CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Ivan Turgenev » Axya


VIII

Gaghin đón gặp tôi như một người bạn, anh quở trách tôi như tát nước, nhưng còn Axya thì khi vừa nhìn thấy tôi rõ ràng nàng đã cố tình cười phá lên một cách vô nguyên cớ rồi bỏ chạy như thói quen thường thấy ở nàng. Gaghin tỏ ra bối rối, anh nói với theo nàng là nàng đã phát rồ khi anh yêu cầu tôi bỏ quá đi cho nàng. Thực ra tôi rất khó chịu với Axya, tôi chẳng những đã bực bội lại còn thấy cả tiếng cười gượng gạo và dáng dấp õng ẹo kỳ quặc nữa chứ. Tuy nhiên tôi vẫn làm ra vẻ như không hay biết gì hết, và kể lại với Gaghin những chi tiết trong chuyến du lịch nhỏ của tôi. Anh cũng cho tôi biết những việc anh làm lúc vắng tôi. Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi rời rạc, gượng gạo. Axya trở vào phòng rồi lại ra ngay. Cuối cùng tôi cáo lỗi là có việc bận gấp nên đã đến lúc phải ra về. Thoạt tiên Gaghin cố giữ tôi, nhưng sau đó một lát anh chăm chú nhìn tôi và xin được tiễn chân tôi. Lúc ở phòng ngoài Axya bỗng nhiên bước lại gần tôi và đưa tay ra tạm biệt tôi. Tôi khẽ cầm những ngón tay của nàng và hơi nghiêng người đi để chào nàng. Hai đứa chúng tôi lúc lên đò vượt qua sông Ranh, và khi đi ngang qua cây tần bì yêu quý của tôi, nơi có bức tượng Đức mẹ đồng trinh, chúng tôi ngồi xuống một tảng đá và ngắm cảnh. Đó là nơi hai đứa chúng tôi đã nói với nhau câu chuyện đáng ghi nhớ.

Lúc đầu chúng tôi chỉ trao đổi với nhau vài ba câu cụt ngủn rồi lại im lặng nhìn ra dòng sông sáng lấp lánh.

- Anh hãy nói thử xem anh có nhận xét gì về Axya, - đột nhiên Gaghin khơi chuyện, trên môi nở một nụ cười thường thấy ở anh, - có đúng là anh thấy cô bé ấy kỳ dị không?

- Đúng thế, - tôi trả lời anh nhưng trong lòng vẫn cứ ngần ngại băn khoăn, - tôi không ngờ rằng anh lại nói đến nàng.

- Để xét đoán về Axya, cần phải hiểu tương đối rõ về cô ấy, - anh nói. - Axya có một tấm lòng đôn hậu, nhưng đầu óc cô bé ấy nghèo nàn. Sống hòa hợp được với cô ấy không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, cũng không thể kết tội cô bé một khi anh biết rõ tiểu sử của cô ấy…

- Tiểu sử của cô ấy? - Tôi hỏi cắt ngang câu chuyện của anh. - Chẳng nhẽ cô ấy không phải là… của anh?

Gaghin liếc nhìn tôi.

- Anh có nghĩ rằng cô ấy không phải là em gái tôi chứ? - Anh nói tiếp, không để ý đến câu hỏi của tôi. - Nó đúng là em gái tôi, là con gái của cha tôi. Anh hãy tin lời tôi. - Tôi thấy tin anh và anh kể cho nghe đầu đuôi câu chuyện:

Cha tôi là một người nhân hậu, thông minh lại có học, nhưng cũng là một người bất hạnh. Số phận vây bủa ông cũng không lấy gì làm ghê gớm lắm, nếu so với người khác, nhưng ông đã bị gục ngay từ nhát búa đầu tiên. Ông lấy vợ sớm, lấy vì yêu, sau đó chẳng bao lâu thì vợ ông, tức mẹ tôi, qua đời. Khi bà cụ mất, tôi mới có sáu tháng, cha tôi đưa tôi về nông thôn và suốt hai mươi năm liền ông cụ không đi đâu ra khỏi làng, ông đích thân dạy dỗ tôi và có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ chịu sống xa tôi, nếu chú tôi, tức em trai của ông cụ không ghé về quê thăm chúng tôi. Suốt đời chú tôi sống ở Pêterbua và giữ một chức vị khá quan trọng ở đó. Chú tôi khuyên nhủ cha tôi hãy giao tôi cho ông, bởi vì dù có nói cách nào cha tôi cũng không chịu rời bỏ nông thôn. Chú tôi có nói với cha tôi rằng trẻ nhỏ ở lứa tuổi tôi sống ở một nơi hoàn toàn tách biệt là một điều rất có hại, và với một ông thầy lầm lì và luôn luôn sầu não như cha tôi nhất định tôi sẽ thua kém những bạn cùng tuổi, và ngay cả tính tình của tôi cũng dễ bị hư hỏng. Cha tôi ra sức phản đối trước những lời khuyên nhủ của chú tôi, thế nhưng rút cuộc ông cũng đã nhượng bộ. Tôi khóc lóc khi chia tay với Người. Tôi yêu cha tôi mặc dù chẳng bao giờ tôi thấy một nụ cười nở trên môi Người. Nhưng sau khi đã lọt vào Peterbua, chẳng mấy chốc tôi đã quên ngay cái tổ ấm tối tăm và buồn thảm của gia đình tôi. Tôi vào trường võ bị, rồi từ trường võ bị chuyển sang trung đoàn cận vệ. Mỗi năm tôi về quê vài ba lần và cứ mỗi lần về tôi lại thấy cha tôi càng ngày càng rầu rĩ hơn, càng ẩn sâu vào nội tâm, đăm chiêu đến mức rụt rè, sợ sệt. Ngày nào Người cũng đi nhà thờ và hầu như không còn biết nói năng là gì. Có lần về thăm nhà (lúc ấy tôi đã ngoài hai mươi tuổi), lần đầu tiên tôi thấy cô bé khoảng lên mười, mắt đen và gầy còm ở nhà tôi, đó là Axya. Cha tôi có nói rằng đó là cô bé mồ côi, và cha tôi nhận về nuôi, - chính Người đã nói với tôi như vậy. Tôi không để ý gì đến cô bé, trông nó hoang dã, lanh lợi và lầm lì như một con thú, và khi tôi vừa bước chân vào căn phòng ưa thích của cha tôi, một căn phòng lớn và tối tăm, nơi mà ngay cả ban ngày cũng phải đốt đèn, và cũng là nơi mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng, là lập tức cô bé lẩn ngay vào sau ghế bành kiểu Vonte của cha tôi hoặc núp vào sau tủ sách. Sau đó trong vòng ba bốn năm liền tôi không có dịp về quê vì bận việc. Tháng nào tôi cũng nhận được của ông cụ một lá thư ngắn ngủi. Ông cụ rất ít khi nhắc đến Axya, nếu có cũng chỉ vài lời thoảng qua. Cha tôi đã ngoài năm mươi nhưng trông Người hãy còn trẻ. Anh thử tưởng tượng xem sự việc xảy ra với tôi mới đáng sợ biết chừng nào: đột nhiên tôi nhận được một lá thư của viên quản lý, ông ta báo cho tôi biết bệnh tình trầm trọng gần đất xa trời của cha tôi và khẩn khoản yêu cầu tôi về ngay, càng sớm càng tốt, nếu tôi còn muốn chia tay với ông cụ lần cuối cùng. Lá thư đã viết rõ ràng như vậy, có còn gì đáng nghi ngờ nữa đâu. Tôi ngồi trên mình ngựa phi như bay và tối đã về đến nhà kịp lúc cha tôi còn sống, nhưng đang trong những giây phút hấp hối. Khi gặp lại tôi Người hết sức vui mừng, Người đưa hai cánh tay gầy guộc ra ôm lấy tỏi, nhìn thẳng vào mắt tôi hồi lâu bằng một cái nhìn kỳ lạ; nửa như thăm thú, nửa như van nài, và sau khi yêu cầu tôi hứa sẽ thực hiện lời dặn cuối cùng của Người, rồi mới sai người lão bộc già của Người dẫn Axya tới. Con bé run lẩy bẩy tưởng như khó lòng đứng nổi.

- Đấy, - cha tôi ráng sức nói với tôi, - cha giao cho con đứa con gái của cha, em gái của con. Iakốp sẽ nói cho con rõ đầu đuôi câu chuyện, - ông cụ nói thêm và đưa tay chỉ người lão bộc.

Axya khóc nấc lên và ngã gục mặt xuống giường… Nửa giờ sau cha tôi qua đời.

Còn câu chuyện mà tôi được biết qua lời kể của Iakốp thì thế này: Axya là con gái của cha tôi với người hầu gái cũ của mẹ tôi tên là Tachiana. Tôi còn nhớ rất rõ bà Tachiana ấy, tôi nhớ cả cái thân hình cao cao cân đối của bà, nhớ cả khuôn mặt thông minh, nghiêm nghị và đoan trang với cặp mắt to của bà. Bà có tiếng là một cô gái kiêu hãnh và khó gần. Cứ theo như điều tôi có thể hiểu được qua những câu nói lấp lửng vì sợ hãi của Iakốp thì sau khi mẹ tôi mất được vài ba năm cha tôi bắt đầu đi lại với bà Tachiana. Bấy giờ bà không ăn ở trong nhà chủ nữa, mà ở trong một căn nhà gỗ với người chị đã có chồng làm nghề nuôi gia súc. Cha tôi gắn bó với bà rất tha thiết, và sau khi tôi rời khỏi nông thôn thậm chí cha tôi còn muốn cưới bà, nhưng chính bà lại là người không nhận lời lấy cha tôi, bất kể những lời cầu khẩn của Người.

- Bà Tachiana Vaxilievna quá cố, - lão Iacốp đứng bên cửa ra vào, hai tay chắp ra phía sau và nói, - bà là người biết điều và không muốn làm phật lòng ông nhà. Bà nói: tôi làm vợ ông sao được. Bà lớn gì cái thá tôi. Bà Tachiana đã nói với ông nhà như vậy, nói trước mặt con…

Bà Tachiana thậm chí cũng không muốn dọn về đây và cứ sống với bà chị, cả Axya cũng vậy. Khi còn bé tôi chỉ thấy bà Tachiana vào những ngày lễ ở nhà thờ. Đầu quấn chiếc khăn màu sẫm, trên vai vắt cái khăn san vàng, bà đứng trong đám đông, bên cạnh cửa sổ nhà thờ, khuôn mặt nhìn nghiêng của bà nom nghiêm nghị nổi bật trên tấm kính mờ, bà cầu nguyện, vẻ mặt bà nom vừa nghiêm trang vừa thành kính và bà lễ theo lối cổ, cúi rạp người xuống. Khi chú tôi đưa tôi đi, Axya mới lên hai, nhưng đến năm lên chín thì cô bé mất mẹ.

Bà Tachiana vừa qua đời, cha tôi đón ngay Axya về nhà. Trước đó cha tôi cũng đã tỏ ý muốn để Axya ở với mình, nhưng bà Tachiana đã từ chối không thực hiện ý nguyện đó của Người. Anh cứ tưởng tượng xem cái gì đã xảy ra với Axya khi người ta đón nó về với ông chủ. Cho đến nay nó vẫn không thể quên được cái giây phút đầu tiên khi người ta mặc cho nó cái áo dài bằng lụa và hôn tay nó. Khi còn mồ ma bà mẹ, nó bị bắt na bắt nết rất nghiêm khắc, ở với cha tôi nó được tự do hoàn toàn. Ông cụ là thầy giáo của nó, tức là không chăm ẵm nó, nhưng ông cụ yêu nó tha thiết và không bao giờ cấm đoán nó điều gì. Trong thâm tâm ông cụ cho là mình có lỗi với nó. Chẳng mấy chốc nó đã hiểu ra rằng nó là nhân vật chính trong nhà, nó biết ông chủ là bố nó nhưng cũng chẳng bao lâu sau nó lại nhận ra cái địa vị hư danh của nó, lòng tự ái của nó phát triển mạnh, đổng thời phát triển cả tính đa nghi, những thói xấu tiêm nhiễm và thấm sâu vào tâm hồn nó, tính giản dị không còn; nó muốn bắt cả cái thế gian này phải quên cội nguồn của nó đi (chính nó đã có lần thú nhận với tôi điều đó), nó lấy làm xấu hổ vì mẹ, rồi lại xấu hổ vì mình đã xấu hổ vì mẹ và càng lại thấy tự hào vì mẹ. Anh thấy đấy, nó biết quá nhiều và biết những cái mà lý ra ở tuổi nó chưa nên biết… Nhưng phải chăng lỗi là tại nó? Sức sống hừng hực của tuổi thanh xuân đang cháy bừng lên trong người nó, máu nóng đang sôi sùng sục, nhưng bên cạnh nó không có ai gần gũi có thể điều khiển được nó, nó hoàn toàn tự do về đủ mọi phương diện! Nhưng dẫn dắt nó đâu phải là chuyện dễ dàng? Nó muốn tỏ ra không thua kém các tiểu thư khác, nó lao vào sách vở. Liệu có thể tìm được điều gì đúng đắn ở trong đó cơ chứ? Một cuộc đời bắt đầu không đúng ắt sẽ phát triển lệch lạc, nhưng trái tim nó chưa bị hỏng, khối óc nó vẫn còn nguyên vẹn.

Và thế là một đứa bé hai mươi tuổi đầu như tôi đã phải đèo bòng một cô bé mười ba? Mấy ngày đầu sau khi cha tôi mất, tôi chỉ nói khẽ nó cũng đã run bắn lên, sự âu yếm, vuốt ve của tôi chỉ làm nó thêm buồn, nhưng chẳng bao lâu sau nó đã quen hơi bén tiếng với tôi.

Về sau, khi đã tin chắc rằng tôi thực sự nhận nó là em và yêu quý nó đúng như mót người em gái, thực tình nó đã gắn bó với tôi rất thiết tha, trong tâm hồn nó không có thứ tình cảm nào nửa vời.

Tôi đưa nó về Pêterbua. Tôi cảm thấy đau lòng khi phải sống xa nó, nhưng sống chung với nó thì không thể được.

Tôi gửi nó vào học ở một trường ký túc khá nhất và Axya cũng hiểu được rằng việc xa cách của chúng tôi là cần thiết. Sau đó nó quen dần và đã sống ở trong trường học được bốn năm; nhưng trái với sự mong đợi của tôi, nó hầu như vẫn không thay đổi gì. Bà hiệu trưởng thường phàn nàn với tôi về nó: “Quở phạt cô ấy thì không nên, - bà ta nói, - nhưng dỗ dành thì cô ấy lại không nghe”. Axya rất tinh ý, học khá, khá nhất trường, nhưng không thể hòa hợp với mọi người, bướng bỉnh và mặt mũi lúc nào cũng cau có… Tôi không thể kết tội nó quá đáng, ở địa vị nó, hoặc nó phải xun xoe, ve vãn hoặc phải bẽn lẽn ngượng ngùng. Trong số bạn gái của nó, nó chỉ thân với một cô bé không lấy gì làm đẹp, bị bạn bè xa lánh và nghèo túng.

Những tiểu thư khác cùng học với nó, phần lớn thuộc các dòng họ khá giả, không thích nó, nói xỏ nói xiên nó và hay châm chọc nó mỗi khi có dịp. Đối với bọn tiểu thư đó, một sợi tóc Axya cũng không chịu lép. Một hôm trong giờ học luật Thiên chúa, giáo sư nói về những thói xấu, Axya đã lớn tiếng nói: “Nịnh hót và hèn nhát là những thói xấu xa tồi tệ nhất!”. Tóm lại là nó cứ đi theo con đường riêng của nó, duy có điều đáng mừng là tư cách của nó có khá hơn; tuy nhiên ngay về mặt này hình như nó cũng không thành đạt lắm.

Cuối cùng nó đã sang tuổi mười bảy, không thể gửi nó lâu hơn ở trong trường ký túc được nữa. Tôi rơi vào một tình huống khá nan giải. Bỗng nhiên trong đầu tôi nảy ra một ý hay: xin phục viên rồi đi ra nước ngoài một hoặc hai năm, và đưa cả Axya cùng đi. Tôi nghĩ sao và làm vậy, rồi rút cuộc là hai anh em tôi lưu lạc đến bên bờ con sông Ranh này. Ở đây tôi đang cố gắng vẽ, còn cô bé thì vẫn cứ chơi bời lêu lổng và nghịch ngợm như xưa. Bây giờ thì tôi hy vọng rằng anh sẽ không xét đoán nó một cách quá nghiêm khắc; còn cô bé của tôi thì bề ngoài làm ra vẻ đối với nó chẳng có gì quan trọng, nhưng thực ra lại run sợ trước tất cả mọi lời nhận xét của bất cứ ai, nhất là của anh.

Trên môi Gaghin lại nở một nụ cười lặng lẽ vốn thấy ở anh. Tôi xiết chặt tay anh.

- Tất cả là như vậy, - Gaghin lại nói tiếp, - nhưng phải sống với nó là một cái họa cho tôi. Nó quả là một thứ thuốc nổ chính hiệu. Cho đến nay nó chưa thích ai, nhưng thật là một điều tai họa, nếu nó lại yêu một người nào đó. Đôi khi tôi cũng không biết cư xử thế nào với nó. Mới đây chắc nó vừa nghĩ ra một chuyện gì đó, bỗng dưng nó ra sức quả quyết với tôi rằng tôi đối xử với nó lạnh nhạt hơn xưa và rằng nó chỉ yêu một mình tôi thôi, mãi mãi cũng chỉ yêu một mình tôi mà thôi… và khi nói ra điều đó nó khóc lóc nghe mới thảm thiết.

- À ra thế… - tôi buột miệng thốt lên nhưng đã kịp dừng lại ngay.

- Nhưng anh hãy cho biết, - tôi hỏi Gaghin, - vì câu chuyện giữa chúng ta hoàn toàn cởi mở, lẽ nào cho tới nay cô ấy quả thực chưa thích ai? Ở Pêterbua cô ấy đã chả gặp khá nhiều chàng trai rồi đó sao?

- Cô bé tuyệt nhiên không thích bọn người đó. Không, Axya cần một người anh hùng, một con người phi thường hay một anh chàng chăn cừu đẹp trai trong khe núi, nhưng thôi tôi cứ chuyên phiếm mãi làm anh lỡ mất việc, - Gaghin nói thêm và đứng dậy.

- Hay là, - tôi nói, - chúng ta quay lại chỗ anh đi, tôi không muốn về nhà.

- Thế còn công việc của anh thì sao?

Tôi làm thinh, Gaghin cười hồn hậu, và chúng tôi cùng nhau trở lại thành phố L. Vừa nhìn thấy khu vườn nho quen thuộc và ngôi nhà trắng trên đỉnh đồi tôi thấy trong tôi có gì ngọt ngào, đúng là vị ngọt tựa hồ như ai đó vừa lặng lẽ rót vào hồn tôi một chút mật ong. Sau khi nghe chuyện của Gaghin tôi thấy lòng mình thanh thản.



BOOK COMMENTS

  • 4.5/7 - 2 ratings
    TO TOP
    SEARCH