CHƯƠNG SÁU
Đường Lên Mặt Trời
1
Hồi niệm lại những biến cố chỉ để đặt những lo âu của mình vào đúng bối cảnh; nhưng sao những biến cố lịch sử đó nặng nề như thác lũ, như núi đổ không tương xứng với những dòng thổ lộ tâm tư trong suốt của Phượng gửi cho ông ta. Tâm tư như cánh bướm, bềnh bồng ve vuốt biến cố như giông bão dập vùi. Phượng đọc tiếp lá thư thứ sáu gửi cùng chung phong bì với lá thư thứ năm:
Ngày 4-9-1975
Ông kính mến,
Buốt cả hai vai. Cóng cả đôi môi. Ông nào có hiểu ở một vùng tối đen thăm thẳm có một con bé đương ngồi ôm đầu tự hỏi trên vòm cao hun hút kia có hành tinh nào có người ở không nhỉ, có con bé nào vớ vẩn như mình không nhỉ. Buổi chiều tôi ngủ thiếp gục đầu trên bàn học và mơ màng nghe:
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
Có phải là tôi bây giờ? Thời gian sao như cách xa vời vợi.
Ông ạ, hôm tôi trở lại Sài Gòn, bà chị tôi trao cho gói quà với lời dặn khi tới Sài Gòn mới được mở ra. Gói quà gồm toàn những vật dụng cần thiết rất thực tế nhưng có kẹp thêm tấm carte của chị với nét chữ quen thuộc – Il y a deux tragédies dans la vie: la première, c’est de n’avoir pas ce que son coeur désire, la second, c’est l’obtenir.
Chị biết ông mãi mãi là một ám ảnh lớn phủ chụp lấy tinh thần yếu đuối khốn khổ của tôi.
Ông ạ, tại sao trong những năm tháng quá ngắn ngủi kia lại có những giờ phút quá dài dằng dặc như thế này. Gửi đến ông một lần đường-lên-mặt-trời-nhớ-thương.
Kính thư, Ph.
Úp vở lên ngực, Phượng mỉm cười rất bằng lòng nhớ lại ngày đó chính Phượng đã ngẫu hứng dịch bài thơ tứ tự theo sát ý những dòng Pháp văn của chị Trang:
Bi kịch cõi đời
Hai chiều đối cực:
- Mơ chẳng chìu người!
- Ước thành sự thực!
Hôm gặp lại chị tại Sài Gòn, Phượng đọc cho chị nghe, chị cười hiền thiệt, mãi chị mới dịu dàng nói:
- Mi dịch cô đọng quá, tao muốn nới hai câu cuối thành:
Một là mơ chẳng chìu người
Hai là mộng đạt được rồi, chán chưa!
Rồi hai chị em cùng ôn lại những chuyện vui miệt vườn mà cả hai cùng sống trọn một tháng qua. Má còn dưới đó. Ngày má lên Sài Gòn thế nào mà chả mang theo nào vú sữa, nào mít tố nữ, nào lê-ki-ma. Nhà cửa, vườn cây trở về bàn tay săn sóc của ông chú bà thím.
2
Là sinh viên Quân y, năm 1974 học xong bệnh lý, anh Trung đi phục vụ chiến trường liền, anh phục vụ ngay tại Đại lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị. Mồ chôn tập thể những người dân Quảng Trị rút về Huế chết dưới hỏa lực Cộng sản hai năm trước (1972) vẫn ngổn ngang gò đống hai bên vệ đường. Xác xe cộ đủ loại – xe du lịch, xe hàng, xe nhà binh… cháy đen cũng vẫn nằm ngổn ngang hai bên vệ đường. Nhưng câu chuyện ma anh gặp vào thời này, mãi tới tháng 6-1975 anh mới kể cho bằng hữu ký giả nghe – trước ngày anh khăn gói đi học tập khoảng một tuần thì phải. Chính câu chuyện kể vừa vui vừa lạ của anh – mà Phượng được nghe ké – đã giúp Phượng khuây khỏa được phần nào những lo âu cho ông nhà văn vào dịp đó. Anh Trung vẫn có tài kể chuyện!
- Tới Đại lộ Kinh Hoàng – lời anh vào chuyện với các bằng hữu ký giả - tớ được cử ngay làm Y sĩ trưởng tại đơn vị phẫu thuật tiền phương nằm ở cửa biển Gia Đẳng. Làng Gia Đẳng thì bị san thành bình địa từ hai năm trước rồi. Phòng ở cũng như phòng mổ cấp cứu đều được che tạm bằng tôn hay vải dù trên những bờ tường trơ trụi. Anh em tiếp đón tớ niềm nở lắm và nói ngay là “đã có phòng riêng cho đại ca!” Đó là một phòng nhỏ ngay bên phòng mổ cấp cứu, chỉ cách nhau có hai cánh cửa lửng như các tiệm rượu trong phim cao bồi. Sau một ngày di chuyển, mệt!
Mười giờ tối tớ đã lên giường ngủ. Chợt thấy một cô gái đúng sau hai cánh cửa lửng, tì tay lên cánh cửa.
- Đẹp không? – Một anh cười hỏi.
- Cô mặc toàn đồ trắng và tớ có cảm tưởng là đẹp.
- Sao lại có cảm tưởng thôi?
- Quả thực là danh từ chính xác nhất tớ dùng đó. Chỉ có thể nói là có cảm tưởng mà thôi. Có cảm tưởng là cô gái khoảng mười chín, hai mươi tuổi, có cảm tưởng là cô đẹp, có cảm tưởng cô đang nhìn mình cười. Thoạt tớ giật mình sợ Việt cộng cho đặc công tới ám sát. Thấy cô vẫn tì tay vào cửa đứng im thì lại nghĩ lính đưa gái điếm từ Huế vô. Có thể thế lắm! Tớ bèn quát, “Ai?” Không biết có phát ra âm thanh hay không, chỉ biết khi tớ quát “Ai?” lần thứ hai thì cô gái đẩy cửa bước vào. Tớ rút khẩu rouleau
6 viên định bắn báo động nhưng không kịp, cô gái đã nhảy tới ôm ghì lấy tay.
- Bở! – tiếng người bạn vừa cười vừa giễu.
- Tớ cố vùng vẫy, đẩy văng cô ra cửa. Tỉnh hẳn. Vặn đèn dầu cho sáng hơn. Tuy nhiên lúc đó cảm nghĩ còn mông lung lắm, chưa dứt khoát suy luận có đầu có đuôi để nghĩ rằng đó là người hay là ma. Sau khi đã vặn đèn cho sáng hơn, tớ để khẩu rouleau ngay tầm tay, rồi nằm xuống, bắt đầu kéo chăn lên vừa tới ngang ngực, thì lần này không phải một mà là ba cô nhào vô, vẫn cô áo trắng thêm hai cô áo đen nữa. Một cô ôm chân, một cô ôm người, một cô chụp cái gì lên mặt mình. Lập tức tớ chân đạp, tay đấm, miệng la. Ba bóng ma vụt bỏ ra ngoài. Lại thấy ánh sáng trong phòng, đồng thời thấy một đệ tử đang lay gọi mình. Tên đệ tử nói: “Em thấy đại ca miệng ú ớ, đôi mắt mở nhưng không có tinh thần, khi thấy đôi mắt đại ca vụt sáng, lúc đó biết đại ca đã thực tỉnh rồi!” Trong khi đó phòng bên có tiếng khúc khích cười và tiếng nói vọng sang, “Đại ca bị nó đè rồi!” Đó là những tên đã ngủ trong phòng này và đã trải qua kinh nghiệm. Ba tháng sau, đúng hôm tớ sắp trở lại Sài Gòn trình luận án Y học, tớ gặp một Trung úy Thủy quân lục chiến đã từng dự chiến dịch sáu mươi ngày tái chiếm lãnh thổ đánh ngược từ tuyến Mỹ Chánh lên tới Cổ thành Quảng Trị, anh cho biết khi đội quân của anh tái chiếm tới căn nhà này, anh có thấy xác một thiếu nữ tóc dài, thân thể lõa lồ, ngang ngực có chiếc áo trắng, nằm chết vắt ngang bậc cửa.
Câu chuyện có duyên mà lại rờn rợn của anh Trung đã đánh lạc ý nghĩ lo âu của Phượng ít ra là mấy ngày. Anh Trung không hề đọc ông ta, nhưng tới đây thì Phượng đã đủ trưởng thành để khám phá thấy nghệ thuật đa dạng, phong phú ở tất cả mọi nơi, và qua câu chuyện kể của anh, Phượng như rút được bài học: Dù pha trộn hỗn hợp hay biến cải mọi trào lưu xô đẩy nhân loại, vẫn là chẳng có cái gì có thể ngăn chặn sự thông cảm tương giao giữa tâm hồn và ngoại vật.
Sau khi đám bạn anh Trung về, Phượng hỏi anh:
- Anh ơi, anh có thích dùng lý trí để soi sáng mọi chuyện?
- Lý trí? Những kẻ chỉ biết đơn thuần xưng tụng lý trí dễ biến thành một thứ điếm, một thứ thầy cãi ma cô ngụy trang lòe loạt những tội lỗi tày trời của mình. Em cứ nghe tụi Cộng sản lý luận, đúng là con đĩ lý trí cặp kè với thằng thầy cãi ma cô, chúng nó soi sáng đủ thứ, trừ chân lý!
Phượng rụt rè hỏi anh thêm câu nữa:
- Hồn ma cô gái trêu anh. Nếu quả có hồn ma, anh nghĩ gì về tình trai gái?
- Ờ, cô đã đủ lớn để anh nói cho nghe. Hình như trong đoạn đầu của Kinh Cựu Ước, quan niệm của Thiên Chúa giáo cho đó là tội lỗi nguyên thủy. Còn bên Phật giáo thì coi cha mẹ là những con kinh vận hà, nhờ đó các linh hồn có phương tiện đi đầu thai cõi trần, do đó tình dục, sinh lý giữa nam nữ có một ý nghĩa thiêng liêng cao quý.
Ngày 24-6-1975, anh đến trường Chu Văn An trình diện. Tưởng là đi học tập sáu ngày, ai ngờ thành hai năm rưỡi. Mãi đến cuối năm 1977 anh mới được tha về.
3
Phượng vẫn ưa chuyện ma, ưa đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Lần này Phượng đọc lại bức thư số bảy của mình thoải mái hơn.
Ngày 1-10-1975
Ông kính mến,
Biển máu đã không xảy ra ở Sài Gòn, nhưng quả thực đã có nhiều suối máu đổ ra ở lục tỉnh, nhất là ở các vùng quê hẻo lánh. Nghe nói chúng sẽ xử tử biểu diễn một nhà văn ngay tại Sài Gòn để uy hiếp tinh thần toàn thể giới văn nghệ sĩ miền Nam. Ước mơ duy nhất của tôi là ngày ngày vẫn được thấy bóng ông thấp thoáng nơi phòng khách nhà ông. Ngót một năm qua rồi, kể từ lần đầu tiên tôi nghe ông diễn thuyết ở đại giảng đường trường tôi. Ngày đó sao vẫn còn xa lạ với tôi, mặc dầu đôi lúc đã từng có những giọt nước mắt rơi khi tôi ôn lại kỷ niệm ngày đó. Buổi sáng nay tôi tới trường sớm, ngồi đúng chỗ cũ trên sân trường ngày nào, thoạt thấy ông qua cổng trường bước vào làm tôi bàng hoàng choáng ngộp.
Sao tôi sợ quá, sao tôi thèm có một bờ vai của người thân để ngả đầu vào, nhắm mắt lại, xóa hết mọi phiền muộn thống khổ. Ông ạ, tôi thèm được sống lại những ngày học thi bù đầu, mệt nhoài cả người. Dù đã biết những kỳ thi làm mình mụ người, nhưng nếu không có những ngày thi mình cũng không biết làm gì.
Buổi tối nhỏ bạn lại chơi. Nó biết tôi đơn côi, bất kỳ lúc nào có thể tới chơi là nó tới để sưởi ấm cho tôi. Tối nay nó ngồi sát bên tôi và cất tiếng hát nho nhỏ tưởng như cố ý ru tôi. Để tôi ghi lại lời ru đó ông cùng nghe với tôi:
Nhiều khi tôi như đứa bé không mẹ Nhiều khi tôi như đứa bé không mẹ Xa vắng âm thầm tái tê
Nhiều khi tôi như đi mãi không về Nhiều khi tôi như đi mãi không về Xa vắng âm thầm não nề
Nhiều khi tôi như sợi tơ trắng bay hoài Nhiều khi tôi như sợi tơ trắng bay hoài Xa vắng âm thầm khôn nguôi.
Nhỏ bạn ra về, còn lại mình tôi ngồi nguyên chỗ cũ. Trời bỗng nổi cơn mưa bất ngờ, bất ngờ với thiên hạ, nhưng rất chờ đợi với chính tôi. Cứ vậy tôi lẻn ra đường không đội nón. Tôi nhẩm ca lại bài hát của nhỏ bạn vừa rồi, và tôi cười một mình, khuôn mặt nhạt nhòa cả nước mưa lẫn nước mắt.
Tôi không còn sợ ông bực mình nữa, không ngại làm phiền ông nữa, dù là đã hơn một tháng qua, bây giờ - hơn mười hai giờ khuya rồi – tôi mới cầm bút viết tiếp gửi tới ông bức thư này. Tôi ôn lại ngày ngồi ở đại giảng đường, tưởng như nghe lại lời ông nói thật rõ ràng. Nhưng sao tôi không vui? Xin phép được đọc bài thơ nhỏ của chính tôi:
Ông đi ngang đó Ông về ngang đây (Có nhìn ra tôi) Như con chim nhỏ
Khóc trong vườn gầy
Ông đi qua đó
Ông về ngang đây
(Có nhìn ra tôi)
Mây chiều lãng đãng
Sầu đong vơi đầy.
Xin gửi đến ông thêm một lần đường-lên- mặt-trời-nhớ-thương.
Kính thư, Ph.
4
Hơn một tháng qua… Tin sẽ xử tử một nhà văn tại Sài Gòn nguôi ngoai đi. Chắc họ đã bỏ ý định đó, sợ thất chính trị. Nhưng tất cả nhà tù khắp miền Nam đều chật ních. T20 – trại tù Phan Đăng Lưu – đã được cấp tốc mở rộng, xây thêm một trại nhỏ gồm đủ một nhà giam tập thể cùng những phòng biệt giam. Biết bao cơ quan cũ, khách sạn cũ được cải biến thành nhà tù mà vẫn không đủ chỗ nhốt người. Tại một khách sạn cải biến thành nhà tù kia hết chỗ nhốt, đành phải nhốt tạm hai cô gái trong cầu thang máy. Một cô mót đi tiểu quá đành nhăn nhó với người đàn ông phía dưới “Chú ơi, cháu kẹt quá, chú tha lỗi cho cháu nhé” rồi tiểu. Người đàn ông phía dưới đã kịp né mình sang một bên...
Ngày 10-12-1975
Ông kính mến,
Tôi không biết phải nói như thế nào để ông không cho là tôi yếu đuối, để ông không nghĩ là tôi kể lể.
Ông ạ, ông đã cho tôi sức mạnh, niềm tin, đồng thời cũng đã cho tôi sự yếu đuối. Và với ông, tôi đã xóa hết tự ái, nhưng cũng với ông tôi tự ái nhiều hơn hết.
Đêm qua tôi chứng kiến cảnh một đám công an ập tới kiểm soát nhà một quân nhân cấp tá mà chúng nghi là chưa trình diện. Tiếng hét xẵng bắt phải bật đèn cấp tốc, tiếng gọi xách mé, cao ngạo, vô lễ… Ông ạ, bây giờ thì tôi thực hiểu địa ngục. Không cần phải chết xuống âm phủ mới biết, địa ngục lúc nào cũng có thể được chứng kiến nhỡn tiền: địa ngục ở bất kỳ hành tinh nào trong vũ trụ cũng chỉ là mưu cơ khủng bố, lừa lọc, gian ác, đàn áp, sợ hãi… Tôi thấy nghẹt thở và lẻ loi dễ sợ. Để ngăn cho mình không suy nghĩ, dịu bớt cơn đau đầu, để có chút tin yêu – dù niềm tin yêu quá mong manh trong đêm tối có đám công an Cộng sản đang vây bắt – tôi nghĩ đến ông. Tôi cắn chặt ngón út, nghĩ đến nụ cười và ánh mắt của ông, nghĩ đến những tình cảm trong sáng nhất đời người của tôi dành cho ông.
Sáng sớm nhỏ bạn đã tới. Phúc đức! Tôi đương cần nhỏ bạn, đức Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thế của tôi! Chúng tôi cùng tới ăn hủ tiếu Nam Vang, tiệm ngay bên hẻm nhà ông. Trời ơi, tôi đã xô ghế đứng dậy, nhỏ bạn nắm ngay tay tôi, nắm chặt đến bây giờ còn buốt: Ông vừa xuất hiện từ trong hẻm bước ra đường lộ, ông đi khoan thai, buồn vời vợi bên một người bạn có nét đăm chiêu khắc khổ hơn. Tôi không kịp nhận ra mình, không kịp nhận những phản ứng của mình và của những người xung quanh, tôi ngồi phịch xuống ghế, không rõ nhỏ bạn nói những gì. Ông và người bạn đã khuất sang phố khác. Một giấc mơ nhỏ bé nhất của tôi cũng không thực hiện được!
Hoàn cảnh âm u, ngày dài dằng dặc, ông vẫn còn đó thật gần gũi mà cũng vô cùng xa xôi.
Không còn được bao lâu nữa đâu. Tai nạn sụp đổ bất ngờ. Dập tắt. Cắt đứt. Tôi biết. những lúc trở lại tình trạng thê thảm não nề, tôi nghĩ đến ông, chút tin yêu cuối cùng duy nhất. Phải như tôi được gặp ông bây giờ, không cần có nhỏ bạn.
Kính tặng ông tất cả mong muốn còn sót lại của tôi và thêm một lần nữa gửi đến ông đường-lên-mặt-trời-nhớ-thương.
Kính thư, Ph.
@devuong529
đã sửa epub...
Không tải epub file được admin ơi.... làm ơn sửa lại dùm nghe... cảm ơn!