CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Thùy An » Cung Đàn Tuổi Thơ


NHỮNG VIÊN THUỐC BỔ

Chợ Tết bắt đầu rộn rịp. Tân mang theo ba trăm đồng, gọi là để tiêu xài trong buổi du Xuân thường lệ. Hôm nay là 27 tháng chạp. Anh ngỡ mình đang ăn Tết. Tết ở trong lòng chớ ở đâu xa. Hễ ngày nào mình vui, đắc ý, ăn no ngủ kỹ, gặp chuyện may mắn, công việc làm ăn phát đạt nhảy vọt và gặp người đẹp là ngày ấy vui như Tết.

Sáu bảy ngày qua, Tân hãnh diện, cho rằng mình hiểu "nghệ thuật sống" hơn ai hết. Anh thức đêm, uống trà, ra sân đón hơi gió lạnh, lúc nửa khuya. Như vậy là anh đã vui Tết trước thiên hạ trong sáu bảy đêm, anh thưởng thức sáu bảy đêm giao thừa. Nhưng khi sáng ra, anh thức dậy, cảm thấy chưa thỏa mãn. Niềm kiêu hãnh ấy quả tang là giả tạo.

Tết chỉ vui khi mọi người cùng vui. Chẳng ai có thể ăn Tết một mình, vào ngày giờ đó họ qui định riêng, trong thế giới riêng. Tết là niềm vui chung của dân tộc. Hễ toàn dân ăn Tết thì mình mới vui Tết.

Tân cười khì: Khi soi gương chải tóc. Hổm rày, mình là con cá lội trong chậu mà ngỡ rằng lội giữa biển khơi. Niềm vui ấy tuy có nhưng giả tạo. Niềm vui chung của đồng bào thành thị vẫn là thứ tình cảm lâng lâng, e dè. Ai nấy mua sắm hoặc chuẩn bị mua sắm. Tết là đóa hoa hàm tiếu, chưa nở. Tân vui vẻ ra đường với thứ tình cảm chân thành: sẵn sàng hòa mình vào đám đông, như hột muối tan trong biển người.

Ba trăm đồng, nghĩ cũng hơi ít nếu anh muốn mua sắm vài món linh tinh. Nhưng dùng để "dằn túi", thì số tiền ấy khá nặng. Tân bồi hồi, thương xót vu vơ cho vài cô nữ tư chức nào đó, khá xinh đẹp, dạo phố với mười lăm, hai chục đồng (hoặc không có đồng nào). Các cô ăn mặc sạch sẽ, bước trầm tĩnh... như kẻ có nhiều tiền "dằn túi"... Tân nhớ rõ và biết tên vài ông bạn lái vespa, lái ô tô với hai chục đồng trong túi. Anh gật gù:

- Mình thuộc vào hạng người khá giả rồi. Ba trăm đồng là bao nhiêu hơi ấm triền miên. Tiểu thuyết gia S. Maugham đã từ trần nhưng để lại câu nói bất hủ: "Đồng tiền là giác quan thứ sáu". Nghĩa là có nó thì mắt, tai, mũi, lưỡi và da tay của con người mới hoạt động, hửi xem, sờ mó đúng mức. Huống hồ mình đem theo để lấy hơi ấm chớ không xài. Năm nay dường như ông chủ không thưởng tiền Tết và không cho mượn trước số tiền nào cả. Về lý do, mình không nên biết, biết cũng vô ích.

Tranh chấp với ông chủ, theo luật lao động, là chuyện chung của mọi nhân viên. Anh em dám kêu nài tới mức nào thì mình cũng gật đầu "ba phải" tới mức đó. Không đứng đầu, không đứng giữa trong cuộc tranh chấp: Nếu đứng sau chót thì xấu hổ. Nên tìm chỗ êm ấm, trước người chót một bực để tự an ủi rằng mình còn một tí hào khí. Ta cứ đi ra phố.

Người trẻ tuổi nhìn chợ Tết với tâm hồn cởi mở. Món gì cũng lạ, cũng hay. Mỗi lần Tết là mỗi lần cảnh vật hiện ra đầy màu sắc sống động trong hiện tại, trước mắt trong khoảnh khắc mà họ ngắm nghía. Họ say mê, há miệng để rồi mau chán. Người lớn tuổi thường suy tư, so sánh hiện tại với quá khứ. Mấy gian hàng sát chợ Bến Thành chưa làm cho Tân chú ý. Cũng bánh mứt, rượu Tây rượu Tàu, kem đánh răng, trái cây.

Tân chép miệng:

- Hơi nhàm. Nghe nói cho đốt pháo nhưng tại sao chưa có gian hàng bán pháo? Bao nhiêu thứ bánh mứt ấy mình đã xem, đã ăn hàng chục năm rồi.

Anh chắp tay sau mông, đề phòng trường hợp bị móc túi. Trông oai vệ, nhàn rỗi và phách lối. Anh tự ví mình như một chậu kiểng xấu xí, một thứ hoa dại, mọc xen vào chợ đời cho rậm đám. Một người không sản xuất mà cũng không tiêu thụ hàng hóa, nói đúng hơn là sản xuất những loại thơ văn không cần thiết để lấy tiền mua vài thứ xa xí phẩm rẻ tiền.

Có tiếng đàn ghi-ta vang lên ầm ầm. Một nhạc công rách rưới đang trình diễn bản gì đó - theo điệu nhảy "túyt".

Khách qua đường bu lại để nghe. Họ xem chớ không phải nghe. Họ bàn tán:

- Đời bây giờ thiên hạ nhiều sáng kiến quá.

Lại có tiếng phản đối:

- Sáng kiến ác ôn, đáng bỏ tù, đáng truy tố. Chán ơi là chán. Tôi đứng đây nãy giờ, giận run nhưng biết ăn làm sao, nói làm sao con nhỏ này hết lớn rồi.

Tân đến nơi, ngóng cổ. Một cháu bé chừng 8 tuổi đang nhún chân, tại chỗ, hai tay bơi trong không khí, tóc uốn quăn queo, môi thoa son đỏ bầm, bên má điểm đốm son tròn lớn cỡ đồng bạc. Có lẽ hồi mới bắt đầu trình diễn, nó được đánh phấn. Giờ đây, phấn đã trôi, để lộ làn da đen đúa. Làn môi và đôi má như trầy trụa, rớm máu - những vết thương gây bầu không khí tang thương. Hai chân em bé cứ nhún, gọi là nhảy "túyt" để thu hút khán giả, xin tiền. Nó để chân trần, đầy bụi đất. Lỗ mũi nó phồng lên, miệng há hốc. Mệt nhưng chẳng dám thở than.

Một cô nọ ăn mặc sạch sẽ nghiêng đầu gần sát vai Tân, mái tóc thơm mùi trầm hương:

- Cho tiền tại đâu?

- Dạ, tại đây!

Người lên giọng trả lời đang ngồi kế bên nhạc công. Anh ta mặc khá lành lặn, nâng cái dĩa mica đỏ lên cao. Hai đồng bạc chì rơi xuống cành cạch.

- Cám ơn, cô bác. Em cháu nó nghèo, nó phục vụ nghệ thuật thuần túy.

Cô nọ như chẳng buồn đứng nghe và chẳng muốn nhận lời cám ơn. Đầu cô rút lui khỏi vai Tân. Mùi trầm hương thoang thoảng rồi tan biến.

Tân phân vân, chẳng hiểu nên đứng xem hay nên rời chân. Đứng để làm gì và đi đâu bây giờ? Liệu nơi khác còn cảnh nào lạ mắt vui tai hơn không? Mấy người đứng xem cứ cằn nhằn:

- Chán quá. Hai người lớn mà bóc lột đứa con nít. Như vậy thì là khoa học. Mỏi chân mà không dám than van, nếu lười biếng chắc về nhà ăn roi mây.

- Tôi mà làm cảnh sát thì bắt mấy cái vụ xin tiền này.

Nhạc công vẫn đàn, nhướng mắt. Anh ta có lẽ đã nghe lời trách móc ấy hàng trăm, hàng ngàn lần. Lời nói là bạc, sự im lặng là vàng. Nhịp đàn khi khoan khi nhặt, lai rai vài đồng bạc bay xuống như bươm bướm xanh, rơi ngoài vành dĩa. Anh thâu tiền cứ ung dung lượm, bỏ thành đống.

- Kỳ quá. Coi thật là ngứa mắt.

Anh chàng mặt áo trắng cứ cằn nhằn một mình. Anh ta như hứng khí khi nghe lời phản đối:

- Chỗ người ta làm ăn. Anh chán thì đi chỗ khác. Tôi chẳng bà con cật ruột gì với đám này. Nếu không thích thì mình đừng cho tiền. Ai móc túi mình đâu mà mình cằn nhằn.

- Nhưng tại sao anh đứng coi!

- Tôi đứng coi vì lý do khác. Tôi phản đối nhưng tôi im lặng, tôi không cho tiền.

Chàng nọ tiếp tục đả kích:

- Như vậy là anh đồng lõa với vụ bán buôn nghệ thuật này?

- Tôi đâu có đồng lõa. Tôi không cho tiền. Tại sao ta thắc mắc chuyện nhỏ bé này khi nước nhà loạn ly?

Chàng áo trắng trợn mắt:

- Chuyện quốc sự hả?

- Thời bình cũng vậy. Tôi nhớ hồi xưa, mấy người hát Tiều, hát Quảng nuôi con nít từ thuở lọt lòng đặng cho tụi nó đóng vai chánh, hò hát suốt đêm đến tối ba bốn giờ khuya để được ăn một tô cháo. Bây giờ, con nhỏ này sướng hơn.

Chàng áo trắng đáp:

- Nhưng vi phạm luật lao động... Bắt buộc trẻ em đứng nhảy nhót cả buổi như hình phạt đối với tù nhân.

- Ở đây chẳng ai làm mướn cho ai cả. Có thể em bé là con của người gảy đờn. Đem luật lao động nói nơi đây là sai.

- Có sự gì... bóc lột kỳ cục, vô nhân đạo...

- Bóc lột à? Những người đứng xem mà không trả tiền mới thật là kẻ bóc lột...

Tân giật mình. Cãi vã với họ chăng? Họ chửi xéo anh rồi. Thôi thì đi nơi khác. Anh... tự móc túi, đem ra mớ giấy năm đồng, hai chục đồng. Rất tiếc là không có bạc lẻ, đưa cho họ thối lại bốn đồng thì... vô duyên, thôi thì cho phứt năm đồng.

Anh quay mặt, thở phào. Một người nói lẩm bẩm bên tai anh:

- Xài vô lý quá. Tụi nó là... chim mồi.

Tân nhìn người nọ:

- Thiệt vậy sao?

- Ông chưa tin lời tôi thì thôi. Hai thằng cãi nhau là chim mồi, nhử ông, khiêu khích ông để ông cho tiền.

Tân gật gù:

- Hơi vô lý. Đâu phải thảy bài ba lá mà chim mồi? Nếu chim mồi... thì họ vô tình làm chim mồi. Họ cãi vã vì tự ái, rốt cuộc bọn kia thủ lợi. Thôi! Vấn đề nghệ thuật là vô giá. Họ biết trình bày khéo léo. Tôi khen ngợi sự trình bày đó chớ tôi có bố thí, mắc mưu họ đâu...

Người nọ lẩn khuất trong đám đông tự bao giờ. Tân bẽn lẽn vì đoạn chót của câu nói chỉ có một mình Tân nghe thôi.

Anh bước tới, đứng lóng ngóng một chập vì lề đường quá chật hẹp.

- Thầy Hai!

Cô gái bán kẹo, thuốc đang chào Tân. Quen thân lắm. Hai năm qua, Thỉnh thoảng Tân mua chịu thuốc hút của cô ta. Và lâu, Tân cho cô ta thiếu chịu vài chục đồng, khi thiếu tiền lẻ thối lại.

Tân mượn cái ghế, ngồi dựa lưng vào gốc me. Vài tiếng pháo nổ. Nhân viên cảnh sát cằn nhằn. Những cây pháo được đốt trộm nhưng nó công khai. Chẳng lẽ truy nã thủ phạm? Hai em bé nhăn nhỏ, xòe tay, chìa ra mấy cây pháo.

Tân hỏi cô bán thuốc:

- Khá không?

- Bán được được. Thầy mua thuốc xì gà không? Còn hai hộp.

Tân đứng dậy. Một hộp thuốc bán..., theo giá vốn là 450 đồng. Chẳng lẽ anh mua chịu đợi năm sau mới trả tiền. Ngồi đây làm gì? Anh đáp:

- Mai chiều tôi mua.

Hai bên lề đường, vẫn chưng bày những món hàng quen mắt: ly chen, đồ chơi con trẻ con, khăn tay, nút áo man-sết... Tân lắng nghe... Giữa tiếng ồn ào, giọng đàn giựt gân vẫn còn phía sau lưng. Chắc rằng cháu bé nó đang nhảy và hai tên kia vẫn cãi vã lai rai. Anh đào sâu cái triết lý vừa thâu thập lúc nãy.

- Chỉ cần cách trình bày cho khéo léo là thành công trên đường đời. Nhưng đó là sự thành công rẻ tiền. Âu cung là một kinh nghiệm sống. Mấy tên chim mồi đánh mạnh vào tâm lý những kẻ nông nổi, nghèo tiền nhưng giàu tự ái.

Phải chi mình cho tụi nó một đồng bạc như cô thơm mùi trầm hương, rồi đi tuốt thì khỏe trí biết bao. Cô nọ xử sự tỉnh táo vô cùng. Không cho thì tỏ ra kém đứng đắn. Thà rằng cho chút ít rồi đừng suy nghĩ. Thái độ của mình tuy đứng đắn nhưng dại dột, đã tốn tiền nhiều gấp đôi, lại còn nghe thêm tiếng chửi của bọn chim mồi.

Tân dạo hết quãng đường, quẹo về bên trái, theo đường Công Lý rồi đổ qua Lê Thánh Tôn. Ở đây, yên tĩnh hơn. Anh hút thuốc phì phà. Nhiều cô gái đẹp đi ngược chiều.  Họ mặc áo lạnh tuy trời chưa lạnh cho lắm. Màu áo lạnh làm ấm áp những người chung quanh: Tân thấy yêu đời. Lề phố thưa thớt, kém vẻ xô bồ xô bộn, chẳng cần chen lấn. Dường như đường này dành riêng cho những du khách loại chọn lọc. Khỏi sợ bị móc túi.

Tân dí mũi vào tủ kiếng xem mấy đôi giày da sấu. Non ngàn bạc, làm sao mua nổi? Anh thấy thấp thoáng vài bóng hồng từ trong tiệm lú ra. Mấy cô bán hàng đẹp quá. Mấy cô không mời khách hàng, không châm chọc vào lòng tự ái của thân chủ. Những cửa hiệu ấm áp lâu đời, nói tóm lại là... thuần. Chủ nhân mặc đơn giản, không khoe của cải và dường như họ mỏi mệt vì sống lâu năm cuộc đời đầy tiện nghi.

Mấy cô bán hàng đi đứng dịu dàng, ít nói ra vẻ ta đây là thân nhân của chủ nhân chớ không phải là người làm công. Thích quá! Tân rảo bước chợt có bàn tay chìa ra:

- Thưa ông!

Tân trố mắt. Ba bốn người đàn ông đang bán thuốc cao đơn hoàn tán bên lề đường. Họ trao cho anh một tấm quảng cáo:

- Mời ông xem.

Tân gật đầu:

- Cám ơn.

Rồi dợm chân bước tới.

Anh nọ thân ái nắm tay anh.

- Xin lỗi ông, chúng tôi hiểu rằng bấy lâu nay ông sống ở Sài-gòn, ông chán cái lối quảng cáo rồi. Lối quảng cáo thường lố lăng, phải vậy không ông?

Rồi anh ta cướp câu trả lời của Tân để tung ra mớ lý luận ngọt ngào như những dòng nước mưa từ trên máng xối chảy xuống rơi lõm bõm vào lu:

- Tấm giấy quảng cáo này thô sơ, chẳng có gì bảo đảm. Chúng tôi bán chiêu hàng cho nhà thuốc ra mắt! Chúng tôi xin hân hạnh...

Tôi rất chán loại cao đơn hoàn tán. Nói chung, anh sợ những loại... sâm nhung bổ thận bào chế bằng cơm nguội quết với nước đường, vò viên tròn "Trước mặt mấy cô gái đẹp mà mình mua thuốc bổ thận tráng dương, thì mất duyên hết". Anh từ chối:

- Xin hẹn dịp khác.

Anh nọ như chẳng nghe lời từ chối của Tân:

- Đây là hộp thuốc. Mời ông xem.

Tân dè dặt, chẳng muốn sờ tay vào.

Anh nọ đặt hộp thuốc vào lòng bàn tay Tân:

- Ông cứ lấy. Chúng tôi kính biếu, không lấy bất cứ một đồng xu nào. Chúng tôi mong ông dùng thử. Như vậy cũng đủ hân hạnh cho... bổn hiệu.

- Chà, tôi sợ thuốc lắm, vả lại tôi mạnh khỏe.

Vừa nói, Tân vừa liếc về phía mấy cô bán hàng. Mấy cô nghiêm mặt, nhìn nhau. Tân lúng túng. Anh nọ thúc hối:

- Chúng tôi khổ tâm lắm nếu biết rằng ông từ chối. Chúng tôi kính biếu. Nếu ông mạnh khỏe thì đem về tặng cho các bạn thân.

Tân mân mê hộp thuốc. Dưới lớp kiếng, hiện sáu hoàn thuốc màu vàng, bao sáp.

Anh nọ day lại đồng bạn:

- Đưa thêm cho ông hai hộp nữa...

- Cám ơn. Đủ rồi. Để mấy anh tặng cho người khác.

- Xin lỗi ông, ông là người đứng đắn, có nhiều bạn thân ở Sài-gòn. Chẳng lẽ ông tặng thuốc cho người này mà quên người kia. Đây, tất cả ba hộp. Và xin lỗi ông, ông trao cho tôi... để tôi gói lại kỹ lưỡng. Chẳng lẽ ông mang bao hộp thuốc này di ngoài đường, coi mất vẻ đẹp.

Người đồng bọn của anh kia gói ba hộp thuốc, gói chậm rãi. Tân đang thắc mắc, chẳng hiểu đem ba hộp thuốc nọ về đâu? Nếu là cơm nguội quết với nước đường thì ba hộp kia trị giá ít lắm 30 đồng. Tại sao họ dám biếu với thái độ hoàn toàn cởi mở? Phải chăng đây là kiểu quảng cáo mới, giống như vài nhà báo dám tặng không số ra mắt để câu độc giả hòng bán số thứ hai, họ đã nghiên cứu tâm lý giới tiêu thụ, tin rằng thế nào Tân cũng đồn đãi việc tặng thuốc ấy cho các bạn, hoặc ít ra anh cũng nói lại với vợ con.

Anh bán thuốc nói:

- Xin ông vui lòng thông cảm giúp anh em chúng tôi một số tiền mọn. Chúng tôi trong ban quảng cáo, gồm 3 nhân viên, đi trên chiếc xe... mô bi lết này và hai chiếc xe đạp kia. Thưa ông, nếu chúng tôi ngửa tay xin ông mười đồng, chẳng lẽ ông không cho. Hoặc giờ phút này, đáp lại món quà mọn của chúng tôi... có lẽ ông sẵn sàng cho chúng tôi giải khát một chai "la ve".

Tân bắt đầu hiểu rằng đã sụp bẫy. Mấy cô bán hàng che miệng, ló đầu ra cười tủm tỉm. Một nhân viên cảnh sát đứng nhìn Tân rồi cười khì. Biết sao bây giờ? Tân hỏi khẽ:

- Tôi không lấy thuốc. Nhưng mấy anh muốn chừng bao nhiêu?

- Dạ, tùy ý ông. Ông cho một đồng bạc, chúng tôi cũng không dám từ chối. Đây là buổi khai trương...

Tân đưa ra tấm giấy 10 đồng. Anh nọ nói với đồng bạn:

- Gói hộp thuốc đưa cho ông. Ông còn bận nhiều việc khác, cám ơn ông.

Anh ta trao gói thuốc. Tân sửng sốt, chẳng biết nói sao. Hồi nãy, anh ta tặng ba hộp, giờ đây, bớt lại còn một hộp. Tân cầm lấy, cười bẽn lẽn, nhủ thầm:

- Nếu không lấy, hóa ra dại vì mình đã tốn 10 đồng. Tụi này khôn quá. Nó bắt buộc mình mua một hộp thuốc "Cơm nguội nước đường" này với giá 10 đồng! Ôi thôi! Xui xẻo quá.

Tân gọi xích lô đạp, ngồi lên chẳng cần trả giá trước. Anh muốn ra khỏi con đường này cho nhanh để khỏi hổ thẹn. Vì tự ái, vì thể diện lặt vặt, vì muốn tỏ ra khoan thai, trầm tĩnh đối với mấy cô gái bán hàng mà anh lãnh một vố hơi cay. Cầm hộp thuốc trong tay, anh tự an ủi:

- Hồi nãy, mình xem nhảy "túyt" tốn hết 5 đồng, còn nghe thêm tiếng chửi xéo. Hộp thuốc này 10 đồng, gẫm đi gẫm lại rẻ hơn.

Nhưng Tân vẫn chưa yên tâm. Anh sợ mấy người bán thuốc cười khì, chế giễu anh là ngu dại:

- Chưa ắt nó dám ngạo mạn. Nó cần giữ thái độ... phục vụ thân chủ để tiếp tục lừa bịp những thân chủ đến sau. Ban đêm, về nhà, khi ăn cơm với vợ con hay khi nhậu la ve, nó mới dám cười.

Quăng hộp thuốc ư? Uổng quá. Đó là hộp giấy bồi khá cứng trên mặt có kiếng dầy, thứ thiệt, chung quanh in nhãn hiệu bốn màu sặc sỡ. Dùng nó để làm gì đây? Xế chiều, Tân buồn bã hơn bao giờ hết. Không xài phí mà vẫn tốn kém, không dám mở miệng ra mà vẫn bị mắng ngược, không lường gạt ai mà sao lại chua chát đắng cay? Nói ra, thiên hạ thêm cười chê. Chiếc xích lô đạp chạy bon bon. Chưa tới nhà, Tân nghĩ ra một biện pháp để tạm giải quyết cái hiện tại ê chề:

- Đêm nay mình nấu nước trà, ăn thử một hoàn thuốc, ăn chơi như trẻ con ăn kẹo. Nếu thuốc mất vệ sinh thì bị sình bụng, chết chóc gì. Muốn cho vui, mình mời thằng bạn thân nào đó, mỗi đứa ăn chơi ba hoàn cho hết hộp thuốc, ăn được mười phút, tức là một đồng bạc giết được một phút của... cuộc đời!



nguồn: hatnang.com

BOOK COMMENTS

  • 2.0/7 - 1 rating
    TO TOP
    SEARCH