MỤC LỤC
- 1. Kỳ Tài Dị Năng
- 2. Tiên Trường Mạc Cập
- 3. Nghịch ngã giả vong
- 4. Loạn Thế Tình Uyên
- 5. Nữ Vương Bổn Sắc
- 6. Hò Hẹn Tâm Linh
- 7. Trường Sinh Độc Chú
- 8. Cửu Lưu Chiêu Số
- 9. Cùng Địch Giao Du
- 10. Kế Sách Bắt Tướng
- 11. Ma Đạo Tranh Đấu
- 12. Đệ Tử Đích Truyền
- 13. Ước hẹn ở Phiêu Miểu
- 14. Binh Lai Tương Đáng
- 15. Yêu Hận Lẫn Lộn
- 16. Tuyên ngôn tình yêu
- 17. Tình chàng khó tỏ
- 18. Tiếng lòng công tử
- 19. Đoán Trước Chiến Quả
- 20. Cấp báo quân tình
- 21. Một Giấc Mộng Xuân
- 22. Cơ hội duy nhất
- 23. Nắm tay phó hiểm
- 24. Tố Nữ Tâm Pháp
- 25. Danh Sách Sát Nhân
- 26. Tìm Người Du Hí
- 27. Cùng Chung “Chăn Gối”
- 28. Lộng Xảo Phản Chuyết
- 29. Ma Môn Cao Thủ
- 30. Lời Hay Phải Nói
- 31. Cuộc Chiến Quyết Tử
- 32. Đồng Mệnh Uyên Uơng
- 33. Tiếng Lòng Từ Xa
- 34. Hành Trình Phục Cừu
- 35. Tứ Đại Kỳ Thư
- 36. Trận Chiến Phiêu Miểu
- 37. Vào Sâu Vùng Địch
- 38. Niềm Vui Lật Thuyền
- 39. Khó Cầu Trí Sĩ
- 40. Đào Xuất Sinh Thiên
- 41. Chàng chàng thiếp thiếp
- 42. Kịch Giả Tình Thật
- 43. Điều Kiện Trao Đổi
- 44. Bạch Nhạn Về Nam
- 45. Hành Động Phản Kích
- 46. Thái Âm Vô Cực
- 47. Đường Cụt Tìm Sống
- 48. Thần Hoả Phi Nha
- 49. Chiến Tuyến Phía Bắc
- 50. Tra Xét Tận Tường
- 51. Mất Mát Tâm Linh
- 52. Câu Chuyện Bên Thiên Huyệt
- 53. Oan Cho Chàng Lắm
- 54. Định Mệnh
- 55. Trong Vòng Hư Ảo
- 56. Linh Kiếm Hộ Chủ
- 57. Trọng Phản Biên Tập
- 58. Nhân Ái Thành Hận
- 59. Bí Mật Cơ Địa
- 60. Một Lời Đề Nghị
- 61. Kế Ly Gián
- 62. Không Chịu Hồi Đầu
- 63. Vì Yêu Thành Hận
- 64. Giúp Đỡ Đúng Lúc
- 65. Ma Môn Quỷ Ảnh
- 66. Sa Mạc Chân Tình
- 67. Ước Vọng Thoái ậ¨n
- 68. Hùng Tâm Tráng Chí
- 69. Đối Phó Ảnh Tử
- 70. Kim Đan Ma Chủng
- 71. Cơ Hội Duy Nhất
- 72. Tiêu Diệt Quỷ Ảnh
- 73. Mối Tình Hải Nam
- 74. Thời Cơ Hành Động
- 75. Chuyến Đi Bình Thành
- 76. Hết Lời Khuyên Bảo
- 77. Thái Thú Hải Diêm
- 78. Cuộc Chiến Thịnh Nhạc
- 79. Tình Cũ Như Mơ
- 80. Ổn Định Lòng Quân
- 81. Ân Oán Tình Cừu
- 82. Cưỡi Hổ Khó Xuống
- 83. Đôi Lứa Trời Sinh
- 84. Đoàn Kết Là Sức Mạnh
- 85. Cầu tử chi chiến
- 86. Tằm Thác Mùa Xuân
- 87. Nước Trôi Đi Mãi
- 88. Nụ Hôn Định Tình
- 89. Kế Hoạch Tương Lai
- 90. Cô Chú Nhất Trịch
- 91. Linh Cơ Lại Động
- 92. Khai Hoa Kết Quả
- 93. Chết Không Nhắm Mắt
- 94. Ban Ngày Báo Mộng
- 95. Một Chuyện Bí Mật
Hồi thứ 30
Đánh Quan-độ, Bản-Sơ thua chạy
Cướp Ô-sào, Mạnh-Đức đốt lương
Bấy giờ Viên-Thiệu khởi binh, nhằm hướng Quan-độ tiến phát. Hạ-hầu-Đôn vội đưa thư cấp báo Hứa-đô. Tào-Tháo bèn kéo bảy vạn quân đi trước nghênh địch, 1 để Tuân-Húc ở nhà giữ Hứa-đô. Khi Thiệu sắp kéo quân đi, Điền-Phong từ trong ngục dâng thư ra can rằng:
- “Nay Chúa-công hãy nên yên giữ để đợi thiên thời. Không nên khởi liều đại binh, e bất lợi 2 ”
Phùng-Kỷ nói dèm:
- Chúa-công khởi quân nhân nghĩa, sao Điền-Phong dám thốt lời quái gở thế này?
Thiệu giận lắm, muốn chém ngay Phong. May có các quan cầu xin. Thiệu giận dữ nói:
- Để ta phá xong Tào-Tháo, về sẽ trị tội!
Bèn thúc ba quân tiến phát. Cờ quạt rợp đất đầy đồng, gươm đao như rừng, đến Dương-Vũ thì an dinh hạ trại. Thư-Thụ nói:
- Quân ta tuy đông nhưng không tinh nhệ bằng quân địch. Quân địch tuy tinh, nhưng lương thảo không đầy đủ bằng quân ta. Quân kia thiếu lương, lợi ở đánh gấp. Quân ta nhiều lương, nên khoan khoan giữ vững. Nếu ta cầm cự được lâu ngày, ắt chẳng đánh quân địch cũng phải thua.
Thiệu nổi giận rằng:
- Điền-Phong đã làm trễ nải lòng quên. Ta trở về sẽ chém đầu! Sao ngươi còn dám ăn nói thế?
Bèn thét tả hữu lôi Thư-Thụ vào giam cầm trong quân, và nói rằng:
- Khi ta phá xong giặc Tào, sẽ đem trị tội cùng Điền-Phong một thể.
Rồi hạ lệnh đem bảy mươi vạn quân dân khắp bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, hạ trại chung quanh liên lạc với nhau hơn chín mươi dặm.
Quân tế tác bên Tào, dò được hư thực, báo về Quan-độ. Quân Tào mới kéo đến nghe tin như thế, đều sợ hãi. Tháo hội các mưu sĩ bàn tính. Tuân-Du nói:
- Quân Thiệu tuy nhiều nhưng không đủ sợ. Quân ta gồm rặt những chiến binh tinh nhuệ, có thể lấy một địch mười, nhưng lợi ở đánh gấp. Nếu để dùng dằng ngày tháng, lương thảo không đủ, thì thật đáng lo.
Tháo khen:
- Ông nói chính hợp ý ta.
Bèn truyền quân gióng trống, hò reo mà tiến. Quân Thiệu tới đón đánh, hai bên dàn thành thế trận. Thẩm-Phối đem một vạn quân bắn nỏ phục sẵn hai bên sườn, và đặt năm ngàn quân bắn cung phục trong cửa trấn dưới cờ, hẹn nghe tiếng pháo lệnh thì bắn ra một loạt. Bấy giờ, ba hồi trống vang trời vừa dứt, Viên-Thiệu mũ vàng giáp vàng, bào gấm đai ngọc, cưỡi ngựa hiện ra trước trận. Tả hữu có: Trương-Cáp, Cao-Lãm, Hàn-Mãnh, Thuần-Vu-Quỳnh cùng các tướng hộ vệ. Cờ quạt Tiết việt trông rất nghiêm chỉnh. Bên phía trận Tào, dưới bóng cờ của trận mở. Tào-Tháo cũng cưỡi ngựa ra: Hứa-Chử, Trương-Liêu, Từ-Hoảng, Lý-Điển cùng các tướng cầm binh khí tiền ủng hậu vệ. Tháo lấy roi trỏ Thiệu, trách hỏi:
- Đứng trước Thiên-tử, ta đã bảo tấu cho ngươi làm Đại Tướng-quân. Sao nay lại mưu phản?
Thiệu nổi giận mắng:
- Mày giả danh là tướng hán, kỳ thực là thằng giặc nhà Hán! Tội ác đầy trời, còn hơn cả Vương-Mãng, Đổng-Trác! Lại còn vu cho người làm phản à?
Tháo nói:
- Nay ta vâng chiếu tới đánh mày!
Thiệu cũng nói:
- Ta vâng tờ “chiếu đai áo” đánh giặc đây! 3
Tháo nổi giận, sai Trương-Liêu ra trận. Trương-Cáp thúc ngựa ra đánh. Hai tướng giao phong bốn năm mươi hiệp, không phân hơn thua. Tháo thấy thế lòng khen thầm. Rồi Hứa-Chử múa đao giục ngựa ra trợ chiến. Bên kia, Cao-Lãm cũng vung giáo ra tiếp đánh. Bốn viên tướng đang hăng hái đâm chém nhau kịch liệt, Tháo lại sai Hạ-hầu-Đôn và Tào-Hồng mỗi người kéo ba ngàn quân cùng xung sát thẳng sang trận dịch. Thẩm-Phối thấy quân Tào đã tới xung trận, liền sai nổ pháo lệnh. Tức thì từ hai sườn cả vạn tay nỏ cùng bắn ra. Năm ngàn tay cung cũng từ trung-quân tiến thẳng ra bắn loạn tên như mưa bấc. Trước tình thế ấy, quân Tào làm sao chống nổi, đành cứ trông về phía nam mà chạy. Viên-Thiệu xua quân đuổi riết. Quân Tào thua to, chạy hết về Quan-độ.
Viên-Thiệu bèn tiến lên, dời quân bức Quan-độ hạ trại. Thẩm-Phối nói:
- Nay hãy đem mười vạn quân tới sát trại Tào, đào những ụ đất cao, rồi kéo lên ụ nhìn vào mà bắn. Nếu Tháo bỏ trại mà chạy, ắt ta chiếm được cửa ải. Chiếm được Quan-độ thì vào Hứa-đô dễ lắm.
Thiệu nghe lời, truyền lựa những quân khỏe mạnh khắp các trại, dùng thuổng cuốc quang gánh tới gần trại Tào đào đất đắp gò như dãy núi. Quân Tào trong trại thấy quân Hà-bắc đắp ụ, toan kéo ra xung đột, nhưng bị các đoàn cung nỏ của Thẩm-Phối bắn chẹn các đường hiểm yếu như chẹn yết hầu, không sao tiến được. Qua mười ngày, quân Viên đắp được hơn năm chục ụ đất, trên các ụ lại dựng sàn cao. Rồi quân cung nỏ chia nhau lên sàn bắn xuống. Quân Tào rất lo sợ, đều phải mang mộc che đầu đỡ tên. Cứ nghe một tiếng chiêng, tên trên các ụ lại bắn xuống như mưa. Quân Tào đều đội lá chắn mà nằm rạp xuống đất. Quân Viên lại reo cười ồ lên một loạt.
Tháo thấy quân hoảng loạn liền hợp mưu sĩ hỏi kế.
Lưu-Việp 4 hiến kế rằng:
- Nên đóng những cỗ xe bắn đá mà phá giặc.
Tháo sai Việp lo việc chế xe. Xe này cứ việc kéo đi, tự khắc những tảng đá trong xe bắn lên thật cao và thật mạnh. Liền mấy đêm, Lưu-Việp lo vẽ hình, chỉ dẫn, đóng được vài trăm cỗ xe bắn đá, đem dàn dọc theo các tường lũy bên trong trại, đối diện với các sàn trên ụ đất bên ngoài. Đợi khi các sàn bắn tên xuống, thì trong trại đẩy lướt các xe một loạt. Tức thì những tảng đá văng lên không trung, bắn loạn đá và các sàn. Quân Viên không chỗ ẩn nấp, cung thủ bị chết khá nhiều. Họ sợ hãi, gọi những xe đó là “xe sấm sét” và không dám leo lên cao bắn tên nữa. Thẩm-Phối lại hiến Thiệu kế khác: Sai quân đem thuổng cuốc ngầm đào những hầm thông thẳng vào trại Tào, để đánh lén bất ngờ, gọi là “Quật tử-quân”. Quân Tào trông thấy quân Viên hì hục đào hào bới đất phía sau các ụ, bèn báo với Tháo. Tháo lại hỏi mẹo Lưu-Việp. Việp nói:
- Đó là vì quân Viên không đánh công khai được, nên đánh ngầm. Chúng đào hầm để chui dưới đất, lên vào trại ta đấy.
Tháo hỏi:
- Lấy gì mà ngăn?
- Ta cứ đào một đường hào sâu, vòng quanh trại, thì kế “địa đạo” kia hóa ra vô dụng! Quân nó mệt sức đào vô ích.
Suốt đêm ấy, Tháo sai quân đào hào sâu dẫn nước vào. Quá nhiều quân Viên đào hầm tới đụng phải hào, không sao vào trại được, sức lực quân sĩ bỗng uổng phí vô ích.
Tào-Tháo chống giữ Quan-độ từ đầu tháng tám đến cuối tháng chín, sức quân mỏi dần. Lương thảo lại gần hết, đã có ý muốn bỏ Quan-độ, về Hứa-xương 5 nhưng còn ngần ngừ chưa quyết. Bèn viết thư sai người mang về Kinh-đô hỏi Tuân-Húc. Húc viết thư đáp lại. Đại lược như sau:
- “Vâng tôn mệnh, bảo quyết định việc tiến thoái mà Thừa-tướng còn nghi, ngu này nghĩ rằng: Viên-Thiệu đem quân nghiêng nước tập hợp ở Quan-độ là muốn quyết một trận hơn thua với Minh-công. Minh-công lấy yếu chọi mạnh, nếu không thắng nổi, ắt bị địch hạ. Đó là cái đại cơ thiên-hạ ngày nay vậy. Tuy nhiên, Thiệu nhiều quân mà không biết dùng, thì với tài thần võ minh-triết, Minh-công thể nào lại chẳng thắng nổi? Nay quân ta tuy ít, tình thế cũng chưa đến nỗi như lúc Hán Sở tranh hùng ở Huỳnh-Dương Thánh-Cao. Vậy Minh-công có thể rạch đất mà chống giữ, chẹn lấy nơi yết hầu, khiến địch không tiến nổi. Chờ khi chúng đuối thế kiệt sức, ắt phải có biến. Đây là lúc phải dùng kế lạ, lập kỳ công, không nên bỏ lỡ. Xin Minh-công xét liệu”
Tháo tiếp thư này, vui vẻ hẳn lên, bèn hạ lệnh cho tướng sĩ cố hết sức tử thủ. Rồi quân Thiệu phải lui hơn ba chục dặm. Tháo sai tướng ra ngoài tuần tiễu. Có bộ tướng của Từ-Hoảng là Sử-Hoán bắt được tên quân tế tác bên viên giải về nạp Hoảng. Hoảng tra hỏi về hư thực trong quân. Tên lính ấy khai rằng:
- Nay mai đại tướng Hàn-Mãnh sắp vận chuyển lương thực tới tiếp tế ba quân, nên sai tôi đi trước dò đường.
Hoảng liền đem tin này báo với Tháo. Tuân-Du nói:
- Hàn-Mãnh chỉ có cái sức khỏe của đứa thất phu, nếu ta cho một tướng dẫn vài ngàn khinh kỵ, đón giữa đường mà đánh, cắt đứt đường tiếp lương, ắt quân Thiệu phải tự rối loạn.
Tháo Hỏi:
- Ai có thể đi được?
Du nói:
- Cứ sai Từ-Hoảng là xong.
Tháo bèn sai Từ-Hoảng đem theo Sử-Hoán, kéo bộ binh đi trước. Rồi sai Trương-Liêu, Hứa-Chử dẫn quân tiếp ứng đi sau.
Đêm ấy, Hàn-mãnh áp tải mấy ngàn xe lương đến trại Viên-Thiệu. Đang dẫn quân đi bỗng thấy Từ-Hoảng, Sử-Hoán kéo quân từ hang núi ra chặn đường. Hàn-Mãnh thúc ngựa tới đánh. Trong khi Từ-Hoảng đánh nhau với Mãnh, thì Sử-Hoán đánh tan đoàn quân đầy xe và phóng hỏa đốt lương 6 . Hàn-Mãnh chống cự không nổi, phải quay ngựa chạy về. Hoảng bèn thúc quân đốt hết các xe nặng. Bấy giờ trong quân Viên-Thiệu trông thấy lửa ở Tây-Bắc, đang giật mình hoang mang thì có bại quân của Hàn-Mãnh chạy tới báo tin: lương thảo bị cướp.
Thiệu kíp sai Trương-Cáp, Cao-Lãm đi chẹn đường lớn. Hai tướng kéo tới, gặp ngay Từ-Hoảng vừa đốt lương trở về. Chưa kịp đánh nhau thì hai cánh quân Trương-Liêu, Hứa-Chử đã ập lại, đánh tan quân Viên. Rồi bốn tướng hợp binh làm một, kéo về trại Quan-độ.
Tháo mừng rỡ vô cùng, trọng thưởng cho tướng sĩ rồi lại chia quân ra phía trước, lập thêm trại nữa để làm thế “ỷ dốc”.
Hàn-Mãnh bị thua chạy về trại lớn. Viên-Thiệu nổi giận toan chém. Các quan can mãi mới thôi.
Thẩm-Phối nói:
- Hành quân lấy lương thảo làm trọng, phải dụng tâm đề phòng mới được. Hiện Ô-sào là chỗ đồn lương, phải cắt trọng binh đóng giữ.
Thiệu nói:
- Ta đã có kế sách rồi. Ngươi nên về Nghiệp-đô giám đốc lương thảo tiếp tế. Đừng để thiếu thốn.
Thẩm-Phối vâng lệnh, ra về Thiệu mới sai đại tướng Thuần-vu-Quỳnh đem các bộ tướng Lục-Nguyên-Tiến, Hàn-Cử-Tử, Lã-Uy-Toàn và Triệu-Hiến, kéo hai vạn quân mã đi giữ Ô-sào. Nguyên Thuần-vu-Quỳnh nóng tính, hay uống rượu, say sưa đánh đập, quân sĩ rất sợ. Bấy giờ, Quỳnh tới đóng Ô-sào, chỉ suốt ngày hội chư tướng uống rượu, chẳng coi ai ra gì cả.
Về phần Tào-Tháo, quân lương đã cạn gần hết, vội sai sứ về Hứa-xương, truyền Tuân-Húc phải cấp tốc thu thập lương thảo, gửi đến mặt trận tiếp tế ngay. Sứ giả mang thư ra về, đi chưa được ba mươi dặm, bị quân Viên bắt được, trói lại giải tới nạp cho mưu sĩ Hứa-Du. Nguyên Hứa-Du, tự là Tử-Viễn, vốn là bạn của Tháo từ thủa thiếu thời. Bấy giờ Du làm mưu sĩ trong quân Viên-Thiệu, bắt được sứ giả mang thư giục lương của Tháo, liền đem vào trình Thiệu rằng:
- Tào-Tháo đóng quân ở Quan-độ, cầm cự với ta đã lâu ngày, ắt bỏ trống Hứa-xương. Vậy nếu ta chia một cánh quân kéo suốt đêm tới đánh úp Hứa-đô ắt chiếm được. Đã chiếm được Hứa-xương thì bắt sống được Tào-Tháo. Hiện nay Tháo nó đã hết lương, ta rất nên thừa cơ hội này, chia hai đường mà đánh nó.
Thiệu nghi hoặc nói:
- Tào-Tháo có trăm ngàn quỷ kế. Lá thư này là mẹo dụ địch của nó không nên tin.
Du nói:
- Lúc này không chiếm Hứa-đô ắt về sau nó lại hại mình.
Đang bàn bạc, bỗng có sứ giả từ Nghiệp-đô tới, trình thư của Thẩm-Phối lên. Thiệu mở xem thấy trước nói về việc chuyện chở lương thảo, sau kể tội Hứa-Du rằng: Khi Du còn ở Ký-châu thường hà lạm của dân, lại dung túng cho con cháu đi thâu thuế, thâu lương về làm của mình. Hiện con cháu Du đã bị bắt bỏ ngục 7 .
Thiệu xem thư, nổi giận mắng Du:
- Đồ thất phu lạm hành, còn mặt mũi nào hiến kế trước mặt ta nữa! Ngươi vốn quen biết Tào-Tháo, nay lại ăn hối lộ của nó, làm quân tế tác rình mò quân ta đây. Đáng lý ra chém đầu, nhưng hãy tạm gửi đầu ngươi trên cổ. Thôi bước ngay đi! Từ nay về sau, cấm không được nhìn mặt ta nữa!
Hứa-Du uất ức lui ra ngửa mặt lên trời kêu khổ:
- Thân ôi! Trung ngôn nghịch nhĩ. Đứa trẻ con này không thể cùng mưu việc được nữa! con cháu ta đã bị hại về tay Thẩm-Phối, ta còn mặt nào trông thấy nhân dân Ký-châu?
Than rồi rút kiếm toan tự vẫn. Nhưng người đi theo vội giằng lấy kiếm can rằng:
- Tội gì ông phải thí thân? Viên-Thiệu không nghe lời ngay, sau này ắt bị Tào-Tháo bắt. Ông vốn có quen Tháo, còn đợi gì không bỏ chỗ tối, ra chỗ sáng!
Thế là vì một câu nói ấy mà Hứa-Du tỉnh ngộ. Bèn đi tắt tới trại Tào, theo tháo. Người sau có thơ than rằng:
“Bản-Sơ khí thế át Trung-Hoa,
“Trận đánh đô-Quan cứ nhẩn nha...
“Nếu biết nghe dùng mưu Tử-Viễn.
“Non sông đâu đến thuộc Tào-Gia!
Nguyên văn:
“Bản Sơ hào khí cái Trung Hoa,
“Quan Độ tương trì lưỡng thán ta.
“Nhược sử Hứa Du mưu kiến dụng,
“Sơn hà khởi đắc thuộc Tào gia?
Bấy giờ Hứa-Du ngầm ra khỏi trại Viên-Thiệu, đi tắt tới trại Tào. Quân phục lộ bắt ngay lấy, Du nói:
- Ta là bạn cố cựu của Tào Thừa-tướng. Mau vào thông báo giùm rằng: Có Hứa-Du ở Nam-dương tới thăm nhé!
Quân lính vội báo vào trại. Lúc ấy, Tào vừa mới cởi áo đi nằm nghỉ, chợt nghe báo Hứa-Du chạy qua trại mình thì mừng quýnh lên, không kịp xỏ giầy, cứ chân không đạp đất chạy ngay ra đón tiếp. Vừa thấy Hứa-Du liền nắm lấy tay sung sướng cả cười, rồi dắt nhau vào trướng. Vào đến bên trong, Tháo lại phục ngay xuống đất!!! Du vội vàng đỡ dậy:
- Ông đường đường là Thừa-tướng nhà Hán. Tôi chỉ là tên áo vải. Sao quá khiêm cung thế nào?
Tháo nói:
- Tử-Viễn là cố hữu của Tháo, há dám lấy danh tước ra phân trên dưới sao?
Du nói:
- Tôi không biết chọn chủ, khoát thân đi thờ Viên-Thiệu, nói không nghe, kế không dùng. Nay phải bỏ hắn, tìm tới cố nhân. Mong được thâu dùng chăng?
Tháo nói:
- Tử-Viễn đã chịu đến đây, việc ta ắt thành! Vậy có kế gì phá Thiệu xin dạy bảo ngay cho?
Du mới cho biết rằng:
- Tôi đã từng khuyên Viên-Thiệu chia quân khinh kỵ kéo đi đánh úp Hứa-đô, rồi hai mặt cùng đánh dồn ông đấy.
Tháo nghe nói kinh hãi:
- Nếu Thiệu nghe lời bảo, thì tôi bại mất!
Du hỏi đến tình hình quân Tào:
- Nay lương thảo trong quân liệu còn dùng được bao lâu?
Tháo gật gật cái đầu, đáp:
- Còn đủ chi được một năm nữa.
Du cười nói:
- E không được thế?
- Kể ra, phân phát cho đầy đủ, thì cũng được nửa năm.
Hứa-Du bỗng rũ áo đứng phắt dậy, vừa bước ra khỏi trướng vừa nói:
- Tôi lấy lòng thành thực tới theo, mà ông nỡ dối trá nhau như thế! Còn mong chờ gì nữa!
Tháo bước theo, nắm tay giữ lại:
- Tử-Viễn đừng vội giận. Để tôi nói thật cho mà nghe: lương thảo chỉ còn được ba tháng nữa mà thôi!
Du cười, bảo:
- Người đời vẫn đồn “Mạnh-Đức gian hùng”. Nay quả nhiên đúng thật.
Tháo cũng cười:
- Cái Bác này thì thôi! Há lại không nhớ “Việc binh không nề dối trá” sao?
Rồi ghé vào tai Du thì thầm:
- Lương quân chỉ còn đủ ăn hết tháng này nữa thôi!
Du hét vào lỗ tai Tháo:
- Lương hết sạch rồi! Tôi biết thừa rồi! Hết sạch rồi! Đừng nói dối tôi nữa! 8
Tháo giật mình hỏi:
- Sao bác biết?
Bấy giờ Du mới móc lá thư của Tháo gửi Tuân-Húc, đưa cho xem, và hỏi:
- Thế thì ai viết lá thư đây?
Tháo kinh hãi hỏi:
- Vì sao bác bắt được thế này?
Dư kể lại việc chặn bắt sứ giả cho nghe. Tháo nắm chặt lấy tay Du, khẩn khoản:
- Tử-Viễn đã nghĩ tình bạn cũ mà tới đây, thì có kế gì xin dạy bảo ngay cho, kẻo tình thế khẩn cấp lắm rồi.
Du bảo Tháo:
- Hiện nay, Minh-công đem cô-quân chống với đại-địch, mà không lo kế đánh gấp thắng nhanh, ấy là ngồi mà đợi chết 9 . Du này có một mẹo, khiến chỉ trong vòng ba ngày, trăm vạn quân Viên-Thiệu không đánh cũng tan. Minh-công có muốn nghe chăng?
Tháo mừng rỡ:
- Xin cho nghe diệu-kế ấy???
Du nói:
- Bao nhiêu quân lương truy-trọng của Viên-Thiệu đều chứa ở Ô-sào, sai Thuần-vu-Quỳnh đóng giữ. Quỳnh vốn tính rượu chè bê tha, không phòng bị. Vậy Minh-công hãy chọn mãnh tướng, tinh binh, giả dạng làm tướng địch Tưởng-Kỳ dẫn quân tới đó giữ lương. Rồi thừa cơ đốt hết lương thảo xe cộ. Như thế, không quá ba ngày quân Thiệu phải tự loạn.
Tháo nghe mẹo mừng lắm, trọng đãi Hứa-Du, lưu ở trong trại. Hôm sau, Tháo tự lựa năm ngàn quân mã bộ, sửa soạn đi Ô-sào cướp lương. Trương-Liêu nói:
- Chỗ Viên-Thiệu dồn lương, đời nào nó lại không phòng bị? Thừa-tướng không nên khinh xuất mà đi. E Hứa-Du lừa dối.
- Không phải thế, Hứa-Du tới đây, tức là Trời hại Viên-Thiệu rồi. Nay quân ta thiếu lương khó mà cầm cự. Không dùng mẹo Hứa-Du, ấy là ngồi mà đợi khốn. Nếu manh tâm dối-trá, Du đâu dám ở lại trại ta? Và chính ta cũng muốn cướp trại địch từ lâu. Nay có kế cướp lương, phải làm ngay, ông đừng nghi ngại.
Liêu nói:
- Nhưng kéo quân đi, cũng nên đề phòng Viên-Thiệu thừa cơ tới cướp trại ta!
Tháo cười nói:
- Ta đã trù hoạch cẩn thận rồi.
Bèn sai Tuân-Du, Giả-Hủ, Tào-Hồng cùng Hứa-Du ở nhà giữ trại.
Hạ-hầu-Đôn, Hạ-hầu-Uyên lĩnh quân phục bên tả. Tào-Nhân, Lý-Điển đem quân phục bên hữu đề phòng bất trắc. Rồi cho Trương-Liêu, Hứa-Chử kéo đi trước, Từ-Hoảng, Vu-Cấm đi sau. Tháo tự dẫn các tướng khác ở giữa, gồm năm ngàn người ngựa, kéo cờ hiệu quân Viên mà đi. Quân sĩ đều mang cỏ khô củi nỏ. Người ngậm tăm, ngựa buộc mồm, bỏ nhạc. Đến nhá nhem tối, nhắm hướng Ô-sào tiến phát dưới ánh sao sáng lấp lánh đầy trời...
Đêm ấy Thư-Thụ bị giam trong quân Viên, hé nhìn ra ngoài trời thấy sao lấp lánh, mới bảo người coi ngục dẫn ra sân, rồi ngửa mặt xem Thiên văn, bỗng thấy sao Thái-Bạch đi ngược lại xâm phạm thiên-phận Đẩu, Ngưu. Thụ kinh hãi kêu lên:
- Vạ đến nơi rồi!
Bèn xin vào gặp Viên-Thiệu ngay! Lúc ấy Thiệu đã uống say nằm nghỉ, chợt nghe Thư-Thụ xin báo việc cơ mật, mới gọi vào hỏi là việc gì. Thụ thưa:
- Tôi vừa coi Thiên-tượng, thấy sao Thái-Bạch nghịch hành qua Liễu, Quỷ, lưu quang xâm vào thiên phận Đẩu, Ngưu. Sợ có quân giặc tới cướp phá. Vậy Ô-sào là chỗ chứa lương, không thể không phòng bị. Chúa-công nên kíp sai tinh binh mãnh tướng kéo đi tuần tiễu các đường tắt ven sông, chân núi... để khỏi mắc mưu Tào-Tháo 10 .
Thiệu đang bực mình, mắng át đi:
- Người là kẻ có tội, sáo còn dám mở miệng nói càn làm hoang mang lòng quân?
Lại thét mắng người coi ngục:
- Ta sai mày canh giữ tù, sao dám thả ra?
Liền sai chém đầu người canh ấy, rồi gọi người khác áp giữ Thư-Thụ.
Thụ bước ra, gạt nước mắt đau đớn nói:
- Quân ta nguy vong chỉ trong sớm tối. Thi hài của ta rồi đây không biết lạc về đâu?
Người sau có thơ than rằng:
“Lời thẳng không nghe, lại oán cừu.
“Con người Viên-Thiệu thật vô mưu!
“Ô-sào lương hết, cơ đồ hỏng.
“Còn muốn bo bo giữ Ký-châu!
Nguyên văn:
“Nghịch nhĩ trung ngôn phản kiến cừu,
“Độc phu Viên Thiệu thiểu cơ mưu.
“Ô Sào lương tận, căn cơ bạt.
“Do dục khu khu thủ Ký Châu!
Nói về Tào-Tháo kéo quân đi đêm, qua một biệt trại của quân Viên. Quân trong trại ra hỏi:
- Quân mã của ai đó?
Tháo sai người đáp rằng:
- Tướng-quân Tưởng-Kỳ phụng mệnh Chúa-công tới Ô-sào giữ lương! 11
Quân Viên thấy rõ cờ hiệu quân nhà, không nghĩ gì cả. Quân Tào đi qua mấy trại nữa, đều xưng là quân Tưởng-Kỳ. Cứ thế mà đi lọt, chẳng gặp trở ngại gì. Khi đến Ô-sào thì đã hết canh tư. Tháo sai quân chất cỏ chung quanh rồi nổi lửa. Các tướng sai đánh trống hò reo, kéo ập vào đồn. Bấy giờ Thuần-vu-Quỳnh vừa uống rượu với các tướng xong, say mê mệt, nằm lăn trong trướng. Chợt nghe trống đánh quân reo vội nhỏm dậy hỏi tả hữu:
- Cái gì mà huyên náo thế?
Hỏi chưa dứt, đã bị một lưỡi câu liêm giật ngã xuống. Lục-Nguyên-Tiến và Triệu-Hiển đi chở lương trở về, xa xa trông thấy lửa cháy ở đồn, vội chạy tới cứu ứng. Quân Tào phi báo với Tháo:
- Có quân giặt tới phía sau, xin Thừa-tướng chia binh cự địch!
Tháo quát lớn:
- Mặc kệ! Các tướng cứ việc đánh rấn phía trước! Đợi lúc giặc đến sau lưng, hãy đánh quật lại!
Vì thế, hết thảy quân tướng đều đua nhau đánh giết mãnh liệt. Được một lát thì lửa cháy ngùn ngụt bốn bề, khói bốc đen kịt cả bầu trời. Lục-Nguyên-Tiến với Triệu-Hiển bấy giờ mới xua quân tới nơi. Tháo liền quay ngựa hồi binh đánh lại. Hai tướng chống không nổi, đều bị quân Tào giết chết. Bao nhiêu lương thảo trong đồn bị cháy ra tro!
Thuần-vu-Quỳnh bị bắt giải đến trước mặt Tháo. Tháo sai quân xẻo tai, hớt mũi, chặt ngón tay, trói gô trên lưng ngựa, thả về trại Viên, để làm nhục Thiệu.
Về phần Viên-Thiệu đêm ấy, đang nằm trong trướng bỗng nhiên nghe báo: “phía chính bắc ánh lửa bốc sáng rực trời”. Biết là Ô-sào có biến, vội thăng trướng, gọi các quan văn võ bàn gấp việc đưa quân đi cứu. Trương-Cáp hăng hái nói:
- Tôi xin cùng Cao-Tướng-quân tới cứu nguy!
Quách-Đồ nói:
- Đừng!... Quân Tào cướp lương ắt Tháo nó thân đi. Tháo đã đi khỏi trại Tào hẳn bỏ trống. Ta hãy thả quân đánh thẳng vào trại nói trước. Tháo nghe tin, ắt phải bỏ Ô-sào về cứu Quan-độ. Đây chính là mẹo Tôn-Tẫn “vây nước Ngụy, cứu nước Yên”.
Trương-Cáp nói:
- Không được! Tào-Tháo đa mưu, đã ra ngoài ắt có phòng bên trong rồi. Giờ nếu đánh dinh Tào không vỡ, thì không những bọn Thuần-vu-Quỳnh bị bắt ở Ô-sào, mà bọn tôi cũng bị bắt nốt.
Quách-Đồ nói:
- Tào-Tháo chỉ ham cướp lương, đâu còn để quân tướng giữ trại.
Rồi Đồ cố nài Thiệu hai ba lần nữa. Thiệu bèn sai Trương-Cáp, Cao-Lãm kéo năm ngàn quân tới Quan-độ đánh trại Tào và sai Tưởng-Kỳ kéo một vạn binh đi cứu Ô-sào. 12
Bấy giờ Tào-Tháo đã đánh giết tan tành quân Thuần-vu-Quỳnh, bèn lột lấy áo giáp, cờ hiệu, cho quân Tào ăn mặc giả làm bại quân của Quỳnh, kéo về trại. Về đến con đường nhỏ ven núi thì gặp quân mã Tưởng-Kỳ. Quân này kêu hỏi. Quân Tào xưng là quân Ô-sào bị thua trở về 13 . Tưởng-Kỳ không ngờ, cứ thúc quân ta đi qua. Bỗng Hứa-Chử, Trương-Liêu nhảy bổ tới quát lớn:
- Tưởng-Kỳ! Chớ chạy!
Kỳ trở tay không kịp, bị Trương-Liêu chém một đao chết lăn xuống ngựa, đánh tan đoàn quân ấy. Rồi lại sai người chạy đi trước, báo về trại Viên-Thiệu rằng:
- Tưởng-Kỳ đã đánh tan hết quân Tào ở Ô-sào rồi!
Viên-Thiệu nghe tin, bèn không gửi quân đến nữa 14 . Chỉ một mặt đưa thêm binh tới Quan-độ. Còn Trương-Cáp, Cao-Lãm kéo quân đánh úp trại Tào, khi xông vào chỉ thấy trại... không người! Giật mình chưa kịp rút lui, thì quân phục của Hạ-hầu-Đôn đã từ bên tả đổ ra, Tào-Nhân dẫn quân từ bên hữu nổi dậy, chính giữa thì Tào-Hồng đánh ra. Quân ba mặt ép lại, quân Viên rối loạn thua to. Kịp khi quân tiếp ứng đến nơi, thì chính Tào-Tháo đã trở về đánh chặn mặt sau. Bị bốn mặt vây đánh, Trương-Cáp, Cao-Lãm phải cướp đường mà chạy.
Trong khi ấy Viên-Thiệu thân điều quân tàn bại từ Ô-sào về dinh, thấy Thuần-vu-Quỳnh mất mũi, đứt tai, ngón tay ngón chân cụt hết, thật là thảm hại! Bèn hỏi vì sao đến nói thất thủ Ô-sào. Quân sĩ cho rằng: Vì Quỳnh say rượu, nằm ngủ mê mệt nên không chống nổi giặc. Thiệu nổi giận, sai chém đầu.
Bấy giờ Quách-Đồ sợ Trương-Cáp, Cao-Lãm về trại thì tội mình sẽ rõ bèn nói dèm với Thiệu:
- Trương-Cáp, Cao-Lãm thấy Chúa-công bị thua, ắt trong lòng mừng lắm.
- Sao lại như thế?
- Hai tướng ấy vẫn có ý hàng Tào. Nay bị sai đi cướp trại, cố ý ngăn cản rồi không chịu hết sức đánh nên mới tổn hao quân mã...
Thiệu đùng đùng nổi giận, lập tức sai sứ đi triệu hai tướng về trại hỏi tội. Nhưng Quách-Đồ đã ngầm sai người đi trước báo với hai tướng rằng:
- Chúa-công sắp giết hai Tướng-quân đấy!
Khi sứ của Thiệu đến, Cao-Lãm sấn sổ hỏi:
- Chúa-công gọi bọn ta về có việc gì?
Sứ giả đáp:
- Không hiểu là việc gì.
Lập tức, Lãm tuốt kiếm chém chết sứ giả! Trương-Cáp giật mình sợ hãi. Lãm bảo Cáp:
- Viên-Thiệu chỉ nghe lời sàm nịnh, ắt rồi bị Tào-Tháo bắt. Chúng ta há ngồi bó tay chờ chết sao? Chi bằng hàng Tào cho xong!
Cáp nói:
- Tôi cũng nghĩ thế từ lâu!
Thế là hai tướng kéo quân mã bảo hộ sang thẳng trại Tào đầu hàng. Hạ-hầu-Đôn vào hỏi Tháo:
- Có hai tướng Trương, Cao tới hàng. Không biết hư thực ra sao?
Tháo nói:
- Ta cứ lấy ân hậu đãi người. Dù họ dị tâm, cũng có thể biến cải được. 15
Bèn sai mở cửa trại cho vào. Hai tướng đến trước mặt Tháo, bỏ giáo cởi giáp, bái phục xuống đất.
Tháo nói:
- Nếu Viên-Thiệu biết nghe lời hai Tướng-quân, thì đã không đến nỗi thua. Nay hai Tướng-quân đã chịu tới đây, tức cũng như xưa. Vị-Tử bỏ nhà Ân, Hàn-Tín về với Hán vậy.
Liền phong Trương-Cáp làm Thiên-Tướng-quân Đô-Đình-Hầu, Cao-Lãm làm Thiên-Tướng-quân Đông-Lai-Hầu. Hai người rất mừng.
Viên-Thiệu đã bỏ Hứa-Du, mất Trương-Cáp, Cao-Lãm, lại mất cả lương thảo Ô-sào. Lòng quân đâm rối loạn.
Hứa-Du mới khuyên Tháo tức tốc tiến binh. Trương-Cáp, Cao-Lãm xin đi tiên phong. Tháo ưng cho, liền sai dẫn quân đi cướp trại Viên-Thiệu. Canh ba đêm ấy, Trương, Cao chia quân ba đường đánh vào trại, hỗn chiến mãi tới sáng rồi thu binh về. Quân Thiệu bị hao tổn quá nửa. Tinh thần Thiệu đã núng, Tuân-Du bèn hiến kế với Tháo:
- Giờ cứ nói phao lên rằng: Ta đang điều động quân mã, chia một đoạn đi chiếm Toan-Tảo để tiến đánh Nghiệp-quận, một đạo đi chiếm Lê-Dương để cắt đứt đường về của quân Viên. Viên-Thiệu nghe tin này ắt hoảng sợ, phải chia quân ra chống cự. Thừa lúc quân địch chuyển động phân tán, ta đánh mạnh một trận là phá được Thiệu. 16
Tháo dùng kế này, cho ba quân lớn nhỏ đi phao tin ra bốn mặt. Tiếng đồn xa dần... Quân Viên nghe tin, chạy về trại báo Thiệu.
- Hiện Tào-Tháo đã chia quân hai đường: một đạo đi chiếm Lê-Dương, một đạo tiến đánh Nghiệp-đô!
Viên-Thiệu nghe tin, vô cùng sợ hãi, vội sai con thứ là Viên-Thượng đem năm vạn về cứu Nghiệp-đô, sai Tân-Minh kéo năm vạn nữa đi cứu Lê-Dương, cùng khởi hành ngay đêm ấy.
Tào-Tháo dò biết quân Thiệu đã chuyển động, liền chia đại quân làm tám cánh, cùng kéo sang một lúc, đánh thẳng vào trại Thiệu. Quân Viên bấy giờ không còn bụng nào chiến đấu, bỏ chạy tứ toán, hỗn loạn vô cùng. Thiệu không kịp mặc giáp đội mã, chỉ mang áo mỏng, đầu quấn chiếc khăn vội vã lên ngựa. Viên-Thượng chạy theo sau. Bốn tướng Tào: Trương-Liêu, Hứa-Chử, Từ-Hoảng, Vu-Cấm dẫn quân đuổi đánh. Thiệu vội qua sông, phải bỏ lại hết ấn tín sổ sách, xa-trượng, vàng lụa. Chỉ còn dẫn hơn tám trăm quân kỵ mà chạy. Quân Tào đuổi không kịp Thiệu, nhưng lấy được hết thảy những đồ bỏ lại, giết hơn 8 vạn quân Viên, máu chảy thành ngòi. Những người lăn xuống sông chết đuối cũng vô số. Tháo toàn thắng, đem những của cải vàng lụa bắt được, chia thưởng cho quân sĩ. Rồi lục xét rương sổ sách bắt được một bó thư tín mật. Xem qua một số, thì ra đó rặt là thư của những quan viên ở Hứa-đô và những người đang ở trong quân ngầm thông mưu với Viên-Thiệu! 17 Tả hữu khuyên Tháo:
- Nên đem các thư tín ra xét và bắt hết những kẻ có tên trong đó giết đi.
Nhưng Tháo gạt đi:
- Thôi, không nên. Đang lúc Viên-Thiệu mạnh thế, ngay đến ta đây cũng chưa chắc giữ nổi thân, nữa là người khác! Họ sợ Thiệu cũng phải.
Nói rồi truyền đem bó thư lớn đốt hết tại chỗ, không xem và không cho ai xem cả.
Bấy giờ quân Thiệu thua trận bỏ trại chạy hết. Chỉ còn Thư-Thụ, vì bị giam cầm, không chạy thoát kịp, bị quân Tào bắt, giải đến nạp Tháo.
Tháo với Thụ vốn cũng quen biết nhau. Nhưng Thụ vừa trông thấy Tháo đã vội kêu lớn:
- Thụ này không hàng đâu!
Tháo nói:
- Viên-Bản-Sơ là kẻ vô mưu, không nghe lời ông, sao ông còn chấp mê như thế? Nếu được gặp ông sớm hơn, thì việc thiên-hạ tôi còn lo gì!
Bèn hậu đãi Thụ, lưu lại trong quân. Nhưng đến đêm, Thụ lén dắt trộm ngựa trong trại, toan trốn về theo họ Viên. Tháo bắt được tức giận, sai đem chém. Cho đến lúc chết, sắc mặt Thụ vẫn bình thản như không! Giết Thụ xong Tháo bỗng hối tiếc than rằng:
- Ôi! Ta nóng giận, giết lầm kẻ sĩ trung nghĩa!
Bèn lấy hậu lễ tẩm liệm, sai xây phần mộ, an táng bến đò Hoàng-Hà. Lại đề sáu chữ, cho khắc trên mộ rằng: “Trung liệt Thư-quân chi mộ”.
Người sau có câu thơ khen rằng:
“Hà-bắc nhiều danh sĩ,
“Thư-quân rạng khí Thần.
“Nghiêng đầu tường trận pháp,
“Ngửa mặt hiểu Thiên-văn.
“Đến thác lòng không đổi.
“Lâm nguy chí chẳng sờn.
“Tào-Công khen nghĩa-liệt,
“Đề tặng nắm cô-phần
Nguyên văn:
“Hà Bắc đa danh sĩ,
“Trung-trinh thôi Thư quân.
“Ngưng mâu tri trận pháp,
“Ngưỡng diện thức thiên văn.
“Chí tử tâm như thiết,
“Lâm nguy khí tự vân.
“Tào công khâm nghĩa liệt,
“Đặc dữ kiến cô phần.
Rồi Tháo hạ lệnh tiến đánh Ký-châu. Đó chính là:
“Yếu thế, nhờ mưa mà hóa thắng,
“Nhiều binh, kém trí phải đành thua.
Muốn biết hai bên Viên Tào tiếp tục xung sát ra sao, xin đọc hồi sau sẽ rõ.
LỜI BÌNH CỦA MAO TÔN-CƯƠNG
(Thánh-Thán ngoại thư)
• Đang cái lúc Tào-Tháo kéo đi đánh Lã-Bố, Viên-Thiệu có thể kéo đại quân đánh úp Hứa-đô, mà không đánh, đó là lỡ mất một dịp. Đến cái hồi Tháo đánh Huyền-Đức, Viên-Thiệu lại có thể đem toàn sư đánh úp Hứa-đô, mà Thiệu cũng không đánh, đó là lỡ cơ hội thứ hai. Lại để đến khi Tháo đã diệt Lã-Bố, phá xong Huyền-Đức, Thiệu mới tranh thắng, thì đã muộn rồi. Tuy nhiên, nếu biết đem toàn sư đánh Quan-độ mà cầm cự mắt trước, rồi chia một cánh quân đi đánh úp Hứa-đô, chặn đường về của Tháo, cũng chẳng phải là không thắng trận, thành công. Thế mà Thiệu cũng không làm được nổi. Đó là lỡ ba cơ hội tốt. Đã lỡ dịp ban đầu, ắt liệu sức liệu thế không thể thắng lúc sau này, cho nên Điền-Phong biết rằng Thiệu phải thua vậy.
• Xưa, Hạng-Vũ cùng Cao-Tổ ước cắt Hồng-câu để chia đất xưng vương, rồi Cao-Tổ lại muốn trở về. Nếu không có Trương-Lương khuyên can đừng về, thì Hán, Sở chưa biết bên nào thắng bại vậy. Nay Viên-Thiệu chống nhau với Tào-Tháo ở Quan-độ, Tháo thấy thiếu lương, muốn bỏ về. Nếu không có Tuân-Húc khuyên can đừng về, thì Viên, Tào cũng chưa biết ai thắng ai bại. Đọc chuyện đến đây, quả như mở lớn cặp mắt nhìn cái bàn cờ còn đầy rẫy. Cái thế tranh thắng thì ở một nước cờ cao mà thôi. Viên-Thiệu đa nghi, Tào-Tháo cũng đa nghi. Nhưng Tháo nghi đã có Tuân-Húc làm cho quyết chí không nghi nữa, cho nên thắng lợi. Viên-Thiệu nghi, Thư-Thụ cũng làm cho quyết, nhưng Thiệu vẫn nghi. Hứa-Du khuyên nên quyết, Thiệu lại càng nghi hơn, cho nên phải bại trận vậy. Tháo biết nghi điều đáng nghi, nhưng cũng biết tin việc đáng tin. Như tin chắc việc Hàn-Mãnh tải lương không phải là dụ địch. Hứa-Du đến hàng, Tháo không nghi là dối trá, cho nên thắng. Viên-Thiệu nghi ngờ cái điều không đáng nghi rồi lại tin cái việc không đáng tin: Thấy lá thư Tháo gửi Tuân-Húc, thì nghi là “hư” nghe lời Thẩm-Phối buộc tội Hứa-Du, lại tin là “thực”. Nghe Hứa-Du khuyên đánh Hứa-đô, lại nghi là mẹo lừa. Nghe Quách-Đồ dèm pha Trương-Cáp, lại tin là thật, cho nên thua là phải lắm. Thua trận đầu ở Bạch Mã, chết mất Nhan-Lương. Thua lần thứ hai ở Diên-Tân, chết mất Văn-Xú, đó còn là những trận thua nhỏ. Đến lần thứ ba này, thì bảy mươi vạn đại quân chỉ còn hơn tám trăm kỵ binh! Lời luận “mười thắng mười bại” của Quách-Gia trước kia chẳng ứng nghiệm rõ ràng vào lúc này đó sao?
• Phàm cái phép dùng binh, phải lấy lương thảo làm trọng. Tuy nhiên có lúc phải bỏ lương của mình, cũng có lúc bên địch phải bỏ lương của họ. Hoặc khi quân hai bên tương đương nhau, thì ta bỏ lương là để dụ địch. Địch tranh nhau lấy lương ta, ắt địch phải rối loạn hàng ngũ. Địch rối loạn, ta ắt thắng. Ta thắng, ắt lương lại về ta như cũ. Đó là bỏ mà hóa không bỏ vậy. (như Tháo bỏ lương dụ quân Văn-Xú). Hoặc quân địch thế lớn áp tới, ta muốn đóng cửa trại cố giữ, cố giữ trại ắt để trống bên ngoài, trống bên ngoài thì phải tự thiêu hủy lương thực. Nếu không đốt, thì lương mình sẽ về tay địch. Đốt đi, ắt địch chẳng lấy được gì. Đó không phải mình bỏ lương mình. Chính là mình đoạn lương địch vậy. Còn nếu lương bên địch, mình có thể cướp được, thì nên cướp đi. Cướp được, ấy là lương địch thành lương ta. Nếu không cướp nổi, thì phải đốt. Đốt mà không hết thì mình chỉ được lợi nhỏ, địch chẳng hao tổn lớn. Đốt được hết ắt địch tổn thất lớn, tức là ta đại thắng lợi. Vì thế, đốt lương địch lợi hơn là cướp vậy.
• Tháo đem quân ít chống quân nhiều, lấy sức yếu chống sức mạnh, nếu không dùng kế lạ mưu kỳ, thì không thể thủ thắng. Xưa tay Cao-Tổ có Tiêu-Hà cung ứng lương cho quân Hán, nhưng không thể không có Bành-Việt đốt lương quân Sở. Nay Tháo tuy có Tuân-Húc lo ứng lương cho quân Tào, nhưng cũng không thể thiếu Hứa-Du bày kế đốt lương quân Viên vậy.
• Hán-Cao-Tổ ngồi trên giường vừa buông đôi chân xuống chậu cho thị nữ rửa, vừa tiếp Anh-Bố: coi thật là ngạo mạn. Đó là Cao-Tổ làm nhụt bớt cái kiêu khí của Anh-Bố! Tào-Tháo giẫm đôi chân không xuống đất, lật đật ra đón Hứa-Du, coi thật là ân cần. Đó là Tháo muốn làm cho Du vui lòng vậy. Một bên giỏi giá ngự, một bên khéo kết nạp. Tuy cái thuật không giống nhau nhưng hai bên giống nhau ở chỗ: cùng biết dùng được người vậy.
• Vua Quang-Vũ đốt hết thư tín thông địch, để bọn phản trắc lúc trước được sống yên lòng, đó là khoan thứ cho lòng người, sau khi thiên hạ đã bình định. Tào-Tháo đốt thư từ, để mọi người hết nghi sợ áy náy mà trở về với mình. Đó là yên lòng người trong lúc tình thế còn chưa yên. Một bên có độ lượng. Một bên giỏi quyền mưu. Việc làm tuy giống nhau, nhưng có dụng tâm không giống nhau.: Đế-vương có khí tượng Đế-vương, gian hùng có tâm sự gian hùng, trông rõ ràng lắm vậy.
• Viên-Thiệu nhiều binh, có thể chia ra đánh úp Hứa-đô. Tào-Tháo ít quân, làm sao có thể chia ra đánh úp Nghiệp-đô, lại lấy cả Lê-Dương nữa? Vì thế, Hứa-Du hiến kế cho Thiệu chính là muốn dùng “thực kế” phá Tào mà làm cho Tháo không kịp hay biết gì hết.
• Tuân-Du hiến kế cho Tháo là muốn dùng “hư danh” dọa cho Thiệu phải sợ. Đó chính là muốn cho Thiệu biết tin. Chiến thuật nhà binh “hư thực thực hư” không ai giống ai. Bộ Tam-quốc-chí có thể dùng làm quyển “Vũ-Kinh” thứ bảy vậy.
• Hàn-Tín, Trần-Bình, lúc đầu đều theo Sở, mà Hạng-Vũ “xua đuổi” sang cho Hán. Hứa-Du, Trương-Cáp trước đều thờ họ Viên sau Thiệu “xua đuổi” sang theo Tào! Thật đáng tiếc! Việc “xua đuổi của Hạng, Viên chỉ khác ở chỗ bên Sở còn lại Phạm-Tăng, bên Viên còn một Thư-Thụ. Than ôi! Những người như Tăng như Thụ phỏng được mấy người?
--------------------------------1 | Tức là anh ruột Khổng-Minh |
2 | Cố-Ung ít nói và không uống rượu. Tôn-Quyền thường nói rằng: “Cố-Nguyên-Thân ngồi ở đâu thì chỗ ấy kém vui nhộn đi”. Như thế là đủ biết Cố-Ung nghiêm chỉnh. |
3 | Một người phải địch 10 người. |
4 | Đã bị giam, vẫn còn lời lẽ phạm thượng. Điền-Phong e khó toàn được thân. |
5 | Thế là cả hai ông cùng được mệnh Vua, để... đánh nhau! |
6 | Lưu-Việp: ở tập I, đã phiên âm lầm là Lưu “Hoa”. Thật ra, chữ này đọc là “Việp” hoặc “Giệp” Phần mở đầu truyện, có ghi: Sách Hậu-Hán-thư của Phạm “Hoa”, cũng xin độc giả sửa lại là Phạm “Việp” cho đúng. |
7 | Nếu Tháo bỏ về, thì về luôn... Âm phủ! |
8 | Lá thư Tuân-Húc gửi Tháo là thư cứu sống. Lá thư Thẩm-Phối gửi Thiệu là lá thư phá hại ghê gớm. |
9 | Lá thư Tuân-Húc gửi Tháo là lá thư cứu sống. Lá thư Thẩm-Phối gửi Thiệu là lá thư phá hại ghê gớm! |
10 | Người ta nói thầm ông lại thét to! Lộ bí mật quân sự! Chết cả bây giờ! |
11 | Đúng với ý Tuân-Húc trong thư. |
12 | Trước nếu nghe Hứa-Du, Thiệu ắt thắng. Bây giờ nếu biết nghe Thư-Thụ, thiệu cũng không đến nỗi thua. |
13 | Lấy “Tưởng-Kỳ” giả để lừa “Thuần-vu-Quỳnh” thật. |
14 | Sai “Tưởng-Kỳ chính hiệu” đi đánh “Tưởng-Kỳ giả hiệu”. Lúc bấy giờ nếu dốc toàn lực đi cứu Ô-sào, ắt còn cứu vớt được ít nhiều lương thần khỏi cháy. Mà may ra còn đánh tan quân Tháo nữa. Thiệu không nghe Hứa-Du, không nghe Thư-Thụ, rồi lại không nghe Trương-Cáp. |
15 | Đã đem “Tưởng-Kỳ giả” lừa “Thuần-vu-Quỳnh thật”, giờ lại lấy “Thuần-vu-Quỳnh giả” để lừa “Tưởng-Kỳ thật” |
16 | Đã đem “Quỳnh giả” lừa “Kỳ thật”, giờ lại đem “Tưởng-Kỳ chết” lừa “Viên-Thiệu sống”. |
17 | Hơn người chính ở điểm quả quyết này. |