MỤC LỤC
- 1 . Cánh Cửa Nhà Tù
- 2 . Khu Chợ
- 3 . Nhận Ra
- 4 . Cuộc Đối Mặt
- 5 . Hester Với Đường Kim Mũi Chỉ
- 6 . Bé Pearl
- 7 . Dinh Thống Đốc
- 8 . Con Bé Tiểu Yêu Và Chàng Mục Sư
- 9 . Lão Thầy Lang
- 10 . Thầy Lang Và Bệnh Nhân
- 11 . Bên Trong Một Tâm Hồn
- 12 . Đêm Thức Của Chàng Mục Sư
- 13 . Một Hình Ảnh Khác Về Hester Prynne
- 14 . Hester Và Lão Thầy Lang
- 15 . Hester Và Pearl
- 16 . Cuộc Đi Dạo Trong Rừng
- 17 . Mục Sư Và Con Chiên
- 18 . Ánh Nắng Chan Hòa
- 19 . Đứa Bé Bên Dòng Suối
- 20 . Chàng Giáo Sĩ Giữa Cung Mê
- 21 . Ngày Hội Miền Niu Inglơn
- 22 . Đám Rước
- 23 . Bộc Lộ Chữ A Màu Đỏ
- 24 . Đoạn Kết
Chương 24 : Đoạn Kết
Nhiều ngày trôi qua, khi thời gian đã đủ để cho công chúng sắp xếp lại được những suy nghĩ của mình về sự kiện đã diễn ra, người ta thuật lại những gì mà họ nhìn thấy trên bục xử tội theo nhiều cách khác nhau, chứ không phải chỉ có một sự miêu tả đồng nhất.
Đa số những người chứng kiến xác nhận rằng họ đã thấy trên ngực của chàng mục sư bất hạnh một chữ A màu đỏ - giống cái chữ mà Hester đeo – in hằn vào da thịt. Nhưng làm sao lại có được cái dấu ấy trên ngực chàng? Người ta có rất nhiều cách giải thích khác nhau, mà chắc hẳn tất cả đều chỉ là phỏng đoán. Một số người quả quyết rằng Đức Cha Dimmesdale, ngay trong ngày đầu tiên Hester Prynne đeo cái dấu ô nhục ấy, đã bắt đầu một quá trình tự hành xác để hối lỗi – mà sau đó chàng đã dùng nhiều phương pháp để theo đuổi đến cùng, nhưng các phương pháp ấy đều tỏ ra vô hiệu – bằng cách gây ra những vết nhục hình gớm guốc trên thân thể mình. Một số người khác đoán chắc rằng cái dấu ấy đã làm gì có lúc đầu, mà chỉ một thời gian dài về sau, lão Roger Chillingworth, là một thầy đồng gọi hồn cao tay, mới làm cho nó xuất hiện, bằng cách dùng ma thuật và những thứ độc dược. Một số kẻ khác nữa, - những người hiểu rõ tính nhạy cảm đặc biệt của chàng giáo sĩ và ảnh hưởng kỳ diệu của tinh thần anh tác động lên thể chất – thì thầm đưa ra mọi lối giải thích khác : họ tin rằng cái dấu ghê gớm ấy là do hàm răng gặm nhắm liên tục của sự hối hận tự đáy lòng tác động ra phía bên ngoài, và cuối cùng biểu thị sự phán quyết của Thượng đế ra thành chữ A màu đỏ ấy hiển hiện lên bề mặt của thể xác. Bạn đọc có thể chọn lấy một trong những thuyết ấy. Chúng tôi đã nêu ra tất cả những tình tiết mà chúng tôi thu thập được để soi sáng điều kỳ lạ đó, và bây giờ đây, khi mà điều kỳ lạ đó đã làm xong nhiệm vụ của nó, chúng tôi sẽ rất vui lòng xóa đi cái vết hằn sâu của nó trong đầu óc của chúng tôi, vết hằn mà quá trình dài trầm tư mặc tưởng đã in vào đó một cách quá minh bạch hoàn toàn trái ngược với lòng mong muốn của mình.
Thế nhưng kỳ dị thay, có một số người, tuy cũng chứng kiến từ đầu đến cuối quang cảnh diễn ra tại quảng trường họp chợ, và đã tuyên bố là mình không hề một lần rời mắt khỏi Đức Cha Dimmesdale, lại hoàn toàn phủ nhận những ý kiến trên, bảo rằng trên ngực anh không có bất cứ một dấu vết gì, chẳng khác gì trên ngực một đứa bé mới sinh. Họ bảo những lời của anh khi sắp chết không hề thừa nhận, mà cũng không mảy may ngụ ý rằng đã có một sự liên quan nào – dù ít ỏi nhất – giữa anh với cái tội lỗi đã khiến cho Hester Prynne bị xử phạt phải đeo chữ A màu đỏ trong thời gian dài như vậy. Theo những nhân chứng rất đỗi đáng kính này thì chàng mục sư, ý thức được rõ là mình sắp chết – cũng ý thức được rõ là lòng tôn sùng của quần chúng đã đặt anh vào hàng những vị thánh và thiên thần – nên đã muốn, bằng cách chút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người đàn bà sa ngã ấy, chứng tỏ cho thế gian thấy rằng đạo đức của con người dù được xem là ưu tú nhất, vẫn là thứ vặt vãnh đến như thế nào! Sau khi đã dốc kiệt hơi sức cuộc đời mình vào những nỗ lực nhằm mang lại lợi ích tinh thần cho đồng loại, anh đã dùng cách thức chết ấy của anh làm một biểu hiện ngụ ý, để ghi sâu vào đầu óc những người ngưỡng mộ anh bài học thấm thía và buồn bã, rằng, xem xét theo quan điểm về sự Thanh Khiết Vô Hạn của Thượng đế, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Bài học ngụ ý ấy muốn răn dạy họ rằng kẻ kẻ thánh thiện nhất trong chúng ta chỉ mới đạt tới mức cao hơn đồng loại của mình ở chỗ nhận thức được rõ hơn Lượng Khoan dung của Chúa hằng nhìn xuống, và có thái độ dứt khoát hơn trong việc gạt bỏ ảo tưởng về giá trị con người thường cứ khao khát nhìn lên. Chúng tôi không tranh luận về điều chân lý quá ư quan trọng ấy, mà chỉ xin được phép nhận xét rằng cái lối giải thích ấy về mục sư Dimmesdale là một thí dụ về thứ tình bạn trung thành ngoan cố đã khiến cho các bạn bè của mỗi người nào đó – đặc biệt là bạn bè của một giáo sĩ – thường tìm cách đề cao đức tính của người ấy lên, mặc dù đã có những chứng cớ, minh bạch như ánh mặt trời ban trưa soi rọi lên chữ A màu đỏ, cho thấy người ấy chẳng qua chỉ là một thứ sinh vật thoát thai từ bụi đất, mang vết nhơ của tội lỗi và sự lừa dối.
Tư liệu đáng tin cậy mà chúng tôi đã dựa vào làm căn cứ chủ yếu cho câu chuyện này – một bản viết tay có từ thời xa xưa, ghi chép những lời thuật lại bằng miệng của nhiều cá nhân, trong đó có một số quen biết Hester Prynne, và một số khác nghe những kẻ chứng kiến cùng thời ấy kể lại – hoàn toàn xác nhận những quan điểm đã nêu ở những trang trên đây. Trong số nhiều bài học răn dạy thấm thía mà chúng tôi rút ra được từ cuộc đời khốn khổ của chàng mục sư đáng thương, chúng tôi chỉ xin nêu ra một điều : “Hãy ngay thật! Hãy ngay thật! Hãy ngay thật! Hãy thẳng thắn cởi mở cho mọi người thấy, nếu không phải cái xấu nhất của anh, thì it ra là một nét gì mà qua đó người ta có thể suy ra được cái xấu nhất của anh!”.
Có một điều đặc biệt đáng chú ý là hầu như ngay tức khắc sau cái chết của Dimmesdale, người ta nhận thấy một sự thay đổi đột ngột ở bề ngoài và dáng vẻ của lão già mang cái tên Roger Chillingworth. Toàn bộ sức mạnh và nghị lực của lão – toàn bộ sinh khí và trí tuệ của lão – dường như cùng một lúc rời bỏ con người lão, đến mức mà lão khô héo đi, quắt lại và hầu như biến mất không còn ai giữa trần gian này nhận thấy nữa, giống như một búi cỏ dại bị nhổ bật gốc nằm phơi ra tàn héo dưới ánh mặt trời. Trong thời gian vừa qua, lão già bất hạnh đã lấy việc theo đuổi và thực hiện một cách có hệ thống cuộc báo thù làm chính nguyên tắc của đời mình : và khi mà, do cuộc báo thù đã được hoàn thành thắng lợi trọn vẹn, nguyên tắc ác độc ấy không còn chất gì nuôi dưỡng nó nữa – khi mà, nói tóm lại, không có một nhiệm vụ nào nữa của Quỷ dữ giao cho lão làm giữa cõi tục này, thì tên người trần đã mất tính người ấy chỉ còn có cách đi tới nơi nào mà chủ lão có thể tìm được đủ việc cho lão làm và trả công cho lão thích đáng. Thế nhưng, đối với tất cả những con người chỉ còn tồn tại như cái bóng hư ảo này, chừng nào họ còn là người quen gần gũi với chúng ta – như Roger Chillingworth và những kẻ khác giống lão – chúng ta sẵn lòng khoan dung. Có một vấn đề kỳ lạ đáng được xem xét và tìm hiểu, là không biết cái ghét và cái yêu, hai thứ tình cảm ấy, xét đến ngọn nguồn, có phải thực ra chỉ là một không? Mỗi thứ, trong sự phát triển tột bực của nó, đều đòi hỏi phải đạt đến sự mật thiết với nhau và hiểu biết tâm can của nhau ở mức độ cao ; mỗi thứ đều khiến cho cá nhân này lệ thuộc vào cá nhân kia để có được nguồn thức ăn nuôi dưỡng cho xúc cảm và sự sống tinh thần của mình, mỗi thứ đều khiến cho người yêu thương mãnh liệt hoặc người thù ghét – cũng không kém phần mãnh liệt – thấy mình bỗng bơ vơ trơ trọi và thất vọng khi đối tượng của mình rút đi không còn tồn tại bên cạnh mình nữa. Bởi vậy, suy xét một cách triết lý thì thấy dường như hai thứ tình cảm ấy thực chất chỉ là một, trừ phi một đằng ngẫu nhiên nằm trong vầng hào quang rực rỡ hạnh phúc như ở thiên đường, còn một đằng thì trong thứ ánh sáng ngầu đỏ lờ mờ và khủng khiếp. Trong thế giới linh hồn, có thể là lão thầy lang và chàng mục sư – kẻ này đã là nạn nhân của kẻ kia giữa đời này – sẽ bất ngờ nhận thấy mối thù hận và ác cảm trần tục của họ chợt biến hóa thành tình thương yêu thần thánh.
Thôi hãy gác cuộc bàn luận này lại, chúng tôi có một vấn đề thiết thực xin thông báo cùng bạn đọc. Khi lão Roger Chillingworth mất (lão chết ngay trong năm ấy), theo di chúc của lão, mà Thống đốc Bellingham và Đức Cha Wilson là những người được ủy thác thực hiện, lão để lại một tài sản rất lớn, cả ở đây và bên nước Anh, cho bé Pearl, con gái của Hester Prynne.
Vậy là Pearl – con bé tiểu yêu – nòi giống ma quỷ, như một số người mãi đến lúc này vẫn khăng khăng coi là vậy – trở thành kẻ thừa kế giàu nhất thời ấy của vùng Tân Thế giới. Tình huống này không phải là không thể tạo ra một sự thay đổi rất thực chất trong sự đánh giá của công chúng ; và nếu như cả hai mẹ con vẫn cứ ở lại nơi đây, thì khi đến tuổi lấy chồng Pearl chắc cũng đã có thể trộn lẫn máu hoang dã của mình vào dòng họ Thanh giáo cuồng tín nhất trong tất cả bọn họ. Thế nhưng, không lâu sau cái chết của lão thầy lang, người phụ nữ đeo chữ A màu đỏ biến mất, và Pearl cùng với chị. Trong nhiều năm dài sau đó, mặc dù thỉnh thoảng lại có một lời đồn mơ hồ từ mãi đâu đâu vượt qua đại dương truyền đến – giống như một mẫu gỗ nát trôi giạt không còn phân biệt ra hình thù gì tung lên bờ, trên đó người ta thấy những chữ viết tắt của một tên người – nhưng không ai nhận được tin gì thật xác thực về họ. Câu chuyện về chữ A màu đỏ dần dần trở thành truyền thuyết. Tuy nhiên bùa phép kỳ dị của nó vẫn còn hiệu nghiệm, và vẫn duy trì trong đầu óc mọi người nỗi hãi hùng kinh sợ đối với bục xử tội, nơi mà chàng mục sư đáng thương đã chết, và cũng vậy đối với túp nhà nhỏ bên bờ biển, nơi mà Hester Prynne đã ở.
Tại nơi đây, một buổi chiều nọ, một số trẻ em đang chơi đùa thì nhìn thấy một người đàn bà cao lớn mặc chiếc áo màu xám đi lại gần cổng túp nhà. Trong tất cả những năm qua, chiếc cổng đó không hề mở ra lấy một lần ; nhưng lúc này không biết là do người đàn bà ấy mở được khóa, hay là do gỗ và sắt lâu ngày đã mục nát nên bị bàn tay bà ta đẩy bật ra, hay là bà ta đã lách được như một bóng ma qua những thứ chướng ngại ấy, chẳng biết vì sao, nhưng thực tế là bà ta đã bước vào.
Trên ngưỡng cửa, bà ta dừng lại, hơi xoay người, ngần ngừ muốn quay ra, có lẽ vì nghĩ rằng một mình đơn độc, trước mặt mọi thứ đã đổi thay nhường ấy, bước vào nơi trú ngụ của một cuộc đời trước kia căng thẳng đến cực độ như vậy, e sẽ buồn thảm não lòng hơn mức mà mình có thể chịu đựng được. Nhưng sự ngần ngừ chỉ trong thoáng chốc, tuy cũng đủ thời gian để bọn trẻ nhìn thấy trên ngực người đàn bà ấy một chữ A màu đỏ.
Vậy là Hester Prynne đã trở lại, tiếp tục nhận lấy mối hổ nhục mà chị đã lìa bỏ từ lâu. Nhưng bé Pearl đâu? Nếu còn sống, chắc hẳn bé đã bước vào độ tuổi xuân xanh tươi đẹp của đời người phụ nữ. Chẳng ai biết được – mà cũng không bao giờ nghe được tin gì thật là chắc chắn – là có phải con bé yêu tinh đã bước xuống nấm mồ trinh nữ quá non yểu như vậy không ; hay là vẫn còn tồn tại giữa đời, bản chất hoang dã và sôi sục đã mềm đi và dịu bớt để khiến cho cô bé trở thành có khả năng hưởng được hạnh phúc êm đềm của người phụ nữ? Chẳng ai hay biết gì, nhưng trong suốt quãng đời còn lại của Hester Prynne ở đây có những dấu hiệu cho thấy người phụ nữ ẩn dật mang chữ A màu đỏ này được một kẻ nào đó sống ở một đất nước khác hết lòng thương yêu và quan tâm săn sóc. Thư từ gửi đến thường xuyên, trên phong bì có đóng một dấu gia huy, nhưng các hình và chữ trên dấu đó xa lạ với các nhà huy hiệu học người Anh. Trong ngôi nhà nhỏ xuất hiện những thứ tiện nghi và vật quý giá mà Hester không bao giờ màng sử dụng đến, nhưng là những thứ mà chỉ tiền tài giàu sang mới sắm được, và chỉ tấm lòng thương yêu mới hình dung ra được để gửi đến cho chị. Ngoài ra còn có những thứ lặt vặt, những đồ trang sức nhỏ, những vật kỷ niệm xinh xinh biểu hiện một lòng tưởng nhớ liên tục đến chị, mọi thứ đó, nhất định phải là sản phẩm của những ngón tay mềm mại với sự thôi thúc của một con tim chan chứa yêu thương. Và có một lần người ta nhìn thấy Hester ngồi thêu một bộ áo quần trẻ thơ đẹp lộng lẫy theo một kiểu tùy hứng thừa mùi vị phóng khoáng, đến nỗi công chúng hẳn sẽ xôn xao cả lên nếu như có một đứa bé diện bộ cánh ấy xuất hiện trên nền tối màu của cộng đồng chúng ta ở miền này.
Tóm lại, những kẻ hay kháo chuyện thời ấy tin rằng – và ngài Thanh tra Pue, kẻ một thế kỷ sau đã sưu tầm tư liệu về câu chuyện này tin rằng – và cả một trong những kẻ nối nghiệp ngài thời nay lại càng thành thực tin rằng – Pearl không những còn sống, mà đã lấy chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, và luôn luôn nghĩ tới mẹ ; rằng cô ta hẳn đã rất vui sướng nếu như cô được nuôi dưỡng nâng giấc bà mẹ u buồn và cô quạnh ấy bên bếp lửa của mình.
Thế nhưng lại có một cuộc sống thực sự hơn cho Hester Prynne ở đây, tại miền Niu Inglơn này, hơn là ở cái vùng xa lạ ấy, nơi mà Pearl đã xây dựng được một tổ ấm. Ở đây chị đã mắc phải tội lỗi, ở đây chị đã trải qua những năm tháng đau buồn, và ở đây chị còn phải tiếp tục cuộc sám hối. Bởi vậy, chị đã trở lại và đã tự nguyện đeo lại chữ A màu đỏ - dẫu không một vị quan tòa nào dù khắc nghiệt nhất của thời kỳ sắt đá ấy bắt buộc chị - đeo lại cái biểu tượng mà chúng tôi đã kể lại câu chuyện xiết bao u buồn. Và cả về sau, cái biểu tượng ấy không bao giờ rời khỏi ngực chị. Nhưng, qua quá trình nhiều năm dài lao động cực nhọc, chín chắn thâm trầm, và tận tụy hết lòng vì việc nghĩa của cuộc đời Hester, chữ A màu đỏ thôi không còn là cái dấu sắt nung hổ nhục chuốc lấy sự khinh miệt và đối xử cay nghiệt của người đời nữa, mà đã trở thành tiêu biểu cho một cái gì đó khiến người ta buồn thương, mà khi nhìn vào người ta vừa hãi hùng lại vừa tôn kính. Và vì Hester không có chút động cơ ích kỷ nào, không chút nào sống vì lợi ích và sự hưởng thụ riêng mình, nên người ta mang tất cả những nỗi đau buồn và băn khoăn bối rối đến thổ lộ với chị, xin chị một lời chỉ bảo, tin tưởng vào chị, con người đã kinh qua một nỗi bất hạnh vô cùng to lớn. Đặc biệt là giới phụ nữ -khi gặp những cơn thử thách thường xuyên tái diễn của lòng đam mê bị tổn thương, bị phụ bạc, bị xúc phạm, gởi gấm không đúng chỗ, hoặc lầm lạc và tội lỗi – hay khi mang nặng nỗi đau buồn của một trái tim vô vọng bởi không được quý trọng và không ai tìm đến – họ đã tới ngôi nhà nhỏ của Hester, hỏi chị sao mà họ khốn khổ làm vậy, và phương thuốc là gì đây! Với sự cố gắng cao nhất trong khả năng của mình. Hester đã tìm cách an ủi và góp lời khuyên bảo họ. Chị cũng khẳng định với họ niềm tin vững chắc của chị rằng, đến một giai đoạn nào đó tươi sáng hơn, một chân lý mới sẽ được soi rạng, nhằm xác lập mối quan hệ toàn bộ giữa nam và nữ trên một cơ sở hạnh phúc chung chắc chắn hơn, khi mà thế giới phải trở thành chính mùi cho việc thực hiện điều đó, trong thời gian do chính Thượng đế chỉ định. Trước đây trong cuộc đời của chị, Hester đã có lần tưởng tượng hão huyền rằng bản thân chị, theo định phận, sẽ có thể là một nữ sứ đồ nói trước mệnh trời. Nhưng sau đó, chị từ lâu đã nhìn nhận rõ rằng nhiệm vụ soi rạng một chân lý thiêng liêng và huyền bí không thể nào được giao phó cho một người đàn bà mang vết nhơ của tội lỗi, đầu cúi gục vì hổ nhục, hoặc dù chỉ mang một nỗi đau buồn đè nặng trong lòng suốt đời. Vị thiên thần và giáo đồ của điều thiên khải tương lai đó phải là một người phụ nữ, đúng vậy, nhưng là một phụ nữ cao quý, trong trắng, xinh đẹp, và hiểu biết ; hơn nữa, không phải là con người trải qua cuộc sống đau buồn u ám, mà là sống trong môi trường thiên tiên siêu thoát của niềm vui ; người đó sẽ chứng minh cho mọi người thấy tình yêu thiêng liêng làm cho chúng ta hạnh phúc như thế nào, bằng sự thử thách thực sự nhất của một cuộc đời thành công trong việc đạt tới mục đích ấy.
Hester Prynne đã nói như vậy đó, trong khi đôi mắt buồn rầu của chị liếc nhìn xuống chữ A màu đỏ trên ngực mình.
Thế rồi nhiều năm, nhiều năm dài trôi qua. Một ngôi mộ mới được đắp lên bên một ngôi mộ cũ đã lún xuống, trong bãi tha ma ấy cạnh nơi mà người ta đã xây dựng ngôi nhà thờ King. Nấm mồ mới này nằm bên nấm mồ cũ đã lún xuống kia, nhưng ở giữa vẫn có một khoảng cách, như thể nắm bụi tan của hai kẻ yên giấc ngàn thu ở đấy không có quyền trộn lẫn với nhau. Thế nhưng có một tấm mộ chí dựng chung cho cả hai ngôi mộ. Bốn chung quanh đều là những tấm bia kỷ niệm tạo hình các gia huy. Còn trên phiến đá mỏng xuềnh xoàng cắm ở đôi mộ này thì có một hình chạm trổ trông giống như một phù hiệu trên khiên – mà ai đó đời nay tò mò muốn biết vẫn có thể phân biệt được các nét, tuy nhiên sẽ phải ngỡ ngàng chẳng hiểu ý nghĩa là gì. Hình chạm trổ ấy mang một tiêu ngữ, mà chúng tôi có thể dùng làm đề từ miêu tả vắn tắt nhất câu chuyện truyền thuyết kết thúc ở đây – câu chuyện ảm đạm làm sao, chỉ phần nào bớt tối tăm nhờ chút ánh ngầu đỏ luôn luôn phát sáng nhưng lại u buồn hơn cả bóng tối âm thầm:
“TRÊN MỘT NỀN, MÀU ĐEN, ĐÂY CHỮ A, MÀU ĐỎ”