CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Chu Nghiệp Á » Cẩm Tú Kỳ Bào 2: Thế Thân


CHƯƠNG 5

1921

- Ông Tú nhà Nho bị tù đày ở Côn-lôn lúc được trả tự do về nhà mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, chữ Tây và Toán.
- Sữa hộp con chim ( Nestlé ) là món xa xỉ phẩm chỉ để các quan dùng.
- Học trò " đi Tết " Thầy, và đọc " đít cua " mừng tuổi Thầy.
- Tình hình các trường Nhà Nước khắp ba kỳ Trung Nam Bắc.
- Một bộ đồ Tây gởi vô Saigòn may.
- Một ông Đốc học nịnh " Mẫu quốc ".
- Một ngày lễ Quốc Khánh Pháp. Và những trò giải trí nhục nhả cho người An-Nam.



Chiếc máy bay lần đầu tiên kiểu Farman 1915, đáp xuống một khu đất hoang gần tỉnh lỵ, một buổi chiều thứ Sáu năm 1920, trước một công chúng vài ngàn người đã gây được một uy tín lớn lao cho người Pháp và thêm được một yếu tố tâm lý vũng chắc cho chính sách chinh phục mà họ gọi là "Bảo Hộ ".Thời kỳ này các nhà Văn Thân có đầu óc ái quốc đã hoạt động chống Pháp từ 1906-1908, theo phong trào Duy-Tân, phong trào xin xâu " giặc đồng bào ", hầu hết đã bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo đều đã lần lượt trở về, và sống yên thường thủ phận. Các ông không hoạt đông chính trị nữa, chỉ mơ trường tư tại nhà dạy học trò. Ông Tú Phong thầy học cũ của Ký Thanh và của Phán Tuấn, sau khi bị đi tù ở Côn Lôn về, liền mở trường dạy chữ quốc ngữ và bỏ hẳn chữ Nho. Người ta ngạc nhiên thấy ông Tú sau chín năm đi tù về, đã cúp tóc carré và cách thức ăn ở đã tiêm nhiễm " văn minh Âu Tây ". Ông viết chữ quốc ngữ rất thạo, và có đem về một quyển tập dầy khoảng 200 trang chép bằng mực tím tất cả những gì ông học được trong nhà lao Côn Lôn. Ông đem quyển tập ấy dạy lại cho đám học trò của ông, độ vài ba chục thanh thiếu niên, con những nhà khá giả nhưng không thích đi học " trường nhà nước ". Nhiều cậu đã lớn tuôi sắp làm ông Hương, ông Xã. Đại khái về Toán thì ông Tú dạy cách đo bóng cây để biết cây cao mấy thước, đo ngọn núi cao, và diện tích hình vuông, hình chử nhật, hình tam giác, hình chữ nhật lệch, hình thoi, v.v...

Ông cho học trò làm những bài toán bằng thơ, thí dụ như sau :

Vừa gà vừa chó
Bó một bó cho tròn
36 con
100 cái cẳng

Hỏi mấy gà, mấy chó ?
v.v..

Về địa dư, ông dạy vẽ địa đồ " ngũ đại châu " và bôi đủ các thứ mầu, vẽ bậy bạ không trúng vào đâu cả, nhưng đại khái cũng phân biệt châu Âu, châu Á, châu Mỹ, vv... Về Lịch sử, ông viết ra một quyển sách quốc ngữ nhan đề " Nam Quốc Sử diễn ca " bằng thơ lục bát. Ông cho học trò học thuộc lòng quyển sử của ông, một bản duy nhất, chép bằng tay, thay vì học " Tứ Thư Ngũ kinh " như ông đã dạy trước kia. Quyển " Nam Quốc Sử diễn ca " của ông Tú mở đầu như sau đây :

Nước ta đã bốn ngàn niên
Hồng Bàng lập quốc con Tiên cháu Rồng
Âu Cơ kết với Lạc Long
Sanh ra trăm trứng, chuyện không hoang đường
Mới nghe thì khó tỏ tường
Nhưng dòng Lạc Việt hùng cường biết bao !
Đất nhiều, sông rộng, núi cao,
Dân hăm lăm triệu, dễ đâu thua người !
v.v...

Tuy thế, ông Tú cũng thích chữ Tây lắm. Thỉnh thoảng ông dạy học trò của ông học chơi cho vui vài ba câu tiếng Pháp mà ông đã học lỏm được ở Côn Lôn, thí dụ như Bông-xua Bà Đầm, Bông-xua Mông xừ, v.v...

Mồng một Tết, ông Tú đến nhà ông Cử Phạm, chúc mừng bằng một câu tiếng Tây : " Bon-an-nê ! " điểm theo một nụ cười bông đùa rất có duyên. Đó là triệu chứng chữ Pháp đã bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1920 trong dân gian vậy.

Ông Tú cũng dạy học trò của ông học chữ số của Tây theo giọng ta :

- On. đơ, toa, cách, xanh, xít, nớp, đít, ông, đui..." Hơn nữa, ông Tú đặt tên cho đứa cháu ngoại đầu lòng của ông là Lê văn On ( theo chữ Un của Pháp ), và đứa cháu nội thứ ba là Trần văn Toa ( theo chữ Trois ).

Ông Tú dạy cả khoa vệ sinh nữa, một môn học mà trước kia chính ông cũng chưa biết. Thí dụ ông dạy rằng sáng dậy phải lấy cục than đen trong bếp, chà trên răng rồi súc miệng, cho sạch miệng và sạch răng. Tất cả học trò ông đều làm đúng theo lời ông dạy.

Ký Thanh là học trò cũ của ông Tú, trước kia rất kính trọng thầy, nhưng từ ngày ông bị bắt vì quốc sự và bị đày đi Côn Lôn, chàng không dám nhắc đến tên thầy nữa. Hôm ông Tú ở tù về, bà con trông phố và trong tỉnh mừng rỡ đến thăm tấp nập, chất nhà cửa, và tỏ lòng quyến luyến cảm phục ông Tú. Duy có Ký Thanh là không dám bước chân đến hỏi thăm thầy một câu. Chàng sợ " liên luỵ " đến bổn thân, tìm cách tránh thầy cũ như tránh người cùi.

Phán Tuấn, trái lại, thường đến thăm thầy luôn, tuy rằng hồi nhỏ " thằng Chuột " mới được ông Tú dạy cho học bập bẽ vài chữ " thiên trời, địa đất " mà thôi, vì nhà nghèo nó đâu có đi học được thường xuyên. Nhớ tình thầy trò cũ, Trần anh Tuấn thường đem " kỉnh " ông Tú một gói trà hoặc một cân đường, một chai rượu hổ cốt, một hộp sữa bò. Thời buổi ấy chỉ có một htứ sữa hộp duy nhất là sữa con chim và là một món xa xỉ. Ai có tiền mới mau được một hộp về nhà để dành pha uống cả nửa tháng mới hết. Trong tỉnh chỉ có các nhà quan và các thầy làm việc Nhà-nước, có lương bổng nhiều mới dám uống sữa bò. Cho nên lâu lâu Phán Tuấn đem biếu ông Tú một hộp sữa Nestlé, ông quý lắm, vui mừng cám ơn " thầy Phán ". Mỗi lần Tuấn đến thăm, chàng thích hỏi ông Tú về đời sống của tù ở Côn Lôn. Chàng thích nghe ông Tú kể chuyện các bạn đồng lao của ông như ông Nghè Huỳnh thúc Kháng, ông Nghè Ngô đức Kế, ông Tây Hồ Phan châu Trinh, ông Tú Tân Hội, vv...

Tuấn nghe say mê. Có lần Tuấn khẽ hỏi :

- Thưa thầy, vua Duy-Tân có ở Côn Nôn không ?

- Không. Nghe nói Tây đày Ngài qua đâu tận bên Phi châu lận.

- Thưa thầy còn vua Thành Thái ?

- Ngài, thì hình như cũng bị lưu đồ qua bên đó.

- Vua Hàm Nghi ?

- Vua Hàm Nghi cũng bị đày qua Phi châu.

Tuấn hỏi cho biết thôi, chứ Tuấn không dám thổ lộ tâm sự riêng tư gì của chàng. Chàng biết chàng đang bị Ký Thanh " dòm ngó " và tìm đủ các cách để làm hại chàng. Tuấn đến thăm ông Tú Phong, đã là một hành động táo bạo và liều lĩnh lắm rồi.

Gần Tết, Tuấn-em xin mẹ một đồng bạc, góp với học trò trong lớp mua các món lễ vật để " Tết " thầy lớp Năm. Lớp nào và trường nào học trò cũng tự đông làm việc ấy, để tỏ lòng biết ơn thầy dạy dỗ. Chính cha mẹ học trò cũng rất sốt sắng về việc ấy nữa. Thầy giáo lúc bấy giờ được học sinh kính mến và trọng vọng lắm.

Vì học giỏi nhất lớp, lại hạnh kiểm tốt, nên Tuấn được bạn bè trao tiền nhờ nẹ mua các đồ vật tết thầy : một quả nếp, hai chai rượu, một cân đường bông, và một cân đường phèn. Mấy lớp lớn ( lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất ), học trò còn đọc " đít cua " để "mừng tuổi " thầy giáo. Học trò lớp Năm còn nhỏ tuổi quá, chưa làm đước " đít cua ", nhưng cha mẹ cũng dạy cho một vài câu lễ phép mà các em học thuộc lòng ở nhà rồi đến đọc cho thầy nghe. Chiều 27 hay 28 tháng chạp, thầy giáo vừa ăn cơm xong, thấy cả lớp học trò của mình toàn tụi con nít 9,10 tuổi, mặc áo đen dài, quần trắng, đi chưn không, rụt rè tiến vô nhà. Mấy em đi đầu bưng mấy quả " lễ vật " tức là quà Tết, cung kính đặt giữa bàn nơi thầy ngồi uống nước trà. Tất cả đều khúm núm, sợ sệt. Thầy giáo đang mặc áo cụt, cũng vội vàng vào buồng mặc áo xuyến dài ra tiếp học trò.

Các em đứng vòng tay rất lễ phép, rồi một đứa được các em đề cử trước - chính là Tuấn-em - cúi đầu xá thầy ba xá, bập bẹ nói một câu mà em đã đước cha mẹ ở nhà dạy học thuộc lòng :

- Dạ bẩm Thầy, năm hết Tết đến, chúng con xin kính lời mừng tuổi Thầy Cô cùng quý quyến và chúng em kính chúc Thầy Cô sang Năm Mới được Phật Trời phò hộ an khương.

Tuấn nói trôi chảy gọn gàng không vấp một chữ, xong cúi đầu xá thầy ba xá. Toàn thể các em đều cung kính cúi đầu xá thầy ba xá.

Thầy giáo ngồi bàn, rưng rưng nước mắt. Thầy cảm động quá không nói sao được, liền đưa tay kéo Tuấn vào lòng thầy và kéo hết cả ba chục em vào đứng lại hết cạnh thầy. Thầy lấy tay âu yếm vuốt đầu tóc các em.

Thầy giáo hồi xưa nghèo lắm. Lương tháng chỉ được 5 đồng bạc chứ đâu có nhiều. Thầy không có gì đãi các em, chỉ bưng trên bàn thờ xuống một quả bánh in của cô giáo vừa làm để cúng. Thầy gọi cô lấy thêm ra ít bánh cúng cho đủ 30 cái bánh để làm quà cho 30 em học trò.

Mỗi em đưa hai bàn tay non nớt ra lễ phép nhận lãnh quà của thầy.
Nhưng tội nghiệp không em nào ăn cả, bỏ túi để đem về khoe với cha mẹ. Các em học trò năm 1920 đã biết quí cái bánh của thầy giáo cho Tết, không phải bởi nó là cái bánh, mà bởi nó là món quà Tết của thầy. Thầy nói mấy lời cám ơn các em, cảm ơn cha mẹ các em, và gởi lời về " mừng tuổi " các bậc cha mẹ. Cô Giáo cũng vui vẻ tươi cười, âu yêm hỏi chuyện từng em.

Cũng buổi tối ấy, học trò lớp nào cũng đi Tết thầy giáo của mình.

Riêng ở lớp Nhất, trò Hường được toàn thể các bạn cùng lớp cử ra đọc bài " đít cua " bằng chữ Pháp để chúc mừng thầy. Bài tự trò làm lấy, vì trò giỏi chữ Pháp nhất lớp. Trò đã làm xong trước đó mười ngày, và chuyền tay nhau cả lớp cùng xem. Xong, trò Liên, con thầy Thông Lễ làm y tá ở tỉnh, nhờ cha đem vào nhà thương đánh máy giùm trên một tờ giấy thật trắng. Trò Quít, đứng đầu về môn vẽ, được các bạn giao cho công việc vẽ một bó hoa thật đẹp, đủ màu, trên đầu tờ " đít cua ".

Tối hôm ấy, cơm nước xong, vào khoảng 7 giờ, 40 học trò lớp Nhất quần áo tề chỉnh, tụ họp tại nhà cậu Hường. Nơi đây, với tiền đóng góp của tất cả lớp, mẹ cậu Hường đã mua sẵn các món lễ vật đựng trong 5 quả lớn. Năm cậu tình nguyện bưng 5 quả, rồi tất cả cùng đi đến nhà thầy ở một đường hẻm tối om trong thành. Chó sủa vang dậy cả xóm. Thầy giáo lớp Nhất đang nằm võng ru con ngủ, nghiêng mình ngó ra sân thấy lố nhố những bóng đen. Cô giáo cầm chiếc đèn Huê-kỳ đứng cửa rọi ra, quay vào nói với chồng " Học Trò ! ". Cô ôm con ra để cho Thầy được rảnh. Thầy vào nhà trong, mặc áo lương dài kết nút xương, ra ngồi ghế tràng kỷ để tiếp học trò của thầy.

Sau khi 5 cậu đặt 5 quả lễ vật trên bàn, ai nấy đều im lặng vòng tay đứng sau Hường. Cậu Hường cầm tờ giấy đánh máy có vẽ bó hoa vạn thọ, xá thầy ba xá, rồi cung kính đọc. Giọng cậu run run như sợ sệt. Xin chép nguyên văn một bài Pháp-ngữ của học trò lớp Nhất tự làm ra để chúc mừng năm mới thầy giáo, ngày Tết năm 1921 : ( tài liệu của ông Trần văn Tính, thân phụ một học sinh trường Pháp-Việt, năm 1921)

Monsieur et Cher Maître

A l'occasion du Nouvel An qui va venir, nous, vos petits élèves respectueux et obéissants, avons l'honneur de vous adresser, ainsi qu'à votre honorable famille, nos voeux les plus fervents de Bonheur, de Richesse et de Longevité.

Monsieur et Cher Maître,

Vos bienfaits sont comparables à la montagne Thái Sơn, vos Vertus sont immenses comme la Mer de l'Est. Vous êtes au-dessous du Roi mais au-dessus de nos parents que nous aimons et respectons également. C'est pourquoi nous ne pouvons pas vous exprimer toute l'instruction que vous nons donnez.

Nous vous prions de vouloir bien pardonner notre language maladroit. Mais notre respect est grand à votre égard, notre gratitude est profonde. Dans notre vie nous ne pourrons jamais oublier notre Maître bien-aimé.

Veuillez agréer, Monsieur et Cher Maître, l'expression de notre très humble reconnaissance.

Vos élèves très dévoués du Cours Supérieur.

Tết, 1921.

Lời văn quả thật còn ngây ngô, nhung cách đặt câu đã khá vững, văn phạm đã đúng đắn, diễn tả không đến nổi vụng về lắm.

Xin dịch nguyên văn :

Thưa thầy kính yêu,

Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng con, bọn học trò của Thầy, cung kính và biết nghe lời, hân hạnh dâng lên Thầy cùng tôn quyến, những lời nồng nhiệt kính chúc Thầy : Phước, Lộc, Thọ.

Thưa thầy kính yêu,

Ơn của Thầy như núi Thái Sơn, đức của Thầy rộng mênh mông như biển Đông. Thầy ở bậc dưới Vua, nhưng ở bậc trên cha mẹ chúng con, mà chúng con cũng yêu kính vậy. Cho nên chúng con không thể nào diễn tả hết được tất cả những sự biết ơn mà chúng con cảm từ trong đáy lòng vì nền giáo dục mà Thầy đã ban cho chúng con. Chúng con xin thầy tha thứ cho lời vụng về. Nhưng sự kính trọng của chúng con rất là sâu xa. Trong đời chúng con sẽ không thể nào quên được bậc Hiền sư yêu dấu.

Kính xin Thầy nhận nơi đây lòng tri-ân hèn mọn của chúng con.

Học trò rất tận tâm trung thành với Thầy ở lớp Nhất.

Tết 1921


Lúc bấy giờ các trường nghỉ Tết được nửa tháng, từ 22 tháng chạp ta đến mồng tám, hoặc mồng mười tháng Giêng. Trong mấy ngày nghỉ Tết, đa số học trò bị nhiễm một tật thông thường của đa số các bậc phụ huynh, là cờ bạc. Ở tỉnh nào và Phủ, Huyện nào cũng thế cả.

Có năm loại cờ bạc trong mấy ngày xuân :

1) giới quý phái, quan liêu, các quan lớn, quan nhỏ, thì đánh tổ tôm, tài bàn ( nhất văn, nhị văn, tam văn...chi chi, cửu vạn, bát sách ) v.v...

2) giới bình dân phong lưu thì đánh Kiệu ( thất kiệu, tam kiệu ).

3) giới bình dân đại chúng, nhất là phụ nữ, thì đánh Tứ sắc ( tướng xanh, tướng đỏ, tướng vàng, tướng trắng, tốt xanh, tốt vàng v.v...) hoặc bài Tam cúc ( ông Ẩm, ba Tiền, tám Tiền, v.v...).

4) giới cờ bạc chuyên môn thì Hốt Me, Xóc đĩa, Bài cào, Xì lác, các tê.

5) sau cùng là học trò và con nít thì đánh lú : Tam Túc Lượng Yêu ( tam là ba đồng tiền, túc bốn đồng, lượng hai đồng, yêu một đồng ).

Trong mấy ngày Tết, hầu hết các gia đình đều tổ chức đánh bài như thế, tuy là để " tiêu khiển " trong mấy ngày Xuân, nhưng cũng ăn thua tiền bạc quá nhiều và rất ham mê.

Cờ bạc công cộng thì có bài chòi, do làng xóm tổ chức. Lối chơi bài chòi công cộng này rất vui, rất dễ quyến rũ ngưởi ta. Thường thường một nơi xa kéo đến, có khi từ Huyện nọ sang Huyện kia, đến vài chục cây số. Hội Bài Chòi thường khai mạc sáng Mồng Một Tết và kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Lối chơi này riêng biệt ở Trung Kỳ, rất thông dụng. Ở miền Bắc và miền Nam không có.

Đám thanh niên và học sinh vùi đầu vùi cổ trong các canh bài, đêm nào cũng thức thật khuya, có đêm thức tới sáng. Vì học trò có ít tiền nên mãn canh bạc, ăn thua chỉ trong vòng năm bảy tiền, hay một quan là nhiều.

Phải nhận xét vô tư và xác thực rằng tất cả những cuộc cờ bạc trên kia chỉ thịnh hành trong mấy ngày xuân thôi. Trừ ra một vài gia đình tiếp tục chơi đến hết tháng Giêng, còn hầu khắp các nơi hết Tết là hết cờ bạc. Các bộ bài được gói cất kỹ lưỡng trong tủ, và ai nấy lo làm ăn.

Học trò cũng thế. Hết nghỉ Tết, bắt đầu học trở lại, phần nhiều học sinh lo học, không đánh bài nữa. Dù có muốn chơi cũng không dám chơi, vì bài học và bài làm rất nhiều, đâu có thì giờ rảnh rang nữa.

Trừ một thiểu số lười biếng, phần nhiều là con nhà giàu, được cha mẹ cưng, còn hầu hết học sinh thời trước đều chăm chỉ học tập, sợ thầy phạt, và lo tranh đua với chúng bạn. Học không thuộc bài, bị thầy cho zéro trong sổ điểm, là một cái nhục lớn cho người học trò, đối với bạn bè trong lớp. Học trò thuở trước biết tự trọng, do đó mà biết cố gắng.

Xã hội Việt Nam từ 1910 đến 1950 không có hạng thanh niên lêu lỏng, truỵ lạc, quá nhiều như ngày nay. Chính ở hai đô thị xa hoa rộn rịp nhất là Saigon, Hà Nội, số thanh niên trác táng cũng không có bao nhiêu.Hoạ chăng chỉ là một thiểu số con nhà giàu, mà cha mẹ để cho ăn chơi tự do, bọn công tử, công tôn xài phí hoang đường, cậy quyền, ỷ thế, có những hành động ngang tàng mất dạy. Còn hầu hết thanh niên đều cố gắng học hành thi cử, để kiếm công ăn việc làm. Tuỳ theo khả năng của mình, tất cả đều được tiếp nhận trong các công sở, tư sở, nhà buôn, nhà máy, và các ngành hoạt động khác trong xứ. Luân lý gia đình chặt chẽ, kỷ luật học đường nghiêm khắc, chương trình học vấn điều hoà, có căn bản, và phong độ chung của xã hội Việt Nam được lành mạnh, tốt đẹp, để bảo đảm cho thanh thiếu niên Tiền-chiến một đời sống tinh thần và vật chất thăng bằng, không bê bối, không hỗn loạn.

Thanh niên 1920-1940, có lễ độ, không hỗn láo, không xấc-xược. Đối với thầy họ không lỗ mãng, đối với bạn không lơ là, với mọi người trong xã hội họ giữ được tư cách đứng đắn, gương mẫu của người học trò. Tuy học chữ Tây, nhiễm văn minh vật chất của Âu Tây nhưng họ vẫn điều hoà được cả hai tinh thần đông phương và tây phương. Nhờ đó họ đã xây dựng một thế hệ trung bình, phấn chấn, không rụt rè thoái bộ, mà cũng không hời-hợt, lăng nhăng.

Tuấn-em lớn lên giũa một xã hội mới đang phôi thai trong tiến bộ, hấp thụ một dưỡng khí học đường lành mạnh, tinh khiết và mát dịu. Tinh thần chủng tộc càng nẩy nở mạnh mẽ trong tâm khảm nó. Bao nhiêu những rực rỡ tân kỳ của văn minh Pháp quốc, như tầu bay, xe hơi, giây điện, giây thép, đồng hồ và trăm ngàn máy móc mới lạ, tuy khiến cho nó kính phục, nhưng không sao biến đổi được tính chất thuần tuý của giống nòi đã khắn khít như keo sơn, như cội rễ, trong giòng máu Việt Nam của nó.

Những kẻ "phục Tây sát đất ", và nịnh Tây theo Tây tôn người Pháp là " quan Thầy, tôn nước Pháp là " mẫu quốc ", chỉ có một số rất ít thôi. Đó là những kẻ muốn tăng cường địa vị cá nhân, muốn khuếch trương quyền lợi riêng, muốn dựa thế người Pháp để xây dựng danh vọng, vinh hoa, phú quý cho họ và cho gia đình họ. Những kẻ ấy không ảnh hưởng chút nào đối với đại đa số thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên học sinh ở các trường Pháp-Việt.

Nhân vật điển hình của hạng nịnh Tây, năm 1920 ở tỉnh Q., thuộc về giới " thượng lưu trí thức " lại chính là ông đốc học Phạm văn Mỗ. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội, ông là người Nghệ An được bổ nhiệm vào tỉnh Q. thay thế cho ông đốc học Pháp đổi đi nơi khác. Ông là một trong số người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm ( trường này mới được chính phủ thuộc địa thành lập tại Hà Nội, năm 1914 ), và cũng là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Đốc học tại trường Tiểu học Pháp Việt ở tỉnh (Ecole de Plein Exercice ). Ông độ 30 tuổi, người thấp và nhỏ, luôn luôn nói tiếng Pháp, ít khi nói tiếng Việt.

Năm 1920, ở các tỉnh toàn xứ hãy còn ít người An-Nam mặc Âu phục. Các thầy Thông, thầy Phán làm việc các Toà, các sở, các thầy giáo, đều mặc áo dài đen dài, mang giầy Hạ, đội mũ, hoặc chít khăn đen. Ở tỉnh Q. quan Đốc học Phạm văn Mỗ là người đầu tiên mặc âu phục và " quan " chỉ mặc đồ tây, không bao giờ mặc đồ An-nam cả. Ấy thế mà một năm sau, một thầy giáo lớp Tư cũng bắt chước mặc âu phục như quan Đốc thì quan Đốc không bằng lòng và thù ghét tìm cách đuổi thầy đi khỏi trường. Nghe nói thầy đi vô Đồng Nai, Gia Định !

Chỉ tội nghiệp cho thầy giáo lớp Ba. Cũng như thầy lớp Tư, thầy này cũng bắt chước may một bộ đồ tây, sắp sửa mặc đi dạy học. Học trò đến nhà thầy, thầy lấy bộ áo tây mới may đem ra khoe, có vẻ hảnh diện và vui sướng lắm. Học trò cũng thích thầy mặc đồ tây cho oai. Nhưng thấy cái gương thầy lớp Tư như thế, thầy lớp Ba vội-vàng xếp bộ đồ tây cất vô tủ, không dám lấy ra mặc nữa.Đến đổi chủ nhật thầy đi dạo chơi ngoài phố, hoặc đến chơi nhà các thầy khác, thầy cũng không dám mặc đồ tây, sợ có ai mét lại với quan Đốc thì nguy !

Mỗi buổi chiều thứ Năm nghỉ học, Tuấn-em đến thăm thầy, thầy than thở với Tuấn :

- Ở tỉnh mình không có thợ may đồ tây, và cũng không có tiệm nào bán vải may đồ tây, sẵn có người bà con đi Đồng Nai buôn bán, thầy gởi tiền nhờ họ vô Đồng Nai mua vải và mướn thợ may cho thầy một bộ. Không dè ông Đốc không muốn cho thầy giáo mặc đồ tây, thành thử thầy phải bỏ. Thầy tiếc quá !

Tuấn hỏi :

- Thưa thầy, thầy thuê thợ Đồng Nai may hết bao nhiêu tiền ?

- Thầy để dành nửa tháng tiền lương mới đủ mua hàng tissu và may được bộ đồ complet đó.

Tuấn-em nghe thầy nói, thương thầy lắm. Học trò cả lớp đều thương thầy không đứa nào dám chế nhạo về vụ đó. Đối với ông Đốc, các thầy giáo và học trò cả trường đều sợ.

Buổi học cuối niên khoá, trước kỳ nghỉ hè 3 tháng, từ đầu tháng 7 dương lịch, ông Đốc vào từng lớp căn dặn học trò. Dĩ nhiên ông nói tiếng Pháp. Học trò lớp Năm và lớp Tư không hiểu nổi, các thầy giáo dịch lại tiếng An-nam :

- Ngày mai 1 tháng 7, bắt đầu nghỉ Hè. Nhưng các trò ở xa không được về quê vội. Vì ngày 14 tháng 7 là ngày lễ Quốc-khánh của nước Đại Pháp, có quan Công Sứ chủ toạ cuộc diễn binh long trọng. Tôi muốn toàn thể học trò trường tỉnh phải đến đông đủ dự buổi lễ ấy. Vậy sáng ngày mai, và liên tiếp trong 7 ngày, học trò lớp Nhất, lớp Nhì và lớp Ba, phải tới trường để tập hát bài quốc ca Pháp, là bài La Marseillaise. Phải tới đông đủ, học trò nào vắng mặt sẽ bị phạt consigne. Ngoài ra, tất cả học trò các lớp phải nói với cha mẹ mua vải xanh vải đỏ may cho mỗi trò một lá cờ Tam Tài, xanh-trắng-đỏ, lá cờ của Mẫu quốc, để ngày 14 Juillet cầm đi dự lễ. Sáng 14-7, đúng 6 giờ các trò và các thầy giáo phải tề tựu đông đủ tại sân trường, mặc áo dài trắng sạch sẽ, và mỗi trò cầm một cây cờ Tam Tài lớn bằng một tờ giấy tây, sắp hàng tề chỉnh, để các thầy giáo dẫn đi dự lễ Quốc-khánh, và chào mừng quan Công Sứ. Trò nào khiếm diện hôm đó, sẽ bị đuổi luôn.

Ông Đốc học Phạm văn Mỗ truyền huấn lệnh rõ ràng, và nghiêm khắc như thế, rồi ra về.

Tuấn-em về nhà nói chuyện lại cho anh và cha mẹ nghe lời căn dặn củ ông Đốc. Thím Ba, mẹ Tuấn, nói :

- Không lẽ may một lá cờ tam sắc nhỏ bằng tờ giấy tây mà phải đi mua ba thứ vải ba màu sao ! Mẹ cắt một tấm vải trắng ra thành ba, mẹ mua phẩm xanh, phẩm đỏ về nhuộm hai miếng, rồi mẹ may lại, được không ?

Thưa mẹ, không được đâu. Ông Đốc bảo phải mua vải xanh, vải đỏ.

Nhưng Phán Tuấn ngắt lời em :

- Ông Đốc bảo thế, kệ ổng. Mẹ cứ nhuộm vải trắng rồi may. Miễn có cờ ba sắc là được...Nhưng Ông Đốc này làm lố quá. Ngỉĩ hè, không cho học trò về quê thăm cha mẹ, bắt ở lại đến 14-7 để đi chào mừng ông Sứ là nghĩa lý gì ? Lễ Quốc-khánh của Tây, chớ của An-nam sao ? Nếu muốn dẩn học trò đi chào ông Sứ, thì học trò ở tỉnh được hơn trăm đứa cũng đủ rồi, cần gì phải bắt học trò quê ở các Phủ huyện xa phải ở lại ? Ông Sứ có bắt buộc như thế đâu ?

Tuấn-em hỏi anh :

- Lễ 14-7 là lễ gì, anh Hai ?

Phán Tuấn lấy sách Sử Ký Pháp ra giảng cho em hiểu :

- Đấy là một ngày lễ kỹ niệm cuộc Cách mạng Pháp. Dân chúng Pháp uất ức vì bị nhà Vua hà hiếp, thuế má nặng nề, nên họ nổi dậy phá tan ngục Bastille, và đòi bắt chém vua...

Tuấn kể dài nữa, thật dài và thật rõ ràng đầu đủ về cuộc Cách mạng nổi dậy ngày 14 tháng 7 năm 1789, ở Paris...

Tuấn-em nghe say mê lời anh thuật chuyện và sáng hôm sau cũng phải đến trường tập hát bài quốc Pháp, La Marseillaise, theo lịnh của ông Đốc.

Sáng ngày 14-7, Tuấn-em phải cầm lá cờ Tam tài đến trường đúng 6 giờ. Học trò và các thầy giáo đều đến đông đủ, đếm tất cả trường được 415 trò dưới sự chỉ dẫn của 10 thầy giáo. Học trò sắp hàng hai trước sân trường đúng 7 giờ, ông Đốc Phạm văn Mỗ đến. Ông mặc bộ đồ tậy mới, toàn màu trắng, mang giày trắng, đội mũ trắng. Ông bảo học trò lớp Nhất, lớp Nhì, lớp Ba hát bài quốc ca Pháp cho ông nghe. Trò nào hát sai giọng, hoặc sai một chữ, bị ông đánh một tát tai nẩy lửa. Nét mặt giận dữ, ông la hét om sòm làm cho các thầy và toàn thể học sinh hoảng sợ. Đúng 7 giờ 30 phút, ông ngồi trên chiếc xe keo nhà sơn đen, bánh cao su, do một người cu-li mặc quần áo mới kéo ra Sở Cò, trên đường Cửa Tây, là nơi hành lễ. Các thầy dẫn học trò sắp ngay hàng thẳng lối, mỗi trò cầm một cây cờ Tam tài, lặng lẽ đi sau xe ông Đốc. Học trò sắp hàng trên lề đường phố, đối diện khán đài.

Linh khố xanh ( lính Tập ) độ trăm người, mặc lễ phục oai vệ, cầm súng cắm lưỡi lê sáng quắc, đứng sắp hàng trên lề đường bên kia, hai bên khán đài. Dân chúng đứng xem đông nghẹt, chung quanh khán đài và trên các đường phố, chen lấn nhau chật ních, không còn một chổ hở.

Sau khi ông Công Sứ và các quan khách đến đúng 8 giờ 30, và lính thổi kèn, bồng súng chào, ông Đốc học Phạm văn Mỗ bước ra trước mặt ông Sứ, đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp. Bài diễn văn rất dài, đại khái có một đoạn hùng hồn như sau đây :

" Oh France magnanime ! Oh France Bienfaitrice de l' Humanité ! Oh Mère Patrie ! Combien, nous, les Annamites, vos fils adoptifs, vos fidèles protégés, nous sommes fiers ce jour glorieux qui porte la marque sublime de la grandeur francaise !..."

Ông Đốc bảo một thầy giáo đọc bản dịch quốc ngữ cho mọi người nghe :

" Hỡi nước Đại Pháp khoan hồng đại lượng ! Hỡi nước Đại Pháp ân nhân của nhâ loại ! Hỡi Mẫu quốc ! Chúng tôi, người An-na-mít, là những đứa con nuôi của nước Pháp, những con trung thành được nước Pháp bảo hộ, chúng tôi hãnh diện xiết bao trong ngày hôm nay, ngày vinh quang của nước Pháp vĩ đại !..."

Các quan Tây-Nam vỗ tay như sấm dậy. Theo huấn lịnh của ông Đốc dặn trước, ông đọc xong bài diễn văn, lúc học trò phải phất cờ tam tài của Pháp và hát lên bài quốc ca La Marseillaise...

Ông Công Sứ cảm động quá, đứng dậy gắn một chiếc mề đay trên ngực ông Đốc học Phạm văn Mỗ, và ôm hôn ông...

Lễ Quốc-khánh của nước Pháp, ngày 14 tháng 7 dương lịch, được gọi là " lễ Chánh-chung ". Không biết ông quan nào của Nam-triều, hay thầy Thông, thầy Phán nào của chính phủ Bảo hộ, đã đặt ra danh từ lạ lùng ấy mà không ai hiểu ý nghĩa đích xác là gì cả. Có nhiều ông Tú, ông Cử nhà Nho nói rằng đúng chữ là "Chánh - Trung ", nghĩa là ngày lễ đúng vào giữa năm. Ngoài ra, còn có một danh từ khác thông dụng hơn, là lễ " Cách -tót-duy-dê ", phiên âm theo tiếng Pháp.

Trừ ngày Tết Việt-Nam có tính cách nghi lễ gia đình nhiều hơn, người ta có thể nói rằng " lễ Cách-tót-duy-dê " là một ngày đại hội toàn quốc tưng bừng náo nhiệt nhất trong năm, dưới thời đô hộ Pháp ở xứ ta. Sáng sớm tinh sương Tuấn-em vừa thức dậy đã nghe tiếng kèn lính tập thổi một bài quân nhạc đặc biệt vang lừng khắp tỉnh. Ngoài đường phố đã thấy lính khố xanh rộn-rịp, mặc toàn quân phục trắng của những ngày đại lễ. Sau nghi lễ chính thức có ông Đốc học Phạm văn Mỗ đọc diễn văn suy tôn ông Công Sứ, và tâng bốc nước Đại Pháp, và sau một cuộc " diễn binh" có hai anh lính khố xanh thổi kèn đi đầu, Toà Sứ có tổ chức những cuộc vui công cộng mà dân chúng nô nức từ các làng kéo vể tỉnh để xem. Trước sân chợ, có một môn giải trí do Quan Tuần Phủ bày ra. Trên khán đài đông đủ mặt các quan Tây, quan An-nam, và các bà Đầm ngồi hàng ghế danh dự, một thiếu phụ Pháp cầm một cần câu treo một cái chảo dính đầy lọ nghẹ. Dưới đít chảo có dán một đồng bạc trắng. Quan Tuần giảng nghĩa trò chơi cho công chúng nghe :" Ai muốn lấy đồng bạc kia, thì phải lấy khăn cột hai tay sau lưng, đứng dưới cần câu, ngước mặt lên đít chảo và đưa miệng lên cắn lấy đồng bạc ". Nếu cần câu để yên một chổ thì trò chơi không khó khăn gì, nhưng cô Đầm quái ác ngồi trên khán đài cố ý cầm cần câu nhử mồi như cầm cục xương đưa cao lên để nhử con chó vậy. Cô hạ cần câu xuống gần miệng người ham đồng bạc đang dùng mọi cử chỉ lanh lợi để đưa miệng lên táp vào đít chảo sắp sửa thành công, thì cô Đầm lại dựt cần câu lên, cái chảo cũng lắc lư ra xa. Người ham đồng bạc đã không cắn được đồng bạc mà mặt mủi lại bị dính đầy lọ nghẹ.

Các quan Tây, quaun An-nam, và các bà Đầm, cô Đầm đều cười rũ rượi, khoái chí lắm. Khán giả "An Nam " cũng cười rùm lên.Người ham đồng bạc vẫn không thất vọng, cứ chườn cái mặt lọ lem kia ra, cố há miệng cho to táp vào đít chảo, mong táp trúng đồng bạc...

Tuấn-em đứng xem cũng tức cười như mọi người. Nhưng anh nó, thầy Phán Tuấn, sa sầm nét mặt, bảo nó :

- Em muốn xem nữa, cứ đứng đây xem, hay là xem các trò khác. Anh đi về.

Tuấn-em còn con nít, ham vui, đi coi khắp các trò chơi công cộng, như leo cột mỡ, bịt mắt bắt vịt, đua xe kéo, keó thùng nước đừng cho đổ ra ngoaì, v.v...

Phán Tuấn về nhà, nghĩ laị cuộc chơi của " người An-nam liếm đít chảo " trong ngày lễ Quốc khánh Pháp, cho rằng đây là một trò chơi nhục nhã cho ngươì Việt. Nhưng còn biết bao nhiêu caí nhục nhã nữa kể sao cho hết ? Kể cho ai nghe ? Mà ai dám nghe ? Tuấn làm thông phán đầu toà, hàng ngày gần gũi với các ông Công Sứ Pháp và các quan Tây, các quan ta, các ông tổng, ông xã, đã mắt thấy tai nghe biết bao nhiêu những chuyện nhục nhã, đê tiện, khốn nạn, bỉ ôỉ, do chính hạng " An-nam nịnh Tây " nêu gương ra. Họ tưởng làm vui ông Tây, nhưng chính ông Tây chê cười, khinh bỉ. Gặp những viên quan cai trị Pháp biết tôn trọng dân tộc Việt Nam, thì mình xâú hổ, vì họ vẫn theo thành kiến dân chủ và tinh thần bình đẳng. Nhưng một số đông người Pháp đã có kỳ thị chủng tộc, nhiễm thói tự cao tự đaị với dân thuộc điạ, laị gặp những " người an nam mít " tâng bốc họ một cách đê tiện, vô liêm sỉ thì họ càng lên mặt vênh-váo, khinh khi cả giống người Việt và chà đạp lên dân ta như loài trùn dế vậy thôi.

Cuộc vui liếm đít chảo để lấy một đồng bạc, tự nó có thể được coi như một trò chơi bình dân, thật ra không đến nỗi xúc phạm đến quốc thể của một nước, nhưng chính vì do các " quan Đại Pháp - chủ trương, do các " quan An nam " bày đặt, và cả một công chúng " An Nam " đông đảo đứng xem và vỗ tay cười trước mặt Tây và Đầm, cho nên Tuấn thấy thương tổn đến phẩm giá của người Việt, và chạm đến lòng tự ái dân tộc của chàng.

Mặc dầu Trần anh Tuấn đương là một kẻ giúp việc cho Tây, ăn lương của "Nhà Nước Bảo Hộ" nhưng Tuấn đã được thấm nhuần tư tưởng ái quốc của vua Duy-Tân, vua Thành-Thái, lúc Tuấn còn là học sinh trường Quốc Học Huế. Cho nên một cuộc chơi liếm đít chảo bày ra mà đa số đồng bào chỉ biết hùa nhau vỗ tay cười, Tuấn lại cho là nhục nhã.Tuấn bùi-ngùi đau xót, tức giận, mà âm thầm không dám nói với ai.


Năm 1923, ở tỉnh có một đám rước " thầy Tú vinh qui " thật là vui. Người ta nô nức đi xem đông vồ số kể. Đối với đám rước của Lê văn Thanh hồi chàng mới thi đỗ bằng tiểu học " ri-me " ở tỉnh thì đám rước này còn linh đình hơn nhiều.

Thầy Tú tân khoa là con một ông bá hộ có theo đạo Thiên Chúa. Cậu cũng học trường Quốc Học Huế, thi đậu bằng Thành Chung, lúc bấy giờ có một số người gọi là " Tân khoa Tú Tài ". Cũng như Trần anh Tuấn vậy. Kể ra năm 1923, lớp học sinh thi đỗ bằng Thành Chung ở Huế, Vinh, cũng như ở Hà Nội, Nam Định,Saigòn, Cần Thơ v.v...đã nhiều rồi, không phải hiếm hoi như ba, bốn năm về trước, nhưng ở tỉnh Q.., toàn tỉnh chỉ có chừng năm người. Hầu hết chỉ học đến lớp đệ nhị niên, đệ tam niên., (2è Année,3è Année Primarie Supérieur ) đã thi ra làm thầy Thông ở các công sở như Thương chánh, Kho bạc, Bưu điện, Kiểm lâm, hoặc làm trợ giáo.

Một số ít con nhà khá giả mới học thi bằng Thành Chung ( cũng gọi tắt là thi Diplôme).

Lúc mới mở các học đường thì chính người Pháp bày ra việc rước các cậu tuyển sanh và tú tài tân khoa, sau đó vài ba năm họ bỏ lệ ấy. Nhưng ông Bá hộ muốn khoe khoang, nên tự ý tổ chức riêng việc rước con trai của ông mới thi đỗ ở Huế. Cậu Tú mặc áo gấm, mang giầy hạ, đội mũ trắng, ngồi trong chiếc cáng. Có phường nhạc bát-âm và cờ xí loè-loẹt, chuông trông vang lừng. Đám rước phải đi gần mười cây số và đi thật chậm, để cho dân chúng các làng, các tổng ở khắp nơi kéo nhau đi coi mặt " thầy Tú vinh qui ".

Về nhà, ông bá hộ tổ chức một buổi tạ ơn Chúa và tạ ơn Đức Mẹ tại nhà thờ Đạo trong tổng. Các cha sở và gần trăm bà con họ Đạo tham gia. Xong rồi ông giết ba con bò và năm con heo khao đãi dân làng và quan khách liên tiếp ba ngày đêm.

Tiếng đồn gần đồn xa, đến đỗi bọn ăn mày ở khắp tỉnh có đến năm, sáu chục người, già trẻ,lớn bé, đàn ông đàn bà xách bị, chống gậy, bưng nồi, bưng thúng, tổ chức thành một đoàn kéo đến ngồi chật cả sân ông bá hộ để xin một bửa ăn khao mừng thấy Tú tân khoa.

Còn những bà con của thầy Tú, họ nội, họ ngoại, xa lắc xa lơ từ mấy đời cũng lần lượt về mừng " cậu Tú nó ", "anh Tú nó "...Kẻ vuốt ve, người ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi không hết lời. Thi đỗ bằng Trung học về làng, chàng thanh niên 1923 vẫn còn được trọng vọng như một vị anh hùng của xóm làng, huyện, tổng.

Quan Tuần, quan Phủ, có con gái lớn 15, 16 tuổi, cũng lăm le muốn gả con cho thầy Tú tân khoa. Thôi thì mai mối tấp nập. Nhiều cô gái trong tỉnh hồi hộp ước muốn làm cô Tú.

Tết năm ấy, làng sở tại có tổ chức một cuộc chơi Bài Chòi, sáng Mồng Một thầy Tú đước mời đến ngồi ghế tràng kỷ với các vị bô lão.

Tuấn-em đi xem về, thèm thuồng, hỏi anh nó :

- Anh Hai, anh cũng đỗ thành chung trước người ta sao anh không làm lễ rước tân khoa ?

Phán Tuấn mỉm cười :

- Ở đời, có người thích thế này, có người thích thế khác. Chừng nào em học giỏi, thi đỗ, em có muốn được đón rước như thế không ?

- Không, em bắt chước anh Hai.Anh Hai làm sao, em làm theo vậy.



BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH