CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Pearl S. Buck - Văn Hòa dịch » Yêu Muộn


4.

Ông Vũ không đến gặp vợ, nhưng bà vẫn để yên. Sau bao năm chung sống, bà đoán được những tư tưởng của chồng. Với nụ cười nửa vời, ông đã từ chối việc cưới nàng hầu. Nếu ông lảng tránh, không phải vì không thích, mà chỉ vì mắc cỡ. Thật ra, trong thâm tâm ông cũng có hổ thẹn thật, nhưng điều đó không đủ để cản lại khuynh hướng của ông. Nói tóm lại, đúng như bà biết về ông - ông thường tỏ ra đủ sức hiểu biết phẩm cách của một con người cao thượng, ca ngợi phẩm cách ấy và ước mong mình cũng có được như thế, nhưng tâm hồn ông quá nô lệ các nhu cầu thể xác, nên không thể đạt đến được.

Cũng như ở bàn ăn, ông không thể cưỡng được sức quyến rũ của một món ăn ngon lành, thì ở trường hợp này cũng thế; mặc dầu ông ước ao được trở nên một người hoàn toàn, nhưng vẫn không thể bỏ lỡ dịp khoái lạc với một người đàn bà trẻ. Tuy trong bao năm chung sống với bà Vũ, đời sống của ông cũng chẳng có gì nghiêm ngặt, khắc khổ, thiếu thốn về xác thịt. Bà Vũ biết rõ, nếu bà ít đẹp hơn, trong nhiệm vụ làm vợ bà ít bận tâm hơn, thì có lẽ ông đã bị các nơi khác quyến rũ.

Bà đã biết làm hài lòng ông trong mọi việc. Nếu ông muốn hiểu những điều trong sách, bà liền tìm đọc để nói cho ông nghe. Nếu ông tò mò muốn biết những gì xảy ra ở nước ngoài, bà vội sưu tầm tài liệu để trình bày cho ông rõ. Trong suốt thời gian qua, mỗi một ước muốn của ông đều được thỏa mãn. Bà Vũ không buồn nghĩ rằng đó là nhờ bà, vì bà biết tiên liệu tất cả. Bà thật là một người vợ hiền, chu đáo, tháo vát.

Bà Vũ không phàn nàn về chồng điều gì cả. Bà cũng chưa bao giờ bị thất vọng nặng nề. Ban đầu, bà cho tính tò mò thất thường của ông Vũ là hậu quả tất nhiên của một tâm trí muốn tung cánh sau thời thơ ấu bị kiềm hãm vì lối nuông chiều của bà cụ Cố. Không bao giờ cụ bà để cụ ông gieo một ảnh hưởng nào cho cậu con một vô cùng quí báu ấy, vì cậu ta là đứa bé độc nhất sống sót sau nhiều lần sinh nở. Cụ bà bắt đầu gây lộn với chồng khi cụ ông bắt con vào khuôn phép. Lúc bấy giờ đứa bé đã bảy tuổi. Theo tục lệ gia đình họ Vũ, khi con trai còn nhỏ thì ở với mẹ, nhưng đến bảy tuổi thì cụ ông đem nó về ở với mình.

Cụ bà hết viện cớ này đến cớ nọ để giữ đứa bé. Trước tiên bà bảo là phải săn sóc nó ban đêm, vì cuống phổi nó yếu. Sau bà lại bảo nó ăn không được ngon, cần phải khuyên dỗ nó. Khi cụ ông kiên quyết thì cụ bà khóc lóc, và khi cụ ông nổi giận thì cụ bà cũng nổi lôi đình, dữ dội hơn cả chồng nữa. Nhưng cụ ông cứng hơn đá, nên bà cụ phải nhượng bộ. Năm đứa bé lên chín, nó được ở riêng trong một căn phòng nhỏ cạnh phòng cha, và ông cụ bắt đầu giáo dục đứa con một của mình.

Nhưng khốn thay căn phòng của đứa trẻ cũng có một cửa hông; đêm đến, nó thường lẩn trốn về phòng mẹ. Ông cụ dạy con một cách kiên nhẫn và dịu dàng, nhưng công toi. Vì khi cụ dạy cậu biết về kỷ luật thì bà lại thúc đẩy cậu vui chơi thay vì làm việc. Bà cụ cho cậu ăn toàn cao lương mỹ vị, và khi cậu đau bụng vì nhét nhiều đồ ăn quá, thì bà cụ bảo cậu kéo vài điếu thuốc phiện để làm dịu bớt cơn đau. Chỉ có sức khỏe và tính ưa hoạt động đã ngăn cậu bé khỏi ghiền. Năm cậu hai mươi tuổi, thân sinh cậu mới thấy mẹ cậu đã thắng cuộc, và sau khi khiển trách cậu lần cuối cùng, ông cụ bỏ ngang không thèm dạy dỗ nữa.

Ông cụ đã kết thúc bài giáo huấn như sau: "Con ơi! Con đã đặt người đàn bà lên trên người đàn ông, đã chọn mẹ hơn cha, con đã bỏ sự tu thân để chọn lấy những thú vui thân xác. Đã thế thì hãy thế. Để bảo toàn gia đình, phần ta, ta phải kiếm cho con một người vợ có thể đem sức mạnh bù vào sự yếu đuối của con"

Kinh hãi vì giọng nói nghiêm nghị ấy, cũng như mỗi khi sợ hãi, cậu thanh niên đã chạy đến tìm mẹ; cạnh bà, cậu quên ngay mọi nỗi bực mình.

Sau đó ít lâu, bà Vũ về làm dâu nhà này. Ngày thứ mười sau lễ cưới, ông cụ cho gọi nàng dâu vào thư phòng và đã nói với nàng về con trai của mình:

"Con muốn làm cho chồng con nên thế nào thì nó sẽ giống thế ấy. Có những người tự mình phát triển, nhưng chồng con luôn luôn do đàn bà uốn nắn. Con tránh đừng để nó biết như thế, đừng bao giờ trách nó yếu đuối, nếu không, nó sẽ trở nên tự ti. Chớ để nó tưởng rằng nó là một người vô tích sự, vì như thế tính vô tích sự của nó sẽ tỏ hiện một cách rõ ràng. Con hãy tìm trong đó vài mối sợi bền chắc. Rồi dùng những sợi chỉ canh của con để dệt chúng lại. Nếu gặp những sợi không bền chắc, con hãy lấy những sợi của con mà bí mật trộn lẫn vào".

Lúc bấy giờ bà Vũ hãy còn quá trẻ, chồng bà cũng trẻ và vui tính, nên bà cảm thấy say sưa trong cuộc sống vợ chồng, không lo nghĩ gì cả.

- Con yêu chồng con, bà đã trả lời ông cụ.

Ông cụ có vẻ ngạc nhiên, vì người đàn bà thường không quen phát biểu bạo dạn như thế. Nhưng cái âm thanh thốt lên lời nói lạ thường đó rất dịu dàng, rất êm ái, và chính nàng dâu cũng có vẻ rất tinh tế, rất ngây thơ khi thổ lộ câu nói kia, khiến ông cụ không nỡ khiển trách nàng.

Cụ chỉ cúi đầu nói:

- Một người đàn bà không thể có thứ khí giới nào trong tay mạnh hơn nữa.

Mười năm sau bà Vũ mới hiểu trọn vẹn con người mà bà đã yêu tha thiết. Các giới hạn của tâm hồn và lý trí ông, bà khám phá ra rất tuần tự, rất chậm rãi, nên bà không đến nỗi phải đớn đau vì thất vọng. Khoảng thời gian chứa đựng trong những giới hạn ấy rất hẹp. Những câu hỏi tò mò của ông Vũ trước tiên đã kích thích trí tưởng tượng của bà, vì bà lầm tưởng đó là phản ứng của trí thông minh; bây giờ bà thấy chúng rỗng tuếch và đấy chỉ là một lối giết thì giờ không đi đến đâu cả. Ông Vũ hỏi, rồi đột nhiên bỏ ngang không theo dõi nữa, khiến bà Vũ phải tìm xem cơn gió đã xoay về hướng nào.

Ngay lúc bấy giờ bà Vũ đã giỏi hơn ông, và bà còn học hỏi thêm nữa. Nhưng bà không nói cho ông biết; vả lại nói làm gì? Có lẽ ông không hiểu. Bà đã thu mình sống trong cuộc sống chật hẹp của chồng, để ông ta cảm thấy có sự hiện diện của bà bên cạnh. Nhưng thật ra, bà đã bắt đầu mơ đến lễ tứ tuần và sắp xếp cho ngày hôm ấy.

Đã đến lúc bà phải tin cho ông Vũ biết có Thu Minh trong nhà. Chắc bọn tôi tớ đã nói, nhưng chính bà phải báo tin cho ông rõ. Không nên để chậm, vì Phan đã thấy cô gái. Một thanh niên có thể nhìn thấy một thiếu nữ mà không xảy ra chuyện gì, nhưng cũng có thể có những hậu quả rất tai hại.

Đôi khi, trong tính bồng bột của tuổi xuân, một sự gặp gỡ như vậy - dẫu tình cờ - vẫn có thể nguy hiểm giống như một cuộc hẹn hò. Nếu ông Vũ đồng ý, bà sẽ cho đưa Thu Minh đến ngay lúc nàng đã sẵn sàng.

Thu Minh có vẻ vui tươi trong buổi mai đầy ánh nắng. Bà Vũ đã bảo Giang đến hiệu vải, chọn thứ vải hoa tốt và mềm, với một thứ lụa hạng thường. Hiệu vải đã cho người mang đến.

Bà Vũ lấy một số hàng vừa đủ dùng để may ba bộ áo quần. Để làm vui lòng Thu Minh, bà cho nàng trọn quyền chọn màu và mẫu mà nàng thích. Bà Vũ bằng lòng thấy cô gái chọn thứ hàng có hoa nhỏ, màu dịu. Bà còn hài lòng hơn khi Thu Minh tự cắt may lấy quần áo mình.

Đứng trước cái bàn vuông, Thu Minh trải tấm vải hoa ra rồi dừng lại, cầm kéo đưa lên hỏi:

- Thưa Đại Nương có phải cắt như áo quần của Đại Nương không ạ?

Áo của Thu Minh vạt ngắn và tay rộng theo kiểu nhà quê.

Bà Vũ đáp:

- Chị Giang sẽ chỉ cho cô kiểu áo quần thích hợp với nhà chúng ta.

Giang đo kích tấc, vạch phấn lên vải, cắt theo vóc dáng mảnh mai và những đường cong thanh nhã của cô gái.

Trong lúc ấy Thu Minh run lên vì sung sướng. Nàng thì thầm: "Cả đời, chưa bao giờ tôi được mặc áo quần mới". Khi các thân áo đã cắt xong, nàng xâu chỉ vào kim và mang cái đê kim khí vào ngón tay, rồi ngồi xuống giữa một giấc mơ đầy hạnh phúc. Thu Minh may chậm rãi, cẩn thận, còn Giang thì đứng nhìn những đường kim mũi chỉ đều đặn và nhỏ mịn của nàng. Nhìn Thu Minh bà Vũ lại cảm thấy mình phạm vào tội ác, giống như bà sắp gây thiệt hại cho nàng. Bà liền quyết định đi tìm ông Vũ, và ra hiệu cho Giang theo bà sang phòng bên cạnh. Khi hai người đi khuất, bà nói với Giang:

- Chị vào may giúp cho cô ta, phải lo cho cô ta có một bộ áo quần lót và một bộ bận ngoài. Có thể, bà sẽ đưa cô ta đến cho ông vào ngày mai, sau khi bà đã nói chuyện với ông trong ngày hôm nay.

- Thưa bà vâng. Giang trả lời và cố giữ không để lộ ra mặt hoặc trong lời nói, sự vui thích hay vẻ bất mãn của mình.

Hôm nay là lần đầu tiên bà Vũ ra khỏi khuôn viên của mình kể từ ngày đến ở đây. Vì bổn phận, bà ghé lại khuôn viên bà cụ Cố trước. Bà gặp cụ ngồi sưởi nắng trước cửa và xem dáng vui vẻ hơn mọi khi. Con hầu gái lấy dầu xát hai bàn chân và mắt cá sưng húp của cụ.

Cụ nói:

- Vì mấy con cua đây. Khi nào ăn cua chân cũng húp, nhưng mà Cố sắp xuống lỗ rồi thì kiêng cua làm gì cho mệt xác. Vả lại, hai bàn chân này cũng chẳng ích lợi gì bao nhiêu! Với lại Cố cũng đã uống rượu đuổi độc rồi!

Bà cụ hình như quên hẳn nỗi giận hờn con dâu về việc cưới vợ hầu, và bà Vũ tránh không nhắc đến chuyện ấy. Bà cúi nhìn hai bàn chân sưng húp của bà cụ, và bảo con tì nữ đưa tay chà ngược lên để cho tan máu. Sau đó, bà lại tiếp tục đi.

Bà Vũ đi về phía khuôn viên bà đã ở trước kia, vì bà đoán chắc sẽ gặp ông Vũ ở đấy. Trong hoa viên, những đóa bạch lan đã úa tàn. Bà cúi xuống vạch lá để tìm sâu; nhưng chẳng thấy một con nào. Nhìn vào, bà thấy ông Vũ ngồi ở phòng khách. Vì trời nóng, ông mặc quần lụa rộng và áo cụt lụa mở cổ, để lộ ra bộ ngực láng bóng. Tay ông cầm một cái quạt bằng lụa trắng có vẽ khóm trúc xanh và tay kia cầm một tách nước trà. Chén đĩa điểm tâm xong còn để trên bàn. Bà Vũ nhận thấy vẻ bối rối khó chịu thoáng hiện trên khuôn mặt đầy đặn của chồng. Như thường lệ, bà nói với ông bằng một giọng vui vẻ:

- Tôi tưởng đã đến lúc phải trồng lại mẫu đơn trong vườn này. Mình nghĩ thế nào?

- Những đóa lan xám này tôi ít thích. Tôi ưa những màu tươi hơn.

- Tôi sẽ cho nhổ đi hôm nay và trồng mẫu đơn thay vào. Nếu chúng ta mua giỏ mà trồng, thì hoa nó vẫn tiếp tục nở, như thế không muộn tí nào.

Ông Vũ đứng dậy và đến bên vợ.

Ông cúi xuống bên bà để xem hoa.

- Mình hãy cho trồng thứ mẫu đơn đỏ và hồng. Cứ năm gốc lại xen vào một gốc hoa trắng.

- Như thế cân đối lắm rồi. À, bé Dân đâu rồi nhỉ?

Cậu trai út ấy thường ở cạnh cha.

- Tôi cho nó về quê từ hôm qua. Nó còn nhỏ, không thể ở trong cảnh ồn ào hiện tại của nhà này được.

- Phải đấy, mình tính rất đúng.

Bà vừa nói vừa âu yếm nhìn chồng. Độ này ông phát phì ra vì ăn khỏe. Bà hỏi:

- Sáng nay mình thấy trong người thế nào?

- Khỏe, khỏe lắm.

Nhưng bà nhận thấy ông có vẻ bứt rứt khó chịu. Bà âu yếm mỉm cười nói:

- Tôi vẫn nhớ đến mình luôn, không thể nào quên được.

- Tôi cũng cảm thấy thế.

Ông vạch áo ra, quạt phành phạch vào cái ngực trần.

- Trong lúc chờ đợi mình quyết định, tôi cảm thấy quá cô đơn. Ái Liên ạ! Anh là một người chồng biết chuyện, một người khác có lẽ không chịu nổi sự cách biệt quá lâu dài này. Đã bao ngày qua!... anh thấy thế cũng đủ lắm rồi…

- Không một giờ phút nào tôi không nhớ đến mình, tôi đã gấp rút tìm kiếm và cô ấy hiện có ở đây.

Mặt ông Vũ dần ửng đỏ.

- Ái Liên! Đừng nói chuyện ấy nữa!

Bà Vũ hỏi:

- Hẳn mình cũng nghe nói có cô ta ở đây chứ?

Ông đáp đầy vẻ tự cao:

- Tôi không để ý gì đến những chuyện nhảm của lũ nô tì.

Nhưng bà Vũ biết rõ đấy là ông trả lời theo cái hình ảnh của con người cao thượng mà ông hằng mơ tưởng. Kỳ thực, ông đã lắng nghe tất cả những điều do tên thư đồng thuật lại, và cười theo những chuyện khôi hài của hắn ta, vì đích danh hắn là một thằng hề biết tính thích cười của ông chủ.

Bà Vũ đến ngồi trên cái ghế trong vườn.

- Cô gái thật là xứng đáng. Bà ôn tồn nói, hai bàn tay chắp lại trên gối với một vẻ bình tĩnh thường lệ. Cô ta rất khỏe mạnh, trẻ đẹp và ngây thơ…

Ông xẵng giọng nói:

- Thế mình không ghen à?

Ông Vũ đứng trước mặt bà, tóc đen láng, da dẻ hồng hào môi đẹp và mắt to, thẳng thắn; ánh mặt trời rất sáng chiếu xuống người ông, tạo thành một hình ảnh mà bà khen phục.

- Mình quá đẹp! Nếu không phải là một thiếu nữa như cô ta thì tôi ghen rồi đấy. Cô ta quá đơn sơ nên không gây ra một sự khác biệt nào giữa mình và tôi cả.

- Ái Liên! Thật tôi không hiểu tại sao chỉ trong một đêm mà mình trở nên lạnh nhạt một cách kỳ dị như thế? Tuần trước mình vẫn… như bao giờ. Còn tuần này thì…

- Tôi đã bốn mươi rồi! Bà đáp, miệng vẫn luôn tươi cười.

Bà ra hiệu cho ông đến gần. Bà vừa kéo ông vừa nói:

- Mình đến đây, ngồi xuống đây đi.

Ông vừa ngồi xuống ghế thì bà thấy Phan đi ngang trước cổng hoa viên. Chàng nhìn vào trong, thấy cha và mẹ ngồi sát bên nhau nên vội vã rút lui.

- Phan! Bà Vũ gọi, nhưng chàng không nghe, vẫn cắm cúi đi.

Bà nói:

- Chúng ta phải cưới vợ cho thằng ba. Có lẽ mai tôi sẽ sang bà Khương để xin cưới cô Liên Chi cho nó. Ý mình thế nào?

- Bao giờ mình cũng chọn vợ cho con.

- Thằng Thế đã tự chọn vợ, nên đối với thằng Phan tôi muốn tránh sự lầm lỡ ấy.

- Như thế thì tốt lắm.

Bà Vũ bằng lòng vì khi nhắc đến Liên Chi, trong giọng nói của chồng, bà không thấy có chút chú ý nào cả. Ông đã quên cô ta. Ông chỉ nghĩ đến mình ông. Bà nhất định lo liệu lấy cuộc hôn nhân này, y như bà sửa soạn mua áo quần hoặc giầy mũ cho con.

Bà Vũ nói:

- Mai tôi sẽ đưa cô gái ấy đến với mình. Nhưng nếu mình thấy trở ngại thì thôi.

Hai má ông Vũ lại bừng đỏ. Ông đút hai ngón tay vào túi nhỏ, lôi ra gói thuốc lá ngoại quốc và châm một điếu hút.

- Mình cứng đầu như quỷ; tôi biết, nếu tôi phản đối ý mình thì tôi sẽ chết, ông khẽ nói trong làn khói thuốc, thế thì tại sao tôi lại muốn chết?

Bà tươi cười:

- Có bao giờ mình phải phiền lòng vì sự cứng đầu của tôi không? Không phải tôi luôn luôn cứng đầu vì hạnh phúc của mình à?

- Thôi đừng nói chuyện ấy nữa.

Ông thổi ra một ngụm khói, nói tiếp:

- Mình đừng nói thêm chuyện cô gái ấy với tôi nữa.

- Thật thế, còn có gì để nói nữa đâu; chiều mai tôi sẽ đưa cô ta đến cho mình.

Bà lại nom thấy một bóng người ở ngoài cửa lớn trước sân và nhận ra Lãng, người con trưởng của bà. Hình như Lãng muốn đi qua đấy.

- Lãng! Bà gọi. Nhưng Lãng tránh không vào.

Ông Vũ vụt đứng dậy. Ông nói:

- Giờ tôi mới nói ra là tôi có hẹn gặp một người ở tiệm trà. Có một đám ruộng xưa kia tổ phụ ta cho một người đầy tớ để đền ơn cứu tử, đã ba đời rồi, nay con cháu người ấy muốn bán lại. Theo anh quản lý thì chúng ta nên mua khoảnh ruộng ấy, và như thế sản nghiệp của chúng ta có thể trở lại như xưa.

- Thế thì tốt lắm. Nhưng tám mẫu, thì giá chừng bảy mươi nhăm đồng thôi, không nên trả cao hơn.

- Chúng ta có thể trả lên tám chục đồng.

- Tôi không muốn trả quá giá ấy. Còn phải nghĩ đến con cái chúng ta nữa chứ.

Ông Vũ hứa:

- Không, tôi không trả quá tám chục đồng đâu.

Ông đứng dậy bước vào nhà. Bà Vũ cũng đứng lên toan đi thì ông dừng lại ở thềm, quay nhìn vợ nói:

- Ái Liên, tôi không muốn người ta trách tôi điều gì về việc ấy cả.

- Ai trách mình? À, tôi quên nói tên cô ấy cho mình biết. Cô ta tên là Thu Minh. Cô ta sẽ làm niềm vui của mình trong mùa thu.

Ông Vũ nhún vai, lặng lẽ bước đi.

Bà Vũ nhìn xuống mấy đóa lan đã tàn, thầm nghĩ: "Ông ta muốn rủa mình, nhưng không biết nói cách nào đấy thôi".

Tự nhiên, bà cảm thấy sợ sệt. Bà ao ước được trở về ngay gian phòng yên tĩnh của mình. Nhưng không thể được, bà có bổn phận đối với các con, chúng hằng ngày nương cậy vào bà. Bà phải đi thăm chúng, lần lượt từng đứa một.

Bà gặp Lãng trong khuôn viên bên cạnh; gia đình của chàng ở đấy. Một gia đình vui vẻ. Đứa con trai nhỏ của chàng đang nô đùa với vú em ngoài sân. Thấy bà Vũ đi vào, nó chạy đến. Bà âu yếm xoa má đứa trẻ và cúi ngửi mùi thơm ngọt ngào của da thịt nó. Bà âu yếm:

- Cưng của bà ơi! Má mầy thơm quá!

Nghe tiếng mẹ, Lãng trong nhà vội bước ra.

- Mẹ, con đang sửa soạn đi thăm lúa đây. Đã đến lúc lượng được số lúa hột rồi đấy mẹ ạ.

- Để đó rồi hãy đi con ạ.

Lãng đưa cánh tay cho mẹ vịn. Chàng dẫn bà ra ngoài hoa viên, đến ngồi trên cái ghế đặt dưới một gốc tùng, bên trên uốn thành hình cái lọng che.

- Mẹ đến nhờ con theo cha con ra tiệm trà một lát. Nhà ta có một mảnh đất cho gia đình họ Trương làm chủ đã ba đời nay, bây giờ cha con muốn mua lại. Như con đã biết, người thừa kế của gia đình ấy hiện nay là một tay ghiền thuốc phiện. Nếu nhà ta mua lại được miếng đất đó thì hay lắm. Nhưng cần phải có con đi theo để cha con đừng trả quá bảy chục đồng. Cha con nói đến tám chục đồng, nhưng bảy chục là đã mua được rồi. Người ta bóc lột mình vì tưởng mình giàu, nhưng không ai có đủ của để cho người khác bóc lột cả.

- Thưa mẹ, thế thì con sẽ đi.

Thấy Lãng có vẻ ngần ngừ, bà Vũ hiểu ngay chàng muốn hỏi việc Thu Minh. Nhưng bà đã nhất quyết, sẽ không nói gì về cô gái ấy với bất cứ người con nào của bà. Cha mẹ không cần phải giải thích công việc mình làm với con cái.

Bà hỏi:

- Mai đâu rồi? Từ hôm mừng lễ tứ tuần đến nay mẹ không gặp nó. Mẹ muốn hỏi nó, và cả con nữa, về việc mẹ xin cưới cô Liên Chi cho em Phan.

Lãng không hề nghĩ đến việc này nên chàng ngạc nhiên hỏi:

- Liên Chi à? Nhưng thưa mẹ, không biết chú Phan có chịu để mẹ chọn vợ cho chú ấy không?

- Nếu nó không muốn thì mẹ sẽ cho phép nó tự quyết định lấy việc cưới Liên Chi.

Lúc bấy giờ Mai hiện ra ở ngưỡng cửa. Nàng thức dậy đã lâu mà còn giữ vẻ ngái ngủ và nhác nhớn, đó là cái khuyết điểm lớn nhất của nàng. Sáng hôm ấy Mai đang ngồi một cách uể oải, mình còn bận áo quần ngủ, đầu tóc chưa chải, thì nghe có tiếng bà Vũ ngoài sân. Nàng vội chạy vào thay áo, rồi bước ra trông như một đóa hoa hồng vừa hé nụ. Sự thai nghén và dáng mệt nhọc của nàng khiến nàng trở nên mềm mại và dịu dàng. Hai mắt to của nàng ngời sáng và đôi môi hé mở. Đôi hoa tai ngọc bà Vũ đã cho hôm trước, nàng mang lủng lẳng ở tai.

- Thưa mẹ, mẹ sang chơi.

- Con mang đôi hoa tai ấy đẹp lắm.

Rồi quay sang Lãng, bà nhẹ nhàng ra lệnh:

- Thôi, con đi đi. Mẹ và Mai còn nói nhiều chuyện.

Khi Lãng đã đi rồi, bà ngắm nghía Mai từ đầu đến chân và âu yếm hỏi:

- Con đã buồn nôn vào buổi sáng chưa?

- Con vừa mới bắt đầu buồn nôn thôi mẹ ạ. Con cố nén mà không được…

- Còn mười ngày nữa con mới nôn thật. Cái thai mạnh thường bắt người mẹ nôn ọe có đến hai ba tháng mới hết, nhất là con trai.

Đứa con trai nhỏ của Mai đang ngồi trên lưng chị vú như cưỡi ngựa; nàng trề môi về phía nó nói:

- Ấy, chính cái thằng ăn cướp ấy cũng thế đấy.

Với Mai, bao giờ bà Vũ cũng lần lần lái câu chuyện vào đề mục chính. Bà nói:

- Mai, con! Mẹ đến hỏi ý kiến con một việc. Nếu mẹ xin mẹ con bên nhà gả em Liên Chi con cho em Phan nhà ta, thì ý con nghĩ thế nào? Hai đứa xuýt xoát tuổi nhau. Em gái con, theo mẹ biết, có lẽ sinh sau Phan khoảng chừng bốn tháng. Cô ấy đẹp đấy, còn Phan thì vẻ người trông cũng khá lắm, cả hai đều khỏe mạnh. Mẹ chưa đi hỏi thầy số xem ra sao, nhưng mẹ biết tháng sinh của hai đứa hạp nhau: Liên Chi mạng thủy, còn Phan thì mạng thổ.

Mai reo lên:

- Thế thì tuyệt quá!

Nàng vỗ tay khiến mấy cái nhẫn va vào nhau kêu canh cách. Rồi nàng nói:

- Thưa mẹ, con cần phải thưa mẹ rõ, cô Liên Chi chê chú Phan là cổ hủ.

Bà Vũ ngạc nhiên:

- Sao thế?

- Thưa, tại vì chú ấy chỉ sống quanh quẩn trong nhà, chưa bao giờ đến trường học.

- Theo mẹ nghĩ thì lẽ ra năm kia mẹ con không nên cho Liên Chi đi học ở Thượng- Hải!

Vẻ nghiêm khắc là những đường nét đẹp đẽ ở miệng bà tăng thêm phần rắn rỏi.

Mai đưa tay lên miệng ngáp và nói:

- Dĩ nhiên, chú Phan chán thì giờ để đi học.

- Mẹ sẽ không cho nó đến trường học, khi nó chưa được tác thành. Mẹ muốn chính nhà này tác thành cho con mẹ chứ không phải là một trường ngoại quốc.

Mai là người ít biện luận, nàng hỏi:

- Theo mẹ, con có nên nói việc ấy với Liên Chi không ạ.

- Không! Bà Vũ nói ra vẻ trang trọng, mẹ sẽ đích thân nói việc này với mẹ con.

Bà cảm thấy không đồng ý kiến với Mai. Chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân sự bất đồng ý kiến này, bà bỗng thấy một vẻ kinh ngạc thoáng hiện trên khuôn mặt non nớt của Mai. Nàng đưa tay ôm lấy bụng kêu lên:

- Ôi, trời!

- Gì thế con?

Mai xuýt xoa:

- Chẳng biết có phải vì đứa con không!

Bà Vũ gật gù:

- Một đứa con trai khác rồi đấy. Khi cái thai động sớm như vậy thì chắc là con trai.

Bà Vũ đứng dậy:

- Con ạ, con nên uống nước cháo là tốt nhất. Khi đứa trẻ vùng vẫy là nó đói đấy.

- Thưa mẹ, con sẽ đi nấu ngay. Con cảm thấy đói bụng luôn đêm ngày, mẹ ạ.

- Con cứ ăn đi. Ăn cho vừa sức con và đứa bé trong lòng.

Bà Vũ trở ra. Khi đi ngang qua cái hoa viên xưa cũ và đẹp đẽ này, cũng như mọi lần, bà cảm thấy mình bị tách rời khỏi bản thân và bị cuốn theo triều sống của gia đình họ Vũ. Hôn nhân và sự sống, các kỳ sinh nở, dòng đời cứ liên tiếp trôi qua. Tại sao bà cứ tức bực vì nàng dâu trưởng của bà chỉ nghĩ đến việc sinh con?

Bà thầm nghĩ: "Với con cái ta, chính mình ta nữa, ta đã chiếm một chỗ trong cái dòng đời ấy". Hiện tại bà chỉ còn có nhiệm vụ duy trì cái dòng đời ấy được trong sạch và không bị chướng ngại trải qua các thế hệ. Bà ngửng đầu hít lấy không khí trong lành ban mai. Ngoài cái nhiệm vụ độc nhất ấy ra, bà được tự do hoàn toàn.

Bà còn phải đến nhà Thế. Bà đợi gặp Phan để biết ý kiến chàng về Liên Chi.

Bé Dân đi vắng. Khi bà đến nhà Thế và Tố Lan, là bà đã hoàn tất bổn phận của mình trong ngày hôm ấy.

Nhà của Thế kém hơn tất cả các ngôi nhà khác. Khi bước vào trong gian nhà chật hẹp ấy, bà Vũ hối hận đã phạt con vì cuộc hôn nhân của chàng. Nhà chỉ có hai phòng xây về hướng Bắc. Mùa đông, mặt trời không sưởi ấm; còn mùa hè thì lại ẩm ướt.

Bà Vũ thấy Thế ngồi trong phòng chính. Mực trong bình đổ cả ra bàn, mực ngoại quốc, và Thế đang cắm cúi chùi vết nhơ. Bà Vũ nhìn chàng và nhận thấy mặt chàng có vẻ cau có. Miệng chàng trề xuống, đôi mắt trở nên cứng cỏi. Con bà thường có tính khó chịu như thế. Bà dừng lại ở ngưỡng cửa, cất tiếng hỏi:

- Ồ con! Con ở nhà một mình à?

Thế ngẩng đầu, ném tấm giẻ nhơ xuống đất.

- Tố Lan đâu rồi!

Bà Vũ bước qua bậc cửa cao, vào trong. Thế nói:

- Nhà con có vẻ không được khỏe nên con bảo cứ nằm nghỉ.

- Để mẹ vào thăm.

Bà vén bức màn ngăn bằng lụa đỏ, bước vào phòng ngủ. Từ ngày Tố Lan về ở, đây là lần đầu tiên bà bước vào phòng này. Mọi sự đều thay đổi hẳn. Giường ngủ không có màn, trái lại màn đem treo ở cửa sổ. Trên tường treo tranh ảnh ngoại quốc và sách báo ngoại quốc xếp lẫn lộn cùng những sách khác theo tường nhà.

Tố Lan nằm dài trên giường, đầu nàng kê trên một chiếc gối to, tóc ngắn xõa quanh mặt, để lộ hai tai nhỏ và đẹp như hai cái vỏ sò. Bà Vũ nhận thấy ngay điểm ấy. Bà âu yếm nói:

- Bây giờ mẹ mới thấy tai con. Tai con đẹp lắm! Con phải mang hoa tai. Mẹ sẽ gởi cho con một đôi bằng vàng.

Tố Lan quay đầu về phía bà Vũ, đôi mắt đen của nàng ngời sáng. Khác với lệ thường, nàng dịu dàng nói:

- Thưa mẹ, con xin cám ơn mẹ.

Sự dịu dàng ấy khiến bà Vũ lo ngại.

- Mẹ sợ con đau nặng quá!

- Con mệt.

- Có lẽ con có thai chắc?

- Con chỉ thấy mệt thôi. Tố Lan vừa lắc đầu vừa đưa mấy ngón tay mân mê xếp thành lằn tấm chăn bọc lụa.

- Vậy thì con hãy nằm nghỉ. Trong nhà này, bất cứ việc gì lúc nào cũng có sẵn người để thay thế cả.

Bà Vũ đi ra với một nụ cười nở trên môi.

Bà gặp Thế đang ngồi dùng bút sắt viết những dòng chữ ngoại quốc.

Khi thấy mẹ bước đến, chàng đứng dậy cầm bút ở tay. Bà hỏi:

- Viết gì thế con?

- Con học Anh văn.

- Ai dạy con vậy?

Mặt chàng đỏ bừng:

- Tố Lan

Biết chàng ngượng, bà Vũ vội vàng nói lảng sang chuyện khác.

- Tố Lan mệt, nên để cho nó nghỉ.

- Con sẽ bắt nhà con dạy. Thế hăng hái nói. Cô ấy rất thích hoạt động. Hôm qua cô ấy đi dự hội Ủy-ban Kiến-thiết Quốc-gia tại phòng nhóm Hội-đồng Thành-phố, và được bầu làm chủ tọa cuộc họp. Vì thế, khi trở về cô ấy bị kiệt sức.

- Lại còn chuyện Kiến-thiết Quốc-gia ấy nữa à?

Giọng bà có thanh âm trong như tiếng bạc:

- À, đuối sức là phải lắm.

- Chính con cũng đã bảo như thế rồi đấy chứ.

Bà Vũ gật gù, bước đi. Bà về nhà riêng một cách vội vã khác thường. Thu Minh đang ngồi may trên ghế đẩu. Bà dừng lại bên cô gái, cô ta khẽ đứng dậy. Bà đặt tay lên vai cô ta, nói:

- Cứ tiếp tục may đi. Ngày mai rồi đấy, cô sửa soạn đi thì vừa.

Thu Minh ngồi xuống và lượm chiếc kim theo đầu mối chỉ. Nàng không nói một lời nào. Nàng cúi đầu tiếp tục may. Nhìn cái đầu trẻ nghiêng nghiêng ấy, bà Vũ thấy một màu hồng sắc như hoa đào hiện ra từ vai Thu Minh và lan dần lên khắp chiếc gáy tròn, giữa những chân tóc đen dịu.

Cuối ngày hôm nay, bà Vũ quyết định xong cách đưa Thu Minh đến với ông Vũ.

Để tránh mọi sự bất trắc, việc ấy phải tiến hành trong đêm. Không có lý do gì để làm rộn ràng cả. Công việc này liên quan đến bà và ông Vũ, cho bọn trẻ xen vào chỉ làm họ thêm rối rắm.

Hôm ấy bà Vũ bảo Giang bày cho Thu Minh vài chi tiết trang điểm mà hẳn là cô ta không biết. Suốt ngày bà ở trong phòng, sách cấm trước mắt mà bà không một mảy may muốn đọc lại. Hình như bà sẽ không bao giờ muốn mở đọc một quyển nào trong loại sách ấy nữa. Bây giờ, người đàn ông còn làm cho bà thích ở chỗ nào? Bà chọn một quyển sách và bắt đầu đọc từ lúc khai thiên lập địa, khi mà trời đất còn hỗn mang chưa phân biệt.

Ngày trôi qua dần; bà Vũ có cảm tưởng như mình đã thoát khỏi xác phàm và bay tiêu diêu trong khoảng không gian vô tận. Không có ai đến cả. Bà biết rõ, cả nhà đang chờ đợi quyết định của bà, và sẽ không có ai đến khi bà chưa minh định số phận của Thu Minh. Bao lâu công việc trong nhà còn đang rối ren hỗn độn, thì không ai dám đến nói với bà Vũ điều gì cả. Anh quản lý là người độc nhất đến gặp bà Vũ. Khoảng xế chiều, anh nhờ người vào thưa, anh muốn trình bà rõ những công việc trong ngày, xem bà có tiếp anh không. Bà chấp thuận. Khi anh hiện ra ở ngưỡng cửa thư phòng, bà ngẩng đầu lên và không gấp sách, bà bảo anh vào. Anh quản lý đứng trước mặt bà Vũ, thò tay vào ngực rút ra một tờ giấy xếp. Anh nói:

- Thưa bà, tôi đem trình bà văn tự bán đất của gia đình họ Trương. Chúng tôi đã trả tám mươi đồng. Nếu ông chủ dè dặt một tí thì tôi đã mua bảy mươi đồng đấy. Nhưng ông nghĩ rằng, đây là một vấn đề ân huệ, nên ông không muốn chẹt về tiền nong.

- Được, để tờ văn tự ấy cho tôi, bà đáp mà không chú ý gì đến lời ông quản lý bình phẩm ông Vũ.

Chắc viên quản lý biết rõ việc gì đã xẩy ra trong nhà. Bà thấy mắt anh đảo quanh, dường như muốn tìm một khuôn mặt mới.

Bà hỏi:

- Hết chuyện rồi chứ?

Anh quản lý nhìn bà, nhưng con người tầm thường và thô tục ấy không biết che dấu tư tưởng mình. Bà thấy hai khóe mắt thô kệch của anh trề xuống, nét nhìn do dự, và bà đọc rõ tư tưởng anh như đọc một trang sách cấm. Bà xẵng giọng:

- Gì nữa?

Giọng đột ngột này làm viên quản lý cúi đầu:

- Thưa bà, không có gì nữa ạ. Chỉ có điều, là nên trồng đậu trên đám đất, trừ ra bà không muốn thế thì thôi. Bây giờ không thể trồng gì khác được.

- Trồng đậu, rồi sang mùa đông trồng lúa mì.

- Thưa, chính tôi cũng nghĩ thế đấy ạ.

Bà Vũ gật đầu, và nhận thấy anh quản lý đang đợi lãnh thưởng. Bà đứng dậy lấy chìa khóa ở túi áo trong, tra vào ổ khóa một cái tủ gỗ đặt sát tường, mở ra và lấy bạc đếm đủ mười đồng trước mặt anh quản lý. Bà lịch thiệp nói:

- Đấy, anh nhận lấy chút ít gọi là…

Anh ta đưa tay ra vẻ từ chối, thụt lùi một tí và khẽ lắc đầu. Nhưng rồi lại nhận lấy tiền.

- Cám ơn bà… cám ơn…

Anh ta vừa nói vừa đi thụt lùi khỏi cửa. Bà Vũ thấy anh nhón gót băng qua hoa viên, đến cổng và đảo mắt nhìn quanh.

Bà bằng lòng thấy Thu Minh không ra mặt. Cô gái có cái duyên thầm là lẩn trốn không để cho người lạ thấy mình. Lại thêm một điểm nữa khiến bà Vũ có hảo ý với cô ta hơn. Bà Vũ gấp sách lại bỏ vào bao trên ngăn tủ, rồi bước qua phòng khách. Giang đã mang cơm tối cho bà và Thu Minh. Bà xem xét thức ăn của cô gái, và cúi xuống ngửi. Bà hỏi:

- Sao chị không bỏ hành, hoặc tỏi và cho thơm.

Chị ở đáp:

- Thưa, con đã làm tử tế rồi đấy ạ.

Bà Vũ gặng hỏi thêm:

- Không có tiêu chứ? Tiêu ăn nóng ruột.

Giang giữ một vẻ lãnh đam, dửng dưng, để tỏ ra mình không nao núng.

- Thưa bà, không có món gì mà trẻ con không ăn được.

Trước thái độ bực tức của người tì nữ, bà Vũ chỉ mỉm cười. Bà dịu dàng nói:

- Này Giang, chị là người trung thành, nhưng nếu thực tình chị muốn giúp việc cho bà thì chị hãy biết rằng, bà chỉ làm việc gì bà thích.

Giang không muốn trả lời, chị chỉ nói:

- Thưa bà, cơm con đã dọn sẵn ở phòng trong rồi đấy ạ.

Trong phòng riêng, bà Vũ dùng cơm một cách khoan thai như mọi ngày. Khi ăn xong, bà ngồi nán lại một lát, nhồi thuốc vào cái điếu nhỏ và châm hút. Đoạn bà bước ra hoa viên, nơi mà suốt ngày hôm ấy người làm vườn đã mang lan đến trồng thêm. Bà chỉ chỗ và dạy cách trồng lan cho anh ta. Anh ta ngắt hết các hoa nở, hoa búp, và cắt bớt lá ngoài, chỉ chừa lại một cuống lá nhọn giữa thân cây, cuống lá đang sẵn sàng mở bùng ra. Các khóm lan mới trồng chắc sẽ sống mạnh. Mọi công việc đã xong xuôi. Bây giờ hoa viên trồng lan trước đây được tô điểm bởi hoa mẫu đơn đang nở rộ.

Một giờ sau khi màn đêm đã buông xuống, bà Vũ mới trở vào nhà. Thu Minh đã tắm rửa và trang điểm xong. Nàng bận quần áo mới, ngồi ngay ngắn trên mé giường hẹp, hai tay chắp lên gối. Gương mặt trẻ trung của cô ta hơi có vẻ sượng sùng, dưới làn tóc láng bao phủ hai tai, có hai giọt mồ hôi đang chảy xuống. Bà Vũ đến cạnh cô gái. Bà nói:

- Đừng sợ, ông là người rất tốt.

Thu Minh cúi đầu khẽ liếc nhanh bà Vũ.

- Cô chỉ có việc vâng lời ông thôi.

Khi nói lời này, bà cảm thấy mình hơi độc ác. Tại sao thế nhỉ? Cô ta không phải là trẻ con nữa. Còn người chồng chưa cưới của cô ta thì đã mất rồi. Nếu vẫn cứ ở lại nhà bà mẹ nuôi thì cô ta có thể hy vọng gì, ngoài việc gả bán cho một nông phú, góa vợ và đông con. Vì mặc dầu còn trẻ, chưa thành hôn, nhưng cô ta vẫn phải mang tiếng là góa chồng. Dầu sao, số phận của cô ta hiện tại cũng vẫn tốt đẹp hơn.

Bà Vũ tìm lý lẽ như thế để trấn tĩnh lòng mình. Thu Minh vẫn giữ vẻ thinh lặng, lén đưa tay chùi mấy giọt mồ hôi trên trán.

Bà Vũ bảo Giang:

- Giang, chị dẫn cô ấy đi.

Giang tiến đến đưa tay kéo áo Thu Minh. Chị nói:

- Đi cô.

Thu Minh đứng dậy. Hai làn môi dày và đỏ của nàng khẽ hé ra, nàng lấy lại hơi thở cho điều hòa, đôi mắt đen mở lớn.

Giang lặp lại một cách trắng trợn:

- Đi cô. Cô ở đây chỉ để có thế.

Cô gái hết nhìn chị Giang, quay sang nhìn bà Vũ, không thấy điểm nào trên khuôn mặt bà có thể giải thoát được mình, cô ta bèn cúi đầu theo chị Giang bước ra khỏi phòng, băng qua hoa viên rồi qua cửa vòng nguyệt.

Còn một mình, bà Vũ ngồi nán lại một lát, bất động, tinh thần trống rỗng, và chỉ cảm nghe những xúc động mù quáng đang tự do vận hành. Bà đau đớn chăng? Bà biết chắc là không. Hay là ân hận? Cũng không nốt. Đó là trạng thái trống rỗng của một con người tự thấy mình phải mất đi sau giờ chết. Đoạn bà ngẩng đầu lên; đôi môi run rẩy. Con người trước khi sinh ra, lúc còn trong lòng mẹ, không ở giữa sự trống rỗng như vậy sao? Thì bà cũng thế, bây giờ giống như bà được sinh ra lại một lần nữa. Bà đứng dậy bước ra sân và ngước mắt lên màn trời đen sẫm. Đêm êm đềm và đen tối. Khoảng trời vuông ngay trên hoa viên bị mây ám, không một ngôi sao nào chiếu lọt qua. Trời sẽ mưa trước sáng. Những đêm mưa bà ngủ rất ngon.

Giang trở lại, chị đi ngang qua bà trong bóng tối mà không thấy bà. Khi vào nhà, chẳng gặp ai, chị kinh ngạc lẩm bẩm:

- Ôi trời! Bà đâu rồi?

Rồi chị kêu lên:

- Bà ơi, bà đâu rồi?

Bà Vũ đứng ngoài thềm, bình tĩnh nói:

- Bà đây, rõ lẩn thẩn! Bà ra xem thử trời có sắp mưa không.

Mặt Giang xanh ngắt. Chị đặt tay lên ngực và hổn hển:

- Ôi, thưa bà! Con nghĩ… con nghĩ…

Bà Vũ mỉm cười.

- Nếu chị đừng nghĩ nữa thì chị sẽ sung sướng hơn nhiều. Giang, chị hãy để điều ấy cho tôi, việc gì đâu nào.

Giang thở dài, tay buông thõng xuống.

- Thưa, bà, bây giờ bà có thể đi ngủ như thường lệ được không?

Bà dịu dàng:

- Sao lại không?

Trời đã bắt đầu mưa, bà nghe có tiếng hạt mưa rơi trên mái ngói.

Một giờ sau, tắm rửa xong và thay áo quần ngủ bằng lụa trắng, bà lên giường nằm.

Giang òa khóc. Chị nức nở:

- Có thể có người vợ nào đẹp như bà không?

Bà Vũ đã đặt đầu xuống gối, vội ngẩng lên nói:

- Tôi không khóc, sao chị dám khóc!

Chị Giang nuốt nước mắt, buông màn xuống. Nằm sau những bức màn xa tanh lộng lẫy, bà Vũ vòng tay lên ngực và khép mắt lại. Bà lắng nghe tiếng hạt mưa rơi trên mái ngói, đều đặn và êm đềm.

°
°      °

Thu Minh bước đi trong bóng tối, đến một nơi lạ lùng. Từ lúc đến đây, chưa bao giờ nàng ra khỏi hoa viên bà Vũ. Bây giờ rời khỏi đấy, nàng cảm thấy không nơi nương tựa, côi cút như ngày mới sinh ra và bị bỏ rơi dưới chân thành vậy. Lúc bấy giờ nàng chưa hiểu gì, nhưng nay nàng đã rõ hoàn cảnh buồn tủi của mình.

Cuộc đời nàng đã sống từ lâu dạy nàng phải giữ thinh lặng, vì không có thanh âm nào đáp lại lời kêu cứu của nàng cả. Giang vẫn kéo tay áo Thu Minh và khẽ ẩy cô bước đi. Nhưng với chị, cô ta vẫn lặng thinh.

Giang cũng không nói gì trong lúc đi từ khuôn viên này đến khuôn viên khác. Khuôn viên bà cụ Cố vắng tanh, vì bà già đáng thương ấy đã đi ngủ từ lúc mặt trời lặn. Ở phía tây, một đứa trẻ khóc thét lên. Đó là tiếng khóc của thằng bé con cậu cả. Ở phía bắc, Giang nghe như có tiếng đàn bà than khóc, chị ngừng bước nghe ngóng. Chị nói:

- Khoan đã, trong đêm hôm mà ai khóc như thế nhỉ?

Thu Minh nhìn chị. Giang nói:

- Hết nghe rồi. Chắc là tiếng chim bồ câu.

Hai người lại tiếp tục đi. Trống ngực Thu Minh bắt đầu đập mạnh, các giác quan của nàng bừng thức tỉnh. Da nàng gai gai lạnh. Phải, nàng có nghe tiếng đàn bà than khóc. Nhưng, người đàn bà nào đã than khóc trong tòa nhà này? Nàng không thắc mắc về điều ấy. Mà có biết chuyện gì đi nữa, nàng làm sao được. Một cảm giác bất lực xâm chiếm toàn thân làm Thu Minh khiếp sợ, nàng cũng rất muốn khóc. Nàng cần phải nói, phải tiếp xúc với bất cứ người nào, để nghe tiếng đáp lại của họ, dầu chỉ là tiếng của người nữ tì này.

Thu Minh hổn hển nói:

- Tôi lấy làm lạ về việc người ta hỏi lấy tôi. Theo ý tôi, ông chủ lấy một cô gái thanh lâu thì tốt hơn, vì họ là người… như chị đã rõ, họ biết cách… còn tôi, tôi chỉ sống ở nhà quê.

- Bà chủ chúng tôi không thích hạng gái ấy ở trong nhà. Giang lạnh lùng đáp.

Thu Minh chưa kịp nói thêm gì, thì hai người đã đến nơi. Mẫu đơn nở đầy hoa viên. Ánh đèn lồng trên cao chiếu xuống làm các đóa hoa sáng ra trong bóng tối. Giang nói:

- Không có ai cả.

Chị bước vào, Thu Minh theo sau. Chưa bao giờ nàng thấy một gian phòng rộng như thế. Đồ đạc bằng gỗ sẫm, rất sang trọng, nhiều bức họa treo trên tường, gió nhẹ nhàng lay động những tấm màn xa tanh trên mấy cửa sổ. Màn cửa đỏ sẫm nổi bật lên những bức tường màu ngà. Thu Minh bước vào một cách sợ sệt. Đây sẽ là chỗ ở của nàng – nếu nàng được đẹp lòng ông chủ.

Nhưng ông ở đâu? Nàng không tự hỏi và chị Giang cũng chẳng nói gì đến ông. Vẫn với một thái độ lạnh lùng, Giang giúp Thu Minh sửa soạn đi nằm. Nhưng khi thấy nàng vẫn ngồi ở mé giường, mặt tái nhợt, chị động lòng thương xót. Chị hỏi:

- Cô phải biết, cô đang ở trong một nhà danh giá. Nếu cô làm tròn bổn phận, thì không cần gì phải sợ cả. Ông chủ rất tốt, rất khôn ngoan và nhân từ. Trong số đàn bà, cô là người được may mắn, cớ sao cô lại sợ? Cô có nhà để trốn về không? Cô có một người mẹ đẻ nhận lại cô không?

Thu Minh lắc đầu, hai má cô ửng đỏ. Cô nằm dài, nhắm mắt lại. Giang buông màn xuống rồi trở ra. Thu Minh nằm dài một mình, lo sợ. Chuyện gì sắp xẩy đến cho cô? Cái tòa nhà rộng lớn này đang vây quanh lấy cô. Một tiếng động vọng đến – không biết từ đâu – tiếng va chạm của những con bài mạt chược. Các cậu con chủ nhà hay lũ nô bộc đang chơi thứ bài ấy? Hoặc ông chủ với bè bạn của ông. Có bao giờ một nàng hầu được đem vào trong một nhà như thế này với lối này, cả đến người đàn ông mà người ta sẽ gán cho, cô ta cũng không rõ mặt như trường hợp này không? Thật giống như là vợ chính, chứ không phải nàng hầu. Nhưng bà lớn tuổi là vợ chính chứ không phải Thu Minh. Và làm sao cô có thể đẹp như bà ấy được? Mỗi một cử chỉ của bà ấy đều xinh đẹp, cô đến sau thì sao có thể làm đẹp lòng ông được?

"Mình tầm thường quá!" Thu Minh thầm nghĩ, tầm thường đến cả đôi tay!

Trong bóng tối, cô đưa tay lên nhìn rồi để rơi xuống. Bàn tay cô chai cứng, làn tơ lụa mỏng bọc tấm chăn vướng vào mấy vết chai.

Thu Minh nhớ lại tiếng than khóc của người đàn bà. Các người đàn bà trong nhà này là những ai thế? Các cậu con ông chủ, mấy nàng dâu, Thu Minh phải tỏ ra hòa nhã với tất cả, kẻo họ sinh ra ghét nàng. Các nô bộc trong nhà có nhã nhặn như chị Giang cả không? Mỗi khi cô sai bảo điều gì mà không có tiền thưởng, liệu họ có để cô sai nữa không?

"Tôi muốn về nằm lại trên giường cũ của tôi", cô tự bảo qua một tiếng thở dài. Suốt đời cô ngủ trên tấm phản gỗ dưới một mái lều tranh, cạnh buồng bà mẹ nuôi. Đêm đêm cô nghe hơi thở phì phò của con trâu và tiếng đập cánh của mấy con gà mái ngoài chuồng. Cô dùng một tấm chăn bông, nửa đắp nửa nằm. Đôi lúc, phân của bầy chim sẻ làm tổ trên xà nhà rơi xuống mặt, làm cô thức giấc.

Thu Minh nghĩ đến chàng trai con bà mẹ nuôi. Nàng lớn lên cạnh chàng ta. Nhưng chàng không phải là anh của nàng.

Từ ngày có trí khôn, nàng biết người ta đem mình về để làm vợ chàng trai ấy. Vì biết chàng quá rõ nên nàng không cảm thấy yêu. Chàng là một nông phu giống như tất cả mọi người khác trong làng. Nàng thấy lại khuôn mặt tròn và đôi má bầu bĩnh của chàng, hồi cả hai còn nhỏ. Rồi anh ta lớn lên, gầy bớt, và nàng bắt đầu thấy ngượng với chàng, cho đến khi chàng chết, ngay cả áo cưới, nàng cũng chưa sắm. Anh ta chết quá trẻ, nên nàng không nhớ đến anh như nhớ một người chồng. Khi anh chết, bà mẹ nuôi đã buộc tội nàng.

- Mày đã mang sự dữ đến nhà tao. Biết thế thì xưa kia tao để mặc mày chết ngoài chân thành cho rồi. Trời không định mày cho con tao.

Thu Minh nhớ lại, lời nói ấy đã làm đau lòng nàng biết bao! Bà già ấy là người mẹ độc nhất của nàng và chỉ có túp lều tranh ấy là chỗ ở của nàng thôi. Bà ta không tỏ ra là người độc ác. Nhưng sau khi tấn kịch này xảy ra, Thu Minh lại thấy rõ mình chỉ là một đứa con rơi. Khi mụ Liễu Mai đến, và cho tới lúc việc gả bán xong xuôi, Thu Minh không nói một lời.

Nếu không đến đâu thì mình sẽ ra sao?

Lúc bấy giờ Thu Minh nghe tiếng chân bước, máu nàng dường như bị ngưng lại trong mạch. Nàng vội vơ lấy tấm chăn lụa kéo lên tận cổ, hai mắt nhìn ra bức màn ngăn đã cũ. Bỗng cánh màn kéo ra. Nàng thấy một khuôn mặt đẹp, đầy đặn, không già cũng không trẻ, và đỏ gay vì rượu. Mùi rượu nồng phả ra chung quanh. Người đàn ông ngắm nàng một lát rồi từ từ kéo màn lại.

Một lúc lâu, Thu Minh không nghe gì cả. Hay ông đã đi rồi? Nàng cứ nằm dài trong bóng tối, chờ đợi. Nếu ông không thích thì ngày mai người ta sẽ đuổi nàng đi. Nhưng biết đi đâu? Trong trường hợp ấy liệu người ta có cho nàng ít tiền không? Các nàng hầu mà người ta không thích, số phận họ sẽ ra sao? Nàng rất sợ gặp phải hoàn cảnh như vậy, nên dầu thế nào đi nữa, nàng cũng cho là hơn thế.

Nàng vụt ngồi dậy, lấy tay vén màn và nhìn ra ngoài. Nàng thấy ông Vũ ngồi yên không nhúc nhích trong một chiếc ghế bành lớn. Ông đã cởi áo ngoài chỉ còn áo lót trong bằng lụa trắng.

Hai người nhìn nhau. Đoạn nàng buông màn xuống nằm dài ra và đưa tay che mặt. Nàng nghe tiếng chân ông nặng nề bước trên nền đá lát. Bức màn lụa

BOOK COMMENTS

  • 3.5/7 - 4 ratings
    TO TOP
    SEARCH