5.
Mưa lớn quá. Cần thức giấc nửa đêm và cứ nằm hoài không ngủ được. Tuy vậy, từ khi lâm bệnh, đây là lần đầu tiên anh thấy khỏe khoắn, dễ chịu. Chiều hôm qua, các bạn bắn được một con nhím và dành cho Cần một tô thịt, anh ăn với cơm và rau càng cua. Bữa ăn thật ngon lành hiếm có, ăn xong thấy đằm người chắc bụng và hạnh phúc. Cần ngủ một giấc thẳng, yên lành, tuy không được dài lắm.
Cần nằm nghe tiếng sấm xa và nghe được cả tiếng dòng sông chuyển mình ngoài kia, tiếng rừng hú vi vút. Cơn mưa đã đem lại cho những âm thanh ấy vẻ xa lạ, gợi nhớ và buồn. Anh thực sự thấy mình đang nằm giữa rừng trong khi ở một nơi rất xa, mẹ và lũ em của anh đang ngủ yên trong căn nhà gỗ ọp ẹp bên bờ kinh Khánh Hội. Đó là căn nhà má anh đã sinh ra và lớn lên như một thân cây khẳng khiu giữa nắng giữa gió.
- Ngủ không được, hả?
Duy cũng vừa thức giấc và hỏi. Cần nghe thấy giọng của bạn rất tỉnh táo nên lăn lại gần và nói nhỏ:
- Nhớ nhà quá, anh Duy ơi.
- Tao cũng nhớ. Nhưng nhớ rồi được cái gì?
- Ở đây cũng chẳng được cái gì. Làm ăn kiểu này chán quá. Tôi muốn về.
Duy mở to mắt ra nhìn bạn:
- Mày muốn bỏ hết cả cái quá trình phấn đấu của mày sao?
Cần im lặng. Anh nằm ngửa, nhìn mái nhà, đôi mắt thao láo, bất động, hai chân duỗi thẳng. Duy lặng lẽ nhìn bạn, một buổi sáng rất xa của những ngày đầu giải phóng chợt kéo lại gần, buổi sáng lạnh giữa đồng hoang.
*
Các đại đội đang kéo nhau ra đồng làm việc, họ đi thành hàng dài trên bờ kinh, vai vác leng, cuốc, xà beng… Duy bước vào một cái "sam" trống, thấy một người đang nằm trên chiếc sạp tre, quấn mền kín mít. Anh đứng quan sát một lúc rồi đến lay dậy:
- Sao ngủ trễ vậy? Dậy đi làm.
Người nọ vẫn chưa chịu dậy, chỉ trở mình rồi lại nằm im. Duy kéo mền ra. Đó là Cần. Cần dụi mắt, hỏi:
- Sáng rồi, hả?
- Mặt trời lên rồi.
Cần uể oải ngồi dậy, ngáp dài rồi theo chân Duy ra ngoài.
Sân trại đã vắng. Cần hỏi:
- Đi hướng nào?
- Đi súc miệng rửa mặt cái đã.
Cần rù rù tiến lại cái vò nước ở chái nhà, múc nước súc qua loa. Duy nhắc:
- Đánh răng đi chớ.
- Không có bàn chải.
Cần vừa nói vừa thọc ngón tay trỏ vô miệng, chà qua chà lại ít cái, phun nước ra có vòi rồi lấy áo chùi mặt.
Cần bước khệnh khạng theo Duy ra bờ kinh. Duy đưa cho anh ta cây cuốc. Cần kẹp nách đi và nói:
- Anh cho điếu thuốc.
- Thuốc tiêu chuẩn của đồng chí đâu?
- Dạ hết trơn rồi.
Duy đưa cho anh ta một điếu rồi đưa luôn điếu thuốc của mình cho anh ta mồi. Họ đuổi kịp toán thanh niên xung phong cuối cùng lúc ấy đang đứng tần ngần bên này một chiếc cầu khỉ.
Thấy Duy dẫn Cần ra, anh chị em thanh niên xung phong đều quay lại ngó. Cần không để ý tới điều ấy, cứ đứng ôm lấy hai vai vì lạnh. Anh ta nhìn những người nữ thanh niên xung phong qua cầu khỉ bằng đôi mắt trắng dã, kinh ngạc. Những người nữ vác leng, cuốc, đi thoăn thoắt qua cái cây gỗ nhỏ cong vòng bắc ngang dòng kinh. Những người nam thì có người qua cầu có người cởi quần áo cầm tay rồi phóng mình xuống nước, một tay đưa quần áo lên khỏi đầu còn tay kia bơi qua kinh. Họ bơi nhanh, cười đùa, té nước lên chọc các cô gái trên cầu.
Lát sau mọi người đã sang bên kia cầu chỉ còn Duy và Cần đứng bên này. Duy nói:
- Đưa cuốc đây, tôi cầm cho, anh qua trước đi.
Cần liếc nhìn Duy, cái nhìn trắng dã và hoảng sợ. Anh ta vẫn ôm chặt lấy hai vai mình và người thì thu nhỏ lại.
- Tôi không qua đâu.
- Qua đi, Duy nói, có gì mà sợ. Các bạn nữ còn qua được.
Nhưng Cần lại lùi một bước. Phía bên kia bờ các bạn thanh niên xung phong cười rộ lên:
- Qua đi!
- Thúy đâu? Qua dẫn em bé qua cầu.
Cô gái tên Thúy nhanh nhẩu chạy qua cầu và đến bên Cần:
- Anh qua đi. Tôi đỡ anh.
Cần nhìn cô gái lấm lét, mặt không có nét ngượng nghịu nhưng lại đầy vẻ sợ hãi như một con thú cùng đường. Thúy đẩy lưng Cần đi tới. Cần run rẩy đặt bàn chân lên thân cây khẳng khiu và cúi nhìn xuống giòng nước. Thúy vẫn đỡ lưng anh ta:
- Đừng nhìn xuống, Thúy nói, cứ nhìn thẳng mà đi.
Nhưng hai chân Cần cứ run lên và mắt đổ hào quang. Bên kia bờ kinh các bạn trai nghịch ngợm thì vỗ tay từng chặp và la lên:
- Dư. Sức. Qua. Cầu. Dư. Sức. Qua. Cầu.
Họ vừa vỗ tay vừa nhấn từng tiếng khiến cho Cần bối rối thêm, anh ta đã ra tới giữa dòng và lảo đảo. Thúy la lên:
- Coi chừng té!
Nhưng Cần đã lộn cổ xuống dòng kinh rồi. Mọi người cười rộ lên. Duy cũng không nín cười được. Còn Cần thì giãy giụa trong dòng kinh, ngụp lên ngụp xuống, lóp ngóp, kinh hoảng…
Một thanh niên xung phong đã phóng xuống kinh và đưa Cần vào bờ. Vừa lên bờ xong người bạn chưa kịp vuốt mặt thì Cần đã chỗi dậy, và trong cơn giận điên khùng của anh, anh ta đã bất ngờ tống một quả đấm vào mặt người bạn vừa cứu mình. Mặt Cần tái mét run rẩy thất thần. Người bạn ngạc nhiên trước phản ứng ấy, quay phắt lại định trả miếng nhưng khi chạm phải cái khuôn mặt thảm hại của Cần thì anh ta lắc đầu rồi lặng lẽ đến lấy cây leng của mình và bỏ đi.
Tối đó Cần lên cơn ghiền. Anh nằm nhắm mắt chịu đựng nhưng một lúc lại bật dậy mắt long lên sòng sọc, trắng dã. Duy và cô y tá ngồi bên anh ta cố đỡ anh ta nằm xuống. Cần rên hừ hừ và hỏi:
- Có thuốc ngủ không?
- Không.
Cần thì thào:
- Ma-xê-tông.
Duy quay sang cô y tá, hỏi:
- Ma-xê-tông là cái gì vậy?
- Đó là thuốc kích thích ngựa đua.
- Trời ơi, tôi không ngờ.
Cần lại bật ngồi dậy, vùng ra khỏi sự kiềm chế của hai người. Anh ta đi qua đi lại lục lọi trong những cái thùng giấy cũ, những lon sữa bò rỗng.
Cô y tá hỏi:
- Anh tìm cái gì vậy?
- Đường. Cho tôi một chút đường.
Duy chạy về sam của mình mở ba lô lấy phần đường tiêu chuẩn của mình đem lại. Cần vừa thấy đường đã vồ lấy, đổ xối xả vô cái ca nhựa rồi đổ nước vào, thọc ngón tay quậy và uống ừng ực. Xong, anh ta lại giường nằm, mặt vẫn nhăn nhó, hai mắt nhắm nghiền.
*
Thấy Cần nằm im, Duy đặt một tay lên vai bạn và hỏi:
- Ngủ hả?
Cần lại mở mắt ra:
- Không. Tôi hết buồn ngủ rồi. Mưa lớn quá.
- Tại sao mày lại có ý định bỏ về?
- Mưa buồn quá. Chưa bao giờ tôi lại buồn như lúc này. Sao thấy cuộc đời mù mịt, tương lai mù mịt quá. Anh có chắc là mình xây dựng được chủ nghĩa xã hội không?
- Chắc hay không cũng tùy mỗi người. Có xây dựng thì nó mới được, chớ không làm gì cả thì làm sao mà được.
- Mình đã làm suốt ba bốn năm nay. Bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu là nhiệt tình cách mạng, bao nhiêu là sức lực, khả năng của tuổi trẻ nhưng từ đó đến nay có thay đổi gì đâu. Vẫn tranh, tre, nứa, lá. Vẫn ngủ sạp tre, ăn bo bo với muối, với cá khô.
- Nhưng mình đã đào được những hệ thống thủy lợi lớn như Tam Tân, Ba Gia…
Một cành cây đổ bên ngoài làm hai người ngừng nói. Có tiếng ho ở phòng bên cạnh, tiếng ngáy đều của một vài người bạn và gió vẫn vi vút trong rừng. Cơn mưa đã dịu xuống nhưng vẫn đưa lại cái vẻ mênh mông, đều đều buồn bã trong tiếng nước rơi trên mái nhà, trên lá rừng, trên mặt đất…
Duy nói tiếp:
- Mình đã xây dựng những vùng kinh tế mới… Những công…
Cần ngắt lời:
- Thôi, anh đừng an ủi tôi. Tôi biết anh nói vậy nhưng không nghĩ vậy. Anh nói những điều đó giống như trong sách báo. Thực tế là những dòng kinh chúng ta bỏ công ra đào có dùng được bao nhiêu đâu. Những vùng kinh tế mới chúng ta đổ mồ hôi ra xây dựng thì bây giờ có còn ai nữa đâu. Đồng bào đã bỏ về hết rồi. Họ nằm đầy các vỉa hè, anh không thấy sao? Và như thế là những công sức của chúng ta trở thành vô ích. Lâu nay chúng ta đã làm những việc vô ích.
Duy nói nhỏ vừa đủ để Cần nghe:
- Nó có thể là vô ích ở mặt này nhưng có ích ở mặt khác.
Cần cười nhẹ, ngạc nhiên nhìn Duy và hỏi:
- Mặt nào?
- Mặt rèn luyện con người.
- A, thế ra trong thâm tâm anh vẫn đồng ý với quan điểm của Phạm Sơn về "lao động rèn luyện con người" à. Thật tôi không ngờ.
Duy bình tĩnh nói:
- Hãy nói nhỏ để cho các bạn ngủ. Không phải là tao đồng ý với Phạm Sơn. Cho đến giờ này Phạm Sơn vẫn chủ trương rằng lao động chung chung, hễ cứ có lao động là có rèn luyện con người, lao động càng cực nhọc thì sự rèn luyện càng có hiệu quả. Quan điểm ấy đúng, nhưng chỉ đúng ở giai đoạn mở đầu, giai đoạn khai phá con người. Mày cứ ôn lại trường hợp bản thân mày hay chính trường hợp của tao đây thì rõ. Có phải ngày nay chúng ta trở thành những con người lành mạnh, có năng lực, có lý tưởng, chúng ta hiểu được mình sống để làm gì và chúng ta đã sống rất vững vàng trước mọi thử thách… chính là nhờ chúng ta đã được rèn luyện trong giai đoạn đó không? Trước khi đi thanh niên xung phong mày là ai, khi mới vào thanh niên xung phong mày làm gì? Mày còn nhớ không?
Cần im lặng. Anh mò tìm bao thuốc trên đầu nằm, rút một điếu đưa cho Duy và tự châm cho mình một điếu. Hai người lặng lẽ hút thuốc.
Duy nói tiếp:
- Chúng ta cũng như những thỏi quặng thô sù sì chưa xài được vào việc gì cả. Những năm lao động đầu tiên của đời thanh niên xung phong là cái lò lửa đã luyện chúng ta thành những thỏi thép. Chúng ta đã thành thép từ lâu rồi, đáng lẽ Phạm Sơn phải đem chúng ta ra mà rèn thành những thanh kiếm thì ông ta lại vẫn cứ bỏ mặc chúng ta trong lò lửa đỏ, càng ngày càng hao mòn, thoái hóa dần… Đó chính là sự khác biệt rất lớn, rất cơ bản giữa quan điểm dùng người của Phạm Sơn và của chúng ta.
Cần vỗ vỗ lên bụng bạn:
- Anh nói hay lắm, anh Duy ạ. Tôi đã hiểu.
- Vậy thì mày nên bỏ ý định trốn đi.
- Nhưng ở lại, chúng ta phải làm gì? Bây giờ ông ta lại bày cái trò chuyển củi ra bờ sông để chở bằng ghe.
- Chúng ta đã có dịp chứng tỏ cho ông ta thấy rằng mình không còn là những mẩu quặng sù sì nữa mà đã thành những thanh kiếm. Chúng ta phải tranh đấu đòi được sử dụng như những thanh kiếm. Chúng ta đã xây dựng những cơ sở vững chắc cho một nông trường thanh niên xung phong ở vùng đất mới. Hy vọng và tương lai của chúng ta là ở nơi đó. Chúng ta cần tiếp tục chứng tỏ khả năng lao động sáng tạo, khả năng quản lý và lãnh đạo của lớp trẻ mới.
Tiếng gà rừng gáy te te giữa tiếng mưa rả rích. Bên ngoài trời đã hửng sáng và gió cũng lặng đi. Có tiếng chân của hai ba người đi bên ngoài rồi có tiếng nói:
- Mưa suốt đêm. Ra sông coi nước có lớn không.