CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Gabriel Garcí­a Márquez » Ngài Đại Tá Chờ Thư


MỘT NGÀY SAU THỨ BẢY

Nỗi lo bắt đầu vào tháng Bảy, khi bà Rêbêca, một quả phụ từng chịu đắng cay sống trong một ngôi nhà rộng thênh thang gồm hai hành lang và chín căn phòng, thấy rằng những tấm lưới che cửa nhà mình bị thủng cứ như thể chúng bị đá từ ngoài đường ném vào làm rách. Thoạt đầu bà nhìn thấy những tấm lưới che cửa phòng ngủ của mình bị thủng và nghĩ rằng sẽ nói chuyện này với Achênida, người ở tâm phúc của mình kể từ khi chồng bà qua đời. Sau đó, vì cứ lúc lắc hoài những xoong nồi (bởi từ lâu bà Rêbêca không làm gì hơn là lúc lắc các xoong nồi) bà còn thấy không chỉ những tấm lưới ở phòng ngủ của mình, mà tất cả mọi tấm lưới che cửa của ngôi nhà mình thảy đều bị thủng. Bà quả phụ có ý thức truyền thống về quyền thế gia đình, ý thức vốn thừa kế được từ cụ cố nội, một người sinh ra trên châu Mỹ từng tham gia cuộc Chiến tranh giành Độc lập trong hàng ngũ những người Bảo hoàng và sau đó đã thực hiện một chuyến đi cực nhọc đến Tây Ban Nha với mục đích đặc biệt quan trọng: thăm cung điện do Hoàng đế Carlôt Đệ Tam xây dựng ở Xăng Inđêphôngxô. Vậy là khi thấy tình trạng những tấm lưới khác bị thủng, bà Rêbêca không nghĩ sẽ nói chuyện này với Achênida mà liền đội lên đầu chiếc mũ nan có gài những bông hoa nỉ nhỏ bé và đi ra tòa thì chính để báo tin cho nhà chức trách. Nhưng khi đến nơi, bà thấy chính ngài xã trưởng để trần, đầu bù tóc rối, với thái độ cáu bẳn khiến bà cảm thấy ngài giống như con vật, đang lo sửa chữa lại những tấm lưới của tòa thị chính, những tấm lưới cũng bị thủng như của nhà bà vậy.

Bà Rêbêca bước vào văn phòng bừa bộn và bẩn tưởi. Điều đầu tiên bà nhìn thấy là một đống xác chim chết nằm trên mặt bàn làm việc. Nhưng bà ngột thở phần vì không khí oi bức, phần vì cơn tức giận mà đống lưới rách gây ra cho bà. Vậy là bà chẳng kịp rùng mình kinh rợn trước quang cảnh lạ lẫm những con chim chết nằm trên bàn. Ngay cả sự hiện diện rõ ràng của nhà chức trách đang cáu bẳn đứng trên cao chiếc thang, đang dùng cuộn dây sắt và chiếc chìa vít cố sức sửa lại những tấm lưới rách. Giờ đây bà chỉ nghĩ đến danh dự của chính mình từng bị cười nhạo trên những tấm lưới cửa và sự khó chịu của bà đã ngăn cản không cho bà liên hệ những cửa sổ nhà mình với cửa sổ tòa thị chính. Với vẻ nghiêm trang đầy thận trọng, bà đứng trong văn phòng cách cửa ra vào hai bước chân, dựa chắc chắn trên chiếc cán ô dài, nói:

- Tôi muốn kêu quan một việc.

Từ trên chiếc thang, xã trưởng quay gương mặt đỏ bừng vì nóng. Ngài chẳng hề bộc lộ chút cảm kích nào trước sự có mặt bất thình lình của bà quả phụ trong văn phòng mình. Với thái độ hờ hững, ngài vẫn tiếp tục gỡ tấm lưới rách và từ trên cao hỏi:

- Việc gì?

- Bọn nhãi ranh hàng xóm phá thủng các tấm lưới sắt che cửa sổ nhà tôi, thưa ngài.

Thế là ngài xã trưởng quay lại nhìn bà. Ngài chăm chú quan sát từ những chiếc hoa nỉ đến đôi giày bạc cũ kĩ, và nhìn bà cứ như thể lần đầu tiên trong đời ngài thấy bà. Ngài chậm rãi xuống thang từng bậc, từng bậc một mà vẫn để mắt nhìn bà, và khi đặt chân xuống tới đất rồi một tay ngài chống nạnh còn tay kia ngài vẩy vẩy chiếc chìa vít cho đến khi đi đến bên bàn làm việc. Ngài bảo:

- Không phải đám nhãi ranh đâu. Đó là những con chim này đây, thưa bà!

Vậy đó là lúc bà Rêbêca liên hệ xác những con chim chết nằm trên bàn làm việc với người đàn ông vừa từ trên thang cao bước xuống và với những chiếc lưới thủng chắn cửa sổ nhà mình. Bà rùng mình khi nghĩ rằng tất cả các phòng ngủ nhà mình đầy xác chim chết.

- Ôi, là những con chim ư! – Bà kêu lên.

- Đúng vậy, những con chim đấy. – Xã trưởng khẳng định – Đến là lạ việc bà không hay biết rằng đã ba ngày hôm nay chúng ta phải đối mặt với những con chim cứ lao đầu phá lưới cửa sổ để chết ở trong nhà.

Khi từ giã văn phòng xa trưởng, bà Rêbêca cảm thấy xấu hổ. Bà hơi giận Achênia, người từng tha về nhà mọi chuyện xẩy ra trong làng lại không hề nói với bà về những con chim. Bà xòe chiếc ô che ánh nắng gay gắt của một tháng Tám đến sớm, rồi trong lúc đi bộ trên con đường hưu quạnh và nóng hầm hập bà có cảm tưởng rằng phòng của tất cả các ngôi nhà trong làng đều bốc mùi khắm lặn nồng nặc của xác những con chim chết.

Điều này xẩy ra vào những ngày cuối tháng Bảy và chưa bao giờ xẩy ra trận nóng quá oi bức như thế này trong đời sống của làng. Nhưng những cư dân cửa làng lại không hề biết điều đó vì họ đang thú vị trước cái chết của những chú chim. Dù cảnh tượng lạ lùng không hề ảnh hưởng đến các hoạt động của làng, và đầu tháng Tám, phần đông cư dân đã phải để ý đến nó. Một bộ phận lớn không đếm xỉa đến cha xứ với tên và tước hiệu dài dòng của ngài: Antôniô Isaben đên Santisimô Scramentô đên Anta Castanhêđa và Môntêrô. Đó là bị cha cố hiền từ của xứ đảo mà vào tuổi chín mươi tư đã dám nói chắc rằng mình ba lần nhìn thấy quỉ và rằng tuy vậy cha chỉ nhìn thấy có hai con chim chết mà không hề thấy chúng có một chút quan trọng nào cả. Con đầu tiên cha bắt gặp ở trong kho đồ thánh vào một ngày thứ Ba sau lễ mixa và cha nghĩ rằng chẳng qua là một con mèo nào đó của hàng xóm đã tha nó về đây. Con thứ hai cha bắt gặp vào ngày thứ Tư ở hàng hiên nhà linh mục và cha dùng mũi ủng đá cho nó một cú hất nó ra tận ngoài đường cái mà nghĩ rằng Chẳng cần tới đám mèo nữa.

Nhưng đến ngày thứ Sáu, khi tới nhà ga xe lửa, cha bắt gặp con thứ ba chết trên chiếc ghế mà cha chọn để ngồi xuống. Đó tựa như một ánh chớp trong tâm hồn cha khi cha cầm lấy đôi chân xác con chim chết đưa lên ngang mắt, xoay nghiêng xoay ngửa nó, quan sát nó và thảng thốt nghĩ rằng: Của khỉ, hóa ra đây là con thứ ba ta bắt gặp trong tuần này. Kể từ khoảnh khắc đó, cha bắt đầu nhận ra sự việc xảy ra trong làng nhưng bằng một cách hết sức mù mờ, bởi cha Antôniô Isbaben, phần vì tuổi tác và cũng vì tuổi tác đã khẳng định rằng mình ba lần nhìn thấy quỉ (sự kiện mà qua nó dân làng nhìn cha như một người lẩn thẩn) đã được các đạo hữu thuộc giáo khi cha cai quản coi như một người đàn ông lương thiện, hiền hòa và tận tụy nhưng thường lang thang đi trên mây. Vậy là cha nhận ra có cái gì đó đã xẩy ra với đám chim chóc, nhưng ngay cả lúc ấy cha vẫn không tin rằng chuyện ấy không quan trọng quá đến mức cần phải có một bài thuyết giảng. Cha là người đầu tiên cảm thấy cái mùi khắm lặn ấy. Cha cảm thấy nó vào đêm ngày thứ Sáu khi cha hoảng hốt thức dậy, bởi một cơn buồn nôn lợm mửa cắt ngang giấc ngủ dịu dàng của mình, nhưng không biết liệu có nên quy tội cho một cơn mộng mị hay cho một quỷ thuật mới mẻ đã quấy đảo giấc ngủ của mình. Cha đánh hơi quanh mình và trằn trọc hoài trên giường mà nghĩ rằng cái kinh nghiệm ấy có thể giúp mình làm một bài thuyết giảng. Cha nghĩ nó sẽ có thể là một bài thuyết giảng bi lụy về sự láu cá của quỷ Satăng để lẻn sâu vào trái tim con người qua bất cứ giác quan nào.

Sang ngày hôm sau, trước lễ mixa, khi đi dạo ở sân trong, lần đầu tiên cha nghe thấy người ta nói về những con chim chết. Cha đang nghĩ đến bài thuyết giảng, đến quỷ Satăng và đến những tội lỗi có thể phạm phải qua thính giác, khi cha nghe thấy nói rằng cái mùi tởm lợm đêm qua là mùi những xác chim chết được tập trung lại trong cả tuần. Trong đầu cha đã hình thành một mớ bòng bòng về những ý tưởng thánh thiện, về những thứ mùi khó chịu, về những con chim chết. Vậy là ngày chủ nhật cha phải làm ngay một vài nói về lòng từ thiện mà chính cha cũng không hiểu cho thật rõ ràng, và cha mãi mãi quên phéng những mối quan hệ giữa con quỷ và năm giác quan.

Tuy nhiên, ở một chỗ nào đó rất cổ xưa của tâm tưởng, có lẽ vẫn còn tiềm ẩn những kinh nghiệm ấy. Điều đó luôn xảy ra với cha, không chỉ ở cuộc hội thảo cha làm lúc bảy mươi tuổi, mà sau đó bằng một tình thân rất độc đáo còn xảy ra lúc cha lên lão chín mươi. Tại cuộc hội thảo, một buổi chiều rất trong sáng đã xảy ra một trận mưa rào mạnh mẽ mà không có giông bão, cha đọc một đoạn thơ bằng nguyên bản của Sô-phô-clét. Khi trời tạnh mưa, qua cửa sổ cha ngắm nhìn ruộng đồng mệt mỏi, buổi chiều được tắm gội và mới mẻ, và mãi mãi cha quên mất sân khấu Hy Lạp và sân khấu của các nhà cổ điển. Không hề phân biệt, cha chỉ gọi một cách chung chung là “Các cụ già thuở trước”. Một buổi chiều không mưa, có lẽ khoảng ba mươi hay bốn mươi năm sau, cha đi qua quảng trường lát đá của một làng, cái làng mà cha đã đến thăm, bỗng nhiên, không hề có ý định trước, cha ngâm cái đoạn thơ của Sô-phô-clét mà cha đã đọc trong một buổi hội thảo trước đấy. Chính tuần lễ ấy, cha nói chuyện rõ lâu về “Các cụ già thuở trước”, với vì đại diện cho Giáo hoàng, một ông già lắm lời và dễ động lòng trắc ẩn, thích thú một số trò chơi rối rắm dành cho các nhà thông thái mà có lẽ ngài đã tạo ra và những năm sau này chúng được dân gian hóa thành cái tên Trò chơi ô chữ.

Cuộc nói chuyện ấy ngay lập tức cho phép cha thâu gom toàn bộ tình yêu cổ xưa và lạ lẫm của mình đối với các nhà cổ điển Hy Lạp. Tại lễ Giáng sinh năm đó cha nhận được một bức thư. Cha những tưởng đó là một tờ sắc phong chức Giám mục cho mình. Nhưng không phải, vì đối với thời đại đó cha đã có được vinh hạnh bền chắc là kẻ tưởng tượng phong phú, kẻ liều lĩnh trong sự bình giảng, và nhảm nhí trong các bài thuyết giảng của mình rồi.

Nhưng cha sống ở làng mà như đã chết rồi từ trước rất lâu cuộc chiến năm 1885. Trong thời kỳ những con chim cứ rúc vào phòng để chết, đã nhiều năm rồi dân làng yêu cầu thay cha Isaben bằng một linh mục khác trẻ hơn, nhất là khi cha nói mình đã nhìn thấy quỉ. Kể từ dạo ấy, dân làng coi như cha đã chết rồi, đó là điều mà cha chưa biết một cách thật rõ ràng cho dù cha vẫn có thể đọc được những chữ viết nhỏ li ti của cuốn sách bổn mà không cần dùng đến kính cận.

Cha luôn luôn là một người có thói quen bình thường. Một con người nhỏ thó, tầm thường, xương hóc phô bày ra, và một giọng nói chậm rãi để chuyện trò nhưng lại quá ề à trong các buổi nói trước công chúng. Với chỉ độc một chiếc quần trong ống bó, cha nằm vật vã trên chiếc ghế bọc vải lanh để thổi bong bóng. Cha cứ ở lì trong phòng mình như vậy cho đến giờ ăn trưa.

Cha chẳng làm gì hết ngoài làm lễ mixa. Một tuần hai lần cha ngồi trong phòng xưng tội nhưng đã mấy năm nay không ma nào đến xưng tội. Cha đơn giản tin rằng các con chiên trong địa phận của mình đã để mất đi lòng tin do các thói quen hiện đại, từ đó cha đã cho rằng việc ba lần nhìn thấy quỉ là một sự kiện cực kì quan trọng dẫu biết rằng dân chúng rất ít tin những lời cha noi, cho dù họ có ý thức được rằng quả thật làm như vậy là rất không thỏa đáng khi nghe cha nói về những kinh nghiệm ấy. Đối với chính cha sẽ chẳng là một nỗi ngạc nhiên việc biết rằng cha đã chết, không chỉ trong suốt năm năm gần đây nhất mà ngay cả trong những khoảnh khắc lẫy lừng cha từng nhìn thấy hai con chim chết. Tuy nhiên khi bắt gặp xác con thứ ba, cha mới ít nhiều để ý tới cuộc đời thực. Vậy là trong những ngày gần đây cha chỉ thưởng xuyên chăm chú nghĩ đến xác con chim chết trên chiếc ghế nhà ga xe lửa.

Cha sống cách nhà thờ mười bước chân. trong một ngôi nhà nhỏ không lưới sắt che cửa sổ, có một hành lang nhìn ra đường cái và hai phòng: một để ngủ và một để làm việc. Có lẽ trong những giây phút kém minh mẫn của mình, cha cho rằng có thể giành được hạnh phúc trên trần gian khi trời không oi nóng và cái ý tưởng đó đã khiến cha hơi lúng túng tí chút. Cha thích thả hồn mình lang thang trên những nẻo đường triết lí. Đó là điều cha đã làm khi ngồi ở ngoài hành lang vào tất cả các buổi sang, với cánh cửa nửa khép, nửa mở, hai con mắt nhắm lại và duỗi thẳng hai chân. Tuy nhiên, chính cha cũng không biết rằng mình đã rất lanh lợi trở về một trong những ý nghĩ của mình, mà ít nhất đã ba năm rồi cha đã làm trong nhưng giây phút suy tư của mình mà không hề nghĩ gì hết.

Vào lúc 12 giờ đúng, một cậu bé đi qua hành lang với một khay cơm gồm bốn món ăn ngày nào cũng như ngày nào: một bát súp ninh xương với một khúc sắn. một bát cơm trắng, một đĩa thịt lợn xào không hành, đĩa chuối rán hay bánh nhô, và một ít đậu lăng mà cha Antôniô Isaben không bao giờ nếm thử.

Cậu bé đặt khanh cơm ngay cạnh chiếc ghế cha đang nằm, nhưng cha không mở mắt chừng nào chưa nghe thấy tiếng chân lại một lần nữa vang lên ở hành lang. Vì thế mà trong làng người ta tin rằng cha ngủ trưa trước bữa trưa. Sự thật là ngay cả về ban đêm cha cũng không ngủ một cách bình thường.

Vào các thời kỳ ấy, các thói quen của cha đã đơn giản đến mức sơ đẳng thời nguyên thủy. Cha ăn mà không cần phải rời khỏi chiếc ghế bọc vải lanh,không cần lấy thức ăn ra khỏi chiếc khay đựng, không dùng bát, nĩa và dao ăn, mà hầu như chỉ cần dùng chiếc thìa để múc canh. Sau đó cha đứng dậy, dội ít nước mát lên đầu, mặc chiếc áo thụng mà trắng có vá nhiều miếng vải to, đi ra nhà ga xe lửa, đúng vào giờ cả làng đang say giấc ngủ trưa. Đã vài tháng này, cha đi theo lộ trình ấy mà mồm nhẩm đọc câu văn do chính cha sáng tác ra vào lần con quỉ xuất hiện trước cha lần cuối cùng.

Một ngày thứ Bảy – chín ngày sau khi bắt đầu xảy ra hiện tượng chim chết – cha Antôniô Isaben đi ra nhà ga khi một con chim sắp chết rơi xuống ngay dưới chân cha ở trước nhà bà Rêbêca. Một tia chớp minh mẫn lóe lên trong đầu cha và cha hiểu ngay rằng khác với những con khác, con này có thể cứu sống được. Hai tay cha cầm lấy con chim và gọi cửa nhà bà Rêbêca vào đúng lúc bà cởi chiếc cooc-xê để ngủ trưa.

Ở trong phòng mình, bà quả phụ nghe thấy tiếng gõ cửa và cẩn thận đưa mắt nhìn ra các tấm lưới sắt. Đã hai ngày nay rồi không có lấy một con chim nào chui vào phòng. Nhưng tấm lưới che cửa vẫn bị thủng. Bà đã cho rằng việc ngăn chặn chim chui vào phòng để chết là một sự tiêu tốn vô ích khi mà cuộc tấn công ấy từng khiến bà giận phát run lên chưa chấm dứt. Bà nghe tiếng gõ cửa lẫn tiếng quạt điện kêu vo vo. Và bà lo lắng nghĩ rằng Achênia đã ngủ trưa ở phòng cuối cùng ngoài hành lang. Bà đã không dám hỏi xem ai dám tự tiện gõ cửa nhà bà không đúng lúc như thế này. Bà đóng lại cúc yếm ngực, bước qua cửa có lưới che, bà thẳng lưng đi dọc theo hành lang, bước qua căn phòng bày đủ bàn ghế và các đồ trang trí, rồi trước khi mở cửa, qua lưới sắt bà thấy cha Antôniô Isaben đứng ở ngoài đó: lặng lẽ, mắt cụp xuống, với một con chim trên hai tay, nói: “Nếu vẩy cho nó một ít nước và sau đó để nó vào vỏ một quả bí, ta tin rằng nó sẽ khỏe lại”. Vào lúc mở cửa, bà Rêbêca cảm thấy mình chết ngất vì sợ.

Cha ở đấy không quá 5 phút. Bà Rêbêca tưởng rằng bà là người đã rút ngắn cuộc gặp gỡ. Nhưng trên thực tế, cha mới là người chủ động. Nếu bà quả phụ chịu suy nghĩ trong khoảnh khắc ấy hẳn bà sẽ biết ngay rằng trong ba mươi năm sống ở làng này không bao giờ cha ở lại quá 5 phút ở nhà bà. Cha cảm thấy rằng đồ dùng bừa bộn trong phòng khách thể hiện rõ ràng bất kể quan hệ họ hàng với Đức Giám mục, tuy xưa cũ nhưng ai cũng biết. Ngoài ra, còn có một truyền thuyết (hay một câu chuyện) về gia đình bà Rêbêca chắc chắn chưa bao giờ đặt chân đến dinh thự Đức Giám mục, cha nghĩ, và nói rằng đại tá Aurêlianô Buênđya, người em họ mà bà coi như là một kẻ trơ tráo, có lần nói rằng trong thế kỉ mới này Đức Giám mục không đến thăm làng là để tránh phải đến thăm bà Rêbêca, người cùng họ. Bằng bất cứ giá nào, dù cho điều kể trên là chuyện kể hay truyền thuyết thì sự thật là cha Antôniô Isaben không cảm thấy thoải mái khi ở trong ngôi nhà ấy mà người chủ duy nhất của nó không để lộ một chút tinh thương xót và một năm chỉ đến nhà thờ có một lần để xưng tội nhưng chỉ trả lời chung chung khi cha định làm sáng tỏ cái chết nhiều bí ẩn của chồng bà. Nếu giờ đây cha có mặt tại nhà này, để đợi bà Rêbêca mang cốc nước đến tắm cho con chim đang hấp hối, là chỉ do hoàn cảnh khách quan buộc cha phải làm vậy mà thôi.

Trong lúc bà quả phụ trở ra, ngồi trên ghế xích-đu cha cố cảm nhận rõ ràng hơi ấm của ngôi nhà ấy vốn dai dẳng tồn tại kể từ khi vang lên tiếng súng, cách đây bốn mươi năm, và Hôsê Accđiô Buênđya. người anh trai của đại tá, ngã sấp mặt xuống đất giữa một tiếng động của khóa thắt lưng và cựa thúc ngựa rơi xuống trên đôi ủng vẫn ấm nóng hơi người vừa mới được cởi ra.

Khi một lần nữa bước vào phòng, bà Rêbêca nhìn cha Antôniô Isaben, ngồi trên ghế xích-đu với vẻ suy nghĩ mơ hồ đã khiến bà sợ hãi.

- Cuộc sống một con vật – Cha nói – đối với Chúa chúng ta thật là rẻ rúng như cuộc sống của một người đàn ông vậy.

Khi nói điều này, cha không nhớ đến Hôsê Accđiô Buênđya. Bà quả phụ cũng không nghĩ đến ông. Nhưng bà đã quen không tin những lời của cha kể từ khi trên bục giảng kinh cha nói về ba lần nhìn thấy quỉ dữ. Không quan tâm đến cha, hai tay bà cầm lấy con chim đặt nó vào ca nước rồi lắc ca. Cha cố quan sát thấy trong cung cách hành động của bà không hề có tình thương và lòng trắc ẩn mà chỉ có một sự tuyệt đối coi thường cuộc sống của một con vật.

- Bà không thích những con chim – Cha nói một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Bà quả phụ mở to mắt trong một cử chỉ thiếu bình tĩnh và khó chịu.

- Dẫu có đôi lần con thích chúng. – Bà nói – Giờ đây con căm ghét chúng vì chúng cứ chui vào nhà con để chết.

- Đã chết nhiều lắm – Cha nói vẻ không thương xót. Có thể nghĩ rằng trong giọng nói đơn điệu của cha có rất nhiều trò ranh ma.

- Tất cả cũng thế mà thôi – Bà quả phụ nói. Và trong lúc chán nản lôi con chim ra khỏi ca nước và đặt vào ống tay áo thụng của cha, bà nói: – Và điều đó chẳng quan trọng gì đối với con cả nếu chúng không phá thủng các tấm lưới chắn cửa nhà con.

Cha cảm thấy rằng chưa bao giờ cha gặp một trái tim sắt đá như vậy. Một lát sau, vì đã cầm con chim trong tay rồi, cha biết rằng cái cơ thể nhỏ nhoi và không thể tự vệ kia đã ngừng tiếng tim đập. Thế là cha quên sạch: quên cái mùi ẩm của ngôi nhà, quên thói tham lam, quên cái mùi không thể chịu nổi của thuốc súng trên thi thể của Hôsê Accđiô Buênđya, và cha nhận ra sự thật huy hoàng từng bao quanh mình kể từ đầu tuần. Cũng tại đây, trong lúc bà quả phụ nhìn cha ra khỏi ngôi nhà với hai bàn tay cầm con chim chết rồi và một thái độ dọa nạt, thì cha cảm thấy mình đang dự vào sự khải thị huyền ảo rằng một trận mưa những xác chim đang rơi xuống làng và rằng mình, sứ giả của Thượng đế, kẻ có số phận thấy trước niềm hạnh phúc khi nào trời mát, đã hoàn toàn quên mất Ngày Khải huyền.

Ngày ấy cha đi ra nhà ga xe lửa nhưng không hiểu toàn diện các hành động của mình. Cha biết một cách mơ hồ rằng có cái gì đó đang xảy ra trên thế gian, nhưng lại cảm thấy mình thẫn thượi, trì độn, ngu dốt và vô nghĩa trong thời điểm ấy. Ngồi trên ghế nhà ga xe lửa, cha cố nhớ xem liệu trong Ngày Khải huyền có trận mưa rơi xác những con chim chết không, nhưng cha đã hoàn toàn quên mất. Bỗng cha nghĩ rằng sự chậm trễ trong nhà bà Rêbêca đã làm cha để lỡ chuyến tàu, và cha ngẩng đầu lên trên tấm kính mờ bụi phủ và rạn vỡ và nhìn chiếc đồng hồ ở trong văn phòng nhà ga, biết rằng còn kém 12 phút nữa mới đến 1 giờ chiều. Khi trở lại ghế ngồi cha cảm thấy ngột ngạt khó thở. Trong khoảnh khắc ấy cha nhớ ra hôm ấy là ngày thứ Bảy. Cha phe phẩy một lúc chiếc quạt tết bằng lá cọ, rồi lạc lối trong tâm khảm u tối của mình. Sau đó cha thấy khó chịu bởi những chiếc cúc áo thụng, những chiếc khuy trên đôi ủng và bởi chiếc quần trong ống bó dài tới tận của khoai chân và thảng thốt nhận ra rằng trong cuộc đời mình chưa hề cảm thấy nóng bức đến như vậy. Ngồi yên trên ghế, cha cởi chiếc cúc cổ áo thụng, rút từ trong ống tay áo thụng ra chiếc khăn tay và cha lau khuôn mặt ướt đầy mồ hôi, trong một khoảnh khắc đầy cảm động cha nghĩ rằng mình đang tham gia quá trình hình thành một trận động đất. Cha đã đọc điều đó ở một cuốn sách nào đó. Tuy nhiên, bầu trời quang đãng không một gợn mây, một bầu trời trong sáng và xanh thắm mà ở đấy chim chóc biến đi hết sạch một cách kì bí. Cha nhận ra cơn nóng và sự trong sáng của bầu trời nhưng trong chốc lát đã quên mất những con chim chết. Giờ đây cha nghĩ đến việc khác, đến khả năng một cơn bão sẽ về. Tuy nhiên, bầu trời vẫn trong như pha lê và lặng lẽ thanh bình, cứ như thể đó là bầu trời của một làng xa xưa và khác hẳn, nơi không bao giờ cảm thấy cái nóng, và cứ như thể không phải là mắt cha mà là mắt những người khác đang nhìn ngắm bầu trời ấy. Sau đó cha nhìn về phương Bắc và ở phía trên các mái nhà lợp lá cọ và lợp tôn rỉ thấy một vệt đen chậm rãi, lặng lẽ và đều đặn những con diều hâu bậu trên bãi rác.

Bởi một vài lí do kì bí cha cảm thấy rằng vào thời khắc ấy trong khi cha đang sống lại những cảm xúc mà cha từng có trong một cuộc hội thảo ngày chủ nhật, trước khi cha được nhận phẩm trật nhỏ mọn. Vị Giám đốc tu viện cho phép cha được vào thư viện đặc biệt của ngài mà cha đã ở lì trong đó hàng giờ và hàng giờ (nhất là những ngày chủ nhật), đắm đuối đọc các cuốn sách màu vàng, thơm mùi gỗ lâu năm, với những chú thích bằng chữ Latin được ghi lại qua con chữ nhỏ xinh xắn của vị Giám đốc. Một ngày chủ nhật, sau khi cha đọc sách cả ngày, vị Giám đốc bước vào phòng, vội vã lục tìm một tờ phích có lẽ lẫn trong những trang sách cha đọc. Cha bắt gặp sự hoảng loạn của bậc bề trên với thái độ vô tư có suy tính, nhưng cha đã kịp đọc tờ phích. Chỉ có độc một dòng được viết bằng mực tím với những con chữ rõ nét và thẳng hàng: Madame Ivette est morte cette nuit 1 . Hơn một nửa thế kỉ sau, do nhìn thấy một vệt dài những con diều hâu bay trên một làng bị lãng quên, cha nhớ lại thái độ trầm tư ít nói của vị Giám đốc, người ngồi trước mặt cha, vẻ mặt tái xám trước buổi hoàng hôn và với hơi thở loạn nhịp.

Phấn khích bởi sự liên tưởng ấy, cha không cảm thấy nóng, mà ngược lại hoàn toàn, cảm thấy lạnh buốt ở háng và bàn chân. Cha cảm thấy nỗi sợ hãi mà không hề biết đâu là nguyên nhân đích thực của nó, vốn lan tỏa trong cái mớ bòng bong những ý nghĩ mơ hồ, mà giữa chúng không thể phân biệt nổi một cảm giác buồn nôn với chân quỉ Satang hằn in trên bùn, với một đám xác chim chết rơi xuống thế gian, trong khi cha Antôniô Isaben lại ngồi yên không để ý đến sự kiện ấy. Thế là cha đứng dậy, giơ cao một bàn tay hãi hùng như để mở đầu một lời chào hỏi vốn đã bị lạc lối trong cõi hư vô, rồi hoảng hốt thốt lên: “Quỉ Huđiô Êrăngtê”.

Trong khoảnh khắc ấy con tàu rúc còi. Lần đầu tiên trong rất nhiều năm cha đã không nghe thấy tiếng con tàu. Cha thấy nó tiến vào ga trong làn khói nước đậm đặc và nghe rõ tiếng bụi than rơi xuống những tấm tôn rỉ. Nhưng điều đó tựa như một giấc mộng xa xưa không thể giải thích được, nhờ nó cha không hoàn toàn tỉnh hẳn cho đến buổi chiều ấy, sau 4 giờ một lát, khi cha gióng những tiếng chuông cuối cùng báo tin về bài thuyết giảng rùng rợn mà cha sẽ đọc ngày chủ nhật. 8 giờ sau đó, người ta đến tìm cha để làm lễ sức dầu cuối cùng cho một người đàn bà.

Do vậy mà cha không biết ai đó đến làng chiều ấy trên tàu hỏa. Đã từ lâu cha nhìn bốn toa tàu xộc xệch, bạc màu đi qua. và không nhớ rằng ít nhất trong những năm này có ai đó từ trên những toa tàu này bước xuống để ở lại đây. Trước đây thì khác hẳn, cha có thể đứng suốt một buổi chiều để ngắm nhìn một đoàn tàu trở chuối: một trăm bốn mươi toa chở toàn chuối quả, cứ chạy mà không nghỉ, cho đến khi đêm xuống được khá lâu toa cuối cùng với một người cầm ngọn đèn xanh mới đi qua. Thế là lúc đó cha nhìn làng ở phía bên kia đường sắt – đã thắp sáng đèn – và cha có cảm giác con tàu đã đưa mình đến một làng khác với chỉ một việc nhìn nó chạy qua thôi. Có lẽ từ đó cha có thói quen có mặt tại nhà ga xe lửa vào tất cả mọi ngày, kể cả sau khi người ta xả súng vào những người lao động và các đồn điền chuối ngừng hoạt động và cùng với chúng cũng biến mất tăm con tàu dài một trăm bốn mươi toa và chỉ còn lại cái con tàu vàng đầy bụi phủ chạy qua làng vào lúc 1 giờ chiều mà chẳng chờ một ai cả.

Nhưng thứ Bảy ấy có người đến làng. Khi cha Antôniô Isaben đi khỏi nhà ga, có một cậu thanh niên hiền lành dễ mến, chẳng có gì đặc biệt ngoài cái vẻ đói cơm ra, đã nhìn thấy cha qua cửa sổ toa xe cuối cùng trong khoảnh khắc đúng lúc nhận ra rằng mình chưa ăn cơm từ ngày hôm trước. Cậu ta nghĩ rằng nếu có cha cố có thể có một khách sạn. Cậu ta từ trên toa tàu bước xuống, rồi đi qua con đường nóng như than lửa dưới ánh nắng tháng Tám rám trái bưởi, rồi bước vào bóng râm mát của một ngôi nhà nằm ở phía trước nhà ga, là nơi đang vang lên tiếng nhạc rè rè phát ra từ đĩa hát cũ được đặt trên một cái máy hát. Khứu giác trở nên tinh nhạy nhờ cơn đói liền hai ngày, đã mách bảo cậu đấy là khách sạn. Cậu bước vào đó, mà không hề đọc biển đề: Khách sạn Macônđô, một tấm biển mà cậu chưa hề đọc trong cuộc đời mình.

Bà chủ khách sạn mang thai năm tháng. Bà ta có nước da màu hoa mù tạc và diện mạo của bà giống hệt mẹ cậu khi bà có thai năm tháng. Cậu yêu cầu “một bữa băn trưa rõ thật nhanh”, và bà, không hề cố ý vội vàng, đã phục vụ cậu ngay bát súp với một khúc xương và một đĩa chuối xanh rán. Trong khoảnh khắc ấy con tàu rúc còi. Được hơi súp ấm nóng và ngon lành bốc lên vây quanh, cậu ta tính toán khoảng cách giữa nhà ga và con tàu rồi ngay sau đó cậu cảm thấy chắc chắn mình sẽ bị lỡ một chuyến tàu.

Cậu định chạy. Đến tận cửa rồi, lòng đau đớn, nhưng lại không bước một bước ra ngoài bóng mát khi nhận ra mình không có thời gian để đuổi kịp tàu. Khi trở lại bàn ăn, cậu quên bà mẹ mình; cậu nhìn thấy một cô gái đứng ngay bên máy hát nhìn mình không thương hại, với một biểu hiện đáng sợ trong ngày lúc đó cậu cởi chiếc mũ đội đầu do mẹ tặng cho mấy tháng trước đây. Cậu kẹp chiếc mũ giữa hai đầu gối trong lúc ăn xong bữa cơm. Khi đứng dậy để rồi bàn ăn hình như cậu không quan tâm nhiều đến việc để lỡ chuyến tàu cũng chẳng bận tâm đến việc phải nghỉ lại một ngày cuối tuần ở cái làng mà tên của nó cậu cũng chẳng để ý xem xét. Cậu ngồi xuống ở một xó phòng, với những xương hóc nhô ra, cậu dựa vào thành ghế cứng kều và thẳng đứng, và ngồi yên như vậy một lúc lâu, mà không nghe đĩa hát cho đến khi cô gái bảo cậu:

- Ở ngoài hành lang mát hơn.

Cậu ta cảm thấy khổ sở lắm. Để bắt chuyện với những người lạ bao giờ cậu cũng phải vất vả. Việc nhìn vào mặt người ta với cậu là một việc làm nhiều nhức nhối và khi không còn biện pháp nào hơn là phải nói thì ngôn từ của cậu phụt ra khác hẳn với những từ cậu đã nghĩ. “Vâng, đúng thế!”, cậu nói, và cảm thấy hơi ớn lạnh. Cậu định bụng đung đưa chiếc ghế mà quên mất rằng mình không ngồi trên một chiếc ghế xích đu.

- Những ai đến đây đều tự mình đẩy một chiếc ghế ra ngoài hành lang vì ở đấy mát hơn – Cô gái nói. Và nhờ nghe cô nói, với nỗi đau cậu đã nhận ra rằng cô gái muốn được nói chuyện. Vào lúc cô ta lên dây cót máy hát cậu bạo dạn nhìn ngắm cô. Dường như cô đã ở đây vài tháng, vài năm cũng có lẽ, nhưng không hề bộc lộ ý thích nhỏ mọn đi khỏi nơi ấy. Cô lên dây cót chiếc máy hát nhưng cuộc đời cô đã định vị trong cậu. Cô mỉm cười.

- Cảm ơn cô – Cậu nói, định đứng dậy tạo mọi sự thoải mái cho các hoạt động của mình.

Cô gái không rời mắt khỏi cậu, nói:

- Và người ta cũng để mũ ở mắc áo đấy.

Lần này cậu cảm thấy có than đỏ ở trên tai mình. Cậu rùng mình vì nghĩ đến cái cách khêu gợi sự vật ấy. Cậu cảm thấy lúng túng, bị tù túng và một lần nữa lại thấy sợ vì để lỡ chuyến tàu. Nhưng vào lúc ấy, bà chủ đã bước vào phòng.

- Cậu làm gì thế? – Bà chủ hỏi.

- Cậu ấy đang đẩy ghế ra ngoài như mọi hành khách đều làm vậy – Cô gái nói.

Cậu tin rằng mình đã nhận ra cái giọng giễu cợt trong những lời nói ấy.

- Xin đừng bận tâm – Bà chủ nói – Tôi sẽ mang cho cậu một chiếc ghế tựa.

Cô gái cười còn cậu cảm thấy thảng thốt. Trời nóng. Một thứ nóng bức khô khốc và trì độn, và cậu đang túa mồ hôi. Bà chủ đẩy ra hành lang một chiếc ghế tựa với tấm đệm bằng da. Cậu đã sẵn sàng theo bà thì chính lúc ấy cô gái lại nói:

- Điều tệ hại là chim chóc sẽ làm cho cậu ta hoảng sợ.

Cậu kịp nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc khi bà chủ đưa mắt nhìn cô gái. Đó là một cái nhìn chớp nhoáng nhưng mãnh liệt.

- Điều cô cần phải làm là hãy câm mồm – Bà bảo cô gái và mỉm cười với cậu. Thế là cậu liền cảm thấy bớt lẻ loi hơn và thèm được nói chuyện.

- Cô ấy muốn nói gì thế, thưa bà?

- Chả là vì vào giờ này những con chim chết rơi xuống hành lang – Cô gái nói.

- Nó bịa chuyện đấy, tin sao được – Bà chủ nói rồi cúi xuống sửa lại một cành hoa giấy ở bàn đặt giữa phòng. Trên các đốt ngón tay bà có những cú run rẩy.

- Không đúng! Cháu không bịa. Ngày hôm qua chính bà đã quét hai xác chim chết đấy thôi.

Vẻ đầy thất vọng, bà chủ nhìn cô gái. Bà vừa cảm thấy thương hại lại vừa có ý nguyện rõ ràng nhằm giải thích tất cả cho cậu, cho đến khi cậu không còn nghi ngờ gì nữa.

- Thưa cậu, sự kiện xảy ra là như thế này: hôm qua bọn trẻ con để hai xác chim chết ở hành lang đe doạ con bé, và sau đó còn bảo nó là những con chim chết rơi từ trên trời xuống. Con bé cứ việc nuốt lấy tất cả những gì bọn trẻ nói mà chẳng hề suy nghĩ.

Cậu mỉm cười. Lời giải thích ấy của bà chủ với cậu là thú vị; cậu buông hai tay và lại nhìn cô gái cũng đang đau đớn nhìn cậu. Chiếc máy hát ngừng quay. Bà chủ đi sang phòng khác. Khi cậu đi ra hành lang, bằng giọng nhỏ nhẹ cô bảo cậu:

- Em đã nhìn thấy mà. Hãy tin lời em. Cả thiên hạ đều nhìn thấy.

Lúc ấy cậu tin mình đã hiểu được sự yêu thích máy hát của cô gái và nỗi thất vọng của bà chủ:

- Vâng! – Cậu chậm rãi nói, sau đó đi về phía hành lang – Tôi cũng đã nhìn thấy chúng.

Ở bên ngoài, dưới bóng những cây hạnh đào, không khí dịu mát hơn. Cậu dựa chiếc ghế tựa vào khung của, ngồi ngửa đẩy ra phía sau rồi nghĩ về mẹ mình. Mẹ cậu ngồi dựa vào ghế xích đu dùng cán chổi dài xua đuổi lũ gà con trong khi nghĩ rằng lần đầu tiên cậu vắng nhà.

Tuần trước cậu đã có thể nghĩ rằng cuộc đời mình như một sợi dây nhẵn thín và thẳng băng, được nối từ cái buổi đêm về sáng một ngày trời mưa trong cuộc nội chiến cuối cùng, là đêm cậu chào đời giữa bốn bức vách trát đất của của một trường làng cho đến buổi sáng tháng sáu vừa rồi. Cậu vừa tròn hai mươi hai tuổi và mẹ cậu đến tận chiếc võng cậu nằm để tặng một chiếc mũ với một tờ thiệp “Tặng con trai mẹ, nhân ngày sinh của con”. Trong những dịp thuận tiện, cậu ném đi lớp rỉ của thói lười biếng và cảm thấy nỗi nhớ trường, nhớ bảng đen, và tấm bản đồ của một đất nước quá đông đặc thứ phân ruồi, và nhớ hàng dài những chiến cốc treo trên tường bên dưới tên mỗi đứa trẻ. Ở đó không nóng bức. Đó là một làng xanh và lặng lẽ, với những chú gà chân dài màu tro xám thường đi qua lớp để vào đẻ trứng bên dưới những chiếc chum. Mẹ cậu lúc đó là một phụ nữ buồn và kín đáo. Lúc chiều buông, bà ngồi đón nhận làn gió tươi vừa tới từ vườn cam, và bảo: “Manaurê là một làng đẹp nhất trần gian”, rồi ngay sau đó, quay về phía cậu, nhìn cậu lớn lên một cách đáng ngạc nhiên trên chiếc võng: “Khi nào khôn lớn con sẽ hiểu điều đó”. Nhưng cậu đã chẳng hiểu gì cả. Khi mười lăm tuổi đầu, đã là quá lớn so với tuổi mình, tràn trề thử sức khỏe đầy vẻ vô tư và kiêu hãnh mà sự nhàn tản đem lại, cậu vẫn chẳng hiểu gì. Cho đến khi tròn hai mươi tuổi, cuộc sống của cậu chẳng có gì thay đổi vị trí nằm trên võng. Nhưng vào thời ấy, mẹ cậu, do bị lao phổi, buộc phải từ giã nhà trường mà bà đã chăm nom mười tám năm trời. Vì vậy, mẹ con cậu đến sống trong một căn nhà hai phòng với một chiếc sân rộng, nơi họ nuôi đàn gà chân chì y như những con gà mái đã đi qua phòng học.

Công việc chăn thả gà là mối quan hệ đầu tiên của cậu với thực tế. Và nó còn là công việc duy nhất cho đến tận tháng Sáu là tháng mẹ cậu nghĩ đến việc nghỉ hưu và cho rằng cậu con trai đã đủ thông minh để lo liệu việc ấy. Cậu tích cực cùng bà lo chuẩn bị tài liệu và cho đến khi cậu bỗng nảy ra ý định cần phải thuyết phục cha xứ hãy tăng thêm sáu tuổi nữa cho mẹ câu, bởi nếu không bà vẫn chưa đủ tuổi về hưu. Ngày thứ Năm cậu nhận được những lời hướng dẫn tỉ mỉ đầy thận trọng của bà mẹ giàu kinh nghiệm sư phạm và thế là cậu khởi hành chuyến đi ra thành phố với mười hai đồng pêxô, một bọc quần áo, một cuộn tài liệu và một ý tưởng hoàn toàn được suy nghĩ chín chắn về từ hưu trí, rồi cậu đã giải thích một cách sượng sùng coi như đó là một khoản tiền nhất định mà chính phủ cần phải trả cho cậu để cậu chăn nuôi lợn.

Vật vờ ngủ tại hành lang khách sạn lại bị nỗi chán chường làm cho đần độn, cậu đã không dám nghĩ đến tính chất nghiêm trọng của hoàn cảnh của mình. Cậu đoán rằng nỗi bất hạnh sẽ được giải quyết vào ngày hôm sau với việc con tàu trở lại. Vậy là giờ đây nỗi lo lắng duy nhất của cậu là đợi ngày chủ nhật đến để tiếp tục cuộc hành trình và sẽ chẳng bao giờ nhớ tới cái làng đã xảy ra một cơn nóng không tài nào chịu nổi ấy. Sau 4 giờ một lúc cậu rơi vào một cơn mộng khó chịu và bức bối, vì trong lúc ngủ cậu nghĩ rằng thật đáng thương đã không mang theo chiếc võng. Đó là lúc cậu biết rõ ràng mình đã bỏ quên trên tàu bộ quần áo và cuộn tài liệu xin nghỉ hưu. Bỗng cậu thảng thốt thức dậy mà nghĩ đến mẹ, đến một lần nữa phải đi xin xỏ cha xứ.

Khi cậu kéo chiếc ghế vào phòng khác thì đèn trong làng đã thắp sáng. Cậu chưa hề biết đến đèn điện. Vậy là cậu đã trải nghiệm một ấn tượng mạnh mẽ khi nhìn thấy những ngọn đèn đáng thương và bụi bặm trong khách sạn. Sau đó cậu nhớ rằng mẹ mình đã nói về đèn điện rồi vả lại tiếp tục kéo chiếc ghế cho đến tận phòng ăn, định bụng né tránh những con muỗi to bay loạn xị như những viên đạn được phản ảnh ở trong những tấm gương. Cậu ăn mà không thấy ngon miệng, cảm thấy khó chịu bởi sự thật sáng tỏ về hoàn cảnh của mình, bởi cơn nóng hầm hập, bởi cảm giác đắng cay về nỗi cô đơn ấy mà lần đầu tiên trong đời cậu nếm trải. Sau 9 giờ tối, người ta đưa cậu đến một căn phòng ở cuối nhà được dán kín bằng giấy báo và giấy tạp chí. Vào nửa đêm cậu chìm trong một giấc ngủ li bì trong khi đó, cách khách sạn năm ô phố, cha Antôniô Isaben nằm ngửa, duỗi thẳng trên chiếc giường một, nghĩ rằng những kinh nghiệm thực tế của đêm ấy đã tăng thêm sức mạnh cho bài thuyết giả cha từng chuẩn bị để đọc vào lúc 7 giờ sáng ngày mai. Cha nằm nghỉ với chiếc quần trong dài ống bó khít lấy hai chân bằng vải sec, trong tiếng muỗi xăngcuđô kêu vo ve liên hồi. Trước 12 giờ đêm một lát cha đã đi qua làng để làm lễ ban thánh thể cho một người đàn bà và cảm thấy bàng hoàng và sợ hãi, vậy là cha để sẵn các thứ cần dùng cho lễ mixa ngay bên giường, rồi cha nằm mà nhẩm lại bài thuyết giảng. Cha cứ nằm yên như thế vài giờ liền: nằm ngửa duỗi thẳng chân trên chiếc giường cá nhân cho đến khi nghe thấy tiếng điểm giờ cổ xưa của một con vạc vào lúc gần sáng. Thế là cha cố gắng đứng dậy, đi lại chệch choạng, vấp phải cái chuông, ngã vập mặt xuống sàn nhà gồ ghề và cứng kều.

Hầu như cha vẫn chưa nhận ra chính mình trong khi cảm giác đau nhức nhối từ một bên sườn lan tỏa choán lấy mình. Trong lúc ấy cha đã có ý thức đầy đủ về sức nặng toàn bộ của mình: sức nặng của thân xác, sức nặng của tội lỗi và sức nặng của tuổi già. Cha cảm thấy đối diện với má mình là cái rắn chắc của nền nhà lát đá mà nhiều lần, vào lúc chuẩn bị các bài thuyết giảng, nó đã giúp cha hình thành một ý tưởng sáng giá về con đường dẫn tới địa ngục. “Hỡi Chúa Cristô”, cha thảng thốt rên rỉ “Con chắc rằng sẽ chẳng bao giờ con đứng dậy được nữa”.

Cha không biết mình nằm sống soài trên sàn nhà được bao lậu mà không nghĩ gì, không nhớ gì ngay cả việc cầu xin một cái chết dịu êm. Trên thực tế, cứ như thể cha đã chết được một lúc. Nhưng khi phục hồi được trí khôn, cha không thấy đau đớn cũng chẳng thấy sợ hãi. Cha nhìn thấy ánh sáng nhợt nhạt bên dưới cánh cửa, và thế là cha biết chắc mình còn sống và mình còn nhớ rành mạch lời của bài thuyết giảng.

Khi cha mở thang chắn cửa thì trời đã sáng rõ. Cha chẳng thấy đau nữa và còn nhớ ra hình như cú ngã đã cất cho mình sức nặng của tuổi già. Toàn bộ cái tốt đẹp, những cú ngây ngất khác thường, và những nỗi thương cảm của làng, tất cả đã ùa vào trái tim cha khi cha nuốt ực một ngụm của thứ không khí vốn là thứ hơi ẩm lam xanh sực mùi gà. Sau đó cha nhìn xung quanh mình, cứ như thể để gắn bó hơn với nỗi cô đơn, và cha nhìn thấy cái thanh lặng của buổi mai cùng với một, hai, ba xác chim chết ở hành lang. Cha ngắm nhìn ba con chim chết trong 9 phút mà nghĩ rằng cái chết đồng loạt của lũ chim kia cần một sự chuột tội, điều đó phù hợp với bài thuyết giảng đã được thấy trước. Sau đó cha đi cho đến đầu hành lang bên kia, nhặt lấy xác ba con chim chết, rồi đi trở lại phía chum nước, mở nắp chum rồi cha lần lượt thả từng xác chim xuống thứ nước xanh lè, tĩnh lặng mà không biết chính xác mục đích của hành động mình làm. Ba cộng ba là một nửa tá xác chim chết trong một tuần lễ, cha nghĩ, và một tia chớp kì ảo của trí thông minh mách cho cha biết rằng cha đã bắt đầu phải chịu đựng cái ngày vĩ đại của mình.

Trời trở nóng vào lúc 7 giờ sáng. Ở khách sạn, người ăn duy nhất đang đợi bữa điểm tâm là cậu. Cô gái trông nom máy hát vẫn chưa dậy. Bà chủ đến gần và chính trong cái khoảnh khắc ấy cứ y như thế từ bụng bà ta đang vang lên bảy tiếng chuông đồng hồ.

- Luôn luôn tôi cảm thấy rằng con tàu đã bỏ rơi cậu – Bà ta nói với một giọng thông cảm muộn màn. Và ngay lập tức bà ta mang đến cho cậu bữa điểm tâm: cà phê sữa, một quả trứng rán và một lát chuối xanh rán giòn.

Cậu định ăn, nhưng không thấy đói. Cậu ngỡ ngàng cảm thấy mới 7 giờ sáng trời đã bắt đầu nóng rồi. Mồ hôi chảy ròng ròng. Cậu thấy ngột ngạt. Cậu ngủ không ngon giấc, mặc nguyên quần áo và giờ đây hơi sốt. Lại một lần nữa cậu cảm thấy sợ và nhớ bà mẹ mình và đúng cái lúc bà chủ đến để thu dọn bát đĩa. Bà ta rạng rỡ hẳn lên trong bộ đồ mới may bằng vải hoa in những bông hoa xanh. Bộ quần áo của bà chủ khiến cậu nhớ hôm nay là ngày chủ nhật.

- Có lễ mixa không, thưa bà – Cậu hỏi.

- Có đấy – Người đàn bà nói – Nhưng cứ như thể không có lễ mixa thì chẳng ma nào đi lễ cả. Bởi vì dân làng muốn bề trên cử đến một đức cha khác.

- Vậy có chuyện gì xảy ra với cha xứ đương nhiệm ở đây.

- Là vì cha đã gần tròn một trăm tuổi và hiện đang ở trong tình trạng nửa điên nửa dại – Người đàn bà nói, đứng im một lúc, tay cầm cả một chồng bát đĩa.

Sau đó nói:

- Một ngày nọ, đứng trên bục giảng kinh, cha có thề rằng mình đã nhìn thấy quỉ dữ và kể từ độ ấy chẳng ma nào đi dự lễ mixa cả.

Vậy là cậu đến nhà thờ phần vì nỗi thất vọng của bản thân, phần vì tò mò muốn biết một con người đã có cả trăm tuổi. Cậu nhận ra rằng đây là một làng chết với những con đường dài dằng dặc, lắm bụi và những ngôi nhà gỗ mái lợp tôn u buồn, dường như không có người ở. Đó là làng trong ngày chủ nhật: những con đường không cỏ mọc, những ngôi nhà có lưới che cửa và một bầu trời cao thăm thẳm, kì diệu úp xuống một cái nóng ngột ngạt. Cậu nghĩ rằng ở đấy chẳng hề có lấy một dấu hiệu nào cho phép phân biệt ngày chủ nhật với những ngày khác, và trong lúc bộ hành trên con đường hưu quạnh cậu nhớ tới mẹ mình: “Mọi con đường làng đều dẫn đến nhà thờ hay tu viện”. Trong chính cái khoảnh khắc này cậu bước vào một quảng trường nhỏ lát đá với một toà nhà xây tường vôi có một chiếc tháp và một chú gà gỗ đậu trên đỉnh tháp và một chiếc đồng hồ kim dừng lại ở 4 giờ 10 phút.

Cậu thư thả đi quang quảng trường, trèo lên bậc tam cấp của toà nhà và ngay lập tức cậu cảm nhận được mùi mồ hôi người già quyện lẫn với mùi hương, rồi cậu bước vào bóng râm mát lạnh của nhà hầu như không có người.

Cha Antôniô Isaben vừa trèo lên bục giảng kinh xong. Cha sắp bắt đầu bài thuyết giảng thì nhìn thấy một chàng thanh niên đội mũ bước vào. Cha thấy cậu ta, bằng đôi mắt hiền hòa và trong suốt đang quan sát nhà thờ gần như không có người. Cha thấy cậu ngồi xuống chiếc ghế dài cuối cùng, đầu để trần và hai tay để lên đầu gối. Cha biết đó là một người lạ mặt. Cha đã ở ngôi làng này hơn hai mươi năm rồi và nhờ vậy chỉ qua cái mùi từ thân xác họ phả ra cha nhận biết ngay các cư dân của làng. Vì thế cha biết rằng cậu thanh niên vừa bước vào nhà thờ là một người lạ mặt. Bằng một cái nhìn nhanh và sâu sắc cha thấy cậu ta là một người hiền lành, hơi buồn, mặc bộ quần áo bẩn và nhàu nát. Cứ như thể mặc nó để ngủ lâu ngày rồi, cha nghĩ, với cảm giác đó là một sự hòa quyện giữa lòng thương và nỗi chán nản. Nhưng sau đó, do nhìn cậu ngồi trên ghế băng, mà cha cảm thấy tâm hồn cậu đang trào dâng lòng biết ơn và thế là cha sẵn sàng đọc ngay cho cậu nghe bài thuyết giảng vĩ đại của đời mình. Chúa Cristô hỡi, – Cha vẫn thì thầm – Xin Người cho phép cậu ta nhớ chiếc mũ kẻo con lại phải ném nó ra ngoài nhà thờ. Rồi cha bắt đầu thuyết giảng.

Thoạt đầu cha nói mà không biết mình nói gì. Ngay cả nghe chính mình nói cha cũng chẳng nghe. Hầu như cha nghe thấy âm nhạc rõ ràng tách bạch tràn chảy ra từ một suối nguồn ngủ yên trong tâm hồn cha kể từ ngày khởi thủy của thế gian. Cha có niềm tin không chắc chắn rằng những từ ngữ đang đua nở đúng lúc, chính xác, sáng giá, có trật tự và được sắp đặt tốt. Cha cảm thấy một luồng hơi nóng xâm chiếm lòng mình. Nhưng cha cũng biết rằng trí tuệ mình đã trong sáng không hề vẫn chút hư vô và biết rằng cảm giác hân hoan vui sướng khiến cha nghẹn ngào không phải là lòng kiêu ngạo cũng chẳng phải là sự quật khởi, cũng không phải là sự huênh hoang khoe mẽ mà là niềm vui thuần khiết của trí tuệ mình ở nơi Cha Của Chúng Con.

Ở trong phòng mình, bà Rêbêca cảm thấy muốn ngất xỉu, vì hiểu ra rằng chỉ trong một khoảnh khắc thôi, cơn nóng sẽ trở lại không thể nào khác được. Nếu không cảm thấy gắn bó sâu sắc với làng bởi một sự khó hiểu đối với cái mới, hẳn bà đã nhét hết các đồ dùng của mình vào một chiếc hòm đựng băng phiến và đi quanh thế giới như cố nội bà từng làm, theo như người ta đã kể lại cho bà. Nhưng bà tự biết rằng số phận đã buộc bà phải chết ở làng giữa những hành lang dài không kết thúc và chín phòng ở mà các tấm lưới che cửa của chúng sẽ được bà thay bằng những tấm kính đục khi cơn nóng qua đi. Vậy là bà đứng yên ở đó, quyết định (và đó là một quyết định mà bà thường sử dụng để sắp xếp quần áo trong tủ), và bà còn quyết định viết cho “người anh họ của ta” để anh ấy phải đến làng một linh mục trẻ và nhờ vậy bà có thể đi lễ nhà thờ với chiếc mũ cài những bông hoa nỉ xinh xinh nhỏ nhắn và một lần nữa lại được nghe một lễ mixa trong trật tự và những bài thuyết giảng mực thước. Ngày mai là thứ hai, bà nghĩ, một lần nữa bà lại nghĩ đến việc đứng đầu một nhóm người để gửi cho Đức Giám mục (sự đứng đầu mà đại tá Buênđia từng đã thẩm định một cách bất kính) thì vừa lúc đó Achênia bỗng mở toang cánh cửa có lưới chắn ngoài và nói:

- Thưa bà, người ta nói rằng cha xứ lại điên ở trên bục giảng kinh.

Bà quả phụ quay gương mặt buồn buồn và cay cú, một gương mặt đích thực của bà về phía cửa.

- Thì ông lão ấy điên ít nhất đã năm năm nay rồi – Bà góa nói. Rồi bà lại tiếp tục công việc định giá các xống áo của mình, bà nói – Có lẽ cha xứ lại nhìn thấy quỉ.

- Bây giờ không phải là cha nhìn thấy quỉ dữ đâu ạ – Achênia nói.

- Vậy cha thấy ai? – Bà Rêbêca hỏi trong tư thế thư giãn, vô tư.

- Bây giờ cha bảo là cha nhìn thấy Huđiô Êrantê.

Bà quả phụ cảm thấy da mình sởn gai ốc. Một cơn lốc những ý tưởng, những tấm lưới chắn cửa rách của bà, cơn nóng, những xác chim chết, và dịch hạch mà giữa chúng bà không thể phân biệt nổi, đã đi qua đầu bà khi nghe thấy những lời nói kia mà bà không nhớ kể từ những buổi chiều của tuổi ấu thơ xa xưa: “Quỉ Huđiô Êrantê!”. Và thế là với vẻ mặt tái xanh, lạnh lùng bà bắt đầu đi về phía nơi Achênia đang há hốc mồm miệng nhìn bà.

- Đúng thế! – Bà nói với một giọng được phát ra từ ruột gan của mình – Bây giờ ta đã tự giải thích được vì sao nhãng con chim cứ thi nhau chết. Bị nỗi sợ thôi thúc, bà đội một chiếc khăn đen được thêu thùa đẹp đẽ, rồi như một tia chớp bà đi qua hành lang dài đặc và phòng khác bày đầy các đồ vật trang trí, qua cửa ăn ra đường cái, và băng qua hai ô phố để đến nhà thờ, nơi cha Antôniô Isaben đang xuất thần, nói: “Ta xin thề với các con rằng ta đã nhìn thấy. Ta thề với các con rằng nó đã đi trên con đường ta đi lúc nửa đêm về sáng nay khi từ lễ ban thánh thể cho mụ vợ của Hônát, bác phó mộc; ta trở về. Ta thề với các con rằng quỉ Huđirô Êrantê có bộ mặt đen đũi mang theo lời nguyền rủa của Thượng đê và cứ sau mỗi bước chân, nó để lại một vệt tro than nóng bỏng”.

Lời cha khựng lại, trôi nổi trong không trung. Cha cố hiểu rằng mình không ghìm được đôi bàn tay run rẩy, rằng cả thân xác minh run rẩy, rằng một dòng mồ hôi lạnh đang chảy xuống theo dọc cột sống của mình. Cha cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy toàn thân run rẩy, cảm thấy một cơn khát và một cơn đau quặn ruột và theo tiếp tiếng réo ùng ục vang lên trong bụng mình. Giữa lúc ấy cha đã nhìn ra sự thực.

Cha nhìn thấy có người trong nhà thờ và thấy bà Rêbêca đang đi ở gian chính giữa, vẻ cảm kích, chăm chú với hai cánh tay gian rộng và bộ mặt cay đắng và lạnh lùng hướng lên bàn thờ Chúa. Cha cố mơ hồ hiểu điều đang xảy ra và có cả một trí thông minh đủ dễ hiểu rằng việc tin rằng mình đang làm chủ một phép màu có lẽ là huênh hoang đấy. Cha từ tốn dựa đôi tay run rẩy lên mép bàn gỗ và tiếp tục thuyết giảng.

- Lúc đó hắn đi về phía ta – Cha nói. Lần này cha nghe rõ giọng nói thuyết phục và cảm động của chính mình – Hắn đi về phía ta và hắn có đôi mắt hạt huyền, bộ lông bù xù và mùi của một con dê đực. Ta giơ cao cánh tay lên, nhân danh Chúa của chúng ta để lên án tội ác của hắn và nói: “Hãy dừng lại. Chưa bao giờ ngày chủ nhật là ngày tốt đẹp để làm lễ hiến sinh một chú cừu đực cả”.

Khi cha kết thúc bài thuyết giảng, cơn nóng bắt đầu. Cơn nóng hầm hập, oi ả, của tháng tám ấy là không thể nào quên. Nhưng cha Antôniô Isaben không hề biết đến cơn nóng. Cha biết rằng ở đấy, sau lưng mình, một lần nữa dân làng đứng đó, yếu đuối, sợ đến so hai vai lại trước bài thuyết giảng, nhưng cha chẳng hề vui vì cái đó. Cha cũng chẳng hề vui với cảnh tượng tiếp theo mà rượu đã làm dịu giọng cha. Cha cảm thấy khó chịu và bức bối. Cha cảm thấy bàng hoàng và không thể tập trung trong thời điểm sáng giá của đức hy sinh. Từ lâu rồi điều đó đã xảy ra với cha, nhưng giờ đây nó là một niềm vui khác hẳn bởi vì ý tưởng của cha đang bị treo lơ lửng trước một nỗi lo cụ thể. Lần đầu tiên trong đời mình lúc này cha mới biết đến niềm kiêu hãnh. Và như cha đã từng nghĩ và định danh nó trong các bài thuyết giảng của mình, cha cảm thấy niềm kiêu hãnh là một nỗi nghiệt ngã như cơn khát. Lấy hết sức bình sinh, cha đóng lại bàn thờ và nói:

- Pitagôra hỡi!

Người hầu lễ, một đứa trẻ đầu cạo nhẵn bóng, con nuôi của cha Antôniô Isaben và đã được cha đặt tên cho, đi đến gần bàn thờ.

- Hãy đi thu tiền bố thí – Cha nói.

Cậu bé chớp mắt, quay một vòng tròn, rồi sau đó nói bằng một giọng hầu như không nghe thấy rõ:

- Con không biết hộp đựng tiền để ở đâu ạ.

Đúng vậy. Đã nhiều tháng nay không thu tiền bố thí.

- Vậy con hãy tìm một cái túi to trong kho đồ thành và hãy đi thu tiền bố thí đi.

- Và con nên nói thế nào, thưa cha?

Cha cố suy tư nhìn cái đầu cạo trọc nổi gồ những đường gân xanh xám. Bây giờ, cha là người nháy mắt:

- Hãy bảo rằng số tiền này được dùng để trừ quỉ Huđiô Êrantê – Cha nói và cảm thấy rằng trong trái tim mình đang chịu một sức nặng ghê gớm. Trong khoảnh khắc cha không nghe thấy gì ngoài tiếng nến cháy nổ lép bép trong nhà thờ im ắng và hơi thở của cha hổn hến và khó khăn. Sau đó, cha đặt tay lên vai người hầu lễ mà lúc này với đôi mắt tròn xoe đầy hoảng hốt đang nhìn cha. Cha bảo:

- Sau khi thu tiền xong hãy mang đến cho cậu thanh niên ngồi một mình lúc bắt đầu buổi lễ và hãy nói với cậu ta rằng cha gửi tiền cho anh để anh mua một chiếc mũ mới.

1955

NGUYỄN TRUNG ĐỨC dịch

--------------------------------
1Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa: Bà Ivette chết tối nay.


BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH