MỤC LỤC
- Bão Tố
- Những Bài Ca Miền Biển
- Miền Đất Vô Cùng
- Lời Ru Của Rosa Palmeirao
- Luật Biển
- Iemanja, Nữ Thần Mang Năm Tên Gọi
- Tàu Neo Bến Đậu
- Marta, Margarida Và Raquel
- Tử Tước, Bá Tước, Hầu Tước Và Bọ Cạp
- Lời Của Gió
- Vụ Cướp Dâu
- Đám Cưới
- Con Thuyền “Khoảnh Khắc” Hải Trình Mar Grande (Biển Lớn)
- Esmeralda
- Ngày Xưa Có Năm Đứa Trẻ…
- Vùng Nước Lặng
- Con Thuyền “Quả Cảm”
- Đứa Con Trai
- Toufick, Người Ả Rập
- Những Kẻ Buôn Lậu
- Miền Đất Aioca
- Biển Chết, Biển Là Bạn Hiền
- Đêm Của Tình Yêu
- Đêm Lặng
- Vì Sao Sớm
MIỀN ĐẤT VÔ CÙNG
Giọng hát sâu thẳm ngân xa vượt trên mọi âm thanh của đêm tối, lan qua biển, trùm lên thành phố. Bài hát xưa nghe tha thiết u hoài khiến những lời nói chợt lặng đi, những câu chuyện trò ngưng lắng lại. Nhưng lời bài ca xưa mới chua xót làm sao, nghe nhói trong lòng. Bài hát nói: “Thương thay cho người phụ nữ có chồng đi biển. Nàng chẳng có niềm vui, bất hạnh đã an bài. Bao nhiêu lệ tuôn rơi, đôi mắt sớm mờ đi bởi ngày đêm dõi trông về phía mù khơi, lòng hoài vọng thấy một cánh buồm còn le lói”. Giọng ca chàng da đen bao phủ màn đêm
Lão Francisco hiểu rõ ý bài ca lẫn khoảng trống mênh mông của cả trời sao lung linh trên mặt biển. Bằng không thì bốn mươi năm chèo lái của lão còn có ý nghĩa gì nữa? Và lão không chỉ rành những ánh sao đêm. Lão biết rõ cả từng dải cát ngầm, từng khúc quanh, từng dòng chảy ở vịnh và sông Paraguacu, từng bến cảng trong vùng, từng bài ca cất lên từ đó. Cư dân khắp dải đất ven sông cạnh cảng đều là bạn bè lão, thậm chí có người nói vào cái đêm một mình cứu mạng cho tất cả ngư dân trên một thuyền đánh cá lão đã được tận mắt thấy Iemanja, người đã tự hiển linh như một tặng vật dành riêng cho lão. Mỗi khi nói về chuyện đó (cánh đánh cá trẻ ai chẳng hỏi Francisco có đúng vậy không), lão chỉ mỉm cười:
- Thiếu gì chuyện thiên hạ nói trên đời, anh bạn…
Vậy là chẳng ai biết việc đó hư thực thế nào. Mà cũng rất có thể chuyện đó có thực. Với những ý nghĩ bất chợt của Iemanja, nếu có ai xứng đáng được gặp và yêu nàng thì đó hẳn phải là Francisco, kẻ đã sống chết nơi đầu sóng ngọn gió biết bao năm, từ cái thuở xa xưa chẳng ai còn nhớ. Tuy nhiên so với các bãi ngầm, lạch cạn, lão còn biết rạch rẽ hơn về bao truyền thuyết của vùng đất, vùng biển nơi này, nhớ rõ mọi lễ hội mừng Iemanja, còn gọi là Janaina, mọi vụ đắm tàu, mọi cơn bão lớn. Có chuyện nào mà Francisco không biết chứ?
Khi đêm đến lão thường rời căn nhà nhỏ của mình đi ra bờ biển. Vượt qua con đường tráng xi măng hoen bùn đất, lão lội xuống nước và nhẹ nhàng nhảy lên khoang một chiếc thuyền nào đó. Rồi mọi người đòi lão kể về các huyền thoại, về bao chuyện đã xảy ra. Chẳng có ai kể hay hơn lão Francisco ấy.
Giờ lão sống bằng nghề chữa buồm. Và bằng cả những gì mà thằng cháu là Guma mang đến nữa. Một thời lão từng có đến ba chiếc thuyền, nhưng bão tố trùng khơi đã cuốn đi tất cả. Thứ duy nhất chúng không cuốn đi được chính là lão, Francisco. Lão luôn trở về bến, mang theo tên ba con thuyền xăm trên cánh tay phải cùng tên người em trai đã bỏ mình trong giông bão ngoài khơi. Có thể ngày nào đó lão sẽ phải ghi thêm lên đó tên của Guma nếu nữ thần Iemanja chợt muốn có tình yêu của nó. Trong thâm tâm lão mỉm cười khinh khi trước mọi chuyện, bỏ xác chốn biển khơi, đó là số phận của họ. Nếu lão sống sót chẳng qua chỉ vì Iemanja không muốn thế. Người muốn lão gặp được mình mà vẫn sống, vẫn trở về dạy cánh trai làng vá lưới, sửa thuyền, và kể về Người. Nhưng sống như vậy mà làm gì, nếu chỉ để vá lưới, sửa buồm, trông chờ thằng cháu làm những việc đã trở nên vô nghĩa bởi chẳng bao giờ còn được ra khơi tay đã yếu, mắt đã mờ, chẳng còn thể nhìn xuyên qua đêm tối? Giá nằm lại ngoài khơi cùng chiếc “Sao mai” - con thuyền nhanh nhất của lão bị cuốn đi trong đêm Thánh Saint John - hẳn còn hơn. Giờ lão chỉ nhìn những người khác ra khơi mà không đi cùng họ. Lão đứng nhìn Livia, như mọi phụ nữ ở đây, run rẩy lo âu vào những hôm giông bão, giúp lo tang cho những kẻ bỏ mình. Quá lâu rồi cái thời lão băng trên đầu sóng, tay ghì lái, mắt rẽ màn đêm, nghe gió ào trên mặt, đưa con thuyền đến với tiếng ca mời gọi của những miền xa.
Chàng da đen hôm nay cũng hát. Gã hát về số phận u buồn của vợ những người đi biển. Francisco mỉm cười. Chính lão đã đưa ma cho vợ. Bác sĩ nói do tim. Bà chết đột ngột vào cái đêm lão trở về sau một cơn bão lớn. Bà đã ào vào vòng tay lão và lão thấy tiếng đập rộn ràng nơi tim bà chợt tắt. Hẳn bà đã chết bởi niềm vui được thấy lão về, bác sĩ nói do tim. Kẻ bỏ mạng ngoài khơi đêm đó là Friderico, cha của Guma. Không ai tìm thấy xác bởi ông đã bỏ mình để cứu Francisco, và vì vậy đã được cùng theo Iemanja tới những vùng đất lạ. Mất cả vợ và em trong cùng một tối, lão đã đưa Guma về nuôi dạy trên thuyền mình, giữa ngàn khơi, để chàng trai sẽ chẳng bao giờ sợ biển. Mẹ Guma, một phụ nữ không ai từng biết đến, bỗng xuất hiện một ngày kia và hỏi về thằng bé:
- Xin lỗi, ông là Francisco?
- Đúng thế, thưa cô. Nếu cô cần gì…
- Ông không biết tôi…?
- Thực tình tôi cũng không nhớ…- Lão gãi đầu, gắng nhớ lại những người mình từng gặp. - Vâng, tôi không nhớ. Xin lỗi…
- Frederico biết tôi rất rõ…
- Chắc thế, nó từng lái trên các tàu lớn của hãng Baiana mà. Mà cô gặp nó ở đâu?
- Dạ gần Araicaju. Một hôm anh ấy đến đó, tàu bị vỡ một lỗ lớn bên sườn, thoát được là chuyện lạ...
- À, tôi nhớ rồi, ở Marau...Một chuyến đi khủng khiếp, Frederico có kể tôi nghe. Vậy là cô gặp nó ở đó?
- Chiếc tàu nằm lại một tháng. Anh ấy may sắm đủ thứ cho tôi…
- Một tay săn gái, đúng thế, hệt như con khỉ đực…
Lão mỉm cười, phô ra mấy chiếc răng vỡ:
- Nó huyên thuyên với tôi đủ chuyện, nào sẽ mang tôi theo, sẽ xây nhà, nào nuôi ăn, nuôi mặc…Cô cũng biết tính nó thế nào rồi đấy.
Lão Francisco khoát tay. Họ đang đứng trên bãi biển, gần chỗ chợ trái cây. Họ ngồi lên mấy chiếc thùng gỗ. Người phụ nữ nói tiếp:
- Thật khốn khổ vì anh ấy nói sẽ không trở lại tàu, vậy mà khi chỗ vỡ vừa sửa xong anh ấy chẳng buồn nghe lấy một tiếng, cứ thế lên boong vẫy tay chào từ biệt…
- Cài thằng thật tệ. Dù là máu mủ với nhau nhưng…
Người phụ nữ ngắt ngang:
- Tôi không nói anh ấy là người xấu. Biết làm sao, chắc số tôi nó vậy. Tôi sẵn lòng theo anh ấy đi bất kỳ đâu, dù biết có thể bị bỏ rơi. Quả tình tôi đã phát rồ vì anh ấy.
Người phụ nữ nhìn Francisco. Còn ông thì nghĩ: cô ta đến đây làm gì nhỉ, sau chừng ấy năm? Xin tiền ư, nghèo mạt như lão bây giờ tiền bói đâu ra? Frederico vẫn luôn là thằng sát gái…
- Anh ấy bảo sẽ cho người đến tìm tôi, rồi cũng chẳng thấy…- Chị ta mỉm cười. - Khi cái bầu đã rõ và tôi bắt đầu nôn ọe thì mẹ tôi phát điên lên. Cha tôi là người khe khắt, vừa biết chuyện ông ấy liền mang dao đến gặng xem thằng nào để tính sổ. Đến giờ tôi vẫn còn vết sẹo dưới đầu gối đây, từ con dao đó.
Sao cô ta lại kéo váy phơi cặp đùi ra nhỉ? Francisco không bao giờ động đến người phụ nữ đã từng chăn gối với em mình, một tội lỗi đáng bị Chúa Trời trừng phạt.
- Vậy là tôi bỏ nhà đi, tứ cố vô thân. Một gia đình quen cha đỡ đầu của tôi đã nhận cho tôi làm thuê. Rồi một bữa đang dọn bn tôi chợt thấy đau…
Lão Francisco chợt hiểu:
- Thằng Guma?
- Vâng, Gumercindo, đúng thế. Chính cha đỡ đầu của tôi đã đặt tên cho cháu. Đó cũng là tên ông ấy. Tôi đã gom được ít tiền để mang cháu đến đây gặp Frederico. Nhưng anh ấy đã có người khác. Anh ấy giữ cháu lại nhưng nói chẳng muốn nghe gì về tôi nữa.
Lại một khoảng lặng im. Francisco nhìn trộm người phụ nữ, gắng đoán xem cô ta đang đưa câu chuyện về đâu. Lão không có tiền, từ dạo ấy, và ít nhất là lúc này. Còn ngủ với người đàn bà từng thuộc về em mình là điều lão không nghĩ tới.
- Rồi tôi ở lại đây, xấu hổ với chuyện quay về. Người nghèo cũng biết xấu hổ chứ, đúng không? Tôi không muốn làm gái đứng đường ngay tại thành phố quê hương, nơi mọi người quen biết…Cha tôi là người nền nếp, thậm chí đã cho một trong các em trai tôi đi học để làm bác sĩ…Rồi tôi cứ lang thang phiêu bạt khắp nơi. Vâng, chuyện ấy quá lâu rồi…
Người phụ nữ phẩy tay và đưa mắt nhìn các con tàu. Từ chợ vọng lại tiếng chuyện trò, tiếng mặc cả, tiếng cười nói ồn ào.
- Tôi vừa từ Recife đến đây được ba hôm. Chỉ để gặp thằng bé. Một người quen cho tôi biết Frederico đã chết từ hai năm trước. giờ tôi phải về tìm con…Tôi sẽ nuôi dạy cháu…
Francisco không còn nghe thấy tiếng ồn ào ngoài chợ nữa. Lọt vào tai lão chỉ còn những lời của người phụ nữ xưng là mẹ Guma đã đến đây tính đón nó đi. Lão không ưa đôi co với phụ nữ. Lý sự với họ thì biết bao giờ cho hết lẽ, nhưng chắc chắn lão phải chiến đấu vì không muốn mất Guma. Thằng nhỏ đã học lái thuyền thành thạo và nâng vác dễ dàng những bao bột to tướng bằng đôi tay thơ trẻ của mình. Chuyện đụng độ Francisco không lạ, nhưng là với cánh thủy thủ dữ dằn trên cảng hay đám chủ thuyền lực lưỡng bằng các ngôn từ chẳng mấy nhẹ nhàng bởi họ thừa khả năng tự vệ. Còn với phụ nữ, lại là mẹ Guma - mặc áo lụa, bôi nước hoa, tay cầm ô, miệng điểm răng vàng - lão thực tình không biết phải tranh cãi làm sao. Nếu vọt miệng văng đôi lời thô tục, cô ta có thể sụt sùi, mà lão không muốn thấy đàn bà khóc lóc. Hơn nữa, em trai lão đã cư xử không phải với cô tà dân đi biển đâu thể cứ nghĩ hoài về người phụ nữ họ để lại trên bờ? Cưới rồi để họ thành góa phụ hoặc chết do vỡ tim khi thấy chồng về bình an sau bão tố không tệ hơn sao? Thế còn khốn nạn hơn nhiều. Guma sẽ ở vậy, chẳng lấy ai. Nó sẽ luôn là kẻ tự do trên con thuyền của mình. Và sẽ đi theo Iemanja khi nào Người muốn. Sẽ chẳng có chiếc neo nào ràng buộc nó với đất liền. Sống trên biển phải là người tự do. Nhưng nếu người phụ nữ này mang Guma đi, nó sẽ thành người ra sao nhỉ? Thợ mộc, thợ đá, bác sĩ hay một linh mục mặc váy, ai biết được! Và lão, Francisco, sẽ phải ôm nỗi nhục suốt đời vì đã đẩy thằng cháu vào con đường kia để rồi chẳng thể làm gì hơn là tự mình đi gặp Iemanja vào một đêm nào đấy. Không, lão không thể để người phụ nữ này mang Guma đi, bằng bất cứ giá nào.
Người phụ nữ đã bắt đầu ngạc nhiên vì sự im lặng của Francisco. Những giọng nói từ chợ vẫn vọng tới:
- Khiếp, gì mà đắt thế? Bà tính dọa tôi sao?
Rồi một mẩu đối thoại nghe từ xa:
- Nó bắn hai phát và bỏ chạy. Một tay thứ dữ. Tôi cũng liều mạng nổ luôn…
Lão Francisco chợt bật cười:
- Này, cô biết không, cô sẽ chẳng mang thằng bé đi đâu được. Rồi cô biết làm gì với nó chứ?
Lão nhìn người phụ nữ, đợi câu trả lời. Tuy nhiên, vẻ mặt lão hiện rõ một điều: chẳng sức mạnh nào trên đời này cướp đi được Guma của lão. Người phụ nữ đưa tay phân vân và đáp:
- Thực tình tôi cũng chưa biết nữa... Chỉ muốn đưa nó đi vì nó là con tôi và cha nó không còn nữa... Rày đây mai đó...Nhưng nếu ở lại đây thì một lúc nào đó nó cũng chết như cha nó thôi...
- Còn nếu theo cô thì nó sẽ thế nào?
- Tôi sẽ cho nó vào trường tư, nó sẽ học đọc, biết đâu nó sẽ thành bác sĩ như chú nó, thằng em tôi... Nó sẽ không chết chìm ngoài biển...
- Ôi cô ơi, số phận do trời định. Phần số nó nếu phải về với Iemanja thì chạy trời cũng chẳng thoát. Nếu ở lại đây nó sẽ trở thành một trang nam nhi thực sự. Đi với cô rồi nó cũng chỉ thành một đứa yếu đuối, quặt quẹo như bao đứa vô công rỗi nghề ngoài kia...
- Ông nói thế chứ...
- Cô lấy tiền đâu cho nó ăn học nào? Mấy cô đứng đường tôi đâu có lạ: tiền nay có, mai không...sống rày đây mai đó, như cô vừa nói đấy...Con của một cô gái đứng đường còn khổ nhục hơn kiếp chó, cô biết quá mà...
Người phụ nữ cuối đầu bởi đó là sự thực. Đem con theo cũng có nghĩa là gắn cho nó một nỗi nhục triền miên: ở đâu, với bất kỳ ai nó cũng chỉ là con một ả điếm. Bất kỳ nơi nào nó đến, ngoài đường phố hay trong lớp học, ở đâu nó cũng chẳng nói được gì bởi ai cũng có thể văng vào mặt nó những lời khinh khi, hạ nhục nặng nề nhất đời. Từ chợ vọng lại tiếng người đàn ông đang thuật lại một câu chuyện:
-...Chỉ nhìn thấy con dao lóe lên, đã nghĩ mình đổ ruột đến nơi. Tôi vung tay thúc gối...Quang cảnh thật kinh khủng...
- Phải, sẽ tốt hơn nếu để Guma ở lại đây học lái thuyền, học đi biển, đến với những bờ bến lạ, có con với những người phụ nữ vô danh, đoạt dao từ cánh đàn ông, uống rượu trong các quán trọ, xăm lên tay hình những trái tim, đi qua giông bão, về với Iemanja khi đến lượt mình. Ở những nơi này không ai hỏi mẹ nó là ai...
- Nhưng thỉnh thoảng tôi gặp nó được chứ?
- Bất cứ khi nào lòng cô mong muốn...- Giờ Francisco lại cảm thấy tội nghiệp cho người phụ nữ. Chẳng có người mẹ nào, dẫu tồi tệ đến đâu, lại không yêu thương đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Ngay cá voi, một loài vật không biết suy nghĩ, cũng quyết liệt chống trả các ngư phủ bảo vệ con, đôi khi bằng cả mạng sống!
- Cô có thể gặp nó ngay hôm nay. Tối nó sẽ về trên một chiếc thuyền từ Itaparica. Chúng ta sẽ đến chỗ nó...
Vẻ sợ hãi hiện trên mặt người phụ nữ:
- Nó đã một mình sao?
- Chỉ đến Itaparica rồi trở về thôi, đang học mà. Thực tình giờ nó cũng đâu thua gì người lớn.
Gương mặt người phụ nữ rạng vẻ tự hào. Con cô, một đứa trẻ mười một tuổi, đã biết lái thuyền vượt sóng nước chẳng kém cánh đàn ông. Cô hỏi tiếp, bằng một giọng trẻ thơ phát ra từ sâu thẳm tim mình:
- Nó trông có giống tôi không?
Lão Francisco nhìn người phụ nữ. Dẫu có mấy chiếc răng úa mẻ, cô ta trông thật xinh xắn. Chiếc răng vàng thậm chí còn điểm thêm cho vẻ đẹp kia. Mùi nước hoa thoảng nhẹ nghe hơi lạ ở đây, nơi vốn đậm mùi cá biển. Nét son trên miệng cô tươi màu máu, như vừa bị dập môi. Đôi tay cô rắn rỏi tròn trịa buông dọc thân mình. Dẫu bị cuộc sống vùi dập, cô ta trông vẫn thật trẻ trung, thậm chí khó tin được rằng cô là mẹ của Guma. Nhưng cô ta phải đứng đường suốt mười một năm qua, gặp gỡ đám đàn ông, ngủ với họ, bị đánh đập bởi không ít người trong số họ. Bất chấp những chuyện trên, cô ta vẫn trông vô cùng hấp dẫn. Giá cô ấy chưa từng ngủ với Frederico...
- Ừ, nó trông giống cô. Mắt nó giống cô, cả cái mũi cũng hao hao vậy...
Người phụ nữ mỉm cười. Đó hẳn là những giây phút vô cùng hạnh phúc. Một ngày nào đó khi dáng vẻ tàn phai, bị đàn ông ghẻ lạnh, hẳn cô sẽ còn có một nơi nương tựa cho tuổi già khi đến với con trai, nấu cho nó ăn và chờ đợi nó trở về từ giông bão. Chắc cũng chẳng cần nói ra lời xin lỗi. Những đứa con luôn biết tha thứ cho các bà mẹ già tàn tạ đột ngột quay về. Người phụ nữ lắng mình trong niềm hạnh phúc ấy, cô mỉm cười qua ánh mắt, làn môi, qua những cử chỉ đầy vui sướng, thậm chí mùi nước hoa nhắc nhở về thân phận đứng đường như cũng tiêu tan, chỉ còn lại mùi cá mặn và mùi nước thủy triều đang xuống.
° ° °
Gần chín giờ, Guma trở về trên con thuyền “ Quả cảm”. Ghé vào một cầu cảng nhỏ, cậu loa tay trên miệng gọi to:
- Bác ơi...í...i! Bác ơi...í...i!
- Ta ra ngay
Guma nghe những giọng nói đến gần. Có ai đó đi cùng với ông bác, một người lạ bởi cậu không nhận ra giọng nói ấy từ xa. Tiếng Manuel từ thuyền mình gọi sang:
- Cậu có khách đấy, anh bạn!
Ai đi cùng với bác ấy nhỉ? Nghe giọng nói thì đó là một phụ nữ. Hay bác ấy đã đưa về đây người phụ nữ để cậu, Guma, ngủ cùng? Gần đây thỉnh thoảng Francisco và mấy tay đánh cá thường bóng gió chọc cậu về chuyện đàn bà, đàn ông, ông bác đã dọa sẽ đưa về một cô và để mặc hai người xoay sở với nhau trên thuyền, giữa biển:
- Để xem nó làm được gì, thằng quỉ nhỏ...
Cánh đàn ông cười nghiêng ngả và nháy mắt với nhau:
- Guma của ông đã là trang nam nhi trưởng thành rồi đấy. - Antoni co, chủ thuyền “Thành tín” nói như đinh đóng cột.
- Nó còn phải chứng minh chứ. - Raimundo vỗ tay cười ngặt nghẽo. - Chàng Jaques nhà quê của tôi sẽ nếm trái đầu mùa...
Guma hiểu họ nói gì: cần phải ngủ với phụ nữ, để thoát khỏi những cơn mộng mị nặng nề khiến cơ thề đau dần khi tỉnh dậy. Đã nhiều lần, tại những thành phố cảng nhỏ, nơi họ cập bến, cậu đã đi qua các phố có nhiều cô gái đứng đường nhưng chưa từng đủ gan bước vào bất kỳ ngôi nhà nào ở đó. Không ai nghĩ cậu chưa tới mười lăm tuổi tuy thực tình cậu mới mười một tuổi. Về mặt đó chẳng có gì phải ngại. Nhưng một cảm giác e sợ ngăn chân cậu. Cậu tin mình hẳn sẽ chết vì ngượng khi người phụ nữ đoán ra đây là lần đầu tiên của cậu, sẽ không chấp nhận và coi cậu như một đứa trẻ, một thằng bé không cha lang bạt ngoài đường. Cô ta hẳn không thể tin rằng cậu đã lái được thuyền đi biển, đã khuân được những bao bột khổng lồ. Có thể cô ta sẽ cười nhạo cậu. Và cậu đã không bao giờ bước chân vào nơi ấy...giờ thì bác cậu đã đưa về người phụ nữ mà ông từng hứa. Cậu cảm thấy bối rối.
Francisco chắc đã cho cô ta hay là cậu chưa hề biết đến phụ nữ, rằng cậu khờ khạo, nhút nhát dầu cũng đeo dao bên hông như mọi gã đàn ông. Rồi phải nói gì đây với người phụ nữ ấy, phải cư xử thế nào với cô ta? Và nếu bác cậuỏ đi mà bỗng muốn coi xem cậu hành xử ra sao, dẫu chỉ để sau này cười nhạo thằng cháu khốn khổ? Không, nếu vậy cậu sẽ bỏ đi, rời xa bến cảng vì xấu hổ, sẽ không bao giờ lái thuyền nữa trên vùng biển nơi này. Với những suy nghĩ âu lo ấy Guma nghe thấy những giọng nói đang tiến dần đến. Cậu run rẩy và cũng thầm mong họ đến mau hơn với nỗi khao khát sớm trở thành người đàn ông để có thể một mình cùng chiếc “Quả cảm” vẫy vùng trên mọi miền sông rạch, đi đến các bến bờ xa khuất ở tương lai.
Những tiếng nói đến gần hơn. Đúng có giọng phụ nữ. Bác cậu ta đã đến đây để làm tròn lời đã hứa. Hẳn ông vẫn đang xấu hổ vì đến giờ cháu mình vẫn chưa thành đàn ông, vẫn chưa biết thế nào là phụ nữ. Và bởi Guma không đủ can đảm bước vào nhà họ, ông đã mang về đây một người, như người ta mang thức ăn cho kẻ mù lòa, đưa nước uống cho người tàn tật. Chắc sẽ xấu hổ lắm, nhưng lúc này cậu không muốn nghĩ về chuyện đó. Cậu nghĩ chỉ một lát nữa thôi cậu sẽ có bên mình thân thể của một người phụ nữ, một cơ thể biết rành mọi bí ẩn trên đời Cậu sẽ bảo ông bác đi ra, để mình cậu với nàng, và sẽ đong thuyền ra giữa vịnh. Những giai điệu du dương vẫn vọng về từ pháo đài cổ, từ những con thuyền khác. Cậu sẽ làm tình, sẽ cảm nhận những điều bí ẩn không cùng. Rồi cậu có thể một mình đưa con thuyền đến mọi vùng đất ven vịnh, và một ngày nào đó hiên ngang nhìn thẳng mặt nữ thần Iemanja, và cũng có thể cùng Người ân ái bởi đã biết rõ những bí ẩn mà cánh đàn ông luôn nói đến. Guma thậm chí thấy lạnh tuy đêm hơi oi và làn gió ấm thổi hiền hòa, chỉ ru nhẹ các con thuyền trên mặt nước. Nói cho đúng Guma không cảm thấy lạnh mà thấy sợ. Tiếng nói nghe đã rõ hơn:
- Nó còn trẻ con, nhưng cô cứ nhìn mặt xem, một trang nam nhi thực sự...
Giọng của bác cậu, Hẳn người phụ nữ đã hỏi cậu trông thế nào. Phải thôi, cô ta cũng muốn biết phải cư xử với cậu ra sao chứ. Và cậu sẽ chứng minh mình đã trưởng thành, mình mạnh khỏe, sẽ ghì xiết khiến cô ta phát khóc, sẽ không buông nếu cô ta còn chưa công nhận cậu thậm chí còn khỏe hơn tất cả đám đàn ông cô từng gặp trước giờ. Có tiếng nói của người phụ nữ:
- Tôi mong đó là một trang nam nhi, đẹp trai, dũng cảm...
Guma cảm thấy tim mình ngập tràn hạnh phúc. Cậu đã yêu người phụ nữ kia dầu chưa biết mặt, người mà bác cậu đưa về, và cậu tính chuyện sẽ đưa cô ta đến các cảng bên vịnh, cùng cô đưa thuyền ngược những dòng sông. Cậu sẽ không để cô ta quay về với cuộc sống cũ. C sẽ hoàn toàn thuộc về cậu. Cô ấy hẳn xinh đẹp, vì bác cậu vốn rành phụ nữ, dân cảng đều nói vậy. Những phụ nữ ông thường đưa về thuyền cho những đêm yêu đương luôn là những người đẹp. Vào các đêm ấy Guma nghe thấy những âm thanh của thân thể, những tiếng rên, những nụ hôn và những tiếng cười. Khi không chạy đi, cậu ở lại, đôi tai bất động với ước vọng kỳ quái muốn thăm dò và nỗi sợ hãi vô hình ngăn cậu lại. Một đêm cậu nghe tiếng thét vang đau đớn. Cậu chạy bổ vào, tin rằng Francisco đã đánh người phụ nữ. Nhưng họ đuổi cậu ra. Mãi về sau cậu mới hiểu ý nghĩa của những giọt máu còn vương lại trên ván thuyền sau bữa đó. Cô gái lai bé nhỏ ấy còn trở lại nhiều lần, và cậu chẳng bao giờ nghe tiếng kêu nhói từ miệng cô ta nữa. Chỉ còn những tiếng rên rỉ như mọi người.
Người phụ nữ đang đến kia chắc sẽ không kêu như vậy. Đây hẳn không phải là lần đầu đối với cô ta. Tuy nhiên, một ngày nào đó, cậu cũng sẽ khiến một cô gái bật lên tiếng kêu giống như thế trên thuyền, như bác cậu đã làm với cô gái lai bé nhỏ. Cậu nghe tiếng Francisco gọi:
- Guma!
- Cháu đây...
Chiếc thuyền đã ghé sát cầu tàu. Dưới lớp bùn là chiếc mỏ neo móc giữ con thuyền. Bác cậu và người phụ nữ đã đến sát bên bờ nước. Francisco nhảy gọn lên thuyền và chìa tay đón người phụ nữ đang nhảy theo, đôi chân trần lỗ ra, đầy đặn. Guma nhìn và nỗi khao khát mãnh liệt thoáng bùng lên như lửa, chế ngự cậu hoàn toàn. Cô ta thật đẹp, đúng thế. Giờ thì bác cậu cứ tùy thích bỏ đi, khỏi quấy phiền, mặc cậu ở lại một mình cùng với cô ấy và Guma sẽ cho thấy cậu có thể làm gì. Người phụ nữ nhìn Guma và thực sự tỏ ra thích cậu. Phải, cậu chàng trông ra dáng đàn ông tuy mới mười một tuổi. Guma mỉm cười, để lộ hàm răng sáng trắng. Francisco bối rối đưa tay chưa biết nói sao. Người phụ nữ mỉm cười. Guma nhìn hai người và không hiểu sao bỗng bật cười vui sướng. Người phụ nữ hỏi:
- Cậu có biết tôi là ai không?
Vâng, cậu biết cô là ai chứ. Cậu đã chờ cô biết bao lâu. Cậu đã đi tìm cô trên những con phố của những cô gái khốn cùng, trên bãi biển, qua ánh mắt của tất cả người phụ nữ nhìn mình. Giờ cậu đã tìm ra. Cô là người đàn bà của cậu. Cậu biết cô đã rất lâu, từ khi nỗi khát khao len vào tâm trí, quấy rối bao giấc mơ trong những đêm d
Francisco nói:
- Guma, đây là mẹ cháu.
Nhưng nỗi khát khao ấy chẳng hiểu sao không biến mất. Cô ấy không thể là mẹ cậu, người mẹ cậu chẳng bao giờ nghĩ đến. Một trò láu lỉnh của ông bác, chắc thế. Người phụ nữ trước mặt cậu lúc này là một cô gái đứng đường đã đến đây để ngủ với cậu. Francisco lẽ ra không nên so cô ta với mẹ cậu, một phụ nữ hẳn phải dịu dàng, phúc hậu biết bao, vượt xa những gì cậu nghĩ...Mà có điểm gì chung giữa mẹ cậu và tất cả những gì cậu vừa nghĩ đến? Nhưng người phụ nữ đã đến sát bên và hôn cậu, nụ hôn của tình mẹ. Gái đứng đường không hôn như vậy. Giọng người phụ nữ trong và ấm:
- Mẹ bỏ con lâu quá...Mẹ sẽ không bao giờ để mất con lần nữa...
Guma bỗng bật khóc, bản thân cũng không hiểu vì sao, vì đã gặp được mẹ hay vì mất đi người phụ nữ đang tìm.
° ° °
Cậu không hiểu câu ấy có ý nghĩa gì. Vì sao bà trở về? Và trở về từ đâu? Vì sao bà ấy ôm ghì mình như thế? Với cậu bà ta là người lạ. Cậu chưa bao giờ nhớ đến mẹ mình. Suốt mười một năm qua chưa ai nói với cậu về người mẹ ấy. Và khi trở về bà đã làm xáo trộn mọi nỗi ước ao, mang theo sự duyên dáng hấp dẫn của một người phụ nữ khác cùng những điều gì đó nữa mà cậu hằng chờ đợi khát khao. Là mẹ cậu nhưng dường như bà còn giống hơn với người phụ nữ mà cậu chờ mong, bởi hương nước hoa từ bà là mùi hương của những người phụ nữ ấy, và dầu có cố gắng đến mấy từ môi bà vẫn lộ ra những lời lẽ cậu không muốn nghe, những cử chỉ cậu không biết đến ở những người đàn bà miền biển. Bà là mẹ cậu, nhưng Francisco như dán mắt vào bà, vào cái cổ trắng ngần và khoảng da thịt thoáng lộ nơi phần trên bầu vú vun đầy, vào cặp chân dài đầy đặn dưới tà váy được gió nâng lên. Guma chỉ muốn khóc. Khóc là chuyện đàn ông không làm, ai cũng biết thế. Chính vì vậy Guma chỉ cắn môi im lặng, đợi cho người phụ nữ ấy ra đi và cơn mê này kết thúc. Francisco cảm thấy bồn chồn. Lão biết cô ta đã ngủ với em mình, cô là mẹ của Guma, nhưng hình ảnh da thịt cô lão vừa thấy cứ dai dẳng trong tâm trí. Và lão bắt đầu hối cô cùng đi, viện cớ đêm đã muộn:
- Cô còn phải đi qua cả bến cảng đấy. Khuya rồi...
Người phụ nữ tạm biết Guma:
- Mẹ sẽ về thăm con, con trai của mẹ...
Francisco đi cùng với cô ta. Guma ở lại trên thuyền đứng nhìn theo. Không một giây phút nào cậu cảm nhận cô ta như người mẹ ruột. Và giờ đây người sẽ đi ngủ cùng cô ta là Francisco. Một thân một mình trên thuyền, Guma vụt khóc. Lần đâu tiên cậu nghe giai điệu của bài hát mà lời ca nói rằng: “thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi”... và cũng lần đầu tiên cậu nghĩ đến chuyện đi gặp Iemanja, tức Janaina, vị nữ thần đồng thời là mẹ, là vợ của những người sống trên biển cả.
° ° °
Lão Francisco trở về đây giận dữ, môi mím chặt, cặp chân mày nhăn nhíu. Lão nhảy lên khoang thuyền, chẳng nói chẳng rằng kéo ván nằm hút tẩu và ngó biển. Guma mỉm cười: đêm nay ông bác cũng nằm khan. Người đàn bà của Friderico không muốn đi cùng anh trai người đàn ông của họ. Họ cũng có luật danh dự của mình. Chỉ lúc này Guma mới có chút cảm tình với người phụ nữ ấy.
Nhưng trăng đã lên, mái tóc của Iemanja lại trải dài trên mặt biển. Và giai điệu ấy lại vọng lên từ các con thuyền, từ pháo đài cổ, từ những con tàu, từ bến cảng, bài hát ngợi ca nữ thần biển, nữ chúa của ngàn khơi, người mà ai cũng khát khao và sợ hãi. Người là mẹ và là vợ. Chỉ riêng Người biết được nỗi thèm muốn khát khao kia và có thể làm khuây khỏa vỗ về cho tất cả. Cánh phụ nữ đang cầu nguyện Người. Mỗi người cầu mong một điều gì đó. Guma cầu mong có được một người phụ nữ xinh đẹp, thảo hiền, không có mùi nước hoa như mẹ cậu, cầu Iemanja ban cho mình một cô gái trẻ trung, trinh trắng như cậu và xinh đẹp như bản thân Người. Nếu được vậy hẳn cậu có thể quên đi người mẹ mình đã đánh mất, kẻ đã nhòa tan trong đám phụ nữ đứng đường, đã bán thân cho mọi gã đàn ông, đã quyến rũ bác cậu, làm ngất ngây cả Guma, đứa con trai ruột của mình.
Nữ thần Iemanja hay Janaina như cánh lái thuyền thường gọi, thương những người đi biển và luôn hạ cố đến những giấc mơ, những khao khát cháy lòng của họ.
° ° °
Mẹ của Guma đã không trở lại, dù chỉ một lần.Hẳn người đã trôi dạt đến những miền đất khác.Vì cũng như dân đi biển, cánh phụ nữ đứng đường không ghé lâu ở một bến cảng nào. Họ cứ đi, đi mãi, đến bất cứ đâu có thể kiếm sống, kiếm tiền.Tuy nhiên hình ảnh ấy, mùi hương lạ ấy một thời gian dài vẫn ám ảnh hoài trong giấc ngủ Guma. Cậu những mong người trở lại, không phải như người mẹ với những lời âu yếm dịu dàng mà như một cô gái đứng đường với đôi môi hé mở đợi chờ những nụ hôn ân ái. Lòng cậu không bao giờ còn thanh thản. Trong con tim non trẻ của cậu hoà trộn hình ảnh thuần khiết tối thiêng của người mẹ và bóng dáng của người phụ nữ bán thân kiếm sống, kẻ phải sử dụng tình yêu như một món hàng. Cậu chưa từng có mẹ. Cậu đánh mất người ngay khi vừa tìm được, khát khao người mà chẳng có chút tình yêu, thậm chí còn căm giận. Duy nhất trên đời chỉ có một người có thể đồng thời làm mẹ và làm vợ, đó là Iemanja, và đấy cũng là lí do tại sao nữ thần được dân đi biển khát khao đến thế. Để được yêu Iemanja, người mẹ và người vợ, ngươi phải chết. Nhiều lần Guma đã tính nhảy xuống biển trong giông bão. Để được đi cùng Janaina để được yêu người mẹ và cũng là người vợ ấy.
Rồi một đêm nọ lão Francisco đưa về thuyền một cô gái lai den và bỏ đi. Khi Guma trở về, quần xắn cao, chân đầy bùn đất cô ta uể oải xoãi người nằm trên ván thuyền đầy quyến rũ, ánh mắt nhìn đượm vẻ gì đó lạ lùng. Cậu hiểu. Hai năm đã qua từ ngày mẹ cậu xuất hiện. Cô gái hôm nay lẽ ra đã phải đến từ buổi ấy, thay vì mẹ cậu. Như thế này có lẽ lại hơn.
Và khi những đám mây lớn che phủ vắng trăng, cậu đưa thuyền ra giữa vịnh với những ngọn gió đuổi phía sau mang theo lời ca từ bến cảng. Những tiếng kêu tự hào vang lên từ lồng ngực Guma. Chắc trên bờ lão Francisco và mọi người đang cợt đùa chuyện cậu. Mặc giờ cậu cũng là một người đàn ông biết cư xử ra sao với một người phụ nữ. Giờ cậu có thể một mình dong buồm ra đi cùng con thuyền “Quả cảm”, như một tay lái thuyền thực thụ, đến mọi bến bờ. Đêm ấy cậu cập bến sau một cơn giông bão ra bất chợt. Cô gái lại sợ hãi nép đầu vào ngực cậu ngay từ khi nghe tiếng sấm đầu tiên. Cậu mỉm cười thầm nghĩ hẳn ghen tuông nên Iemanja đã làm dậy lên cơn mưa bão chống lại mình.
Một ngày nọ (nhiều tháng năm qua, nhiều phụ nữ cũng từng qua). Lão Francisco suýt nữa đã lao thuyền vào đá: đá ngầm trên sông. Nếu Guma không kịp lao tới bẻ quặt tay lái hẳn hai người đã phải vĩnh biệt con thuyền. Ông lão đã cúi đầu lầm lì không nói cười suốt chuyến đi. Tối thấy lão không kể chuyện, chẳng đùa cợt với bạn bè ở quán như mọi khđường về lão trao tay lái cho Guma và oải người nằm ngủ trên ván, mặc cho nắng muộn buổi mai đánh thức tấm thân già. Lão nói Guma:
- Ta đã cầm lái ở đây trên ba chục năm rồi….
Guma đưa mắt nhìn ông bác. Ông già thổi tàn khói tẩu thuốc Francisco không thuộc loại hài lòng với chuyện suốt đời xuôi ngược một dòng sông. Ông ấy mong làm thuỷ thủ trên những con tàu lớn, biết những bến bờ xa…Ai chẳng có con đường đi của họ….
Nắng chói chang trên mặt nước bình yên. Những tảng đá ngầm lấp loá. Guma an ủi ông già:
- Bắc đã từng cầm lái những bốn con thuyền….
- Frederico đã đem cháy về sau một chuyến đi biển. Đã mười lăm năm rồi… Ông ấy từng dọc ngang theo những con tàu. Đầu tiên là những con đò đọc tuyến Baiana, rồi những con tàu lớn, đi khắp nơi kiếm tìm hạnh phúc cuộc đời. Cháu đã ở lại với ta, cho đến khi ông ấy trở về…
- Cháu còn nhớ. Lúc ấy đang giữa đêm, đột nhiên…
- Ông ấy không nói vì sao đã trở về. Ta nghĩ chắc lại chuyện gái gủng gì đấy. Người ta nói ông ấy đã đâm đổ ruột ai đó. Một đứa ngang tàng, chẳng bao giờ chịu nhục….
Guma mỉm cười nhớ lại hình ảnh cha mình trong chiếc áo mưa đen nước còn nhỏ giọt. Nhớ cảnh ông đã vui mừng ôm lấy Francisco:
- Anh, em đã về đây…
Thoạt tiên Guma sợ hãi, thậm chí còn chạy tránh những cái hôn, tránh bộ ria rậm rạp của ông. Nhưng giờ đây trong anh dậy lên một niềm vui khó tả khi hồi tưởng lại giây phút ấy, khi người cha đột ngột trở về và bước đến với anh..Sau khi đã đâm thẳng bụng một gã nào đó, vì một cô gái lai đen. Người cha đã từng thấy bao miền đất xa xôi kì lạ, kể đã đi trên bao con tàu lớn vượt đại dương…
Lão Francisco nói tiếp:
- Rồi ông ấy ở lại cùng đi biển trên mấy chiếc thuyền của bác. Chiếc “ Sao mai”. Cháu có nh
- Cháu nhớ... Người mới sôi động làm sao…
- Cho đến cái đêm tháng năm ấy. Một đêm giông bão. Ta nhớ ông ấy vẫn đang cười ngay cả lúc hồn đang lìa khỏi xác. Một con sói biển can trường, sôi động, đúng như cháu nói. Bà nhà ta cũng ra đi vào đêm ấy bị đứng tim. Thậm chí ta đã kêu bác sĩ nhưng chẳng ích gì. Tim mà, cháu biết đấy…
Guma tự hỏi vì sao tự nhiên lão Francisco lại nhắc về những chuyện ấy. Ông ấy thiếu gì chuyện để kể, sao lại kể chuyện mình? Không hiểu vì sao anh chợt cảm thấy buồn.
- Lẽ ra ta đã nên ngừng đi biển từ bữa ấy. Chẳng còn gì phải làm… Nhưng ta còn có cháu và cần phải dạy cháu cách điều khiển con thuyền… Giờ cháu đã thạo rồi.
Ông già mỉm cười. Guma cũng cười thạo. Anh đã biết phải làm sao để lèo lái một con thuyền. Người không còn biết gì hơn nữa chính là ông lão Francisco, kẻ đã truyền hết kiến thức của mình cho đứa cháu.
- Ta đã già rồi… Với ta mọi chuyện đã xong… Thân ta giờ đến cá cũng chê chỉ rặt xương…
Lão im lặng một thoáng như gắng vận hết sức mình
- Cháu thấy chưa?? Lúc xuôi theo dòng nước chút xíu nữa ta lao chiếc “Quả cảm” nảy vào mỏm đá…
- Đâu có, bác mình vòng qua nó rồi mà!
- Vì cháu đã vặn tay lái kịp. Mắt ta giờ tối rồi. Nắng biển gặm nhắm mắt con người…
Lão nhìn chăm chăm Guma như tính nói một điều gì đó quan trọng. Mặt trời thiêu đốt trên da nhưng lão như con nít già sương nắng. Lão đưa tay lên:
- Ta già rồi, đã trải qua mọi chuyện. Nhưng ta không muốn bị đám da đen trên cảng cười nhạo. Sao nhỉ, sau ba mươi năm chèo lái lão Francisco đã đâm thuyền vào đá. Đến cá giờ cũng chê thân xác của ta...
Giọng lão đầy đau khổ, Một nỗi đau không lời như linh cảm giây phút cáo chung đã đến. Guma ngồi im, chẳng biết nói sao. Francisco tiếp:
-Cháu đừng kể cho ai… Chẳng một ai muốn thấy ta phải xấu hổ…
Chặng đường về còn lại trôi đi trong im lặng và đó cũng là chuyến đi biển cuối cùng của ông lão Francisco.
Giờ thì anh là người duy nhất chèo lái con thuyền “Quả cảm” trên những vùng nước xanh thẳm này. Lão Francisco giờ chỉ sửa thuyền, uống rượu và kể chuyện.Với lão mọi việc đã xong, chiếc “Quả cảm” chỉ là quá khứ va biển không muốn cướp lão đi nữa. Lão đã được tận mắt thấy Iemanja mỉm cười với mình, số lão chẳng phải chết mới gặp được nữ thần biển cả.
Guma ở lại với những con thuyền nhỏ, với bến cảng, nhưng con đường của cha luôn quyến rũ anh, anh yêu thích những con tàu khổng lồ neo tại cảng, mê mẩn lắng nghe những ngôn ngữ lạ kỳ của các thủy thủ tóc vàng,những câu chuyện của cánh thợ máy da đen cùng những lời họ bảo anh rằng một ngày nào đó nhất định anh cũng sẽ ra đi trên những con tàu ấy, sẽ nhìn thấy những miền đất khác, vầng trăng khác, những ánh sao khác, sẽ hát lên bài ca hải cảng quê mình trên bến lạ, nơi mọi người dù không hiểu lời ca nhưng vẫn im lặng lắng nghe chỉ vì giai điệu của nó, chỉ vì đó là bài ca của người đi biển, nghĩa là dẫu bằng ngôn ngữ nào nó cũng nói về biển cả, bất hạnh và tình yêu. Ngày nào đó anh sẽ đi trên một trong những con tàu nọ, nhìn lại những chiếc thuyền bé xíu này, sẽ đổi những vùng nước yên bình nơi vịnh và sông Paraguacu lấy những vùng biển vô tận đầy sóng gió ngàn khơi, theo những con đường triền miên dẫn đến những vùng đất xa xôi cùng cực. Ôi, được ra khơi trên những con tàu đen to lớn, được sống trong những huyền thoại từng nghe, đó mới là niềm ao ước của anh. Đã có vài tay đánh cá bỏ thuyền đi như vậy. Đôi khi họ trở về ít bữa, kể những chuyện kỳ lạ kinh người, tả những vụ đắm tàu trong bão tố, những trận chiến với đám da vàng nơi tận cùng thế giới và nói bằng thứ tiếng pha trộn mọi thổ ngữ trên đời. Nhưng cũng có những người không thấy trở về. Chico Tristeza (“Francisco buồn bã, ai mà không nhớ anh ta”) được thuê lên một chiếc tàu chở hàng của Đức từ khi còn là một cậu bé. Một tay da đen to lớn chẳng bao giờ thấy mỉm cười. Anh ta ngó sóng, nhìn tàu và toàn nói chuyện ra đi. Tưởng như quê anh ấy là một miền đất khác, đâu đó bên kia biển. Một ngày nọ chiếc tàu từng đưa Chico Tristeza đi đã quay trở lại. Ngày bà mẹ già của anh ta bán bnh dừa tận trung tâm thành phố cũng chạy ra, không hiểu sao bà biết. Nhưng mọi người nhanh chóng tản đi bởi Chico Tristeza không trở về theo con tàu ấy. Anh ta đã chuyển sang con tàu khác làm thợ đốt lò. Từ tàu ấy, mấy người Đức nói, anh ta đã sang chiếc thứ ba và không ai còn biết anh ta đang ở nơi nào trên thế giới. Cũng có kẻ nói anh ta đã chết nhưng chẳng một ai tin. Người thủy thủ luôn trở về để chết tại bến cảng của mình, bên những con thuyền, những vùng nước quê hương. Tất nhiên trừ khi phần số buộc anh ta chết chìm ngoài biển. Và cả khi đó anh ta cũng theo nữ thần biển cả về ngắm trăng trên bến cảng quê nhà, nghe bài ca của những người có cùng nơi chôn rau cắt rốn. Chico Tristeza không chết, không thể chết ở một nơi xa xôi nào đó.
Guma không biết nhiều về Chico Tristeza bởi còn bé khi anh ấy ra đi. Nhưng anh thích các hồi ức về anh ta, và ao ước trở thành người như vậy. Những con tàu đen to lớn luôn quyến rũ anh. Sự huyền bí ẩn mình nơi đó, trong tiếng còi tàu, trong các mỏ neo nặng trĩu, cột buồm vươn cao. Ngày nào đó Guma sẽ ra đi tới những vùng đất vô bờ bến ấy. Chỉ còn mỗi ông lão Francisco giữ chân anh lại giải đất này, như một chiếc neo. Anh phải nuôi bác mình, người đã dạy anh tất cả những gì anh biết. Và khi ông già mệt mỏi với cuộc sống trên bờ và bỏ ra đi cùng Mẹ Biển anh cũng sẽ rời nơi này đến những vùng biển vô bờ, đường anh đi sẽ chẳng còn gì ngăn cản, cánh buồm con sẽ được thay bằng con tàu đen to lớn, và người trên bờ sẽ kể bao huyền thoại về anh.
° ° °
Anh trở thành người chủ duy nhất của chiếc “Quả cảm” và hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết. Tuổi thơ của anh đã kết thúc từ lâu, thậm chí trước cuộc ái ân cùng cô gái lai mà Francisco để lại trên thuyền trong tư thế nằm uể oải chờ anh. Chính vào ngày mẹ anh về, rất lâu trước khi gặp cô gái ấy, nhiều năm trước đó, ngày anh đã một mình đưa thuyền đến tận Itaparica và lần đầu tiên cảm thấy nỗi khao khát của người đàn ông trong cơ thể. Ngày hôm ấy anh đã cất tiếng cười thô lỗ của người đàn ông, chính hôm ấy những ý nghĩ tội lỗi đã nhập vào tim anh và ước muốn ra đi đã nảy mầm và sống mãi trong anh. Anh đã thành đàn ông từ buổi ấy.
Anh không nhớ được gì nhiều về tuổi thơ ngắn ngủi của mình bởi số phận một đứa trẻ vùng biển như anh đã được chọn lựa bởi phần số của người cha, người bác, của bạn bè và tất cả những ai đang sống quanh anh trên bờ biển ấy: số phận anh thuộc về biển và đó là một số phận anh hùng. Có thể anh không biết điều đó, thậm chí không hề nghĩ đến, cũng như những người đàn ông trên thuyền vẫn nói năng thô tục ban ngày và hát những bản tình ca êm đềm vào buổi tối, không biết rằng mình là những ùng từng giây phút liều mình trên sóng nước, trong mưa giông chớp giật hay dưới vầng mặt trời rực lửa đang cháy sáng trên Bahia, Thành phố Thánh thần. Anh không bao giờ nghĩ mình có số phận anh hùng và cuộc đời đẹp đẽ. Tuổi thơ anh cũng chẳng vô tư bởi có quá nhiều điều phải lo đến, phải lên thuyền từ khi còn quá nhỏ, phải chong mắt nhìn những mỏm đá ngầm nguy hiểm ẩn dưới mặt nước phẳng, tay trở nên chai sần do cầm lái, kéo chài.
Thời gian đến trường của anh cũng chẳng được là bao. Anh cùng đám trẻ con các chủ thuyền, con những người đánh cá chỉ có thể dành khoảng thời gian tối thiểu để đoán giải từng từ và nguệch ngoạc đôi dòng, dùng hết sức tô điểm cho cái đuôi của con chữ cuối cùng trong nhật ký. Có quá nhiều việc phải làm đang đợi chúng ta ở nhà và ở biển, chúng không thể nán lại trường lâu. Và khi gặp lại, cô giáo của chúng (tên là Dulce, nghĩa là hiền dịu) không còn nhận ra các trò năm trước của mình qua những người đàn ông trẻ con lớn xác, ngực trần, mặt cháy nắng ấy. Chúng đi qua bên cô, rụt rè cúi đầu, vẫn yêu cô như những đứa trẻ bởi cô thật dịu hiền và mệt mỏi biết bao sau tất cả những gì đã thấy trên dải đất này. Cô đã thấy nơi đây nhiều chuyện đáng buồn, một cô bé tốt nghiệp trường sư phạm nhận về dạy ở đây để nuôi người mẹ nghèo trước kia từng giàu có, nuôi người anh say xỉn từng là niềm hy vọng của cả nhà: cô, mẹ và cả cha nữa, một người đàn ông vui tính râu rậm, giọng trầm đã qua đời trước khi mọi chuyện trong nhà trở nên tồi tệ. Cô về thay một bà giáo già độc thân nanh ác thường khẻ tay lũ trẻ, gắng biến lớp học của mình thành mái ấm tình thương cho đám trẻ trong vùng. Nhưng cô đã thấy bao chuyện buồn đau bên những con tàu, trong những ngôi nhà tồi tàn của dân chài lưới, trên các khoang thuyền, cô đã thấy cận kề những mảnh đời khốn khó,đã mất đi sự tươi tắn lẫn niềm vui và không còn mộng mơ như những ngày đầu về chàng hoàng tử sẽ đến với mình từ xứ sở xa xăm trên một con tàu lớn, ý tứ cho những vần thơ tình cũng úa héo dần đi. Và vì theo đạo - Cô cầu nguyện Chúa trời - vốn độ lượng - hãy kết thúc cảnh khốn khó tột cùng kia nếu không muốn sớm đến ngày tận thế. Từ cửa sổ ngôi trường cô giáo gầy gò nhìn đám trẻ dơ dáy, rách rưới, không sách, không giày rời lớp học để đến với bao công việc nặng nề, để lang thang qua những quán bar trên cảng, để thù tạc rượu chè mà cô không hiểu. Mọi người đều khen cô nhân ái, chính cô cũng biết thế. Tuy vậy chỉ những ngày đầu đến đây cô cảm thấy mình xứng với lời khen ngợi ấy khi nói lời an ủi với những con người vô vọng ở đây, khêu lên nơi họ niềm hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ấy đã tắt từ lâu,ngay trong bản thân cô, lời cô nói giờ trở nên trống rỗng, không gì còn có thể sưởi ấm những trái tim vốn đã tổn thương sâu sắc bởi bao thất vọng phũ phàng… Chính cô cũng đã mòn mỏi qua chờ đợi. Không thể tìm lại những lời an ủi ấm áp ngày xưa. Cô chẳng thể làm gì hơn cho họ, những người gửi con cái mình đến nhờ cô dạy dỗ nửa năm trời.Không, cô không xứng đáng được khen là nhân ái,không còn đâu những lời sáng suốt để nói, chẳng giúp được gì cho những người này. Nếu không xảy ra điều gì đó diệu kỳ,một sự thay đổi lớn lao, hùng vĩ, bất ngờ như bão tố, hẳn cô sẽ chết ở đây bởi bao nỗi u buồn, trăn trở do thấy mình không giúp được gì cho những người con, những con người của biển.
Guma đã học đọc, học cách viết tên mình dưới mái trường cô. Cô gắng dạy cho cậu biết thật nhiều. Nhưng lão Francisco gọi cậu lên thuyền, số cậu là ở đó. Chưa có luật sư, bác sĩ nào xuất xứ từ nơi đây, nhưng thợ máy thì nhiều, thậm chí có người đã tiến xa, trở thành điện tín viên trên một tàu khách lớn.
Guma rời trường, lòng không vui, cũng chẳng buồn. Cậu thích cô giáo, việc học với cậu cũng chẳng mấy khó khăn, cậu thích Rufino, thằng bạn nhỏ da đen biết trổ những hình xăm bằng đầu ngòi viết song chẳng bao giờ thấy thuộc bài. Nhưng cậu cũng thích ra biển trên một chiếc thuyền buồm, đi đón đầu số phận. Hôm xa trường cậu được cô Dulce trao cho một chiếc mề đay nhỏ quàng trên cổ.
Từ cửa sổ cô nhìn theo bóng Guma đang dần xa. Mới mười một tuổi đầu và cậu đang đi những bước đầu tiên vào cuộc sống tự lập, như một luật sư, bác sĩ nào đó vừa tốt nghiệp ra trường và sắt bắt đầu cuộc sống riêng của mình ở tuổi hai lăm. Guma cũng vừa tốt nghiệp và sắp bắt đầu cuộc sống tự lập của mình, nhưng không có tiệc tùng, cũng chẳng có một lời chúc tụng, chỉ có cảm giác nhẹ nhõm hơn vì bớt phải giặt đồ để luôn sạch sẽ chỉnh tề khi đến lớp theo nội qui. Cậu học trò ấy ra trường lòng cũng không hoài bão. Không ước mơ về những cuộc chinh phục lớn lao, những phát minh vĩ đại, những sáng chế phi thường, những áng thơ êm đềm hay bi tráng. Cô biết Guma rất thông minh, trong số bạn học ở trường Sư phạm, thậm chí đám bạn bè Hàn lâm của cô ở Viện văn học cũng ít người thông minh như vậy. Tuy thế họ luôn hy vọng lập nên những kỳ tích trên đời, mơ ước về một số phận lớn lao đang chờ phía trước. Những hoài bão ấy chẳng bao giờ đến với các học trò nhỏ ra đi từ mái trường cô. Số phận đã an bài với chúng. Mũi xuồng, mái chèo. Quá lắm là phòng máy một con tàu lớn như một giấc mơ xa ít người nghĩ đến. Biển vẫn nằm đó trước mắt cô giáo như lần đầu tiên cô thấy. Biền đã nuốt đi nhiều học trò cô, nuốt đi ở cô cả giấc mơ thời con gái: Biển tuyệt vời nhưng khắc nghiệt. Người ta nói biển là tự do, và tự do là phần số những người sống trên biển cả. Nhưng cô giáo Dulce hiểu rõ sự thực không phải vậy, tất cả đàn ông,đàn bà, bọn trẻ ở đây nào có tự do, họ là những nô lệ của biển, bị cột chặt với biển bằng những xiềng xích nặng nề không ai thấy.
Ngoài kia Gubước đi, cậu bé học được rất nhanh ấy. Nếu được vào trường Bách khoa hẳn cậu có thể thành một ký sư giỏi, có thể sáng chế ra những chiếc máy làm nhẹ bớt công việc của người đi biển, giảm bớt rủi ro cho họ trên những vùng biển bao la đầy bất trắc. Nhưng trẻ miền biển không vào trường Đại học. Chúng đi theo những con thuyền. Ban đêm chúng sẽ hát những bài ca về biển, trong đó có những giọng ca tuyệt vời. Có điều các bài hát lại u buồn, như cuộc đời của chúng. Thực không thể hiểu… Cô Dulce không thể hiểu vì sao…
° ° °
Mỗi khi gặp cô Dulce hay khi gió lay lật chiếc mề đay treo trước ngực, Guma thường nhớ về trường và về tuổi thơ của mình đã nhanh chóng trôi qua.
Vào một ngày đã rất xa, khi biển động,mưa trên thành phố và thuyền bè không thể ra khơi, lão Francisco đang kể cho vợ và Guma nghe chuyện đắm tàu, cửa bỗng mở và một người đàn ông bận áo mưa sũng nước bước vào. Hầu như anh chỉ còn nhớ nơi người đó bộ ria rậm nhưng không thể quên giọng nói với lão Francisco:
- Anh, em đã về đây…
Guma cảm thấy sợ nhưng ông ta đã đến bên, vui mừng vồn vập hôn anh, vừa ngắm nhìn tận mặt. Rồi ông ngồi rỉ rả với Francisco, kể cho lão về vụ ẩu đả, về một tay nào đó đã “đi ngủ với con giun”. Cha anh đã trở về như thế sau khi bôn ba bốn biển năm châu. Ông trở về sau cái chết của ai đó dưới lưỡi dao của mình và không thể rời khỏi vùng biển quê để tiếp tục những cuộc phiêu lưu mới. Nhưng có thể cũng vì quá tôn thờ những chuyến viễn du, cha anh không nấn ná lâu trong vùng nước quê nhà mà đã đi cùng chiếc “Sao mai” về nơi đáy biển sau khi cứu mạng anh mình. Chỉ như vậy ông mới có thể tiếp tục cuộc viễn du dang dở và được đi cùng Mẹ Biển vốn yêu thương những kẻ can trường.
Guma không nhớ rõ lắm về cha, nhưng nhớ rõ cái đêm giông bão ấy, khi ông đột ngột bước vào trong chiếc áo mưa đen, giũ nước mưa trên người, bên hông còn mang con dao đã lấy đi sinh mạng ai đó. “Chắc có chuyện gái gủng gì đây” - lão Francisco khẳng định khi câu chuyện ngẫu nhiên quay về vụ ấy - “Frederico đúng là tay sát gái…”.
Vào đêm cha mất, cả cô Rita, vợ bác Francisco, cũng đã ra đi. Khi bão lặng bà đã chạy ra bờ đá, mang theo Guma trùm trong chiếc khăn choàng che mưa chắn gió. Họ chờ đợi rất lâu trong vô vọng. Rồi họ về nhà, đã sắp tới giờ ăn tối. Bà làm cá nấu cho hai người đàn ông, tuy trong lòng hẳn không tránh khỏi ý nghĩ biết đâu cả hai đã làm mồi cho cá. Bà chờ đợi, đi ra đi vào, cầu nguyện Đức bà Monte Serrat, hứa hẹn với Iemanja. Bà cầu nguyện sẽ dâng hoa cho ngày hội của Iemanja, sẽ cúng hai cây nến lên điện thờ Đức bà Monte Serrat. Nửa đêm Francisco trở về. Bà lao vào vòng tay ông, và để lại sinh mạng mình nơi đó. Sức bà không chịu nổi niềm hạnh phúc lớn lao đến thế. Trái tim bà vỡ tan và Guma còn lại một mình, cùng lão Francisco.
Anh đã tham gia các lễ hội mừng Dona Janaina, đã đến chỗ Anselmo, vị thầy tế của quận Dam nhiều quyền năng trước nữ thần biển cả, đã gặp Chico Tristeza, người luôn nuôi mộng đi xa theo các con tàu. Anh còn nhỏ khi chàng da đen ấy bỏ nhà ra đi nhưng đã gặp anh ta rất nhiều lần trên cảng đang dõi mắt nhìn về phía chân trời xanh biếc, nơi tận cùng của vạn vật. Thế giới của Chico hẳn rất xa xôi, là miền đất của những con đường vô tận mà anh hằng mong được đến. Anh ấy đã dõi tìm về phương ấy mãi đến giờ và hẳn sẽ trở về một ngày nào đó bởi vốn là đứa con của vùng biển nơi này và sẽ về chết trên bến cảng quê hương. Anh ấy sẽ còn gặp lại Dona Dulce, người đã dạy anh biết đọc và thường nhắc về anh. Khi trở về hẳn anh ấy sẽ kẻ nhiều chuyện, cánh đàn ông trên cảng - cả những người già nhất - sẽ vòng trong vòng ngoài nghe chuyện của anh. Chắc chắn anh ấy sẽ trở về. Mọi con tàu đều mang tên mình trên thân tàu, trên bánh lái. Hệt như vậy, người thủy thủ cũng mang theo tên vùng đất cảng quê hương trong trái tim mình. Vài người còn xăm cái tên ấy trên ngực, sát cạnh tên những người tình họ đã yêu thương. Giống như con tàu có thể chìm ở xa nơi bến đậu, người thủy thủ cũng có thể chết xa vùng biển quê nhà. Nhưng rồi họ cũng sẽ quay về cùng với Iemanja vốn biết rõ ai từ đâu đến, để gặp lại người thân và nhìn lại vầng trăng quê hương khi ra đi vào thế giới vô cùng. Chico Tristeza sẽ trở lại. Hẳn Guma sẽ học được nhiều điều từ anh ấy, và anh cũng sẽ ra đi bởi những con đường thênh thang của biển luôn quyến rũ hồn anh.
Từ mọi ký ức tuổi thơ anh nhớ nhất việc Chico Tristeza đã đột ngột rời bỏ quê nhà ra đi theo một con tàu lớn. Ngày nào đó anh cũng sẽ đi theo con đường ấy.
Rất nhiều đêm tuổi thơ Guma ngủ trên con thuyền “Quả cảm” neo tại cảng. Một bên là thành phố lấp lánh trong vạn ánh đèn đường. Thành phố trải ngược lên sườn dốc với những nhà thờ vọng tiếng chuông ngân, tiếng cười nói và âm thanh xe cộ. Ánh sáng từ các thang máy lên xuống như trong một cây đèn phù thủy khổng lồ. Còn bên kia là biển, trăng, là những vì sao, và tất cả cũng đều lấp lánh. Nhưng tiếng nhạc ở đây nghe buồn bã, thấm sâu hơn vào mọi tâm hồn. Tàu, thuyền lặng lẽ cập b lượn lờ trong nước lặng. Tuy nhiên thành phố ồn ào huyên náo ấy còn yên bình hơn thế giới tĩnh lặng của biển cả bên này. Thành phố có nhiều phụ nữ xinh đẹp, nhiều chuyện ngông cuồng, những rạp phim, rạp hát, quán bar và rất nhiều người. Biển chẳng có gì giống thế. Tiếng nhạc của biển u buồn hát về cái chết và tình yêu đã mất. Nơi thành phố mọi thứ đều sáng rõ dưới ánh đèn đường, chẳng có gì huyền bí. Người biển khơi mọi thứ lại ảo huyền như những ánh sao đêm. Đường thành phố rất nhiều và vững chắc. Ngoài khơi chỉ có một con đường đầy bất trắc nhấp nhô biến động khôn lường. Đường thành phố đã bị chế ngự từ lâu. Đường trên biển phải chinh phục từng ngày, là cuộc phiêu lưu với mỗi ai, với mỗi lần đặt chân lên đó. Nơi đất liền không có Iemanja cùng lễ hội Janaina, không có bài ca buồn da diết ấy. Tiếng nhạc và cuộc sống của đất liền chưa bao giờ quyến rũ nổi trái tim Guma. Trên cảng chưa từng nghe chuyện một người con chốn vạn chài bị quyến rũ bởi cuộc sống bình yên nơi phố thị. Nếu kể chuyện do cho cánh thợ buồm già hẳn họ sẽ bật cười, không tin nổi. Người ta có thể bị quyến rũ đến xem những miền đất lạ, đúng. Nhưng từ bỏ con thuyền để sống suốt cuộc đời trên đất cạn, điều đó chỉ có thể nghe bên bàn rượu, giữa những tiếng cười khinh.
Guma chưa từng bị đất liền quyến rũ. Nơi ấy làm gì có những cuộc phiêu lưu. Đường trên biển mênh mông biến động, lôi cuốn hồn anh, đúng thế. Nó có thể đưa anh đến nơi tìm được cho mình hạnh phúc, tình yêu. Và có thể, cả cái chết, ai mà biết được? Biển mới là bến đỗ cuối của đời anh.
Cũng vào một đêm như vậy mẹ anh đã trở về. Chưa ai từng nói với anh về mẹ và bà đã đến từ đất liền, là người của đất liền, bà không có gì giống với những người đàn bà của biển, chẳng có gì giống anh, và anh nghĩ đó là cô điếm anh đang chờ đợi. Bà chỉ đến để khiến anh thấy khốn khổ hơn. Và bà đã không bao giờ trở lại. Nhiều phụ nữ khác từ đất liền đã đến thuyền anh, những ả điếm đầu tiên đến vì tiền, rồi những cô gái đen, gái lai từ các ngôi nhà cạnh cảng đến vì thấy anh cường tráng và coi việc ân ái cùng anh là một lạc thú ngọt ngào. Những người đầu tiên khiến nhớ đến mẹ. Họ dùng thứ nước hoa như bà, nói năng cũng vậy, có điều không biết cười như cách những phụ nữ biển mỉm cười với con, và như vậy nửa phần mẹ, nửa phần điếm, điều này càng khiến anh khổ sở muôn phần.
Bà đã không trở lại. Có thể bà đã lang bạt qua những vùng cảng xa với những đàn ông khác. Ai biết được, có thể hàng đêm, đơn độc một mình khi người đàn ông cuối đã rời đi, bà khắc khoải nhớ đứa con sống trên thuyền chẳng biết làm sao nhắn đôi lời gởi mẹ. Ai biết được, có thể bà đã mòn mỏi, u sầu bởi lòng thương nhớ để mất. Nhưng khi khúc nhạc tình yêu vang lên từ phía biển, vọng qua pháo đài lan tỏa lên các con thuyền, Guma quên đi mọi chuyện và thả hồn theo giai điệu dịu dàng của những bản tình ca da diết tuyệt vời.
° ° °
Tuổi thơ của anh qua nhanh. Guma hầu như chẳng biết đến các món đồ chơi trẻ con nhưng lại sớm cảm nhận được sức mạnh của bản thân và tìm nơi thể hiện. Vết sẹo lớn trên tay là dầu tích của một trận ẩu đả năm anh mười bốn tuổi. Đối phương là Jacques, Rodolfo, Mắt lác và Maneca tay vẹo. Bên này chỉ có anh và Rufino, trận đấu nổ ra vì một trò nghịch tai quái khi Maneca tay vẹo tốc váy em gái Rufino, một cô bé da đen vừa qua mười tuổi. Anh đang chuyện trò vớ vẩn với thằng bạn da đen của mình thì Maricota khóc lóc chạy đến:
- Nó lật nhìn váy em…
Rufino đi tìm Maneca tay vẹo. Guma không bỏ bạn trong những tình huống ấy, luật cảng là như vậy. Họ đi với nhau và thấy bốn đứa kia vẫn còn đang ngả ngớn nói cười. Rufino ra tay trước, cậu không ưa lý sự lôi thôi. Trận chiến nổ ra quyết liệt trên bãi cát nóng thiêu dưới nắng, hai kẻ thù lăn lộn trên đất, giáng cho nhau những đòn chí tử. Maneca tay vẹo - hắn cũng đầy đủ hai tay những một tay yếu vì tật - bị Rufino cho một đấm nằm thẳng cẳng. Tuy vậy trận đấu vẫn không cân sức - ba chọi hai, - và giữa hồi quyết chiến Rodolfo (phải nói rất tiểu nhân) đã rút dao đâm tới. Rufino đến giờ vẫn còn vết sẹo dưới cằm, lúc đó Guma chỉ kịp nhảy đến đánh bạt sang bên lưỡi dao đang đâm thẳng vào mặt bạn mình. Bọn kia phải bỏ chạy dầu đã chơi dao, dầu ba chọi hai. Rufino quệt máu trên mặt và hứa:
- Thằng Rodolfo phải trả giá vụ này. Bữa nào đó nó sẽ biết tay tớ…
Guma chẳng nói gì. Cậu ưa cái luật của đất cảng không cho phép chơi dao trừ khi kẻ địch đông hơn. Bất kỳ ai vi phạm luật ấy chỉ là đồ rác rưởi trong suy nghĩ của cậu.
Một tuần sau người ta tìm thấy Rodolfo nằm ngoài bãi cát, mặt mày bầm dập, không dao, không quần. Rufino đã thực hiện lời mình hứa.
Anh thích Rufino từ khi còn đi học. Mồ côi cha, lớn lên nhờ mẹ, Rufino không đi học được lâu. Cậu cũng chẳng học được gì nhiều ngoài chuyện xăm hình mỏ neo, hình những trái tim bằng ngòi viết và mực xanh. Bị Dona Dulce r la cậu chỉ toét miệng cười phơi hàm răng trắng cùng ánh mắt hiền lành vô tội khiến cô Dulce cũng phải cười theo. Cậu thôi học để đỡ đần cho mẹ và em gái, mang sức khỏe của đôi tay đi làm thuê cho mọi chủ thuyền. Cậu là một tay chèo cực khỏe bởi khắp vùng cảng này chẳng ai có được lòng tin như cậu vào Iemanja. Chắc chắn một ngày nào đó cậu sẽ có được chiếc thuyền của chính mình, điều cậu luôn nguyện cầu vào dịp lễ Thánh Mẫu, và cậu đã dâng bao nước hoa lên Đức mẹ Aioca (người da đen gọi Iemanja như vậy) để giữ cho mái tóc của Người. Hẳn Người sẽ cho cậu một chiếc thuyền vì trong các lễ hội mừng Người, cậu luôn là tay cuồng nhiệt nhất. Ngày nào đó cậu sẽ trở thành oga, thầy phụ lễ trong những nghi thức camdomblé của Người. Chàng da đen Rufino cười rất nhiều, uống cũng lắm nhưng giọng hát trầm lắng của cậu lại khiến người ta phải khóc.
Rodolfo trông chẳng giống gì với người dân xứ. Một ngày nọ cha gã đến đây mở tiệm tạp hóa, song chẳng thành công. Nhưng ông ta không bỏ đi mà dựng một sạp trong chợ để bán các món hàng cho chợ phiên ở Agua dos Meninos. Rodolfo ra đời và lớn lên thành một gã da trắng đẹp mã với mái tóc suôn tém dầu bóng mượt. Lớn lên gã đã sớm từ bỏ con thuyền do cha tậu cho, quay lưng lại với biển và sống không biết tận những đâu, thoắt ẩn thoắt hiện. Đôi khi gã trở về với những món tiền to, đãi rượu khắp và gây gổ ẩu đả ở quán “Sao hải đăng”. Lần khác gã lại hiện ra rách rưới tiều tụy như ăn mày, xin xỏ từng xu và uống nhờ kẻ khác. Dân cảng nhìn gã ngờ vực và nói đó là một tay “trí trá”.
Jacques cũng lớn lên trên những con thuyền như Guma. Hắn lấy vợ và chết cũng lượt với cha trong một đêm mưa bão, để lại vợ và đưa con còn nằm trong bụng mẹ. Maneca tay vẹo vẫn sống trên các con thuyền, với cánh tay vẹo gã cũng thạo lèo lái không kém gì ai. Ngay Manual, một lão làng trên cảng nhưng luôn trai trẻ trong đời cũng tỏ ra nể phục gã.
Đó là đám bạn bè thời trẻ con của anh. Trên cảng có vô vàn những đứa trẻ, giờ là những thợ thuyền kiểu ấy. Họ không chờ mong gì nhiều từ cuộc sống: đưa thuyền vượt sóng, có một chiếc thuyền riêng, thù tạc rượu chè ở “Sao hải đăng”, sinh một thằng con nối nghiệp và sẽ theo Iemanja một ngày nào đó. Dẫu sao vào những đêm đẹp trời từ cảng vẫn ngân lên bài ca du dương buồn bã ấy:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi…
Cô Dulce giờ đã già phải mang kính nghe lời ca và biết rằng họ chết mà không hề sợ hãi. Tuy vậy cô vẫn cảm thấy chia xót trong lòng. Cô lo sợ và tội nghiệp cho họão Francisco, kẻ không còn đi biển, chỉ ở trên bờ chờ cái chết bình yên không bão dồn sóng dập, cũng biết họ sẽ chết mà lòng không sợ hãi. Nhưng trái với Dona Dulce, lão Francisco ao ước được như họ. Bởi họ nói chuyến viễn du dưới biển cùng Iemanja của những kẻ đắm thuyền về miền vô tận còn nhanh hơn những con tàu mạnh nhất, xứng đáng hơn nhiều so với cuộc đời vô vị trên bờ.