VII
Nam ngừng kể, lơ đãng nhìn theo mấy người tắm muộn bơi lội đùa bỡn với nước. Trên bãi cát, những bộ maillot và slip màu nâu, màu lam sẫm lác đác xen trong những bộ pyjama màu sáng hay những bộ quần áo ta màu lụa bạch. Những người tắm biển đã về thay y phục để đi dạo mát. Những câu chuyện lao xao đưa trong gió, những tiếng cười tan trong tiếng sóng gầm.
Sau rặng phi lao, mặt trời lặn đã lâu. Cảnh dần dần tối. Mỏm đá, nhuộm tím, như một con quái vật khổng lồ nhô đầu, vươn cổ, chực vượt thẳng ra khơi. Trăng đã cao, và trở nên đầy dặn, sáng bóng.
Ngọc hỏi Nam:
– Câu chuyện ly kỳ của anh chỉ có thế?
Nam cười:
– Nếu chỉ có thế thì đã chẳng ly kỳ.
Ngọc cười theo:
– Phải, tôi cũng tưởng thế.
Rồi Ngọc lặng thinh, ngồi chờ bạn kể tiếp. Nhưng Nam mơ màng ngắm theo những tấm thân vạm vỡ, cân đối, uyển chuyển in nét nhịp nhàng lên nền trời, nước. Và chàng nói:
– Có phải không anh, An-nam mình đã bắt đầu biết dẹp? Trước kia họ giấu kỹ tấm thân thế nào thì ngày nay họ phô bày nó ra như thế. Cũng có lẽ trước kia thân thể họ xấu mà nay nhờ về luyện tập nên thân thể họ đẹp. Câu tục ngữ cố thủ họ đã rêu rao từ nghìn xưa: “ Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại ” mà!
– Chả phải thế đâu! Cái cớ che đậy, giấu giếm của họ ở luân lý chứ không phải ở mỹ thuật. Họ chỉ ca tụng cái đẹp tinh thần, cái đẹp đạo đức và cố nhắm mắt trước cái đẹp hình thức. Mỗi lần một ông vua chúa nào mở mắt ra để thưởng thức cái đẹp là bị bọn đạo mạo công kích liền. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng ở Á-đông mình cái đẹp hình thức thường lẫn trong cái khoái nhục thể. Ta không mấy khi chịu bình tĩnh mà ngắm một pho tượng trần truồng bằng con mắt mỹ thuật… Nhưng hình như chúng ta lạc đầu đề xa quá rồi. Câu chuyện của anh bỏ dở đã hơi lâu.
Nam mơ màng hỏi:
– Câu chuyện nào?
Ngọc cười:
– Lại còn chuyện nào nữa? Câu chuyện ly kỳ của anh chứ câu chuyện nào? Nếu anh quên thì tôi xin nhắc: Anh kể đến bức thư của Lan, trong thư hình như nói đến André Gide và một quyển tiểu thuyết của văn sĩ…
Chừng không chịu nổi được cái giọng mỉa mai của bạn, Nam cướp lời nói lảng:
– Rồi tôi đưa cho anh xem bức thư của Lan. Ngộ nghĩnh lắm!
– Có ly kỳ nữa không?
Dứt lời, Ngọc cười ha há. Nam thì ngây ngất nhìn phía xa, hai tay ôm má. Bỗng chàng nói:
– Nguy quá, anh ạ!
– Cái gì mà nguy thế?
Nam vẫn nhìn thẳng:
– Lan yêu tôi.
Ngọc cười:.
– Tưởng cái gì nguy hiểm lắm, chứ cái ấy thì thường quá.
Nam hơi chau mày:
– Không, anh nên nghiêm trang mà nghe tôi. Tôi vào đây chỉ cốt kể với anh câu chuyện và nghe lời chỉ bảo của anh.
Ngọc vẫn cười bỡn cợt:
– Chả dám. Với lại tôi còn ít tuổi hơn anh.
– Phải, anh kém tuổi tôi. Nhưng có lẽ anh từng trải việc đời hơn tôi nhiều. Nhất anh lại có gia đình rồi. Anh tất hiểu rõ những cái phiền, cái khổ, cái khó chịu, bực tức vân vân… của một nghệ sĩ trong một gia đình, tôi nói tiểu gia đình. Một lần nữa, tôi xin anh nghiêm trang mà nghe tôi. Đoạn này mới là đoạn chính trong câu chuyện của tôi.
– Trong câu chuyện ly kỳ của anh.
Nam lắc đầu chán nản:
– Chúng ta không thể đứng đắn trong mươi phút được ư? Cái đời nghệ sĩ cứ phải cười cợt hoài ư?
– Chính thế. Vì anh đã bảo tôi nhiều lần rằng ở đời không có cái gì là quan trọng hết kể cả hội họa. Vậy nay tôi chỉ thêm: Kể cả hội họa và ái tình.
– Anh như cố ý không muốn nghe nốt câu chuyện của tôi…
– Xia lỗi anh. Vậy anh kể đi. Tôi lại cứ tưởng Lan yêu anh là hết chuyện.
– Tôi không ngờ, thực tôi không ngờ anh ạ. Lan yêu tôi, có thể như thế được không? Mà lại yêu tôi ngay từ thời ở Lạng-sơn, nghĩa là hồi Lan mới chín tuổi. Mãi hôm kia Lan mới chịu thú thực hết với tôi trong một bức thư dài tới gần chục trang. Tôi chẳng giấu giếm anh làm gì, rồi tôi đưa thư của Lan cho anh xem. Tin ấy là một tiếng sét bên tai tôi. Tôi còn hy vọng rằng đó là một hiện tượng thoáng qua trong một tâm hồn lãng mạn. Phải lãng mạn lắm mới sớm có tình yêu như thế, anh nhỉ?
– Chả cứ! Với lại trước có lẽ chưa hẳn là tình yêu. Tinh yêu chỉ đến sau mà thôi. Nay chẳng hạn thì chắc chắn là tình yêu. Lan mười bảy tuổi, phải không?
– Mười bảy. Lan nói sau ngày tôi từ biệt Lạng-sơn về Hà-nội, Lan khóc mãi, khóc ngấm khóc ngầm vì nhớ tôi, nhớ thành thực và sâu xa chứ không phải nhớ một ông chú hờ. Lan bảo thế. Rồi mấy năm sau Lan thi đậu tốt nghiệp về Hà-nội học. Lan lớn lên với tình yêu bất diệt. Và Lan theo rõi công việc của tôi, đến xem các phòng triển lãm của tôi, cảm động ngắm nghía những tranh lụa, tranh sơn, những bình phong sơn ta của tôi. Có lần Lan đứng ngay trước mặt tôi, tay mơ màng xoa một bức bình phong, mắt đăm đăm nhìn tôi nói chuyện với một người đàn bà Pháp. Lan muốn bảo thẳng tôi: “ Chú Nam ơi, cháu Lan đây mà! ” Nhưng không bao giờ Lan dám.. Lan cảm thấy thế. Và đã lâu không thấy ông chú đến chơi nhà, Lan ngờ rằng ông quên gia đình Lan và Lan rồi…Thế rồi tôi gặp Lan ở Quảng-yên và chú cháu lại nhận nhau. Nhưng có điều này cảm động, tôi không ngờ Lan lạ lùng đến thế. Là Lan định bụng làm ra ngộ nghĩnh để tôi phải lưu ý đến Lan. Trong ngôn ngữ cử chỉ và trong cả những bức thư viết cho tôi Lan cố tỏ ra rằng mình khác thường. Làm xiêu lòng tôi, đó là mục đích duy nhất của Lan. Mãi nay thấy tôi “trơ như đá vững như đồng” –lời Lan– Lan mới liều thú thực tình yêu với tôi.
Ngọc cười hỏi:
– Nhưng, thực tình, anh có trơ như đá vững như đồng không?.
– Thực thế, anh ạ. Trước kia trong con mắt yêu mỹ thuật của tôi, Lan chỉ là một thiếu nữ đẹp như nhiều thiếu nữ đẹp khác. Không bao giờ tôi nghĩ đến tình yêu hay một tính tình dịu dàng gần như thế. Đối với Lan cũng như đối với các bà các cô quen biết, tôi khuyên bảo, sửa chữa giùm cách trang điểm nhan sắc, thế thôi. Giờ nhớ lại thì tôi hiểu rõ tại sao Lan đã làm theo ý tôi. Một lần, tôi nói chuyện với anh em bạn – mà không biết có Lan đứng gần đấy – về cái đẹp của thân thể. Tôi bảo: “ Con gái các nhà ít người có tấm thân đẹp bằng tấm thân bọn vũ nữ. Muốn đẹp phải luyện tập thân thể mà phụ nữ mình ít tập quá. Còn vũ nữ, họ khiêu vũ tức cũng gần như tập thể thao. Vì thế người họ thường nở nang cân đối.” Tôi cũng tưởng trêu tức mấy anh bạn đương tự phụ có vị hôn thê đẹp. Ai ngờ câu nói lọt tai Lan. Và ngay hôm sau Lan bắt đầu chăm tập thể thao. Lan hỏi tôi về các sách dạy thể thao nữa. Đã được hơn nửa năm rồi.
Ngọc mỉm cười nhìn bạn:
– Thế kể cũng thú! Nhưng ly kỳ thì câu chuyện chả có thể gọi là ly kỳ được. Bắt đầu yêu từ chín tuổi, có chi lạ. Nếu thế anh đã cho là lạ, thì tình yêu của Julia de Trécœur còn lạ đến đâu. Ừ, mà hơi giống đấy. Một đằng yêu bố dượng, một đằng yêu chú… Có khác một chút, là anh chưa có vợ. Vậy ông chú hờ chưa vợ nhất định trơ như đá vững như đồng mãi?
Nam buồn rầu:
– Nếu thế thì tôi đã chẳng đến cầu cứu anh. Chỉ vì sau khi đọc bức thư của Lan, tôi thấy lòng tôi bỗng đổi khác hẳn nên tôi mới lo sợ. Anh ạ, trước kia tôi không hề tha thiết, âu yếm nghĩ đến Lan. Có lẽ một phần vì tôi đã quen coi Lan như cô cháu gái bé nhỏ và ngây thơ. Nhưng đọc xong bức thư cảm động của Lan…
Ngọc tiếp luôn:
– Thì anh hết trơ như đá vững như đồng phải không?
Bọn người dạo mát về đã gần hết. Bãi biển vắng rộng. Mặt nước lấp loáng ánh trăng. Nam cảm thấy lòng rạo rực tình yêu. Hai tay bóp chặt lấy cái đầu bừng nóng, chàng nhớ lại những việc đã xảy ra mà trước kia vô tình chàng không lưu ý tới. Việc cảm động nhất và nay chàng cho rất có ý nghĩa là việc nhân duyên của Lan.
Hôm ấy Lan đến xưởng vẽ, mặt buồn rầu, thờ thẫn. Nàng đột ngột hỏi Nam:
– Ông có vẫn còn là ông chú của em không?
Nam ngạc nhiên nhìn Lan, đáp:
– Có, nếu Lan sẵn lòng nhận làm cháu.
– Sao em lại không sẵn lòng! Vậy chú thành thực chỉ bảo cho cháu một việc này nhé, một việc rất khó xử.
Rồi Lan kể bằng một giọng bình tĩnh.
Năm Lan lên tám, một ông huyện đem con đến chơi nhà ông tham Biên… Thấy Lan kháu khĩnh ông huyện nói đùa xin cho Huấn (tên con ông). Ông Biên cũng đùa bỡn trả lời: “vâng”.
Ngờ đâu, năm năm sau, ông huyện nhắc lại lời ước xưa và nhờ mối đến hỏi Lan cho con. Bấy giờ, Lan đương học năm thứ nhất. Cha mẹ Lan, sau khi xem mặt chàng rể, đã nhận lời gả mà không bảo qua Lan một câu. “ Vậy,– nàng hỏi Nam – bây giờ cháu có quyền từ chối không?”
Nam nhìn Lan. Và ý nghĩ thứ nhất của chàng là: “ Thôi! Chẳng bao lâu, Lan sẽ về với chồng rồi.” Một ý nghĩ tiếc thương rất tự nhiên của những người chưa vợ. Nhưng ông chú cố thắng người bạn ích kỷ: Nam, giọng gượng vui hỏi thăm về gia thế, về địa vị người chồng chưa cưới của Lan. Và sau khi đã biết rằng Huấn đã đậu tú tài và sắp sang du học bên Pháp, chàng chỉ có thể khuyên Lan một câu:
– Thế thì Lan nên bằng lòng đi
Lan hỏi lại:
– Vì hắn đã đổ tú tài và sắp sang Pháp? Nhưng nếu em không yêu hắn thì sao?
Lòng ích kỷ của anh chàng yêu sắc đẹp tuy yêu vẩn vơ thôi, lại muốn lấn:
– Đó lại là một chuyện khác.
Lan vờ không hiểu:
– Thế nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là nếu Lan không yêu thì Lan có quyền từ chối.
Nam vội chữa ngay, vì thấy Lan tươi cười đăm đăm ám ảnh nhìn mình:
– Nhưng cứ gì phải yêu mới lấy được? Cứ lấy nhau rồi tình yêu sẽ đến cũng được chứ gì. Xưa nay như thế cả.
Lan, giọng mỉa mai, căn vặn:
– Nếu tình yêu không đến thì cũng chẳng sao phải không, ông chú? Vì xưa nay chán vạn gia đình như thế cả? Thực ông chú nghĩ đến tương lai cháu một cách chu đáo quá. Nhưng có một điều này xin nói trước để ông chú biết ngay cho. Là không bao giờ tình yêu sẽ đến.
Sự sung sướng không cội rễ tràn ngập tâm hồn Nam. Mặt chàng nóng bừng, mắt chàng sáng lên sau đôi kính cận thị. Và chàng hỏi ngớ ngẩn.
– Tại sao thế?
Câu hỏi ấy Lan không trả lời. Mà câu chuyện cũng lơ lửng không một lần nào bàn tới nữa. Nhưng nay Nam thấy rõ ràng câu trả lời trong bức thư nồng nàn, trong bức thư điên cuồng của Lan: “ Vì Lan yêu chàng. ”
– Lan yêu tôi, vô lý quá!.
Nam thì thầm bảo Ngọc. Ngọc cười đáp:
– Cũng không vô lý lắm đâu! Nhưng mà đi về ăn cơm thôi chứ, anh đã đói chưa?
– Chưa.
Ngọc vỗ mạnh vào vai bạn:
– Vậy thì đích thị anh yêu rồi. Nhưng cũng về thôi, chắc ở nhà Loan đương chờ cơm.
Nam thong thả đứng dậy và uể oải vươn vai đáp:
– Về thì về!
Hai người lặng yên đi trên cát khô. Bỗng Nam bảo Ngọc:
– Mai tôi về sớm.
– Về thế nào? Anh nói vào đây nghỉ mát một vài tuần kia mà!
Nam chỉ nhắc lại:
– Mai tôi phải về sớm!
good
@ninhquy
ninhquy tải lại nhé. File mới sửa lại.
Mình muốn tải về mà chi tải được phần thứ nhất là sao bạn nhi?
@nnguyen56
Còn tiếp bạn nnguyen56 à. Truyện này 261 trang.