CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Võ Hồng » Hoa Bươm Bướm


Phần 8

Hôm nay Luân lên xe đi tản cư.

Chàng đem theo một va-li quần áo. Rương sách gửi lại biệt thự Trường Xuân.

Trời mưa phùn ướt át. Hai bên đường, từng gia đình một dìu dắt nhau đi trên đường lầy lội, dẫm trong đất đỏ dẻo quánh. Người cha còng lưng dưới hai gánh nặng chất những hòm xiểng, hỏa lò, dĩa bát, củi, nồi niêu. Người mẹ tay dắt tay bồng. Người chị lưng cõng em. Hết gia đình này tiếp đến gia đình khác.

Những cây thông mình cao, ngửa cánh tay sần sùi ra hứng mưa. Luân ngồi trên một rương đồ đạc, dựa lưng vào một thùng đồ đạc. Cạnh chàng, ngổn ngang những người và gói bọc, giỏ xách. Cùng đi một xe là hai gia đình công chức. Ông Thanh, tùng sự tại Ty Bưu điện, người nhỏ nhắn, da trán và da mặt bóng loáng, nhẵn nhụi. Đó là thứ da giấu kín ở phòng giấy, xa ánh nắng mặt trời. Ông ngồi tư lự như một nhà đạo sĩ Ấn Độ tham thiền. Sát đứa con của ông nằm bật dựa đầu gối lên thùng gỗ, tay nải, chân xỏ ngang xỏ ngửa vào quang gánh, vào kẹt thùng xe mà ngủ gà ngủ gật. Bà vợ có cặp mắt tháo vát của một con gà mái, nhìn trước nhìn sau trông chừng bầy con của mình. Cứ từng chặp bà lẩm nhẩm kiểm lại xem có đứa nào lọt mất xuống đường không, có còn bỏ sót đứa nào không. Ông Lễ, nhân viên Ty Canh nông thì ngủ ngon lành như đang nằm trên giường nệm ở nhà. Ông ngáy ồ ồ, miệng há tròn, hai vệt râu mép thỉnh thoảng nhấp nhổm theo dấu chân của một con ruồi ương ngạnh cứ bò qua bò lại. Cô con gái lớn không có ngực, ngồi thẳng như chữ I. Bà vợ cũng béo tròn như chồng, chốc chốc thở dài thò đầu ra trước hỏi bác tài xế:

– Đã tới Trại Hầm chưa bác?

– Chưa. Tí nữa.

– Xuống Trại Mát bác cho tôi ghé xuống xưởng cưa Thái Lợi một tí nghe bác? Coi thử người bà con của tôi ở đó đã tản cư chưa.

– Chắc không được, bà ơi. Xe tôi còn phải...

Những tiếng sau của câu nói bị nuốt đi trong tiếng xe rồ.

Luân nhìn ra sau xe. Con đường đất đỏ cứ lùi dần, khép nhỏ lại rồi qua một đoạn đồi thì khuất mất. Rồi lại mở rộng, lại lùi. Một ý nghĩ buồn thoáng dậy vương lấy óc chàng, ý nghĩ chia ly cách biệt. Có lẽ chàng sẽ ít buồn nếu nhìn ra trước xe.

Chàng chăm chú nhìn ra xa giây lâu để ghi chặt một hình ảnh đặc biệt của Đà Lạt đối với chàng đã trở thành thân mến: một rừng thông mờ sau màn mưa trắng.

Xe đến Trạm Hành thì đỗ lại. Trạm Hành được chỉ định là một trong những trạm tiếp cư. Chính quyền địa phương thu xếp cho Luân ở chung với gia đình ông Thanh tại nhà bà Bemard. Bà Bemard không có một tí dáng dấp gì của người đàn bà Việt lấy chồng Pháp. Luân đang tưởng tượng một người đàn bà mặt trát đầy phấn, móng tay bôi sơn đỏ mặc py- jama màu xanh màu hồng và thơm ngát nước hoa, không ngờ lại gặp một người nước da đen đủi như người lao động, tóc vấn trần và mặc áo dài đen. Tính tình thì chất phác thực thà. Ông Bemard trước làm Ban cơ khí nhà ga Trạm Hành. Hỏi bây giờ ông ở đâu thì bà hoặc bật diêm đốt điếu thuốc, hoặc nghiêng mình rót tách nước rồi bắt qua chuyện khác.

Căn nhà gỗ chỉ có hai phòng. Tất cả đồ đạc dù không quý giá nhưng dễ vỡ, bà Bemard xếp qua phòng của bà. Phòng này thường đóng cửa vì bà đi luôn. Đi thu gạo đồng tâm, thu nguyệt liễm... Tối thì dự hội nghị. Bà làm việc siêng năng chí tình như một người chỉ sống vì cách mạng. Tuy vậy trông dáng bà đi te tái xuôi ngược nghe bà kể chuyện hội chuyện hè, người ta có sự yên tâm được đối diện với một người đàn bà căn cơ làm ăn hơn là sự nể vì hoặc sợ sệt. Bà là loại toa tàu Cách mạng mới móc theo không biết ngụy trang.

Sáu đứa con ông Thanh và bà Thanh làm chủ ở phòng kia. Lúc nào cũng nghe tiếng cười, tiếng cãi cọ tiếng la khóc của họ. Phải đến chín giờ tối, khi đã sắp hàng cho chúng nằm dài ngủ ở sàn gỗ thì mới có sự yên tĩnh. Ban ngày phải đuổi chúng ra sân cho chúng chơi. Ông Thanh và Luân thì hầu như là hai cái bóng mờ, như là hai nhân vật của một cuốn phim câm.

Luân thường trốn ra mái hiên ngồi một mình. Đọc sách hoặc tắm nắng. Hoặc ngồi nhìn xuống khoảng rừng xanh âm u nằm dưới chân, nằm trùng trùng tiếp giáp ở mãi chân núi xa mù. Trạm Hành ở ngang sườn một quả núi cao, cao hơn Đà Lạt và trống gió hơn. Sáng dậy mở cửa, sương mây theo gió lùa vào, ngập trắng phòng. Lạnh buốt tay chân. Mai, chiều tiếng vượn ở rừng bên cạnh hú vang buồn bã. Ở đây chỉ có một hiệu buôn người Hoa kiều và vài mươi ngôi nhà của đồng bào ta ở rải rác dọc đường xe hơi. Khu người Pháp và của các nhân viên sở Hỏa xa là đẹp nhất.

Trạm Hành không có chợ, chỉ ngày ngày người ta mang rau, hoa quả, cá khô và thỉnh thoảng thịt bò, ra ngồi xúm xít ở trước cửa hiệu Hoa kiều. Buôn bán trao đổi trong vài giờ rồi giải tán.

Sau một tuần lễ, những bữa cơm bắt đầu thiếu nước mắm. Phải ăn với muối.

Trái su luộc chấm muối trở thành món ăn căn bản của hai bữa cơm hàng ngày. Nước cũng thành vấn đề vì muốn lấy được nước phải trèo qua một sườn núi để xuống hố nước mà lấy. Mỗi buổi sáng, người lớn được quyền rửa mặt với một tách nước. Trẻ con thì miễn. Người ta đồn vùng này có lắm hổ nên mỗi buổi sáng dậy là đã phải nghe câu chuyện hổ rồi. Hổ đen, hổ xám, hổ thọt ba chân, hổ báo thù, hổ ném lợn qua hàng rào cao rồi phóng mình nhảy theo bắt, hổ thèm mồi ngồi rình đến chảy nước dãi ướt dầm vạt cỏ bụi cây... Một người chỉ dấu chân trâu giẫm, kính cẩn nói:

– Kìa, vết chân ông ba mươi. Trẻ con bắt chước ngay:

– Thật đấy. Khuya con chợt dậy nghe tiếng gầm ở mé sau nhà. Ghê quá.

Ông láng giềng, một ông đội kiểm lâm già hay ghé sang nhà để vui miệng kể cho nghe những chuyện hổ, chuyện ma, chuyện vắt… một trăm thứ chuyện về đường rừng.

Tối đến, anh em tản cư rủ nhau đi xuống ga đón tàu hỏa ở Tháp Chàm lên xem có người quen nào chăng, mua đem lên một món nào ăn được chăng. Thường thì không có người nào cả. Người ta chỉ đi xuống mà ít người đi lên. Tuy nhiên anh em vẫn cứ nhẫn nại đi đón không bỏ sót chuyến nào. Vì không đi đón tàu thì không biết làm gì khác.

Quang cảnh chuyến tàu về đêm trông rất đẹp mắt. Những người buôn bán, những người qua lại ở sân ga cầm từng bó đuốc ngo cháy sáng. Ban ngày thì có chuyến tàu ở Đà Lạt chạy xuống. Chuyến này rất đông khách, phần nhiều là người tản cư. Thành ra gặp vô số là người quen.

Những buổi mai trời đẹp, mây trắng nằm vắt ngang sườn núi, chân núi. Luân tự nhủ: Khi nào xuống đồng bằng, sẽ chỉ cho anh em xem những đám mây nằm dán lưng trời mà tự hào nói: “Ngày xưa có lần tôi ở trên những đám mây kia”.

Ở Trạm Hành mọi người đếm nhẩm từng ngày một, đợi Hội đồng tư vấn Viễn Đông họp. Không hy vọng gì ở nó mấy nhưng cũng mong rằng nó có thể giải quyết tạm được vấn đề Việt Nam. Nhưng Hội đồng hết hoãn tuần lễ này lại hoãn thêm tuần lễ khác. Rốt cuộc, Hội đồng họp miễn cưỡng rời rạc. Anh em không ai thèm để ý đến nữa.

Có tin giặc Pháp từ Biên Hòa tiến ra Xuân Lộc. Số đồng bào tản cư xuống

Phan Rang đông hơn vì xuống Phan Rang có gạo ăn chứ ở đây thì có cơ chết đói lắm. Nhiều nhà đã ăn một bữa cháo trừ cơm. Nắm gạo đồng tâm đã có nhiều người chểnh mảng. Nhưng đồng bào tản cư vừa xuống đến Phan Trang thì có tin đồng bào Phan Rang được lệnh tản cư. Rối loạn, chẳng ai còn biết nên đi đâu nữa.

Ngày l6 tháng 11, quân Nhật đẵn cây ngáng đường không cho tàu hỏa ở Đà Lạt chạy xuống. Đồng thời chúng lùa bắt đồng bào ta và nổ súng tấn công vào Trại Mát. Tin này vừa lan ra thì cả một thành phố Cầu Đất đang sầm uất, trong nửa ngày đã trở nên vắng vẻ tiêu điều. Những hiệu buôn còn mở cửa phần đông là của Hoa kiều. Họ dán trước cổng, vẽ trên tường, treo trước cửa không biết bao nhiêu là cờ “Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng”.

Gia đình anh Tân, người thư ký của Tòa Tổng đốc bị ngưng chức, tản cư về Cầu Đất được hai tháng nay. Bây giờ Cầu Đất lại tản cư, họ không biết chạy đi đâu nữa cả. Về Huế thì Nha Trang mắc ng- hẽn. Xuống Phan Rang thì Phan Rang bị tản cư. Họ đành theo người quen vào rẫy cất lều mà ở. Luân đã nghe theo lời chỉ dẫn đi suốt nửa giờ giữa bụi bờ đá sỏi, gạt sên, bắt vắt để vào thăm chiếc lều của họ. Thật chẳng khác gì lều của nhà thám hiểm giữa rừng châu Phi. Xung quanh cây cao không nhìn thấy ngọn. Đây đó chằng chịt dây lá um tùm, bao bọc cái lều gỗ nhỏ. Đất ướt âm ỉ. Đêm người ta nghe tiếng “à ùm”, tiếng “bép bép” của hổ. Sống được mươi ngày thì toàn thể không ai chịu nổi nữa, phải ra xin vé tàu xuống Phan Rang. Rồi muốn ra sao thì ra chỉ biết bây giờ họ không thể sống chung với hổ, với vắt và với muỗi rừng.

Một buổi sáng Luân vừa tắm nắng vừa lắng nghe tiếng vượn hú lanh lảnh ở rừng bên. Tiếng hú tha thiết tuyệt vọng chàng tưởng như tiếng kêu gọi của quê hương xa vời và chàng nghe lòng mình rưng rưng buồn. Mình phải ở đây đến bao giờ? Đến bao giờ thì chiến cuộc mới chấm dứt? Những hoạt động của Đô Đốc Thierry d’Argenlieu bên cạnh Chính phủ Trùng Khánh chứng minh rằng người Pháp không dễ dàng gì giao trả độc lập cho Việt Nam. Ở Nha Trang chiến tranh cũng đã bùng nổ. Chiến tranh như một đám cháy lớn, đang bắt đầu bằng những mồi lửa rải rác.

Mình ở đây để làm gì? Lúc đầu khi rời bỏ Đà Lạt chàng có ý nghĩ: Mình hãy tự ý lưu đày trong một thời gian, xa lánh hết mọi sinh hoạt cộng đồng. Nhưng hai tháng thẩn thơ ở chóp núi này chàng càng ngày càng thấy rằng “tự ý lưu đày” chỉ còn là một từ ngữ hoa hòe làm trang sức cho một ý nghĩ trốn chạy. Có con mắt nào lưu ý thán phục mình đâu? Những phế đế, phế vương uy nghi trong cảnh lưu đày cô quạnh của họ là nhờ máy chụp ảnh. Có lẽ chỉ uy nghi trong khi máy chụp. Chàng cảm thấy mình bị lừa trong quan niệm anh hùng ngây thơ nặng về hình thức. Thực tế thì chỉ trong năm tháng nữa là tiền tiêu cạn. Sau năm tháng mình sẽ trở thành thế nào? Trên mỏm núi cheo leo này, nhất định không tìm được kế sinh nhai. Gạo lục tỉnh không được tiếp tế lên. Lúa phải nài mua từng giạ ở trong các ray, các buôn. Chàng nghĩ đến quê nhà lúa vàng ăm ắp đầy đồng. Nhà chàng làm đầy lúa. Thế mà ở đây chàng sẽ nhịn đói, sẽ không đủ sức để kêu lên những tiếng xót xa tuyệt vọng như con vượn.

Một buổi sáng Luân chậm rãi đi trong vườn, chân giẫm lên những lớp lá ngo rụng dày thì chợt có tiếng ô tô xịch đỗ ở cổng. Một người quân nhân lùi lũi bước vào. Gặp chàng ở sân, người ấy giơ tay bắt:

– A! Chào anh Luân.

– Dạ. Chào... anh.

Chàng lưỡng lự nên tiếng “anh” nói quá nhẹ, đáng lẽ xưng hô là “ông” thì phải hơn vì người đối thoại chàng chưa quen. Nhưng gọi “ông” thì thành ra khách sáo quá đối với chữ “anh” người kia dùng. Vả lại, trong chế độ mới, Chủ tịch ủy ban hay chỉ huy quân sự đều xưng hô “anh, em” với nhau và với nhân viên, binh sĩ.

– Anh Biên dặn tôi đến gặp anh.

– Vâng.

Biên, nguyên là Ty trưởng Công chánh nay được bầu làm chủ tịch Ủy ban.

– Anh Biên mời anh xuống Dran giúp dùm cho Ủy ban.

– Ủy ban hiện nay đóng ở Dran?

– Phải.

– Tưởng Ủy ban hôm nay thu hẹp phạm vi hoạt động thì không cần thêm người.

– Phạm vi lãnh thổ kiểm soát thì có thu hẹp thật. Nhưng một bộ phận của Ủy ban kẹt ở Đà Lạt đã bị Nhật bắt giam: anh Phó chủ tịch, anh ủy viên ngoại giao, anh ủy viên tư pháp...

– Anh Trà bị bắt rồi? - Luân ngắt lời.

– Vâng. Hiện giờ ta còn có nhiều rắc rối với quân Nhật. Mặt trận Fimnom ta phải gắng giữ. Mặt trận Trại Mát nữa. Anh trước đây có quen với Bộ Tư lệnh Nhật ở Đà Lạt nên anh Biên muốn nhờ anh giúp trong việc ngoại giao với họ.

Lời nhờ vả đến đúng lúc, giải quyết được cái buồn phải ngày ngày đếm thì giờ trôi qua, giải quyết được nỗi lo không biết chiến tranh bao giờ mới hết. Hơn nữa có còn giải quyết được mối ám ảnh là mình đã bị cuộc đời gạt bỏ bên lề. Ý này ban đầu không có nhưng lần lần khi trật tự mới được ổn định, thiên hạ sinh hoạt bình thường trở lại thì chàng cảm thấy mình buồn bã lẻ loi. Người ta không cần gì đến mình cả. Người ta bỏ quên mình không cần biết xem hiện giờ mình ở đâu, mình đang làm gì, mình ra thế nào. Cái cộng đồng xã hội ấm áp tình người, chàng thấy cần thiết đối với cuộc sống tinh thần của mình và khi nó không tìm đến với chàng thì chàng thấy xót xa như bị người phụ bạc. Chàng hỏi người quân nhân:

– Đại tá Yamada vẫn còn làm tư lệnh ở Đà Lạt?

– Tôi không được biết rõ. Dường như họ thay đổi tướng lĩnh khác ngày trước nhiều lắm.

– Thế tình hình ở Đà Lạt hiện giờ ra thế nào, anh?

Người quân nhân đứng lưỡng lự một phút. Có lẽ vì câu hỏi quá bao quát.

– Tổ chức chìm của ta vẫn còn để đó. Tin tức báo cáo về rất thường. Đồng bào hoang mang nhưng vẫn buôn bán làm ăn trở lại.

– Mời anh vào xơi nước.

– Thôi, cám ơn anh. Tôi phải lên Cầu Đất liền bây giờ. Thế nào, anh xuống Dran với anh Biên chớ?

– Vâng, tôi sẽ xuống.

– Thế thì chiều nay, không chừng ba giờ xế nay thôi, ở Cầu Đất về tôi sẽ ghé lại đón anh đi xuống cùng một thể. Anh có cần nhiều ngày giờ để thu xếp công việc và đồ đạc không?

Luân phì cười:

– Tôi chỉ cần mười phút thôi.

– Vậy thì xế nay tôi sẽ ghé đón anh nhé?

– Vâng. Xế nay.

– Chào anh.

– Chào anh.

Chàng nhìn theo dáng đi của người quân nhân vừa suy nghĩ: Đáng lẽ mình đừng trả lời ngay là mình nhận. Đáng lẽ mình nói: Anh để cho tôi suy nghĩ vài ngày. Một người khôn ngoan thường làm bộ khó khăn trong những trường hợp như vậy. Và chàng kết luận: Mình lăn vào trường chính trị thật không phải chỗ. Mình không biết dối trá một cách ngon lành như những người khác.

Chàng chạy đi giã từ ông Đội Kiểm lâm. Ông Đội bắt tay chàng lúc chàng báo tin sẽ đi Dran, nắm giữ bàn tay để mà kể lể về những cảm tình mà ông dành cho chàng. Ông nói:

– Tôi định vài hôm nữa tối trời sẽ dẫn thầy đi săn con heo rừng này. Nó cứ lảng vảng về rẫy của ông Điền ở hố cây Dầu. Tôi đang cho điều tra giờ khắc đi về của nó.

– Tiếc chưa, - Luân nói - Thôi, hôm nào ở Dran tôi sẽ lên. Tôi đi mà nhớ cụ lắm. Cụ có lòng tốt, sốt sắng giúp đỡ...

Ông Đội ngắt lời liền (nhưng tay vẫn cứ nắm chặt tay chàng).

– Thầy, thầy đừng nghĩ chi điều đó. Tứ hải giai huynh đệ. Có thầy ở đây nói chuyện chơi, tôi vui... Để tôi sai tụi trẻ nướng khô nai tôi với thầy nhắm chơi. Sáu ơi...

Chàng vội ngăn lại:

– Thôi cám ơn cụ, để khi khác. Cụ cho phép tôi đi giã từ mấy nơi quen.

– Thầy cần đi gấp sao?

– Dạ, xế nay thì có xe đến đón.

Vừa nói, chàng vừa đứng dậy. Ông Đội tay vẫn còn cầm tay chàng gặc gặc tay nhiều lần.

– Vậy thì thầy đi. Chúc thầy bình an. Con heo rừng này dạn lắm. Thế nào tôi cũng bắn ngã. Lâu lâu thầy ghé thăm tôi. Chúc thầy bình an.

Chàng lại thăm chú Niền Pào chủ hiệu Đại Phát, một tiệm Hoa kiều bán chạp phô kèm hủ tiếu và cà phê nằm ở mãi chân đồi. Tiện đường chàng ghé lại nhà anh Hân, nguyên nhân viên của Ty Công chánh. Chị Hân khóc ròng:

– Anh bỏ tụi tôi anh đi sao, anh Luân?

Cùng tản cư một bạn với nhau mà.

– Bây giờ anh bỏ về trước... Anh Hân rầy vợ.

– Anh Luân đâu có về trước? Anh xuống giúp việc cho Ủy ban mà.

Nhưng Dran gần Phan Rang hơn, gần xứ sở đồng bằng của mình hơn. Anh có hy vọng về quê hương. Còn tụi tôi cứ ở mãi trên đầu núi heo hút này.

Chị khóc suốt cả nửa giờ thăm viếng khiến anh Hân bực mình suýt đánh mấy lần... Chàng phải đóng vai hòa giải.

Ra khỏi nhà anh Hân, đi lủi thủi trên con đường dài, chàng còn nghe tiếng khóc của chị Hân. Chàng quay nhìn ra sau. Dáng chị Hân đứng ở vại nước sau nhà một cánh tay cung lên chậm nước mắt.

Giã từ gia đình ông Thanh thì dễ hơn. Ông Thanh vẫn cứ trầm tư như hồi mới chạy tản cư. Vì bà Thanh quán xuy- ến cả mọi việc, cứ đi về Phan Rang- Trạm Hành, buôn bán đổi chác tiếp tế nên ông khỏi phải lo lắng gì hết. Hôm chàng đi bà Thanh đang chạy mối mấy bộ xương cọp để người ta nấu cao hổ cốt. Xương cọp hiện nằm ở đồn điền ông xã Tám ở M’Lon. Hỏi mối ở mấy hiệu buôn thuốc Bắc dưới Phan Rang, Tháp Chàm nhưng chắc tình hình lộn xộn không bảo đảm họ không nhận mua nên bà Thanh chưa về. Ông Thanh chậm rãi rít từng hơi thuốc lào dài vừa lơ đễnh nghe chàng nói lời từ biệt. Ông nuốt khói vào thật lâu, nín hơi giữ lại rồi mới thong thả méo mồm cho khói từ từ tuôn ra lỗ miệng và lỗ mũi. Ông chiêu một ngụm nước trà, đặc chiếc tách ngay ngắn xuống giữa lòng đĩa rồi mới khề khà nói:

– Anh xuống Dran rồi bữa nào rảnh ghé lên chơi.

Thằng Thận, thằng Triệu, con Lệ vừa rượt bắt, la ó cười giỡn vừa nói như những cái máy:

– Chào chú Luân.

– Chào chú.

– Chào chú.

Thằng Dậu và con Xíu giành nhau viên kẹo bi còn sót lại đã đập vỡ mất lọ kẹo, bị ông Thanh phạt quỳ gối ở góc nhà. Chàng lại gần vò đầu nói:

– Hai cháu ở nhà ngoan nhé? Chú đi vài hôm chú về.

Hai đứa xịu mặt không trả lời.

Bà Bernard thì bận đi thu gạo đồng tâm và gạo nguyệt liễm. Phạm vi hoạt động của bà dường như mãi đến Dran. Chàng nhờ ông Thanh chuyển lời chào và lời cảm ơn, đồng thời tự hẹn với mình: Hôm nào gặp bà ở Dran sẽ xin lỗi vì trường hợp ra đi gấp rút.

Giã từ mái nhà rộng lượng đã che chở khỏi ngày nắng và đêm sương. Giã từ khu rừng âm u vang lanh lảnh tiếng con vượn rừng.



BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH