CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Lã Phi Khanh » Vong Tình Cốc


CHƯƠNG II

Nắng đã chan hòa khắp nơi khi Trần về đến nhà. Quý, chú bé mười ba tuổi ở chung với chàng với nhiệm vụ liên lạc viên, cười hỏi chàng:

– Anh đi đâu sớm thế?

– Anh vừa đi lên đồi về.

– Cả đêm qua em thức giấc lần nào cũng thấy anh còn ngồi viết, vậy mà sáng nay anh đã lang thang thật sớm, anh tài thật.

– Em cũng tài thật, – Trần cười âu yếm nhìn Quý – có những đêm anh trông thấy em ngủ mà anh thèm. Hồi ở tuổi em anh cũng ngủ được như thế, bây giờ mới biết hồi đó mình tài.

Quý thích chí cười to: “Vậy là anh em mình đều tài hả anh?”

Chú bé vụt chạy đi, một lát mang lên một đĩa khoai luộc nóng hổi:

– Mình ăn sáng đi anh, khoai chị Hiếu nấu hộ đấy. Chị ấy đi rồi.

Nhìn đĩa khoai bốc khói Trần cảm thấy mình đói ngấu, Quý bóc vỏ một củ đưa cho chàng, chàng cắn một miếng, nhai thong thả, ngẫm nghĩ, khoai lang được nấu với nước dưa cải, ăn có vị đậm, bùi và ngọt lịm, chàng bảo Quý:

– Em gói mang theo vài củ nhé, chốc anh em mình vào tỉnh một chút rồi đi luôn đến chiều, anh không muốn phải buổi trưa đi tìm cái ăn, để thì giờ anh nghỉ một lát, còn thật nhiều việc phải làm.

Vừa ở ban chỉ huy trở ra, Quý đón chàng, với vẻ mặt hiếu kỳ:

– Còn sớm mà anh, anh em mình hãy đi xem xử tử Việt gian cái đã rồi hẳn đi nghe anh.

Trần hỏi: “Xử tử Việt gian? Việt gian nào? Ở đâu?”

– Phía bên kia cánh rừng gần ty Công an Tỉnh ấy mà, cũng ở ngay trên con đường mình sắp đi qua đây thôi. Em thấy người ta vừa giải mụ ấy đi ngang qua đây trong khi em chờ anh ngoài này, hoài của, người trông khá đẹp, vậy mà làm gián điệp cho Tây, gớm thật.

– Một người đàn bà à?

– Vâng, một mụ đàn bà, trẻ lắm anh ạ, em hỏi thằng Sinh liên lạc bên công an thì nó bảo rằng ta bắt được mụ ấy ở Kim Luông chiều hôm kia, mụ ấy lấy Tây anh ạ, nghe đâu thằng Tây chồng của mụ ấy là quan tư quan năm gì đó ở Huế, khi bị bắt mụ ấy khai là về Kim Luông thăm nhà và giỗ mẹ. Thằng Sinh nó bảo lấy chồng Tây là Việt gian chính cống rồi, ngữ ấy còn giả vờ đi vớ vẩn để lấy tin tức của ta mà cung cấp cho Tây chứ đã đi lấy Tây thì còn biết cha ông gì nữa mà về thăm. Nó nói bên công an quyết định sáng nay mang ra xử bắn cho rảnh, kẻo lỡ có máy bay bắn, mụ thoát được lại chỉ điểm cơ sở mình cho giặc thì khốn. Cuộc xử chỉ có mấy người bên công an chứng kiến thôi, thằng Sinh nó bảo muốn xem thì anh em mình cứ lại, quen cả mà.

Trần lẩm bẩm: “Lấy Tây, làm Việt gian, hừ.”

Chàng bước đi, vừa suy nghĩ. Quý bước theo, kèo nài: “Mình đến xem thử, anh nhé, em chưa hề xem xử tử Việt gian.”

Trần bảo muốn xem thì xem, trong khi mặt cúi xuống, chàng lầm lì bước, chàng không lạ gì những chuyện như thế, xảy ra hằng ngày như cơm bữa, giữa một không khí chiến tranh còn mới mẻ, người ta không thể phân biệt nổi ai thù ai bạn, người ta chém giết nhau hằng ngày, say cuồng trong sự chém giết, chỉ cần một danh từ, Việt gian, thế là đủ rồi, những lập luận buộc tội rất mơ hồ, nhiều khi thậm vô lý, và không cần bằng cớ. Những thù oán, tỵ hiềm riêng tư cũng dựa vào đó để thanh toán nhau nhân buổi loạn ly này. Trong những làng mạc, sau những lũy tre, đời sống thật vô cùng bấp bênh, sau một đêm đen, người ta thấy đó đây vài xác chết được gắn lên một bản án viết tay lem luốc, vài cái đầu lâu treo lủng lẳng trên những ngọn tre.

Còn có bao nhiêu vấn đề cần nghĩ tới, còn có bao gập ghềnh khó khăn khống chế con đường đi tới ngày mai. Từ lâu nay chàng chỉ nhìn mọi sự việc một cách phiến diện, chàng cho rằng thế tất không thể nào tránh được những điều ghê tởm đó trong bất cứ cuộc chiến nào, vả chăng chàng chỉ là một quân nhân nghệ sĩ, những hình ảnh, chất liệu của chàng rút tỉa từ những chiến dịch đáng say mê, mặt đối mặt quân thù thực sự là giặc Pháp xâm lăng, những ngày theo đoàn quân di chuyển trong bùn lầy mưa gió, những đêm nằm trong những hầm công sự ngập nước rét run nghe ngóng từng tiếng động tĩnh bước chân của địch, những cuộc chạm trán gay go với tử thần. Cuộc sống cơ cực đói khát gian lao trên rừng, dưới ruộng, ngoài cát biển chỉ rèn luyện cho chàng thêm cứng cỏi, thêm phong phú cho tâm hồn đầy biến động và gió bão của chàng.

Bây giờ, trên đường đi của chàng, chàng sắp xem một cuộc xử tử Việt gian. Việt gian, tiếng để chỉ một kẻ thù từ trong da trong thịt, để xem một người đàn bà có cái tội là đã lấy Tây, mà lấy Tây tức là không nghĩ gì đến cha ông tức là phản quốc, giản dị là như thế trên môi Quý hồn nhiên kể lại, mà sao chàng bỗng thấy bước chân nặng nhọc, một áng mây đen vô hình phủ trùm lên buổi sáng thắm tươi rực rỡ này. Chàng đã từng thấy bao nhiêu là xác chết trên bãi chiến trường, xác chết của bạn, của thù, chàng đã sờ mó, bồng ẵm, vuốt mắt cho họ, lòng chàng buồn bã, ngao ngán, tràn ngập cảm thương số phận con người, cả thù lẫn bạn; chàng không hề sợ hãi, chàng rút tỉa trên khuôn mặt của những xác chết, hình ảnh trung thực của cuộc đời. Có lần chàng ngắm khuôn mặt của một anh em đồng đội nằm chết bên một xác địch quân, chàng bỗng ngạc nhiên khám phá ra những nét phản ứng trong cái chết giống hệt nhau trên hai khuôn mặt da trắng, da vàng, chàng đã tìm được sự đồng nhất tuyệt đối trong cõi chết giữa hai con người khác màu da mà khi sống đã là kẻ thù. Họ nằm đó, sóng sượt bên nhau, hai nét mặt cùng có vẻ ngỡ ngàng, dò hỏi; nét bi thống trên hai gương mặt như muốn nhắn nhủ một điều bí ẩn nào cho người sống, một niềm câm lặng không kịp truyền lại, ngàn đời mang đi. Cái chết, do đó, chàng thấy thân thuộc, luyến lưu, không có gì ghê tởm.

Nhưng giờ đây trên đường đi, chàng sắp chứng kiến một cái chết, nếu những cái chết đều giống nhau thì tại sao lòng chàng trĩu nặng, chàng có thể bỏ đi để không nhìn thấy, song le tự đáy tâm hồn có một tiếng nói nghiêm trang cất lên:

“Mày không được hèn nhát, đã có gì đủ để chứng tỏ con người của mày đâu; sự dũng cảm quên mình trước súng đạn, những đói khát gian lao nguy hiểm mà mày thường tự hào, có thấm gì đâu? Mày không thể viện dẫn những cái đó ra để lẩn trốn điều mày phải thấy được. Mày phải nhìn tận mắt những vấn đề mày cho là không phải của mày, rồi mày sẽ thấy, nếu mày không muốn thấy mày chỉ là một thằng hèn, một thằng khoác lác.”

Trần theo Quý rẽ ngang một con đường tắt dẫn vào khu rừng già cách chừng một dặm. Đi hết lối mòn giữa bãi tranh hai người bắt đầu dẫm chân lên con đường vào rừng rợp bóng cây im mát, càng vào sâu càng âm u như ngày đã về chiều; chân chàng dẫm trên nền đất ẩm, hai bên rìa đường phủ dày một thứ rêu xanh mướt, loài rêu đó còn bám đầy trên những thân cây hai bên đường, những thân cây xù xì cao vút, tỏa rộng những vòm lá che khuất mảnh trời xanh bên trên, giữ một bóng im thăm thẳm cho rừng, để nuôi nấng những rong rêu ẩm mốc, những loại côn trùng không tên tuổi, những con vắt hút máu người tròn trĩnh.

Quý đi bên cạnh chàng, nó hơi e ngại thấy chàng có vẻ lầm lì yên lặng, chợt nó thấy một con vắt nhảy bám vào cổ áo Trần, nó vội lấy tay gạt xuống đất. Trần như sực tỉnh quay nhìn bảo: “Thiếu chút nữa thì nó chui vào cổ anh rồi,” Quý được khuyến khích bởi vẻ dịu dàng bất chợt của Trần, nó kể tiếp:

– Anh ạ, thằng Sinh nó còn kể rằng ông Bé ở bên ty Công an vừa khoe với nó ba mũi tên tẩm thuốc độc của người thiểu số, nghe đâu loại thuốc độc ấy người thiểu số họ chế bằng một thứ nhựa cây gì, chất độc mạnh lắm, chỉ cần bắn một mũi là cọp hay voi gì cũng lăn ra ngay, ông Bé xin được ba mũi tên thích lắm mà chưa có dịp bắn được con thú gì để thử, cho nên bữa nay ông ấy lãnh phần xử Việt gian để bắn thử mũi tên tẩm độc xem có hiệu nghiệm không, em có thấy ông ấy có cái nỏ mọi lên nước màu mun đen bóng đẹp lắm, thằng Sinh nó còn bảo…

Một tiếng thét lồng lộng nổi lên xuyên ngang sự u tịch của khu rừng, đập vào thái dương của Trần và Quý, hai người cùng khựng lại, không ai bảo ai họ cùng đi nhanh về phía có tiếng thét, cùng lúc ấy tiếng kêu lại nổi lên thất thanh:

– Cứu tôi với, trời ơi, cứu tôi với.

Tiếp theo là tiếng rên rỉ tuyệt vọng, tiếng của một người con gái. Trần vạch lá, bước vào một khoảng trống, từ hướng chàng đến, chàng có thể nhìn suốt được quang cảnh lúc đó. Người con gái bị trói quặt vào một thân cây, chiếc áo cánh trắng bị xé toạc để lộ từ ngực suốt xuống bụng, hai mũi tên ghim sâu vào bộ ngực căng phồng trắng muốt, khoảng da nơi mũi tên cắm vào loang ra một vòng tròn xanh thẫm, những thớ thịt rung lên từng hồi cùng tiếng kêu cứu không dứt của người con gái, miệng nàng đã sủi bọt, hai mắt bị bịt kín bằng một mảnh vải đen, tóc tai rũ rượi, nàng cố vặn người vùng vẫy một cách tuyệt vọng.

Vút, một mũi tên thứ ba bay đến cắm phập vào ngực bên trái của nạn nhân, tiếng kêu cứu lại nổi lên nhưng lần này yếu ớt hơn, rền rĩ ai oán không dứt. Một tiếng nói bực tức ra lệnh:

– Làm mụ ấy im đi cho rồi.

Một người xăm xăm bước tới, kê súng lục kề thái dương nạn nhân bấm cò, tiếng nổ giòn khô khan, nạn nhân gục xuống, một cái giật nhẹ toàn thân rồi bất động, tiếng kêu tắt hẳn.

Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng, Trần đứng sững cảm thấy gần như tê liệt. Một người đàn ông đứng tuổi nước da mai mái, nét mặt cằn cỗi lạnh lùng, tay xách chiếc nỏ của người miền núi, tiến về phía nạn nhân theo sau là một đám đông độ mươi người, người đứng tuổi cúi xuống xác chết, bây giờ đã được mở trói đặt nằm dài trên đất, người ấy đưa tay nhổ một mũi tên trên ngực nạn nhân, một giòng máu đen ứa ra từ vết thương đen sẫm chảy dài dọc theo vết trũng giữa ngực, vòng theo đường tròn dưới vú trắng ngời như một con rắn nhỏ đang bò đi. Trong đám đông một vài người bất giác lùi lại, người đàn ông đứng tuổi đứng thẳng người, thản nhiên nhíu mày xem xét mũi tên:

– Quái lạ, tụi nó đã cam đoan với tao là thứ tên này độc lắm, chỉ một mũi là chết ngay tức khắc, vậy mà bắn luôn cả ba mũi con mụ vẫn gào thét luôn miệng, thật vô lý. Để tao mang vào hỏi lại mấy thằng thiểu số này mới được. Tao phải đổi cho chúng nó cả gùi gạo và muối nữa chứ phải ít đâu.

Có tiếng xuýt xoa: “Anh bắn cừ quá, ba phát chẳng chệch phát nào.”

Câu nói rơi vào khoảng không, một sự yên lặng nặng nề bao trùm tất cả. Người đứng tuổi hất hàm:

– Thôi coi chôn nó đi, còn về làm chuyện khác.

Y quay lưng đi thẳng, những người khác một số đi theo y, một số đứng lại bàn tán rải rác quanh xác chết. Trần chậm chậm bước lại gần, người ta đã nhổ hai mũi tên còn lại trên ngực người chết, kéo áo phủ lại phần thân thể lõa lồ và tháo miếng vải đen bịt mắt ra. Hai mắt người chết mở to, vẻ kinh hoàng đau đớn đến cùng cực, nước mắt còn hoen ố trên làn da mặt trắng xanh, miệng há ra giữa một tiếng kêu bị tắt nghẹn, bọt trắng xóa pha lẫn máu đùn ra hai bên mép, tóc hai bên thái dương bết máu rối bời. Người con gái còn trẻ lắm, độ mười tám hai mươi là cùng. Trần cúi xuống, trong một cử chỉ gần như vô thức chàng đưa tay lên vuốt mắt kẻ xấu số, đôi mắt theo tay chàng khép kín, Trần bỗng thấy tim mình thắt lại, ruột gan cồn cào như lửa đốt, chàng đứng lên quay gót bỏ đi nhanh như chạy trốn khỏi nơi đó.

Ra đến đường rừng, nghe tiếng chân phía sau, chàng quay lại, Quý đang lủi thủi theo sau chàng, thấy chàng quay lại nó ngẩng lên ngó chàng bằng đôi mắt mất thần, mặt xanh ngắt như tàu lá. Trần chợt nghĩ mình đã quên mất sự có mặt của Quý bên cạnh mình như đã lâu lắm rồi. Đột nhiên một sự tức giận không kìm hãm được nổi lên cuồn cuộn đốt cháy tâm can chàng. Chàng trút lên đầu Quý, giọng đay nghiến:

– Đã được xem rồi đó, chú hài lòng chưa? Đã được thấy người ta xử tử Việt gian, thấy nó chết ra sao rồi đó, chú đã sướng bụng chưa?

Quý đưa hai tay về phía chàng trong một cử chỉ khẩn thiết, mắt nó lộ vẻ hoảng hốt, nó mở miệng định nói một điều gì đó, bỗng nó ôm bụng cúi gập người lại, nôn mửa thốc tháo. Trần đỡ Quý ngồi xuống bên vệ đường, lấy dầu xoa cho nó, Quý thở dốc, thỉnh thoảng nấc lên, ậm oẹ mặc dầu không nôn ra được gì nữa. Trần ngồi bên Quý, mắt chàng nhìn quanh lạc lõng, tâm hồn mỏi mệt trống rỗng, khu rừng thâm u như một đền đài thăm thẳm. Có một sự gì đó khiến chàng thấy rằng từ buổi sáng hôm nay mọi sự đều đổi khác, ý nghĩa của cuộc sống không còn như xưa nữa, không còn gì giản dị nữa, Trần rùng mình nhớ câu nói của bạn: “Hãy cứ được như thế, và đừng khốn khổ như tao.”

Trần thầm nói với bạn: “Tao đang khốn khổ đây, nhưng chưa được như mày, tao đang cần được khốn khổ như mày, mày hơn tao nhiều quá, làm sao tao biết đến mọi cớ sự này nếu chính mắt tao không nhìn thấy. Mày có lý khi những nỗi u uất của mày không hề bày tỏ, làm sao có thể hiểu được những điều này nếu không nhìn tận mắt, dù nhìn thấy chỉ để mà khốn khổ mà thôi.”

Quý đã tỉnh táo lại dần, Trần hỏi đã đi được chưa, nó gật đầu buồn bã, nó hỏi Trần:

– Anh giận em phải không?

Trần lắc đầu: “Không em ạ, – chàng nghe tiếng mình dịu lại – anh còn cám ơn em mới phải, thôi anh em mình đi kẻo trưa quá rồi.”



BOOK COMMENTS

  • 6.0/7 - 3 ratings
    TO TOP
    SEARCH