CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Toan Ánh » Cầm Ca Việt Nam

Cầm Ca Việt Nam





Toan Ánh





Cầm Ca Việt Nam





LÁ BỐI xuất bản 1970





Tựa

Tôi mừng rằng công trình sưu tầm biên khảo về Nếp cũ của ông Toan Ánh càng ngày càng được quốc dân hoan nghênh. Non ba chục năm trước, đọc những bài chép các tục lạ ở thôn quê Bắc Việt và đăng rải rác trên các báo Tri Tân, Trung Bắc Chủ Nhật, Tao Đàn tôi đã để ý đến ông liền: khu vực đó ít người khai thác mà những chuyện ông kể đều hấp dẫn, dồi dào về chi tiết. Kế đó là chiến tranh Pháp Việt. Bẵng đi một thời gian, sau Hiệp định Genève một ít lâu, tôi lại thấy ông xuất hiện trên văn đàn với những tác phẩm: Bó hoa Bắc Việt, Trong lũy tre xanh. Và trong mấy năm nay, không năm nào ông không cho ra vài ba cuốn, có cuốn dày 400-500 trang khổ lớn: Tín ngưỡng Việt Nam, Người Việt... Đất Việt, Làng xóm Việt Nam, Miền Bắc khai nguyên...Ông đã sớm định một chí hướng từ khi mới ra làm việc, lựa một con đường ít người đi mà cũng là con đường đẹp nhất, thích thú nhất: đi sâu vào lòng dân tộc, tìm hiểu nếp sống của tổ tiên; và luôn mấy chục năm, tập trung mọi hoạt động vào đó, sưu tầm trong các sách báo cũ và mới, đi tới từng miền để điều tra, ghi chép, lợi dụng mọi hoàn cảnh để đạt mục đích (cuộc di cư 1954 đối với ông chính là một điều may vì nhờ nó mà ông đã nghiên cứu được tại chỗ phong tục miền Trung và miền Nam) nên tài liệu của ông mỗi ngày một nhiều, sự sáng tác của ông mỗi ngày một phong phú. Nghe nói ông dự tính soạn thêm năm sáu cuốn nữa, mỗi cuốn bốn năm trăm trang. Và công của ông đến nay đã được quốc dân đền đáp. Đó là điều đáng mừng, không phải mừng cho ông mà cho tiền đồ của văn hóa nước nhà.

Sau Hiệp định Genève, khi ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu lan tràn vào Việt Nam, trong khoảng mười năm đầu một số người hăng hái tiếp thu văn hóa Mỹ vì nó lạ đối với chúng ta, một số khác nhiệt liệt giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Pháp. Dĩ nhiên công việc đó nên làm, nhưng chúng ta đã say với cái mới, cái lạ, của người mà cơ hồ quên đi cái đẹp, cái cũ của mình. Vài năm nay, có một trào lưu ngược lại: chúng ta đã thấy mặt trái của phương Tây: có một lực lượng phi thường chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại mà họ không ổn định nổi chính xã hội của họ, lại chỉ gây thêm vô số xáo trộn trên thế giới, ở Đông Á, Tây Á, Phi Châu, Nam Mỹ. Nên một số học giả phương Tây đương muốn tìm hiểu sâu hơn văn minh của phương Đông; ở nước ta thì một số nhà văn đã trở lại nghiên cứu Văn hóa cổ truyền của mình: triết lý cổ, tuồng cổ, văn thơ cổ, nếp sống cổ... Chúng ta chưa biết công trình của các nhà đó có dẫn tới một đường lối nào dung hòa mới với cũ không, tạo nên một nhân sinh quan mới, một nếp sống mới nào không, nhưng nội một điều quốc dân, nhất là thanh niên, đã hoan nghênh công việc của họ, cũng đủ cho ta mừng rồi: có tìm hiểu kỹ dĩ vãng của mình thì mới quí nó được, có quí nó thì mới tìm được hướng đi cho tương lai; không một dân tộc nào đoạn tuyệt hẳn với dĩ vãng mà cường thịnh được. Lịch sử là một sự liên tục: tương lai ở trong hiện tại, mà hiện tại ở trong dĩ vãng. Tôi mong mà cũng tin rằng "sự suy đồi của văn hóa vì đụng chạm với những sản phẩm ngoại lai lúc này" - lời của ông Toan Ánh - chỉ là một thứ lở lói ngoài da phát sinh trong các thành thị, còn đại đa số dân chúng ở thôn quê, ở các quận, các tỉnh nhỏ vẫn còn giữ được nếp sống cũ. Tôi có thể dẫn chứng được vì đã mục kích nhiều gương hi sinh nhẫn nại tiết tháo.

Trước sự xâm nhập ồn ào, "man rợ" của các loại nhạc Jazz, Twist, Be-bop mấy năm gần đây, ông Toan Ánh âm thầm thu thập tài liệu về Cầm ca Việt Nam để chúng ta thấy tính cách nghiêm trang mà hòa nhã, vui mà không loạn của ca nhạc cổ, nhất là cái tinh thần "cộng lạc" giữa giai cấp sĩ phu và bình dân thời xưa ra sao. Tôi yêu quí các cụ Nguyễn Du và Phan Bội Châu quá khi các cụ đêm đêm đi hát dặm với các cô thôn nữ, và tôi thích cái tục hát quan họ ở Bắc Ninh làm sao? Thời đó trí thức và bình dân đâu có cách biệt như ngày nay, mà không có cách biệt thì làm gì có đấu tranh giai cấp.

Tác giả không thể đi sâu vào chi tiết được - như vậy thì biết mấy ngàn trang cho đủ? Nhưng ông đã ghi hết được những đại cương về cầm ca của ta từ thời cổ cho tới đầu thế chiến vừa rồi: nhắc qua "nhạc lý": lục kỵ, thất bất đàn; tả mấy chục thứ nhạc khí và không biết bao nhiêu giọng ca hát trí thức và bình dân: hát đò đưa, hát chăn trâu, hát ru em, hát ví, hát quan họ, hát dặm, hát trống quân, hát phường, hò, vè, hát xẩm, hát ả đào, ca Huế, hát thờ, hát tuồng, hát chèo, vân vân, cả ca cải lương nữa, chấm dứt là những bài hát đầu tiên chịu ảnh hưởng của Tây phương.

Đọc tác phẩm của ông tôi bâng khuâng nhớ lại một lúc vui thanh thoát trong đời tôi mà nhờ dân ca tôi đã được hưởng. Cách đây non bốn mươi năm, cũng vào một đêm Trung thu như đêm nay, nhưng ở làng Thịnh Hào cách Hà Nội dăm sáu cây số. Anh em chúng tôi ba bốn người đương chuyện trò trong một khu vườn bỗng có tiếng hát văng vẳng đưa lại, và chẳng ai bảo ai, mọi người đều im bặt. Tiếng hợp ca mỗi lúc gần và chúng tôi nghe rõ là điệu Ru hời:

Tay tiên là tay chuốc chén ơi ới đào là rượu đào,
Đổ đi là đi thời tiếc, ơi ới vào, uống vào, uống vào thời say.
Ru là ru ru hỡi, ơi ới hỡi là ru hời...

Giọng ca tới những tiếng chén, tiếc, bay vút lên không, rồi chìm hẳn ở những tiếng (rượu) đào, (uống) vào; sau cùng tan lẫn trong cảnh bao la của đồng ruộng. Đúng lúc đó nhìn qua bờ ao, chúng tôi thấy một đoàn thợ gặt, cả trai và gái khoảng mười mấy người đi hàng hai dưới ánh trăng vằng vặc trên con đê (tức đường Quần ngựa). Tiếng hát ngừng một chút rồi lại cất lên, tôi nhổm nhổm muốn chạy theo họ, nhưng rồi lại ngồi xuống, vì băng qua được cách đồng chiêm tới chân đê thì họ đã đi xa mất rồi. Tôi lắng tai nghe tới khi dư âm tắt hẳn, mà tiếc ngơ tiếc ngẩn! Suốt đời tôi, chưa có lần nào giọng ca làm cho mê như lần đó: nó du dương, uyển chuyển, bát ngát, tôi biết dùng tiếng gì để tả bây giờ? Ca nhạc Tây phương không sao gợi cho tôi được cảm xúc thần tiên đó. Ca nhạc của mình quả thật không phong phú, nhiều sắc thái bằng phương Tây nhưng có những nét riêng, cái thần riêng thấm thiết với ta, như là tiếng gọi của tổ tiên, của dân tộc. Ông Toan Ánh đã có công gợi cho ta nhớ lại, nhớ cái hồn của đất nước đó trong cuốn Cầm ca Việt Nam này. Chỉ là một "nhất lãm" nhưng rất đủ để hướng dẫn những người muốn đi sâu vào chi tiết.

Một điểm đáng chú nữa là ông đã khéo lựa những câu hát để chúng ta thấy tinh thần khả ái của thôn nữ Việt Nam.

Họ sống thật cực khổ:

Một ngày hai bận trèo non,
Lấy gì mà đẹp mà dòn hỡi anh!

mà họ rất chung tình:

Ra về chỉ một ngóng theo,
Ngóng rừng rừng rậm, ngóng đèo đèo cao.

và rất hiếu thảo với cha mẹ, tận tụy với chồng con:

Bố kinh thờ mẹ thờ cha,
Thờ chồng trọn đạo cùng là nuôi con.

Một số thiếu nữ ngày nay, hạng bận mini-jupe, hút Salem, uống huýt-ky, đọc những câu đó tất bĩu môi, cho là cổ hủ; nhưng dân tộc ta - mà dân tộc nào cũng vậy - sở dĩ vượt qua được những cơn hỗn loạn, khủng hoảng mà lại hiên ngang ngửng đầu lên được, chính là nhờ những người vợ, người mẹ cổ hủ như các bà mẹ Sào Nam, Tú Xương, Nguyễn Quang Diêu...

Sàigòn, Trung Thu Kỷ Dậu

NGUYỄN HIẾN LÊ


Thú vui tao nhã

Người ngoại quốc sống trên đất Việt, tìm hiểu nếp sống của người Việt Nam, đều công nhận Việt Nam là một dân tộc chịu khó, không ngã lòng trước mọi khó khăn, đã chiến thắng được tất cả mọi trở ngại vật chất và tinh thần trong chịu đựng, trong gian lao. Lịch sử Việt Nam trải qua bao nhiêu cuộc hưng vong, người Việt Nam như cây tre, gặp gió mạnh thì ngã xuống, qua cơn gió lại vươn mình lên. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không nề hà vất vả, làm lụng sáng chiều, đầu tắt mặt tối, vật lộn với sự sống. Sống trên một dải đất khi nắng thì như thiêu đốt, khi lạnh thì như cắt da cắt thịt, đất đai thì núi rừng trùng điệp và đồng lầy mênh mông, nếu tổ tiên chúng ta không kiên nhẫn phấn đấu, không bền gan chịu đựng, làm sao ngày nay chúng ta có một giang sơn gấm vóc. Chúng ta đã chống lại được sự thôn tính của người Trung Hoa về phương Bắc, chúng ta lại mở mang được bờ cõi về phương Nam, và gần đây, chúng ta lại tự giải thoát được ách nô lệ của người Pháp, mặc dầu kẻ địch của chúng ta có đủ khí giới tối tân, đối lại chúng ta chỉ có sự đoàn kết dân tộc với lòng bền bỉ kiên cường.

Ở hoàn cảnh rất khó khăn, về địa lý cũng như về chính trị, dân tộc Việt Nam đã phải làm lụng nhiều hơn tiêu khiển, đã phãi đương đầu chiến đấu nhiều hơn hưởng thụ, gia dĩ, từ ngày lập quốc tới nay, hết kẻ thù gần tới kẻ thù xa, họ luôn luôn muốn thôn tính đất nước chúng ta, cho tới ngày nay tham vọng ngoại trên-đất nước vẫn chưa hết, họ muốn sang đoạt hết quyền sống, trách chi chúng ta không cực nhọc trong sinh hoạt!

Nói như vậy không phải là người Việt Nam không có những thú chơi giải trí. Có lắm chứ, tuy vất vả, tuy bận rộn, nhưng sau những giờ làm lụng, sau những cuộc phấn đấu, chúng ta vẫn có nghỉ ngơi và chơi bời, có như vậy chúng ta mới có dịp tự thưởng công cho mình.

Chúng ta giải trí với những thú vui riêng của dân tộc, và những thú vui này là những trò tiêu khiển của mọi tầng lớp, thay đổi tùy theo từng hạng người và cũng có khi từng địa phương.

Và ngay trong các lối chơi tiêu khiển cũng có năm bảy đường "có cách chơi nhã, có cách chơi tục, có cách chơi thanh, có cách chơi thô, có cách chơi nghĩa lý văn chương, có cách chơi bá láp vô vị, có cách chơi đủ dinh dưỡng tính tình, có cách chơi làm hư bại nhân cách" 1

Thói thường có làm thì phải có chơi, và chơi bời cũng không phải là có hại, "có lao lực phải có tiêu khiển" điều cần thiết là phải chọn lối chơi mà vui, vì trong cách chơi hay hoặc dở, nhã hoặc tục, thanh hoặc thô thường do lối mà cũng do cả người chơi nữa. "Người chơi phong nhã cao thượng thì cách chơi cũng cao thượng phong nhã; người chơi nhả nhớt tục tằn thì cách chơi cũng tục tằn nhả nhớt". Người biết chơi thường tìm những thú chơi hợp với mình. Có những thú chơi ầm ĩ ồn ào, có những thú chơi yên tĩnh trầm lặng, có thú chơi cần tới sức vóc, có thú chơi cần sự suy nghĩ, lại có thú chơi cần cả trí lẫn lực. Có thú chơi, người chơi chỉ một mình cũng thấy thú, lại có những thú chơi phải có đồng bạn mới hào hứng; có thú chơi không cần sự ganh đua, có thú chơi phải ganh đua mới thỏa thích.

Thú chơi thay đổi tùy người, thay đổi tùy địa phương, nhưng cũng lại thay đổi tùy thời đại. Tôi không nói tới những thú chơi mới ngày nay do ảnh hưởng của Tây phương mà có, tôi chỉ hạn chế trong những thú cổ xưa của người mình, và tôi cũng không đề cập tới những thú chơi ồn ào rầm rĩ, những thú chơi mạnh mẽ cần tới sức vóc, chỉ muốn nhắc tới những Thú vui tao nhã của người xưa.

Những thú tao nhã này, trước hết phải kể tứ thứ phong lưu là cầm, kỳ, thi, họa, rồi đến những thú tiêu khiển khác như ca hát, chơi cây cảnh, uống trà, chơi chim, chơi hòn non bộ, chơi diều v.v...

"Xét trong cách chơi bời, cách nào cũng có một cái thú tiêu nhàn, cũng di dưỡng được tính tình, cũng khoan khoái được thần trí" 2 .

Những thú chơi tao nhã của tổ tiên chúng tôi trải qua bao nhiêu cuộc hưng vong của đất nước, ngày nay nhiều thứ vẫn còn tồn tại và đương thời cũng có nhiều người thích thú. Còn hay mất, những thú chơi này đã từng làm cho ông cha chúng ta say mê, chúng ta phải tìm hiểu, tìm hiểu để thưởng thức cũng như để so sánh với một vài thú chơi ngày nay.

Nếu chúng ta được nghe những cụ già đứng trước những cây tùng của hòn non bộ thân bằng cổ tay lá bằng mũi kim vào giữa mùa nóng rực mà nói rằng thấy mát cả người như đã bước chân vào rừng tùng; nếu chúng ta được thấy một người đứng tuổi vào bực đàn anh trong làng cặm cụi ngồi vót từng cái khung diều, uốn đôi cánh diều quên cả ăn, quên cả mệt; nếu chúng ta được nhìn một cụ già khác cặm cụi với nghiên mực, với ngọn bút nho để vẽ một bức tranh thủy mạc, chú ý tới nét vẽ của mình như quên hẳn cuộc đời bên ngoài; nếu chúng ta lại chứng kiến các cụ pha một ấm chè tàu buổi sáng, được tự tay đun lấy bình nước, tự tay tráng chiếc ấm và những chiếc chén, từ chén tống tới chén quân; và nếu... còn nhiều nữa, chúng ta sẽ cảm thấy cái thanh thú của những thú chơi lịch sự thanh tao của người mình và chừng đó chúng ta ắt phải say những cái say mê của tổ tiên.

Viết về những thú vui tao nhã trong nếp sống cũ của dân tộc, tôi tự biết rằng sẽ không làm thỏa mãn được nhiều độc giả vì sự hiểu biết quá nông cạn của tôi, vì tôi chỉ nhắc lại một cách quá giản lược, chính tôi không phải là một tài tử trong một thú chơi, không lột hết được những điều phải trình bày, nhưng tôi vẫn viết, viết để ghi lại một vài cái gì của ông cha để hoặc có người lưu ý tới sẽ đào sâu bới kỹ hơn, trình bày rõ ràng và đầy đủ với một sự tham bác rộng rãi hơn.

Trước khi đề cập tới những thú vui tao nhã khác, trong tập sách nhỏ này, trước hết tôi xin trình bày về hai thú Cầm, Ca.

Tôi sẽ rất thỏa mãn nếu những trang sách nhỏ này có người đọc tới và sẽ chỉ bảo cho những điều thiếu xót để bổ khuyết về sau.

Tháng giêng năm Kỷ Dậu - 1969

--------------------------------
1Phạm Quỳnh - Văn chương trong lối hát ả đào. Nam Phong số 69, tháng 3 năm 1923.
2Phan Kế Bính - Việt Nam phong tục, Đông Dương tạp chí, 1914-1915.


BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH