CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Nguyễn Mộng Giác » Mùa Biển Động Tậ­p 5 - Tha Hương


Chương 129

Khúc đầu của đoàn di tản chậm chạp bò tới, nuốt từng chặng nhỏ của quốc lộ 14, nhưng những nhánh đuôi của con rắn hình dạng kỳ dị thì như bất tận, mỗi lúc mỗi dài thêm ra. Người được ban lệnh di tản chính thức đi trước, kẻ có phương tiện cơ giới tiếp nối. Rồi những người dân nghèo khổ không có phương tiện cũng phải hấp tấp vơ tìm một ít hành lý, dắt díu nhau nối đuôi, người mạnh dìu người yếu, anh cõng em thất thểu lê bước trên đường ngập bụi và cháy nắng.

Đoàn xe chở binh sĩ và gia đình của đồn Quân cảnh nằm vào đoạn giữa, và chạy thật chậm theo nhịp chung. Quanh xe, bất cứ ai có sức thì bám lấy bất cứ thanh sắt hay sườn gỗ nào có thể bám được để đỡ cho đôi chân. Những chiếc Honda buộc ràng đủ thứ hành lý chưa kể số người trên yên, thế mà người lái vẫn nhanh tay lái lách để vượt mau về phía trước.

Đoàn di tản, kể cả khúc đuôi, cuối cùng cũng ra khỏi Pleiku. Mọi người như bị trôi bập bềnh trong một cơn mê dài, ít ai còn nghĩ tới nơi chốn thân yêu vừa đành đoạn lìa bỏ để quay lại nhìn về phía sau. Thế rồi đột nhiên có tiếng lao xao truyền nhanh từ khúc đuôi ra khúc đầu đoàn, mọi người đều quay đầu nhìn về phía Pleiku. Một, rồi hai, ba đụn khói đen nổi lên, vươn thẳng lên trời, sau đó tỏa rộng như một tàn cây. Có nhiều tiếng nổ lớn, trong khi những đụn khói đen mọc lên khắp đây đó, trông giống những đám nấm độc xám xịt khổng lồ. Người ta biết ngay là các đơn vị tập hậu đã phá hủy những quân cụ, khí giới và kho xăng ở Pleiku để khỏi lọt vào tay Bắc quân. Bây giờ mới bắt đầu có những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống, những tiếng nấc nghẹn. Ôi! Pleiku hấp hối bao ngày qua, Pleiku oằn mình trút hơi thở cuối cùng.

Đại úy Vinh ngồi ở ghế bên phải bên cạnh người tài xế, phía sau ông không có người lính nào khác, chỉ có gia đình Thượng sĩ Hạp gồm một bà mẹ già, vợ anh thượng sĩ và bốn đứa con. Chiếc Jeep lùn chở phía sau khá nhiều đồ đạc và mấy hộp lương khô, nên những người gia đình anh thượng sĩ phải chen nhau ngồi thu lu trong lòng xe. Đứa trai út bốn tuổi không chịu được hơi nóng và mùi mồ hôi, xin lên ngồi chen giữa hai ghế trước. Thượng Sĩ Hạp ngồi trên chiếc Dodge chạy kề sau chiếc Jeep, cùng một số lính Quân cảnh và gia đình họ.

Chạy thêm một đoạn, Đại úy Vinh bảo tài xế ngừng để cho một ông cụ đứng bên vệ đường quá giang vì chiếc Honda con trai ông lái đèo ông chạy loạn bị chết máy. Người con cảm ơn ông đại úy rối rít, dặn cha nếu tới Phú bổn trước thì chờ con ở nhà một người quen. Anh tự tin sẽ sửa được chiếc xe và theo kịp cha trước khi tới Phú bổn. Đứa con trai thượng sĩ lại bị trả về phía sau để nhường chỗ cho ông cụ. Biết hai cha con từ khúc đuôi chen lách tới được đoạn giữa, Đại úy Vinh hỏi thăm:

- Phía sau ra sao hở cụ?

- Cũng yên lắm. Nhiều người đi bộ được một đoạn bỏ về. Mấy người khác rồi cũng tìm được xe cho quá giang.

- Khúc sau dài không?

- Dài lắm. Dám dài cả chục cây số. Chạy chậm rề thế này liệu tối tới Phú bổn không hở Đại úy?

- Chắc tới. Miễn là…

Viên đại úy không dám nói “miễn là địch đừng phục kích”. Ông lo không biết nếu Bắc quân nhẫn tâm phục kích nã đạn thẳng vào đoàn di tản, thì sẽ có bao nhiêu người chết. Giữa thanh thiên bạch nhật, một đoàn người và xe nối đuôi nhau trên quốc lộ, dân với lính, xe nhà binh, xe dân sự lẫn lộn, súng ống đạn dược chất đống lẫn lộn với đồ đạc quần áo, đơn vị nào tự lo lấy đơn vị nấy, khi loạn không biết ai chỉ huy ai… càng nghĩ viên đại úy càng lo sợ. Cảnh đại lộ kinh hoàng ở Quảng trị sẽ tái diễn trên quốc lộ 7 không?

Đoàn xe qua khỏi Thuần mẫn, và đã bắt đầu vào đoạn đường đất đỏ cách Phú bổn chỉ vài cây số nữa. Có lẽ đoạn đầu đoàn đã tới nên nhịp di chuyển chậm hẳn lại. Trời đã ngả chiều. Nắng hết gắt, lâu lâu hơi lạnh ủ trong những cánh rừng ven đường theo gió ùa tới. Cả cụ già ngồi trước và bà mẹ Thượng sĩ Hạp ngồi sau đều lục áo ấm chuẩn bị ngự hàn. Lũ trẻ con kêu đói, bà vợ anh thượng sĩ càu nhàu mắng con, rồi lục giỏ phát cho mỗi đứa một khúc bánh mì khô. Chị Hạp ngập ngừng đưa một mẩu bánh ra mời Đại úy Vinh cho phải phép. Viên đại úy lắc đầu. Ông không thấy đói, dù buổi sáng chỉ uống có một ly sữa để vất hộp sữa đặc còn lại trong tủ lạnh từ cả tuần trước. Ông xoay nghiêng vai quay hỏi ông cụ ngồi cạnh:

- Chốc nữa tới Cheo reo cụ về đâu?

- Đại úy cho tôi xuống gần sân banh. Nhà con gái tôi ở đó.

Người con trai ông cụ sửa xong chiếc Honda đã bắt kịp chiếc Jeep. Anh rề xe sát bên hông chiếc Jeep lùn, hỏi cha:

- Cha về với con hay con về trước cho chị Bốn hay?

Ông cụ quay hỏi Đại úy Vinh:

- Tối nay mời Đại úy về nhà con gái tôi dùng cơm. Đại úy tử tế quá, tôi biết lấy gì…

Ông cụ nói chưa dứt câu, thì nhiều tiếng nổ vang rền ở phía trước. Anh tài xế theo phản xạ tự nhiên phanh xe lại. Chiếc Dodge-4 phanh chậm ũi vào đít chiếc Jeep. Nhiều tiếng la lớn: “Pháo kích, pháo kích!”

Không ai bảo ai, mọi người nhảy ra khỏi xe, tiếng trẻ con khóc, tiếng la hét hỗn loạn chen lẫn với tiếng nổ của đạn pháo kích. Thiên hạ túa ra hai bên vệ đường, nằm sát xuống bất cứ gốc cây bụi cỏ hay mô đất nào họ tưởng là chận được mẻ đạn pháo. Trên đường đất đỏ chỉ còn đoàn xe nằm lộn xộn và đồ đạc vất tung tóe. Nhiều đụn khói đen bốc lên phía trước mặt, từ xa. Mọi người hoàn hồn. Địch chưa bắn thẳng vào đoàn di tản, chỉ pháo kích chận đầu vào Phú bổn để cho biết là họ có mặt mà chưa muốn hạ tay đao.

Người ta lại lục tục lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Cảm giác bình yên không còn nữa. Nhưng không ai muốn tỏ bằng lời mối lo của mình. Ngược lại, ông cụ quá giang xe còn cố nói:

- Chút nữa Đại úy cho tôi xuống đầu đường vào sân banh, để tôi chỉ nhà con Bốn. Đại úy tới dùng cơm tối với gia đình tôi, nghe Đại úy. Cả bà con ở đây nữa, tối nay ai không có chỗ ngủ xin mời lại nhà con gái tôi.

Giọng nói của ông cụ lắp bắp, thiếu hẳn quả quyết. Đại úy Vinh không trả lời. Ông thầm cảm ơn (không biết cảm ơn ai) là dù sao cả đoàn di tản cũng qua được một ngày bình an.

° ° °

Đơn vị của Đại úy Vinh tới Cheo reo lúc 8 giờ tối. Những người tới trước đã chiếm những chỗ dừng xe và tạm trú thuận lợi, lớp tới sau bắt đầu vất vả tìm một chỗ đặt chân. Thị trấn miền núi heo hút lâu nay chỉ có chưa tới 20.000 dân, đột ngột trở thành cái phễu cho dân lẫn lính của Pleiku, Kontum đổ về. Trong màn đêm, dưới những ngọn đèn nhá nhem, người ta phải cẩn thận từng bước vì vô ý một chút là dẫm phải người. Không có một tấm mái che nào vô dụng. Công sở, trường học, trại lính, quán xá, nhà dân, đâu đâu cũng chật như nêm, không đủ chỗ trú sương, người ta trải chiếu hay những tấm nhựa ra ngay lòng đường, gối đầu lên lề. Từng nhóm các bà nội trợ bắt đầu nhen bếp nấu nướng. Khung cảnh chung giống như một cuộc họp trại lớn, hỗn độn bi thảm nhưng cũng rộn rã vui vẻ không kém!

Đại úy Vinh chờ cho đơn vị mình ổn định chỗ nghỉ đêm trong sân vận động xong, mới mượn cái đèn pin của Thượng sĩ Hạp lần mò lên Tiểu khu Phú bổn tìm Ngữ. Chị Hạp không biết trong vòng nửa giờ bằng cái tài xoay xở hiếm có nào đã nấu cho cả gia đình một soong mì Sợi. Chị cố nài Đại úy Vinh ăn một tô mì nóng rồi đi đâu hãy đi.

Viên đại úy phải mất cả nửa tiếng đồng hồ mới len lách được tới Tiểu khu. Trong sân Tiểu khu toàn lính, nhưng ít người hơn ngoài phố. Ông Vinh tìm được Ngữ khá dễ dàng. Mới cách nhau có mấy hôm, nhưng do thời cuộc biến đổi quá lẹ, hai người ôm chầm lấy nhau tưởng như gặp lại sau nhiều năm tháng thăng trầm đổi thay.

Ngữ lo lắng hỏi:

- Ông biết rõ không? Người ta bỏ cao nguyên hay sao?

Ông Vinh hỏi lại:

- Chứ ở đây các ông không nhận được lệnh à?

- Lệnh gì? Quân đoàn dời về Nha trang, nhưng cơ quan hành chánh và Tiểu khu các tỉnh vẫn phải ở lại chứ! Bộ Chỉ huy Quân đoàn dời, đâu có nghĩa là bỏ hết chạy thoát thân, bỏ dân lại. Sao các ông rùng rùng kéo nhau tới đây thế?

Ông Vinh lúng túng không biết trả lời bạn thế nào. Ông suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Đúng là một cuộc rút chạy dù chưa thử sức với địch. Một cuộc tháo chạy vô trật tự. Cũng may ngày vừa qua chưa có điều gì đáng tiếc. Tôi đang lo lỡ có gì, tình trạng vô tổ chức thế này… nếu địch lại phục kích nữa… À, hồi nãy chúng nó pháo kích vào đây, thiệt hại nhiều không?

- Ít thôi. Cháy mấy căn nhà. Hai người chết, dân mới chạy từ trên đó xuống. Nhưng ông chưa trả lời câu tôi hỏi. Ông được lệnh rút lui à?

- Không. Chỉ nhận được lệnh y như ở đây; Bộ Chỉ huy Quân đoàn dời, đơn vị thuộc trú phòng và địa phương ở lại. Nhưng sáng nay tự nhiên mọi người rùng rùng kéo đi, thế là a lê hấp, bắt đầu. Người ta đã cho phá hủy kho đạn và kho xăng. Như vậy càng rõ kế hoạch mật của Sài gòn, là dứt khoát bỏ cao nguyên. Giữa bạn bè với nhau, tôi khuyên ông thu xếp ngay để mai đi chung với tôi.

Ngữ cãi:

- Đi sao được! Nếu tôi đi, thì hôm trước đã vù về Sài gòn với vợ con, hoặc ở lại Pleiku với ông.

Đại úy Vinh cười:

- Ông ở lại Pleiku thì bây giờ cũng ở đây, khác gì nhau nào! Xếp của ông đâu?

- Xếp nào?

- Xếp trực tiếp, Trung tá Thanh.

- Ông ấy được lệnh dẫn quân đi tảo thanh cho vòng đai an ninh từ hôm qua.

- Như vậy là ông đéo hiểu gì cả. Tiểu khu của ông được giao hành quân mở đường quốc lộ 7 ở phạm vi thuộc Phú bổn. Thôi thì được đi. Cứ làm hết phận sự. Nhưng ông phải tùy tình hình mà tìm cách doọt cho đúng lúc. Tôi e dân Cheo reo tối nay ở chung với dân Pleiku Kontum, sáng mai chúng tôi ra đi họ kéo đi theo không còn một mống.

Ngữ tức giận hỏi:

- Vậy là lần lượt kéo nhau chạy à? Địch đâu cần đánh đấm gì nữa. Các ông kéo tới đâu là tan rã tới đó. Các ông phải dừng lại chứ! Cấp chỉ huy của các ông đâu?

- Không có ai cả. Các ngài có phương tiện máy bay vù về Nha trang tắm biển ăn sò huyết uống nước dừa cả rồi! Còn ở đây, ai đang chỉ huy Tiểu khu mà coi chộn rộn loạn xà ngầu thế này?

Ngữ nhìn quanh, giọng chán nản:

- Giá có Trung tá Thanh ở đây thì đỡ. Ông đại tá đi họp khẩn ở Quân đoàn chưa về!

- Rồi! Các ông cũng mồ côi như chúng tôi thôi!

- Ông nói gì vậy?

- Tôi cá với ông là xếp lớn bận họp dài dài, ở đâu đâu tận Nha trang, Sài gòn, các ông có thân phải tự lo lấy.

- Tôi cũng đang đối phó nhiều chuyện lắm. Tạm thời Đại úy Trưởng ban 2 chỉ huy chung. Lính Thượng ở đây, ông hiểu? Mấy ngày nay có nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Chưa biết họ phản mình lúc nào.

- Họ đông không?

- Địa phương quân ở đây hầu hết là người Thượng.

- Rắc rối nhỉ! Ông ăn uống gì chưa?

- Chưa. Trong phòng còn soong cơm nguội, nấu hồi sáng. Thịt chà bông Trang đem lên ăn chưa hết. Còn hũ dưa cà nữa.

- Nghe được đấy. Tôi ở lại đây với ông. Sáng ra sân vận động sớm để khởi hành. Cũng may là vợ con ông với vợ con tôi đều ở chỗ an toàn cả. Tụi mình một thân, cái gì cũng dễ tính.

Ngữ nói:

- Cảm ơn ông lắm. Không có ông, chắc bà xã tôi lại kẹt vào vụ này.

° ° °

Thấy Ngữ xếp dọn lại cái mền nhà binh và gối trên giường sắt, sau đó ôm cái túi ngủ xuống trải ngay ngắn chỗ gần cái bếp dầu lửa, ông Vinh hỏi:

- Ông tính đi ngủ à? Ngủ làm sao nổi! Có rượu không?

- Không. Ông biết tôi đâu uống được nhiều. Còn vài lon bia hộp thôi.

- Được. Tụi mình “say” một bữa đi. Biết đâu…

- Ở đây ồn và nóng. Ta lên chòi gác ngồi uống bia đi!

Ông Vinh gật đầu rồi hỏi:

- Có đồ nhắm không?

- Dưa chua được không?

- Được. Có phải hũ dưa leo ngâm dấm này không? Ở đây sắm đồ Mỹ cũng dễ chứ?

- Độ này hơi khó, cần cái gì phải ra ngoài ông. Hồi còn ông mục sư Mỹ ở đây, dễ thôi!

Hai người dẫn nhau lên cái chòi canh nằm góc tây của vòng rào Tiểu khu. Thấy chòi canh trống trơn, ông Vinh hỏi:

- Lính gác đâu?

- Họ xin về. Với lại thế này còn cần gì canh gác nữa. Việt cộng có đánh vào tới đây cũng phải dẫm lên xác cả mấy vạn người.

Ngữ cúi xuống sửa lại chiếc chiếu rách trong chòi canh, mở thùng bia hộp soạn nốt ra năm lon Budweiser còn lại, rồi bậm môi xé cái hộp carton trải ra làm mâm. Họ quên mang theo đũa để gắp dưa, mà cũng không có đĩa để dựng đồ nhắm. Thấy bạn định quay trở xuống lấy thêm dĩa đũa, Đại úy Vinh ngăn lại:

- Ông cẩn thận như đàn bà! Ta nhón lấy mà cắn, được rồi. Đêm nay sẽ là đêm nhớ đời của tôi với ông. Nếu làm thơ được, tôi đã làm tặng ông một bài liền! Ông biết không, hồi sáng tôi định mang bức tranh thằng Đinh Cường theo, sau thấy có gì kỳ cục. Cũng như bây giờ mà tôi còn bụng dạ để ký cóp làm thơ, thì khó coi đéo tả! Văn chương nghệ thuật làm được gì lúc này?

- Không làm gì được. Một ông tướng đéo biết ông Nguyễn Du là ai Cũng dư sức làm cho hàng triệu người được sống yên ổn hay chịu khốn đốn bất trắc như thiên hạ dưới kia. Bức tranh tố nữ của thằng Cường chỉ làm vướng chỗ ngồi người tị nạn. Nhưng chuyện đời còn dài, đâu phải ngay ngày mai đã là tận thế. Bức tranh thằng Cường bị ông bỏ lại, nhưng thế nào cũng có kẻ hôi của thấy đẹp mang về treo. Rồi nó thấy người còn đẹp quá. Nó yêu đời. Nó hết đăm đăm. May phúc thời thế đẩy thằng ăn cắp nhỏ đó lên thành thằng ăn cắp lớn, dưới trướng vô số người sướng khổ vì nó, thì biết đâu bức tranh thằng Cường ngăn được những cuộc di tản kỳ cục như thế này.

- Ông ngụy biện!

- Không ngụy biện đâu. Đêm nay ông không làm thơ được. Nhưng mười, hai mươi năm sau, biết đâu ông sẽ viết cả một bài trường thi hay một cuốn sách về đêm nay. Đám sao sáng trên cao kia sẽ lấp lánh trở lại trong thơ ông. Những cụ già, em bé đang nằm co quắp ở vỉa phố dưới kia lại hiện trên trang sách của ông. Cái đau, cái khổ, máu, nước mắt của họ hiện bị phí phạm lảng xẹt, nhưng nhờ ông viết mà phần nào đó không trở nên vô ích. Người ngu sẽ bị chê bai, kẻ dữ bị phán xét. Người đọc ông chợt thấy cuộc đời bất toàn, đáng thương, phi lý một cách ngộ nghĩnh. Họ sẽ nhìn đời chính xác hơn.

Viên đại úy gật gù ngẫm nghĩ lời bạn, mỉm cười nói:

- Ông tìm một lý luận tự an ủi cũng hay. Nghe được! Ừ, nếu đừng để cho bị cuốn trọn vào dòng, quan sát được nhiều điều ngộ nghĩnh lắm. Như hồi sáng lúc đoàn xe đơn vị tôi vừa rẽ vào đường Trần Hưng Đạo thì gặp một gia đình đang di tản bằng chiếc xe ba gác. Không biết về sau có chiếc xe nào cho họ quá giang không, tôi sợ là không, vì ngoài đồ đạc bề bộn, trên chiếc xe ba gác còn có hai tấm gỗ vàng tâm dài thoòng thật kềnh càng, một ông già hom hem ngồi trên tấm gỗ. Cả chị đàn bà trẻ lẫn cậu nhỏ khoảng 14 – 15 tuổi phải đẩy phụ chiếc xe ba gác mới nhích được từng chút. Ông biết họ chở mấy tấm gỗ theo làm gì không? Gỗ tốt ông cụ mua để dành để đóng quan tài cho mình đấy. Chí tình, chung thủy với cái chết của mình như vậy thật là cao siêu! Sống hết mình, mà chết cũng hết mình. Chúng ta thua xa các cụ. Thú thật với ông, mấy đêm qua đêm nào tôi cũng gặp mộng dữ. Thấy nhiều điều quái dị. Đến nỗi giở trang giữa tờ Playboy ra ngắm mà vẫn lạnh tanh.

Ngữ bật cười. Rồi cả hai người bạn đều im lặng thật lâu. Không nói, chỉ uống. Đêm thượng tuần lờ nhờ ánh trăng non nên sao lấp lánh rực rỡ như mở hội. Bên dưới chòi canh, phía ngoài khuôn viên Tiểu khu, cũng bập bùng những bếp lửa nhỏ hay lập lòe những đầu thuốc lá cháy dở. Tiếng lao xao mơ hồ, không dứt, lâu lâu bè âm thanh đệm ấy trở thành nền cho những tiếng trẻ con khóc tỉ tê hay chát chúa. Trời và đất, thiên nhiên và nhân gian như hai cõi lạ lẫm, cách biệt. Một vì sao, rồi một vì sao nữa đổi ngôi. Hai người đều cảm thấy lạnh, cảm thấy bị lạc giữa cái biển âm thanh và ánh sáng triền miên phức tạp ấy!



nguồn: nguyenmonggiac.info

BOOK COMMENTS

  • 6.0/7 - 5 ratings
    • twelve 13 years ago

      Xin chân thành cảm ơn tất cả ACE

      0
    Reply
    TO TOP
    SEARCH