CLOSE
Add to Favotite List


Ngẫu-Nhĩ

ĐỜI người chả qua toàn dệt bằng những phút vui buồn vô nghĩa; những phút, khi đầu ta lốm đốm huê râm, sẽ để lại cho ta một cảm giác nặng nề khó chịu: cảm giác là đời ta, tuyệt nhiên, không có một vẻ gì xuất sắc, dị kỳ. Ta sẽ phải rầu rầu nét mặt nhận rằng đời ta trống trải, tẻ ngắt, không sống cũng được, mà sống cũng chẳng ích gì.

Nhưng, may thay; đối với những kẻ ưa sống một cuộc đời phiêu linh, lãng mạn, những phút đã sinh hoạt thường hay để lại trong óc người đã trãi một dấu hiệu rực rỡ, một dư vị êm đềm, mà tấm màn quên ảm đạm của Thời gian, khó lòng phủ kín lên được. Những phút ấy, mỗi khi hồi tưởng lại, càng chói lọi thêm nữa, nếu nguyên nhân run rủi cho ta được hưởng nó lại là một sự tình cờ. Càng ngẫu nhĩ bao nhiêu, bấy nhiêu, những thú vui ta được hưởng càng tăng phần khoái lạc, mà những nỗi buồn ta bị trải cũng càng tăng vẻ thấm thía, chua cay. Cho nên khi nhắc lại những ngày giờ đã sống một cách nồng nàn, hồí hộp, trí nhớ ta không bao giờ bỏ sót kỷ niệm nào. Rồi cả đời ta, ta cũng không thể quên được những kỷ niệm ấy.

Có lẽ sự gặp gỡ người thiếu phụ bí mật kia trên cầu Sông Cái, đối với anh Trung, là một việc tình cờ run rủí, một việc khiến tâm anh đã bị một đêm hồi hộp, lại khiến hồn anh phải buồn rầu hối hận đến bây giờ, Anh kể lại tôi nghe câu chuyện của anh, nét mặt lộ ra vẻ đã từng chịu lương tâm cắn rứt. Mắt anh đăm đăm cứ nhìn ra phía chân trời xa thẳm, hình như anh muốn bay hồn vào cõi không gian mờ mịt, cố tìm cho ra hình ảnh người thiếu phụ mà tình cờ đã xô đẩy vào lòng anh.

Nhưng ngày nay... Ngày nay, anh chỉ còn là một kẻ đem nghị lực ra chống chọi với cuộc đời túi bụi; mà thiếu phụ kia, một mỹ nữ buồn như liễu rủ, đẹp như hoa xuân, đã hình hài ra nước, xương cốt ra bùn: thiếu nữ ấy đã vùi hồn trong cõi hư linh, khiến anh Trung, dù mơ tưởng đến đâu, cũng không bao giờ được thoáng thấy hình dung nàng nữa.

Chẳng qua chỉ tại tình cờ. Ông Trời ác nghiệt đã cho phép anh gặp nàng để xui anh phải tâm hồn tê tái; nhưng rồi, phút sau, ông lại bắt nàng phải xa anh mãi mãi, đày đọa anh trong một gầm thương nhớ vô biên. Một mỹ nhân, càng làm ngắn cuộc tình duyên của ta với nàng bao nhiêu càng bắt ta chỉ được thoáng thấy vẻ đẹp của nàng bao nhiêu thì lại càng khiến ta phải khát khao thương nhớ, khiến ta tưỏng tượng nàng đẹp thêm lên cực điểm rồi sùng kính nàng trong tâm hồn ta như thờ kính một vị nữ thần. Có nhẽ vì những cớ ấy nên anh Trung, giờ đây, bỗng hóa ra một người mê gái; nhưng anh mê một thiếu phụ đã chết, một hình ảnh đã mờ; anh mê một cái bóng.

Tối hôm ấy, vui vầy anh em đủ mặt, anh quá nể nhời tôi, đã trịnh trọng đem cuộc tình duyên của anh kể lại cho chúng tôi được rõ. Nói hết một đoạn, anh lại chấm câu bằng một tiếng thở dài. Mà, nghe xong chuyện của anh, chúng tôi cũng không khỏi không ngậm ngùi, thương-tiếc.

°

- Chắc các anh cho là người ta sống chết không phải vì số mệnh. Trước tôi cũng tin như vậy. Nhưng, nếu ngày nay tôi lại tin rằng người ta sống chết có số, mà số chỉ là một sự tình-cờ - trong đời ta, việc gì, sự gì chả là tình cờ ? - là bởi, một đêm kia, tôi đã qua một trường hợp éo le, bắt tôi phải tin rằng thọ mệnh của mình đã có luật định trước, mà mình không, thể nào tránh khỏi luật ấy được. Giời cho sống đến giờ nào, ta chỉ sống được đến giờ ấy, không được hơn nữa.

Vả lại, các anh chả biết có bao giờ nhận thấy trong đời nhiều khi, nếu ta tự thấy trong người khỏe mạnh hăng hái, thì ta ưa vui, ưa sống, mà khi cảm thấy mình hoặc yếu ớt, hoặc trụy lạc, thì hay đâm ra chán nản, muốn quyên sinh. Và, khi đã chán nản, nếu không có sự gì ngăn trở nỗi chán nản ấy, thì ta lại buồn rầu mãi mãi, không bao giờ hết buồn rầu. Chính trong những lúc tâm trí lại suy tàn ấy, thì ta thường đâm ra yếu nhược, không có chí đua chen hăng hái với người đời nữa, ta chỉ muốn tự hủy mình cho đỡ khổ, đỡ buồn.

Các anh có nhận thấy thế không?

Tôi năm nay đã hơn ba chục tuổi đầu, mà thú thực, mới hai năm trước gần đây, tôi chưa biết yêu ai đến mê mẫn cả. Và tôi cũng chưa từng yêu ai, chưa từng được ai yêu. Tôi chỉ chơi phiếm vu vơ, nhân ngãi với mấy ả giang hồ đã lũa. Độ ấy, tôi làm trợ bút cho một tờ nhật báo, lại hay đi đắnh hạc khắp đó đây.

Tôi có một người nhân ngãi ở Gia Lâm, một ‘‘me tây’’ đã hết duyên, về dưỡng lão. Nhân-ngãi tôi độ ba mươi nhặm, ba mươi sáu tuổi, người đậm đà, hay chớt nhả, nhưng không hề làm cho tôi phải tức, hay chịu thiệt vì những sự chơi đùa, nghịch ngợm, bao giờ. Tôi quen thói, mỗi chủ nhật bốn năm kỳ, sang nhà nhân tình đánh chắn.

Các anh vốn biết thú đánh chắn với phái ‘‘giang hồ’’ là một thú có nhiều ý vị; nhiều phen, xong sự đua nhau bằng quân bài là bạc, tôi hay được biết mùi hết ả nọ đến nàng kia. Nhân ngãi tôi may lại là một đứa không ghen, thành ra cậu Mã Giám Sinh này tha hồ mà hưởng nhiều khoái lạ. Có nhẽ cũng vì quá ham mê sắc dục nên tâm tôi trơ cứng lại, không cho tôi được nếm vị ái tình.Tôi tuyệt nhiên chả biết yêu ai; hết cuộc trăng gió mây mưa là xách mũ, cúi đầu, tếch thẳng. Con gái đẹp hay xấu tôi cũng cho là cùng một loạt, tôi chưa từng để ý đến ai. Chỉ mỗi ngày hai buổi viết bài vở xong xuôi, là một mạch bay sang Gia Lâm họp chắn. Đời tôi chỉ có thế, tôi chỉ biết mon men kiếm ăn miền ‘‘huê nguyệt’’, không nghĩ đến thú gì khác nữa, mà cũng không thèm ước thú gì hơn.

Tôi sống một cách thản nhiên, sung sướng; dẫu rằng sống như thế, thiên hạ cho là ‘‘cẩu hoạt’’, tôi cũng chẳng cần gì. Tôi tự hào là sinh hoạt đầy đủ, mãn nguyện rồi, không thiết gì nữa cả. Rượu có, gái nhiều, tốn ít tiền lại được lắm thú vị, tôi tin rằng tôi khôn ít người sánh kịp, mà các công tử ăn chơi phung phí, toàn là phường ‘‘mỏ trắng’’ vứt tiền toi.

Nhân ngãi tôi là một kẻ đã nhiều từng trải, nó hiểu đời và ranh vặt ít ai bì. Nhưng, trong nghề văn tự của tôi nó rất yêu tôi, quí tôi, và hơn nữa, chiều tôi như con cưng của nó vậy. Tôi chỉ tiếc rằng nó già hơn tôi đến năm sáu tuổi, không thì chúng tôi đẹp đôi một cách lạ thường. Tính nhân ngãi tôi rất vui; song biết tôi là người đứng đắn nghiêm nghị - mặc dầu tôi hay tằng tịu với những chị em bạn nó đến họp chắn - nó đối với tôi không hay đùa bỡn bao giờ.

Hôm ấy vào quãng mùa đông - trung-tuần tháng một. Cả ngày, tôi cứ vơ vẩn, cầm bút víết không ra chữ, cắn hết mười móng tay mà vẫn chẳng ra văn. Lại bị anh em bạn ở tỉnh xa lên chơi, ám ảnh mãi cho đến tối. Ba bài báo, vì thế, đành để đến đêm về viết; ăn cơm xong, tôi chạy thẳng sang Gia Lâm. Tôi đã quen thói như vậy, không đi được một vòng thăm nhân ngãi, thì đẹm về khó ngủ cho yên. Nào có phải vì tôi mê con bé ấy đâu, chỉ tại tính đã tập rồi, thì khó bỏ đi cho được.

Vừa bước chân nhà ra đi, mưa phùn ở đâu đã âm thầm rỏ xuống. Gió bắt đầu cũng gây gắt lạnh. Tôi định quay về nhà nằm khoèo cho ấm áp, nhưng chả hiểu tại sao, lại quyết chí cứ đi chơi. ‘‘Trời có mưa, đánh chắn mới thú’’, tôi tự nghĩ như vậy. Rồi tôi đi sang Gia-Lâm.

°

Nhà nhân ngãi tôi, hôm ấy, ngẫu nhiên thưa khách, Mọi hôm, chị em đến đầy nhà, quây quần nhau lại. Cười đùa và tán chuyện; hôm nay bỗng dưng tẻ ngắt, buồn teo. Tôi cũng chẳng đế ý đến sự thay đổi ấy, chỉ phàn nàn trời mưa rả rích, làm cho tôi cùng hóa buồn. ..

Muốn được đẹp lòng tôi, nhân ngãi tôi bàn đánh đố mười chơi tạm. Nhân tiện có hai người bạn gái nữa, bốn chúng tôi tụ nhan cùng đánh đố mười, Trong hai giờ đồng hồ, tôi thua hết, không còn một xu dính ví. Tôi chỉ có ba đồng bạc, đánh quăng một hào mà thua hết cả ba đồng. Đen, thực là đen. Tôi vươn vai, đứng dậỵ. Tan cuộc.

Tôi uể oải ra về, thì bị nhân ngãi níu lại. Nhìn đồngi hồ đã gần mười một giờ đêm. Lúc ấy còn hơi sớm, tôi vẩn vơ cũng không muốn ra về lắm, vả lại trời còn mưa tí tách mãi, nên phải dằn lòng ngồi rán lại chờ, Nhân ngãi tôi có nấu sẵn cháo gà, nhất định nằn nỉ ép tôi ở lại ăn cháo đã. Sau một cuộc đánh kiệu xuông thi hương, thi hội, ba chị ả và tôi lại họp nhau xung quanh mâm cháo nóng, vừa ăn vừa nói chuyện bông đùa. Chầu cháo hầu xong, chuông đồng hồ đã báo hiệu một giờ bốn mươi nhăm phút. Tôi mặc áo ra về.

- Mợ cho vay một đồng làm lộ phí; tôi thua gạch túi mất rồi.

Nhân ngãi tôi mỉm cười, mở tủ chè lấy ra một cái ‘‘xắc’’ da đã cũ. Nó mở ‘‘xắc’, lục một lúc, đưa cho tôi một tờ giấy bạc một đồng, mặt nó có vẻ nghiệm nghị, thản nhiên; tôi vô tình cứ cầm tờ giấy bạc bỏ bao, rồi mở cửa, chào mọi người, đi thẳng.

Ra đến đường cái, gió lạnh tạt vào mặt làm cho tôi khoan khoái; tôi nhận ra rằng trận mưa phùn đã tạnh lúc nào rồi. Trời lại qnang, trăng lại tỏ, cảnh vật nhuộm một màu phờ phạc, một vẻ im lặng lạnh lùng. Chả có cái xe nào. Cũng không có một người quá khách. Gõ nặng nề đế giầy trên đường nhựa, tôi từ từ lên dốc, thong thả lên đầu cầu.

Mấy ngọn đèn le lói tỏa ra một thứ ánh sáng lù mù, buồn tẻ. Những dịp cầu sắt nối tiếp nhau thẳng tuột dưới ánh trăng ảm đạm, in trên mặt nước rung rinh của dòng Sông Nhị những chiếc bóng khẳng kheo dài dằng dặc, mập mờ ẩn hiện, theo hình gợn sống bấp bênh trôi. Con đường ván, trắng một mầu trắng đục mà vàng, kẽ một nét dài trong khoảng không gian mờ ám. Đêm đã khuya, gió lại lạnh; trên cầu Sông Cái tuyệt nhiên, không thấy bóng người. Tịch mịch.

Những tấm lim trên cầu trả lời lại những tiếng nhịp nhàng của đế giầy tây gõ mạnh. Dư âm của dịp gõ ấy, đục và cách quãng, biến một cách rất mau trong quãng đêm tà. Bóng đi trước, người theo sau, tôi lẳng lặng đi, đi mãi. Ngoài tiếng giầy tôi lọc cọc, chỉ còn nghe thấy tiếng nước âm thầm đụng vào trụ đá, tiếng gió rì rào tạt và vấp vào những song sắt khổng lồ. Cảnh một đêm mùa đông, trên một con đường tẻ vắng, - nhất là trên cầu Sông Cái, - gieo vào linh hồn người quá khách một nỗi buồn rầu vô hạn, một nỗi buồn pha đủ vẻ sợ, lạnh, cảm, sầu. Trên thì trời cao thăm thẳm, mà mầu sáng trăng nhợt nhạt làm cho nửa trắng nửa xanh; dưới thì nước sông cuồn cuộn, mà những hoa trôi bèo giạt, pha với những đám bọt đục ngầu, hay trắng xóa, làm cho mặt nước tựa hồ bùn vẩn, hoặc đen, hoặc vàng. Một thứ mầu của ban đêm, không ngọn bút nào tả được.

Mây nước bao la tứ phía, con mắt tôi chỉ trông thấy không gian như phẳng lặng một mầu. Làm quen với cảnh hiu quạnh trong ngót nửa tiếng đồng hồ, tôi tự nhiên có cảm giác là, ngoài tôi ra, không còn có ai sinh hoạt trong lúc canh khuya này nữa. Một đêm lạnh lẽo. Lại quá canh hai rồi ! Không bì với những đêm hè nóng bức mà trên cầu suốt đêm có khách thừa lương, đêm hôm ấy chỉ được hân hạnh thấy có một tôi, ung dung đi trên sàn ván.

Bỗng đâu, tâm linh tôi như bị một mãnh lực gì rung động ; một luồng điện vừa như thoảng qua óc tôi, tôi bàng hoàng tỉnh dậy. Thì ra vừa đi vừa nghĩ đến những bài viết báo, tôi đưa hồn vào cõi mơ mộng của Văn chương. Vì thế, tôi không trông thấy cảnh vật bề ngoài, mà có trông thấy cũng như nhìn qua một tấm màn bằng lượt mỏng. Lúc bị thần hồn lay động, tôi mới rùng mình đứng lại, ngảnh nhìn bốn phía xung quanh. Con mắt tôi bỗng chú ý vào một bóng trắng trên cầu, trước mặt tôi, độ chừng tám mươi thước, Cái bóng ấy hình như động đậy, có lẽ là một người cũng đi đêm, vớ vẩn, như tôi.

Nhưng quái lạ! chiếc bóng kia không đi, lại chỉ đứng ỳ ra một chỗ. Có lẽ một người bộ hành đứng lại nghỉ chân, Mà chỉ có thể là một kẻ bộ hành đứng lại nghỉ chân. Vì cố nhiên, không phải là một người đi dạo mát. Trừ ra kẻ kia loạn óc hay lập dị, không bao giờ có ai đi hứng gió trên cầu Sông Cái trong một đêm đông lạnh lẽo vào quãng một hai giờ! Mừng rằng sẽ có bạn cùng đường để chuyện vãn cho vui, tôi bước mau, cố theo kịp con người áo trắng.

Tiếng giầy tây lộp cộp đụng vào sàn ván hình như động đến tai người ấy, người ấy đứng dậy ngảnh nhìn tứ phía, rồi như có ý muốn đâm đầu nhảy xuống trường giang, Người ấy leo vội lên chấn song ven cầu, đứng thẳng người và giơ tay ra đằng trước, sắp co chân nhẩy xuống nước. Tôi không dám đi nữa, vội né mình tránh vào chỗ tối, đứng lại nhìn. Kẻ muốn quyên sinh kia tựa hồ chưa quyết định, còn nghĩ ngợi điều gì. Ngảnh nhìn tứ phía, không thấy ai, mà cũng không nghe tiếng động nữa, hắn lại trụt xuống, ngồi bên ven cầu, không tự tử nữa. Hoặc giả thấy không gian thăm thẳm mà bỗng dưng sợ chết; hoặc vì còn muốn ngồi một mình ôn lại cho phỉ chí những ngày giờ đã sống, suy nghĩ cho kỹ càng hết nhẽ, trước khi nhắm mắt lìa đời.

Tôi không rõ lại làm sao kẻ kia muốn hủy thân, song những vẻ ngại ngùng, lưỡng lự của hắn, tôi rõ biết cả, tôi không lấy làm lạ. Vì cứ suy theo tâm lý học, một người, có can đảm đến đâu, cũng không bao giờ đủ nghị lực vong thân mình một cách thản nhiên, đường đột đó.

Nghĩ như vậy, tôi cố tìm một kế, nhân lúc người khốn nạn kia đương phàn vân chưa quả quyết, cứu người ấy qua khỏi cơn tâm trí bị trụy lạc, suy tàn.

Tôi đứng yên trên cầu, không động đậy. Tôi đứng trong bóng tối, lại mặc quần áo xám, nên hình ảnh tôi trộn lộn vào hình ảnh lờ mờ, u ám của cảnh vật buổi đêm tàn. Vừng trăng đươug rạng tỏ trên không bỗng bị đám mây đen phủ kín. Một dịp may hiếm có cho cuộc hành động của tôi. Tôi không dám bỏ phút nào, vội vàng ngồi thụp xuống. Rồi tháo bỏ đôi giầy tây khó chịu, cho khỏi bị người ta để ý đến tôi, trong khi tôi đi đứng. Tôi tựa như một người ăn trộm. Buộc chặt dây giầy vào bên cạnh sườn cho đỡ vướng, tôi nép vào bóng tối, từ từ bò lại mé người áo trắng đương ngồi.

Thì giờ lúc ấy đối với tôi, sao mà nhanh chóng quá vậy? Mau, mau lên chút nữa, người ta sắp đâm đầu xuống nước bây giờ ! Tôi cố sức mon men lại gần. Vài mươi thước nữa. Tôi gần tới đích. Khi tôi chỉ còn cách xa người kia độ chừng năm sáu thước, tôi mới nhận ra rằng người ấy là một người đàn bà. Người đàn bà ấy quay lưng lại phía tôi đứng. Tôi không dám tiến lên nữa, vì thấy kẻ kia cứ ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Đường đột lại phá tan giấc mơ màng của hắn là một sự rất bất tiện và ra ngoài khuôn khổ của luân lý cùng phép lịch sự, nên tôi không dám bước mạnh nữa, đành ngồi nép vào xó tối, chờ một dịp may có thể giúp tôi làm quen với chị ả một cách dễ dàng không đến nỗi bị ngượng.

Tôi ngồi yên, không cựa và cố thở rất sẽ. Người đàn bà cũng ngồi lẳng lặng gục đầu vào gối, tựa hồ đương ngủ say sưa. Trông đằng sau lưng, tôi không thể đoán biết người đó già hay trẻ. Song tôi nhận thấy chị ả tầm thước nhỏ nhắn, mảnh khảnh; hình như hắn xuất thân ở một chốn phong lưu. Tôi ngồi chờ độ nửa giờ mới được thấy ả thở dài mấy tiếng, rồi từ từ đứng dậy.

Lần này, như không có mãnh lực gì có thể lay chuyển được định ý nữa, người đàn bà ấy lẹ làng leo lên song sắt, kêu một tiếng thảm thiếl rồi văng mình xuống dưới cầu.

Nếu tôi chỉ chậm độ nửa phút, tấm thân liễu yếu của người khốn nạn ấy ắt sẽ thành một cái xác chết trôi. Như một con hổ rình đã lâu mới tóm được mồi, tôi vươn mình một cái rất mạnh, rồi, nhanh như cắt, tôi níu lấy áo người kia kéo lại. Người đàn bà ấy ngã vào tay tôi, tôi bế nàng ngang lưng, đặt xuống sàn ván.

- Bà làm gì thế ? Nông nỗi đến thế nào mà bà nỡ quyên sinh ?

Người đàn bà không trả lời, chỉ ngồi bưng mặt khóc. Nàng khóc sướt mướt, khiến tôi cũng phải động lòng. Cứ thế đến non mười phút; mãi sau cùng, nàng thong thả rút mùi xoa lau những ngấn lệ, rồi nhìn tôi, thổn thức :

- Ông là ai ? Sao ông không để cho tôi được chết ? Ông cứu tôi làm gì ? Càng khiến tôi phải ôm khối đau khổ biết đến bao giờ dứt được!

Dưới ánh sáng đèn lờ mờ, tôi mới nhận rõ người tôi cứu là một thiếu phụ rất xinh, rất đẹp. Hình ảnh người thiếu phụ ấy, trời ơi ! ngày nay còn in sâu trong tâm khãm của tôi, tôi bao giờ có thể quên nàng được ! Một cặp mắt, ôi! hết sức mơ màng tình tứ, mà cũng rất tinh anh trong trẻo; một cặp xuắt đen nhay nháy mà những ngấn lệ càng làm cho lóng lánh, sáng ngời. Cặp mắt ấy dài như mắt phượng, nó vừa lẳng lơ, vừa nghiêm nghị, vừa sâu sắc, vừa hiền từ. Tôi chưa từng thấy mỹ nhân nào có đôi mắt đáng yêu như vậy. Có nhẽ cũng vì luồng nhỡn tuyến của tôi, buổi đầu tiên, chạm ngay phải những tia sáng trong mắt nàng chiếu ra - những tia sáng ôi ! biết bao say sưa ngây ngất, thấm thía não nùng ! - nên ngay từ lúc bấy giờ tôi đã phải bàng hoàng, tê tái, tựa hồ linh hồn tôi bị đôi mắt ấy nó thôi miên. Rồi từ buổi ấy đến ngày nay, tôi không bao giờ quên được cặp mắt dị kỳ, sâu sắc đó.

Thiếu phụ của tôi không những chỉ đẹp vì đôi mắt; tất cả những nét khác trông người nàng cũng không kém gì vẻ mỹ lệ, yêu kiều.

Trông nét mặt nàng, quái lạ! không biết sao tôi nhận thấy một vẻ đẹp thùy mị, ngây thơ, làm cho tôi phải thương phải mến, mà tôi cũng nhận thấy một vẻ đẹp dữ dội, tàn ác, khiến cho lôi phải ghê sợ, rùng mình. Trong một khắc, tôi đã tưởng tượng nàng là ma, là một loài yêu tinh hiện lên để cám dỗ tôi trong khoảng đêm khaya lạnh vắng.

Thiếu phụ mặc quần áo trắng ; mầu thuần trắng đó, với đôi mắt đen sáng kia, tự nhiên gieo vào linh hồn tôi một nỗi lo sợ viển vong. Có nhẽ tại nàng đẹp một vẻ đẹp vừa nồng nàn, dữ đội, vừa kín đáo, êm đềm, nên, đứng trước một quang cảnh cũng có mấy đặc tính ấy, tôi vội vã nghỉ rằng nàng là một loài ma quỉ bởi cảnh vật ấy tạo nên. Gia dĩ người con gái kia, một đôi khi, lại chòng chọc nhìn tôi, khiến tôi lại càng phải bồn chồn, kinh hãi.

Nhưng tôi cũng đánh bạo. Đi đêm gặp ma là nhẽ thường, và dù nàng có là ma đi nữa, nàng đã làm gì được tôi ? Xưa nay tôi chưa từng làm sự gì ám muội, đến Thần Thánh tôi còn chưa sợ, nữa là ma I Hoặc giả nàng là người thật, thì cái thú kề bên một mỹ nữ như nàng, ở đời, hồ dễ đã mấy khi được hưởng ? Nghĩ thế, tôi đuổi ra ngoài linh hồn hết cả bao nhiêu ý nghĩ nhu nhược, tôi nhìn người tôi đã cứu, lên giọng một nhà triết học và đạo đức, nghiêm nghị nhủ rằng:

- Thưa bà, tôi vẫn biết làm quấy nhiễu bà như thế này là một sự không phải. Song một người đàn ông như tôi, thấy một kẻ đồng bào quyên sinh, mà kẻ ấy lại thuộc về nữ lưu phái, nếu cứ lẳng lặng bước qua, không cứu giúp, thì đối với công luật cũng như đối với lương tâm, sẽ có tội rất lớn: tội đã, vì lòng ích kỷ và óc đê tiện của mình, để chết một người oan uổng. Vì thế, dù bà không lượng cho mà mắng chửi tôi, tôi cũng phải làm hết bổn phận của tôi trước đã.

Nhưng, nếu bà cho phép, dám hỏi vì nông nỗi thế nào mà bà phải quyết chí lìa đời ? Tôi xin lỗi bà đã tò mò, thóc mách như vậy, song nếu bà cho tôi được rõ tâm sự của bà, nếu tôi có thể giúp đỡ bà trong phương diện nào để bà đỡ sầu, đỡ tủi được, thì, tôi xin nguyện có Trời, tôi sẽ giúp ngay. Bà chớ nề hà, nếu bà có việc gì cần sai khiến tôi, bà cứ nói, nhất nhất tôi đều xin vâng. Còn gì thú hơn là đem hết tâm trí và nghị lực để phụng sự một giai nhân nữa !

Tôi cố ý đá một câu lẳng lơ, nhưng thiếu phụ không lấy làm giận. Nàng nhìn tôi một lúc, như ngại ngùng, như e lệ, mãi sau cùng, nàng thổn thức đáp rằng:

- Rất đội ơn ông đã có lòng quãng đại cứu giúp một kẻ hèn yếu. Song tâm sự của tôi nói ra thì dài lời lắm, chỉ sợ nhàm tai ông thôi, vả lại sự sầu khổ của tôi nó thuộc về khối óc và con tâm, dù ông có lòng tốt muốn giúp tôi chăng nữa, cũng khó lòng giúp được ông ạ. Dù sao mặc lòng, trước khi tôi quyết tình từ giã hẳn cõi đời này, mà đã từ lâu tôi cho là tàn ác, tôi cũng muốn được danh dự và hạnh phúc kể lại tâm sự tôi cho một người được biết - người ấy dù có quen biết tôi hay không mặc lòng - ngõ hầu khi hồn tôi lìa khỏi xác, mảnh hồn ấy sẽ được lâng lâng bay nhẹ bởi lẽ đã trút được những nỗi thương tâm, thống khổ, đã truyền được nguyện vọng của mình cho một kẻ thương mình, hiểu mình và sẽ, trên nấm mồ, cỏ sầu hoa héo, rỏ cho mình vài giọt lệ chân thành.

‘‘Nếu ông không chê tôi là một người ti tiện, bỉ ổi, thì xin ông ngồi xuống đây ! Tôi được gặp gỡ ông thật là một sự may mắn. Lúc nãy, tôi cứ phân vân: muốn nhảy xuống sông mà vẫn tiếc rẽ chưa có thể giãi lòng mình cho ai biết được. Nay ông hiểu cho là đủ ; khi nào đã ngỏ, hầu ông nghe hết các nỗi đoạn trường thống khổ, tôi sẽ vui lòng tự tử, tịnh không còn ân hận nỗi gì, vì đã có một người - (mà người ấy may thay! lại là một kẻ trượng phu!) - biết rõ duyên cớ bắt tôi phải quyên sinh, rồi vì thế sẽ không chê tôi là một đứa tiện tỳ hèn hạ.

‘‘Vậy ông hãy ngồi xuống đây! Đêm khuya, cảnh vắng chỉ có hai ta. Nhân vì sự gặp gỡ tự nhiên, tôi mong rằng ông sẽ không bắt lỗi tôi về cách đứng ngồi chung đụng. Xin rước ông ngồi xuống !’’.

Thiếu phụ tuy mời tôi ngồi xuống ba lần, song nàng vẫn đứng nói một hồi không ngớt. Đợi khi nàng nói xong, vén áo ngồi thụp xuống, bấy giờ tôi cũng bắt chước đặt mình lên trên sàn ván, và, nhân dịp ấy, cởi đôi giầy buộc ở bên sườn, đi giầy vào cho đoan trang, chững chạc.

Chao ôi ! tôi tả lại sao nổi những cảm giác tôi đã có cái đêm hôm ấy ! Khi tôi mới thoạt trông thấy người thiếu phụ xa lạ mà tình cờ đã cho tôi gặp gỡ, đôi mắt long lanh, tình tứ, mơ mộng và sâu sắc của người con gái ấy như thôi miên hẳn tâm linh tôi, làm cho tôi bị bàng hoàng, tê tái cả một đời tôi, thú thực, tôi chưa từng thấy giai nhân nào đến nỗi phải xiêu hồn.

Thế mà đêm đó chả hiểu vì sao - có lẽ vì hoàn cảnh âm thầm, bí mật; có lẽ vì sự gặp gỡ ngẫu-nhĩ; có lẽ vì trường hợp lạ lùng hiếm có, có lẽ vì ánh sáng mập mờ ẩn hiện của đêm khuya chỉ cho tôi thấy người tôi cứu một cách rất mập mờ: có lẽ vì sức tưởng tượng của tôi bởi quá bị xúc cảm mà thành ra quá mạnh ; - tôi trông thiếu phụ của tôi đẹp quá, đẹp một vẻ đẹp tựa hồ Trời tạo ra để cho tôi yêu, tôi mến, một vẻ đẹp phẳng phất, như vẻ xưa nay tôi từng mơ ước được trông thấy trên nét mặt và trong dáng điệu người đàn bà. Chả biết từ trước đến giờ tôi có mong mỏi tìm thấy một nhan sắc như thế hay không, song từ khi tôi gặp được giai nhân tuyệt mỹ của tôi, tôi bỗng có cảm tưởng nàng là ý trung nhân tôi đó. Vì thế, bên cạnh nàng, lần đầu tiên trong đời tôi, con tâm già cằn của tôi hồi hộp, thớ thịt trơ cứng của tôi rung động: tôi được nếm vị ái tình !

Nhất là càng đi sâu vào đời tư của nàng, càng nghe rõ tâm sự nàng kể lại, tôi càng thấy linh hồn bị chìm đắm trong một thứ khoái lạc dịu dàng! Êm ái, một thứ khoái lạc cao khiết tôi chưa từng hưởng bao giờ.

Trời ôi ! giọng nói của nàng nó mới nhẹ nhàng trong trẻo làm sao! Nàng nói khoan thai, nhủ nhỉ, như rầu rĩ, như thổn thức, như ngại ngùng. Tiếng nàng lanh lảnh như chuông. Có lắm lúc, nó nỉ non tựa tiếng mưa thu rả rích, có lắm lúc khi nó thiết tha não nuột chẳng khác gì tiếng gió thu âm ỉ buổi canh tàn. Nàng nói... nàng nói... hồn tôi như tan dần ra khỏi, xác tôi như biến nhẹ ra hơi; tôi như bấp bênh trôi lơ lửng trong một gầm âm-nhạc.

... Một quãng đời luân lạc của một thiếu nữ có học, có tài, mà từng bị muôn nghìn cay đắng, nó dần dần hiển hiện ra trong trí não tôi, trong khi bạn gái tôi gảy khúc đàn lòng tha thiết. Thiếu nữ con nhà khuê các, theo đuổi sử kinh tại trường Trung học đến năm mười tám tuổi, rồi, vì việc nhà, phải bỏ văn chương theo học lấy công, dung. Bíết vẻ, biết làm thơ, thiếu nữ có tính tình lãng mạn. Ưa sống một cuộc đời không bó buộc, từ buổi tóc còn bỏ xõa, nàng đã xây đấp lên biết bao nền hi vọng viển vông. Hi-vọng đó, rồi chỉ như những lâu đài bằng cát, bị đời thực tại đạp đổ một cách dễ dàng, vô lý, sau khi nàng hiểu rõ thế nào là nghĩa chữ ‘‘chung tình’’. Con gái đã mất trinh, đối với cha mẹ còn khư khư quí trọng nền luân lý cổ, không được quyền sống tự do trong chốn gia đình. Thiếu nữ đành phải buộc mình li dị với cửa nhà, dấn thân vào trường gió bụi. Vì nàng muốn giữ chặt lấy quan niệm mà óc nàng cùng học thức nàng, chịu ảnh hưởng của đời mới, đã tạo nên trong những giờ vật lộn với cảnh nặng nề bó buộc của gia-đình.

Nàng, cũng như muốn ngàn thiến niên cùng tuổi, cũng như nhiều kẻ khác có chút hồn tài tử, đã bị một cách rất hiểm độc sâu cay,nạn khủng hoảng tinh thần sinh ra bởi sự đụng chạm đường đột của hai làn tư tưởng Đông Tây, gặp nhau không những chỉ ở trong óc người nam tử.

Thiếu nử thấy mình như bị lạc giữa một hoàn cảnh không hợp với tình hình mình nữa, một hoàn cảnh đã hủ lậu, đã không đúng với thời thế, lại còn đè nén nhiều linh hồn yếu ớt dưới cái mãnh lực của một dĩ vãng hầu tàn. Sau một hồi suy nghĩ phân vân, nàng quyết chí ra đi, đi tim mục dích cao xa trong một cuộc sinh tồn phóng lãng. Mái đầu xanh dầm dãi mãi với trường gió bụi, nàng dần dần có tư tuởng là giẫm chân trên một đất nước trơ tẻ, cằn cỗi, không có gì là thú vị đậm đà. Mà, trong những ngày giờ phiêu giạt giữa lớp sóng người ô trọc, nàng cảm thấy ‘‘ái tình là chữ chi chi..’’. Rồi, nhắm mắt bước liều theo con đường mà số phận đã kẻ ra trên thảm tương lai mờ mịt, nàng cứ đi, đi mãi, theo đuổi trong tâm hồn một quan niệm viển vông.

Trên ‘‘ngõ hẹp của những gió trăng vô nghĩa’’, nàng đạp hết thất vọng này đến thất vọng khác, mãi đến ngày mỏi mệt, chán nản, nàng thấy rõ rệt rằng quả tâm nàng đã trơ cứng như non. Từ đấy trở đi, nỗi buồn bã của một kẻ đã quá thời nìên thiếu, đã thiêu đốt cả khối hi vọng của mình ngày nay còn sót lại như đống tro tàn, nỗi cô thân trích ảnh của một con én lạc đàn bay rã cánh trong buổi chiều tà giữa một quãng trời sầu vô định, nỗi lạnh lẽo. quạnh hiu của một khách lữ hành phiêu giạt, đi mòn chân mà vẫn chưa thấy bến bờ nào rực rỡ để nghỉ ngơi, bao nhiêu những nỗi thảm sầu,u uất ấy, chúng nó đồng rủ nhau lại cẳn rứt linh hồn nàng, đè nén nghị lực nàng, khiến cho thiếu nữ cương quyết và sốt sắng khi xưa, bỗng phút chốc biến ra một chị ả nạ dòng yếu ớt, mệt mỏi, trong óc chứa chan những cảm tưởng yểm thế, chỉ còn biết cúi đầu lủi thủi, mặc cho tuổi già đến rữa phai má phấn, đốm bạc tóc mây, rồi đưa vào cõi đời đen tối, mơ hồ, mà nhân loại từ buổi sơ khai đã bị chìm, bị đắm : Cõi Chết.

Muốn tránh giờ khốc liệt ấy, cái giờ mà Tử Thần sẽ bay lướt qua trên một thân hình tiều tụy, muốn tránh cái giờ mà mình sẽ phải trông thấy mình trụy lạc, má hóp, mắt quầng, nhan sắc phôi pha, tàn rữa, nàng nghĩ chỉ còn cách là, trước giờ ấy, tự đem hủy tấm thân ngà ngọc, cho khỏi phải chịu đọa đày lâu nữa, khỏi phải, mang nặng nề mảnh thân đau nhục, ngày ngày ngâm khúc đoạn trường. Vì quãng đường đời, tới nay, nàng đã đi hầu hết những khúc éo le, gai góc. Vì trong tình trường ; nàng đã nếm hết các mùi ngon ngọt, chua cay. Vì quan niệm nàng thở, nàng đã thấy hiện trạng làm cho tan tác.

Như cánh hoa trôi trên dòng sòng chảy mạnh, như con chim chiều bị làn gió ngược làm cho lạc mất đường về, nàng tự thấy mình lơ lửng không biết nương tựa vào đâu, không biết trông cậy vào ai, cũng không biết đi về chốn nào hòng để dung thân được nữa.

Nàng chán nản. Tuy chưa đội hết, trên mái tóc xanh còn óng ả, hai mươi bảy tuổi xuân mơn mởn, nàng đã cho mình già yếu, xấu xa rồi, Mắt tôi thấy nàng đẹp một vẻ đẹp ít kẻ trên đời này sánh kịp, mà nàng thì tự tưởng mình như phôi pha, tiều tụy, không còn mãnh lực gì có thể trả lại cho nàng nét khuynh thành, diễm lệ của ngày xuân. Theo tâm lý, cái đó không lấy gì làm lạ. Đối với một kẻ đã uống một hơi cạn hết các nguồn sinh thú ở đời, thì, vì quá kinh nghiệm sâu xa, kẻ ấy đâm ra chán hẳn việc đời mà tự cho mình già, xấu. Bởi lẽ chưa đến tuổi già, tuổi xấu, mình đã thấy mình không còn trí đua tranh, không còn hồn vui vẻ nữa rồi. Mà, lúc đã chán nản, buồn rầu, lúc đã thấy mình yếu hèn, trụy lạc, ai là người còn có lòng tự phụ, cho mình là trẻ đẹp ru? Vì cớ ấy nên thiếu phụ của tôi muốn chết. Nàng muốn chết trước khi nàng bị má răn, mắt hõm, trước khi sắc đẹp điêu tàn. Nàng muốn chết trong khi tuổi chưa đến nỗi quá già, sắc cũng chưa đến nỗi quá bị thời gian mài giũa. Nàng muốn ôm cái trẻ, cái đẹp để cùng nàng cùng sang thế giới bên kia, Bởi thế, nàng quyên sinh.

Nàng có ngờ đâu lại có một kẻ vô duyên, tự nhiên vô cố, đến quấy nhiễu nàng, không để cho nàng được tự do thỏa nguyện ý chí trong một đêm đông vắng lạnh.. Nàng có ngờ đâu trên cầu sông Cái, lại có tôi đến ngăn nàng trong khi nàng nhảy xuống dòng sông.

Mà nàng cũng có ngờ đâu, vì chuyện ngẫu- nhĩ ấy xui nên, tôi đã phải trong quãng đời thừa này mà tôi còn đeo đẳng như đeo một mối hận nặng nề, nhục nhã, ôm một mối thất tình khó giải, khiến cho đến bạc đầu, tôi không bao giờ được biết thú yêu đương?...

°

Đêm hôm ấy, rồi tôi đưa thiếu phụ của tôi qua khỏi cầu Sông Cái. Chúng tôi cùng về Hà nội. Tôi lật đật, cũng quên không hỏi bạn gái tôi tên họ là gì. Nghe chuyện nàng kể lại xong xuôi, tôi chỉ biết ngậm ngùi than thở, khuyên nhủ nàng đừng nên phẫn chí quyên sinh. Tôi ngỏ cho nàng biết tôi cũng là một kẻ bị nạn giao thời ám ảnh, hóa nên ngót ba chục tuổi đầu mà vẫn gối lẻ phòng không. Tôi, cũng như nàng, vì tìm ái tình mà lạc mất ái tình, nên đành chịu buồn rầu, thất vọng. Tôi lại hứa với nàng sẽ đem hết tài hoa, nghị lực, giúp nàng ra khỏi bước đoạn trường.

Tôi không hiểu bên cạnh nàng tôi nói những gì; tôi chỉ nhớ tôi nói liên miên, nói rất nhiều, nhiều lắm. Có lẽ tôi thú thực với nàng rằng, ngay buổi sơ thân gặp gỡ, tôi đã yêu nàng một cách rất nồng nàn. Bởi vì cả đời tôi, tôi chưa tìm được giai nhân nào vừa ý. Ngày nay ắt hẳn ông trời xanh xui khiến, cho nên tôi được biết nàng. Mà nhất là biết nàng trong một trường hợp cực kỳ bi đát, lạ lùng, tôi có thề với nàng rằng dẫu đến thịt nát xương tan, tôi cũng sẽ không thể nhãng quên nàng được.

Tôi đoán rằng trong lúc nàng đang bị tâm hồn sôi nổi những nhời nói của tôi, đối với nàng, là một bài thuốc giải rất hay. Nàng nghe nói cũng bùi tai, nghiêng đầu vào lòng tôi, đứng khóc. Tôi hết sức vuốt ve, an ủi cho nàng đỡ khổ, rồi dìu nàng cùng tôi, đi thong thả qua cầu. Nàng khóc lóc hồi lâu, nghe chừng cũng hạ được nhiều nỗi thương tâm, khổ não ; nàng ngẩng mặt nhìn tôi chòng chọc, rồi bỗng lau ngấn lệ hai bên khóe mắt, cầm tay tôi, nhoẻn miệng tươi cười:

- Thực ông Trời hay bày ra lắm cảnh lạ lùng ; sự gặp gỡ ngẫu nhĩ đêm nay, nếu sau này có một kết quả mỹ miều, thì thọ mệnh của em, vì anh, sẽ may phúc thêm lên được vài mươi năm nữa. Anh là cứu tinh của em, Nhưng nếu chẳng may có ngăn trở điều gì, thì anh nên tin rằng, em không đủ sức sống lâu được nữa, dẫu rằng sự ngăn trở kia chỉ là một sự cỏn con.

Tôi lại hết sức vỗ về nàng, thề rằng sống chết cũng sẻ yêu nàng mãi mãi. Tôi lại cùng nàng vừa đi vừa xây đắp nhiều hi vọng về tương lai rực rỡ, tin rằng sau khi đã bị hết các nỗi điêu linh, đau đớn, chúng tôi sắp đến thời được hưởng thú mặn mà. Tôi khuyên nàng phải nên kiên nhẫn, vững tâm, cùng tôi gây nên một cuộc sinh tồn mới lạ. Tôi in vào trí nàng rằng cõi đời sau này của chúng tôi sẽ đầy dẫy những điều như ý, không còn đâu là dấu vết cũ của cái dĩ vãng đã phai. Trên bàn cờ của thời gian, chúng tôl lại bày ván khác. Yên chí như thế, nàng và tôi từ từ gõ dịp giầy trên sàn ván mé ven cầu.

Sông Nhị Hà, dưới chân chúng tôi, vẫn tuôn chảy một dòng nước đục ngầu bọt trắng. Trời cao vẫn âm thầm lặng lẽ; mảnh trăng trong đã xế về Đoài.

Chúng tôi lần về đến Hà nội. Muốn đối với nàng cực kỳ có lễ phép, tôi đưa nàng đến một nhà khách sạn mé đầu cầu. Nhà ô ten ấy tôi vốn hay đi lại đấy đã từ lâu nên chủ nhà và các người làm công có quen tôi lắm lắm. Muốn cho nàng có chỗ tử tế để nghỉ ngơi sau khi tâm linh bị mỏi mệt vì suy nghĩ quá, tôi vội đưa nàng vào nhà khách sạn quen ấy và dặn dò các bồi phòng chăm nom săn sóc đến nàng.

- Em cứ an tâm ở đây mà ngủ một đêm, đến mai anh sẽ lại đón em đi ăn cơm sáng. Rồi mọi việc sau nầy ta sẽ tính toán dần dần. Hôm nay cốt nhất em phải tỉnh duỡng tinh thần ; anh còn phải về nhà viết mấy bài báo để mai đưa nhà in sớm. Em có cần dùng gì cứ bảo bồi, nó sẽ cung em đủ hết, mai anh ghé qua ri sẽ tính trả tiền sau, Bây giờ anh hãy trả tiền buồng, còn sự lặt vặt khác, em muốn lấy gì thì cứ gọi tự nhiên, không ngại. Đây là chỗ anh có quen tự trước, em cứ yên lòng ngủ lại cho yên. Cố mà tỉnh dưỡng tinh thần, đừng nghĩ lẩn quẩn nữa nhé ! Thôi, em đi ngủ đi mai anh lại đón.

Tôi cúi chào thiếu phụ của tôi, rồi móc túi lấy ra đồng bạc mà nhân ngãi tôi bên Gia Lâm cho mượn. Tôi đưa trả tiền phòng trước, dặn dò tên bồi cẩn thận, rồi nhẹ nhàng, phớn phở ra đi. Vừa đi, vừa xây nặn một dãy lâu đài cát. Về đến nhà, nghĩ vui vẻ quá, không thế nào nặn óc viết thành văn. Nhưng cũng cố trầm ngâm nguệch ngoạc cho ra ba bài báo, để mai đưa lên tòa soạn kẻo sai nhời. Viết đến sáng ngày, khi mặt trời chiếu qua cửa thì vừa xong công việc, Thế là thức một đêm dòng.

Vội đưa bản thảo cho nhà báo, tôi chỉ kịp bắt tay chào ông chủ nhiệm là đã xin cáo thoái ra về. Ra đến ngoài đường, tôi thuê xe một mạch lên nhà ô ten Hàug Đậu. Đến khách sạn tôi trèo mau thang gác, lên buồng số 5 tìm bạn gái của tôi. Tới nơi, một quang cảnh dị kỳ khiến tôi phải bồi hồi, kinh ngạc. Buồng số 5 cửa mở toang hai cánh mà trong buồng lạnh ngắt không ai. Chăn màn vẫn y nguyên, tịnh không có bóng người nào ở đó. Tôi thấy lạ bèn gọi bồi phòng gạn hỏi, thì nó trả lời tôi buồng số 5 không có ai thuê. Sau khi gắt gỏng, hỏi dồn, nó mới nhớ ra, và nói mấy nhời làm cho tôi xuýt nữa phát điên vì quá giận:

- Vâng, phải. Hôm qua ông có đưa lại đây một người con gái, xong người ấy lại đi ngay. Bởi vì đồng bạc thuê buồng hôm qua là một đồng bạc giả. Tôi có cho lên đổi thì người con gái bảo không có tiền. Ông chủ tôi không biết thế nào, bèn cho tôi xuống bảo cô ấy nếu không có tiền phòng thì xin cô đi chỗ khác... Cô ta nghe thấy thế thì vội vàng đi ngay.

- Thế cô ấy có dặn là đi đâu không? Hay có bảo gì không? Có nhắn gì tôi không?

- Bẩm không. Cô ấy chỉ thở dài và nói một mình rằng: ‘‘ Chả qua chỉ là số mệnh; trái thế nào được với số mệnh !’’. Rồi cô ấy tất tả đi ngay, hình như đi về mé cầu Sông Cái...

°

- Thưa các anh, thọ mệnh con người ta thật co ông Trời định trước. Sáng hôm sau, tôi chỉ còn biết chạy ra bờ sông xem có chuyện gì không. Quả nhiên, người ta có vớt được xác một người thiếu phụ mặc áo trắng. Người ấy hẳn là người tôi gặp gỡ lúc đêm khuya.

Người ấy ngày nay sẽ còn được thở không khí chúng ta đương thở, nếu trong sự tôi gặp nàng không chen vào lắm nỗi rủi ro. Trước hết, nếu nhân ngãi tôi, - xưa nay vẫn đứng đắn không hay bỡn cợt, - không đùa tôi khiến tôi phải bị điêu đứng vì một tờ giấy bạc giả, thì có đâu nên nỗi nước này ! Nếu tôi đánh đố mười không bị vận rấp, vận đen, thì làm gì đến nỗi phải vay đồng bạc ấy ! Mà mọi ngày tôi vẫn quen ngủ lì bên nhà nhân ngãi, sao tối đó ai xui tôi cứ nhất định ra về ? Có lẽ vì về nhà, tôi mới viết được ba bài báo. Mà cũng vì mấy bài báo ấy nên tôi không đưa người con gái kia về nhà. Tôi muốn được thảnh thơi để làm việc, và sau nữa, muốn đối với nàng cho có lễ phép, cho ra vẻ khách hào hoa. Giá tôi cứ chịu tục tằn đưa ngay nàng về nhà tôi thì có hơn không, sao còn để nàng ở ‘‘ô ten’’ rồi đến sáng mai lại đón? Mà sao nàng không có chút lòng kiên nhẫn chờ tôi vài tiếng đồng hồ ? Tôi suy nghĩ mãi mới hiểu rằng những sự tự nhiên đã xảy ra đều là những sự định trước cả để đưa thiếu phụ của tôi vào cõi chết. Nếu không có các điều ấy thì có lẽ nàng còn sống; nhưng ông Trời ác nghiệt đã bầy ra những lớp gàn trở để khiến nàng phải quyết chí quyên sinh. Trước khi nàng gặp gỡ tôi, nàng còn phân vân chưa muốn chết. Nhưng sau khi nàng đã kể rõ tâm sự rồi, thì nàng quả quyết lắm, vì như nhời nàng nói, nàng đã có kẻ hiểu cho nàng, vậy nên có chết đi cũng không oán hận điều gì nữa cả. Vì không có tôi khuyên giải và hứa sẽ yêu nàng mãi mãi, vị tất nàng đã chịu sống thêm vài phút đồng hồ. Chả qua nàng còn chưa được thỏa nguyện về tình, nên cũng muốn thử chơi xem lần nữa. Nhưng lần này, nàng lại bị thất vọng. Đêm đã khuya, nàng không có chỗ nương tựa, nhà ô ten lại đuổi nàng ra, thì nàng chỉ còn có cách là đi lang thang ngoài phố. Gặp tôi trong cơn ngẫu nhĩ, nghe tôi nói thì hay lắm, nhưng biết sau này tôi có thực bụng với nàng không ? Mà biết tìm tôi ở đâu ? Cớ sao tôi bảo yêu nàng, lại còn đưa trả tiền phòng bằng một đồng bạc giả ? Hay là tôi đánh lừa nàng?

Đã chán nản đến cực điểm rồi lại còn bị nhiều điều khó chịu, nàng không thể kiên gan được nữa. Nàng thấy nỗi buồn ở đâu xồng xộc lại tuôn ra. Nhân vì chí đã quyết rồi, nàng lại thỗn thức chạy ra cầu Sông Cái.

Lúc ấy vào khoảng bốn năm giờ sáng, có lẽ nàng thấy nỗi lòng chan chứa, và tâm hồn lại dần dần đâm ra yếu nhược suy tàn. Lần này, như nghe Thần Chết kêu gọi nàng dưới đáy trường giang, nàng vâng theo mệnh lệnh của các oan hồn, đâm đầu xuống nước.....

Thế là hết, Một cái xác đàn bà vô thừa nhận, bấy giờ tôi phải đem về. Một phút cũng là tình, tôi cứ theo đúng lời chỉ bảo của lương tâm, làm ma chay cho nàng tử tế!

Nhưng từ ngày ấy, tôi không bao giờ quên được người đàn bà mà, ngẫu nhĩ, tôi yêu, Trong đời tôi, tôi biết cũng lắm nhân tình, nhưng chưa hề thấy mình yêu ai thực bụng. Đến khi gặp người thiếu phụ trên cầu Sông Cái, làm tâm hồn tôi, tự nhiên, như bị người ấy chiếm ngay trong nửa khắc đồng hồ. Cuộc ái tình của nàng và tôi dẫu trong một đêm đông kia, chưa được bền chặt, vững vàng, thế mà nó cũng làm tôi phải cả đời đeo lụy.Tôi thấy tôi không thể yêu ai được nữa. Tôi chỉ được nếm vị ái tình có vài tiếng đồng hồ, nhưng thế cũng là đủ lắm.

Giờ đây tôi chỉ sống bằng tưởng tượng; có lẽ người thiếu phụ xa lạ kia, quá cảm tình tôi chân thật, nên ngày đêm vẫn hiển hiện rõ ràng trong trí nhớ tôi, không bỏ tôi một khắc nào trơ trọi. Vẩn vơ phảng phất trong một cõi thiêng liêng, vô hình ảnh, chỉ có nàng biết cho tôi, thấu cho tôi, là không đeo lỗi với nàng. Tôi đây đã cố hết sức cứu nàng ra khỏi bước gian truân, nhưng tôi còn biết làm sao trước mảnh lực vô cùng của số mệnh? Khiến cho tôi, dẫu đến khi nhắm mắt xuôi tay, cũng vẫn ôm mối hận bên lòng! Hận vì đã bỏ lỡ một dịp hiếm có trên đời, làm cho một kẻ vì thế bị chết oan, một người vì thế bị sống khổ.

Người sống khổ đó, thưa các anh, nó là tôi.

Ngày nay đây, đeo nặng một khối tình tuyệt vọng, tôi chỉ còn biết tìm thú khuây khỏa trong chén rượu, cung đàn. Thỉnh thoảng tôi lại đi bách bộ trên cầu Sông Cái để hồi tưởng lại cái giờ tôi được thấy tâm hồn xúc động, cái giờ mà thời gian đã cuốn vào một cõi xa xăm, Nhưng giờ ấy, trong óc tôi còn để lại một dấu vết không mãnh lực gì xóa được.

Nếu trên đời này có một kẻ chung tình đến cực điểm, kẻ ấy hẳn phải là tôi. Các anh cũng có yêu, cũng có chung tình, nhưng sự yêu đương của các anh có lẽ còn là vật chất. Tôi đây, tôi yêu, tôi quí, tôi sùng kính một người vợ tôi chưa từng biết tên tuổi, một người vợ chưa bao giờ cùng tôi biết mùi xẻ gối, chung chăn. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy tâm tôi suốt ngày vỗ đập cho nàng, nàng mà ngày nay chỉ còn là một hình ảnh đã phai, một cái bóng đã lạt: một con MA.

Tôi yêu con ma ấy, sở dĩ tôi quá si như vậy là chỉ vì con ma đó, trong lúc nó còn sống, đã thôi miên tôi bằng một cặp mắt sâu sắc, dị kỳ.

Đấy, thưa các anh, tâm-sự của tôi nó chỉ vẩn vơ có thế.

Aout 1936



BOOK COMMENTS

  • 4.5/7 - 318 ratings
    • H
      hocsinhcaothang 9 years ago

      Truyện rất phong phú ... Read more

      0
    Reply
    TO TOP
    SEARCH