CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Người Thứ Tám » Z.28 Nhà Thám Tử Cô Đơn


HOA KỲ

NỬ HOÀNG
THẠCH TÍN


Nữ hoàng thạch tín

Theo một bản thống kê hữu quyền, hàng năm ở Hoa Kỳ có khoảng 35.000 người bị  chết vì tai nạn ở trong nhà. Trong số này hơn 1/3 là nạn nhân của thuốc độc. Nói cách khác, hàng năm chừng 12.000 người Mỹ chết vì độc dược ở trong nhà.

Các nước khác không công bố số nạn nhân của độc dược. Tuy nhiên, cơ quan đặc trách của LHQ cho biết là tỉ lệ cũng xêm xêm.

Điều này chứng tỏ thuốc độc là mối lo của loài người. Có 3 loại chết vì thuốc độc : chết do tai nạn, chết tự ý, và chết vì bị kẻ khác đầu độc.

Từ ngày xửa ngày xưa, kỹ thuật đầu độc đã đạt mức tinh vi. Trong những năm đầu của Tây lịch kỷ nguyên, Nhà nước La mã được dùng độc dược làm phương pháp giải quyết các tranh chấp chính trị, quân sự và tình cảm. Nữ chúa thuốc độc hồi ấy –đàn bà dễ có mấy tay, phải không quý bạn?- là một tử tội tên là Locuste. Nàng vốn là nô lệ, phạm tội bị kết án tử hình song được ân thích để thực hiện những vụ đầu độc do Nhà nước chủ mưu, đồng thời cũng để mở lớp đặc biệt truyền dạy môn đầu độc, hầu tài nghệ độc nhất vô nhị của nàng khỏi bị mai một.

Ngược dòng lịch sử, độc dược được dùng nhiều nhất là thạch tín (arsenic). Trong thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch, người Hy lạp đã khám phá ra thạch tín rút từ chất quặng. Hyppocrates, tổ sư của nghề thuốc, coi thạch tín là môn thuốc chữa ung nhọt và một số bệnh ngoài da.

Thạch tín hồi đó do một chất quặng màu vàng mà ra nên nhuộm màu vàng, và có mùi vị. Đến thế kỷ thứ 8 sau Tây lịch, một nhà luyện kim á-rập, tên là Geber, tìm ra được thạch tín trắng (arsenic triocide). Nó không có mùi vị nên dùng làm độc dược rất thuận tiện.

Nói đến thạch tín không thể không nhắc đến họ hàng Borgia cầm quyền tại Ý. Hễ ai chống đối là họ làm thịt liền. Cesare Borgia đeo một cái nhẫn chứa thạch tín để có thể đầu độc kẻ thù dễ dàng bất cứ lúc nào. Năm 1659, một dung dịch đóng thành ve, trình bày đẹp mắt, giả dạng mỹ phẩm dành cho phụ nữ, được bán hầu như công khai, và nghe đâu 600 người đã mất mạng vì nó.

Bị đầu độc bằng thạch tín, nạn nhân thường đau đớn ở bao tử, nôn mửa, tay chân co rút trước khi mê man rồi chết. Trừ phi vô lương tâm, không ai đã chứng kiến cái cảnh nạn nhân hấp hối vì thạch tín còn dám đầu độc bằng thạch tín lần thứ hai. Ấy thế mà lịch sử tòa án cho thấy có người đầu độc bằng thạch tín trên dưới chục lần.

Nếu hung thủ là đàn ông, mặt sắt đen sì, trái tim và khối óc bằng bê-tông đặc thì vấn đề đầu độc hàng loạt này may ra còn có thể hiểu được. Tác giả nhấn mạnh hai chữ « may ra » vì dầu sao con người vẫn là con người.

Nhưng trong câu chuyện có thật sau đây, hung thủ lại là đàn bà. Đàn bà đầu độc cả lô chồng con bằng thạch tín.

Tên ác phụ có một không hai này là Lydia Danbury, sinh trưởng ở New Jersey, Hoa Kỳ năm 1829. Lên xe hoa về nhà chồng năm 1846, chồng là Edward Struck làm nghề cảnh sát viên. Cặp vợ chồng sinh sống trong thị trấn New York, ở đại lộ 125.

°
°     °

I

Lydia là một cô gái đẹp.

Nhiều người còn nói nàng là cô gái rất đẹp nữa. Dáng nàng thanh thanh, dường như không có mỡ. Nàng lại thuộc loại dong dỏng cao và trường túc. Chỉ tiếc là nàng ra đời vào đầu thế kỷ 19, hồi ấy người ta quan niệm đàn bà đẹp ở bộ phận khác, không phải đẹp ở cặp giò, và từ rốn trở xuống phụ nữ phải mặc hàng hàng lớp lớp xiêm dầy, cứng, hồ bột ròn rụm, mỗi bước chân là gây ra tiếng động sột soạt.

Lydia chỉ mắc một nhược điểm : nước da. Nàng là người da trắng, thế mà da nàng lại không trắng tí nào. Tuy vậy, nó cũng không đen. Nó hơi ngăm ngăm như da người lai. Đàn bà lai thường đẹp. Đàn bà có nước da ngăm ngăm thường rồi rào sức khỏe. Xin nhớ : sức khỏe ở đây là sức khỏe trong phòng the.

Nước da bánh mật là nhược điểm của Lydia, chẳng phải vì nó làm nàng kém duyên dáng. Trái lại, nó gia tăng vẻ hấp dẫn đối với đàn ông. Sở dĩ nó được liệt vào hàng nhược điểm là vì nó đã làm khổ nàng. Nước da bánh mật đã ban cho nàng những sự thèm khát ái tình xác thịt ghê gớm. Thèm muốn điên lên mà không được thỏa mãn. Hoặc chỉ được thỏa mãn phần nào.

Mới 13, 14 tuổi cô bé Lydia đã làm con trai trong vùng lác mắt. Gia đình nàng nghèo nên nàng không có hoàn cảnh triển lãm những báu vật thiên phú trên thân thể nàng. Nhưng sau bộ y phục xuềnh xoàng gần như lam lũ, ai cũng nhìn thấy bóng dáng một giai nhân.

Mỹ nhân mà làm gì, vì :

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Năm 17 tuổi, Lydia lấy chồng. Nàng đẹp như vậy mà định mệnh oái oăm không cho nàng một tấm chồng giàu có, hoặc ít ra cường tráng. Anh chồng của nàng chỉ là chú cảnh sát viên cà mèng, lương bổng đã ít, diện mạo lại chẳng có gì là đặc sắc.

Nàng lấy Edward vì nàng cần lấy đàn ông. Lý luận này có lẽ sát đúng với thực tại hơn hết. Không riêng gì nàng, phần đông phụ nữ của giữa thế kỷ 19 đều bị xô vào một trạng huống khác thường, trạng huống dồn ép sinh lý. Người ta không giải thích được tại sao, chỉ biết rằng ở Bắc Mỹ (nơi Lydia sinh sống) hay ở châu Âu con số phụ nữ lăn lưng vào lầu xanh ngày một gia tăng mạnh mẽ. Nhân số gái điếm nhiều đến nỗi ở thủ đô Áo quốc cứ 7 người đàn ông thì có một gái điếm 1 . Du khách từ xa đến có thể thuê vợ ngắn hạn hoặc dài hạn. Và trong khoảng thời gian 20 năm trước khi Lydia lên xe hoa, có chừng một triệu đứa con hoang chào đời riêng tại nước Áo.

Những việc xảy ra tại nước Áo đã xảy ra y hệt tại New York, mỹ nhân Lydia không còn là cô gái trinh nguyên khi về làm vợ cảnh sát viên Edward. Nguyên nhân của sự thả lỏng ái tình này bắt nguồn từ chính sách đàn áp phụ nữ hồi đó. Tại Âu châu, những cuộc ly hôn bị pháp luật cấm đoán khắc nghiệt từ những năm đầu của thế kỷ thứ 19. Phải đợi đến gần cuối thế kỷ mới được tái lập. Bị cấm đoán, con người phải tìm lối thoát. Đó là lẽ đương nhiên.

Lydia chịu nâng khăn sửa túi cho anh chồng đụt Edward cũng chỉ là lẽ đương nhiên. Nàng nhảy sổ vào cuộc sống lứa đôi, chẳng may khoa học hạn chế sinh sản còn ở thời kỳ chập chững nên trong vòng 7 năm đầu, nàng đã cho ra đời một loạt 6 tí nhau. Bầy con này có thật là của anh chồng cù lần kia không, anh chồng không hề hé răng. Vả lại, hắn còn thời giờ nào mà hé răng nữa. Lương tiền chết đói của hắn không thể nuôi nổi cô vợ vô công rồi nghề kèm một nách con dại khiến hắn phải ngậm miệng làm thêm giờ xúp và xoay thêm bổng ngoại.

Khốn nỗi, Edward lại không có máu tham nhũng. Hắn muốn xoay thêm bổng ngoại song lại không dám bóp hầu xiết cổ thiên hạ. Hắn lại không biết kéo bè kết đảng. Kết quả là đồng liêu của hắn lên trật đều đều còn hắn cứ chôn chân một chỗ sau cả chục năm trong nghề vẫn lui cui ở chức vụ « đơ dèm cùi bắp »…

Gia đình Edward lâm cảnh túng thiếu. Tuy nhiên, chỉ mới túng thiếu chứ chưa đói ăn. Đùng một cái, sấm sét giáng xuống. Hắn bị đuổi khỏi ngành cảnh sát về tội chậm trình diện. Cấp trên ra lệnh cho hắn đến một quán rượu, nơi có vụ thanh toán đẫm máu bằng súng đạn giữa một đám du đãng. Hung thủ tẩu thoát. Edward bị tố cáo là cố tình lừng khừng vì bản tính hèn nhát, chờ cho sóng yên gió lặng, biết chắc chắn mà mạng sống an toàn mới vác mặt tới. Edward là viên chức thanh liêm, người ta khó thể nghi hắn đớp tiền của hung thủ. Song hắn biện hộ khản cuống họng không ai thèm nghe. Hắn bị tống xuất. Sau này Edward mới rõ : hắn mất việc vì sở cảnh sát là ổ tham nhũng, người ta sợ hắn trở thành kỳ đà cản mũi, và từ lâu bè lũ thối nát đã rình rập cơ hội loại trừ hắn.

Bị thanh trừng một cách oan ức mà không thể nào giãi bày và bênh vực, Edward đâm ra bất đắc chí. Hăă chán nản mọi việc. Trước kia hắn thích trò truyện, giờ đây hắn câm miệng như hến, nhiều khi cả ngày hắn không nói một lời. Dần dà, hắn lánh xa bè bạn, thù ghét tất cả. Hắn coi ai cũng là cừu địch không đội trời chung.

Sự thay đổi tính tình của chồng -dầu là anh chồng cù lần, không được nàng thương yêu đằm thắm- làm Lydia lo sợ. Nàng bèn hỏi ý kiến xếp cũ của chồng trong sở cảnh sát. Và ông xếp đã nói toạc móng heo là chồng nàng mắc bệnh loạn trí. Giữa thế kỷ thứ 19, bệnh thần kinh còn là bệnh nan y. Ông xếp cảnh sát khuyên nàng đưa chồng vào dưỡng trí viện.

Tư tưởng rời bỏ Edward nhú lên trong đầu người đẹp. Nhưng nó chỉ thành hình rõ rệt khi Edward bước thẳng vào con đường mất trí nguy hiểm. Có lần chồng nàng ngồi yên như pho tượng từ sáng đến tối. Ai đụng vào là gắt gỏng, đuổi đánh. Lydia  có thể chịu đựng được tình trạng hiện tại. Song nàng không thể chịu đựng được mãi.

Ngòi nổ đã có sẵn, chỉ còn chờ mồi lửa. Và mồi lửa này là cơn điên loạn bất thần của anh chồng. Đột ngột hắn la hét lung tung rồi túm con, túm vợ cấu xé. Hoảng hốt, nàng đập cửa phòng bên. Một trung sĩ cảnh sát ở trong chung cư quen biết với gia đình nàng xông vào can thiệp. Một số bát đĩa bị đập vỡ, con nít bị xây sát xoàng. Sau một hồi thịnh nộ, bệnh nhân trở lại bình thường.

Gã trung sĩ cảnh sát nói với Lydia :

- Anh ta điên nặng lắm rồi, giữ lại không được đâu.

« Giữ lại không được đâu », câu nói của gã trung sĩ chỉ nhằm nhắc lại sự cần thiết đưa bệnh nhân vào dưỡng trí viện. Điều tai hại là Lydia đã hiểu theo nghĩa khác.

Luôn luôn mấy chữ « giữ lại không được đâu » ám ảnh tâm thần nàng. Đúng, nàng không thể « giữ lại » anh chồng bệnh hoạn, cuồng điên, vô tài bất tướng. Hắn còn công ăn việc làm chắc chắn, còn sức khỏe chắc chắn mà gia đình còn đói lên đói xuống, nàng còn lam lũ, tiều tụy, nhan sắc như đóa hoa hồng tươi mà phải tàn phai. Huống hồ hắn đã thất nghiệp, ốm o và loạn trí…Ai sẽ nuôi con nàng, nuôi nửa tá con lôi thôi lếch thếch của nàng ? Nàng xấu xí, già cằn thì liệu có ai thương ?

Vì vậy Lydia quan niệm mấy tiếng « giữ lại không được đâu » tức là giết bỏ anh chồng cù lần.

Giết bỏ bằng cách nào ? Nàng không có đủ can đảm giết chồng bằng súng, bằng dao. Phương pháp giản dị và khôn ngoan nhất là thuốc độc.

Nàng mua thạch tín, cất sẵn một nơi. Chồng nàng mỗi lúc một điên thêm. Nàng săn sóc, hầu hạ chồng hết mực. Láng giềng đều ái ngại cho hoàn cảnh của nàng. Gã trung sĩ cảnh sát ở kế bên thường chép miệng :

- Tội nghiệp, con người đẹp đẽ, hiền ngoan như vậy mà khổ. Bao giờ nàng mới hết khổ, hở Trời ?

Lydia « hết khổ » một buổi tối trong tháng 5/1864. Nàng trộn thạch tín vào thức ăn  của chồng. Sáng hôm sau nạn nhân thiệt mạng. Y sĩ được mời tới để xét nguyên nhân chồng nàng chết. Y sĩ phê vào giấy khai tử « chết vì bệnh lao phổi ».

Chết vì thạch tín mà phê là chết vì bệnh lao phổi kể cũng liều thật. Nhưng nghĩ ra ông thày thuốc lầm cũng phải. Lydia có vẻ mặt dịu dàng, và có nhan sắc quyến rũ trên mức trung bình, có ai dám ngờ nàng đầu độc chồng. Nàng chịu sống chung với anh chồng quèn những 18 năm trời. Thôi, hắn chết cũng đáng.


II

Người đẹp trở thành góa phụ. Khi ấy nàng được 35 tuổi. Nàng vẫn trẻ, vẫn tươi mát, vẫn đầy hấp dẫn. Tuổi 35 lại là tuổi tràn trề kinh nghiệm, và tràn trề sức khỏe.

Phiền một nỗi, bên nách nàng có 6 đứa con lau nhau. Nếu nàng ra đường một mình, hoặc với một đứa con đi theo, ai cũng tưởng lầm nàng mới 24, 25. Nàng chỉ đi dạo một vòng quanh thành phố là con trai dính theo cả chùm. Tuy vậy, nàng lại không vui…

Bầy con của nàng ăn như tằm ăn lên. Chúng lại còn quá nhỏ nên chẳng giúp mẹ được gì. Hết ăn lại phá, những khi không nghịch được thì nằm lăn ra đau ốm. Gã chồng cảnh sát chết đi không để lại cho cô vợ trẻ một món đồ gì đáng giá để có thể cầm cố hoặc đem bán lấy tiền. Hắn chết đi còn để lại nợ nần nữa là khác.

Lydia đã nghĩ đến việc tái giá. Với sắc đẹp của nàng, nàng tin tưởng sẽ không phải sống cảnh đơn chiếc một thời gian dài. Nhưng đến khi chồng nàng an nghỉ dưới mộ, nàng mới biết là tính toán sai lầm. Bọn thanh niên mê nàng thật đấy, song họ không thể mê luôn cả nửa tá con của nàng. Nàng cần tình chưa bằng cần tiền. Đám đàn ông tóc muối tiêu có thể cung cấp tài chính cho nàng nhưng họ lại cân nhắc thận trọng. Một, hai con thì được chứ nửa tá thì nhiều quá…Goá phụ với 6 đứa con khó thể là góa phụ ngon lành.

Trong lúc kiếm chồng, Lydia vẫn phải kiếm sống. Bởi vậy, nàng đành làm công nhân trong một xưởng sản xuất máy may. Lương thợ dĩ nhiên rất ít, vừa xoẳn cho gia đình nàng khỏi chết đói. Nàng phải giật gấu vá vai, cực kỳ khống đốn trong suốt hai năm đằng đẵng. Xưởng máy này tọa lạc ở xa nhà nàng, trong một khu vực thiếu an ninh cũng như thiếu vệ sinh ở New York. Nàng đi bộ đến xưởng, trời nắng cũng như trời mưa.

Thấy nàng lầm lì chịu cực, ai cũng khen ngợi. Không ai biết rằng nàng đã nuôi sẵn định kiến. Trong khoảng 2 năm nàng làm thợ, bầy con mũm mĩm đột ngột ngã bệnh rồi lần lượt thiệt mạng. Sau cái chết của đứa con thứ 6, Lydia trở thành góa phụ không con. Mọi trở ngại trên đường tái giá đều được dẹp bỏ.

Sự việc diễn ra như sau : chồng nàng chết được mấy tháng, Lydia cảm thấy hai đứa con nhỏ tuổi nhất của nàng, đứa con trai lên 4 và đứa con gái lên 2 không thể có tương lai trong hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ góa lại phải đi làm xa quần quật từ sáng đến tối, không có thời giờ và phương tiện chăm nom. Trong tờ khai sau này, Lydia nói là nàng rất thương chúng. Vì vậy nàng không muốn chúng thiếu hạnh phúc, thiếu sự săn sóc đàng hoàng.

Nàng nhớ lại câu nói của gã trung sĩ cảnh sát « giữ lại không được đâu ». Nàng không « giữ lại » chồng, thế tất nàng không thể « giữ lại » hai đứa con măng sữa. Không suy nghĩ nhiều nữa, nàng mua thạch tín, và cũng như đối với chồng, nàng trộn thuốc độc vào thức ăn.

Hai đứa chỉ quằn quại một đêm rồi chết. Không ai nghi ngờ gì cả. Giấy khai tử được bác sĩ chứng nhận ghi rõ đứa chết vì sốt nóng làm kinh, đứa chết vì bệnh sưng phổi cấp tính.

Tháng 3/1866, đến lượt đứa con gái 12 tuổi của nàng tên Anna nhuốm bệnh. Bệnh thật, hoàn toàn do vi khuẩn mà ra. Nàng không liên hệ đến. Nàng tỏ ra sốt sắng với con. Tuy nghèo, nàng cũng chạy đôn chạy đáo mời y sĩ. Và y sĩ kê đơn cho nàng mua thuốc.

Anna mới 12 mà khôn ngoan như đến tuổi dậy thì. Nó thừa hưởng được của mẹ nó khá nhiều, từ thân hình mảnh mai, cặp giò thon dài tới khuôn mặt đều đẹp như tranh vẽ. Nó có nhiều hy vọng trở thành hoa hậu trong quận. Nó thường được mẹ nó cưng chiều, của ngon vật lạ mẹ nó thường giành cho nó. Cảnh nhà túng bấn đến đâu chăng nữa, Anna vẫn có được những thứ nó muốn. Giờ đây nó đau ốm, Lydia lý luận rằng bệnh hoạn sẽ làm nó kém đẹp, tạng phủ nó kém mạnh, nó lớn lên không khéo lại dở dở ương ương như cha nó. Nó yên giấc ngàn thu với cha nó và hai em là giải pháp thích hợp nhất.

Lydia không ngần ngại pha thạch tín vào thuốc, bưng tận miệng cho con gái uống. Tờ khai tử chứng nhận Anna chết vì bệnh sốt thương hàn.

Ngày nay, xét lại các vụ đầu độc của ác phụ Lydia, chúng ta có thể kết tội y sĩ là vô trách nhiệm nghề nghiệp. Một y sĩ có thể lầm, song không lẽ 4, 5 y sĩ cũng lầm sau 4, 5 cái chết liên tiếp trong một gia đình. Người ta chỉ cần chở xác chết đến bệnh viện, đem giải phẫu và thử nghiệm là tìm thấy chất thạch tín giết người.

Tại sao người ta không làm thế ? Đó chẳng qua các ngài danh y phần nào chịu ảnh hưởng của khuôn mặt mỹ miều, tấm thân cân đối, cặp đùi tròn trịa, và nhất là dáng dấp hiền hậu của giai nhân Lydia. Đàn ông từ cổ chí kim -dầu là đàn ông làm nghề thày thuốc hay quan tòa- đều có ý nghĩ ăn sâu trong đầu là phụ nữ xấu xí mới hay phạm tội, phụ nữ kiều diễm thường ngoan và tốt…Vả lại, trong trường hợp Lydia không có cái nhìn bốc lửa thì các bác sĩ cũng không dám ngờ vực nàng. Cọp còn không nỡ ăn thịt con, nỡ nào người mẹ đầu độc những đứa con ruột của mình ?

Trên thực tế, người mẹ vô luân này tiếp tục đầu độc các con. Nạn nhân kế tiếp của Lydia là đứa con gái 18 tuổi, đã nẩy nở như người lớn. Trong năm 1866, những đứa trẻ còn lại lần lượt bị đánh thuốc. Chúng lần lượt chết, và bác sĩ cũng như dư luận đều không hề ngờ vực Lydia.


III

Sau khi rảnh nợ, nàng nghĩ đến chuyện lấy chồng. Đúng hơn, nàng nghĩ đến chuyện tìm nạn nhân mới để đầu độc.

Hơbớt không lấy gì làm khôi ngô, và đã xấp xỉ ngũ tuần. Ông cũng không còn cường tráng, song Lydia không cần lắm. Nàng thiếu đàn ông đã lâu. Ít ra Hơbớt cũng mang lại cho nàng những phút thần tiên trong chuyến « tái xuất giang hồ ».

Biết đâu sự quặt quẹo thường trực của Hơbớt lại chẳng là lợi điểm cho nàng. Khi chán Hơbớt, nàng chỉ khoát nhẹ tay là xong.

Lydia chọn Hơbớt là vì ông này có khá nhiều sản nghiệp. Đặc biệt là có trong nhà băng số tiền khổng lồ 10 ngàn mỹ kim. Hồi ấy, không phải ai cũng cất nổi 10 ngàn đô la trong ngân hàng như Hơbớt. Bánh ít đi, bánh qui lại, nàng mê tiền của ông thì ông mê nhan sắc nõn nà của nàng.

Tháng 11/1868 -2 năm sau ngày đứa con cuối cùng của nàng từ giã cuộc đời- nàng trở thành vợ chính thức của Hơbớt.

Trước mắt người ngoài, cuộc hôn nhân của Lydia có vẻ đã thành công mỹ mãn. Hạnh phúc dường như không thiếu đối với hai người. Nếu không yêu nàng, và không biết rõ nàng yêu ông lại một cách thành thật và tha thiêt thì ông Hơbớt đã  không dại gì làm chúc thư để lại toàn thể của chìm của nổi cho nàng.

Trong khi ấy, Lydia cố gắng thu phục thiện cảm của hàng xóm. Nàng thăm viếng họ luôn, con cái họ thường được nàng cho đồ chơi, và họ đều khen nàng tốt bụng. « Ông Hơbớt thật có phước mới lấy được cô ấy ». Lydia gặp bạn bè và hàng xóm lần nào cũng than phiền về sức khỏe của chồng. Nàng lộ vẻ lo lắng ra mặt. Nàng nói là ông Hơbớt hay bị xây xẩm mặt mày và bị ngất xỉu.

Không ai ngờ rằng Lydia đã đóng kịch để chuẩn bị cho một cuộc tái giá khác. Đầu năm 1870, nghĩa là vỏn vẹn hơn một năm nên vợ nên chồng, Lydia thực hiện kế hoạch của nàng. Hơbớt đột nhiên bị sốt nặng, đầu nhức như búa bổ, bao tử bị co rút, và có cảm giác như bị ai đốt cháy. Vợ chồng Hơbớt cư ngụ trong một xã ở xa thành phố, y sĩ sở tại không giỏi mấy nên một y sĩ ở tỉnh được mời thêm tới. Chẳng hiểu sao, họ lại bối rối trước những triệu chứng của bệnh nhân. Và họ đã mất khá nhiều thời giờ bàn cãi để định bệnh. Thật ra chỉ cần rửa ruột là tìm ra nguyên nhân. Họ còn bàn cãi thì Hơbớt thở hơi cuối cùng. Các y sĩ vẫn chưa đồng ý với nhau Hơbớt chết vì bệnh gì. Tuy nhiên, họ không ngờ vực là bị đầu độc. Trong giấy khai tử, họ ghi « chết vì bệnh ».

Người đẹp Lydia trở lại cuộc đời góa phụ trẻ đẹp lần nữa. Khác lần trước, lần này nàng có thật nhiều tiền. Nàng lại không nặng gánh gia đình. Vấn đề tài chính không còn được đặt ra nữa. Thế tất nàng sẽ chọn người yêu vì tình. Sau nhiều năm lao đao, nàng tin tưởng sẽ tình được « hoàng tử của lòng em ».

Hỡi ôi, tin tưởng của nàng chỉ là ảo tưởng. Nàng không lấy được tấm chồng đàng hoàng mặc dầu nàng chủ tâm đốt đuốc tìm kiếm. Té ra ghét của nào, Trời trao của ấy. Nàng Lydia giàu kinh nghiệm tình đời và tình yêu lại sa vào nanh vuốt một gã đàn ông hoàn toàn vô trách nhiệm và uống rượu như hũ chìm. Từ sáng đến tối chỉ rượu là rượu…

Tệ hơn nữa, anh chồng thứ ba này của nàng lại đeo bên nách 4 đứa con mọn, tiền nong lại không có một xu. Người ta không hiểu tại sao nàng đã nhẫn tâm giết toàn thể 6 đứa con do nàng sinh hạ, kèm theo 2 người chồng nàng để rồi nàng lại trao thân gửi phận cho một anh chồng nghèo kiết, rượu chè phóng đãng, và có 4 đứa con phải nuôi…

Định mạng thật oái oăm. Lydia mê hắn như điếu đổ. Hắn là Sơman, làm nghề thợ máy. Nói cho đúng, hắn không đến nỗi là thợ máy hạng bét. Hắn sửa chữa khá giỏi nên cũng rủng rẻng đồng ra đồng vào.

Có lẽ nàng mê hắn vì bộ mã của hắn hơn hẳn bộ mã của hai người chồng trước. Hắn lại còn trẻ. Trẻ hơn nàng một đống tuổi.

Ông trọc phú Hơbớt chết được mấy tháng, nấm mộ chưa kịp xanh cỏ, Lydia đã hối hả làm giấy hôn thú với anh chàng thợ máy Sơman.

Thế rồi việc đáng đến đã đến.

Hạnh phúc mà Lydia mong đợi vụt tan như bọt xà bông. Nàng chỉ hưởng lạc được với người chồng trẻ, khỏe, vỏn vẹn mấy tuần lễ. Thực tại tàn nhẫn đã hiện ra : một bày con dại và một anh chồng say rượu.

Hai tháng sau đêm động phòng hoa chúc, Lydia báo tin cho chồng biết là đứa con 7 tháng bị bệnh. Con riêng của chồng mà Lydia tận tâm săn sóc như thể con riêng của mình. Nàng ngồi bên nôi, canh chừng nó cả đêm. Sơman say tít cung thang, chẳng để ý gì hết. Hàng xóm phải ái ngại cho Lydia. Một đêm kia, Sơman đang say thì đứa con 7 tháng nấc cụt được một tiếng rồi lịm luôn.

Tháng 12 năm ấy, đứa con gái 14 tuổi của Sơman lên cơn sốt nặng. Lydia nói là sốt thương hàn. Hồi ấy, thương hàn là bệnh khó chữa nên đứa con gái mệnh chung chỉ là việc đương nhiên.

Hai đứa con riêng của Sơman chết đột ngột trong vòng mấy tháng mà hàng xóm không dị nghị, y sĩ không băn khoăn, kể cũng lạ. Bằng chứng là Lydia vẫn được mọi người quý mến.

Tuy nhiên, một bóng mây đen bắt đầu che phủ vòm trời hạnh phúc của cặp vợ chồng chắp nối. Anh thợ máy Sơman không đến nỗi ngu xuẩn. Đành rằng say sưa quanh năm suốt tháng, nhưng đôi khi cũng tỉnh, và những khi lấy lại trí phán xét, hắn bắt đầu hé thấy sự thật. Hắn có linh tính là đứa con trai 4 tuổi của hắn sắp bị lâm nguy. Tình phụ tử tắt ngúm từ lâu bùng cháy lại trong lòng hắn. Hắn nằm luôn trong phòng đứa nhỏ ban đêm để bảo vệ nó. Sơman bận coi sóc con tất không thỏa mãn được những đòi hỏi của vợ.

Nàng bị đuổi ra nằm phòng ngoài. Sự xa cách này là một hình phạt nặng nề đối với Lydia. Nàng lấy Sơman là để tận hưởng thú xác thịt với hắn, không phải để làm vợ chồng già. Và nàng không thể tha thứ cho hắn.

Tháng 5/1871, Sơman vắng nhà một tuần về chuyện tiệc tùng, hội hè gì đó. Quá hạn, hắn không chịu về. Đứa con trai 17 tuổi đâm bổ đi tìm. Điều đáng ghi nhận là Lydia đã cho nó tiền xe, kèm theo tiền tiêu vặt khá rộng rãi. Nàng đã có định kiến dứt khoát. Nàng sai con riêng của chồng đi tìm Sơman không phải vì nàng còn thương chồng. Mối tình động cỡn đã chết hẳn. Nàng bỗng cảm thấy sự cần thiết của nếp sống góa phụ tự do.

Thằng con sục sạo trong nhiều ngày mới gặp cha, song cha nó đang trong cơn say kinh khủng. Nó vất vả lắm mới dìu được cha ra xe, và hộ tống về nhà. Những lần trước, Sơman cũng say. Tuy nhiên, cơn say chỉ kéo dài một vài ngày là nhiều. Lần này, Sơman nằm mọp trong phòng cả tuần vẫn không sao ngóc đầu nổi.

Và thời gian ấy, hai vợ chồng cãi cọ nhau dữ dội. Trong lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, Lydia phiền trách chồng về chuyện bỏ bê, đến nỗi nàng còn trẻ mà những liên hệ sinh lý đã bị chồng cắt đứt một cách phũ phàng như thể nàng đã quá lục tuần. Nếu Sơman biết giữ mồm miệng có lẽ hắn chưa chết, Lydia buông tha hắn cũng nên. Đằng này hắn lại nổi sùng, gan ruột có những gì phun ra hết.

Hắn lớn tiếng cảnh cáo nàng :

- Cô coi chừng đấy. Tôi không phải là thằng ngu.

Nàng quắc mắt :

- Tôi cũng vậy, tôi cũng không phải là con ngu.

- Dĩ nhiên. Tôi có khi nào bảo cô ngu đâu. Thật ra, hai đứa mình chẳng đứa nào ngu cả. Chẳng qua là biết chịu đựng nhau. Tôi đinh ninh cô sẵn sàng chịu đựng tính nghiện rượu của tôi, nào ngờ…

- Hừ…anh đã nói ngon nói ngọt để dụ dỗ tôi. Nếu tôi biết anh hư đốn như vậy, tôi đã…

- Yêu cầu cô im. Tôi đã bảo là hai đứa mình phải chịu đựng nhau mà…Tôi chịu đựng cô thì đền lại, cô phải chịu đựng tôi.

- Anh chịu đựng tôi cái nỗi gì ?

- Lấy thúng úp voi sao được, cô ơi ! Cô làm gì tôi cũng biết. Những việc cô làm trong quá khứ, cô đừng tưởng tôi không biết.

- Tôi đã làm những gì bậy bạ trong quá khứ, có ngon anh nói tôi nghe.

Sơman nín lặng. Mặt hắn hơi tái. Dường như hắn cảm thấy lỡ lời. Lydia cũng có ấn tượng là Sơman đã phăng ra những hành động đen tối lén lút của nàng. Hắn không nói vì hắn thấy nàng có tiền, nàng lại yêu hắn thật sự. Có thể hắn nghi nàng giết con hắn. Song hắn chưa thu thập được bằng chứng.

Lydia suy nghĩ thật nhanh. Nàng phải tìm cách làm lành với chồng. Làm lành càng sớm càng tốt. Bằng không chồng nàng sẽ đi đến chỗ cạn tàu ráo máng, tố cáo lung tung có hại cho nàng. Sơman không hiểu nổi thâm ý của nàng. Hắn đinh ninh nàng chịu thua. Nàng chiều chuộng hắn khiến hắn thêm kiêu hãnh. Đêm ấy và những đêm kế tiếp, nàng ngoan ngoãn hơn cả tên nô lệ đối với chủ nhân.

Để rồi một buổi tối kia…

Vợ chồng trò truyện thân mật bên cửa sổ gió lộng. Trời cuối tháng hai nên hơi nóng nực. Lydia dọn đồ nhậu thật ngon cho chồng. Nàng xoay được một chai rượu thượng hạng, tự tay khui mời chồng. Hắn uống xong thì lên cơn sốt kèm theo những triệu chứng quen thuộc như nhức đầu và co rút báo tử. Nhờ có sức khỏe, hắn chưa bị bất tỉnh, hắn còn đủ nghị lực qua nhà bên, cầu cứu hàng xóm mời bác sĩ. Hai y sĩ hợp lực chữa chạy cho hắn. Nhưng hắn vẫn chết.

Lần này Lydia không thể xin giấy khai tử dễ dàng. Vì cả hai y sĩ đều băn khoăn trước cái chết quá đột ngột và vô lý của gã thợ máy nổi tiếng trong khu phố là khỏe như trâu cui. Vả lại, Lydia đã thành công nhiều lần, lẽ nào nàng thành công mãi…

Tuy nàng phản đối, thi thể của Sơman vẫn được chở đến bệnh viện để giải phẫu. Mấy ngày sau, cuộc thử nghiệm cho biết lá gan của nạn nhân chứa đựng một số lượng thạch tín khá lớn đủ giết thêm ba nạn nhân cường tráng khác nữa.

Nội vụ được trình tòa.

Và tòa ra lệnh bắt giữ mỹ nhân Lydia. Năm ấy nàng vừa chẵn 42 tuổi.


IV

Lệnh của tòa bị tạm gác. Luật là luật. Sơman chết vì bị đầu độc bằng thạch tín, điều này không có nghĩa là mọi trách nhiệm được trút lên đầu Lydia. Muốn tống giam nàng, phải trưng được bằng chứng nàng là thủ phạm của vụ đầu độc.

Quan tòa không quên những đứa con đã chết của Sơman. Thi thể chúng lần lượt được khai quật. Tạng phủ chúng được mổ xẻ và đem thử nghiệm. Và luật y xác nhận một cách dứt khoát chúng thiệt mạng vì bị đầu độc cũng như cha chúng.

Nhận thấy kết quả thử nghiệm có vẻ bất lợi cho nàng, Lydia bèn tính bài…tẩu mã. Nàng lặng lẽ thu xếp hành trang trốn đi nơi khác, tưởng cảnh sát không biết. Nàng không ngờ nhân viên an ninh luôn luôn theo dõi nàng. Sau khi phăng ra địa chỉ của tiệm thuốc Lydia đến mua thạch tín, cảnh sát mới thi hành lệnh tòa. Nàng bị bắt giải về nơi nàng phạm tội và bị tống giam chờ ngày xét xử.

Cuộc điều tra vẫn tiến hành đều đặn. Thi thể của Hơbớt cũng được khai quật, và luật y cũng tìm thấy dấu vết thạch tín. Một trát tống giam thứ hai được tòa ký sẵn, đề phòng trường hợp Lydia được miễn nghị trong vụ giết Sơman. Tòa có thể truy tố nàng về tội giết Hơbớt. Sở dĩ phải làm vậy vì công tố viện chưa thu thập được  đầy đủ yếu tố cấu tạo tội phạm. Lydia giết Sơman, đồng ý, nhưng tại sao lại giết ? Không phải lý do tiền bạc vì Sơman là anh thợ máy khố rách áo ôm. Đáng tiếc là tòa không biết Lydia cần xác thịt không kém cần tiền bạc. Nàng  đầu độc Sơman vì hắn không còn cung cấp khoái lạc xác thịt cho nàng nữa…

Về vụ Hơbớt, tòa có thể giải quyết dễ dàng hơn. Vì nạn nhân có nhiều của chìm của nổi. Nạn nhân lại đã làm chúc thư để lại toàn thể sản nghiệp cho Lydia. Dầu sao cũng còn cái chết bí mật của Edward, người chồng thứ nhất, và của 6 đứa con ruột của nàng. Tòa nghi ngờ nàng giết họ, song chưa vội ra lệnh khai quật tử thi.

Phiên tòa xử nàng bắt đầu ngày 16/4/1872. Chánh thẩm là ông Sanford.

Lệ thường, đàn bà đến tuổi như Lydia và tái giá nhiều lần là nhan sắc về chiều. Nhưng Lydia lại vẫn tươi mát, và nhất là có vẻ ngoài hiền thục, đoan trang và quý phái. Nàng mặc đồ đen tuyền như thể chịu tang những người đã chết. Cái nón trắng dịu dàng và giản dị của nàng làm tăng tính chất quý phái, khiến cử tọa trong pháp đình bàng hoàng, ái ngại. Nếu công tố viên không đưa ra những chứng cớ quá hiển nhiên chắc chắn đa số đều cho người vô tội.

Bằng giọng run run (thật tình hay giả mạo ?) Lydia khai trước tòa là vô tội. Nàng không hề giết ai. Lẽ nào phụ nữ chân yếu tay mềm, thấy con chuột cũng sợ, không thể đầu độc bằng thạch tín một lô nạn nhân như vậy ?

Nhân chứng thứ nhất được công tố viên mời lên là bác sĩ Beardslay. Khi anh thợ máy nghiện rượu nhuốm bệnh, bác sĩ Beardslay tới điều trị. Lydia nói là chồng nàng bị đau vì uống quá nhiều rượu, gan thận bị hư. Bác sĩ không tin, ông đã tìm thấy triệu chứng nạn nhân bị đầu độc bằng thạch tín. Ông bèn kê đơn cho nạn nhân uống thuốc giải độc. Trong lần chẩn mạch kế tiếp, ông nhận thấy sức khỏe nạn nhân bị suy sụp hoàn toàn. Và ông có cảm tưởng nạn nhân đã uống thêm thạch tín.

Luật sư biện hộ không phủ nhận việc Sơman chết vì thạch tín, song theo ông, có thể cái chết này do nhiều nguyên nhân mà ra, không nhất thiết do sự đầu độc. Các chuyên viên thử nghiệm đã cho thấy nhiều người có chất thạch tín trong cơ thể mặc dầu họ không hề bị đầu độc bằng thạch tín. Bởi vậy, có thể nạn nhân đã có thạch tín trong cơ thể trước khi thiệt mạng vì…ma men.

Luật sư của Lydia bào chữa thật hùng hồn, ai cũng tưởng bị cáo sẽ được miễn nghị. Nhưng công tố viên lại mở hồ sơ về cái chết của Hơbớt, người chồng trước của Lydia không nghiện rượu mà cũng thiệt mạng, với thạch tín đầy ứ tạng phủ. Luật sư bên bị còn bối rối, chưa biết phản công cách nào thì công tố viên đánh đòn quyết định : một nhân chứng lên tuyên thệ. Ông ta chính là người dược sĩ đã bán thạch tín cho Lydia trong năm 1871. Lydia nói là mua về để đánh bẫy chuột.

Lydia sụt sùi khai với tòa rằng nàng yêu Sơman tha thiết. Tòa bèn kêu người em trai của Sơman lên vành móng ngựa. Nhân chứng này bác bỏ luận cứ của bị can. Nhân chứng đã ghé nhà chị dâu nhiều lần, và chứng kiến cuộc « chiến tranh lạnh » giữa hai người, bề ngoài tưởng họ có hạnh phúc, kỳ thật chỉ là gượng gạo. Chính bị can đã thú nhận với nhân chứng rằng nàng chẳng bao giờ làm vợ Sơman nếu Sơman trả hết món tiền khá lớn hắn mượn của nàng. Nàng lấy hắn chẳng qua để có hoàn cảnh đòi lại tiền nợ hắn rắp tâm quỵt. Nàng còn than thở là Sơman tỏ ra hết sức lạnh lùng đối với nàng. Hắn chỉ cất tiếng một khi cần thiết, và ban đêm hắn thích ngủ chung với con hơn là với vợ mới cưới. Tiếng là hôn nhân, nhưng giữa hai người chẳng có gì hết.

Luật sư bên bị đưa ra một bài bênh vực thật hùng hồn. Thái độ của Lydia trước tòa cũng không nhiều thì ít có lợi cho nàng. Mỗi lúc bằng cớ được trưng ra một nhiều. Bồi thẩm đoàn thảo luận riêng trong vòng một giờ đồng hồ. Toàn thể đều đồng ý là  Lydia có tội.

Lydia bị kết án chung thân ngày 11/01/1873. Phiên tòa xử nàng kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Kể cả đình hoãn mất gần một năm tròn

Trong thời gian thọ hình, Lydia luôn luôn phàn nàn là nàng bị oan. Nàng trộn thạch tín vào thức ăn của người thân chẳng phải vì nàng ghét họ, mà vì nàng thương họ. Nàng không muốn họ cực khổ hoặc đau ốm. Cái chết là một sự giải thoát đối với họ.

Dường như Lydia chết già trong tù. Trong số phụ nữ phạm tội đầu độc chồng con, Lydia được coi là kinh khủng nhất. Vì vậy, người ta đặt hỗn danh cho nàng là « nữ hoàng thạch tín ».

Hỗn danh « nữ hoàng thạch tín » có lẽ không đúng lắm.

Đề nghị đổi lại là « ác phụ thạch tín ».

--------------------------------
1khoảng năm 1830, thủ đô Vienne, Áo quốc, có 400.000 dân, trong số đó gái điếm đã chiếm 20.000.


Posted by: mailfish

BOOK COMMENTS

  • 6.5/7 - 2 ratings
    TO TOP
    SEARCH