5
Ngày 10 tháng 10...
Thưa mẹ,
Đáng lẽ ra, để khỏi làm mất thì giờ quí báu của mẹ, con chỉ được tường trình với mẹ về công tác từ thiện mà con đang làm để thực hiện lời con hứa nhân ngày kỷ niệm thánh Antoinette, vị thánh bổn mạng của mẹ. Nhưng qua những lá thư mà con đã gửi mẹ, bỗng nhiên con tìm thấy một con đường vụt mở rộng trước tương lai của con. Con đường mà con thấy đầy hoa thơm cỏ lạ, ở đó thời gian được làm ngừng lại, muôn ngàn sự việc kết tinh thành những ý nghĩ thuần khiết, và con sẽ đem những ý nghĩ ấy kết thành từng trang giấy để gửi mẹ. Cũng con đường ấy, con cảm thấy càng đi sâu vào, tâm hồn con càng xao xuyến nhiều nỗi niềm rung động. Con đã nghe thấy tiếng nhựa sống chuyển mình trong thân cây, tiếng thở dài của một chiếc lá úa nằm phơi mình trên nệm cỏ hay những lời lẽ âm thầm chuyển đi qua tiếng chuông nhà thờ ngân nga vào những buổi chiều sắp tắt. Con đường mà con tin chắc rằng nó sẽ dẫn con đi tới một thế giới kỳ lạ, ở đó cảnh vật hòa lẫn với ý nghĩ, chỉ cần tâm niệm và gìn giữ cho ý nghĩ của mình trong sáng thì bầu trời cũng sẽ trở nên quang đãng, cây cỏ trở nên tốt tươi và số phận hẩm hiu của những cuộc đời khốn khó cũng được chiếu sáng bằng ánh sáng của tình thương yêu và nhân ái. Con đường ấy là sự gợi lên tiếng nói của yên lặng bởi vì chỉ có sự yên lặng mới hàm chứa đầy đủ mọi âm thanh gây ra bởi những việc làm tốt đẹp cũng như xấu xa. Sự kỳ diệu này chứng tỏ trong đoạn văn của Georges Duhamel viết về đoạn Quang cảnh Ba Lê nhìn từ tháp nhà thờ Notre Dame mà con mới đọc được trong một cuốn sách giáo khoa. «Có một lúc im lặng kéo dài. Người ta nghe thấy từ dưới đất vọng lên những âm thanh, không phải là tiếng ồn ào hỗn tạp mà là cả ngàn tiếng động, cả ngàn tiếng riêng rẽ và khác biệt. Người ta nhận ra từng tiếng xe chạy, tiếng vó ngựa từng con, tiếng giầy của mỗi kẻ đi đường, tiếng rao của người bán hàng, tiếng gọi của một bà mẹ, tiếng còi của bộ máy, tiếng cọt kẹt của một cánh cửa, tiếng vĩ cầm than thở, tiếng chuông ngân nga, có lẽ cả tiếng động của một đồng bạc cắc, và bỗng nhiên có tiếng trong trẻo của của bọn trẻ đang chơi đùa trong sân Tòa Giám Mục, tiếng chúng reo hò, ca hát, nói năng, gần như nghe thấy cả hơi thở của chúng...
– ... Bởi vậy mà em tin là Chúa ở trên cao phải nghe thấy tiếng động của trần gian, chắc Chúa cũng như chúng ta trong giây phút này, phân biệt được lời than van của người này, tiếng kêu la giận dữ của kẻ kia, tiếng ca vui của người nọ. Giá mà thính tai thêm một chút nữa thì em có thể nói : Có một người thọt cũng đang đi, có một công nhân đang tất tả vì sợ bị đuổi, và có một thằng bé đang nói dối lần đầu tiên».
Thưa mẹ, con tin rằng chỉ những nghệ sĩ đi theo con đường mà con đang trình bày với mẹ mới có thể thấu suốt được vạn vật một cách sâu xa và kỳ diệu đến như thế.
Bởi vì chính con đường ấy đã biến nghệ sĩ thành sứ giả, thông ngôn lại tiếng nói thầm kín ẩn sâu trong những ước vọng của con người, để đem đến cho cuộc sống một sự thấu hiểu và cảm thông.
Con đường ấy còn là lối thoát mở cửa cho những tâm hồn hèn mọn như tâm hồn của con, cho những cuộc sống thấp kém như những cuộc sống của chúng con được có cơ hội nhìn lên cao, sung sướng, thẳng thắn và hãnh diện.
Thưa mẹ bề trên,
Con đường ấy chính là sự sáng tạo, là lãnh vực của những người cầm bút, là xứ sở do những ngôi sao sáng từ lâu đã trị vì, xứ sở của Alphonse Daudet, Anatole
France, của những tác giả mà con được các ma soeur cho phép đọc trong tủ sách của thư viện nhà trường.
Con xin được làm một thần dân bé nhỏ và mới mẻ của những vị vua sáng chói ấy. Nhưng khác một điều, là bạn bè của con, những nhân vật của con, những sự việc mà con sẽ nói tới sẽ mãi mãi chỉ là những tuổi thơ đau khổ mà chính nhờ ở mẹ, con đã được biết tới, cảm thông và quyết phơi bày lên trang giấy. Con sẽ không có cao vọng in những hàng chữ thô sơ này thành sách, con cũng không có cao vọng mong tất cả mọi người sẽ cùng đọc lên những ý nghĩ thầm kín của con mà con tự hứa sẽ chăm chỉ viết hàng ngày một cách đều đặn. Con chỉ xin coi việc làm đó như ý nghĩa của một sự tự nói chuyện với mình, một cách du ngoạn trong thế giới kỳ ảo của nghệ sĩ và con chỉ xin tường trình những điều đó dưới cặp mắt khả kính của mẹ. Chỉ cầu xin mẹ chấp nhận cho con điều đó là con đã đủ thấy lòng vô cùng sung sướng một cách trọn vẹn lắm rồi.
Thưa mẹ,
Đã có lần con trình bày với mẹ về trường hợp của Cúc, cô con gái có khuôn mặt trái soan, nước da đen ngâm ngâm, cái trán bướng bỉnh và đôi mắt lúc nào cũng mang vẻ hận thù. Thu Cúc là con của một gia đình không lấy gì làm nền nếp lắm. Ba của Cúc có vẻ không thương yêu gì đứa con gái mang số phận hẩm hiu này. Bởi vì Cúc là con của người vợ trước. Mẹ Cúc mất đi từ năm Cúc lên tám, cho đến bây giờ thì Cúc đã mười bẩy. Chín năm trời sống thiếu thốn tình thương, hoàn cảnh biến Cúc thành một cô gái quá quắt, ích kỷ, cô đơn và đôi khi còn độc ác một cách rất bình thản nữa. Trong lớp Cúc học hành một cách lơ đãng, không bao giờ Cúc chịu tìm hiểu những điều hay trong giáo lý, không bao giờ chịu khuất phục hoàn toàn trước bất cứ một ma soeur nào ở đây cả. Sự vâng lời của Cúc bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa bị đè nén, áp bức và tia mắt của Cúc luôn luôn phát ra cái ánh sáng của sự oán hờn hay thù hận. Như thế, tất nhiên những thái độ của Cúc chẳng thể nào chiếm được lòng tin yêu của các soeur trong Thánh Mẫu học đường. Tuy vậy các bà vẫn để cho Cúc yên ổn với sự cô độc của nó, miễn đừng phá phách hay lôi cuốn những người khác vào vòng tối tăm, mờ ám đang ám ảnh tâm hồn của Cúc. Một đôi khi có giận dữ lắm thì bà Madeleine chỉ hét lên thật lớn :
– Đổ quỷ dữ ! Đồ quỷ dữ định phá phách cái gì ở đây chứ !
Rồi bà vùng vằng bỏ đi, khuôn mặt đỏ rừ, làn môi mỏng của bà tái lại và trở nên run run. Mỗi lần như thế Cúc đều bị phạt ăn cơm với muối trắng. Và bao giờ Cúc cũng lại phản đối bằng thái độ không ăn uống gì cả rồi tìm cách thủ tiêu lọ muối trắng vào bất cứ một xó xỉnh nào mà có khi cả tháng sau do một sự tình cờ người ta mới tìm ra.
Một lần trong bữa ăn, bốn chị bị phạt repas sec. Đó là chị Nguyệt Hồng, chị Lucie, chị Thanh Thảo và Thu Cúc. Bốn người được dọn riêng một bàn và có bà Cécile trông coi. Bà đứng nghiêm trang như một viên cảnh sát đắc lực, cặp kính trễ xuống tận sống mũi để lộ ra hai con mắt lạnh lẽo một cách dữ dội lúc nào cũng gườm gườm nhìn các chị như sẵn sàng vồ lấy một chị phạm lỗi để quất vào mông chị ta đau điếng. Điều đó khiến Nguyệt Hồng, Thanh Thảo và Lucie len lét như cố thu nhỏ lại trên mặt ghế. Các chị ấy cố gắng nhai những miếng cơm khô khan bằng một vẻ hết sức uể oải. Chỉ có Cúc là vẫn giữ nguyên vẻ bình thản. Nó gẩy từng hạt cơm vào miệng một cách rời rã, không chú ý trong khi đó cặp mắt của Cúc nhìn miệng ba người kia với ánh tinh nghịch. Hình như Cúc có vẻ khoái về sự có bạn đồng hành trong hình phạt của các soeur giáng xuống. Nhưng bà Cécile đã không để cho Cúc được ngắm người ta lâu hơn. Ngọn roi của bà đã chĩa vào đúng ngay giữa cằm của Cúc và đẩy từ từ cho cái đầu của nó ngay lại. Vừa làm bà vừa nói :
– Hãy lo lấy phần của mình. Phải vừa ăn vừa suy nghĩ về tội lỗi của mình đã gây ra. Như thế lần sau mới nhớ mà chừa đi được.
Cúc buông ngay đôi đũa xuống bàn và nói :
– Thưa ma soeur con đã suy nghĩ rồi và con thấy con không có lỗi gì cả !
Căn phòng đang rì rào tiếng nói nho nhỏ bỗng im phăng phắc. Tất cả mọi người đều ngừng tay và hướng về phía Cúc với một vẻ hồi hộp. Con bé gớm thật ! Chỉ có một mình nó là dám ngang nhiên nói lên những điều mà nó đang nghĩ. Còn tất cả ở đây không một ai có đủ can đảm để làm công việc ấy, cho dù ai cũng tự cho rằng mình bị thọ hình một cách oan uổng cả.
Lời nói của Cúc làm bà Cécile giật thót người lên. Ngọn roi hạ từ cằm xuống vai của Cúc một cách sững sờ. Trong khi đó cặp môi hồng và mỏng của bà Cécile bắt đầu tái lại và trở nên run run. Bà xốc lại cái gọng kính cho khỏi tụt xuống trễ trên sống mũi rồi bằng tất cả sự cố gắng để nén cơn tức giận của mình bà ráng sức nở một nụ cười, nhưng trong hoàn cảnh ấy, phù hợp với vẻ mặt ấy, nụ cười như bị méo đi, kéo hai bên mép của bà nhếch lên làm làn da ở má đã rúm ró lại càng trở nên rúm ró. Vì thế trông bà đầy vẻ dữ dội, sự dữ dội hàm chứa một vẻ thâm trầm, nguy hiểm. Cười xong mặt bà Cécile vụt lạnh băng lại và lần này thì bà cất tiếng nói, đủ to để cho tất cả mọi người nghe thấy :
– Các soeur không xét xử ai oan uổng bao giờ. Nhưng nếu Thu Cúc thấy là mình bị oan uổng thì tôi cho phép cô trở về bàn ăn chỗ mọi ngày và tôi tuyên bố là hình phạt repas sec hôm nay còn có ba người.
Rồi bỗng nhiên bà đổi giọng :
– Thế nào, chị Nguyệt Hồng, chi Lucie, chị Thanh Thảo, các chị có thấy rằng mình bị oan uổng không ?
Cả ba người vội vàng líu ríu nói :
– Thưa ma soeur không... chúng con xin nhận tội và xin hứa xin chừa...
Mặt bà Cécile tươi lên, bà «à» lên một tiếng thích chí, vành môi đang mím lại chợt trễ xuống, và hàm dưới của bà bỗng lúc lắc khiến cho khuôn mặt của bà như có vẻ được dài thêm ra. Nhưng cái nét tươi tắn bí hiểm ấy vụt tắt ngay như ánh sáng của một vì sao rụng, và trong chớp mắt vẻ mặt của bà càng trở nên lạnh lùng, dữ dội bằng mấy lần lúc trước. Bà chiếu ngay cái nhìn về phía Thu Cúc, ở đó bà bắt gặp khuôn mặt thản nhiên gần như chai đá của con bé liều lĩnh. Nó không đứng dậy, không đổi thế ngồi, cũng không cả biểu lộ một vẻ gì gọi là bối rối. Sự im lặng của nó khiến bà Cécile phải cất tiếng :
– Thế nào, cô học trò gương mẫu. Cô không phải chờ tôi mời cô lại một lần thứ hai nữa đấy chứ ?
Thu Cúc vụt nhìn bà bằng cặp mắt oán hận rồi từ từ kéo ghế đứng dậy. Cả phòng ăn nín thở nhìn theo điệu bộ của cô bé bướng bỉnh. Cúc rời khỏi chỗ ngồi và lẳng lặng đi về phía giữa phòng. Khi qua mặt bà Cécile, Cúc sầm mặt xuống, và nó giữ vẻ hiên ngang không kém sự hiên ngang của bà. Bỗng nhiên bà Cécile dùng cái đầu roi gõ ngay lên vai Cúc và gọi giật lại :
– Cúc !
Cúc lẳng lặng đứng lại rồi quay mặt về phía bà. Bà Cécile ngắm lại Cúc một lần nữa từ đầu đến chân rồi hỏi :
– Hôm nay ai phạt cô ?
– Thưa ma soeur, soeur Juliette !
– Về tội gì ?
– Thưa ma soeur con không biết !
Bà Cécile cười «khạch» một tiếng thật kêu rồi với lấy tập hồ sơ để ở gần cửa sổ. Bằng điệu bộ thật chậm rãi và cố tình làm ra vẻ quan trọng, bà giở từng trang, dò từng dòng, truy từng tên, rồi một lát thật lâu, bà mới đọc lớn :
– Lưu Thu Cúc, cours troisième, phạm lỗi vì không nghe giảng giáo lý, không thuộc bài, bướng bỉnh lý sự, đề nghị hai ngày cơm muối trắng và chép phạt năm mươi lần lời tiên tri của Isaia !
Đọc đến đây bà Cécile bỗng ngừng lại và ngẩng lên nhìn. Bà bắt gặp ngay chị Ái Mỹ đang nháy nhó bằng cặp mắt láu lỉnh với chị Bích Hồng. Lập tức bà lớn giọng :
– Thế nào, chị Ái Mỹ ! Chị thuộc lời tiên tri của Isaia đó chứ ?
Mặt chị Ái Mỹ đang tươi tỉnh bỗng xám ngoẹt lại. Chị đứng dậy với đầy vẻ bối rối, hai bàn tay chị xoắn lấy cái mép khăn giải bàn. Đầu chị cúi xuống. Hai vành tai dần dần đỏ ửng lên. Bà Cécile lại bật lên một tiếng cười khô khan và ngắn. Bà ngắm chị như ngắm một món hàng quí báu rồi thốt nhiên bà đập ngọn roi xuống mặt bàn và nói bằng giọng giận dữ :
– Trong sáu mươi người ở đây những ai thuộc thì đứng dậy cho tôi coi.
Tất cả mọi người đều buông đũa, đứng dậy đều một loạt. Bà Cécile mỉm một nụ cười hài lòng. Bà vẫy bàn tay ra hiệu cho ngồi xuống rồi nói với chị Thanh Thủy ngồi gần đó nhất :
– Hãy đọc cho mọi người nghe lại một lần nữa lời tiên tri của Isaia.
Chị Thanh Thủy chưa kịp ngồi hẳn xuống đã lại vội vàng đứng dậy. Hai tay chị khoanh chéo vào nhau. Mắt chị ngước lên trần như những lần trả bài cho bà Juliette. Và chị bắt đầu đọc liến thoắng :
– Trong sách Sấm Ngôn, tiên tri Isaia nói rằng : «Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai đặt tên là Emmanuel nghĩa là Thiên chúa ở cùng chúng tôi. Hãy dọn đường tới Chúa, hãy san lối cho phẳng, lấp hố sâu cho đầy, núi đồi hãy bạt cho thấp, đường ngõ quanh co phải uốn cho phẳng, mọi người sẽ được nhìn thấy Chúa Cứu Thế. Luật của Chúa sẽ ban từ Sion, lời của Chúa sẽ phán từ Jérusalem. Người sẽ thống trị các quốc gia và phán xử các dân tộc. Khi đó người ta sẽ lấy gươm rèn lưỡi cầy, lấy giáo đánh thành liềm hái, các quốc gia không còn đâm chém lẫn nhau và tất cả cùng chỗi dậy đi tới ánh sáng của Đấng toàn năng...»
Bà Cécile «à» lên một tiếng mãn nguyện nữa rồi nói :
– Đáng khen ! Tất cả nữ sinh của Thánh Mẫu học đường đều phải đáng khen như thế. Thế còn chị Ái Mỹ. Chị trả lời tôi làm sao về sự bê bối của chị đây ?
Ái Mỹ lắp bắp trả lời :
– Thưa ma soeur con xin nhận lỗi. Con hứa. Con chừa!
– Chép phạt năm mươi lần và nạp cho tôi vào giờ cầu nguyện buổi tối ngày mai.
Chị Ái Mỹ lẳng lặng ngồi xuống. Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả mảnh lưng áo trắng của chị. Tất cả mọi người vẫn đều im lặng và bây giờ bà Cécile lại chĩa mũi dùi về Thu Cúc :
– Còn chị nữa. Nếu chị kêu oan thì chắc là chị có thể đọc lại cho tôi nghe một lần nữa, nhanh nhẩu như thế, trơn tru như thế và dễ dàng như thế chứ ?
Thu Cúc khẽ nhún vai :
– Thưa ma soeur không thể được !
– Tại sao không thể được ?
Thu Cúc dằn giọng :
– Bởi vì thưa ma soeur, con là kẻ ngoại đạo !
Cả phòng «ồ» lên một tiếng bất ngờ, và bầu không khí bỗng náo nhiệt hẳn lên. Lập tức bà Cécile đập đen đét cái roi xuống mặt bàn, mặt bà đỏ rừ lên, môi của bà vừa run vừa tái, bà hét lớn :
– Im ! Im hết ! Các cô định giở cái trò dơ dáy gì ra đây mà ồn ào như vậy chứ ?
Sự ồn ào bị cắt đứt ngay lập tức và tất cả ai nấy đều tìm lại vẻ nghiêm trang bình thường. Nhưng cặp mắt của bà Cécile không vì thế mà giảm đi vẻ long lanh giận dữ mà ai cũng đều cảm thấy đang ở mức quá độ. Cặp mắt của bà trừng lên nhìn từng khuôn mặt một cách dữ dội, và tia mắt đó đi tới đâu là làm cho từng ấy chị phải cúi gầm xuống, nín thinh đến một con ruồi bay qua người ta cũng nghe thấy.
Sau khi đã đàn áp được tinh thần của lũ «quỉ dữ» chúng con rồi, bà mới biểu lộ một vẻ vô cùng mệt mỏi, quay lại phía Thu Cúc và nói :
– Cho chị về chỗ, chúng ta không còn gì để bàn luận với nhau thêm nữa !
Nói rồi bà nặng nề đi ra khỏi phòng. Tấm áo trắng còn nguyên nếp hồ cọ vào nhau kêu loạt soạt và sợi dây tràng buộc cây Thánh giá bằng gỗ có gắn tượng Đức Chúa thọ hình lúc lắc theo từng nhịp bước. Trong khi đó, Thu Cúc thản nhiên trở về chỗ ngồi.
Buổi chiều hôm đó, sau giờ cầu nguyện, con có nắm tay Cúc đi quanh sân trường và thủ thỉ :
– Tại sao hồi trưa mày dại dột như thế ? Dầu sao, ở đây cũng không bao giờ nên thú nhận một cách thật thà vậy. Các ma soeur rất ghét kẻ ngoại đạo.
Cúc nhún vai mỉm cười :
– Tao biết. Nhưng tao thích làm thế. Đó là một cách trả thù hay ho nhất.
– Hay ho nhưng chẳng có lợi gì cả. Ở trong này không nên để cho các soeur ghét bỏ.
– Để cho các bà ấy yêu thương thì mới là một cái thân tội. Tao không bao giờ và cũng không thể nghe lọt tai được bất cứ một lời giảng giải nào về tôn giáo. Ở nhà má tao cũng soen soét nói chuyện ăn chay và làm việc phúc đức nhưng chưa bao giờ tao thấy bà ấy thực hành cả.
– Má mày khác và các soeur khác.
Một duộc ! Tao không tin ai ngoài tin tao cả. Tao ghét lý thuyết không đi đôi với thực hành. Tao ghét cả Chúa lẫn Phật.
– Quỷ dữ ! Đừng có nói tầm bậy !
– Vậy thì tốt hơn là mày đừng giao du với tao nữa. Hãy làm như tụi nó. Bây giờ chúng nó coi tao như là hủi. Dính với hủi thì sẽ có ngày phải chép phạt và ăn những bữa repas sec.
– Trái lại, tao không sợ. Tao ghét tính a dua của chúng nó. Thà ăn những bữa cơm muối trắng còn hơn là làm những công việc không vừa ý mình.
Mặt Cúc tươi lên. Nó nắm lấy tay con rồi gật đầu :
– Đúng vậy đó. Thà ăn cơm với muối trắng còn hơn là làm những công việc không vừa ý mình.
Con vội cãi :
– Không phải thế, không phải ý tao muốn nói như thế. Cúc ngạc nhiên :
– Thì tao nhắc lại nguyên văn lời nói của mày.
– Đành vậy. Nhưng ẩn sau một lời nói, có nhiều ý nghĩa khác nhau. Kẻ phát biểu này hiểu theo nghĩa này, kẻ phát biểu kia hiểu theo nghĩa kia.
– Chẳng có sự nào khác biệt cả. Tao nói rõ hơn, là tao thích làm theo ý của tao dù tao có bị ăn cơm với muối trắng. Mày cũng vậy.
– Không thể vậy được. Bởi vì ý muốn của tao khác và ý muốn của mày khác. Tao muốn khép mình vào một trật tự chung và sống như thế, bởi vì cuộc sống đã xếp đặt như thế rồi. Còn mày, mày phá phách, hằn học, sự phá phách hằn học chỉ thỏa mãn lòng ích kỷ của mày mà thôi.
Cúc trừng mắt lên nhìn :
– Ích kỷ ? Thế nào là ích kỷ ? Con đáp :
– Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính mình.
Cúc «à» lên một tiếng khoái trá rồi nói bằng giọng chanh chua :
– Phải rồi ! Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính mình. Nhưng Hạnh ơi, mày có bao giờ thấy tao chỉ biết vơ quyền lợi về cho chính tao không ? Không thuộc giáo lý, kinh bổn có phải là ích kỷ không ? Nói thẳng những ý nghĩ thành thực của mình cho người khác biết có phải là ích kỷ không ? Nếu đúng như thế thì tao sẽ còn ích kỷ hoài hoài bởi vì tao không muốn giấu giếm những ý nghĩ hằn học với kẻ khác. Tao không muốn giữ gìn những lời rủa thầm kẻ đối diện trong khi bề ngoài vẫn làm ra vẻ thân ái và thán phục. Tao không muốn đóng kịch.
Nói rồi Cúc lại cười khẩy tiếp :
– Kỳ thật ! Tao thấy các bà ở đây chỉ chú trọng đến bề ngoài. Và các bà ấy có vẻ hài lòng một cách dễ dãi về cái bề ngoài giả dối ấy.
Thưa mẹ bề trên,
Thật lạ lùng. Không hiểu tại sao con lại thấy những lời của Cúc có vẻ hợp lý mặc dầu con đã hết sức nhủ thầm : «Đừng tin Cúc, đừng bao giờ tin Cúc cả. Nó chỉ là một cây cỏ hoang, lớn lên một cách vô trật tự, thiếu săn sóc, vun trồng».
Cả ngày hôm đó con cứ băn khoăn thắc mắc về những lời của Cúc. Tư tưởng của Cúc như một luồng gió lạ làm xáo trộn tâm hồn bấy lâu nay vẫn phẳng lặng hiền hòa của con. Con bỗng thấy run sợ và mất hẳn niềm tin tưởng. Chính vì thế mà con viết thư đến cầu cứu ở mẹ. Xin mẹ bề trên ban cho con một lời khuyên nhủ. Con xin nguyện rằng dù lời khuyên đó đứng về bất cứ lập trường nào, con cũng sẽ vâng theo triệt để. Bởi vì con biết chỉ có mẹ mới là người dẫn dắt được con bước đi những bước ngay ngắn và vững chãi trong cuộc đời.
Con xin đón chờ lời khuyên bảo vàng ngọc của mẹ.
HẠNH
Nhớ về một thời tuổi thơ tôi.