CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Georges Simenon » Người Hành Khách Bí­ Ẩn


III

NGƯỜI PHỤ NỮ CHẾT Ở PHỐ DELAMBRE

Petersen dễ dàng đọc tiếng Anh và tiếng Đức, nhưng ông phải sử dụng từ điển để tra không ít từ trong bài báo ở tờ báo tiếng Pháp là tờ duy nhất có thể có quan hệ tới sự có mặt của Sternberg trên tàu.

Tờ báo ra ngày mười bảy tháng hai. Con tàu Polarlys nhổ neo dời bến ngày mười chín vào ba giờ chiều, có nghĩa là gần lúc mà những tờ báo hàng ngày ra ngày mười bảy được phát hành ở Hambourg. “Một tội ác ở Montparnasse” là đầu đề bài báo. Phụ đề nói rõ: ”Lại ma tuý!”

Cửa sổ buồng màu xanh lục. Thuyền trưởng áp mặt vào đó một lúc, nhận thấy trước buổi tối sương mù vẫn sẽ dày đặc như hôm trước, ông dỏng tai nghe tiếng động của máy và cuối cùng ngồi trước bàn giấy của ông. Trên vách có một bức chân dung phóng to vợ ông, tươi tỉnh và khoẻ mạnh, không thiếu vẻ xinh đẹp. Thấp hơn, một bức ảnh chụp nghiệp dư được ghim lại: Petersen mặc sơmi trần, chơi với hai đứa con trong vườn một ngôi nhà một tầng trên những ngọn đồi ở Bergen.

Trong lúc lật giở từ điển, ông nhắc lại với cách phát âm biến dạng những từ tiếng Pháp mà ông tra. Ông đại khái khôi phục ý nghĩa của bài báo:

“Một vụ đặc biệt đau buồn lại vừa trắng trợn gieo rắc vào cuộc sống của người tứ xứ ở Montparnasse mà những tập quán càng ngày càng ít có quan hệ với những tập quán đích thực của Paris.”

“Tại nhà 19 bis, phố Delambre, chỉ cách nhau vài bước chân là ba hoặc bốn quán bia vang lên từ sáng đến tối những cuộc bàn cãi dài dòng bằng đủ mọi ngôn ngữ trên thế giới, hoạ sĩ người Munich Max Feinstein (từ nhiều năm đã sở hữu một xưởng ở tầng trệt, có lối đi riêng ra phố Max Feinstein) có được sự nổi tiếng nhất định, đi nhiều và giữa những chuyến đi khác thì mỗi mùa đông đều qua hai hoặc ba tháng trên sông Riviera và trên những bãi biển vùng Địa Trung Hải."

“Trong những chuyến đi ấy, ông ta có thói quen để lại chìa khoá cho vài người bạn sử dụng căn nhà trống."

“Năm nay ông ta đi vào mùng một tháng giêng và báo cho bà gác cổng rằng các bạn ông thỉnh thoảng đến nhà ông và yêu cầu bà nếu có dịp thì quét dọn hộ."

“Chúng tôi đã nói là xưởng vẽ có lối vào riêng. Chúng tôi nói thêm rằng ở cuối căn nhà nhỏ hẹp, nhà họa sĩ đã biến đổi thành buồng tắm, một cái cửa trước kia thông với nơi ở của bà gác cổng đã bị bít lại.”

“Chỉ nhờ cái cửa đó cho phép nghe được những tiếng động ở xưởng vẽ thì nay người ta có ý nghĩ mơ hồ về những gì đã xảy ra.”

“Bà gác cổng đã rất vui lòng nhắc lại với chúng tôi những điều bà đã khai với cảnh sát. Chúng tôi đăng nguyên văn lời khai nhân chứng của bà:

Về ông Max, tôi không có gì để nói cả. Đây là một người thuê nhà tốt, khá nghiêm chỉnh đối với một người trẻ tuổi, nhưng quá tốt bụng. Hằng trăm lần ông ấy dẫn về đây những đồng hương đang trong cơn bĩ cực. Đôi khi, ông ta giữ họ ở lại trong nhiều tuần lễ và cho họ ngủ trên đivăng của xưởng vẽ.

Đó là ngày chủ nhật sau khi ông ra đi và đây là lần đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng động. Tôi không lo lắng, xét vì mình đã được báo trước. Tôi chỉ chú ý là họ có ít nhất sáu người, trong đó có hai hoặc ba phụ nữ và tất cả đều nói tiếng Đức và họ mở những chai sâm banh.

Ngày hôm sau, tôi đến dọn dẹp và tôi định viết cho ông Max, vì các bạn ông đã thật sự biến xưởng vẽ của ông ta thành cái chuồng ngựa. Có những chiếc cốc vỡ và chai lọ vương vãi khắp xó xỉnh. Bồn tắm đầy nước bẩn; người ta lau tay vào những tấm rèm cửa. Thế nhưng, tôi không biết!...

Tóm lại, họ ở lại một thời gian rồi không đến nữa. Rồi tôi nhớ ngày thứ tư, tôi nghe thấy những tiếng nói. Nhưng chỉ có hai người, một đàn ông và một phụ nữ, ở qua đêm trong xưởng vẽ. Vào buổi sáng, mùi ête nồng nặc xộc vào mũi tôi qua khe cửa

Tôi muốn tống họ đi. Nhưng điều đó không liên quan đến tôi, không đúng chứ?

Họ hẳn ra đi rất muộn. Ngày hôm sau, những người thợ bắt đầu trát lại sân và tôi không có thì giờ để mắt tới xưởng vẽ. Thứ ba là ngày tôi ra khỏi nhà.

Nói đúng ra, tôi đã chán ngấy từ đầu khi nghĩ tới sự bẩn thỉu mà tôi sẽ gặp và chỉ tới thứ năm tôi mới quyết định.

Cảnh sát đã nói với các ông phần còn lại. Còn tôi, tôi chạy trốn và túm lấy cánh tay người qua đường đầu tiên, tôi thật sự khiếp sợ.

Một phụ nữ nằm trên giường không một mảnh vải! Một cô gái rất trẻ, hẳn rất xinh đẹp, nhưng có những vết bầm tím trên mặt và trên thân thể.

Rượu sâm banh và whisky vương vãi khắp nơi. Tôi giẫm lên một ống tiêm bằng thuỷ tinh do vô ý nhưng những chuyên gia vẫn có thể phân tích được.

Những kẻ hèn nhát, phải không? Khi họ thấy cô ta đã chết, họ trốn biệt! Và họ để mình cô ta ở lại!"

Petersen nhìn hình ảnh ngôi nhà Na Uy của mình bằng gỗ sơn, cũng xinh xắn như một thứ đồ chơi và ông cảm thấy bực bội như một người lần đầu tiên phát hiện một số bệnh đặc biệt ghê tởm.

Bài báo viết tiếp:

“Những lời cuối cùng của bà gác cổng thâu tóm khá rõ tình hình. Cảnh sát tư pháp đã mở cuộc điều tra, nhưng nếu cuộc điều tra này đã cho những kết quả về nạn nhân thì nó lại không cho biết gì về những thủ phạm.”

“Việc khám nghiệm tử thi cho thấy trước hết là cô gái này trạc hai mươi tuổi, lành mạnh, không có những tật xấu, trong tối chủ nhật đã dùng một lượng lớn rượu và ma tuý.”

“Nhưng cái chết là do một mũi tiêm morphine mà người ta tìm thấy dấu vết ở đùi trái.”

“Bức ảnh được đăng tải hôm qua trong những tờ báo buổi chiều cho phép nhận diện cô ta. Đây là một cô gái có tên là Marie Baron, sinh ở Amboise, bán hàng trong một cửa hàng ở phố Clichy và sống độc thân trong một căn hộ thuê có đồ đạc ở đại lộ Batignolles.”

“Gia đình cô ta ở Indre et Lore và chính một người bạn gái đã đến xác nhận thi hài tại Viện Pháp y.”

“Ngoài ra cô bạn này đã khai rằng chủ nhật trước, như những chủ nhật khác, họ phải cùng đi Luna Park. Nhưng tối thứ bảy, Marie Baron nói với cô rằng cô ta đã gặp những người trẻ tuổi “rất kỳ cục” và cô ta thích theo họ đến Montparnasse."

“Thật quá dễ dàng tái dựng những sự việc. Một nhóm nghiện ma tuý, như thường xảy ra, đã tìm cách lôi cuốn thêm một cô gái chưa bao giờ sử dụng ma tuý.”

“Thêm sự có mặt của Marie Baron, cuộc chè chén trác táng đã bắt đầu với rất nhiều rượu sâm banh, rượu mạnh và heroin.”

“Liệu cô gái còn biểu lộ nhiều khả năng chịu đựng chăng? Dẫu sao, xét vì cô ta thiếu kinh nghiệm, chắc chắn cô ta không thể tự tiêm vào đùi mình. Vậy một bạn cô hẳn làm việc này, có thể do bất ngờ."

“Bác sĩ Paul khẳng định rằng cái chết hầu như tức thì do bị ức chế.”

“Khiếp sợ, nhóm này bỏ trốn tuy nhiên đã cẩn thận không để lại chút gì tại hiện trường có thể cho phép nhận dạng những người có mặt. Đó là nét đặc trưng đáng lưu ý, bởi vì nó để lộ rằng sự hốt hoảng, chí ít đối với một số người, chỉ là tương đối.”

“Một cuộc điều tra trong những giới người tứ xứ ở Montparnasse không đem lại kết quả nào. Chỉ có hoạ sĩ Max Feinstein mới có thể nói khi đi đã trao chìa khoá cho ai.”

“Than ôi! Người ta đã gửi điện đến Nice và Cannes nhưng vô ích. Theo những tin tức mới nhất, ông lên tàu thuỷ đã tám ngày để đến một bãi biển ở vùng Địa Trung Hải, nhưng người ta không biết bãi biển nào.”

“Không một chi tiết nào trong vụ này lại không đặc biệt ghê tởm.”

“Về bố mẹ già của Marie Baron, người ta hình dung trạng thái sững sờ, sự hoài nghi, cuối cùng là nỗi thất vọng của họ trước việc tiết lộ những sự việc như vậy.”

“Cảnh sát làm việc chăm chỉ. Với lý do đúng đắn, họ không ít lo sợ rằng những thủ phạm đã ở xa khi cuối cùng họ đạt tới việc xác lập căn cước của chúng”.

Petersen đưa mắt nhìn khắp những đầu đề ở tờ báo Đức nhưng không tìm được gì có thể có liên quan tới vụ án. Ông tái mặt và cảm thấy khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ tuổi mười ba, ông đã sống ở biển, ông đã chứng kiến những vụ đánh nhau trong những căn nhà lụp xụp ở cảng. Một lần, một thủy thủ say rượu đã kể cho ông về những tội ác của y.

Trong khi ông là thuyền trưởng, cảnh sát đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ tội phạm trên tàu của ông. Lần đầu là một tên lừa bịp quốc tế, lần thứ ba là một gã Ba Lan trong cơn ghen tuông đã bóp cổ vợ và hai đứa con mình. Tất cả điều đó hầu như để lại cho ông vẻ lạnh lùng. Là một tín đồ Tin lành ngoan đạo, ông để ý đến những bản năng tốt và xấu giành giật nhau trong tâm hồn con người.

Thế mà lúc này, đúng là một sự tủi hổ làm ông xúc động đến tắc thở. Ông chưa bao giờ được thấy Paris. Ông thử hình dung cái khu phố Montparnasse ấy mà báo chí nói tới, rồi xưởng vẽ của nhà hoạ sĩ, không khí cuộc chè chén trác táng, cái xác trần truồng trên đivăng...

Thật lâu ông không tự hỏi có phải vụ này có quan hệ nào đó với vụ giết viên cố vấn cảnh sát Von Sternberg, tuy nhiên, từ đó, hầu như ông không hay biết, ông vẫn tin chắc là có.

Dẫu không muốn, ông vẫn điểm lại những bộ mặt, những hình bóng: Ericksen mặc áo khoác xám mà ông chỉ nhìn thấy sau lưng và đang lẩn trốn trong khoang hầm, gã thủy thủ tiếp than Peter Krull và nụ cười đáng lo ngại của gã; Vriens với đôi mi mắt đỏ, trạng thái bị kích thích bệnh hoạn; Schuttringer và đôi mắt tròn xoe, không lông mi cũng không lông mày.

Ông bối rối nhớ tới máu nóng bốc lên mặt khi nhìn đôi chân của Katia và ông tự thú ít nhất là hai lần, ông cố ý chạm nhẹ vào cô ta khi ông đi qua gần cô ta.

Điều nổi bật trong tư tưởng của ông là cảm giác có điều gì đó rối loạn trong thế giới của ông. Và điều đó làm ông hoang mang đến mức ông lấy hai tay ôm lấy đầu, rất lâu sau, ông giật mình khi nghe thấy tiếng chuông báo sáu giờ.

Đến mức con tàu của ông không còn là nó nữa! Sau khi ra khỏi buồng mình, ông nghi ngờ nhìn dọc hành lang, nhận thấy người phục vụ đứng rất gần cửa buồng ông.

- Họ đang ở đâu? - Ông hỏi, giọng nghi ngờ.

- Ai ạ?

- Những hành khách. Evjen... Schuttringer...

- Ở trên kia. Trong phòng hút thuốc.

- Còn người phụ nữ trẻ?

- Cô ta đi gặp họ...

Ông nặng nề trèo lên cầu thang, mở cửa phòng hút thuốc lá và đứng ở ngưỡng cửa, nét mặt rắn đanh. Những hành khách vẫn ngồi ở chỗ như buổi sáng: Bell Evjen và Katia ngồi cùng bàn trước chai nước khoáng; trong góc đối diện, Schuttringer đang chơi cờ một mình.

Đèn vừa bật sáng. Ba bộ mặt quay về phía thuyền trưởng. Evjen suồng sã hơn những người kia, mở miệng định nói. Nhưng Petersen đột ngột đóng cửa lại và tiếp tục trèo lên đến cầu tàu. Ông nhận rõ bóng dáng nhỏ bé của Vriens vừa chuyển phiên trực cho sĩ quan thứ hai.

Ông đi đến đằng sau anh ta không gây tiếng động nào, ông đặt bàn tay lên vai anh ta. Gã trai run cả tứ chi, lộ rõ bộ mặt biến sắc.

- Thuyền... thuyền trưởng! - Anh ta ấp úng trong lúc cố lấy lại bình tĩnh.

- Anh sao thế? Anh đang run?

- Không có gì... tôi... tôi không chờ đợi...

- Nào!

- Hình như có một... người chết phải không thuyền trưởng?

- Một người chết, đúng! Cần gì! Nào!

Giọng nói của ông khô khan đến nỗi viên sĩ quan thứ hai đã biết ông từ nhiều năm, ngạc nhiên về ông. Đây là một gã trai ba mươi tuổi, không có bằng cấp nên kiên trì theo đuổi trình tự cấp bậc, tin chắc mình sẽ là thuyền trưởng vào quãng bốn mươi lăm tuổi. Anh ta sống với mẹ ở Trondhjem.

- Một vụ xấu xa! - Ông nói khi Vriens đã đi xa - Phải tóm cổ kẻ phạm tội đang lẩn trốn trên tàu.

- Chúng ta đang ở đâu?

Họ cúi xuống bản đồ. Petersen làu bàu:

- Với sương mù thế này, chúng ta sẽ không đến Stavanger trước một giờ sáng. Và chúng ta lại phải đi tiếp vào hai giờ rưỡi! Nếu ít ra chúng ta có điện báo vô tuyến, như người ta hứa với chúng ta từ hai năm nay.

Ông thật sự không ở nơi nào cả và đây là lần đầu tiên điều đó xảy đến với ông ở mạn tàu của ông. Để trở lại buồng mình ông phải qua boong dạo chơi trong đó có một dãy cửa sổ của phòng hút thuốc lá. Ông liếc mắt vào đó và nhận thấy không có Katia Storm.

Tại bữa ăn tối, ông không nói một lời. Rõ ràng ông bận tâm về chỗ trống của người phụ nữ trẻ.

- Cô ta ăn ở buồng mình ư? - Ông hỏi người phục vụ.

- Không! Cô ta không có ở đó.

Trán ông hằn sâu một nếp nhăn và đột nhiên ông đứng lên, bước về phía trước con tàu là nơi có phòng ăn của sĩ quan. Ông sắp đến buồng của Vriens thì cửa mở và Katia vội bước ra, đứng phắt lại khi trong thấy thuyền trưởng cách cô ta dưới hai bước chân. Một lúc, cô thở đứt quãng. Rồi cô lấy lại bình tĩnh, nói:

- Mọi người chưa ăn, phải không? Không phải ông tìm tôi đấy chứ?

- Không. Mọi người đợi cô ở phòng ăn. - Ông vờ có việc làm trong buồng thuyền phó lúc này trống không. Nhưng, ngay khi Katia đi khỏi, ông mở cửa buồng Vriens và thấy anh ta nằm dài ở ghế nằm, đầu đặt trên hai cánh tay khoanh lại.

Gã trai chồm dậy vụng về, không sao xoá sạch những vệt dài ẩm ướt bóng nhẫy trên đôi má anh ta.

- Thuyền trưởng...

- Không có gì! Cứ nằm đi!

Petersen đi ra, rầu rĩ hơn bao giờ hết, bản thân ông cũng không biết mình đang nghĩ gì. Tại bàn, ông thấy cô gái trẻ Đức nói nhiều, giọng the thé và thường ngoảnh mặt về phía ông. Nhưng vì ông vờ không nghe những gì cô ta nói với ông và Schuttringer cũng ngồi lơ đễnh theo thói quen của ông ta buộc Katia phải nói với Evjen.

Cô ta lo lắng về việc tàu đỗ lại ở Stavanger.

- Ông có nghĩ rằng cảnh sát sẽ làm chúng ta bị chậm không? Riêng tôi, tôi nghĩ rằng nếu người ta lục soát con tàu chỉ một lần thôi, cuối cùng người ta sẽ bắt được người đàn ông ấy. Gã tên là gì nhỉ? Ericksen hả? Có lẽ là một cái tên giả...

Thuyền trưởng cảm thấy Evjen hơi bối rối, nhất là trước mặt ông là người khách đều đặn của vợ ông ta ở Kirkenes, muốn câu chuyện trở thành chung cho mọi người.

° ° °

Cách bốn năm dặm, người ta cho một hoa tiêu xuống chiếc thuyền một buồm để ghé vào bờ. Sương mù dày đặc trong những vùng biển rải rác đá ngầm, nên mọi người cần đứng gác. Họ túm tụm trên boong mũi, kêu về phía cầu tàu những lời chỉ dẫn hăng hái.

Trong bóng tối, con tàu Polarlys như một đám mây phát lân quang. Nhưng từ cầu tàu người ta vẫn không nhìn rõ phía sau! Còi rú lên không ngừng và người ta thử nhận ra hướng một hồi còi khác mà từng đợt, người ta nghe thấy tiếng la ó như tiếng rên xa xăm.

Mặt những hành khách áp sát những ô kính ở phòng hút thuốc. Họ trông thấy những chiếc đĩa trắng nhợt vây quanh con tàu. Rồi người ta nghe thấy những tiếng nói rõ ràng gây ảo giác ở rất gần. Người ta có thể nghĩ mình ở cách bến nhiều dặm. Người ta còn không nhận ra ánh sáng ngọn hải đăng. Thế mà người ta chỉ còn cách bến cảng có mười mét! Những thủy thủ đã ném những dây chão xuống!

Trời mưa. Mặt đất giữ trong những chỗ trũng những vệt tuyết lớn mềm. Khi cầu tàu hạ xuống, hai mươi người vội lao tới những khoang đã được mở ra để tiến hành bốc dỡ hàng. Một viên chức cảnh sát mặc cảnh phục đứng nghiêm chào Petersen và hỏi:

- Nhiều hành khách chứ?

Từ thành phố, đứng ở sườn núi, người ta chỉ trông thấy đoạn đầu một phố dốc thoai thoải trong đó những cây đèn soi sáng vài mặt tiền những ngôi nhà sơn màu lục hoặc son đậm.

- Cần đi gặp ngay thủ trưởng của ông! - Thuyền trưởng nói. - Một tội ác đã xảy ra trên tàu...

Lúc này đã hơn một giờ. Những quy định ở Na Uy nghiêm ngặt: không một quán cà phê mở cửa. Cũng không có lấy một người qua đường! Không một bóng người nếu không phải là những người bốc dỡ hàng vận hành những chiếc Palan và dỡ những thùng hàng ở hai khoang hầm ra.

Sau một lúc phân vân, sững sờ. Cuối cùng viên cảnh sát quyết định gõ cửa một khách sạn gần đó để gọi điện thoại.

Bên bến cảng, sương mù như bị xé rách bởi những người đi đi lại lại và người ta gần như phân biệt được những người và vật. Nhưng về phía vũng biển là một đám mây trắng nhợt dày đặc không xuyên qua được, những luồng hơi giá lạnh đến từ đó. Người ta còn không trông thấy nước dưới sườn tàu đem ngòm.

Đột nhiên có chuyện gì đó xảy ra. Dẫu có những tiếng nghiến ken két của những chiếc ròng rọc và tiếng va chạm của những chiếc thùng vào nền đá lát ở cảng, người ta vẫn nghe thấy tiếng động của một vật thể khá nặng làm nổ bục mặt nước.

Petersen đuổi kịp viên chức cảnh sát, bước qua những chiếc thùng tròn để đến lối đi từ mũi tàu đến lái ở mạn phải. Khi ông đến nơi, ông xô đẩy Vriens đang thở hổn hển:

- Kia! Nhanh lên!... Tôi trông thấy y nhảy...

- Ai?

- Người đàn ông mặc áo xám... Ericksen...

Viên cảnh sát không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thuyền trưởng nhoài người trên lan can nhưng không trông thấy gì hết, không nghe thấy gì.

- Ông tin chắc chứ?

- Có vật gì đó rơi xuống. - Một người bốc dỡ hàng đang làm việc cách đó sáu mét đến khẳng định - Nhưng gì thế?

- Tôi chỉ trông thấy màu xám. - Sĩ quan thứ ba nhắc lại.

- Một xuồng máy! Nhanh lên!

Người ta không có thì giờ hạ thuỷ một chiếc. Petersen chạy về phía cảng, thả một chiếc thuyền neo buộc ở chân một cầu thang đá.

Viên chức cảnh sát đi theo ông. Những người đàn ông ở trên những khoang ngừng công việc và ta thấy chiếc áo trắng của người phục vụ nghiêng người trên bờ thành tàu. Những mái chèo vỗ bập bềnh. Thuyền trưởng kêu lên:

- Đèn hiệu!

Một người nào đó thả xuống một chiếc dọc mạn tàu ở đầu một dây chão. Nhưng tất cả những gì mà người ta có thể trông thấy lúc đó là mặt nước đen ngòm đang loang ra một cách yếu ớt qua những mảng sương mù.

Liệu người đàn ông có đủ thì giờ bơi ra xa hoặc đến được một chiếc thang ở cảng? Thuyền trưởng điều khiển những tay chèo bằng những tiếng gõ giận dữ. Viên cảnh sát đội mũ shako, có gắn phù hiệu ở áo, nhoài người cẩn thận, đưa mắt nhìn sục sạo bóng tối.

Những dây thừng của con tàu Polarlys nổi bật như trong một khung cảnh thần tiên, với những chỗ nhô ra sáng rỡ và những vạt tối lớn. Trong một vòng sáng, Petersen nhận rõ đôi vai của Vriens, cái đầu nghiêng nghiêng và đằng sau anh ta là hình bóng sáng của Katia Storm đặt bàn tay lên vai gã trai.

- Nào! - Ông làu bàu.

- Ta không nghe thấy gì hết, phải không? Chắc chắn y trôi thẳng tuột.

- Chắc chắn như ông nói!

Viên cảnh sát sững sờ nhìn thuyền trưởng mà ông ta không hiểu nổi tâm trạng dữ tợn, những quyết định quá mau lẹ, trái ngược nhau, những cử chỉ giật giật.

° ° °

Đồn trưởng cảnh sát đến bằng ôtô, chỉ kịp mặc chiếc quần đen và khoác chiếc áo da ra ngoài áo ngủ. Đây là một người đàn ông gầy có vẻ quý phái hầu như luôn vận động trong phòng khách, nói với mọi người.

- Người ta cho tôi biết có một tội ác...

Petersen đưa ông ta vào buồng mình sau khi nói với viên cảnh sát mặc cảnh phục:

- Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là ông đừng để ai ra khỏi.

Ông nói dứt khoát tỏ vẻ là người chủ đích thực.

- Mời ông ngồi. Tôi sẽ cố cho ông biết bằng ít lời. Giờ tàu nhổ neo dời bến dự kiến vào hai giờ rưỡi. Lúc đó đã hơn hai giờ. Trong số hai mươi lăm bến cảng ở Na Uy, tất cả dân chúng đợi chúng tôi vào một lúc nhất định. Trên tàu tôi có bưu phẩm, đồ tiếp tế, máy móc, báo chí... nhưng tôi cũng có một người đàn ông bị giết...

Ông nói sôi nổi đồng thời dáng vẻ của ông trở nên bình thản hơn. Ông không nhúc nhích, không hoa chân múa tay, nhưng sự mãnh liệt ngấm ngầm khẳng định trong giọng nói của ông

Trong lúc bước những bước dài trong buồng mình có đồn trưởng ngồi trong đó, ông kể những sự kiện từ lúc khởi hành từ Hambourg, không quên tóm tắt bài báo ở tờ báo Pháp luôn ở trên chiếc bàn nhỏ.

Hai lần ông ngừng lại để trèo lên boong, giám sát việc bốc dỡ hàng, dặn dò mọi người làm gấp.

- Ông tính sẽ làm gì? - Cuối cùng ông hỏi trong lúc buồng mình ngồi vào mép ghế nằm và lấy tay đỡ cằm.

Bờ biển Na Uy được tạo dựng bởi một dãy núi mà chỉ có hai con đường chạy qua trong miền Nam. Kể từ Trondhjem, những con đường này không còn nữa và cũng không có đường sắt.

Đó là những con tàu chạy bằng hơi nước dọc ven biển thuộc loại Polarlys, phải đảm nhiệm mọi việc giao thông, liên lạc thư tín và vận chuyển lương thực thực phẩm. Ở miền Bắc này, sản phẩm tự nhiên chỉ duy nhất là cá thu, hải cẩu và tùng lộc. Những con tàu mà mất đi thì dân chúng sẽ bị tách khỏi thế giới với chướng ngại sau lưng là núi không có lối vào và trước mặt là sóng lừng ở Địa Trung Hải.

Chính vì thế mà những Công ty hàng hải được Nhà nước trợ cấp và đảm nhiệm dịch vụ chính thức.

Đồn trưởng cảnh sát lo lắng.

- Ông nói với tôi rằng gã Ericksen ấy vừa gieo mình xuống nước phải không?

- Tôi nói có cái gì đó rơi xuống nước và viên sĩ quan thứ ba của tôi đã trông thấy một hình bóng màu xám! - Thuyền trưởng nói rõ.

- Thật chẳng khác nào như...

- Nếu ông muốn...

- Những hành khách khác có giấy tờ hợp pháp chứ?

- Những hộ chiếu đã được cảnh sát Đức kiểm tra ở Hambourg như thường lệ.

- Tôi sẽ cho kiểm tra lại. Tôi chỉ thấy một giải pháp: gọi điện thoại cho Oslo. Tôi sẽ có liên lạc hai mươi phút nữa. Trong thời gian này, một bác sĩ sẽ tới khám xét thi hài và một nhà chuyên môn tới chụp ảnh căn buồng, cố lấy những dấu vân tay. Các hộ chiếu sẽ được kiểm tra lại cẩn thận. Cuối cùng con tàu sẽ được khám xét toàn bộ. Việc đó sẽ làm ông chậm mất khoảng một giờ, ông sẽ không khó gì lấy lại thời gian... Như tôi nghĩ, nếu mọi việc cho thấy gã Ericksen ấy là kẻ sát nhân, nếu không có lời buộc tội nào được nêu lên đối với những hành khách khác, tôi không có quyền giữ họ.

Đồn trưởng đứng dậy và thốt lên một tiếng thở dài cho thấy rõ những quyết định ấy bề ngoài thật giản đơn nhưng khó thực thi.

Khi ông rời tàu, ông nhắc lại với viên cảnh sát:

- Mong rằng không một ai được đi ra!

Những người lao động bốc dỡ những kiện hàng cuối cùng bị người phục vụ theo dõi bằng mắt, anh này không biết mình nên ở đâu vì anh thà hứng gió lạnh bên ngoài hơn là lang thang một mình trong con tàu vắng vẻ.

Chiếc ôtô rời đi trong tiếng ù ù leo lên bờ biển. Chưa đến mười lăm phút sau, sáu người đàn ông mặc cảnh phục chiếm lấy con tàu Polarlys, những người này vào qua khoang trước, những người khác qua khoang sau, lia đèn pin soi khắp nơi.

Schuttringer đội chiếc mũ casquette nhỏ của kỵ mã, mặc áo veston, bước những bước dài trên boong với bước chân thể dục của con người lo lắng cho vệ sinh thể chất của mình. Bell Evjen, vẻ buồn phiền, tìm cách lại gần thuyền trưởng để hỏi ông.

Trong khi Petersen đến phía sau là nơi bóng tối dịu hơn tất cả những nơi khác, từ chỗ khuất hình thành do bánh lái dự phòng, phát ra tiếng thì thào, một cái hôn rì rầm. Thuyền trưởng còn bước vài bước lặng lẽ, thấy hai bóng người ôm chặt lấy nhau, phân biệt được trong đêm tối, vết trắng như sữa của hai bộ mặt gắn chặt môi vào nhau. Ông không cần phân biệt những đường nét cũng nhận ra tấm phù hiệu mới của Vriens lấp lánh. Và ngang tầm hai vai, trên nền chiếc áo tối màu, là cánh tay trần của Katia.



BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH