MỤC LỤC
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
2
Những ngày tháng chín, trước khi tôi khởi hành đi Nassau là những ngày sôi động, phấn khích và đôi lúc tuyệt vời. Sôi động, bữa bán đấu giá nhà máy bia Landau lần thứ hai, tôi mua được rồi bán lại cho bọn lái bia. Phấn khích vì trận đánh này biểu thị sự kết thúc với độ chính xác toán học, rất đúng thời hạn, của kế hoạch nghĩ ra từ một năm trước. Những ngày tuyệt vời vì một lí do rất giản dị tên là Catherine.
Cuối cùng cô cũng trở về từ cuộc Hy Lạp, từ cuộc thăm viếng Hoa Kỳ, từ những chuyến đi lang thang đây đó. Và hôm được hai con cú già gọt khoai tây ở Fournac báo ngày nàng hạ cánh xuống Roissy, tôi đi thẳng ra chực sẵn ở sân bay, kéo theo ban nhạc Caraibe duy nhất đang có mặt ở Paris, tự tay cùng với vài vai phụ giương cao tấm biểu ngữ kẻ dòng chữ: “Anh Đây! Catherine!”.
Tôi đã ít nhiều thành công, đặc biệt trước mắt gia đình nàng mà tôi mới khám phá lần đầu tiên: Bà mẹ, ông bố dượng.
Ông nhìn tôi bằng cặp mắt gườm gườm.
- Tôi thấy những trò này, - ông “Bố Dượng Vợ Tương Lai” nhận xét, - nó trẻ con, lố bịch, nhục mạ làm sao, nói tóm tắt là không đúng chỗ.
- Không sao, - tôi đáp, - tuy thế bố vẫn còn rất dễ mến.
Không để ông kịp chống cự, tôi bất thình lình ôm hôn bố. Thoáng có mùi thơm Sherry.
- Và hơi nghiện ngập, nhỉ!
Câu đó dội nước lạnh. Catherine trừng mắt, nhưng rõ ràng cô đang cố nín cười. Mẹ cô cũng trợn mắt nhìn tôi với vẻ tò mò thích thú. Catherine kể chuyện tôi cho mẹ nghe, và chẳng hay tôi có còn ở Hong Kong nữa không?
- Tôi đang dọn nhà. Chẳng hay tôi có được vinh dự mời ông bà và cô đi ăn trưa hay không ạ?
Không, “Bố Dượng Vợ Tương Lai” không nhận, không muốn nghe nói tới chuyện đó. Thế ăn tối ạ? Cũng không. Mai cũng không. Những ngày sau cũng không nốt.
Tôi hỏi:
- Mười lăm năm nữa liệu bố có rỗi rãi không ạ?
Ông ta sắp trả lời ”không”, tôi biết thế, nhưng bà mẹ đã chen vào: “Sao tôi không đến ăn trưa tại nhà họ vào thứ năm tuần sau?” Lúc ấy tôi mới khám phá ra rằng họ ở quận VII, rằng “Bố Dượng Vợ Tương Lai” tên là Jeffries, đã cưới bù “Mẹ Vợ Tương Lai” làm vợ kế, rằng họ có một ngôi nhà phía sau phố Invalides, rằng họ có trong tay không ít tiền, cả hai phía, cả mọi phía. Điều này thì tôi đã đoán biết: Không thể đi nghỉ ở nhà bạn Suzie Kendall tận Bahamas nếu trong ví không có chút ít tiền lẻ.
Trong bữa ăn. “Bố Dượng Vợ Tương Lai” vẫn còn cằn nhằn tôi vài câu; ông ta là dân Anh, hơi thiên về rượu Porto nhưng thực ra không đến nỗi khó chơi như ấn tượng ban đầu. Thậm chí còn tỏ ra tế nhị, khi Catherine viện cớ đi chải đầu để tiễn chân tôi và biến vào nơi tận cùng sâu thẳm của ngôi nhà mười hai phòng thì ông cũng khéo léo biến mất.
- Tôi gọi anh là Franz được chứ?
Hai mẹ con Catherine không chỉ giống nhau ở đôi mắt. Không cần gì nhiều để có thể coi hai mẹ con như một tuy họ chênh lệch nhau hai chục tuổi.
- Anh Franz, tôi đã nói rằng Catherine có cho chúng tôi biết về anh. Nó còn ít tuổi.
- Con biết.
- Anh cũng vậy.
- Con biết.
- Nó bảo anh mải mê rượt đuổi một cái gì đó. Tiền à?
May, tôi có tờ giấy trong người, rất tình cờ thôi. Vì đúng bữa đó là bữa tôi cho chuyển khoản toàn bộ số tiền tôi có từ ngân hàng Thụy Sĩ sang một ngân hàng khác đặt trụ sở ở Nassau. Tôi rút tờ giấy trong túi chìa ra trước mặt bà Jeffries, trước là bà Varles. “Bốn triệu một trăm ngàn đôla”.
- Thưa bà, con đâu cần rượt đuổi đồng tiền.
Bà ta đọc tờ giấy, không tin ở mắt mình.
- Anh được thừa kế?
- Không ạ.
- Anh kiếm ra? Đây là tiền của anh thật?
- Tiền của con. Kiếm từng xu một. Không một ai trên thế giới này có bất cứ lí do nào đưa con vào ngồi tù.
Im lặng.
- Lạy chúa!
Bà ta thốt lên. Bà đứng dậy, đi qua trước mặt tôi, nhẹ nhàng ấn vai tôi bắt ngồi yên khi tôi định đứng lên theo. Bà đến đứng một lúc nơi cửa sổ nhìn nhìn xuống đại lộ Ségur, tôi thì rất ngạc nhiên ngồi nhìn bà. Rồi bà trở lại ngồi xuống ghế.
- Anh... Đúng là anh vẫn còn quá trẻ tuy có từng ấy của cải. Liệu tôi có giúp gì được cho anh chăng?
Cách đặt câu hỏi làm tôi bối rối, tôi không tin chắc mình đã hiểu thật đúng.
- Catherine nói đúng đấy. Anh đang đuổi theo một cái gì khó nắm bắt. Xin hãy cẩn thận!
Tôi hơi sững sờ nhìn bà. Vừa vặn Catherine bước vào, chúng tôi cùng ra đi. Những ngày sau đó chúng tôi không rời nhau nửa bước, rồi nàng tiễn chân tôi lên máy bay đi Nassau, không mang theo biểu ngữ.
° ° °
Tôi rời Nassau lúc độ mười hai giờ, trả hai đôla tiền qua cầu để sang đảo Thiên Đường.
Gã Thổ không thổi phồng chút nào: Robertrt Zarra nằm giữa một hệ thống bảo vệ thật khác thường. Trên đường tới chỗ hắn, sau khi vượt qua vòng ngoài tôi còn bị chặn lại hai lần, để khám xét và kiểm tra căn cước. Hắn sợ cái gì? Một sư đoàn lính thủy đánh bộ chắc?
Một gã có vẻ ngoài dễ chịu, lịch thiệp, nhìn tôi với vẻ hơi tò mò.
- Anh Thổ Nhĩ Kì kể với tôi nhiều điều tốt về anh.
- Anh còn chưa biết hết đâu.
Hắn ngập ngừng, hơi lúng túng trước vẻ cười cợt của tôi, hoặc một cái gì đó tương tự.
- Cimballi là tên thật?
- Không có gì đáng nghi hoặc.
- Người Ý?
- Pháp.
- Nhưng gốc Ý!
Nếu điều đó làm hắn thích. Tôi đáp:
- Đúng, bố tôi, gia đình bố tôi đều người xứ Florence.
Tôi nhìn quanh. Chỉ riêng trong khoảng gần bể bơi đã có bốn tên vệ sĩ võ trang, súng ngắn to đùng gài trong bao đeo ngực, máy bộ đàm. Tôi đã thấy có đến sáu tên ngoài vườn, không kể những tên chặn ở cửa, trên lầu một ít ra có hai tên cầm súng trường lắp kính ngắm.
Zarra tủm tỉm cười.
- Anh chẳng có gì phải sợ.
- Tôi sợ cho bọn chúng. Hãy tưởng tượng khi tôi nổi cơn lên. Còn hơi sớm để dùng daikiri, tôi muốn dùng nước cam tươi.
Họ mang tới chiếc cốc, nước đá, nước cam vắt đựng trong bình lớn bằng bạc.
- Tôi nghe anh đây, - Zarra nói.
Hắn nghe tôi mười phút liền không hề ngắt lời, không hỏi han, không tỏ ra quan tâm lắm, nhưng cứ nhìn tôi chằm chằm ngay cả lúc hắn châm xì gà. Mỗi khi nhìn bàn tay hắn cử động tôi lại thấy có cái gì đó làm tôi bứt rứt, mãi sau mới nhận ra là khi cử động mắt hắn không bao giờ nhìn vào ngón tay, chúng hoạt động như thể chúng hoàn toàn độc lập với hắn.
Tôi dừng lời. Im lặng. Hắn rút xì gà, nhìn theo làn khói, rồi mới hỏi:
- Ai điều hành cái công ty mà anh căm ghét?
- John Hovius và James Donaldson.
- Tôi quen biết sơ sơ Donaldson.
- Tôi biết. Chúng tôi đã kiểm tra, cách đây ba năm ông gặp hắn ở London. Chúng tôi muốn xác minh xem ngộ nhỡ ông có những quyền lợi chung với hắn hoặc với Hovius. Nhưng không có. Đề phòng ông báo trước cho chúng biết việc tôi đang chuẩn bị đánh chúng, chúng sẽ thoát khỏi tay tôi mãi mãi.
Hắn mỉm cười:
- Anh nắm tình hình rất chắc.
- Tôi tới đây không phải với hai tay không?
Đưa mắt liếc qua, tôi bỗng thấy bọn vệ sĩ đã chuẩn bị, tay nắm chặt báng súng, mắt soi mói. Trong vài giây tôi gần như cảm thấy sắp xảy ra tàn sát đến nơi. Nhưng không có gì hết, bọn canh gác đâu lại về đấy, im lìm trong tư thế lúc đầu như những con chó săn đứng rình mồi.
Zarra không buồn quay đầu lại:
- Cố nhiên không trả lời được. Tôi cần suy nghĩ, bàn với bạn bè. Anh ở đây bao lâu?
- Cần bao lâu ở bấy lâu. Tôi trọ tại khách sạn Britannia Beach.
- Cho tôi ba ngày. Sẽ liên lạc với anh.
Tôi đồng ý và ra về, lần lượt đi qua từng phòng tuyến một, có bọn thân binh lẵng nhẵng theo sau như thể tôi là nhà thuyết khách mang đến một lệnh đòi.
Tôi thầm nghĩ: Như vậy có bỏ công xoay hai trăm triệu đôla không?
° ° °
Bahamas gồm có vài trăm hòn đảo lớn nhỏ. Nhóm đảo Bimini là nhóm gần bờ biển bang Florida của Hoa Kỳ nhất, cách tám chục kilomètres. Ponce Léon, người Tây Ban Nha, đã tìm ra Florida cho rằng con suối huyền thoại cải lão hoàn đồng chảy trên đảo này. Thực tế hơn, đây là thiên đường của người đánh cá vì có dòng nước ấm Gulf Stream chảy qua. Hemingway đã từng đến đây uống rượu, sáng tác “Ông Già Và Biển Cả”.
- Anh đã câu cá kiếm bao giờ chưa?
- Chưa hề câu một con sardine nào.
Tôi ngồi đằng lái chiếc du thuyền, trong chiếc ghế bành tựa như ghế thợ chữa răng, Robertrt Zarra ngồi bên cạnh cũng trong một chiếc ghế kiểu ấy. Họ đã trang bị cho chúng tôi cần câu hoặc một thứ tương tự, đại loại là đồ câu cá.
- May ra anh vớ được chú cá kiếm. Biết đâu? Hoặc một con nhồng, một con marlin trắng, con cá cờ, con wahoo, con cá vua, con ngừ, thậm chí có khi con cá xanh khổng lồ.
- Thôi đừng kể hết bảng món ăn làm gì, tôi chỉ cần thực đơn kê món cá cơm là đủ. Và đặc biệt cần tóm được con Scotland tên là Donaldson và con Argentina tên Hovius.
- Việc riêng à?
- Đúng như ông vừa nói.
Zarra châm xì gà, đặt cần câu xuống ra vẻ buồn bực.
- Tôi xin trả lời: Thuận lợi. Chúng tôi chấp nhận đề nghị của anh. Với điều kiện anh chịu tăng gấp đôi vốn đầu tư.
- Tội làm gì có đủ tiền.
- Đấy là việc của anh.
- Kiếm đâu ra hai triệu đôla?
Hắn đưa tôi đôi găng:
- Đeo vào, như thế tốt hơn, ít nhất cũng bên tay trái.
Bàn công chuyện với hắn chẳng khác gì thuyết phục tấm thảm chùi chân trở thành máy tính điện tử. Tôi đeo găng, vừa đúng lúc có tiếng kêu thét. Chẳng cần quay lại tôi cũng thấy điều đang xẩy ra: Hai chiếc thuyền cao tốc từ sau dãy đảo Cat Cay vọt ra lao vào chúng tôi với tốc độ không thể tưởng được. Mũi xuồng rẽ làn nước tím vọt cao trùm lấp thân xuồng chúng đến cách chúng tôi chỉ còn chín trăm mét. Trên chiếc du thuyền tôi đang ngồi, sự xuất hiện những chiếc xuồng cao tốc kia nếu không gây nên cơn hốt hoảng chí ít cũng khiến cho hoạt động bỗng sôi nổi hẳn lên. Không kịp kêu lên một cách ngốc nghếch “cái gì vậy?” hoặc một câu pha trò ngớ ngẩn nào, tôi đã bị nhấc khỏi chiếc ghế chữa răng, khiêng đi, nhét xuống ngăn tiếp khách toàn da vàng hung hung và gỗ dán. Cả Zarra cũng chịu chung số phận như tôi nhưng tỏ ra phớt tỉnh. Hắn vừa hút hơi xì gà đầu tiên ở ghế chữa răng trên boong bây giờ đang rít hơi thứ hai trên tràng kỉ dưới tàu. Những tiếng vang trầm đục nổi lên, như có thợ lặn mặc đồ lặn đang nhảy trên boong thẳng giữa đầu chúng tôi. Động cơ chiếc du thuyền chạy hết cỡ và theo tôi ước đoán thì chúng tôi đang chạy trốn với tốc độ sao băng.
- Thú vị nhỉ? - Zarra hỏi tôi.
- Đang tận hưởng đây. Chúng bắn vào ta thật sao?
- Sợ như thế. Champagne?
Một gã bồi da đen mở chai Dom Perignon.
- Bọn cớm Mỹ, - Zarra giải thích. - Hoặc bọn biên phòng, hoặc FBI hay CIA, bọn biệt kích Texas, lũ Thú Rừng hay bọn giáo phái Tái Giáng Sinh Ngày Thứ Bảy, gì gì nữa ai biết được. Hai lần đi là một lần bị. Càng tốt, ở đây rất nhiều trò tiêu khiển.
Hắn cạn li champagne.
- Ta bàn đến đâu rồi Cimballi? À, chúng tôi chấp nhận anh góp hai triệu. Một triệu trả trước. Tóm tắt lý thuyết của anh như sau: Công ty mà anh định hại có nhiều quyền lợi trong một nước Mỹ La Tinh. Nó gắn liền với nhà cầm quyền đương nhiệm ở đấy nên lấn lướt nhiều công ty địch thủ của Mĩ. Đó là sự kiện. Bây giờ nói đến giả thiết của anh: Anh cho rằng sớm muộn chính phủ này sẽ đổ, kể cả trong giới quan chức cũng như các giới khác có liên hệ với tôi. Đúng không?
- Đúng.
- Tốt. Anh muốn rằng nhân cuộc lật đổ này, nếu nó xảy ra, không những bọn anh định hại sẽ bị tống khứ khỏi Mỹ La Tinh mà còn bị thua lỗ nặng nề tối đa về tài chính. Đúng không?
- Đúng.
- Ý muốn của anh đại loại là: Các giới chức Mĩ ta vừa nói đến sẽ thực hiện một cuộc đình công của lái xe tải chẳng hạn, nhằm làm rối loạn nền kinh tế của nước đó, cuộc đình công này đặc biệt làm hại cho tập đoàn mà anh định đánh đổ, đúng không?
Im lặng trở lại trên mặt biển. Du thuyền chạy chậm lại, theo tốc độ trung bình.
- Đúng.
- Và để đạt mục tiêu ấy, anh sẵn sàng góp hai triệu đôla vào cuộc thập tự chinh tạm gọi là chống cộng này?
Chưa bao giờ bằng lúc này tôi cảm thấy dự định của mình là điên rồ đến thế. Nhưng tôi vẫn nói:
- Nếu tôi kiếm ra một triệu đôla nữa...
Robert Zarra tủm tỉm:
- Anh sẽ kiếm ra, tôi tin chắc như vậy. Anh đang hợp tác với những người rất tôn trọng lời cam kết, đặc biệt những cam kết của bạn hàng của họ. Bây giờ, vì ta đã thỏa thuận rồi, xin nói lời cuối cùng, tất nhiên chúng tôi không đảm bảo sẽ khởi động đúng vào ngày nào.
- Tôi sẽ đợi đến lúc thích hợp.
Hắn nhìn tôi vẻ ngạc nhiên.
- Anh biết Santiago bên Chile?
Tôi lắc đầu:
- Không.
° ° °
Bữa đặt chân đến Nassau, việc đầu tiên tôi quan tâm là tới ngay ngân hàng đã nhập quĩ số tiền một trăm triệu của ông Hak và bốn mươi triệu tiền lời trong vụ đầu cơ vàng. Thực hiện ý muốn của ông Hak tôi yêu cầu chuyển ngay một trăm triệu đó cho một ngân hàng Philippine. Việc đó đã làm xong. Còn lại bốn mươi hai triệu vẫn nằm đây, và trong lúc này tôi chưa biết nên làm gì với chúng.
Chỉ thị của ông Hak rất rõ ràng: Trong thời hạn ngắn nhất tôi phải chuyển số một trăm triệu tiền vốn ban đầu sang Philippine, chắc để ông ta tiện thu hồi và trả về đúng chỗ của chúng. Và điểm này tôi không biết gì thêm và có lẽ đến bây giờ một trăm triệu này vẫn nằm trong tài khoản Manila. Trong thời gian đầu ông Hak muốn tôi mang khoản mà ông ta gọi là tiền lãi sang một nước Mỹ La Tinh. Ông ta nhắm nước Argentina, nhưng tôi đòi gặp nhau ở Nassau. Thấy vậy ông ta bảo: “Ừ, thì đi Nassau. Anh vào khách sạn Britannia Beach, sẽ có người đến liên lạc”. Người đó là ai? Tôi ở Nassau một tuần nay rồi mà vẫn chưa thấy đến.
Chỉ thấy ngày lại ngày trôi qua chậm rì rì. Ngày 3 tháng mười tôi nhận được cú điện thoại nhưng là của Marc Lavater.
- Kì quá, Marc, mới bốn giờ sáng.
- Rất tiếc. Tôi cần hỏi tin tức.
- Tôi đã gặp hắn, chúng đồng ý!
Im lặng.
- Vậy là êm rồi đó, - mãi Lavater mới nói. - Thế bao giờ sẽ xẩy ra?
- Chúng chưa biết lúc nào.
- Tôi sẽ đi New York gặp một người liên quan. Vù đi Manhattan một chuyến được không?
- Có thể.
- Tôi sẽ ở Saint Régis từ mùng 8, trong ba ngày, cố đến gặp tôi.
Khốn nỗi tôi còn vướng cái hẹn “có người đến liên lạc”. Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi đây hàng tháng hàng năm chờ sứ giả của ông Hak có thể tới, mà cũng có thể không tới. Tôi nhớ lại xác chết bị ai đó ném cho cá mập ăn. Ngộ nhỡ mọi liên hệ giữa ông Hak, giữa những người thay ông ta nhận tiền lãi với tôi đã bị cắt đứt vĩnh viễn? Hơn nữa, đặt giả thiết là họ đã thịt hết cả bọn rồi, họ bắt đầu nhằm vào tôi? Dòng mồ hôi lạnh bất chợt chạy dọc sống lưng.
- Franz đâu?
- Tôi đang tính. Đồng ý, chiều mùng 10 tôi sẽ có mặt.
- Ta sẽ cùng ăn tối. Tôi đợi.
Bốn ngày nữa qua đi, huyết áp của tôi ngày càng tăng. Tôi sẵn sàng đi khỏi Nassau, dù “người ta” có tiếp xúc hay không. Tôi đã nghĩ đến việc chỉ dẫn lộ trình cho ngân hàng để họ có thể liên lạc với tôi, nhưng làm như vậy đòi hỏi phải thiết lập mạng thông tin phức tạp giữa ngân hàng với khách sạn Britannia Beach là nơi hẹn gặp. Hơn nữa, làm thế sẽ gần như chấm dứt kiểu hoạt động giấu tay của tôi từ hai năm nay. Không biết nên xử sự ra sao!
Gã Thổ, Ute và đoàn vũ nữ Ấn Độ trần truồng đã rời Bahamas ở về London. Ngày mùng 8, gã gọi điện, nói là để hỏi thăm tôi. Tôi cam đoan là tôi rất sung sức, lời cam đoan quá nỗi lạc quan; mọi thứ đều lộn nhèo trong đầu tôi: Catherine dửng dưng khước từ tất cả các lời mời, nỗi băn khoăn bồn chồn vì phải chờ đợi cuộc gặp không thấy đến, sự cô đơn triệt để, sự bực tức với chính mình vì đã nhảy vào cuộc phiêu lưu rồ dại với Zarrra và chiến hữu Mafia và những tên nào nữa trong hội của hắn, chỉ có Chúa mới biết hết.
Ngày mùng 9 tôi giữ chỗ trên chuyến bay đi New York. Quyết định rồi: Phải đi. Tôi để lại chỉ dẫn cho ngân hàng đang giữ số tiền trên bốn mươi hai triệu đôla và cho khách sạn Britannia Beach. Họ sẽ nhận tất cả các cú điện thoại gọi cho tôi và ngày nào tôi cũng gọi cho họ vào lúc tám giờ tối dù lúc đó tôi đang ở phương nào. Giải pháp quái quỉ, nhưng biết làm cách nào hơn?
Hai cô gái Mỹ đang chờ lấy chồng thấy tôi cô đơn bèn mở cuộc vây hãm; tôi chống cự kịch liệt, và đêm mùng 9 trong lúc bộ ba ăn tối thì có người đến báo: Một bác sĩ điên đòi gặp tôi.
- Ai?
- Bác sĩ điên.
- Gọi máy trên phòng tôi.
Tôi đóng chặt cửa phòng. Sau những tiếng lách cách thông thường của tổng đài, lập tức có tiếng rú lạnh gáy trong ống nghe vừa đặt vào tai. Tiếp đó, tiếng kêu cứu, tiếng nổ liên thanh của súng máy, cuối cùng là tiếng rên của nạn nhân dãy chết.
Và giọng nói trong tiếng cười khẩy:
- Bác sĩ Điên Manchu quái gở tên, đồng phạm kiêm anh em họ của hắn đây. Bạn Flantz táng kín vù thân êu có hỏe hôn?
Tôi nhắm nghiền mắt vì tức giận. Nếu túm được chúng nó ở đây tôi sẽ bóp cổ chết ngay đứ đừ.
- Bọn khốn kiếp, sao không gọi sớm hơn?
- Chúng tôi ở San Francisco, bận tìm chỗ ở hết ngày. Hình như anh mang cho chúng tôi ít tiền xài?
° ° °
Ngày 10 tôi gặp Lavater ở New York.
- Anh đến đi.
- Chỉ làm có mỗi việc ấy thôi.
Chúng tôi ngồi kín trong một quán rượu của Ý, có món bánh hỏi kinh người. Marc Lavater nói ra ý xin lỗi: “Mười lăm năm trước còn khủng khiếp hơn nhiều”. Đáng lẽ anh nên tới New York luôn.
- Những người anh đã gặp ra sao?
- Im lặng, mồm khâu kín mít. Tối mật, tuyệt mật đấy. Chỉ có mấy tờ Tạp Chí Thời Báo, Bưu Điện Washington, và vài ba trăm nhà báo được biết, ngoài giám đốc CIA. Đủ biết tin này mật đến mức nào. Họ cho Allende sống nhiều nhất một năm nữa. Và sẽ lợi dụng cuộc đình công của lái xe tải. Ý định điên rồ của cậu đang thành hình.
- “Họ” là ai?
- Đọc báo thì biết: CIA, ITT, bọn Mafia, tất cả mọi người, một hội đông đúc. Không thể kể hết.
- Thôi đừng làm trò hề nữa, Marc.
- Mình không có ý định làm anh hề đâu, không muốn làm. Muốn nôn thì có, mà không phải vì món bánh hỏi Ý này. Muốn nôn vì chuyện sắp xẩy ra bên Chile làm mình buồn nôn, thế thôi. Này, hay ta đi chén nơi khác?
- Tôi đã cam kết với Zarra, không thể lùi bước. Không thể lùi bước trước bọn này.
- Việc gì phải rút lui? Dù có thể rút lui được! Không có lí đo gì để lui. Anh lợi dụng một tình thế chứ không tự mình tạo ra nó. Không có anh nhúng vào, sự việc vẫn diễn biến đúng như thế. Thôi, chuồn, tôi buồn nôn thật rồi. “Khách sạn Ý xinh xinh và rất ngon” do anh ta giới thiệu này cách Statler Hilton không xa. Chúng tôi đi xuyên qua đại sảnh của khách sạn ra quảng trường Madison nơi một cảnh sát cưỡi ngựa đang kiểm soát những khán giả đến xem trò gì đó không biết. Marc và tôi cuốc bộ về hướng quảng trường Times trên vỉa hè đang vắng người đầy đe dọa. Bỗng Marc thình lình hỏi tôi:
- Sao không cưới đi?
- Ai?
- Catherine Varles
- Tưởng anh không biết cô ấy.
- Tôi trông thấy hai anh chị rồi, ở Régine. Và quen mẹ cô ta nữa. Lúc này đường phố của Manhattan hoàn toàn vắng vẻ, trừ vài nhóm hippi và người da đen rải rác. Cảm giác không an toàn. Đáng lẽ nên đi taxi.
- Không cưới, đơn giản vì cô ta không ưng, Cô bảo: “Chưa cưới bây giờ. Sẽ cưới khi nào tôi hết chạy theo, theo cái mà tôi chạy theo”.
Đã tới quảng trường Times. Từ đây lại đi tiếp đến Saint Régine, tuy chẳng ai bàn với ai, tuồng như giữa hai chúng tôi có sự thách đố xem ai sẽ chùn bước trước tiên. Thật là một thành phố quái gở: Đi bộ ngoài đường sau tám giờ tối mà như dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm.
° ° °
Hôm sau tôi bay đi San Francisco.
Tại phi trường San Francisco, một cảnh sát viên cao chừng hai mét rưỡi, đứng bên hai khúc dồi xám phình to gớm chết trong chiếc áo thụng kiểu Mao, đội mũ đỏ màu tôm luộc, đuôi sam dài quét đất. Hai khúc dồi có thể nói là bơm căng khí helium vồ lấy đầu gối tôi hôn hít, quì lạy, hôn bàn chân bàn tay tôi, rít lên thé thé, với vẻ tôn sùng cuống quít gần như điên loạn. Chúng có vẻ là những gián điệp của Bắc Kinh, đeo kính đen. Viên cảnh sát hai mét rưỡi giương mắt kinh ngạc nhìn tôi:
- Bạn anh đây?
- Tôi muốn dạy chúng nó. Chính tôi cho chúng ăn miếng đường đầu tiên. Lại đây, quì xuống.
Hai khúc dồi cùng tôi trèo lên chiếc Rolls Royce. Tôi hỏi:
- Cần phải làm trò xiếc này à?
- Li và Liu khốn khổ êu mến chào Flantz táng kín chúc mừng ngài tến San Francisco. - Li hoặc Liu đáp.
- Thiệt muốn xem cái mặt ngài ở Nassau, cái hôm gọi điện cho ngài. - Liu hoặc Li tiếp lời.
Chúng có căn nhà gỗ xinh đẹp trên đồi Telegraph xây cất từ sau vụ động đất hồi đầu thế kỉ. Hai bên là hai xưởng vẽ; tiếp đến xưởng một nhà điêu khắc chuyên tạc những ngón tay áp út bên tay trái. Thoạt tiên anh ta nặn một ngón áp út cỡ bình thường, theo mẫu ngón tay anh ta, bán cho một người ở Texas lấy một trăm đôla (bán ngón nặn chứ không phải ngón tay thật); tiếp đó bán một ngón lấy năm ngàn đôla, ngón này dài đến ba mét, và đang nặn một một ngón dài chín mét được nhiều viện bảo tàng nghệ thuật tranh cướp, trả giá đến một trăm ngàn đôla. Phía trước căn nhà Li và Liu là nhà một nữ văn sĩ sống giữa một đàn chó; đối diện là ba diễn viên và một đoàn balet đang ôn tập, khi chúng tôi đến nơi Li và Liu giới thiệu tôi với mọi người rồi dẫn tôi vào nhà. Nhà có ba lầu, đồ đạc rất sang; trên lầu ba có cửa kính đồ sộ nhìn ra vịnh San Francisco, từ Golden Gate đến vịnh Bridge, tầm nhìn có thể phóng đến tận Sausalito. Từ phía sau kia có thể nhìn thấy phố Tàu Chinatown.
- Tuyệt. Thuê hay tậu?
- Thuê trước tậu sau, mới được ba ngày nay, sau khi nhận được tiền.
Tôi ngắm kĩ Golden Gate, chỉ sau vài giây sương mù từ đâu kéo tới đã nhanh chóng bao phủ toàn bộ cấu trúc của nó. Quay lại phía sau: Li và Liu đã cởi bỏ chiếc áo hợp với chiếc Rolls, bỏ hết những gối độn làm chúng béo phệ. Lúc này cả hai đứa đã trở lại thon thả, nhanh nhẹn và tủm tỉm cười nhìn tôi.
- Mừng, rất mừng là được gặp lại hai chú hề. Cứ tưởng ngoẻo cả rồi.
- Chúng tôi cũng rất mừng.
- Sao không nói từ trước là số tiền này của hai cậu? Có đúng của hai cậu thật chứ?
- Thật. Của hai đứa.
Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi thấy hai cậu tỏ ra nghiêm chỉnh. Họ giải thích cho tôi điều tôi đã ít nhiều đoán ra: Ông Hak là - hoặc trước đây đã là chú của hai cậu, và cả ba người đã thỏa thuận đi khỏi Hong Kong; Li và Liu thì chỉ đơn giản nghĩ rằng sẽ đi làm thứ điện ảnh khác chứ không làm phim máu me nữa và sẽ sang Mỹ làm. Khi báo cho ông Hak biết họ sắp ra đi, họ ngạc nhiên thấy ông Hak tuyên bố ông cũng sắp lên đường. Ông tỏ ra bí hiểm, dặn dò hai cháu có đến một ngàn lẻ một điều, khó hiểu, chỉ mang máng là có chuyện gì đó nghiêm trọng. Tất nhiên họ đã nghĩ có chuyện không bình thường nhưng không biết rõ. Chú Hak dặn: Đừng đi thẳng một mạch sang California, nên qua đường Châu Âu, ví dụ Paris hoặc London, đề phòng có kẻ bám theo. “Chúng tôi không hiểu nổi, nhưng chú Hak không thích bàn cãi.” Họ tuân theo đúng lệnh, còn thấy thích thú vì phải vâng lời ông chú nữa kia, họ chơi trò gián điệp bị săn đuổi qua nửa vòng trái đất với nhiệt tình rất cao. Họ đổ bộ lên New York và nhận được lệnh không đi Los Angeles là đích cuối cùng của họ mà phải rẽ sang San Francisco. Chú Hak sẽ tới gặp ở đây. Nhưng không thấy chú đến.
Tôi kể chuyện về ngôi nhà bỏ hoang trên vùng Đất Mới, nhưng không đả động gì tới bữa tiệc của cá mập. Li và Liu không đến nỗi khùng như vẻ bên ngoài. “Cả Ching cũng biến mất? - Không có dấu vết gì nữa - Thế là nguy rồi.” Theo lời họ yêu cầu, tôi kể đến đầu đuôi vụ buôn vàng.
- Khả năng chuyển đổi là cái gì?
Hai cậu trợn tròn mắt nhìn tôi, đối với người Tàu trợn tròn mắt không dễ. Vậy là chú Hak đã “vay” một trăm triệu đôla, dùng làm vốn đầu cơ, với ý định sẽ hoàn lại đủ sau khi làm ăn xong.
- Vậy thì chú có trộm cắp gì đâu, vì chú có ý hoàn lại, có khi đã hoàn đủ rồi cũng nên.
- Việc ông ta làm không hợp pháp, vả lại không biết ông đã trả lại tiền chưa.
- Thế anh, sao anh không thu hồi chỗ tiền ấy về, số một trăm triệu đang nằm bên Philippine?
- Tôi đã chuyển hết vào một khoản khác, không thuộc quyền tôi sử dụng. Mà cũng không muốn được quyền sử dụng chúng. Đống tiền này cháy tay.
Hai cậu tán thành. Ngập ngừng hỏi:
- Theo anh, bây giờ chúng tôi đi Los Angeles được chứ?
Tôi làm sao biết? Tôi hoàn toàn không hay điều gì đã xảy ra với ông Hak, lí do đã khiến ai đó bắt Li và Liu đi Bắc California mà không được về Nam California.
Li và Liu nói:
- Phải ở lại đây ít lâu. Chúng tôi nghe nói có người đang nghĩ tới cuốn phim khoa học viễn tưởng lớn, về cuộc chiến trên các vì sao thì phải, người ấy đang ở trong vùng này. Có thể làm việc với anh ta được.
Hai cậu nắm trong tay bốn mươi hai lẻ vài triệu đôla, thừa sức sống an nhàn không cần làm việc, còn có thể tự mình làm ra phim nữa. Nhưng hình như họ chưa ý thức được khả năng ấy, cũng có khi vì họ cho rằng khoản tiền này của ông Hak chứ không phải của họ. Đó là chuyện của hai cậu. Chuyện của tôi lại khác. Khi Li và Liu gọi điện bảo họ chờ tôi và bốn mươi hai lẻ vài triệu đôla của họ ở San Francisco, tôi rất đỗi ngạc nhiên, còn họ thì ngạc nhiên vì thấy tôi ngạc nhiên. Tôi trả lời một cách chung chung, tuy không xa sự thật là mấy, rằng tôi yêu nhất San Francisco trong tất cả các thành phố Mỹ, trừ New York.
Nhưng lí do thật sự là vì Sydney Lamm, tên số sáu trong bản danh sách đang ở đây. Từ khuôn cửa kính trên lầu ba căn nhà hai cậu bạn, tôi phát hiện ra hắn nằm trong tầm súng của tôi. Theo nghĩa đen và nghĩa bóng.