MỤC LỤC
- 1. Người Nữ Tù Sàn Cát Giữa Mùa Xuân Đen
- 2. Căn Nhà Tre
- 3. Ba Tôi Và Tôi
- 4. Mẹ Tôi, Hai Lần Vĩnh-Biệt
- 5. Nửa Đêm Nghe Tiếng Mẹ Thở Dài
- 6. Tầm Thù
- 7. Chấm Và Phá
- 8. Trả Thù Phật
- 9. Bên Bờ Tử Sinh
- 10. Người Tù Vĩnh Viễn Ở Lại Rừng Kà-Tót
- 11. Chiến Công Mùa Xuân
- 12. Thuở Vô Trường Học, Thuở Ra Trường Tù
- 13. Quê Nội, Quê Ngoại
- 14. Tám Tàng Giác Ngộ Cách Mạng Đen
- 15. Khi Người Đàn Bà Đứng Dậy
- 16. Bóng Tối Và Con Chim Sâu Bên Khung Cửa Tù
- 17. Ta Phải Sống
- 18. Những Mảnh Trời Nghiêng Đổ Bên Bờ Sông Ba
- 19. Bụi Rau Dền Gai
- 20. Ra Khỏi Chuồng Người
- 21. "Tri Ngã Giả Kỳ Thiên Hồ!"
- 22. Cốt Nhục Tương Tàn
- 23. Chiếc Lông Chim Đại Bàng
- 24. Karl Marx Mắng Mỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam
- 25. Ta Phải Sống
- 26. Chiếu Chỉ Từ Thiên Triều Phương Bắc
- 27. Sập Cầu Cần-Thơ: Cứu Trợ?
- 28. 75 Tuổi Bất Ngờ Còn Xuân
- 29. Dòng Đời Cho Đến Hôm Nay
- 30. "Tản-Mạn" Nhân Mùa Phật-Đản 2008
- 31. Lá Quốc-Kỳ Màu Vàng Của Chúng Ta
- 32. Đội Nắng Sydney,Nhớ Nắng Sài Gòn
- 33. Con Tôi
- 34. Tên Tù Chính Trị Trẻ Nhất Nước
- 35. Giọt Máu Lưu Vong
NỬA ĐÊM NGHE TIẾNG MẸ THỞ DÀI
Sau gần hàng chục năm "cày trong sở làm", tôi bị hãng cho nghỉ việc cùng với hàng loạt nhân công khác. Cái lý do cho đám nhân công về nhà "rửa chén cho vợ" của ông chủ hãng nó rất ư là có "chính nghĩa". Ông chủ bảo hãng sắp bị "băng-rắp" vì kinh tế suy thoái; cho nhân công nghỉ việc, ổng cũng buồn lắm, ổng nói lời cám ơn, ổng nói "so-ri", và sau cùng chia tay, ổng nói thêm "gút-lắc!"..
Có mấy chị buồn ra mặt, mắt các chị dường có hơi sương. Có mấy anh cúi đầu sầu đời lo cho một tương lai lầm lũi chui vào đêm đen. Còn tôi, tôi có vẻ tỉnh bơ. Mấy thằng bạn trố mắt ngạc nhiên khi tôi bảo với ông chủ là ông đã cho tôi nghỉ việc rất hợp lúc, tôi cám ơn ông vì được nghỉ việc một cách có lý do chính đáng, chứ tôi mà bỏ việc ngang xương thì "nhà tôi" sẽ cằn nhằn là cái chắc, không đốt nhà là phúc đức ông bà!
- Người ta tìm việc không ra, còn anh thì xin thôi việc! Tiền nợ nhà băng, tiền "biu bộng", tiền cơm áo, tiền con cái ăn học... Anh đào đâu ra tiền, anh nói tui nghe coi!?
Câu hỏi này sẽ thành một bản đơn ca có nhiều điệp khúc, bảo đảm sẽ được nàng hát không guitar hàng ngày rất ư là có "chính nghĩa". Nay thì cái giấy nghỉ việc có trong tay, đâu phải do tôi ký mà tôi sợ! Nàng sẽ làm thinh, cao lắm là lo lắng, ngao ngán thở dài. Và cái đó nó "tiện việc sổ sách" cho tôi vô cùng. Nàng làm sao mà biết nguồn cơn nhảy múa trong lòng tôi! May ra chỉ có ông Trời và tôi!
Thật ra, hãng không cho nghỉ việc thì vài tháng sau tôi cũng xin nghỉ việc. Tôi đã đau lưng khá lâu vì làm công việc nặng, tôi cũng chán cái cảnh "sáng vác cơm đi, tối vác lon về", rồi tiếp theo là hàng chục năm dài chong mắt với những ca đêm, tôi chán cái cảnh chạy hụt hơi với cái đồng hồ treo trên vách, và nhất là cái đồng hồ reo mắc dịch trên đầu giường phá hoại giấc ngủ say về sáng của tôi! "Dậy đi làm! Dậy đi làm! Reng reng! Reng reng!!!". Trời ơi! "Đoạn trường ai có say giấc trên giường mới hay"!
Đôi lúc tôi thấy dường như đời mình vướng nghiệp tù, tù cộng sản vừa thoát xong, qua xứ này lại dính "cái tù phải đi cày để kiếm sống". Cũng biết cái tù sau này ở xứ người thì có tiền nuôi vợ con, không bị nhà tù, công an, quản giáo đày đọa, nhưng theo tôi, cái gì làm cho người ta lệ thuộc, ràng buộc, khó nhọc, mất tự do... cũng đều có thể coi như là ở tù ráo trọi
Từ lâu, nhớ lại những ngày oằn lưng lao động trong tù vc, tôi thương cái lưng tội nghiệp của mình khi phải làm việc nặng, nên tôi đã dự liệu trong đầu một số công việc tương đối thong thả, tự do hơn để "xù" việc làm hiện tại; nên khi ông chủ hãng cho nghỉ việc thì tôi cám ơn ông, bắt tay ông xiết mạnh rồi hớn hở ra về. Mấy thằng bạn cùng sở ngạc nhiên về thái độ mất việc nhưng tỉnh bơ, vui vẻ của tôi. Tôi chia tay từ giã lũ bạn, và dường như trong mắt, trong đầu chúng nó, có thể nó nghỉ tôi sắp qua Florida đáp phi thuyền con thoi lên định cư ở mặt trăng với chị Hằng Nga!
Sau khi lương thất nghiệp chấm dứt với hơn sáu tháng nằm nhà, thoải mái và tự do, cái lưng không còn bị hành hạ, tôi mua một chiếc ghe nhỏ, hai tay lưới Salmon và một chiếc xe truck một tấn, bắt đầu một công việc mới xa nhà trên sông nước mênh mông, trên đường thiên lý vạn dậm... rày đây mai đó, khi ở đầu sông Skeena gần Alaska, lúc ở cuối sông Fraser gần tiểu bang Washington State, đầu Nam đầu Bắc trên đường bộ kéo dài sơ sơ cũng cỡ từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu
Tôi đã lái xe vượt qua lưng dãy Rocky Mountains dài và cao nhất thế giới, hiểm trở gấp trăm lần đèo Hải Vân ở Việt Nam, có điều khác với đường xá của nước Việt Nam cộng sản đầy ổ voi đến ổ gà từ Nam tới Bắc, đường xá Canada nó "hiện đại", bằng phẳng như bộ ván của vợ chồng ông Đỗ Mười chở từ Nam về Bắc sau 75 trong chiến dịch đánh tư sản miền Nam!!! Tôi đã xuôi ngược trên con đường thiên lý đó từ thành phố tôi ở, Vancouver, đến cảng Ruppert gần Alaska, với chiếc xe truck chở mấy tay lưới, kéo theo chiếc ghe trên chiếc trailer... Mỗi năm, tôi xuôi ngược không dưới 3 ngàn cây số trên con đường dài ngút ngàn, thăm thẳm với đồi núi, với sương mù, với những mảng tuyết trắng trải rải rác hai bên đường đèo.
Có đi nhiều ở xứ người mới thấy tội nghiệp cho quê hương Việt Nam. Trên những nẻo đường vạn dậm tôi qua, xứ người chỗ nào cũng trù phú, an bình; người ta không có những trạm kiểm soát kinh tế, song kinh tế vẫn phát triển, dân lành ấm no, hạnh phúc; nếu không vượt đèn đỏ hay phóng xe quá tốc độ thì ít khi thấy cảnh sát hú còi dán cho cái ticket; tài xế muốn tắp xe ngủ chỗ nào theo bìa rừng cũng không ai thắc mắc, hỏi giấy hỏi tờ. Tôi đã từng ngủ dọc đường như thế trong hơn 5 năm trời lữ thứ tha phương.
Có những đêm trăng "một mình một ngựa" trên xa lộ 16 vạn dậm từ Đông sang Tây, Bắc tỉnh British Columbia, Canada; theo tôi suốt đêm là vầng trăng sáng như cái mâm đồng treo trên đỉnh Rocky Mountain, tôi bỗng nhớ đoạn ruột vầng trăng nhỏ của quê hương trên đỉnh Trường Sơn nghìn trùng xa cách. Vừa lái xe, vừa ngâm thơ, vừa hát quốc ca, vừa hát nhạc hùng để tỉnh ngủ, để chiếc xe truck nuốt thêm đoạn đường dài cho đến khi mắt mờ, tôi tắp xe ngủ bên vệ đường ven rừng. Tôi ngủ mê mệt, không biết trời, không biết đất, không biết trăng, không biết sao, cho đến khi giá rét ướp lạnh da lưng, tôi giật mình thức dậy, đề máy xe chạy tiếp..
Tôi lái xe hết đêm đến ngày, những vệt nắng sớm dệt từng mảng sáng vàng lên lưng núi rừng trùng điệp, xe lại vượt qua những đoạn đường hùng vĩ, vách núi một bên, sông lạch một bên. Nhiều lúc nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên mà chợt nghĩ thầm, nếu cái đất nước giàu đẹp này, nếu những con đường thiên lý nên thơ này, mà con dốc trước mặt bỗng hiện ra một tên cầm AK, cờ đỏ, bắn vào xe thiên hạ như ở Việt Nam trước 1975, thì đất nước này không mấy chốc cũng sẽ trở thành hoang sơ, nghèo đói không thua gì những vùng đất nghèo nàn, xơ xác ở miền Trung Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
Cái cẩm tú và an bình của nước người giúp tôi thoải mái lái xe liên tục hàng ngàn cây số mà không biết mệt, dù đôi lúc anh tài xế cũng cảm thấy vô cùng cô đơn. Có lần về lại nhà, tôi phone Hà Thúc Sinh và "dụ" tác giả Đại Học Máu nếu có gan rời Cali làm một chuyến Bắc du đi Canada mùa Hè, tôi sẽ đưa anh cùng tôi theo xe, đi về hướng Bắc, anh sẽ có dịp hít thở cái không khí trong lành khi xe trèo trên lưng dãy Rocky Mountain, hay ra biển rộng, hay trên sóng nước sông Skeena. Và có thể sau đó cái phổi bệnh hoạn của anh sẽ đầy ắp sinh lực trở lại, anh sẽ có dịp nhìn những nẻo đường đất nước của người ta mà tủi phận cho những nẻo đường Việt Nam của mình
Chuyến đi xa vào cuối tháng 9 năm 93, đã đưa tôi đên tận đầu đảo Queen Charlottes của Canada giáp ranh Alaska.
Muốn qua đảo này, người ta phải đi phà 6 tiếng đồng hồ từ thành phố Prince Rupert. Tôi dự trù làm việc ở Queen Charlottes một hai tháng rồi trở về Vancouver trước khi mùa Đông đổ tuyết lên đầu. Mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm lái xe trên tuyết, nhưng tôi cũng rất ớn và lạnh cẳng khi vượt những đường quanh co, trơn trợt phủ đầy tuyết, sẳn sàng ném chiếc xe và tôi xuống vực sâu bất cứ đoạn đường nào. Tôi nghĩ bụng là phải bảo trọng thân thể và tay lái để còn có ngày về lại quê hương sau khi chế độ cộng sản "đi chỗ khác chơi". Nhưng tôi không tránh được cái số..
Mùa Đông chưa đến, tôi chưa lái chiếc xe truck về Vancouver, nhưng chiếc máy bay đã bốc tôi một mạch từ đảo Queen Charlottes về Vancouver vì một tai nạn bất ngờ trên tàu. Tay trái tôi gãy cụp như cọng lá chuối bị bẻ ngang. Người ta đã chụp thuốc mê tôi, mỗ tay trái, kéo thẳng hai xương gãy, kẹp mỗi xương một mảnh kim loại đặc biệt, dùi xương, bắt ốc xương dính vào mảnh kim loại như mấy ông thợ mộc làm bàn ghế
Sau khi may lại thịt da trên cánh tay tôi, họ đẩy tôi xuống phòng hồi sức lúc nào tôi không hay. Khi tỉnh dậy, thuốc mê tan dần, điều duy nhất tôi biết là cơn đau kinh khiếp đang nhảy múa trên cánh tay trái sưng vù, băng kín như một đòn bánh tét lớn... Tôi cựa mình, dùng bàn tay phải mò mẫm, mân mê từng ngón tay trái tê rần, bất động, và chưa bao giờ tôi thấy bàn tay phải của tôi nó yêu thương bàn tay trái em nó trìu mến đến thế..
Bác sĩ cho tôi về nhà sau mấy hôm vật vờ trong nhà thương, và sau khi về đến nhà, tôi lại tiếp tục lừ đừ, đau đớn thêm cả tuần nữa. Dường như thuốc mê, thuốc ngủ và thuốc giảm đau còn đọng trong cơ thể, nên nó đã biến tôi thành một cơ thể yếu như sên
Mấy hôm bà xã nghỉ việc ở nhà, tôi được bà xã săn sóc, chiều chuộng cẩn thận. Ngày nàng phải đi làm, tối về lo cơm nước, buổi tối, nàng cẩn thận lót từng cái gốì dưới cánh tay gãy của tôi. Tôi cảm động và bỗng thấy mình yếu đuối trước cuộc đời. Tính tôi không muốn nhờ vả, không muốn lệ thuộc hay làm khổ ai, kể cả vợ con, nhưng tôi bất lực. Cơn đau càng hành hạ tôi, tôi càng cần thêm thuốc giảm đau. Tôi nhừ và yếu đuôi như một đứa bé lên cơn sốt mọc răng.
Những đêm đầu ngủ ở nhà, mỗi khi tôi cựa mình đau đớn, mò dậy tìm Tylenol thì vợ cũng thức giấc theo, kê lại gối dưới tay tôi. Mỗi đêm tôi cựa mình không biết bao nhiêu lần, và qua nhiều đêm thì dường như vóc dáng người vợ hiền cũng nhuốm mầu đêm trường, hốc hác thấy rõ. Tôi nhận ra điều này, nên có lúc để vợ ngủ say khỏi biết tôi cựa mình đau đớn, tôi bỏ gối xuống thảm nằm yên để khỏi phá giấc ngủ của vợ, nhiều lúc phải chịu đựng cơn đau cho tới sáng.
Lọ thuốc Tylenol cạn sạch, cơn đau nhức vẫn còn, vợ đi làm đầu tắt mặt tối đến chiều mới về nhà, tôi khật khừ chả buồn mua thêm thuốc. Tôi biết đêm tôi sẽ bắt đầu một giấc ngủ không có thuốc giảm đau, tôi phải trở giấc trong tình trạng nửa mơ nửa tỉnh nhiều hơn suốt đêm dài.
Nửa đêm, tôi mở mắt, thức giấc lơ mơ với cơn đau không tài nào ngủ lại. Nghiêng đầu nhìn vợ ngủ say, tôi giữ mình bất động. Cái yếu đuối và đau đớn của cơ thể trong đêm tối, dường như đã đẩy tôi trở về tuổi ấu thơ với Mẹ tôi bên cạnh giường trong những khi tôi đau yếu. Tôi chợt nhớ tới Mẹ tôi, người Mẹ mà mấy mươi năm nay tôi chưa một lần gặp lại. Tôi nhắm mắt, mơ màng, tự thả trôi mình ngược dòng dĩ vãng mông mênh, mờ ảo.
Trong bóng đêm tịch mịch, tôi bỗng có cảm tưởng như Mẹ tôi đang đứng cạnh giường. Rồi bỗng như tôi bị đẩy lùi lại một thời dĩ vãng xa xôi, nhỏ nhít trở lại với những phút giây của một thời thơ ấu bên cạnh Mẹ. Tôi lim dim mắt và lòng thương nhớ bao la trào dâng về hết cho Mẹ. Và tôi bồng bềnh trong mờ ảo, trong tiềm thức mông mênh, tận hưởng những phút giây phút ảo diệu thần tiên này.
Dường như tôi nghe tiếng Mẹ tôi thở dài đâu đó bên cạnh giuờng. Tôi chợt mở mắt ra như tìm kiếm một bóng hình yêu thương của Mẹ tôi trong bóng đêm. Hư hay thực, tôi không biết, dường như là hư, nhưng hai hàng nước mắt của tôi bỗng trào ra, lăn trên má, ứa tràn xuống gối tự lúc nào mà tôi không hề hay biết.
Tôi chợt thảng thốt gọi: "Má!" Và tôi giật mình tỉnh dậy, bàng hoàng tiếc nuối hình bóng mờ ảo của người Mẹ biến mất sau cơn mơ. Tôi biết mình vừa qua một cơn mơ ngắn bất chợt, nhưng tim tôi đau thắt lại, trí tôi bần thần lảng đảng nguyên một buổi sáng nắng trải đầy trời Bắc Mỹ ở bên ngoài khung của kính..