CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Quỳnh Dao » Đừng Quên Đêm Nay (Biệt Vọng Kim Tiêu)


ĐỊNH NGUYÊN


TIỂU SỬ

Tên thật Nguyễn Đình Định, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1942 tại Hải-Dương, Bắc Việt. Cựu học sinh Chu Văn An. Đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn...

Hiện phục vụ trong quán đội Việt Nam Cộng-Hòa với cấp bậc đại úy.



QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Theo tôi, truyện ngắn là một góc cạnh sáng chói nhất trong toàn diện văn chương của người Việt. Hầu như nhà văn nào cũng bắt đầu bằng truyện ngắn, một sáng tạo, một dấu hiệu, rồi tiếp tục, dưới hình thức này hay hình thức khác, triển khai sáng tạo đó để hình thành một khí hậu, một lối viết, những nhân vật của riêng mình.



Về Truyện Ngắn “KHÍ HẬU”

Lời nói thêm của tôi về truyện ngắn in trong tập truyện này chính là cái tên truyện.




ĐỊNH NGUYÊN




Khí Hậu

Trời rạng sáng: Tiếng gà gáy vọng dưới thung lũng còn mù sương đục. Ánh sáng nhợt nhạt lan từ hướng Đông tới. Ông Thức đã dậy từ lúc nào, ngồi im lặng trên chiếc ghế trước cửa sổ: Cửa kính được mở ra một nửa. Gió lạnh buổi sớm tẩm đẫm hơi sương. Góc đường một gốc thông cũ cháy dở (Người ta đang sửa chữa và mở rộng con đường trước nhà. Nhiều cây cối đã bị đốn xuống). Mùi nhựa thông cháy thơm hắc mỗi lúc một nồng hơn trong không khí.

Người đàn ông vẫn ngòi yên lặng. Hai tay đặt trên thành ghế. Bàn tay phải cầm gọn cái pipe. Thuốc trong lòng điếu chắc đã lắt. Người đàn ông như thể đang ngủ, cũng như thể đang nhìn ra ngoài.

Tiếng gà gáy mỗi lúc một râm ran dưới lũng thấp trầm mình trong bóng tối và sương mù. Hôm nay không biết có nắng tốt không. May ra! May ra! Hình như ấm lại nhiều. Người đàn ông vươn vai và ngáp dài, như vừa tỉnh thức từ một giấc ngủ (một giấc mộng), ông với tay lấy chiếc bật lửa châm một mồi thuốc. Ngọn lửa gaz cong xuống chui vào lòng điếu. Ánh sáng hát ngược soi vầng trán đã có những nếp nhăn và mái lóc lòa xòa điểm những sợi bạc.

Ông rời khỏi ghế đi về phía góc phòng, bật đèn, gấp cuốn sách để trên mặt bàn ngủ lại, nhìn bức ảnh một người đàn bà treo trên tường. Đôi mắt bà có vẻ hờ hững nhìn đâu đâu. Khuôn mặt người đàn bà thật đẹp nhưng buồn thảm, giống như buổi chiều mùa thu chiếu ra thứ ánh sáng hiu quạnh. Người đàn ông đứng lặng trước bức ảnh, hai vai hơi so lại. Một cơn gió rét lùa vào phòng. Chụp đèn treo chao qua chao lại. Ông rùng mình, đưa hai tay vuốt mặt. Da mặt lạnh và ẩm. Ông lắc đầu lẩm bẩm:

“Mau thật!”

Mười năm: Người đàn bà đã chết. Tuổi già buồn thảm. Tuổi già một mình lại càng buồn thảm hơn. Đời sống ta cũng như một mặt nước tù hãm, đóng váng không còn in soi được một mảnh trời nắng, một bóng cây xanh. Cái lớp váng ấy chính là cái chết của em mà cũng là cái tuổi già của ta. Nó đóng kín đời ta lại nhưng cũng chính vì thế mà ta giữ được âm vang hạnh phúc của quá khứ ta. Tuổi già bây giờ như vậy đó: toa tàu rỉ sét ở lại một ga bỏ không miền núi, cao nguyên đất đỏ nơi em đã hấp hối chết lần chết mòn những ngày cuối cùng mà ta vắng mặt. Ôi tuổi trẻ cuồng nộ và lãng mạn. Cuối cùng, bây giờ, ta vẫn chỉ là một lão giáo già. Sự có mặt của người dàn bà làm cho đời sống khó khăn hơn nhưng cũng cần thiết hơn (Sau khi em chết và ta bắt đầu cái tuổi già của mình mới hiểu ra như thế); người ta như thể bị trôi nghiến vào với nhau mà cái cách duy nhất là cố gượng đứng lên và bước tới, nếu không thì sẽ chẳng cục cựa gì được. Sự ràng buộc ấy cũng như thời tiết với mùa màng. Như ngày với đêm. Bây giờ không thời tiết. Không mùa màng. Không ngáy. Không đêm. Ta đã già. Em đã chết...

Ông Thức đưa tay định mang tấm ảnh xuống nhưng lại thôi. Ông thở dài, lững thững đi về phía cửa sổ khép cánh lại. Phương Đông đã ửng dáng đỏ, hắt lên những cụm mây đặc sệt lam nham. Sương mù ẩm đục tụ kín trong vòm cây như tất cả lá cây đang thở ra hơi nước lạnh lẽo. Người đàn ông rất sợ mùa lạnh nhưng may là mùa lạnh hình như sắp qua (?). Hình như thế thì phải. Sáng nay không lạnh dữ như những sáng khác. Người đàn ông lầm bầm, với chiếc áo choàng trên mắc, mở cửa.

Cửa phòng của An mở hé. Ánh đèn hắt ra trải một vệt sáng trên hành lang tối âm. Ông Thức ngạc nhiên. Chẳng hiểu nó dậy làm gì sớm thế. Ông đẩy rộng cánh cửa nhìn vào phòng. Không có ai hết. Chăn nệm bừa bãi trên giường. Đèn bàn viết bật sáng, soi tỏ bức tượng Chúa trên thập tự. Cạnh bức tượng là tấm hình một người lính trong cái khung mạ vàng kiểu cọ. Một cuốn tập dày bìa da nâu mở ra đến ba phần tư. Ánh sáng soi qua chụp đèn mầu hồng không đủ tỏ bức tranh, ấn bản họa phẩm La Mousmé của Van Gogh treo trên tường. Những sọc đỏ trên áo cô gái trong tranh thẫm mầu hơn, trông giống như những vệt máu rỉ xuống, khô queo. Tất cả các cánh cửa sổ đều đóng kín. Ông Thức bước hẳn vào phòng con gái. Bây giờ chợt ông đứng lặng đó, trong cái khung cảnh và hơi hướng đặc biệt: đàn bà; một thế giới bé nhỏ riêng rẽ, khác lạ, làm ông choáng váng ngây ngất. Căn phòng toát ra sự dịu dàng thấm dần vào ông.

Ông Thức cầm cuốn tập bìa da soi sát vào ngọn đèn chụp. Đó là cuốn nhật ký của An. Những dòng chữ lệch lạc rõ ra được viết trong lúc mệt nhọc, bất an:

… Nhức đầu quá không tài nào ngủ được. Khổ chưa! Không còn viên thuốc nào hết. Muốn đập dầu vào tường. Sợ ba thức. Khuya quá rồi. Mai là ngày giỗ mẹ. Sao mẹ lại đặt tên con là Bình An. Ta không bao giờ được may mắn ấy. Mọi người sống như chỉ để lần lượt chết đi. Ba: một cái bóng. Như thế không còn là ba nữa. Ba đã chết. Ba đã chết! Buồn cười thật. Sao cười hoài vậy H.? Không thấy em đang đau đầu sao? Tại sao vậy? Không bao giờ H. tắt được nụ cười đó. Nụ cười của H. — Như thế — Cũng đã chết. Chết! Ngon lành vậy sao H. của em? Anh nói... có hai điều đáng gọi là bằng nhau (Tại sao lại có chữ đáng khỉ như vậy?): yêu em và chết. Bây giờ em mới thấy em ngu khờ vì cái điều thứ hai, anh đâu có quyền chọn lựa. Anh nói dối em nhưng lời dối trá ấy thật tình, nên em đã phải khóc hoài. Ta không khỏe. Đau đầu quá! Mà không phải chỉ đầu không thôi. Ta phải làm một cái gì đó? Mà làm cái gì đây? Mệt nhọc. Rời rã. Đời sống ta giống như sau một cơn sốt. H. = Cái chết = Cơn sốt ghê gớm ấy…

Ông Thức ngồi hẳn xuống ghế trước bàn viết. Ông gấp cuốn nhật ký của con lại, nhè nhẹ lắc đầu. Chiếc đồng hồ quả lắc kiểu cổ ở dưới nhà ngân nga điểm sáu tiếng. Âm vang lạnh lẽo, giống như những lớp sóng tản tròn lớn mãi dần ra trên một mặt nước tiêu điều, đập lên tất cả những ô cửa kính của ngôi biệt thự, rung trong thăm thẳm. Mất tăm. Người đàn ông tắt ngọn đèn trên bàn. Căn phòng chìm vào bóng tối. Ánh sáng nhợt nhạt hiện dần lên trên mặt các ổ kính của sổ. Người đàn ông vẫn ngồi yên lặng trên ghế, trong ánh sáng lam nham, như một bức tượng.

Bên ngoài: Những con chim bồ câu bay xuống sân. Phương Đông sáng rõ dần. Chằng bao lâu mặt trời sẽ lên ở phía bên kia đồi. Mặt hồ phủ sương mù, trôi lập lờ giống như một chất dẻo, trắng xóa, nhẹ tênh. Đám khói từ gốc thông cháy bay lẫn trong sương. Người phu quét dường vừa bắt đầu làm việc. Tiếng chổi quét trên mặt lộ sàn sạt. Một ngày bắt đầu bằng mọi thứ tiếng động.

An ngồi trong phòng khách. Nàng ngả đầu trên thành ghế. Hai mắt khép hờ. Tay giữ cuốn sách đặt trên đùi. Điếu thuốc đang cháy trên cái gạt tàn. Sợi khói đứng thẳng tắp. Ngọn đèn chụp tỏa ra ánh sáng yếu không đủ soi tỏ những cuốn sách đứng lệch lạc trên giá giống như một hàm răng khấp khểnh không đều. Lò sưởi đã tắt từ lâu còn lại những tàn than và vài mẩu củi nhỏ. Khuôn mặt cô gái chỉ được soi tỏ một phần. Ánh sáng dịu dàng của ngày đọng lại trên mi mắt nàng. An lắng nghe những tiếng động của buổi sáng: Con chim bồ câu kêu gù gù, tiếng gà gáy vọng bên ngoài các ô kính nghe xa lắc, tiếng râm ri trong căn phòng như thể tất cả các chất gỗ đều cựa mình thức dậy đón buổi sáng ấm. Khi nhắm mắt lại nàng có cảm tưởng những âm thanh mơ hồ đó được khuếch đại hẳn lên. An cũng nghe tiếng chân cha trên lầu. Một lát sau thì im bặt. Nàng tự hỏi: có cái gì lạ lùng của một ngày như hôm nay? Người cha thức dậy quá sớm? Có điều gì lạ lùng trong những âm động thầm thì của buổi bình minh? Tất cả như vừa đổi mới và bất thường? Nhưng chắc chắn là thời tiết đã bắt đầu đổi khác.

Ông Thức hiện ở đầu cầu thang tối:

- An!

Nàng mở bừng mắt nhìn cha:

- Ba dậy sớm quá ba! Ba có sao không?

- Con hút thuốc hay đọc sách vậy?

- Không! Con buồn ngủ. Con pha cà-phê cho ba nghe!

- Con đừng hút thuốc nhiều. Con yếu lắm đấy!

- Con quên chưa đun nước nữa. Ba chờ con một chút nghe ba!

- Ờ! Ba còn rửa mặt.

- Ba ăn trứng không?

- Sao cũng được.

- Ba!

- Con cứ ngồi ngh đi, còn sớm mà!

Ông Thức đi thẳng vào toilette, khép cửa lại. An xoay người ra phía sau tắt ngọn đèn chụp. Ánh sáng bên ngoài mới vừa chỉ đủ soi tỏ trên các ô kính cửa sổ. Nàng lại bật đèn lên.

Bây giờ mình làm cái gì đây?”

Nàng đứng dậy vươn vai. Những tấm nệm vuông đỏ còn đặt trước lò sưởi. Đêm qua An đã nằm ngủ ở đó. Vài ba cuốn sách báo rải rác trên sàn làm cho phòng khách có vẻ bừa bãi hơn thường lệ. Bình hoa hồng trên bàn ăn đã héo. Những cánh hoa rụng xuống nền vải trắng, đã thẫm mầu tím lại. Mặt trời đã hực nhô lên bên kia đồi rọi chiếu ra những sợi nắng đầu tiên xuyên qua sương mù lấp lửng trong các đám lá, rồi nhấp nhánh trên ô kính cửa sổ.

“Sáng rồi!”

An đi vào nhà sau và đứng trước cửa bếp. Nắng đang lên thật mau, giống như lớp bọt nước vàng óng, sủi cao dần, tràn qua các ô kính cửa vào trong căn bếp nhỏ gọn ghẽ: mặt gạch men trắng óng ánh như mầu thỏi bạc cắt, rồi mầu vàng rực rỡ trên các mặt gỗ vẹc-ni.

An ngồi ở bàn ăn, để cái thìa và bình đường, đặt tách cà-phê vào đúng chỗ, lau lại chiếc nĩa, những việc nhỏ nhặt này nàng làm rất thứ tự và chậm rãi trong khi chờ người cha thay quần áo trên lầu. Sau đó nàng đứng dậy đi loanh quanh trong phòng, ngừng lại trước bàn viết, không nhấc ống nói lên, quay số điện thoại vu vơ để nghe tiếng lách cách đều đặn dễ thương của vòng số quay trả trở về.

- Con gọi điện thoại à?

Ông Thức vừa xuống thang gác. Ông mặc complet bằng hàng nhẹ mầu xám nhạt, chemise trắng và cravate sọc đỏ. An quay lại cười:

- Hôm nay trông ba trẻ ra quá!

Ông Thức lúng túng nắn nắn lại chiếc cravate sọc đỏ:

- Con gọi điện thoại sớm vậy?

- Không! Con không gọi điện thoại.

Ông ngồi xuống bàn ăn:

- Lại uống cà phê với ba chứ?

Trong phòng đầy ánh nắng rực rỡ của buổi sáng ấm. Hai cha con ngồi đối diện ở bàn ăn. Ông Thức ngồi thẳng lưng, nâng tách cà phê một cách trịnh trọng nhưng tự nhiên bằng thói quen cố hữu. An ngồi nhô người tới trước, tì hai khuỷu tay lên mép bàn. Nàng nhìn xuống tách cà phê của mình trong khi ông Thức nhìn con. Hai cha con đều yên lặng. Thỉnh thoảng An nhìn cha rồi lại yên lặng uống tách cà phê của mình. Một lát sau An nói: “Con đi nướng bánh” và đứng lên. Ông Thức rót thêm cà phê vào tách, vừa uống vừa gật gù không nói gì. Một lát sau An trở lại với những lát bánh vuông được nướng vàng và một đĩa bơ lạt.

- Ba ăn trứng thêm không ba?

- Thôi con! Hôm nay ba không thấy đói lắm.

Nàng ngồi xuống lấy dao ăn miết bơ lên miếng bánh rồi để vào đĩa trước mặt cha. Tự nhiên nàng hỏi:

- Sao sáng nay ba dậy sớm quá vậy? Đêm qua ba không ngủ được à?

- Ba đi ngủ sớm lắm chứ! Có lẽ tại khí hậu thay đồi thì phải?

- Hình như trời ấm lại nhiều. Phải không ba?

- Ừ, có lẽ vậy.

- Sáng nay ấm như mùa hè ấy ba!

- Ừ chắc vậy.

- Nên ba mới dậy sớm hơn mọi ngày phải không ba?

- Ba cũng không biết.

- Đúng không ba?

- Ờ! Ờ, có lẽ như thế. Nhưng con ăn hết miếng bánh đi chứ! — Người cha mỉm cười — Sáng nay ba uống ba tách cà phê rồi.

- Ba uống chút rượu nghe ba!

- Vào hơn bảy giờ sáng à? Hơn nữa hôm nay có buổi họp ở trường, ba không muốn người ta cho ý kiến của ba là do rượu nói chứ không phải ba nói.

- Ba có gì lo nghĩ không ba?

- Không! Không! Mà sao?

- Sao ba thức sớm quá vậy?

- Có lẽ tại trời đột ngột ấm lại nên ba dậy sớm.

- Đúng thế không ba?

- Có gì quan trọng đâu con.

- Mùa hè còn lâu mới đến mà ba.

- Thời tiết cũng không nhất định gì lắm.

- Con sợ không phải là như thế.

- Sao vậy?

- Ba lớn tuổi rồi.

- Ừ! Ba già rồi nhưng ba còn khoẻ mà.

- Đúng không ba?

- Ba không mất ngủ theo ý con nghĩ đâu.

- Ba không thương con.

- Đừng khóc vào buổi sáng như thế này!

- Con không khóc.

- Ba không cấm con khóc được nhưng đừng khóc nữa.

- Con không khóc đâu.

- Ba biết! Trưa nay con muốn ba về ăn cơm nhà hay con xuống trường đón ba rồi hai cha con đi ăn tiệm?

- Ba!

- Ba biết! Ba biết! Không phải vì thời tiết mà ba dạy sớm Có phải con muốn nói như vậy? Ba biết, ba nhớ hôm nay là ngày giỗ mẹ con. Ba đã cố...

- Con xin lỗi ba.

- Con đừng khóc!

- Con xin lỗi ba.

- Con ăn đi chứ! Con không có gì để phải xin lỗi ba.

Ông Thức bẻ một miếng bánh miết bơ và đặt lên đĩa cho con. An cúi đầu nhìn xuống.

- Con đã không săn sóc ba chu đáo.

Ông Thức đặt tay lên mép bàn:

- An! Đó không phải điều làm con khóc mãi.

- Con xin lỗi ba.

Ông Thức đứng lên đi vòng lại sau lưng con gái, đặt tay lên vai nàng nói:

- Trưa ba về ăn cơm rồi chiều ba chở con ra khỏi thành phố cho khoẻ người, lâu lâu mới có ngày ấm như thế này.

- Giá là nghỉ hè ba nhỉ? Con muốn đi thăm mộ mẹ.

- Ừ! Còn lâu mới mùa hè.

Ông Thức vuốt tóc con rồi về ghế ngồi xuống:

- Hay con thích ba ở nhà hôm nay, ba có thể bỏ buổi họp ở trường cũng chẳng hề gì.

- Thôi ba đi làm đi!

- Ờ! Trưa ba về.

- Để con xuống trường đón ba rồi đi ăn tiệm như ba nói. Lâu lắm con chưa xuống phố.

Người cha rót thêm một ít cà phê vào tách, nhìn con mỉm cười:

- Hôm nay ba uống quá nhiều cà phê.

Ông chỉ vào miếng bánh còn trên đĩa:

- Con ăn hết miếng bánh đi chứ!

Bên ngoài sân cỏ: nắng vàng rực rỡ rung động trên những đóa hoa còn ẩm sương đêm. Bầy chim bồ câu rủ nhau bay vòng một vòng lớn trên nền trời xanh ngắt qua đồi thông và mặt hồ đã tan sương.

ĐỊNH NGUYÊN



BOOK COMMENTS

  • 4.8/7 - 11 ratings
    TO TOP
    SEARCH