CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Khái Hưng » Thừa Tự


III

Trình, Khoa và Trâm đã ra ngồi uống cà-phê ở ngoài hiên. Trâm trỏ vào buồng giấy gọi chồng:

- Mời cậu ra xơi, chẳng nguội mất cả rồi.

Tiếng Bỉnh đáp lại:

- Mợ mời hai chú xơi trước đi. Tôi còn bận xem nốt tập công văn cho xong đã.

- Vậy chốc cậu ra pha “tách” khác, nhé? Hay đem vào trong ấy cho cậu uống?

- Được, chốc pha chén khác.

Trâm mỉm cười bảo hai em chồng:

- Càng hay! Chúng mình càng được uống nhiều.

Vừa nói nàng vừa bỏ cái lọc xuống khay để chiết thêm cà-phê sang cốc của Trình và Khoa.

Tiếng Bỉnh Hỏi:

- Mợ! Đã lấy xì-gà rồi đấy chứ?

Trình vội đáp:

- Thưa anh, đã có rồi, chúng em đương hút. Ngon lắm?

Trâm giữ kẽ không hỏi chuyận “cô Ba” nữa. Nàng vẫn thường khoe khoang rằng mình ít lời, không hay lôi thôi với người này người nọ. Vì thế, nàng đã xoay sang câu chuyện làm ăn, hỏi thăm về mùa màng, về khí hậu ở nhà quê, về sức khỏe từng người, từ hai “thím” đến cháu Bạc, cháu Nam, cháu Phiên, cháu Liên. Đạc là con trai của Khoa. Còn Nam, Phiên và Liên là con Trình, hai trai, một gái.

- Thưa chị, cháu Nam đỗ sơ học yếu lược rồi đấy ạ.

- Tôi đã biết... Anh có nói chuyện.

- Vâng, ngày cháu thi đỗ, em có đánh dây thép cho anh.

- Nhà tôi bảo muốn để cháu lên Hà Nội học với cháu San.

- Thưa chị, năm nay cháu San chưa thi bằng tốt nghiệp?

- Sang năm cháu mới thi chứ...Nhưng các chú đi đường xa thế chắc mệt lắm. Xin mời hai chú đi nghỉ thôi.

- Được, chị cứ mặc chúng em... Còn sớm.

Trâm toan đứng dậy vào nhà trong, thì Bỉnh đã bước ra hiên, tay cầm tờ giấy gấp tư, cười cười nói nói:

- Hà hà! Lạ quá, hai chú ạ. Vừa nhắc đến cô ta thì có tin của cô ta tới nơi.

Bỉnh đưa thư cho Trình nói tiếp:

- Tôi thấy lẫn trong tập công văn cái thư này nhận được không biết từ bao giờ.

Trâm ngơ ngác hỏi chồng:

- Thư nào thế? Thư của ai thế?

- Của troisième ấy mà.

Bốn người vội vàng theo nhau vào phòng. Rồi Khoa giựt lấy bức thư ở trong tay Trình, cầm đọc:

Anh Huyện,

Tôi có mấy lời lên hỏi thăm anh chị và các cháu mạnh khỏe thì tôi mừng lắm. Ở nhà, tôi và em Cúc, nhờ giời vẫn được như thường. Anh Trình, chị Trình, anh Khoa, chị Khoa và các cháu bên ấy nhờ ơn Phật tổ phù hộ cũng đều được bình an cả...

Khoa ngừng đọc, bảo Bỉnh:

- Vì hôm cô ta viết thư này, chúng em còn ở nhà.

Trình nói:

- Bây giờ cô ta mộ đạo lắm. Động một tí là giở Phật tổ ra.

Trâm chêm một câu bình phẩm chua chát:

- Hạng người ấy, còn giời phật nào chứng cho! Cứ ở ác rồi cúng lễ, cầu khấn, nay chùa này, mai chùa kia thì khi xuống âm phủ bọn họ dễ chả ai phải vào địa ngục, mà địa ngục chỉ riêng dành cho bọn nghèo đói không có tiền sắm lễ.

Khoa cười:

- Chuyện! Phú quý mới sinh lễ nghĩa được chứ!

Bỉnh cũng cười:

- Nhưng làm quái gì có địa ngục ở âm phủ!

Khoa đọc tiếp:

Anh chị ạ, từ ngày thầy qua đời, cảnh gia đình nhà ta buồn tẻ quá, lắm lúc tôi chỉ muốn khóc. Tôi nghĩ bao nhiêu, tôi lại thương thầy bấy nhiêu. Phải không anh chị, thầy hiền lành, nhân đức như ông bụt, chả làm hại ai bao giờ, sao nay linh hồn thầy lại không được vui vẻ mà nhìn cảnh gia đình xum họp, mà được thấy các anh các chị với tôi với em Cúc hòa thuận, yêu mến nhau. Thầy thiêng lắm đấy anh ạ. Thầy thường hiện lên luôn. Trong giấc chiêm bao tôi thấy thầy buồn lắm...

Khoa lại ngừng đọc, hỏi Bỉnh:

- Anh có chiêm bao gặp thầy bao giờ không?

Bỉnh ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:

- Không.

- Em cũng vậy.

Trâm thì thầm:

- Tôi thì tôi gặp thầy luôn. Trông thầy y như lúc còn sống.

Trình mỉm cười:

- Em không gặp luôn, nhưng có hai lần em chiêm bao thấy thầy về. Thầy không nói gì hết, thầy chỉ yên lặng đứng nhìn thôi.

Khoa thở dài:

- Chóng nhỉ! Thế mà thầy mất đã được hơn bốn năm rồi đấy.

Chàng lại đọc:

Tôi đến chơi nhà bà tuần Bùi mà tôi thèm cái cảnh hòa hợp của người ta. Cụ tuần mất đi, các bà ở chung một nhà vui vẻ quá. Chắc anh chị cũng quen cụ tuần Bùi đấy, cậu Tư có nói chuyện đến anh và gửi lời hỏi thăm anh...

Trình ngắt lời em:

- Ô chào: thư từ lôi thôi quá. Vậy cô ta muốn cái gì? Muốn giở trò gì ra nữa? Hay là muốn bẫy anh em mình đây?

Trong khi ấy, Khoa vẫn đọc nhẩm. Chàng bỗng bật cười nói:

- Đây rồi, đến đoạn cốt tử rồi:

Tôi muốn lên chơi huyện để nói với anh chị hết cả những ngành ngọn, hết cả mọi điều và cảnh gia đình nhà ta, nhưng độ rầy tôi yếu lắm, mệt luôn đấy anh ạ, em Cúc cũng chả được khỏe. Vậy nếu anh bớt bận mà về chơi nhà quê được, hiện giờ tôi còn ở nhà quê ít lâu, để tôi nói câu chuyện, thì mới nói được rõ ràng, chứ không tiện viết trong thư.

Chuyện quan hệ lắm, anh ạ, anh cố bớt thì giờ mà về. Hay rằm tháng Bảy này nhân tiện tôi lập đàn cúng cho thầy ở chùa, và nếu anh bằng lòng thì tôi đốt mã nữa, anh cố mà về lấy hai hôm cho tôi được nói chuyện, nhiều chuyện lắm, anh ạ, mà tôi cần phải nói với anh. Thầy mất đi, anh là trưởng, trong nhà việc gì cũng phải hỏi anh, cũng phải bàn với anh, anh có ưng thì mới được...

Bỉnh phá lên cười:

- Mãi giờ cô ta mới nhận thấy điều ấy.

Khoa chêm:

- Cô ta lấy lòng anh đấy. Chắc sắp xảy ra chuyện chẳng lành đây.

Trâm vẻ mặt trầm trọng:

- Cậu phải cẩn thận, khéo không lại vào tròng thôi. Cậu nhẹ dạ, dễ tin lắm cơ.

Trình hỏi Khoa:

- Hết rồi?

Còn một câu nữa:

Thế nào anh cũng cố mà về nhé. Tôi xin đền anh tiền ét-xăng. Anh chả thiếu gì, nhưng tôi làm thế cho công bằng. Vả lại, tôi làm đại lý ét-xăng thì cũng chả thiệt gì. Vậy anh về nhé. Cả chị nữa, càng hay...

Khoa ngả đầu, nói:

- Hết ạ.

Trâm mặt hầm hầm:

- Cám ơn câu vuốt đuôi.

Bỉnh khôi hài để Khoa khỏi hiểu lầm:

- Mợ làm như mợ nói với chú Ba không bằng!

- Không, tôi nói câu vuốt đuôi của cô Ba viết trong thư đấy chứ? - Úi chào! “Cả chị nữa!”... Còn anh thì anh vâng lời cô chứ?

- Đã hẳn.

Không khí trong phòng trở nến lạnh lẽo. Tiếng vo vo của cây đèn măng-sông càng làm tăng yên lặng nặng nề. Ai nấy ngây ngất như nhịn thở để suy nghĩ. Bỗng Trình bàn:

- Hay ba anh em ta cùng về?

Khoa khen:

- Phải đấy!

Bỉnh cười:

- Mà về ngay để tránh cái đàn chay của cô ta.

Trâm vơ vẩn hỏi:

- Về à?... Nên bàn cho kỹ đã.

- Được rồi, mai bàn. Bây giờ thì hãy để hai chú đi nghỉ.

- Vâng, mời hai chú đi nghỉ. Màn đã buông rồi đấy ạ. Hai chú nằm nghỉ ở sập gụ cho mát, cũng được.

Khoa lơ đãng:

- Được ạ. Xin mời anh chị đi nghỉ! Cư để mặc chúng em.

Sau khi vợ chồng Bỉnh vào tự thất, Trình và Khoa đứng nhìn nhau hồi lâu, vẻ mặt bần thần. Trình bảo em:

- Thôi, đi ngủ.

Hai người thong thả thay quần áo.

Rồi Trình vặn tắt đèn măng-sông, bước lên giường nằm. Khoa uể oải hỏi:

- Anh không nằm sập?

- Được, chú nằm sập, tôi nằm giường cho dễ ngủ. Chẳng nằm bên nhau hay nói chuyện lắm.

Một giờ sau. Bỗng Trình cất tiếng hỏi:

- Khoa ngủ rồi?

- Chưa anh ạ... Lạ giường khó ngủ quá.

Sự thực, cũng như anh, Khoa đương băn khoăn, loay hoay nghĩ ngợi về bức thư của người đàn bà mà đã hơn hai năm nay chàng không gặp mặt, tuy thỉnh thoảng người ấy cũng có về làng để thu thóc thuế và đòi các công nợ.

- Anh có đoán về việc gì mà cô ta lại viết thư lên mời anh huyện không?

- Chừng cô ta nịnh anh huyện, muốn lấy lòng anh chứ gì.

Nửa giờ qua, Khoa lại hỏi:

- Anh ngủ rồi?

- Chưa, Khoa ạ.

- Hay cô ta lập mưu ly gián anh em ta đấy?

Trình cười:

- Ồ! Ly gián thế nào được! Anh em chúng mình thì Tư Đồ tái thế cũng không chia rẽ nổi. Nhưng ta ngủ thôi. Cấm không ai được nói nữa đấy nhé.

Quả từ đấy không ai nói nữa. Nhưng cũng không ai ngủ được.



Posted by: mailfish

BOOK COMMENTS

  • 5.8/7 - 4 ratings
    • L
      lamsondlt 8 years ago

      Tác phẩm THỪA TỰ của Khái Hưng là một bài học cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, mọi chế độ dù ở tại Việt Nam hay ở nước ngoài.

      Sống bằng trái tim thì sẽ tìm thấy hạnh phúc!

      Vậ­y thôi!

      0
    Reply
    TO TOP
    SEARCH