CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Thanh Phương » Quê Hương Trong Ngấn Lệ


NGUYỆT

Sau khi Nguyệt về rồi, Diễm trở lại với đống than vụn đang làm dở dang. Diễm chậm chạp ngồi xuống một chiếc guốc và lấy hai cái bao ni-lông cũ đen sì, xâu vào hai tay, tiếp tục nắm thành những nắm than nho nhỏ, xếp hàng phơi ngay ngắn trước sân nhà. Dù Nguyệt đã đi khỏi cửa rồi mà Diễm vẫn còn ngửi thấy mùi nước hoa thơm ngát, khiến Diễm phải nghĩ về Nguyệt.

Diễm nhận thấy từ ngày được Văn gửi quà về đều đặn đến nay, Nguyệt có vẻ sung túc hơn và đồng thời Diễm cũng nhận thấy gần đây Nguyệt có nhiều thay đổi.

Theo lời Nguyệt kể thì Nguyệt đã đòi hỏi hàng tháng Văn đã phải gửi về cho Nguyệt một thùng quà, trị giá hai trăm đô-la. Nguyệt bảo rằng “Một tháng anh chỉ phải bỏ ra hai trăm đô-la để nuôi vợ con là quá rẻ”. Do đó, những thùng quà vẫn đến tay Nguyệt đều đặn, và sau khi bán xong, Nguyệt có vẻ hỉ hả, bằng lòng với hoàn cảnh bằng câu “Miễn anh ấy cứ gửi đều đều như thế này cho đến ngày xong giấy tờ, mấy mẹ con mình lên đường qua bên đó đoàn tụ là được”.

Thùng quà Văn gửi cho Nguyệt thật là đầy đủ: quần áo, vải hàng, đồ dùng, thuốc men và mỹ phẩm.

Với những món hàng đó, Nguyệt chỉ cần vẫy tay là những tay con buôn, chuyên “chạy” hàng “ngoại», sẵn sàng đến bao giá ngay. Với số tiền ấy Nguyệt sống thảnh thơi chứ không còn phải túng thiếu và lam lũ như những năm trước nữa.

Khi mất Sàigòn là thời gian Văn đang tu nghiệp tại Mỹ. Trong những ngày đen tối của Sàigòn Nguyệt đã lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Nguyệt đã trông thấy nỗi nguy cơ vì Nguyệt không biết mình sẽ phải làm gì để nuôi sống một gia đình gồm ba mẹ con. Thêm vào đó phường khóm cũng đâu có chấp nhận cho những người còn trẻ tuổi như Nguyệt, không có công ăn việc làm, không đóng góp lao động.

Rất may lúc bấy giờ Nguyệt đã theo Diễm tìm được một nơi học đan giỏ lát và làm công cho họ luôn. Bà chủ dạy nghề này nói với cả hai “Bây giờ ai cũng phải có nghề, càng làm nghề tay chân, càng tốt, càng đúng với chính sách cửa nhà nước, chứ bằng cấp chỉ tổ làm cho họ ngứa mắt thêm thôi. Nghề của tôi là hợp thời nhất đó”.

Quả nhiên bà ta nói đúng. Hàng ngày khi thấy Nguyệt chở từng bó lát to tướng trên xe đạp về nhà, để mấy ngày sau lại cồng kềnh chở những chiếc giỏ lát đem đi, đã có nhiều đôi mắt thán phục và thòm thèm nhìn theo. Có được một nghề lao động, xem chừng phường khóm cũng có phần nương tay đôi chút cho hoàn cảnh của Nguyệt lúc bấy giờ.

Những giờ ngồi đan giỏ với nhau, Nguyệt hay kể cho Diễm nghe chuyện liên lạc giữa mình với Văn. Nguyệt nói rằng Văn gửi quà thì đúng hẹn, nhưng thư từ thì quá thưa thớt. Những lá thư thường thường ngắn ngủi nhưng đối vối Nguyệt bây giờ, Nguyệt chỉ cần Văn đừng để mẹ con Nguyệt đói là đủ.

Sau một thời gian được tiếp tế đầy đủ bằng những thùng quà hàng tháng, Nguyệt bỏ rơi nghề đan giỏ lát. Chỉ còn lại một mình Diễm ngày ngày chăm chỉ học hết kiểu này đến kiểu khác và chẳng mấy chốc Diễm đã thành một công nhân chính thức.

Ngày xưa, cổ nhân vẫn có câu “có tiền mua tiên cũng được”. Với Nguyệt, Nguyệt đã áp dụng đúng bằng cách rải tiền để mua lá bùa hộ mạng. Đó là mảnh giấy chứng nhận Nguyệt là công nhân một xí nghiệp. Thời gian còn ở tổ hợp đan giỏ lát, Nguyệt đã được nhiều “đồng chí” cán bộ từ bên công nghiệp sang chơi, rất chú ý. Đã có một vị tuổi đảng cũng ra gì nói rằng “Ái ngại cho hoàn cảnh của Nguyệt” nên đã hướng dẫn để Nguyệt chạy bằng được tờ giấy chứng nhận ma.

Không đáng bao nhiêu, sơ sơ nó cũng trị giá cỡ nửa thùng quà từ Mỹ gửi về cho Nguyêt mà thôi.

Thế là từ đó, trong tờ Hộ khẩu, Nguyệt đã được ghi chú rõ ràng “Công nhân xí nghiệp” cũng kể từ đó Nguyệt được yên thân, các mụ trong tổ phụ nữ không còn réo gọi Nguyệt đi lao động và đi công tác thủy lợi nữa; mặc dầu chiếc xe đạp của Nguyệt không còn phải chở những bó lát cồng kềnh cùng những chồng giỏ ọp ẹp nữa.

Dần dần Nguyệt đi vào một cuộc hồi sinh.

Trước hết Nguyệt tậu một chiếc Honda để “đỡ tốn sức lao động”. Kế đấy, Nguyệt cũng phải sắm một lượt quần áo mới nữa. Nên giã từ chiếc quần đen với cái áo bà ba của giai đoạn kinh hoàng. Bóng dáng một thiếu nữ Sàigòn đúng mốt trước 75 đã trở lại với Nguyệt. Bây giờ Nguyệt mặc những bộ đồ thêu đắt tiền bằng những thứ lụa mềm mại, óng ả từ Mỹ gửi về cùng với những chiếc quần “Jean” chính cống mà cán bộ trẻ nào trông thấy cũng thèm.

Vài tháng trước đây Nguyệt khoe với Diễm chiếc máy cát-sét mới tinh, mô-đen sau cùng do Văn mới gửi về. Nguyệt bảo Diễm rằng “Chỉ một cái máy này bán ra cũng một cây vàng». Nhưng Nguyệt không bán, để xài cho thiên hạ ngán chơi.

Những tờ “giấy báo” gọi lãnh quà của Nguyệt và những buổi Nguyệt ngồi chễm chệ trên xe xích lô với thùng quà to tướng che lấp cả mặt, đã làm cả ngõ kháo rằng “Cô Nguyệt có phước, được ông chồng chăm chỉ làm ăn, chăm chỉ gửi thùng về”. Khi nghe mọi người nói như thế, Nguyệt chỉ cười. Lần hồi đã cảm thấy những thùng quà đã không làm vơi được nỗi cô đơn trong tâm hồn của Nguyệt.

Rất nhiều đêm Nguyệt hỏi thầm, liệu vợ chồng Nguyệt còn phải xa nhau cho đến tận bao giờ ? Giấy tờ xin xuất cảnh của Nguyệt vẫn chưa có kết quả... Năm tháng cứ trôi qua mãi chăng ?

Nguyệt chỉ vui khi được mở nắp thùng quà hàng tháng...

Sáng hôm nay Nguyệt vừa phóng Honda đến báo cho Diễm biết Văn vừa gửi về một máy hình rất đẹp, Nguyệt nói với Diễm:

– Trưa nay hai đứa mình kiếm chỗ bán cái máy hình, rồi lúc về ta bao mi một chầu nem nướng ở chợ Tân Định. Hoặc mi ưng bún tôm nướng với chả giò cũng được.

Nhớ câu nói của bạn, Diễm chợt bật cười. Quả thật hai cái món ăn “tư bản” ấy đáng thèm thật! Từ mấy năm sống dưới chế độ “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến Xã Hội Chủ Nghĩa”, bữa cơm của gia đinh Diễm chỉ thấy rau, dưa, cùng vói nồi cơm trộn mì, trộn bo bo.

Trong tương lai, Diễm nghĩ thầm, không hiểu sẽ ra sao. Vì, mới ngày hôm qua khi đem sổ đi mua gạo, cửa hàng gạo đã “thông cáo”: mỗi hộ sẽ phải mua một số khoai lang, thay số gạo thiếu. Diễm nhớ hôm cuối tuần, khi đến thăm nhà bà bác bên phường kế cận, Diễm bắt gặp bà cụ đang cọ những củ khoai chỉ bằng ngón chân cái, đầy bùn, mùi nồng nặc.

Khác với hoàn cảnh Nguyệt, gia đình Diễm sống rất eo hẹp. Diễm có bố mẹ già và mấy người em, trong đó hai người em trai kế Diễm đi học tập chưa về và Châu, em gái út của Diễm thì vất vưởng với nghề đan giỏ lát cho một tổ hợp. Là một gia đình quân nhân, công chức, xưa nay vẫn trông vào đồng lương hàng tháng. Dưới chế độ này, gia đình Diễm chỉ ăn dần vào vốn và kế đó dã bán dần những thứ gì bán được cho những chuyến thăm nuôi hai người con học tập từ miền xa.

Hai em trai của Diễm đều là sĩ quan Hải Quân, họ là những sĩ quan ưu tú đưọc đào tạo ở Mỹ về. Họ đã từng có nhiệm vụ đi kéo những chiếc tàu từ những quân cảng của Mỹ về cho nước nhà. Họ là nhữg người sống nhiều trên đại dương nhưng sau tháng 4 năm 75 thì cả hai trở thành tù cải tạo.

Không một lợi tức nào, lại không một nguồn tài trợ nào của người thân từ ngoại quốc gửi về, đối với gia đình Diễm, thật là vô cùng bế tắc, ngày càng sa sút và túng bấn.

Từ khi biết Nguyệt bắt đầu dư dã, Châu đã nhiều lần bàn với Diễm nên vay vốn của Nguyệt để làm ăn, nhưng Diễm không bằng lòng. Vì Diễm sợ mang tiếng lợi dụng bạn. Thấy Nguyệt đã về rồi, Châu vội quăng chiếc giỏ lát đang đan dang dở, chạy đến bên Diễm tò mò hỏi:

– Chị Nguyệt bàn với chị chuyện gì mà em thấy chị ấy có vẻ vui quá vậy ?

Diễm vẫn chăm chỉ với những nắm than vụn sũng nước :

– À ! Nó mới nhận được một cái máy chụp hình mới, nó rủ chị kiếm chỗ bán.

Châu ngồi xuống cạnh chị, tần ngần nhìn đống than đã nát vụn, ngâp ngừng mở lời:

– Chị Nguyệt lúc này cỏ vẻ giàu rồi đó.

Diễm vẫn nắm những nắm than:

– Thì chồng nó gửi về như thế, làm gì nó chẳng dư. Nhưng theo chị nhận thấy, chuyện nó nhận quà hiện nay, được ngày nào hay ngày đó. Mai kia có thể họ hạn chế mà lúc ấy nếu mấy mẹ con nó vẫn chưa đi được thì cũng chẳng lấy gì làm dư thừa đâu.

Châu vẫn nói tiếp:

– Em thấy chị Nguyệt sắm cả vàng nữa. Chị ấy tới tiệm vàng hoài, vì đó là nhà con bạn em.

Diễm nhìn em gái:

– Em cũng tò mò ghê đấy chứ.

Giọng Châu đanh đá:

– Tại vì quá lộ liễu nên em phải thấy chứ bộ! Nhưng mà, em nói thật chị nghe, em còn biết nhiều hơn thế nữa kia.

Diễm ngưng tay, quẹt mồ hôi trên trán, bảo em gái:

– Người ta dư tiền thì sắm gì chẳng được. Ví dụ mình ở vào trường hợp như thế, mình cũng đâu có dại gì mà không mua vàng ?

Châu gân cổ:

– Ai chẳng biết như vậy. Nhưng chuyện này nó khác.

Diễm đẩy những nắm than ra chỗ có nắng, chặc lưỡi:

– Chị chẳng thấy khác chỗ nào hết. Ai dư tiền mà chẳng nghĩ đến chuyện mua vàng để dành, chứ ba cái giấy lộn này mà giá trị gì.

Châu nhăn mũi:

– Nhưng em hỏi chị, thời này người ta mua vàng để làm gì ?

Diễm nhìn em ngập ngừng:

– Không lẽ con Nguyệt nó tính chuyện vượt biên ?

Và Diễm nói nhỏ hơn:

– Nếu Nguyệt mà đi chui thì không nên. Gia đình nó ba mẹ con chứ đâu có ít, mà chồng nó đã làm giấy tờ bảo lãnh từ mấy năm nay rồi. Dù chậm cũng nên chờ chứ vượt biên vừa nguy hiểm vừa tốn biết bao nhiêu tiền.

Châu bĩu môi:

– Nói như chị là nói theo kiểu thật thà. Đằng này chị Nguyệt vượt biên với người khác thì sao?

Diễm ngạc nhiên , hỏi dồn:

– Em nói gì mà lạ vậy? Mà người đó là ai ?

Châu cười nhạt:

– Là ai ? Chị mà cũng còn phải hỏi em như vậy kia à?  là người mà người ta ưa thích nhất...là người yêu của người ta.

Diễm nghiêm sắc mặt:

– Em không nên nói hồ đồ như thế. Nguyệt nó có chồng con đàng hoàng... nói như vậy rất là bậy.

Châu vẫn cười:

– Em nói rất đàng hoàng và nói thật. Tự chị không biết gì hết đó. Chứ còn em, em biết rõ ràng và em biết cả người đó là ai, tên gì nữa kia.

Thấy chị nhìn mình đầy vẻ lạ lùng, Châu nói luôn:

– Người yêu của chị Nguyệt là anh chàng cán bộ làm cùng chỗ với em. Anh chàng rất đẹp trai, nhìn anh ta không ai biết là vi-xi hết. Thằng cha đó dân tập kết. Tiếc không?

Diễm buột miệng:

– Trời ơi! Thật là hết chỗ nói. Nhưng mà... em có biết đích xác hay chỉ nghe người ta đồn bậy ?

Giọng Châu chắc nịch:

– Em sẽ đưa bằng cớ cho chị xem. Chuyện “người lớn” em đâu có nói đùa?

Diễm cúi đầu nhìn xuống đống than đá vụn, đen nhẹp, nhớp nháp chất đống trước mặt. Thấy chị có vẻ nghĩ ngợi, Châu nói tiếp:

– Không phải chỉ một mình em biết chuyện mà thật ra, cả tổ hợp, ai cũng biết hết. Họ để ý quá chừng. Họ đồn tùm lum!

Diễm nói nhỏ:

– Thật là chuyện khó tin!

Châu có vẻ tức:

– Khó tin nhưng có thật đó chị ơi. Cả ngày chị cứ quanh quẩn trong xó bếp thì còn làm sao biết được chuyện gì. Em nói thật, rất nhiều người bắt gặp chị Nguyệt chở anh chàng đó đi chơi.

Diễm vẫn bào chữa cho bạn:

– Có thể họ có một công việc gì đó cần phải đi chung, đâu có phải ngồi chung một xe mà “như vậy” đâu.

Châu vùng vằng:

– Em không thèm nói chuyện nữa. Chị làm như em “sáng tác” ra vậy đó ! Ghét ghê !

Diễm dịu dàng:

– Em đừng nóng. Chị chỉ ngạc nhiên, hơn nữa chị cũng không bao giờ ngờ nổi một chuyện như thế cho nên chị mới hỏi tới hỏi lui như vậy. Vì chị nghĩ, không lẽ Nguyệt lại quá quắt đến như vậy trong khi anh Văn tuy ở xa mà vẫn hết lòng với vợ con ?

Châu đứng lên:

– Để em cho chị xem cái này.

Nói xong, Châu chạy vụt vào trong nhà, chẳng mấy chốc cô đã trở ra đưa cho Diễm một phong thư cũ, vừa kể:

– Do sự vô ý và cũng là sự tình cờ, lá thư của chị Nguyệt viết cho người đó lại lọt vào tay em. Chỉ vì anh ta cùng tên với em, phong thư chỉ đề vắn tắt “kính gởi đ/c Châu” vì ở tổ hợp đã có các bạn em cứ đùa viết tên em là “đ/c Châu». Cho nên lần nầy em không để ý lắm. Cầm lá thư, em vừa nói chuyện với mấy con bạn, vừa xé bao thư ra đọc. Lúc biết mình lầm, em sợ quá, dấu biến luôn!. Vì em nghĩ có trả cho họ thì cũng kẹt cho họ mà kẹt luôn cho em.

Cô bé bắt đầu cười khúc khích:

– Thế là em “thủ tiêu” luôn lá thư. Chị cứ đọc thử coi, ai ngờ cái “bà” Nguyệt này viết cũng mùi mẫn quá!...

Diễm tuột hai cái bao ni-lông dính đầy than đốt đen ra khỏi hai bàn tay, cầm lá thư nhìn kỹ... Đúng là nét chữ của Nguyệt và lời lẽ trong thư đã nói lên trọn vẹn mối tình thầm kín của hai người. Hình như anh chàng tập kết đang trong cảnh bị “vắt chanh bỏ vỏ”, và Nguyệt thì yêu thương tha thiết.

Diễm nghĩ lại, mấy lúc sau này Nguyệt chưng diện ngất trời. Một điểm đáng chú ý nữa là, Nguyệt tỏ ra rất yêu đời, bớt ... chửi Cộng sản và đồng thời, Nguyệt cũng tránh gặp Diễm hơn. Chẳng bù với những năm trước, khi còn túng thiếu, lúc nào Nguyệt cũng có mặt ở nhà Diễm. Nhất là hai đứa con nhỏ của Nguyệt, chúng nó được mẹ gửi ở lại nhà Diễm để ăn cơm trưa, chờ đến chiều tối mới được mẹ đón trở về nhà.

Mấy tháng gần đây Nguyệt lấy cớ phải đi bán hàng ở chợ trời và chạy giấy tờ xin đi đoàn tụ với chồng nên không có thì giờ đến chơi với Diễm.

Thấy chị trầm ngâm với lá thư, Châu sốt ruột hỏi dồn:

– Bây giờ chị đã phục tài nhỏ Châu này chưa ? Chị có chịu nhỏ làm lơ lá thư mùi mẫn đó là phải quá không ?

Diễm nhìn xuống lá thư nói với Châu:

– Chị chơi với Nguyệt đã lâu nên rất thuộc tính nó. Bản tính Nguyệt là mềm yếu và lãng mạn, nó thích những mẩu tình vụn vặt nhưng rốt cuộc, cũng vẫn đâu vào đấy.

Châu lại bực bội:

– Như vậy...

Diễm vội ngăn em:

– Em đừng nóng. Chị đồng ý với em chuyện nầy có thật và chị cũng hiểu là Nguyệt đang dan díu với anh chàng tập kết này nhưng chị biết, một khi nó được xuất cảnh để đi đoàn tụ với chồng nó, thì mọi chuyện lại đâu trở về đấy ngay.

Cô bé lắc đầu:

– Em không tin. Vì em thấy họ có vẻ kết với nhau lắm. Còn chị, biết chuyện này rồi, liệu chị có làm kỳ đà cản mũi người ta không ?

Diễm phì cười:

– Em yên trí! Chị không thích con kỳ đà.

Châu cũng cười:

– Chắc từ nay, mỗi lần đi Chùa, chị đều cầu xin cho chị Nguyệt mau chóng có giấy xuất cảnh ?

– Nguyệt cũng chờ đợi năm năm trời rồi, chứ đâu có ít.

Trên con đường đầy bóng me xanh, có một chiếc Honda chạy chậm. Trên xe, người ngồi trước là một thiếu phụ trẻ măng, đẹp với mái tóc buông dài tỏa theo làn gió, cổ áo sơ-mi lụa thêu mở rộng phơi một phần ngực trắng ngà, lủng lẳng những sợi giây chuyền vàng ngọc đủ kiểu. Nàng lái xe một tay còn tay kia bưng miệng cười khúc khích vói người đàn ông khá đẹp trai ngồi đằng sau.

Cả hai cùng cười nói vui vẻ, người đàn ông giục nàng:

– Ta về nhà thôi chứ?

Nàng vẫn cười, đáp lại:

– Không. Nguyệt thích hai đứa mình cứ chạy xe mãi thế này.

– Về nhà hơn. Về nhà em, chúng mình còn có thể đề cập nhiều vấn đề hơn.

– Đâu thú vị bằng Nguyệt cứ chở anh như thế này ?

– Nhưng mà, đi lâu ngoài đường rất là không tiện.

– Có gì đâu mà không tiện? Nguyệt thích chở anh trên xe chạy cho đến tận cùng đường thì thôi. Còn đường trước mặt còn chạy.

– Nghe em nói cứ y như chuyện màn ảnh. Thực tế mình xuất hiện ở ngoài đường thế này là lộ mục tiêu. Đia phương có thể họ biết mặt anh, họ báo cáo, phê bình thì rầy rà lắm.

Nguyệt cười thành tiếng:

– Mấy cha vi-xi này lộn xộn quá! Đi chơi với bồ mà vẫn còn sợ thì không hiểu khi nào mới được yên thân.

Người đàn ông cũng cười, giọng nói có phần ngượng nghịu:

– Phải quán triệt chứ em. Lúc nào cũng vậy , ngay cả khi ăn khi ngủ cũng vẫn phải đề cao cảnh giác như thường em ạ.

Nguyệt đập tay ra đàng sau:

– Thôi đi anh! Anh nói nhiều em nghe ớn quá !

– Thì anh chỉ yêu cầu được về nhà em thôi mà, cứ chạy nhong nhong thế này bản thân anh thấy ngại quá.

Nguyêt cười dòn, nhái lại:

– Nhưng, về nhà thì... bản thân em thấy ngại, anh tính sao ?

– Ở nhà là địa điểm em quản lý sao lại ngại ?

Nguyệt che một tay trước miệng:

– Hôm nay hai nhóc tỳ nhà em chúng nó nghỉ học. Tụi nhóc nhà em khôn lắm, chúng nó mà viết thư kể lại với bố nó ở bên Mỹ thì chết em đó. Cả con Diễm nữa. Em đang ngán con Diễm lắm, hình như nó nghi rồi đó. Hơn hai tuần nay em trốn nó luôn.

– Ồ, có gì mà phải sợ. Chuyện cá nhân mà cũng sợ à ? Nếu liên hệ với chị ta mà thấy phức tạp thì anh ý kiến em nên dứt khoát cho xong. Linh tinh quá rất là không tốt.

Chiếc Honda đậu lại bên đường và Nguyệt phá lên cười ngặt nghẹo :

– Quỷ thần ơi! Làm gì mà anh cứ xổ toàn một giọng “nón cối” hoài vậy? Em đã dạy anh tiếng Sàigòn mà anh quên hoài! Phải tập nói giản dị và êm ái như người miền Nam nghe không?

Thấy xe ngừng lại bên lề, anh chàng hỏi hơi to:

– Ngừng đây làm gì ?

Nguyệt chống chân xuống đất, hai má đỏ hồng, vẫn cười:

– Tạm thời hôm nay tụi mình chia tay ở đây vì em vừa chợt nhớ, trưa nay em có việc cần phải đi sớm. Chỗ này gần nhà anh, chịu khó đi bộ chút xíu là tới.

Gã đàn ông đành xuống xe, đứng cạnh Nguyệt, anh ta đắm đuối nhìn đôi môi mọng son màu đỏ, bồn chồn hỏi Nguyệt:

– Thế... bao giờ ? Bao giờ chấp thuận cho anh tham quan nhà em ?

Nguyệt lại rũ ra cười:

– Trời ơi! học hoài vẫn chưa thuộc! nói như vầy “chừng nào chịu cho anh đến chơi nhà” chứ không có “chấp thuận” với “tham quan” gì hết, nghe cha? Mà nhà em có cái gì đáng để “tham quan” đâu ?

Anh chàng đành cười theo:

– Ờ, ờ, cứ hay quên. Để anh phấn đấu... à quên để anh...cố gắng.

Nguyệt định cho xe vọt lên nhưng người đàn ông giữ tay Nguyệt lại, nằn nì:

– Em không nghiêm túc với anh chút nào hết. Bao lâu tình cảm với nhau như thế mà em cứ hẹn lần, anh sẽ tranh thủ để đến với em bằng được đấy.

Nguyệt tránh đôi mắt của anh ta. Trong một thoáng Nguyệt nhớ đến mảnh giấy của Sở Công Tác Người Nước Ngoài ở đường Nguyễn Du vừa gửi đến nhà Nguyệt ngày hôm qua. Nguyệt tự hỏi, hôm nay ra đấy để làm gì. Chuyện ra đi, Nguyệt theo đuổi đã năm năm trường, đến nay vẫn còn mù mịt. Trong những ngày dài cô đơn, Nguyệt đã gặp Châu, cái vẻ hiền lành đẹp trai của Châu đã làm Nguyệt mềm lòng. Với Nguyệt, nàng muốn Châu như một bóng mát bên đường, cho chuỗi  ngày đợi chờ bớt buồn tẻ và cứ lửng lơ cho đến ngày ra đi, thế là chấm dứt.

Thế nhưng, càng ngày Châu càng tha thiết với Nguyệt hơn, còn Nguyệt, y hệt như một trò chơi ú tim, ngây thơ mà tàn nhẫn.

Bàn tay Châu bóp mạnh cánh tay Nguyệt làm Nguyệt như chợt tỉnh. Nguyệt làm bộ măt giận:

– Anh quên rằng bà mẹ chồng em vẫn thỉnh thoảng đến nhà em hoài đó sao. Chính vì thế mà em phải hẹn lần với anh, đáng lẽ anh phải thương em hơn mới phải. Còn như nếu anh cứ nằng nặc thì thôi, chấm dứt cho xong. Đằng nào mai mốt giấy tờ xong, chúng mình cũng phải xa nhau kia mà.

Châu chỉ đứng nghe, mặt buồn rười rượi. Giây lát, Châu ngậm ngùi nói nhỏ:

– Em đừng nhắc chuyện chia ly, anh buồn lắm. Đành rằng chúng mình có giao ước với nhau, nhưng bây giờ anh mới hiểu...

– Anh hiểu làm sao ?

Đôi mắt Châu nồng nàn thêm:

– ...Đừng bao giờ đùa với tình yêu... Có thể khi ra đi em sẽ quên anh thật dễ, nhưng anh thì không.

Nguyệt nhìn Châu trân trối và Nguyệt bỗng thấy tội nghiệp cho gã đàn ông... Nguyệt bỗng nhoẻn cười, nói nhanh :

– Bao giờ anh nói thạo tiếng miền Nam, em sẽ mời anh đến nhà em. Còn bây giờ để em đi... hôm nay em bận.

Chiếc xe vọt lên.

Gã đàn ông si tình vẫn còn đứng đó, tần ngần nhìn theo.

Từ ngày gặp Nguyệt, Châu như người nhấp ly rượu mạnh, cuộc đời tẻ nhạt như sống lại.

Nhưng Châu cũng cảm thấy, với Nguyệt luôn luôn anh ta chỉ là kẻ bị sai khiến. Châu thở dài, cuộc tình này rồi cũng chấm dứt một ngày nào đó, khi chuyến ra đi của Nguyệt đã có kết quả.

Trước mặt anh ta là con đường đầy những bóng me xanh, anh ta ngơ ngác nhìn những chùm lá lăn tăn đong đưa trong gió! Màu xanh của lá ở đâu chẳng có nhưng thật lạ, anh ta tự hỏi tại sao từ cây lá cho đến con người miền Nam đều có cái gì thật dễ thương, thật quyến rủ.

Từ Phòng Công Tác Người Nước Ngoài ở đường Nguyễn Du đi ra cùng với hai đứa con nhỏ, Nguyệt ngừng lại để hồi hộp đọc lại tờ giấy phép xuất cảnh. Năm năm trời chờ đợi, bây giờ mảnh giấy trong tay, Nguyệt sung sướng vô cùng. Mặc cho hai đứa con ríu rít, Nguyệt ngây người nhìn mảnh giấy. Bây giờ con đường đưa đến tái ngộ với người xưa đã rành rành trước mặt, Nguyệt hiểu không còn bao lâu mình sẽ lìa xa quê hương, chưa biết bao giờ mới có ngày trở lại.

Đột nhiên Nguyệt nhớ lại đôi mắt tha thiết của Châu. Không! dù mới đây thôi, nhưng tất cả phải xếp vào quá khứ. Từ mai trở đi là cuộc đời mới. Nguyệt sẽ một lần nữa lột xác để hồi sinh.

Nguyệt phác họa thật nhanh những ngày đến Mỹ. Một cuộc đời thật đầy đủ và vui tươi đang chờ đợi, Nguyệt sẽ lái xe hơi như ở Sàigòn trước năm 75, Nguyệt sẽ tha hồ đi shopping để sắm những bộ cánh đẹp. Lương của Văn đâu có ít, đúng là mặc sức cho Nguyệt tiêu xài, cho bõ những năm thiếu thốn trước đây.

Đứa con gái lớn mười tuổi rối rít hỏi mẹ:

– Mình sắp được gắp bố rồi, phải không mẹ ?

Và đứa nhỏ láu táu hơn:

– Mình qua Mỹ ở với bố, bố sẽ cho tụi con nhiều sô-cô-la phải không mẹ ?

Mặc cho hai đứa con thi nhau hỏi đủ chuyện, Nguyệt chỉ đáp qua loa, và giục hai đưa lên xe, chở thẳng đến nhà Diễm. Ngôi nhà Diễm là nơi quá quen thuộc với Nguyệt, nhưng hôm nay Nguyệt lại nhận thấy như nó đẹp hơn, vui hơn. Chiếc Honda mới tinh của Nguyệt ngừng trước cửa nhà Diễm. Hai đứa bé tranh nhau nhảy xuống và chúng nó vội vàng giật chuông inh ỏi. Diễm ngạc nhiên thấy cả ba mẹ con Nguyệt đều có vẻ mặt vui tươi, thì Nguyệt đã toe toét khoe ngay :

– Mình vừa lấy được xuất cảnh xong, có đầy đủ tên hai con nhóc nầy.

Diễm lặng đi một lúc và hỏi lại bạn:

– Bao giờ ba mẹ con mi lên đường ?

Nguyệt cười rất tươi nhưng lại cố tình nói ngược ý mình:

– Cũng còn lâu. Có sớm cũng nửa năm, còn phải làm bao nhiêu thủ tục rườm rà nữa. Cứ yên tâm.

Diễm đẩy cánh cửa bảo Nguyệt:

– Bỏ xe đó, vô ngồi nói chuyện với ta một chút đã.

Và Diễm chợt nhớ đến lá thư, Diễm cười ý nhị:

– Ta chỉ cầu cho mi được đi càng sớm càng tốt, Nguyệt ạ. Tuy mi đi rồi là ta không còn người  bạn nào nữa, nhưng ta vẫn mong mi sớm được gặp ông xã của mi.

Giọng Nguyệt không được tự nhiên:

– Kỳ này là chắc như bắp rồi. Mình sẽ đi và mi sẽ có quà. Mình phải gửi về để nhỏ Châu nó cứ than là không đưọc nếm mùi đi lãnh quà bao giờ. Tội nó quá.

Diễm cởi mở hơn:

– Quên chưa kịp cho mi hay, ta vừa lãnh được một thùng quà nặng 30 kí từ Mỹ gởi về.

Nguyệt tròn mắt:

– Vậy là nặng hơn cả thùng quà hàng tháng Văn gửi cho mình rồi. Mà ai gửi cho mi vậy ?

Diễm vui vẻ:

– Đố mi đó. Cho mi đoán thử coi.

Nguyệt nghi ngờ:

– Lại một soupirant nào chứ còn ai ?

Diễm lắc đầu:

– Sai rồi! Loan “ma soeur” đó, mi còn nhớ không? Loan cùng văn phòng ngày trước với ta đó. Người mà mi vẫn chê “cô nàng hiền như ma soeur”. Nhớ chưa ?

– A! -Nguyệt cười to – Nhớ rồi. Cô nàng suốt đời chỉ dám để một kiểu tóc rất là nhu mì, luôn luôn ít nói! Loan đó phải không? Nhưng mà, hình như hồi cuối 75 mình còn gặp một, hai lần ở nhà mi. Đi hồi nào mau vậy ? Mà sao mình không nghe mi kể chuyện ?

Diễm nhìn ra xa, như để ôn lại hình ảnh người bạn đã ly hương. Diễm kể với Nguyệt:

– Thật ra lúc Loan đi ta cũng không được biết tin, mà ta cũng không ngờ Loan đi. Cả hai năm sau, khi đã yên nơi yên chốn rồi Loan mới viết thư về...

– Nhưng hai bên vẫn viết cho nhau luôn chứ?

– Không. Từ hồi đó đến giờ ta chỉ nhận được của Loan hai hay ba cánh thư mỏng mà thôi.

– Thế rồi, sao nữa ?

– Tự nhiên kỳ này Loan gửi quà về, không có thư báo tin trước, chỉ có một lá thư ngắn bỏ trong thùng quà. Loan bảo Loan cho, để ta làm vốn...

Nguyệt tò mò:

– Hèn nào tới 30 kí lô! Những gì trong ấy mà nặng dữ vậy ?

– Cũng nhiều, mấy chục thước soie, nhưng đặc biệt là có một cái máy cát-sét giống hệt cái máy của ông xã mi gửi cho mi đó.

Nguyệt vẫn chưa hết tò mò:

– “Em” qua đấy làm nghề gì mà quà cáp có hạng quá vậy?

– Hình như Loan đã lấy chồng.

– Sao lại hình như ?

– Vì Loan không nói gì đến chuyện đó, nhưng có lần ta gặp bà mẹ của Loan, bà cụ có nói úp mở thôi, rồi ta cũng không dám hỏi thêm.

Nguyệt vui giọng nói tiếp:

– Mi đừng lo, mai mốt mình qua tới nơi, mình sẽ đi kiếm cô nàng và mình sẽ viết về cho mi rõ “em” đã lấy chồng chưa và chồng “em” là ai. Chẳng biết bây giờ “em” có còn hiền như “ma soeur” không ?

Nói đến đây, Nguyệt nhìn đồng hồ tay bảo với Diễm:

-Thôi mình về. Để bữa khác hai đứa mình sẽ gặp nhau lâu hơn.

Bỗng nhiên Diễm bùi ngùi cầm tay Nguyệt:

– Mi hãy ở lại chơi với ta thêm một lúc nữa... Ta chỉ sợ sau này hai đứa mình chẳng còn lúc nào được thảnh thơi mà ngồi nói chuyện như thế này nữa.

Đôi mắt Diễm mờ ngấn lệ:

– Mi đi rồi là chúng mình đời đời xa nhau...

Nguyệt vội an ủi Diễm:

– Còn lâu mình mới đi... mà từ đây đến đó, chắc chắn hai đứa tụi mình còn nhiều dịp gặp nhau... Mình đâu đã đi ngay mà mi sợ? Mình còn đến thăm mi với nhỏ Châu mà.

Giọng Diễm buồn buồn:

– Năm xưa, trước khi vào Nam, ta cũng có một bạn rất thân. Hồng với ta chơi với nhau từ nhỏ cho đến khi lên trung học. Khi nhà ta sửa soạn vào Nam, ta nói cho Hồng biết thì Hồng buồn lắm. Hồng bảo ta “Diễm sắp đi xa, vậy hôm nay hai đứa cùng lên Hồ Tây một lần cuối, lên đó Hồng sẽ kể cho Diễm nghe một chuyện mà chỉ hai đứa chúng mình biết với nhau thôi”. Hồng nói thế nhưng ta gạt đi, ta bảo “còn lâu nhà Diễm mới đi vào Nam, vậy cứ để đó, vài ba hôm nữa, lúc nào lên Hồ Tây chẳng được”. Ai ngờ, hai ngày sau đó gia đình ta đột ngột xuống Hải Phòng rồi lên tàu vào Nam... ta không có dịp từ giã Hồnng và... hai đứa bặt tin nhau từ ngày đó.

Nguyệt ngắt lời bạn:

– Bây giờ Bắc Nam liên lạc dễ dàng, sao mi không viết thư tìm Hồng thử xem Hồng còn ở chỗ cũ không?

Diễm càng có vẻ buồn hơn:

– Mi nói đúng, ngày nay ta có thể tìm được bạn cũ, nhưng ta chỉ sợ Hồng cũng đã bị đổi thay.... biết đâu bây giờ Hồng lại chẳng là cán bộ... Ta sợ hình ảnh đẹp của Hồng ngày xưa sẽ biến mất khi ta gặp lại Hồng của ngày nay, vì  thế ta đành làm ngơ. Cho nên ta nghĩ, sau khi mi đi rồi, một ngày nào đó tấm mành tre sẽ buông xuông, chia cách đất nước chúng ta với thế giới bên ngoài.... biết bao giờ chúng mình còn có dịp gặp lại nhau?.

Bàn tay Diễm nắm lấy cánh tay Nguyệt, đôi mắt nhạt nhòa.

Thấy Diễm khóc, Nguyệt bỗng hối hận. Hối hận vì đã có những lần mải vui trong nếp sống dư thừa, Nguyệt đã rấp tâm trốn tránh Diễm. Trong một lúc, Nguyệt chợt thương bạn vô cùng. Nguyệt nói với Diễm không chút che dấu:

– Mình có lỗi với Diễm rất nhiều, vì mình đã dấu Diễm nhiều chuyện... thí dụ hôm nay mà chưa có được tờ xuất cảnh thì chỉ hai ba hôm nữa mình đã xuống tàu vượt biên. Mình định đi mà không cho Diễm biết... Diễm tha lỗi cho mình... mình chẳng xứng đáng với Diễm một chút nào.

Diễm không nói, chỉ lặng lẽ gạt những giọt nước mắt đang đổ dài trên má, đôi bàn tay Diễm, làn da khô cằn và hai cánh tay áo vải cũ, nát nhàu... Năm xưa khi còn là một cô ký ngân hàng ngoại quốc, Diễm vẫn nổi tiếng thích trang điểm cho đôi bàn tay, lúc bấy giờ Diễm có đôi bàn tay trắng muốt, móng sơn cẩn thận, nuột nà vói nhiều chiếc nhẫn xinh xinh...

Nguyệt cảm thấy mình không đủ can đảm đứng lâu hơn. Nguyệt gỡ tay Diễm, an ủi mấy câu rồi vội vàng kiếm cách từ giã bạn, phóng xe đi thẳng.

Trên đường về nhà, Nguyệt bỗng có ý định dấu Diễm ngày ra di, dù sớm hay muộn. Thà để Diễm trách hơn là phải chứng kiến một cuộc chia tay đầy nước mắt. Cũng may Nguyệt đã nói ngày ra đi dài hơn quá nhiều để Diễm yên tâm.

Để chuộc lại phần nào cái tội ấy, Nguyệt tự buộc mình cứ phải thỉnh thoảng tạt qua nhà Diễm mươi phút cho Diễm thấy mặt rồi phóng luôn. Quả nhiên Nguyệt đã đánh lừa được Diễm...

Rồi đến một ngày không xa...

... Một đoàn người khá đông đã được cho phép ra đến sân bay, nhưng duy nhất chỉ có một hành khách mặc áo dài Việt Nam. Thiếu phụ ấy còn rất trẻ, đôi môi mọng son màu đỏ, nhưng nàng mang một cặp kính Dior kiểu to che kín đôi mắt. Cùng với đoàn người, nàng dắt hai đứa con gái nhỏ lên đến máy bay. Trước khi bước qua khung cửa để vào hẳn trong máy bay, nàng bỗng dưng ngừng lại, đưa tay lên môi, gửi một cái hôn về...

Nhiều người cùng ngạc nhiên vì họ đều biết, nàng không có nột ai đi tiễn, kể cả người yêu và bạn...

Người phát thư đã đi rồi mà Châu vẫn còn tần ngần với phong thư mới nhận được.

– Thư của ai đó, Châu ?

Nghe Diễm hỏi, Châu như người chợt tỉnh, cô bé nói với chị:

– Lạ quá! Sao lại là thư của chị Nguyệt? Không lẽ chị Nguyệt đã sang tới Mỹ rồi kia à ?

Diễm không đáp, vội vàng xé phong thư ra, đúng là thư của Nguyệt với nét chữ quen thuộc, và Nguyệt viết từ Mỹ gởi về....

“Diễm rất nhớ thương,

Trước hết mình xin lỗi Diễm, mình xin Diễm đừng giận mình, cũng đừng hờn gì cái con Ngyệt hứa bậy này nữa. Ta biết ta có lỗi với mi rất nhiều, vì ta đã cố tình dấu mi ngày ra đi, ta đã dối mi rằng ngày đó còn rất xa.

Nhưng mà, tất cả chỉ vì ta qua thương mi, ta không can đảm trông thấy những giọt nước mắt của mi trong buổi chia ly.

Bây giờ thì hai đứa mình đã ở xa nhau quá rồi, và người đổ lệ bây giờ là ta đó Diễm ơi. Biết bao giờ ta còn được gặp lại mi, nhỏ Châu và tất cả những người thân yêu cũ. Ta sang đây mới thấy xa xôi vời vợi....

Diễm thương, Văn đã ra phi trường đón ta và các con. Văn đưa ta về “lâu đài” của Văn, vì bây giờ anh ta ở một biệt thự ra gì lắm, trong ngoài trang hoàng đều đẹp, đều sang, nhưng ta không còn nhận thấy đây là tổ ấm của mình nữa.

Ta cũng đã gặp “cô nàng hiền như ma soeur” của mi. Mi biết không ? “cô nàng” lấy chồng thật rồi đó, và chồng nàng là Văn. Họ đã có một bé Tony hai tuổi. Hạnh phúc phải không mi. Còn ta từ nay mới thật là kẻ cô đơn ....

Diễm thương! ta đã từng đùa với lửa... ta đã làm cho một người đau khổ, rồi ta cảm thấy hãnh diện. Bây giờ, thật không ngờ kẻ đau khổ, kẻ bị bỏ rơi, lại chính là ta.

Thư đầu, mi hãy biết ngần ấy chuyện thôi. Hãy nghĩ đến ta, cũng như ta, ngày nay chỉ còn tình bạn ở mi.

Thăm ba má, hai anh, nhỏ Châu và mi.

Nhớ thương muôn thuở,

Nguyệt. ”

Diễm nhìn ra sân, những chiếc lá vàng đang rụng ..



nguồn: baovecovang2012.wordpress.com

BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH