây sao!
Thím Hương thở phào ra
- Vậy mà em hết hồn hết vía! Đây nè, anh để tay đây coi, nó làm như... đánh trống chầu ở trỏng vậy!
Anh Giáo sốt sắng hỏi lại :
- Đâu, đâu?
- Đây nè nè... Nghĩ anh ra đi! Hổng thèm nói với anh nữa đâu...
Thím Hương buông sải hai tay lên mặt giường, và quay qua anh Giáo, giọng buồn ngủ:
- Mấy giờ rồi anh? Em mới nghe kiểng đồng hồ...
- Ối, anh có biết gì nữa đâu! Cái đồng hồ ở ngoài nhà là đồng hồ đờn, nên cứ mười lăm phút nửa giờ là nó đánh kiểng đờn ‘‘tình tang tình tang'’... Mà tự nãy giờ anh nghe văng vẳng nó ‘‘ đờn’’ hai ba xáp gì đó...
Thím Hương quơ lấy cái mền, xổ ra phân nửa rồi vừa đắp lên người vừa kêu :
- Đâu có dữ vậy anh! Nếu vậy khuya ớn rồi đa!
Bỗng có tiếng chó sủa rộ lên ngoài cửa rào rồi có tiếng ông Hương Tuần vừa la chó vừa réo gọi vọng vô:
- Thím Hương ơi ! Thím Hương! Thím thức hay ngủ đó. Thím Hương !... Thầy giáo ơi thầy giáo ! Mau mở cửa cho tui vô.
Tiếp theo đó là tiếng vỗ cửa nghe rầm rầm...
Thím Hương ngồi choàng dậy đưa tay lắc mạnh vai anh Giáọ Tư:
- Ý trời ơi, họ dìa tới kìa anh !
Anh Giáo bò rột ngồi lên, hai tay quơ quàng phía dưới chân giường...
Thím Hương vừa lập cập xỏ chiếc áo túi vô, vừa hớt hải hỏi anh Giáo
- Mau đi anh ơi ! Anh làm ơn chạy rút ra mở cửa dùm một chút !
Anh Giáo vội vã bước xuống trong lúc hấp tấp chạy đi, đá nhằm một chiếc guốc của Thím Hương văng đụng vô vách ván.
Thím Hương vừa sợ vừa bực, chắc lưỡi nho nhỏ...
Và trong lúc anh Giáo Tư lạch cạch nhấc mấy cây song hồng lên để kéo mở hai ba cái chốt cửa, Thím Hương nhanh nhẹn bước xuống giường, mò nơi đầu giường lấy hộp quẹt ra đốt ngọn đèn dầu móc trên cột. Đoạn Thím bước trở lại sửa hai chiếc gối tai bèo và chiếc gối ôm cho ngay ngắn chiếc chiếu lại cho bằng phẳng, với tấn lại mấy chỗ mí mùng bung ra...
Thím nhìn kỹ lại một lượt khắp mọi nơi, rồi mới khoan thai bước ra khỏi cửa buồng...
...Thấy ông Hương Tuần đang xầm xì với anh Giáo ngay chỗ cửa cái, thím Hương bưng luôn chiếc đèn chong trên bàn thờ xuống vặn cho sáng thêm hơn rồi mang lại phía hai người.
Thím ngạc nhiên khi nhận thấy bỗng nhiên hai người ấy nín bặt, rồi cả hai đều lấm lét nhìn về phía mình, và thím đăm ra lo sợ phập phòng... Nhưng thấy không có mặt thầy Hương quản ở đó, thím cũng... vững lòng đôi chút và làm tỉnh cất tiếng hỏi lớn:
- Ủa, còn ông nhà tôi đâu? Bộ ổng chưa dìa tới sao chú Hương Tuần?
Ông Hương Tuần đưa mắt nhìn anh Giáo Tư, tằng hắng lên mấy cái rồi ông ta vừa bẻ mấy ngón tay kêu răng, rắc vừa ấp úng đáp
- Dạ... tui cũng mới vừa cho thầy giáo đây hay...
Thím Hương chận ngang
- Coi, chuyện gì vậy chú Hương? Chuyên gì vậy... chú Giáo?
Anh Giáo Tư thở ra rồi giơ tay chỉ về phía ông Hương Tuần:
- Có chuyện...chẳng lành …thím Hương à. Ông Hương Tuần đây mới cho tôi biết sơ...Thầy Hương Quản bị thương nặng...
Thím Hương trợn mắt hỏi lại ông Hương Tuần một hơi
- Chú nói sao chú Hương Tuần? Ông bị thương à? Mà làm sao để cho bị thương? Nặng hay nhẹ hả chú Hương?
Ông Hương Tuần nhăn nhó
- Dạ, tui cho người lấy tam bản bốn chèo, chèo rút chở thầy Hương lên trên nhà thương Ô Môn rồi... Thiệt tức quá tui la cản thầy mà thầy đâu có chịu nghe cho nên mới ra nông nổi ấy...
Thím Hương dậm chân chắc lưỡi:
- Bắt sống nó tế mồ tế tổ gì mà ổng ham quá vậy hổng biết hả chú Hương?
Ông Hương Tuần nhún vai:
- Bởi vậy nên mới tức cành hông: thấy thằng đầu đảng bị động ổ chạy vọt ra, tụi kêu thẩy пổ mẹ nó hai phát liền để ria cái thằng chúa ôn đó...lủng như cái rổ xúc cho rồi, nhưng thẩy đòi bắt sống nó hè ! Tui tức quá, tính dệnh cho nó một phát ca-líp đui của tui, nhưng thẩy hất tay tui bật qua một bên rồi xách súng nhào theo rượt đuổi thằng đầu đảng...
Như đoán trước được việc sẽ phải xảy ra, thím Hương thở ra một hơi dài não ruột, đoạn cúi mặt xuống.
Thím bỗng để ý đến một chiếc nút áo túi còn chưa kịp gài vào khuy. Thím liếc nhanh về phía anh Giáo rồi lẹ tay gài luôn lại chiếc nút áo còn sót ấy. Bất chợt cái nhìn đó, anh Giáo đâm ra sượng sùng nên vội quay mặt ngó ra phía ngoài sân và tự nhiên cũng đưa tay lên vuốt vuốt lại mái tóc cho suông sẻ...
Thím Hương rầu rầu hỏi nhắc lại ông Hương Tuần
- Rồi sao nữa chú Hương?
- Dạ thấy vậy tui cũng nhào theo phía sau lưng thầy Hương... lúc bấy giờ anh em cũng đã nổi đuốc lên, kẻ rượt theo bọn cướp chạy túa ra đồng người chạy theo tụi này để ví bắt thằng đầu đáng. Nhưng khi thầy Hương vừa chạy trờ tới một cây rơm chất gần chuồng trâu, thì thằng đầu đáng núp chận đón ở đó nhảy ra quánh tạt một cây roi tằm vong vô đầu thầy Hương... Tui nghe ‘‘bốp’’ một cái, thầy Hương chỉ kêu lên hai tiếng ‘‘chết tui’’ rồi té lật ngang dẫy tê tê. Tui sợ thằng đầu đáng đánh bồi thêm nữa nên cất súng lên nổ một phát... Thiệt gần quá mà, chỉ cách nó có năm sáu bước gì đó...
Anh Giáo Tư hỏi chen vô:
- Có trúng ngay nó không hả ông Hương?
- Trúng ở đâu thì tui hổng biết chớ nhứt định là... có trúng. Tui nghe nó rên lên một tiếng rõ ràng mà !... Như bò rống vậy !... Rồi tui thấy nó loạng choạng chạy bương tới để nhào vô trong đám lát gần mé rạch… Tui có bắn nà theo mấy phát liền, thế nào nó cũng lãnh thêm vài ba vít đạn nữa mà !
Thím Hương có vẻ sốt ruột:
- Mà rốt cuộc rồi có bắt được nó hay không?
Ông Hương Tuần đáp hơi to tiếng:
- Coi, thầy Hương thầy nằm cứng đờ một đống ở đó thì ai đâu còn bụng dạ nào mà rượt theo nó nữa chớ ! Tui mới cắt đặt anh em tốp thì lo chở thẩy tuốt lên nhà thương chớ lúc đó thẩy... hết biết rồi, đứa thì dông dìa phi báo cho ông Cả hay... Còn tui, tui lội rút vô đây để cho thím rõ.
Thím Hương gật đầu:
- Được rồi, để tui kêu mấy đứa bạn ở đây đẩy tam bản xuống để tốc đi ra nhà thương Ô-Môn liền bây giờ.
- Phải đa. Thím nhớ đem theo một vài bộ quần áo lên nhà thương để thẩy thay đổi... Lên trển thím nhớ nói lại với thẩy dùm; sáng mơi tui lên thăm thẩy, còn bây giờ tôi phải quay vô trỏng để coi mấy anh em tụi nhờ chận cảc nẻo đường có thấy gì hông. Thím nhớ nói luôn với thầy Hương, sớm hay muộn gì tui cũng thộp cổ được thằng đầu đáng đó. Hồi nãy tui lấy đèn pin soi dưới cỏ thấy có vết máu của nó chạy dài, như vậy phăng lần tới mấy hồi.
Anh Giáo rụt rè hỏi vô:
- Sao Ông Hương không... rượt theo nó luôn; chớ để tới bây giờ chắc nó đủ thời giờ cao bay xa chạy?
Ông Hương Tuần ‘‘xì’’ một tiếng:
- Tui rượt theo rồi ai trông coi hối thúc anh em lo chở thầy Hương đi cứu cấp đây ! Thầy Giáo khỏi lo. Thằng đó nếu là dân xứ khác, nó mạnh giỏi thì người ta còn chứa chấp nó, chớ bây giờ nó bị thương như vậy, mụ nội ai cũng hổng dám rước nó nữa !
Mà mình biết chắc nó là người trong làng, như vậy thế nào nó cũng còn ráng bò lê dìa nơi quen thuộc, hay nơi nhà nó ở cũng hổng chừng, để băng bó sơ sơ và quơ quàọ chút đỉnh tiền nong trước khi khơi sang xứ khác lánh thân...
Như thêm đắc ý, ông Hương Tuần gật gù rồi hăng hái nói tiếp:
- Nó chưa đi xa được đâu thầy Giáo à ! Tui dám cam đoan với thầy: nội nhựt ngày mơi tui sẽ thộp cổ được thằng đầu đáng cho thầy coi !
Anh Giáo vừa liếc trộm thím Hương vừa trả lời đẩy đưa
- Ông Hương nói vậy là... đúng rồi chớ sai chạy đâu nữa được...
Ông Hương Tuần như không để ý đến lời của anh Giáo Tư quay qua ái ngại nhìn Thím Hương, rồi rụt rè hỏi thím:
- Thôi Thím Hương cũng sửa soạn đi lên chợ... Chắc thím biết chỗ nhà thương rồi...
Thím Hương như sực tỉnh:
- Ờ để tôi đi liền cho kịp con nước lớn... Thiệt tôi bây giờ cũng như người mất hồn...
Ông Hương Tuần nhìn Thím Hương quán chép miệng than thở:
- Cơ khổ, mới có nhấp nháy đó mà bao nhiêu chuyện đã xảy ra... Thôi, tui quay trở vô trong ngọn để lo phần việc của tui đây.
Nói xong, ông ta rón rén lui ra cửa rồi bước đi thẳng một mạch...
Mười phút sau, Thím Hương đầu đội khăn bàn lông, tay ôm một gói quần áo nhỏ, từ nhà trong bước ra.
Anh giáo Tư liền xáp lại:
- Em để anh di theo... cho có bạn.
Thím Hương không ngó lại, đáp giọng hơi xẳng:
- Đến nước này mà anh còn... ung dung làm như hổng có chuyện gì xảy ra hết vậy ! Người ta lo thiếu điều hụt hơi đây...
Anh Tư te te bước theo:
- Coi, thì anh cũng lo cho em đây nè !
- Nếu vậy thì anh chịu khó ở lại coi chừng nhà cửa và hai đứa nhỏ dùm em.
Anh Tư nhún vai, giọng lẩy đương:
- Cũng được.
Thím Hương đứng lại, có ý làm lành :
- Tội nghiệp em mà anh ! Trong tình cánh này, dầu sao mình cũng nên nghĩ đến ổng một chút, dầu sao ổng cũng đã... ăn ở với em có hai mặt con và trên suốt mười năm nay không có một tai tiếng gì...
Anh Tư nhích mép cười:
-... Chưa có tai tiếng gì đúng hơn, và nội cái đó em cũng đủ thấy là anh khéo xử lắm nghen!
Thím Hương cúi đầu làm thinh, rồi lặng lẽ bước đi.
Anh Tư kèm theo bên cạnh:
- Anh biết trong lúc bối rối như vầy, người ta hay nóng nảy bộp chộp là sự thường, nhưng chuyện đời đâu phải chỉ có một ngày một bữa gì... Nó còn dài lắm em à ! Và dầu trong hoàn cánh nào cũng vậy, em nên tin chắc rằng anh luôn luôn sẵn sàng chia xớt ngọt bùi cay đắng với em. Như vậy cũng có chỗ… đỡ phải không em?
Thím Hương tìm cách nói trớ sang chuyện khác :
- Anh ở nhà, mấy đứa nhỏ có thức giấc bất tử hay nếu sáng mơi em chưa về kịp thì anh cũng liệu lời nói với tụi nó. Anh nói với thằng Long và con Hạnh rằng cậu của hai đứa nó... đau nằm nhà thương và em thì đi lên thăm. Anh nói sơ vậy thôi chớ con nít con nôi biết nhiều quá cũng chẳng lợi lộc gì...
Giọng nói của anh Tư bỗng có vẻ gắt gỏng
- Được rồi, có chút xíu đó mà em cũng dặn tới dặn lui. Để thây kệ anh liệu lời nói với tụi nó sao cho yên thì thôi.
- Thì em nói... là là nói vậy... Thôi em đi nghen!
Thay vì đáp lời, anh giáo Tư lúng túng cằn nhằn:
- Thiệt cái đêm mắc toi gì sanh lắm chuyên rắc rối quá hổng biết ! Cũng tại thằng ăn cướp chết đâm đó !
Rồi đứng im nhìn theo Thím Hương bước thẳng ra cửa rào để đi xuống bến sông, anh Tư chợt nghĩ ra điều gì nên đưa mấy ngón tay lên búng kêu tách tách và lẩm bẩm nói như nhủ với mình:
- Chuyện đời còn dài... biết đâu !...
Bấm đèn pin soi lần theo vết máu… đi phăng tới đầm lác, lội theo lằn lác bị ngã rạp, ông Hương Tuần thất vọng đứng trước bãi bùn ở mé kinh.
Vừa quơ đèn pin rọi theo một hàng dấu chân mới in ràng ràng trên bãi bùn, ông Hương Tuần vừa nói với anh tráng đinh đi theo mình:
- Cái điệu nầy chắc nó còn sức lội băng ngang con kinh nhỏ này đó Năm à... Mà qua bên kia bờ, đồng trống minh mông thiên địa, mụ nội tao bây giờ cũng hổng biết nó khơi dìa hướng nào nữa.
Anh Năm ngó mong về phía tối om ở bên kia mé kinh:
- Dạ phải đó ông Hương... Chắc chuyến nầy nó đi huốt được nữa...
Ông Hương Tuần chép miệng :
- Bộ mấy phát đạn của tao hổng trúng vào chỗ nghiệt của nó sao mà!
Anh Năm không biết đáp sao cho ổn, chỉ đành ‘‘dà’’ một tiếng lơ lửng...
Ông Hương Tuần trao đèn pin cho anh ta và bảo:
- Nè Năm, mầy đi lấy chiếc xuồng bơi lại đây chở tao qua kinh. Tao với mầy chỉ có nước kiếm... cầu âu, chớ mép ở bển ‘‘tràng giang đại hải’’ lớp ruộng mương, lớp đồng năng, lớp bàu sen, mình làm sao biết chỗ nào có dấu vết của nó mà phăng tới hả Năm?
Anh Năm lại ‘‘dà’’ một tiếng…vô thưởng vô phạt nữa rồi cầm cây đèn pin dông đi lấy xuồng...
... Qua tới phía bên kia bờ kinh, ông Tuần quơ quơ đèn pin rọi ‘‘tứ tung ngũ hoành’’ một hồi rồi buông thỏng tay xuống, day qua hỏi anh Năm:
- Bây giờ mày tính sao Năm?
Anh Năm ấp úng đáp:
- Dạ... ông Hương tính sao đó tính... chớ tui biết khỉ gì…
Ông Hương Tuần thở ra:
- Tao... bí nên mới hỏi mầy, mà mầy lại trả lời cái điệu đó thì kể cũng như không!
Đoạn ông ta đứng chống nạnh ngó mong về phía đồng trống một hồi rồi lại hỏi anh Năm
- Mầy biết có nhà cửa nào ở gần gần đâu đây không? Cái này tao chắc mày rành.
- Dạ, từ đây vô tuốt trong ngọn sâu thì không có ai ở hết, nhà cửa chỉ gom dìa cận ngoài vàm... Để tui nhớ lại coi… gần đây nhứt có nhà của ông Sáu Giò rồi kế nhà của anh Ba Câu, anh Ba... xuồng câu đó ông Hương,
Ông Hương Tuần lắc đầu :
- Ối hai cha nội đó hiền khô chắc hổng có cha nào là thằng mặt lọ nghẹ đâu! Mà thôi tụi mình cũng thả rề lên miệt đó để dọ hỏi lần coi có ai nghe thấy gì lạ hông...
Thấy cánh cửa líp nhà ông Sáu Giò mở toang, ông Hương Tuần bèn xồng xộc đi vào, bật đèn pin lên rọi sơ qua một vòng :
- Ủa, khuya lơ khuya lắc mà cha nội này đi đâu để nhà cửa trống trơn như vầy nè !
Anh Năm chưa kịp chen vô phía trong nhà thì ông Hương đã ghim ngọn đèn pin rọi thẳng xuống khoảng đất nơi ngưỡng cửa và lập bập kêu lên :
- Ý, trời trời... sao có máu đọng vũng đây nè Năm?
- Đâu đâu ông?
Ông Hương Tuần lẩm bẩm:
- Lạ quá! Chẳng lẽ thằng lọ nghẹ là ông già Sáu Giò? Mặc dầu hồi nãy đèn đuốc nhấp nhem tao cũng thấy rõ vóc vạc của nó là bực trung và có da thịt chớ đâu cao lỏng khỏng ốm teo ốm nhách như ông... tre miễu Sáu Giò !
Anh Năm cũng nói ùa theo:
- Chắc không phải ổng đâu ông à... Hay là thằng đầu đảng nó về đây... bắt ổng dẫn đi rồi !
- Hứ, dẫn đi tế mồ nó sao! Thôi tao với mầy đi bương qua nhà kế cận... nhà của thằng Ba xuồng câu phải hông mầy?
- Dạ phải !
- Ờ, mình qua bên hỏi thăm coi có ai nghe lộn xộn gì ở bên này hông,
- Dạ tui chắc giờ này ở bển chẳng có ai anh Ba thì thả xuồng câu tôm ngoài sông, Ở nhà chỉ có đứa con gái nhỏ của ảnh.
- Ờ, tao quên nữa há ! Thôi mình cũng đi…cầu âu rồi hỏi thăm lần lần sang mấy cái nhà kế đó nữa coi.
Sang đến sân nhà anh Ba Câu, ông Hương Tuần và anh Năm thấy đèn chong sáng trưng phía trong nhà. Ông Hương Tuần ngạc nhiêh khều anh Năm, hỏi nhỏ:
- Uả, bộ thằng Ba nó hổng có đi câu đêm nay sao? Kìa kìa, có thằng cha nào mới ló ra cửa để nghe ngóng gần như là ông Sáu Giò vậy?
- Ông Sáu đó chớ ai !
Ông Hương Tuần lấy cây súng một lòng mang trên vai xuống để cầm sẵn nơi tay rồi trao cây đèn pin cho anh Năm và thì thầm căn dặn:
- Vô tới nhà, mầy bóp đèn chiếu liền, và hễ có ai rục rịch chạy thì mầy rọi theo để tao nổ nó nghen !
Đoạn hai người xăm xâm đi thẳng vô cửa.
Mặc dầu đèn trong nhà sáng trưng anh Năm cũng bật đèn pin lên liền và rọi thẳng vô giữa mặt người mà anh ta ‘‘chạm trán’’ đầu tiên. Đó là ông Sáu Giò.
Ông Hương Tuấn chong súng lên và quát lớn với ý định chận đầu trước:
- Ê ông già Sáu, ông đứng yên, tôi rõ hết rồi, ông dẫn thằng lọ nghẹ giấu đi đâu, nếu biết điều thì chỉ cho mau!
Ông Sáu vừa lấy tay che mắt vừa bình tĩnh đáp:
- Chói mắt quá mấy ông ! Mấy ông muốn bắt thằng… nghẹ thì để tui chỉ cho...
Ông Hương Tuần ghìm ghìm mũi súng, hỏi dồn:
- Đâu đâu, nó ở dâu?
- Nó ở đây nè.
Cặp mắt ông Hương Tuần đáo lia trong lúc ngọn đèn pin trên tay anh Năm cũng …quét qua quét lại...
Ông Sáu Giò liền lên tiếng chỉ:
- Nó nằm đắp mền ở trên sạp tre bên trái đó ! Ngọn đèn pin và mũi súng chong về hướng đó. Ông Hương Tuần hấp tấp hỏi:
- Ai vậy đó ông Sáu?
Ông Sáu Giò cười mũi:
- Thì thằng.. lọ nghẹ mà mấy ông kiếm bắt còn ai vô đó nữa !
Ồng Hương lườm lườm nhìn ông Sáu:
- Bộ cha già này muốn nói vần lân sao mà! Ai hổng biết nó là thằng lọ nghẹ, nhưng thằng lọ nghẹ là cha căng chủ kiết nào mới được chớ!
Ông Sáu thở dài rồi trả lời gọn lỏn:
- Chủ nhà này mà!
Ông Hương Tuần trợn tròn đôi mắt trong lúc anh Năm cũng lơi tay buông tắt ngọn đèn pin:
- Chủ nhà nầy! Thằng Ba Câu? Vô lý!
Ông Sáu Giò có vẻ bực mình:
- Mấy ông hỏi tui chỉ, còn vô lý hay có lý gì đó thì mấy ông cử bước lại dở mền ra coi... Dễ quá mà !
Vừa lúc ấy, người nằm đắp mền kín mít bỗng nhoi đầu ra và phều phào lên tiếng:
- Mời ông Hương Tuần lợi đây...
Tự nhiên ông Hương Tuần lùi lại một bước, ghim thẳng mũi súng về phía trước và lắp bắp kêu:
- Năm, Năm... rọi đèn lên mậy !
Tên cướp, mặt mày vẫn còn mang vết lọ nghẹ, cười khẩy, giọng tuy mệt mỏi nhưng không kém phần chế diễu;
- Tui là thằng Ba Câu đây mà !... Ông bắn súng khá đa ông Hương Tuần! Bình tĩnh lại đi ông Hương, tui dìa... tới mức và hết chạy đi đâu nữa được rồi mà!
Ông Hương Tuần rụt rè hỏi lại:
- Bộ mầy là... thằng Ba Câu thiệt hả Ba?
Một nụ cười héo hắt nở trên môi tên tướng cướp:
- Ông này bộ ổng... lẩn rồi sao mà ! Tui... thiệt đây mà! Đây, ông muốn coi giấy thuế thân tui sẵn lòng đưa cho ông xét...
Ông Hương Tuần quay qua nói như muốn phân bua với ông Sáu Giò
- Thiệt tui có dè đâu nó là... thằng Ba Câu nầy nè ! Sao mọi khi nó hiền khô, chơn chất lo mần ăn...
Ông Sáu buồn bã lắc đầu:
- Thì tui ở khít vách nó đây mà cũng hổng biết gì ráo ! Cho đến lúc nãy nghe súng nổ, rồi mõ hồi một nổi lên tứ tung, rồi kế tới thằng... Ba đây nó lủi vô nhà tôi máu me đầy mình... Mới đầu tui cũng tưởng ai, sau mới biết là nó nên kè nó dìa bên nầy đẽ băng bó...
Ông Hương Tuần hơi cau màỵ:
- Nhưng sao ông không chạy đi báo cho làng xã biết...
Ông Sáu nhún vai:
- Thì ông Hương nghĩ coi: tui thấy nó cũng không còn sống bao lâu nữa nên cũng có hơi... hưỡn đãi một chút, với lại thằng Ba đây nó cũng muốn trối lại với tui một vài điều...
Ông Hương Tuần chận ngang:
- Chắc nó căn dặn chỉ bảo ông về... mấy chỗ nó chôn dấu vàng bạc tích trữ từ hồi nào tới giờ phải hông? Tụi nó đánh mấy đám khá lắm mà!
Sáu Giò quắc mắt lên rồi cười khan:
- Tui nghèo thì nghèo... hết chỗ để ông Hương Tuần à, nhưng không phải vậy mà ham muốn mấy thứ của hoạnh tài ấy đâu. Ông hổng tin ông cứ hỏi thẳng thằng. Ba thì rõ... mà ông nhớ hỏi gấp chớ hông thôi nó sắp chết đến nơi bây giờ...
Anh Ba lại phều phào nói chen vô:
- Ông Sáu nói đúng đa ông Hương...
- Được rồi, để lát nữa tao sẽ hỏi cung mầy... Mà thôi để tao lo chở mầy đi nhà thương để họ lo cứu mầy sống đã rồi sau sẽ tính.
- Tính cho tui ở tù rục xương hay là đày đi Côn đảo hả? Đâu có dễ vậy ông Hương Tuần.
Ông Hương Tuần xốc cây súng trong tay:
- Mẻ ! Bộ mày muốn... hăm he tao sao chớ?
Anh Ba lại mỉm cười:
- Đâu có dám vậy ông Hương ! Tui nói như vậy là muốn... khen ông bắn giỏi đó. Cha, ông nã tụi mấy phát thiếu điều... kề mũi súng sát vô áo nên bấy mình hết, sống gì nổi nữa mà ông còn lo chở tui đi nhà thương (bỗng anh ta quơ tay chụp một ngọn mác thủ sẵn bên mình giơ cao lên rồi quay mũi trút xuống ngay cổ họng). Mà tui nói thiệt; hễ ông rờ tới tui để chỡ đi nhà thương là tui đâm cổ chết liền cho ông coi.. mát con mắt !
Ông Hương Tuần giơ tay ra phía trước như muốn cản ngăn :
- Ý trời, mầy đừng... làm bậy hổng nên Ị
Ba Câu cười lạt
- Nên hay không gì tui biết mà !
Ông Hương Tuần hạ mũi súng xuống và dịu giọng bảo anh ta :
- Tao biết mầy can trường mà Ba ! Nhưng mầy nên nghĩ lại để yên cho tao chở đi nhà thương họ cứu chạy cho mầy khỏi chết... Sau đó, bất quá mầy lãnh... một vài năm tù rồi dìa lo tu dưỡng mần ăn... Chớ bây giờ mầy liều mạng chết đi thì mấy thằng đồng đảng của mầy còn sống tụi nó hưởng hết... Mà tao nghe nói mầy còn có một đứa con nhỏ nữa đó Ba!
Ông Sáu Giò vội nói chen vô:
- Phải đa ông Hương ! Con nhỏ nó nằm bên bộ ván kia kìa.
Ông Hương Tuần bước lại vén mùng lên nhìn vô trong: một đứa bé gái độ tám chín tuổi đang chèo queo nằm ngủ mê mệt, ông ta buông mùng khép lại rồi khẽ thở dài
- Tội nghiệp cho con nhỏ !
Ông Sáu Giò nhìn ông Hương-tuần, giọng buồn rằu:
- Thằng Ba đây nó có gởi gấm con nó cho tui nuôi dưỡng dùm... chớ đâu có dặn dò chỉ chọc về chỗ chôn tiền giấu bạc gì như ông Hương cật vấn tui hồi nãy.
Ông Hựơng Tuần có vẻ sượng sùng:
- Thì tui cũng hạch hỏi lấy lệ vậy thôi (đoạn ông ta day qua nói với Ba Câu)... Nè Ba, mầy nên nghe lời tao thì may ra tránh con nhỏ khỏi cảnh mồ côi cả mẹ lẫn cha...
Ba Câu mỉm cười chua chát:
- Chắc nó phải chịu cảnh đó rồi,.. (bỗng anh ta quắt mắt lên) Nó mà mồ côi như vậy thì dầu cho tui có chết cũng có người thay tôi mà trả thù, mà làm cho vợ con thằng cha Hương Quản chết lên chết xuống tui mới nghe !
Ông Hương Tuần chỉ về phía ông Sáu Giò:
- Bộ mày tính nhờ ông Sáu đây trả thù dùm hả?
Ông Sáu hấp tấp kêu lên:
- Ý, chuyện đó hổng có đâu! Tui chỉ lãnh phần đùm bọc con Lụa, con gái của thằng Ba đây thôi, chớ tui già cả lụm cụm như vầy mà làm gì ai được?
Ông Hương Tuần quay qua phía Ba Câu:
- Tao khuyên mầy dẹp cái chuyện đó qua một bên đi nghen. Bộ mầy quên rằng mầy... mới vừa đập đầu thầy Hương Quản bất tỉnh nhơn sự cho đến đỗi phải chở thẩy đi tuốt lên nhà thương Ô Môn đó sao. Thẩy mà hổng khỏi chuyến này thì mầy lãnh đủ đó nghen Ba !.
Ba Câu phắt cười lớn lên, rồi một tay ôm lấy ngực hào hễn thở. Mãi một lúc sau anh ta mới phều phào lên tiếng
- Tui quất một roi tầm vong đó thì... Phật Bà có xuống cũng... lắc đầu ứ hự chớ cứu gì nổi! Bởi vậy tui đâu thèm cho ông Hương Tuần chở tui đi nhà thương, rủi lên trển người ta cứu tui được thì sau này cũng chỉ có nước... ăn gươm máy hay ra Côn đảo ở rục xương ở ngoải...
Ông Hương Tuần chắc lưỡi
- Thằng nầy thiệt cũng kỳ! Mầy đi ăn cướp đã là quấy rồi, vậy mà khi động ổ mầy không chịu dông đi cho gấp như mấy thằng khác, mầy lại,ẩn núp để muốn giết hại làng xã...
Ba Câu nói chận ngang một cách gọn bân:
- Muốn giết thằng cha Hương Quản hè,
- Coi, thầy Hương thẩy làm gì đụng chạm đến mầy mà mầy thù thẩy dữ vậy?... Tao muốn nói là thẩy chỉ làm phận sự của một Hương chức hội tề lo giữ cho làng xóm yên ổn mần ăn...
- Tui thù đây là thù thằng cha Hương Quản Trần thiện Nam, còn thứ Hương Quản khác... thì thây kệ mẹ họ chớ ăn thua gì tui !
Ông Hương Tuần lớn tiếng cự nự
- Ê, mầy không được ăn nói theo điệu ba trợn đó nghen. Hương Quản gì thì người ta cũng lo thộp cổ mấy cái thứ như mầy hết !
- Nhưng phải thứ Hương Quản khác thì tui còn... vị nể đôi chút để... mần ăn cho dễ, chứ gặp cái thằng Hương Quản Nam là tui khỉa nó liền. Tui canh thằng chả lâu quá... thiệt ông trời cũng có con mắt nên dung ruổi cho thằng chả phát chạy rượt theo tui đêm nay.
- Hứ, ổng có bề gì thì đời mầy cũng tàn!
Ba Câu cười khẩy
- Nhưng cái thù của tui còn trả hoài hoài nữa mà ông Hương Tuần! Tui chết chớ bộ anh em đồng đãng của tui cũng chết hết sao!
Còn nội anh bạn đồng sanh đồng tử với tui cũng đủ chơi rồi...
Ông Hương Tuần chụp nói liền:
- Ờ mầy nhắc hay đa! Vậy mấy thằng đồng đảng đó hiện bây giờ ở đâu hả? Nhứt là cái thằng ‘‘đồng tử’’ đó?
- Coi, ở đâu thì... làng xã ráng mà kiếm?
Ông Hương Tuần trợn mắt :
- Cái thằng này mầy ăn nói dễ ngươi quá mậy ! Mầy hổng nói tao cũng có cách cho mầy nói, và tới chừng đó tao sợ mầy sẽ lạy tao để xin khai không còn sót một con đỏ nữa là khác !
Ba Câu lim dim đợi ông Hương Tuần nói cho hết lời rồi mới từ từ mở mắt ra, giọng diễu cợt:
- Ông không nói tui cũng dư biết, nhưng sở dĩ lui dám thố lộ ra những điều mới rồi mà không sợ phải... khai ra hết là vì tui biết tui sắp chết...Ông mà tra khảo tui liền bây giờ thì tui càng... mau chết, và một khi tui chết rồi thì ông cũng...bó tay. Tui nói như vậy, ông Hương nghĩ coi có lý hông?
Ông Hương Tuần nhăn mặt:
- Thiệt tao hổng dè mầy xảo quá vậy !...
Còn cái chuyện thù oán...thầy Hương Quản thẩy có làm gì đâu mà mầy thù oán thẩy dữ thần vậy?
Ba Câu chỉ còn sức để nhếch mép cười:
- Hừ, đâu có cái gì!...Mấy người ở trên cao quá nên có thèm nhớ dùm chuyện của mấy thằng khố ôm áo rách nầy làm chi cho mệt phải hông ! Bộ ông Hương Tuần ông quên...
Ba Câu chỉ nói có bấy nhiêu rồi bỗng ngoẽo đầu qua một bên, nấc lên mấy tiếng, máu miệng trào ra...
Ông Sáu Giò vội chạy lại nâng đầu anh ta dậy và réo giựt ngược
- Ba ơi Ba? Lay tỉnh bớ Ba !
Ba Câu từ từ mở mắt ra và khi thấy ông Sáu, anh ta rúng nhấc tay lên chỉ về phía bên kia bộ ván, rồi phều phào nói được hai tiếng:
- Con Lụa...
Bàn tay của anh ta rớt mạnh xuống sạp tre, mắt trợn trắng. Ông Sáu Giò đặt đầu anh ta nằm ngay ngắn trên gối, đưa tay vuốt mắt rồi quay qua thở dài nhìn ông Hương Tuần:
- Nó chết rồi ông Hương...
Ông Hương đâm ra ngượng nghịu:
- Ờ...tội nghiệp...cho con nhỏ của nó...
Ông ta dựng cây súng dựa vào vách rồi ngồi phịch xuống một chiếc ghế đẩu gần đó.
Ông Sáu Giò bước lại rụt rè hỏi:
- Bây giờ ông Hương Tuần...tính sao đây?
Ông Hương Tuần nhún vai
- Tính sao nữa giờ! Để sáng ngày mơi tui vô nhà việc trình rõ tự sự với ông Cả để ổng biểu xuất công nho ra... chôn cất cho nó... Còn bây giờ thì tui sai thằng Năm dìa trước cho mấy ổng hay để ra chứng cho vụ này.
Ông Sáu Giò nhìn sang phía xác anh Ba Câu:
- Hồi nào nó còn sống thì khác, bây giờ nó chết đi...tui cũng xin ông Hương sẵn lòng lo liệu dùm, phần tui, tui gánh đứa nhỏ kia...
- Được mà. Ông ráng lo cho đứa nhỏ đó đi, mà theo tui, ông cũng...đừng cho nó biết tường tận chuyện vừa qua làm gì... À, hồi nãy tía nó dìa, nó có hay hông?
- Dạ, nó ngủ mê nên không hay biết gì !
- Vậy thì tốt lắm! Ông cứ nói tía nó...đau chết bất tử. Mình đem mấy chuyên...cướp bóc, đâm chém bắn giết ra kể cho con nít nghe...nó cũng chẳng hiểu, mà cũng chẳng...lợi lộc gì.
- Ông Hương nói phải lắm. Tui cũng nghĩ như vậy.
Ông Hương bèn day qua bảo anh Năm:
- Năm à, mầy chịu khó bơi xuồng dìa trước để cho ông Cả hay và nói tao còn ở ngoài nầy nghen. Ổng có tính gì khác thì mầy trở vô cho tao rõ nghen.
Đợi cho anh Năm đi khuất, ông Hương Tuần liền lên tiếng hỏi ông Sáu Giò:
- Nè ông Sáu, tui hỏi thiệt ông câu này! Ông biết tại sao mà thằng Ba Câu đây thâm thù thầy Hương Quản dữ vậy hông? Hồi nãy nó có tính nhắc lại một chuyện cũ xì cũ xịch gì đó mà tui nghĩ nát óc cũng chẳng ra...
Ông Sáu liếc qua phía bên kia chỏng rồi thở dài đáp:
- Chuyện vợ con nó đó ông Hương à..Thiệt tui cũng hổng dè nó còn ấm ức tới ngày nay...Hồi nãy nó nhắc lại tui chưng hửng.
Ông Hương Tuần nhíu mày
- Chuyện vợ con gì ông Sáu?
- Ông Hương quên hẳn thiệt sao? Mười năm về trước con vợ của nó cũng có...dính líu đến thầy Hương Quản…
Ông Hương Tuần vỗ đùi kêu lên
- Thôi tui nhớ mài mại ra rồi ! (bỗng nhớ trực lại kẻ bạc phận, ông ta liền hạ thấp giọng)...Hồi đó con vợ nó đây còn con gái phải hông ông Sáu? Hồi đó tui cũng chỉ nghe phong phanh vậy thôi,..Đâu, ông Sáu ông biết rành...
Ông Sáu vội đỡ lời:
- Thì..cái chuyện chẳng tốt lành gì nên người ta cũng ém nhẹm nó đi. Hồi con vợ thằng Ba đây còn con gái mới mười bảy mười tám tuổi gì đó...Ông già của nó là tá điền của ông Hương Quản... ông Tám Sến đó ông Hương Tuần !
- Ờ đất đai miệt nầy thuộc dìa của thầy Hương gần hết mà !
- Dạ phải. Và cũng trong mùa lúa như vầy, đứa con gái lớn của ông Tám Sến - tức là vợ của thằng Ba- sau nầу đó- chăn một bầy vịt tàu ở ngoài đồng. Ông già của nó mới dựng chòi cho nó ở luôn ngày đêm ngoài đó để trông coi cho tiện.
Ông Hương Quản thì...ban đêm hay tuần rỏn sợ tá điền lưu lúa bán tháo đi bớt để rồi đong thiếu đong hụt. Chắc ông Hương còn lạ gì, tá điền đứa nào đứa nấy cũng nghèo sặt gạch thiếu trước hụt sau...nội ba cái bạc lúa góp lấy trước hồi còn mùa nước nó cứ đẻ lời ra hoài, năm này chồng sang năm kia...
Ông Hương Tuần có vẻ sốt ruột
- Cái đó tui dư biết ! Con vợ tui nó cũng có cho bạc lúa... Bộ thầy Hương Quản...lẹo tẹo với con nhỏ hả? Mà thẩy cũng trọng tuổi, có vợ có con mà!
Ông Sáu Giò thở ra:
- Thì ông Hương nghĩ coi: hổng biết ổng òn-ỉ làm sao mà con nhỏ dính luôn ! Chắc con nhỏ nó khờ quá, phần thì sợ ổng, phần thì...chưa biết gì hết nên sẵn đó rồi bắt bén...tói chừng mãn mùa khô thì...nó có nghén.
Ông Hương Tuần hỏi liền:
- Bộ thiệt vậy hả ông Sáu? Hồi đó tui tưởng ông già nó đặt điều bóp chặt bóp méo thầy Hương Quản để gạt tiền qua ba cái lúa ruộng lúa góp...
Ông Sáu Giò có vẻ bất bình:
- Đâu có chuyện đó ! Tui ở đây tui rõ hết mà ! Tới chừng ông già con nhỏ tá hỏa lên là con gái mình...như vậy... như vậy đó, ổng mới đập cho nó mấy trận chết lên chết xuống...
- Cha, tội nghiệp con nhỏ quá há !
Ông Sáu Giò thản nhiên kể tiếp:
- Sau đó ông già nó mới dắt lên kiếm ông Hương Quản trình tự sự để nhờ ông tính sao cho vuông tròn dùm...
Ông Hương Tuần chép miệng nói chen vô:
- Tính gì nỗi mà tính ! Ở địa vị của thẩy tôi cũng xin...bái!
- Ông Hương Quản ổng không nhận thì thôi đằng này ổng còn vỗ bàn đập ghế đòi dẫn luôn ông Tám Sến và đứa con gái ra nhà làng đóng trăng lại. Ổng nói ‘‘Tại sao hai cha con bây dám đặt điều cho làng xã như vậy’’…
- Mẻ, làng xã có chấm mút gì vô đó đâu mà thấy gom tụ lại hết như vậy cà? Bộ ông nghe lộn rồi nghen ông Sáu!
Ông Sáu nhún vai:
- Thì tui cũng nghe thuật lại như vậy thôi...
- Nói ai thì nên nói có ngằn... Nhưng ông Tám Sến ổng chịu xếp ve sao?
- Thì ông Hương nghĩ coi, hổng chịu rồi làm gì được người ta bây giờ ! Ông Hương Quản ổng còn nói ; Ổng thấy ràng ràng con gái của ông Tám ngủ... hà rầm với ba thằng thợ gặt, ổng đi tuần đêm ổng bắt gặp hoài, bây giờ có bầu có nghén hổng biết với thằng mập thằng ốm, thằng cao thằng thấp nào, rồi nhè ổng mà nả thì ổng cho... ở tù mọt gông ! Đó ông Hương ông coi !
Ông Hương Tuần tằng hắng bằng một cách khó khăn:
- Ối thầy Hương thẩy... nóng, thẩy nói vậy...
Ông Sáu bắt cười khan:
- Ý trời ơi, nổi nóng cái gì mà khôn tổ mẹ vậy ! Ổng ngủ với con gái người ta có chửa thè lè ra đó...
Ông Hương chặn lời liền:
- Thôi cái chuyện đó... tui biết mà ! Rồi sao nữa ông Sáu?
- Thì còn sao nữa ! Ông Tám Sến phải giở nhà cuốn gói đi xứ khác mần ăn vì ông Hương Quản ổng nhứt định đuổi ra khỏi điền của ổng, bao nhiêu tiền vay bạc lúa gì ổng cũng bỏ hết.
- Còn con gái của ổng... chửa đẻ ra làm sao mà lại đụng thằng Ba Câu này nè?
- Ậy cái chuyện còn dài, ông Hương để tui thủng thỉnh kể cho mà nghe chớ đừng hỏi nôn tới... Ối thôi , con nhỏ đó gặp nhiều cảnh đọan trường lắm ! Sau đó, Tám Sến như người thất chí, ổng nhậu say lu bù mà hễ mỗi lần ổng say như vậy, ổng nhè ổng lôi cổ đứa con gái ra đánh đập thiệt hết nước nói...
- Bậy quá há!
Ông Sáu Giò lườm ông Tuần, định cự nự lại nhưng rồi lại thản nhiên kể tiếp:
- Trước tình cảnh đó, phần thì bụng con nhỏ mỗi ngày một lớn, phần thì đồng bọn mắng chưởi như vậy nên nó chịu hết nổi và cuốn quần áo trốn đi...
- Trốn đi đâu vậy ông Sáu?
- Nghe nói nó trốn ra chợ Cần Thơ, ban đầu tính đi ở đợ ở mướn gì đó.
- Còn... Cái bụng?
- Cũng may... sau đó nghe nói nó bị xảo thai. Chắc bị bà già nó ép uống đu đủ xanh rau răm gì đó để phá cái hòn máu trong bụng đi, một phần khác thì chắc nó cũng bị ông già của nó ổng giận ổng đánh sanh tử lắm mà !
Tự nhiên ông Hương Tuần thở ra :
- Đời nay, có con gái lớn lên thiệt... phập phồng lo sợ hoài...
Ông Sáu nhìn ông Hương Tuần châm bẩm
- Ờ, ông Hương Tuần cũng có con gái lớn xộn há !
Ông Hương Tuần có vẻ sượng sùng
- Thiệt ra thì cũng... tùy đứa...
- Chớ hổng phải tùy mấy thằng dê xồm hảo ngọt sao?
Ông Hương Tuần tìm cách hỏi lảng ra :
- Ông chưa nói cho tui biết vì sao thằng Ba đây lại gặp con nhỏ kia để sau đó hai đứa nó ăn ở với nhau?
Đôi mắt sâu tròng của ông Sáu bỗng có vẻ xa xăm:
- Con nhỏ đó nó ra Cần Thơ tính kiếm chỗ mần nhưng không biết lớ ngớ thế nào mà lại bị một con mụ đầu nậu chứa điếm gạt bắt đi rước khách luôn ở dưới mấy chiếc ghe đò tại bến chợ...
- Ý trời, bộ có chuyện đó nữa sao?
- Có gì đâu là lạ đó ông Hương ! Thân gái bơ vơ giữa chốn chợ búa thị thành, người quen không có, cắc bạc đồng tiền cũng không ngơ...
Ông Hương Tuần gật gù:
- Chuyện đời lầm lỡ một chút là vậy đó !
Ông Sáu cau mày:
- Sao ông không nói đến cái người đã làm cho nó lầm lỡ trước tiên dùm tui một chút !
Ông Hương Tuần đành bộc cho xui theo:
- Thì... có lầm kia rồi mới đưa đến lầm nọ... Tội nghiệp cho con nhỏ quá há... Còn cái chuyện của thằng Ba Câu này tới chưa mà tôi hổng nghe ông đá động,..
- Còn con nhỏ mới vô nghề ấy ít lâu thì mắc bịnh..
Ông Hương Tuần rụt rè hỏi chen vô
- Bịnh... đó hả?
- Hổng phải đâu ! Nó cảm rồi làm cữ rét, phần thì yếu sức bị hư thai, phần thì thuốc men không có nên bị con mẹ tào kê đuối khỏi đò lên nằm vất vưởng sau mấy cái quán cóc ở đường mé sông, thời may bữa đó, thằng Ba nầy nó bơi xuồng đem một rọng tôm ra chợ bán và tình cờ gặp nó.
- Chắc hai đứa nó dắt nhau trở dìa đây?
- Ông Hương Tuần đoán đúng boong đa!...
Nói nào ngay, trước đây thằng Ba này cũng có ngấp nghé con nhỏ nhưng bị gì nó nghèo quá nên chưa dám chộn rộn gì kể xảy ra cái chuyện... mang trống chầu đó. Bây giờ hai đứa nó gặp lại trong hoàn cảnh ấy; nó cũng còn nghèo sặc gạch, mà con kia thì kể như tứ cố vô thân... Thôi thì hai đứa nó ráp nhau lại... Kể ra thằng Ba đây cũng dễ dãi và biết thương người lắm.
Ông Hương Tuần liếc qua bên phía xác chết:
- Nhưng sao... nó hổng chịu mần ăn như cũ mà lại nhảy sang cái nghề... cường san đạo tặc nầy làm gì cho ra nông nỗi này?
Ông Sáu Giò thở dài:
- Chuyện đời nếu nó cứ lình bình như khúc bập dừa trôi lên, trôi xuống theo con nước thì ai nói tới làm khỉ gì! Vợ nó sau đó sanh được một đứa con gái, con Lụa nằm ngủ trên bộ ván đó - rồi đau ốm liên miên... Ôi thôi thằng Ba nó xấc bấc xang bang vì cái chuyện chạy thầy chạy thuốc, hết ông thầy tàu tới ông thầy huế, tiền bạc cắc са cắc củm dành dụm từ hồi nào tới giờ đều đổ trút ra hết mà cũng chẳng thấy bịnh tình con vợ nó thuyên giảm chút nào, mà còn tệ hơn trước nữa. Sau đó có người chỉ nó ra Cần Thơ cho đốc tưa người ta biết chắc bịnh gì để cứu trị, chớ để ở trong này nó nóng ruột mới uống của ông thầy này một thang thấy không mòi gì hết lại nhãy qua ông khác.
Ai chỉ đâu nó hốt đó mà theo chỗ tui biết thì ông nào ông nấy cũng bắt mạch nói mờ ớ vậy thôi !
Ông Hương Tuần ngắt ngang:
- Sau đó, nó có chở vợ nó ra đốc tưa ngoài Cần Thơ hông?
Ông Sáu Giò lắc đầu.
- Sao vậy? Cái thằng dại quá!
Ông Sáu cười lạt:
- Nó dại ở chỗ nó... nghèo đó ông Hương à! Ông nghĩ coi; tới chừng nó tính đưa con vợ nó ra đốc tưa thì trong nhà tiền bạc sạch trơn rồi. Xung quanh bà con cô bác ai ai cũng chẳng dư dả gì, người ta có thể vừa giúp vô chút đỉnh cơm gạo ăn hằng ngày vậy thôi... Ngặt một nỗi nữa là lúc đó nó mắc chăm nom săn sóc cho con vợ nó, nên nghề câu nghề chài gì nó cũng làm chụp giựt thôi, do đó nó đã túng lại càng thiếu thêm...
- Khổ dữ há !
- Chưa hết đâu ông Hương Tuần! Thấy tình cảnh... bí lối của nó như vậy tui mới chỉ cho nó chạy lên ông Hương Quản năn nỉ hỏi vay ổng đỡ chút đỉnh tiền để dìa lo chở vợ nó đi Cần Thơ,
- Ờ, ông chỉ nó như vậy hay lắm đa !
- Hừ, hay lắm mà hóa ra như không ! Ông Hương Quản ổng nhứt định hổng chịu bỏ ra một đồng xu nào hết.
- Chắc gặp cái lúc thẩy... kẹt tiền chớ gì?
Ông Sáu Giò cười mỉa:
- Nhà giàu như ổng thì có lúc nào kẹt tiền được. Ba cái giấy xăng của ổng, thử thời đem đốt mười thằng như tui cũng chảy ra tro hết !
- Chắc tại ổng thấy thằng Ba đây hổng có lãnh ruộng đất gì của ổng hết, như vậy rủi ro nó trả chẳng được thì ổng chịu trận chớ làm gì nó được ! Mặt khác, theo chỗ tui nghĩ thì ổng cũng không muốn dính dáng bất kỳ một chuyện gì của con vợ thằng Ba Câu đây nữa hết.
Ông Hương Tuần có vẻ suy nghĩ :
- Điều sau đó có lẽ đúng hơn, tui biết thầy Hương Quản cũng biết thương người lắm chớ chẳng phải không.
- Ờ thì thương ! Vậy mà ổng còn nói thằng Ba đã không tiền mà còn bày đặt trèo đèo đi đốc tưa đốc tiếc này nọ! Theo ổng thì nên đi kiếm quơ ba cái thuốc nam lá cây, rễ cỏ dìa sắc uống là đủ rồi !
Nói vậy rốt cuộc rồi thằng Ba đành phủi đít đi dìa không! Chiều hôm đó, con vợ nó lên cơn mệt mê man bất tỉnh và tuy nó nóng ruột muốn ở liền bên cạnh vợ nhưng tối bữa đó nó cũng xuống xuồng đi thả câu như thường lệ. Nó còn tính đêm đó ráng mần khuya khuya hơn mọi hôm một chút để mong kiếm thêm mớ nhấm tôm cá gì, để sáng mơi sớm lo chở vợ qua Cần Thơ luôn.
- Sao ông biết rành rẽ quá vậy ông Sáu?
- Thì tối hôm đó, trước khi đi nó chạy qua nhà tui nhờ tui sang trông nom vợ con dùm nó...
Ông Hương Tuần thắc mắc hỏi thêm:
- Còn cái chuyện nó... bắt đầu làm ăn thêm bằng nghề bửa... tủ người ta chắc ông cũng biết chớ?
- À cái chuyện đó thì tui mới nghe nó kể lại ràng ràng đây, chớ lúc trước tui chẳng biết trời trăng gì ráo.
- Nói vậy nó mới trối trăn với ông hồi nãy đó có phải hông?
- Đúng đa. Ông Hương Tuần để tui nói rõ ngọn ngành thì ông mới hiểu được mọi chuyện. Hồi nãy tui kể tới đâu rồi cà? À, tối hộm đó tính đi làm một mẽ câu cho kha khá để sáng lại lo chở vợ đi Cần Thơ coi đốc tưa... Thiệt người ta nói ‘‘họa vô đơn chí’’ đúng lắm ông Hương à !
- Chữ nho ‘‘nói’’ mà trật sao được !
- Ông Hương nghĩ coi: tối hôm đó, theo lời nó mới trối trăn với tui hồi nãy thì cá tôm như trốn đi đâu mất hết, đã vậy mà nó còn sơ ý để mắc gốc, mắc chà đứt hết mấy giàn câu.
- Cha xui xẻo tận mạng há !
- Đến nước đó, nó đành bơi xuồng không dìa nhà trong bụng thì lầm thầm vái Trời vái Phật phù hộ cho con vợ của nó được tai qua nạn khỏi… Trong lúc ấy, trên bờ bỗng có người kêu xuồng nó ghé lại để xin quá giang một đỗi rồi sẽ đền ơn xứng đáng.
- Chắc nó tấp vô liền phải hông?
- Cố nhiên rồi ! Khi không có... thần tài kêu giựt ngược mà mình hông... ba chưn bốn cẳng chạy lại hay sao ông Hương Tuần?
- Thì… chạy gấp lại rồi !
- Thằng Ba nó liền đảo mũi xuồng tấp vô bờ. Người khách lạ nhảy liền xuống sạp xuồng... Thằng Ba nó liền quay ngọn đèn câu rọi về phía hắn ta và... hoảng kinh hồn vía khi nhận thấy ông khách đó...quần áo lấm lem máu me đầy mình, tay xách một cái bọc gì gói bằng một chiếc khăn tắm buộc chặt đầu lại, tay cầm một thanh kiếm sáng giới.
Ông Hương Tuần nhốm ngựời lên nhích chiếc ghế đẩu gần lại phía ông Sáu:
- Chắc nó gặp phải... tay tổ rồi chớ gì?
- Đó là tên cướp ‘'đồng sanh đồng tử’’ với nó sau nầy đó ông Hương !
- Nhưng mà tại làm sao nó lại… nhảy theo tên ấy để mần thêm cái nghề ác nhơn sát đức đó nữa?
- Ậy, ông Hương đừng nóng !... Thấy khách lạ dữ dằn như vậy, thằng Ba nó sợ không dám chở hắn ta đi và kể sơ qua tình cảnh của mình cho ông khách ‘‘quý’’ đó nghe để xin ổng thương dùm... Nghe xong tên ấy vung kiếm chém cái phụp xuống một bên be xuồng, rồi quăng cái bọc chăn tắm xuống sạp…Hắn ta cho thằng Ba Câu biết: một là ăn một lát kiếm kia, hai là chia cái bọc đó...
- Bọc gì vậy ông?
- Tên ấy nói xong mở chiếc chăn tắm ra và thằng Ba nó thấy...vàng vòng, bạc tiền nằm xấp lớp ở trỏng. Nó nghĩ đến con vợ nó đang nằm chờ ở nhà rồi nó lặng lẽ chống xuồng ra bơi đi... Ổng Hương, ông thử đứng vào địa vị của nó, ông tính sao?
Ông Hương Tuần lúng túng đáp:
- Thì... cũng tính như vậy chớ tính sao nữa bây giờ.
Ông Sáu Giò thở ra có vẻ vừạ ý:
- Thằng Ba bèn bơi rút đưa tên tướng cướp ấy đi đến một nơi cách đó chừng hai ba cây số. Đến nơi, sau khi cặp xuồng vô mé bờ, tên ấy xô cái bọc tiền và vàng về phía sau lái và biểu nó lấy phân nữa đi.
Ông Hương hít hà:
- Cha, chắc phân nữa đó cũng... khá lớn há !
Ông Sáu Giò khẻ lắc đầu:
- Hông, thằng Ba nó chỉ vói tay rút ra một tấm giấy bộ lư...
Ông Hương Tuần chắc lưỡi chận ngang:
- Coi, cái thằng sao dại quá! Của dưng tới miệng...
- Thằng Ba nó chỉ lấy có một trăm thôi... Tên tướng cướp cũng phải sững sờ rồi cầm thêm hai tờ bộ lư nữa nhét ở kẻ sạp, đoạn tất tả cuốn gói nhảy lên bờ…Mới sơ sơ đó mà coi bộ hắn ta mến thằng Ba lắm, nên trước khi bỏ đi còn căn dặn sẽ có dịp gặp lại thằng Ba trên khúc sông đó nữa...
- Cha, bộ nó tính rũ rê thằng nầy nhập bọn chớ gì ?
Ông Sáu không trả lời cầu ấy mà xụống giọng rầu rầu kể tiếp :
- Nhét kỹ ba trăm vô túi, thằng Ba hớn hở bơi xuồng rút dìa nhà để gần sáng chờ con nước nhửng ròng chở vợ đi Cần Thơ liền. Nhưng khi nó dìa tới bến là tui chực sẵn ở đó. Con vợ nó đã tắt thở rồi còn đâu !
Ông Hương Tuần lại liếc nhìn sang phía xác chết, chép miệng than thở:
- Ý cha, cái thằng thật bị xui xẻo tận mạng ! (nhưng rồi ông ta quay sang hỏi bác Sáu)... Rồi nó.. theo thằng tướng cướp kia hồi nào vậy?.. Chắc vì vụ đó, nó... ức thầy Hương Quản lắm phải không?
- Lớp chuyện trước, lớp chuyện sau như vậy mà nó hổng thù ông Hương Quản sao được. Nói nào ngay, tui ở khích vách nó đây mà tui cũng tưởng nó chỉ bực tức... khơi khơi vậy thôi chơi đâu có dè nó để bụng... ơn đền oán trả như thế đó! Bởi vậy sau khi gặp lại tên tướng cướp lần thứ nhì nó ưng thuận theo tên ấy mần ăn liền.
Ông Hương Tuần thở ra:
- Té ra, thằng ‘‘lọ nghẹ’’ hay đi dộng cửa bửa tủ mấy ông nhà giàu bắt đầu ra đời từ ngày đó....Nhưng sao nó rành nghề võ nữa mà ông Sáu?
- Chắc hồi trước nó theo ở bạn cho mấy ghe thương hồ nên cũng có học quọp quẹp một vài miếng phòng thân, sau này nó đi đánh được vài đám xuôi rót, phần nó liều mạng quá nên các tài gia khổ chủ cũng đâm ra ngán rồi thì... một đòn mười... Hồi nãy nó có trối lại với tui nó tính nói trong mùa lúa năm nay thế nào cũng ăn hàng một chuyến thật quạu tại nhà ông Hương Quản trước khi giải nghệ rút đi xứ khác sống lương thiện hoàn toàn...
- Cái thằng cũng dữ há ! Nhưng thôi, chuyến nầy cũng yên phận nó rồi. Tui và thầy Hương Quản kể như ngủ được thẳng giấc !
- Còn thằng ‘‘đồng sanh đồng tử’’ với nó chi?
Ông Hương Tuần nhún vai
- Thằng Ba Câu còn thì mới ngán nó dẫn đường chỉ nẻo cho thằng kia, chớ nay thằng Ba Câu buông tay, nhắm mắt...
Ông Sáu liền tiếp lời :
- Tui cũng vái trời nó chết thì cũng cho hết chuyện luôn, chớ thù oán dây dưa cũng chẳng ăn nhằm gì ráo mà còn làm khổ thêm nhiều người vô tội khác nữa. Phần tui, tui đã có hứa với nó là tui ráng lo nuôi nấng con Lụa cho tới khi nó lớn khôn.
- Ngày mơi đây thế nào tui phải nhờ ông Sáu cho tui lấy lời khai lại vì dầu sao ông cũng là người chứng số một trong vụ nầy.
- Bộ tui phải khai lại hết ráo trọi từ cái vụ ông Hương Quản còn tằng tịu với con gái ông Tám Sến...
Ông Hương Tuấn nói ngắt ngang:
- Ý thôi, cái vụ đó mình nên để qua một bên, nó hổng ăn nhập gì đến cái chuyện bắt cướp hết mà!
Ông Sáu Giò toan cãi lại, nhưng vừa lúc ấy có tiếng anh Năm réo gọi ông Hương Tuần ở dưới mé kinh, ông Hương Tuần cùng ông Sáu Giò tất tả chạy ra... Anh Năm vừa bước lên bờ vừa lắp bắp nói :
- Hổng êm rồi ông Hương Tuần ơi!
Ông Hương tuần vội hỏi lại:
- Cái gì nữa đó mậy?
- Anh em họ chở thầy Hương Quản dìa rồi...
- Coi, tao đã biếu chở thẩy lên nhà thương Ô Môn mà !
- Dạ phải, nhưng dọc đường thẩy tắt thở !
- Ý trời trời ! Sao nội đêm nay mà lắm chuyện xảy ra như vầy nè ! Thôi mầy bơi xuồng chở tao dìa trỏng coi!... Còn ông Sáu, ông làm ơn coi chừng dùm tui, thằng Ba Câu đó nghen!
Ông Sáu nhún vai
- Thì nó nằm đó chớ chạy đâu nữa mà tui phải coi chừng !
Ông Hương Tuần như không đợi câu trả lời nầy, hối hả cùng với anh Năm xuống xuồng bơi đi...
Ông Sáu Giò tần ngần đứng đó một hồi rồi chậm rãi quay trở vô trong nhà... Vừa đi ông ta vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Cha, sao đêm nay họ níu tay nhau chết dữ quá...Ứ hự, lại có thêm hai đứa nhỏ mồ côi cha nữa !...
Ông Sáu Giò, tay dắt con Lụa, đứng lóng ngóng ở trước cửa rào nhà thầy Hương Quản trong lúc con chó ở phía trong vừa chồm chồm lên cánh cửa rào vừa sủa vang rân...
Một chập sau, con nhỏ ở chạy ra và khi nhận thấy ông Sáu cùng con Lụa nó niềm nở hỏi liền:
- Ông kiếm ai đó ông Sáu?
Ông Sáu chỉ con chó:
- Cháu làm ơn xua con mực này dùm qua và vô nói với bà Hương Quản rằng qua muốn gặp bả.
Con nhỏ ở vội vàng mở cửa và la đuổi con mực, rồi đưa ông Sáu cùng con Lụa vào nhà.
Vừa vô tới hàng ba, ông Sáu đã thấy vợ thầy Hương và anh Giáo Tư ở trong nhà bước ra.
Thím Hương nét mặt hơi gầy gò một chút, đon đả hỏi ông Sáu:
- Ông Sáu có chuyện chi mà lên đây sớm quá vậy? Ông dắt đứa nhỏ nào đây? Bộ cháu gái của ông hả?
Ông Sáu vôi rút chiếc khăn tắm quấn nơi cổ xuống cầm gọn trong hai bàn tay:
- Dạ, tui lên đây để nói với thím Hương chút việc riêng... Còn con nhỏ nầy là con của thằng Ba câu...
Cả thím Hương lẫn anh GiáoTư đều cau mày nhìn con Lụa làm cho con nhỏ đâm ra khớp sợ cúi gầm mặt xuống.
Anh Tư lên tiếng trước.
- Mà bác dẫn con nhỏ nầy lại đây làm chi nửa vậy
- Dạ thưa thầy giáo, tui dẫn nó theo dây là cũng để nói riêng với thím Hương một việc cần.
Thím Hương vội đáp :
- Có việc gì thì ông cứ nói đại đi. Thầy giáo đây cũng là chỗ... quen biết trong nhà chớ bộ ai xa lạ sao?
Anh Tư có vẻ bực mình vì câu nói của ông Sáu :
- Nè bác Sáu, tôi tưởng bác nên biết điều một chút, cái chuyện của bác lẹo tẹo với thằng ăn cướp sát nhân ấy còn chèm nhèm ra đó, bác không lo giữ thân lại còn dắt con của nó lại đây để tính làm cái gì ám muội nữa hả?
Ông Sáu cười mỉa:
- Xin lỗi thầy giáo, thầy nói hơi quá lố đó đa! Nếu tui có dính líu gì đến chuyện cướp giựt thì đã có làng xã họ... còng đầu tui lại...
Thím Hương vội nói chen vô:
- Thôi mà ông Sáu ! Chú Giáo chú... nóng lòng vì cái chuyện mới rồi, ông cũng không nên chấp nhứt chú làm gì. Sao, ông Sáu muốn nói chuyện chi vậy?
Ông Sáu rụt rè đáp:
- Thầy Hương mất đi mà tui còn dẫn con nhỏ nầy tới đây nữa thì tôi cũng lấy làm ấy nấy lắm thím Hương à ! Nhưng tui nghĩ lại ! thằng Ba hồi còn sống nó có làm chuyện... xấu xa thiệt, nhưng nay nó chết rồi thì kể cũng như đã đền tội xong. Phần nó êm như vậy, ngặt một nỗi còn con nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ nầy...
Thím Hương đưa tay xoa đầu con Lụa:
- Ờ con nhỏ coi cũng dễ thương đa !
- Dạ còn có nó nên tui mới thêm lo thím Hương à. Tui thấy nó cù bơ cù bấc một mình nên lãnh phần nuôi dưỡng nó cho đến khi khôn lớn đủ lông đủ cánh rồi nó muốn đi đâu thì đi.
Anh Giáo Tư lại nói xía vô:
- Thì bác muốn nuôi con của tên sát nhân ăn cướp thì bác cứ việc nuôi, ai dám cấm cản bác ! Nhưng tôi không hiểu tại sao bác còn đem nói với thím Hương đây việc đó làm gì!
Ông Sáu cười lạt rồi đáp xẳng giọng
- Tui nói chuyện với thím Hương cái gì thì thây kệ tui, thầy sao cứ làm kỳ đà cản mũi hoài hà !
Thím Hương day qua anh Tư:
- Chú Giáo cứ để yên cho ổng nói...
Ông Sáu thản nhiên tiếp lời:
- Tui tính đem con nhỏ nầy đi xứ khác mần ăn. Hổng nói giấu gì thím Hương mấy năm nay cái nghề đan rổ đan thúng của tui đây chẳng ăn thua gì, bởi vậy tui mới tính dời nhà cửa kiếm chỗ khác coi có công ăn việc làm gì kha khá hơn không, nhứt là từ nay tui lại phải cưu mang thêm con Lụa... Tía nó như vậy bây giờ dầu cho bà con cô bác ở đây có thương hại nó cách mấy đi nữa thì cũng không sao tránh khỏi tai tiếng xầm xì… Con Lụa mỗi ngày một thêm khôn lớn, rủi nó biết rõ: chuyện không may của tía nó hay bị người đời nhạo báng khinh khi thì cũng tủi cho số phận của nó lắm. Tui nghĩ đến chỗ đó lung lắm nên mới tính đem nó đi chỗ khác ráng lo mần ăn để rồi còn cho nó học hành như mấy đứa con nít tốt số khác,.
Thím Hương có vẻ cảm động :
- Ông Sáu nghĩ như vậy cũng phải.
Anh Giáo Tư lẩm bẩm cằn nhằn một mình
- Cái ông già này sao rắc rối tổ cha !
Như không buồn để ý đến những lời của anh Tư, ông Sáu ngập ngừng bày tỏ ý định của mình:
- Sở dĩ hôm nay tui dắt con nhỏ tới đây là để thưa với thím Hương về việc đó, và xin thím Hương rủ lòng thương xót... bề gì con nhỏ mồ côi nầy cũng chẳng, có làm gì nên tội…
Thím Hương cau mày
- Thì tôi có nói gì khác đâu.
Ông Sáu rụt rè nói tiếp:
- Đằng nào tui cũng phải dời đi xứ khác kiếm công chuyện mần ăn, nhưng kẹt một nỗi là bây giờ trong mình tui... tiền bạc cạn queo... Rồi đây đi tới nơi chỗ lạ, rủi việc làm chưa có liền, phần tui lại phải chịu đựng thêm một miệng ăn nữa! Bởi vậy tui đánh liều lên trên nầy để xin thím Hương rộng lòng giúp cho tui và con nhỏ này chút đỉnh tiền nong, sau này mần ăn khá tui sẽ không dám quên ơn.
Anh Giáo Tư lại nóng nảy nói chen vô:
- Sao bác không tính chuyện dễ hơn, tiện hơn là bơi xuồng chở thẳng con nhỏ ra ngoài Cần Thơ đem nó cho mấy bà phước để họ nuôi dùm cho!
Ông Sáu cười lạt:
- Nếu tui muốn quăng nó cho nhà nuôi con nít mồ côi của mấy bà phựớc thì tui còn vác mặt lợi đây nhờ nhõi thím Hương làm gì !
Thím Hương lại giảng hòa hai người:
- Chú Giáo nói như vậy cũng phải, nhưng tôi coi bộ ông Sáu đây quý mến con nhỏ lắm, bởi vậy đành đoạn nào đem nó giao cho mấy bà phước!
Được rồi, ông Sáu cứ đứng đợi một chút để tôi vô mở tủ lấy chút đỉnh tiền gởi ông nghen ông Sáu!
Ông Sáu gật đầu lia:
- Dạ được, thiệt thím Hương nhơn đức quá...
Thím Hương hơi mỉm cười rồi quày quả bước vô trong nhà, vừa đi vừa móc xâu chìa khóa ra. Anh Giáo Tư làm tỉnh nối gót theo sau nhưng cũng không quên ngó ngoái lại chỗ ông Sáu đang đứng để nói trống không :
- Thiệt giả bộ tài quá ! Túm được con nhỏ này dắt nó đi ăn xin thì ‘‘đậu’’ lắm đó !
Ông Sáu tái mặt đứng lặng thinh, để rồi ‘‘hừ’’ một tiếng với giọng đầy vẻ... hậm hực !
... Ba phút sau, thím Hương trở ra, tay cầm một trăm đồng bạc đến trao cho ông Sáu Giò:
- Ông cầm đỡ chút đỉnh này Ông Sáu.
Anh Giáo Tư đứng khoanh tay, người hơi ngã về phía sau, nói chen vô liền:
- Đó là lần chót nghen bác Sáu!
Ông Sáu run run cầm tờ giấy bạc trên tay, quắt mắt nhìn anh ta rồi day qua giữ giọng bình tĩnh nói với thím Hương:
- Thiệt tui đội ơn thím Hương nhiều lắm nhưng xin thím Hương đừng phiền một trăm đồng bạc này tuy nhiều thiệt, quý thiệt nhưng tui xin gởi trả lại thím Hương chớ hông thôi thầy Giáo đây thẩy.., hổng vui.
Ông Sáu vừa nói vừa đặt tờ giấy bạc một trăm trên mặt bàn.
Thím Hương cau mày nhìn anh Giáo Tư rồi vội vàng cầm lấy tấm giấy một trăm đem nhét vô túi áo của con Lụa:
- Đừng phiền mà ông Sáu! Chú Giáo đây chú nói chơi vậy mà!
Con Lụa ngước lên nhìn ông Sáu như để dò xét và khi nhận thấy ông này cau mày nó hiểu ý nên vội thò tay vô túi móc tờ giấy bạc ra lắm lét trả lại vào chỗ cũ ở trên bàn.
Ông Sáu hấp tấp níu tay nó dắt đi:
- Thôi mình dìa con ! Tui xin kiếu thím Hương và dầu sao tui cũng mang ơn thím nhiều lắm !
Đoạn ông ta hối hả rảo bước đi như muốn chạy trốn, mặc cho thím Hương réo gọi...
Thím Hương tính chạy ra theo nhưng anh Giáo Tư đã nhanh chân đứng chận ngang lối đi:
- Thây kệ ổng mà ! Ổng đến xin tiền mình cho mà ổng còn làm bộ kiêu kỳ, làm bộ mặt cao thì ổng ráng chịu…
Thím Hương cằn nhằn nho nhỏ:
- Anh sao kỳ quá! Mắc mớ gì mà anh xen vô bắt bẻ ổng hổng biết, anh làm như vậy rủi ra ổng... đàm tiếu kia nọ lung tung lên, có phải thiên hạ họ thêm để ý đến mình không?
Anh Giáo Tư không dấu vẻ bực dọc:
- Chớ em coi ổng nói như ông nội người ta mà em biểu nhịn ổng thì nhịn sao nỗi ! Cái thứ gì đã nghèo sát ván đến năn nỉ ỉ ôi xin tiền mà còn làm bộ làm tịch ! Cái thứ đó nên để cho nó... chết luôn.
Thím Hương ái ngại nhìn anh Giáo Tư rồi thở dài:
- Anh sao vậy hoài! Anh cứ lo bươi móc người khác thì có ích lợi gì... Mình ráng giữ làm sao cho êm thuận với mọi người thì mới mong gần gũi được với nhau lâu dài chớ anh.
Anh Giáo Tư mím môi đứng làm thinh..
Đi được một đôi đường, ông Sáu và con Lụa đụng đầu với ông Hương Tuần, và chưa kịp chào hỏi gì hết, ông Hương Tuần đã vội kêu lên :
- May quá tui đi kiếm ông hết hơi hết sức nè ông Sáu!
Ông Sáu lo lắng hỏi lại
- Việc gì nữa đó ông Hương Tuần?
Ông Hương Tuần nhún vai
- Thì cũng loanh quanh ở cái việc lập vi bằng cả tuần lễ nay...
- Coi, tui đã khai hết ráo trọi mà !
- Ở trên người ta sai xuống chớ bộ tui muốn làm khó dễ gì ông sao ! Mấy ổng còn thắc mắc ở chỗ... tiền bạc vòng vàng của thằng Ba Câu để lại...
Ông Sáu Giò cao giọng cự nự :
- Tui đã nói rõ mà ! Sao ông hổng cắt nghĩa cho mấy ổng biết.
Ông Hương Tuần gật đầu lia lịa :
- Có, có mà ! Nhưng mấy ổng... muốn biết thêm coi hồi thằng Ba hấp hối, nó có trối trăn gì với ông về việc đó hông? (rồi như sợ phật ý ông Sáu, ông Hương tuần vội giảng giải thêm)... Cái này là mấy ổng muốn hỏi cho có đủ đầu đủ đuôi vậy mà.
Ông Sáu Giò thở ra :
- Nói nào ngay trong lúc nó gần chết, tui cũng có nghĩ tới cái vụ tiền bạc đó... không phải tui nghĩ cho tui đâu nghen ông Hương ! Tui sợ nó chôn dấu tiền của ở đâu đó nên tui hỏi nó để giữ lấy để dành cho con Lụa đây làm vốn sau nầy... Nhưng nó cho biết là tiền bạc vòng vàng phần của nó cóp nhóp trong bấy lâu nay nó đều đem gởi cho tên đồng đảng cất một chỗ nào thì chính nó, nó cũng không biết nữa...
- Ý mẹt ơi, như vậy kể như... rồi đời ba mớ của cải ấy rồi ! Tiền bạc mà đem giao cho ổ ăn cướp giữ thì mụ nội tui bây giờ lấy lại cũng không được !
- Ăn cướp nhưng mà ăn cướp... bồ bịch bạn bè mà !
Ông Hương Tuần thắc mắc hỏi thêm:
- Bộ nó hổng có đem dìa đây chút xíu nào sao?
- Thế nào mà hổng có ! Nhưng theọ nó nói với tui thì nó chỉ lấy mớ nhấm để đấp đổi xây xài phụ thêm chút đỉnh ở tại nhà chớ không dám ăn tiêu phung phá lắm, vì sợ làng xã sanh nghi và bà con dòm xóm dòm ngó.
Ông Hương Tuần có vẻ chán nản :
- Nói vầy tui hỏi ông đây kể cũng như ăn trét luôn?
Ổng Sáu Giò cau mày :
- Thì có sao tui nói vậy chớ bộ tui đặt điều ra được sao ! Mấy ông không tin thì cứ ráng mà dò xét...
Ông Hương Tuần vội chận ngang
- Tui thì sẵn lòng tin ông lắm nhưng mấy cha nội của tui ở trên mấy chả hổng tin như vậy thì sao !
Ông Sáu nhìn xuống con Lụa, thở dài
- Cái điệu này tui phải đem con nhỏ nầy dời nhà đi gắp, chớ nấn ná ở đây có ngày mấy ổng buồn buồn mấy ổng dám bắt tui về tội đồng lõa lắm chớ chẳng phải chơi!...
...Chiều tối hôm ấy, sau khi tiễn ông thầy chùa đến lo cúng kiến trong kỳ làm tuần ba tháng cho thầy Hương Quản ra về, thím Hương thẫn thờ dắt hai đứa con đi trở vô nhà...
Anh Giáo Tư đã chực sẵn nơi bực thềm và khi nhận thấy hai đứa nhỏ còn đeo theo mẹ, anh ta bèn dịu giọng bảo:
- Nè tối lắm rồi nghen ! Thằng Long với con Hạnh vô nhà rửa chân rửa tay sửa soạn đi ngủ để mai còn đi học sớm...
Thằng Long, đứa con trai lớn của thím Hương ngước mắt lên nhìn mẹ, cầu cứu:
- Còn sớm bửng hén má! Má cho hai con ở đây chơi khuya khuya một chút, chớ hồi chiều mới cúng ba rồi con... sợ ma lắm !
Thím Hương chưa kịp nói gì thì anh Giáo Tư đã lên tiếng:
- Thằng này nó bày đặt chuyện như vậy đó mà! Nó phá phách thành ôn thành quỷ chớ sợ ma cỏ khỉ gì !
Thím Hương vội nói đỡ cho con:
- Ối con nít nó hay muốn thức khuya chơi nên nói vậy mà... Được rồi, hai đứa bây chỉ được chơi thêm một chút nữa, suốt ngày nay mắc lo cái đám làm tuần, má cũng mệt quá chắc phải đi ngủ sớm.
Con Hạnh níu tay mẹ giựt giựt và hỏi chen vô:
- Nè má, có phải mình làm tuần cho ba hoài hoài để ba mau mau trở dìa trong nhà phải hổng má?
Thím Hương dịu dàng vuốt tóc con gái, thương hại đáp:
- Ờ... nhưng còn... lâu lắm.
- Lâu là bao nhiêu hả má?
Thằng Long lên mặt khôn với em:
- Má nói lâu là... lâu biệt mù san đó ! Con này sao nó khờ quá! Ba chết là... chết luôn chớ trở về khỉ gì được ! Bộ mầy hổng thấy hôm bữa đám ma, người ta đem chôn ba tuốt luốt ở dưới đất sâu đó sao? Rồi bây giờ má mới kêu thợ hồ xây cái mà chắc cứng dằn lên trên nữa...
Thím Hương nhìn hai con gượng cười trong lúc anh Giáo Tư, như không dấu được nỗi bực dọc, nói chen vô liền:
- Hai đứa bây hổng đi ngủ phức cho rồi, chớ bây ở đó thì cũng chỉ nói bá láp bá xàm chớ ích lợi gì. Con nít phải tập ngủ sớm chớ đòi bắt chước theo người lớn sao được.
Thằng Long liếc xéo anh Giáo Tư rồi nói như để phân bua với má nó
- Hồi nãy má chịu cho con với con Hạnh thức chơi thêm một chút nữa hé má!
Thím Hương lườm anh Giáo Tư rồi quay qua trả lời cho cậu con trai
- Ừ, phải...
Con Hạnh mừng rỡ đề nghị thêm:
- Má cho thức tới chín giờ nghe má !
Anh Giáo Tư bắt đầu cằn nhằn... trống không:
- Con nít con nôi mà chìu quá vậy thì chúng nó hư mấy hồi ! Thương con thì cũng phải thương cho có căn…
Thím Hương bực mình nên hơi xẳng giọng:
- Kỳ quá! Hai đứa nó thức chơi thêm một chút nữa thì có chết chóc gì đâu ! Dầu sao tụi nó mới... mồ côi cha, nếu mình gắt gao quá thì cũng... không đành tâm.
Anh Giáo Tư vội dịu giọng nói lảng ra:
- Thì tôi có nói cái gì khác đâu! Nhưng thương con thì cũng có ba bảy đường thương.
Ai không biết hai đứa nó mới mồ côi cha, nhưng chính vì chỗ đó mà tôi thấy thím cần phải... dạy dỗ trông nom hai đứa nó một cách thật... sát đeo mới được. Tôi cũng thương, cũng lo cho hai đứa nó dữ lắm nên mới dám... nói thẳng vô như vậy.
Thím Hương thở dài
- Tôi biết vậy rồi... nhưng mình cũng nên... nương tay với hai đứa nhỏ một chút, tôi nói sơ sơ như vậy chắc... chú Giáo dư hiểu...
Anh Giáo Tư sốt sắng đáp:
- Sao tôi lại chẳng hiểu! Tôi hiểu nhiều lắm nên mới lo... riết tới cho tương lai của hai đứa nhỏ. Tôi tính lát nữa đây sẽ nói rõ cho... thím hay, và cũng vì chỗ đó mà tôi... khuyên hai đứa đi ngủ sớm...
Thím Hương vội chận lời anh Giáo Tư:
- Thôi thôi tôi biết rồi...
Đoạn thím day qua hai con:
- Hai con chạy xuống nhà dưới chơi đi. Có con Bảy còn lo dọn dẹp ở dưới á ! Nghe chuông đồng hồ gõ tám tiếng là phải chui vô mùng hết đó nghen !
Thằng Long vui vẻ nhận lời:
- Được rồi để con xuống dưới kêu chị Bảy kể chuyện ma nghe chơi.
Con Hạnh co đầu rút vai:
- Ý thôi, em ở trên nầy với má hà !
... Liếc thấy anh Giáo Tư có vẻ cau có, thím Hương vội tìm cách vỗ về con gái:
- Con nghe lời má đi xuống dưới chơi đi con! (rồi thím day qua đe thằng Long)... Nè Long, đừng có kiếm chuyện nhát em đó nghen ! Thôi dắt em đi đi...
Biết không thể làm gì hơn được, con Hạnh đành phụng phịu đi theo anh nó xuống dưới nhà bếp...
Đợi cho hai đứa nhỏ khuất mình thím Hương lên tiếng trách anh Tư:
- Đối với sắp nhỏ anh nên nương tụi nó một chút kẻo tội nghiệp...
Anh Tư nhìn thẳng vào mắt thím Hương rồi nghiêm giọng nói:
- Em à, em trách anh như vậy kể ra cũng có lý lắm chớ chẳng phải không, nhưng em cũng nên cho anh.. nghĩ đến anh, nghĩa là đến hai đứa mình một chút!
Đến đây, anh ta thở dài; buồn bã tiếp lời:
-... Đó em coi, cả năm nay và nhứt là mấy tháng nay, kể từ ngày thầy Hương qua dời... Đối với thầy; ngay đến giờ phút này anh vẫn còn cám ơn và quý trọng vì chính nhờ thầy mà anh có dịp gần gũi, quen biết rồi tới yêu thương em... Và cũng vì chỗ yêu thương đó mà anh thấy mình có hơi ích kỷ một chút: anh nóng lòng muốn sao cho hai đứa mình ung dung thương yêu nhau, đàng hoàng thương yêu nhau chớ khỏi phải ké né, lo sợ như bấy lâu nay nữa.
Nắm lấy tay thím Hương, anh Tư tha thiết nói thêm:
- Bởi vậy, tối hôm nay anh muốn bàn với em một việc nầy.
Chợt thấy ngọn đèn leo lét chong trên bàn thờ chồng, thím Hương khẽ rút tay ra, cúi gầm mặt xuống rồi hỏi lại nho nhỏ:
- Bàn việc chi vậy anh?
- Trước hết anh xin hỏi thẳng em một câu: em có thiệt tình yêu thương anh không?
- Coi, sao anh còn hỏi câu đó!
Anh Tư gật gù
- Tốt lắm. Vậy theo ý anh, đã tới lúc hai đứa mình nên dắt nhau đi nơi khác để tính chuyện ăn ở lâu dài…
Thím Hương mở to đôi mắt:
- Ý... bộ anh rủ em trốn đi à?
Anh Giáo Tư mỉm cười:
- Cái gì đâu mà phải trốn! Em sao thiệt thà quá đỗi! Cố nhiên là mình phải nghĩ cách để... mà con mắt thiên hạ. Đây nè, em thì ra tỉnh ở để trông nom hai đứa nhỏ học hành; qua sang năm thằng Long nó thi tiểu học, con Hạnh cũng lên lớp, mà ở đây, trường học đàng hoàng thì không có... Em nên mượn cớ đó, còn anh thì anh... cùng nhau ở một nơi nào mà không ai nhìn mặt kêu tên mình được.
Thím Hương mím môi suy nghĩ một hồi rồi đáp:
- Được rồi, em thương anh thì anh bàn cái gì em cũng nghe theo hết, nhưng anh tính chừng nào mình mới.. làm cái việc đó?
- Liền bây giờ. Mai mốt hay ngày kia ngày kìa cũng được, sớm chừng nào tốt chừng nấy!
Thím Hương lại liếc nhìn lên phía bàn thờ thầy Hương
- Sao gấp dữ vậy anh? Anh để thủng thỉnh hổng được...
- Ý trời ! Bộ em tính chờ tới khi… hết tang, mãn khó mới chịu đi hay sao !
- Nhưng anh làm vậy thiên hạ dị nghị chết.
- Chớ anh ở đây hoài thì thế nào anh không giữ mình nổi và sẽ đi đến chỗ buông thùa lúc nào hổng biết... Tới chừng đó, thiên hạ họ rõ hết thì chỉ có nước độn thổ hay vác mặt mo trốn đi !
Thím Hương có vẻ xiêu lòng:
- Nhưng còn nhà cửa đất điền ở đây làm sao?
Anh Giáo Tư đáp liền:
- Ối cái đó dễ ợt: em ra ngoài Cần Thơ bán hết ruộng đất cho mấy ông chủ chà rồi nhờ họ lo giấy tờ luôn cho. Mình lấy số tiền đó đi xứ khác mua bán làm ăn nó còn sanh lợi mau hơn là cứ bo bo giữ riết ba cái đất ở đây nữa.
Thím Hương thở dài:
- Làm như vậy khỏi bị người ta xầm xì ! Chưa chi đem bán tống bán khứ ruộng nương của chồng..
Anh Giáo Tư chắc lưỡi :
- Thì em nói không có người coi sóc, một mình em, em lo không xuể, bên thầy Hương, cũng đâu còn họ hàng gì khác mà em sợ người ta nói vô nói ra. Với lại em bán đất là để lo làm ăn chuyện khác và lo cho hai đứa nhỏ được đi ăn học đàng hoàng mà !
- Thôi em cũng nghe lời anh cho trót ! (rồi thím ngập ngừng nói thêm)... Nè anh Tư, nếu hai đứa mình đã nhứt quyết đi nơi khác chung chạ với nhau, thì em tưởng anh cũng nên... dịu ngọt với sắp nhỏ một chút... Bề gì tụi nó cũng là con của em và hai đứa mình thì cần... ăn đời ở kiếp với nhau...
Anh Tư nhăn mặt :
- Điều đó em khỏi căn dặn, nhưng sau nầy, mình đâu có... sống chung với hai đứa nhỏ mà em lo !
Thím Hương trợn mắt
- Coi, vậy anh tính bỏ hai đứa nó cho ai? Em hổng chịu rời hai con đâu nghen ! Tụi nó mới mồ cô cha đây, bây giờ em tách tụi nó ra nữa sao đành !
Anh Tư chắc lưỡi:
- Anh có nói là em phải bỏ rời hai đứa nhỏ hồi nào đâu !
Em coi, anh tính đâu đó chu đáo hết: mình sẽ đem hai đứa nhỏ gởi ra Cần Thơ học ăn ở tại nhà người nào nuôi cơm tháng, hoặc gởi thẳng hai đứa nó vô trường nào có lãnh nuôi học sinh luôn, ở chợ búa thị thành bề nào hai đứa đó cũng học hành mau tấn phát và mau khôn lanh hơn là ru rú trong miệt nhà quê nhà vườn này; về vấn đề này, em để anh lo hết cho.
- Nhưng chẳng lẽ mình gởi luôn hai đứa nhỏ ở luôn nhà người ta hoài sao?
- Đâu có ! Bởi vậy anh mới nói là chuyện mình tính đây là chuyện tạm thời, sau nầy một khi anh với em đã yên nơi yên chỗ rồi mình sẽ rước hai đứa nó về ở chung chớ ! Đó em coi, anh nghỉ như vậy có vừa ý em chăng?
Thím Hương khẽ gật đầu.
Anh Tư đưa tay níu vai Thím lôi nhẹ vào một bên gian nhà khuất ánh đèn, rồi thì thầm bên tai:
- Anh biết em phải... hy sinh nhiều lắm, nhưng em tưởng tượng coi: rồi đây một chỗ xa lạ, trong một căn nhà ấm cúng chỉ có hai đứa mình thôi... Tới chừng đó, đêm cũng như ngày, hai đứa mình không cần phải giữ ý tứ gì nữa hết... chớ đâu có như bây giờ, anh muốn gần em mà lát nữa đây anh cũng phải cắn răng lủi thủi đi về nhà ngủ chèo queo một mình.
Vừa nói, anh Tư vừa ôm nhẹ lấy lưng người tình:
- Nếu thầy Hương còn thì dầu yêu thương em cách mấy đi nữa anh cũng chẳng dám bàn tính với em một điều gì hết, nhưng nay thầy Hương mất đi, chẳng lẽ hai đứa mình thương nhau mà em lại.. ở góa suốt đời hay sao? Năm nay em mới gần ba mươi tuổi.. chẳng lẽ suốt năm sáu chục năm nữa em cứ sống đơn chiếc để chờ già, chờ chết hay sao? Đây nè, lát nữa đây sau khi anh về rồi em trở vô nằm lăn trở thao thức trên giường... nội trong một đêm nay thôi, em cũng đủ thấy... ngán thấy sợ rồi ! Anh có trải qua cảnh đó, anh biết...
Một làn gió lạnh thổi qua hàng song hồng nơi cửa làm cho thím Hương rùng mình vội nép sát người thêm vào người tình...
Số phận của thằng Long và con Hạnh đã được định đoạt...
°
° °
Thấy ông Sáu Giò lui cui lo bưng dọn đồ đạc xuống xuồng, con Lụa thắc mắc hỏi:
- Bộ mình hổng ở đây nữa sao ông Sáu?
- Không. Hai ông cháu mình ra chợ Cần Thơ ở...
- Vậy hả? Ý cha chắc ở ngoài vui lắm hén ?
- Ờ, ra ngoải tao lo cho mầy đi học để biết chữ với người ta chớ ở đây mầy lông bông lêu bêu hoài...
- Ừa, đi học với tụi con nít khác chắc cũng vui lắm (bỗng nó xụ mặt xuống)... Nhưng mình đi rồi... bỏ luônt tía của con ở trong này sao?
Ông Sáu Giò có vẻ lúng túng :
- Thì... phải vậy chớ sao.
Con Lụa bỗng ngước mắt lên, hỏi ngang :
- Nè ông Sáu, sao con nghe người ta nói tía con ghê lắm, nào là tía giết người nào là tía đi ăn cướp, nào là..
Ông Sáu chận liền:
- Bậy nà ! Ai nói gì thây kệ họ, mầy đừng có thèm nghe cái mốc xì gì hết ! Bây giờ mầy..? hổng có tía nữa thì có tao đây làm... tía thế vô.
Con Lụa bĩu môi:
- Tía gì mà già khằn cú đế...
- Coi, tao có tuổi thì phải già chớ sao!... miễn tao lo cho mầy đầy đủ thôi. Tao còn lo cho mầy hơn thằng tía cũ của mầy nữa !
- Vậy ông là tía mới à?
- Ờ, từ nay mầy kêu tao bằng...
Con Lụa vui vẻ tiếp lời:
-... Bằng tía Sáu!
Ông Sáu Giò trề môi lắc đầu:
- Hổng được ! Như vậy quê mùa hủ lậu lắm. Mầy kêu tao bằng... ba Sáu, mầy quên rằng mình sửa soạn ra chợ ở sao !
- Ừa... ba Sáu...
Ông Sáu cảm động đưa tay vuốt nhẹ lên trên mái tóc dài chấm ngang vai của con Lụa rồi tất tả tiếp tục đi thâu dọn những món cuối cùng...
Con Lụa te te chạy theo:
- Rồi mình bỏ luôn hai cái nhà sao... ba Sáu?
Ông Sáu đứng lại mỉm cười:
- Con nhỏ này nhớ dai quá, mới dặn nó có một lần mà nó biết kêu... ba Sáu nghe ngọt xớt ! Con hỏi hai cái nhà của mình hả? Ối hai cái... chòi đó có bỏ ở đây cũng chẳng có ai thèm ở nữa là đem dời nó ra chợ!
- Rồi ra Cần Thơ mình ở đâu?
- Thiếu gì chỗ ở đó con...
Tuy nói thế, ông Sáu lo hết sức vì ngay trong lúc xuống xuồng bắt đầu bỏ dầm bơi đi, ông cũng chẳng biết rồi đây mình phải ở đâu...
°
° °
Quả tình anh Giáo Tư không dối trá chút nào khi anh ta nói với thím Hương rằng mình luôn luôn bận tâm săn sóc đến tương lai của thằng Long và con Hạnh.
Sau khi thu xếp xong xuôi việc bán hết đất đai ruộng vườn cho một ông chú chà ngoài Cần Thơ, anh Tư ngày một ngày hai hối thúc thím Hương ra đi, và đem gởi hai đứa nhỏ ra tỉnh học. Anh ta bàn tính với thím Hương
- Anh căn dặn em gắt một điều nầy ! đừng cho hai đứa nhỏ biết gì hết, vì như vậy cũng chẳng ích lợi gì. Em phải nhớ rằng con nít đâu có biết suy xét như mình... Và tốt hơn hết là mình nên cho thằng Long con Hạnh đi trước. Để tới chúa nhật nầy anh lãnh phần đó cho vì anh rành hơn em...
Thím Hương hốt hoảng kêu lên:
- Cái gì mà gấp quá như vậy anh !
- Cần phải như vậy nếu hai đứa mình muốn sống, thật hạnh phúc sau này... Em nên nhớ rằng đây chỉ là kế tạm thôi và như vậy cũng tránh cho hai đứa nhỏ cái cảnh bỡ ngỡ nếu hai đứa nó phải sống chung với hai đứa mình khi ra ở riêng... Cái gì đột ngột quá hổng có lợi em à ! Em nên hy sinh trước một chút rồi sau này sẽ được vui vẻ hoàn toàn...
Thấy thím Hương làm thinh anh Tư bàn tiếp:
- Anh đã đi dọ hỏi trước hết rồi; thằng Long thì anh sẽ gởi cho nó trọ tại nhà một thầy giáo ở trường dạy nghề. Nó thi tiểu học xong thì thẩy lo cho nó vô trường đó luôn. Đời nầy học máy móc, học làm các nghề nguội, nghề đồng...có ích hơn là học chữ nghĩa suông... Còn con Hạnh...
- Ủa, bộ anh tính để hai đứa nó ở riêng rẽ nhau sao? Anh Giáo Tư thở dài :
- Anh cũng đã nghỉ nát óc rồi em à. Hai đứa nó ở chung với nhau rồi suốt ngày nhớ nhà nhớ cửa thì làm sao rảnh rang tâm trí để học hành cho được! Bởi vậy anh tính gởi con Hạnh vô một trường tư có nội trú cho học trò gái, như vậy mỗi đứa tiện có người chăm lo săn sóc thuận lợi cho sự học hành của chúng nó mà cũng vừa có thêm nhiều bạn bè để khuây lãng chuyện xa nhà nữa đó em!
Thím Hương chỉ phản đối một cách yếu ớt rồi lặng thinh trong đôi cánh tay ấp ủ ve vuốt của anh Giáo Tư...
@banmethuot
Download and install Flash 11 (don't update) :
https://vietmessenger.com/apps/install_flash_player_11_plugin_32bit.exe
cannot not read it.