6.
Hạ sĩ Cơ nhấc ly rượu uống một hơi. Ba người lính
bảo an trạc tuổi anh ta cũng nhấc ly lên uống.
Họ đặt mấy cái
ly không xuống ván, thò tay rón lấy mỗi người một thớ khô mực xé để
trên đĩa.
Mưa rơi trên mái quán thí Ba ú mỗi lúc một nặng hạt.
Từ nãy giờ thím Ba đứng ngoài cửa nhìn trời. Thấy trời đổ mưa to,
thì thím mừng lắm. Ngay từ lúc mây khói đen bay nhanh và gió trở ngọn
lành lạnh, thím đã bảo bụng: "ờ, mưa đi ông, làm ơn mưa giùm một trận
lớn cho anh em tôi trong hang nhờ coi!"
Sau khi nướng xong mực cho
mấy người lính "cảm tình", thím Ba ra đứng luôn tại cửa. Đặt hai bàn
tay xòe hết ngón nơi cạnh sườn, thím ngóng nhìn cụm mây đen kịt. Chưa
bao giờ thím trông đợi trời mưa như bữa nay. Khi mưa rắc hột xuống mái
nhà, thím lại mong tiếng rơi của nó hãy nặng hơn.
- Ông trời
làm coi được quá mấy cậu ơi!
- Thím bước vô nhà và nói với
bốn người lính như vậy.
Hạ sĩ Cơ bảo:
- Chẳng biết mấy
ổng ở trỏng có hứng được nước mà uống hay không?
- Được chứ.
Thím Ba ú nói nho nhỏ:
- Vậy, thì mấy ổng hết khát
rồi!
- Phải, không khát đâu. Hễ có mưa là nước chảy lọt vô kẽ
hang, thiếu chi!
Hạ sĩ Cơ nói:
- Mọi khi ra gần giêng ít
khi có mưa lớn lắm!
Thím Ba ú cười tủm tỉm, nói giọng nửa
giỡn nửa thật:
- Thì mọi năm có như vầy đâu... Tôi gẫm ông trời
ổng ủng hộ cho Việt cộng đó a mấy cậu!
Một anh lính ngồi ở
trong góc ngó chầm bầm những giọt mưa trên mái nhà tí tách rơi xuống
cái rãnh ngoài cửa bấy giờ đã có nước cuộn chảy và nổi nhiều
chiếc bong bóng nhỏ xíu. Người lính ấy nói:
- Còn tôi, hễ ngó
trời mưa là tôi rầu thúi ruột. Hồi giữa cái năm tôi bị bắt lính thì
mái nhà tôi đã rệu quá cỡ. Lợp lá "cần đốp" thì giỏi gì một năm
cũng phải lợp lại. Đằng này chịu đựng gần hai năm, chịu sao thấu?
Rầu nhứt là đêm mưa, vợ la con khóc, vác chiếu chạy tới góc nào cũng
đều bị dột. ở trong nhà không khác chi ngoài sân. Nên ông trời ổng đổ
mưa là ổng hại tôi. Giờ tôi ngồi đây chớ vợ con ở nhà không biết
chừng bị ướt ráo trọi rồi cũng nên...
Người lính dừng lại.
Hai ngón tay anh ta se sẽ thớ khô, nói tiếp:
- Ở chỗ tôi lá lợp
nhà mắc lắm. Hồi thời bình lái lá ở miệt Thủ chở lên còn dễ. Bây
giờ giặc giã, khi lên khi không, mà bây giờ lái lá có chở lên cũng
phải bán cho nhà vựa, chủ nhà vựa là mấy lão hội đồng xã mua của
lái với giá hai ngàn một thiên, bán ra hia ngàn tám, ba ngàn sấp lên.
Vợ con tôi đào tiền đâu ra mà mua?... Kẹt lắm, ở xứ tôi kẹt lá lắm!
- Xin lỗi vậy chớ xứ cậu ở đâu?
Thím Ba ú hỏi.
- Ở Chắc Cà Đao, trong khu trù mật!
Thím Ba ú liếc nhìn
người lính:
- Chắc Cà Đao thì tôi biết... Nhưng... nhưng mà...
Thím nói tới đó, liền hạ thấp giọng vừa đủ để người lính
nghe:
- Cậu... cậu tính đi mà lại đi về khu trù mật nữa sao?
- Không, không, khu trù mật đó bể rồi... Bể hồi tháng chín!
Thím Ba mới vỡ lẽ:
- Ạ̣, ạ... ra vậy...
Trong lúc
bên ngoài mưa tầm tã, thím Ba khi bước xuống đất, khi ngồi lên ván,
đong rượu rót rượu. Hết khô thì thím chế rượu đó ra đĩa, nướng khô
bằng ngọn lửa rượu chờn vờn, tim tím. Hết dấm thì thím sớt dấm.
Mọi việc đó thím lo chu tất, gọn gàng. Mấy người lính đều khoan
khoái, song cũng có vẻ hơi cóm róm. Họ xuýt xoa miệng, họ xoắn đôi
bàn tay vào nhau hoặc rờ rẫm đưa lướt tay tới lui trên đùi. Xem ra họ
có vẻ sung sướng lắm, chừng như trong cuộc ời làm lính mướn khổ nhục
của họ thì cái buổi chiều mưa lạnh được ngồi nhâm nhi này không phải
là dễ kiếm. Mà cũng không phải người chủ quán nào cũng đối xử tử
tế như thím Ba đây. Nên trong sự khoan khoái cóm róm kia của họ còn có
sự cảm động. Gần một tuần lễ ở đây, họ đã tới quán thím Ba năm bảy
lượt. Đầu tiên là hạ sĩ Cơ, về sau hạ sĩ Cơ rủ rê dắt thêm họ. Hôm
kia hạ sĩ Cơ đã ngỏ ý với thím Ba là họ muốn bỏ trốn, nhờ thím
mối mang giúp đỡ họ lọt qua Vàm Răng, thì thế nào họ cũng kiếm cách
về được nhà ở Mặc Cần Dưng, Ba Dỗu, Vĩnh Hanh, và Chắc Cà Đao. Nên
bữa chiều nay họ lại tới quán.
Mấy người lính tiếp tục uống
rượu. Thím Ba ú cứ đưa tay rờ rờ mép cái đĩa đựng khô mãi một lúc
rồi nói:
- Tôi thấy mấy cậu đi cực khổ, bỏ vợ bỏ con thì tôi
cũng bứt rứt, nên tôi có hứa giúp mấy cậu. Hứa là hứa vậy, chớ
thiệt ra cũng ăn thua ở mấy cậu thôi... Không biết mấy cậu đã quyết ý
chưa, tôi cũng ngại.
Hạ sĩ cơ vội bảo:
- Thím đừng
ngại, tụi tôi nhứt quyết rồi mà. Xin thím giúp cho được sớm chừng
nào tốt chừng ấy. Hồi nãy thím không thấy trực thăng nó tới chở tụi
bị thương bay khẳm dừ đó sao. Nếu mà thím thiệt lòng muốn tụi tôi
thoát cảnh đó thì thím phải giúp tụi tôi mới được.
- Đành là
tôi giúp... nhưng mấy cậu phải dứt khoát không do dự...
- Dứt
khoát chớ, bộ thím không tin tụi tôi sao?
Người lính quê ở Chắc
Cà Đao nói:
Thím Ba ú bèn cười. Lát sau thím buông rời hai
ngón tay ra khỏi mép đĩa, nghiêng người sang hạ sĩ Cơ nói ghé vào tai
anh ta:
- Thôi được, ngày mai trời sụp tối, cậu Chín dắt anh em
lại ngã ba đây, tôi đợi....
- Dà!
- Nhớ nghe, mấy cậu
phải y hẹn. Nếu trật vuột thì không có dịp nào nữa đâu, tôi đã...
- Được rồi, được rồi!
Hạ sĩ Cơ gật đầu liên tiếp hai ba
cái.
Thím Ba lại rỉ tai anh ta:
- Cậu dặn kỹ anh em là
phải giữ kín. Thôi tin ở cậu...
- Không sao, thím đừng lo!
Hạ sĩ Cơ uống thêm một ly nữa rồi bước xuống đi ra cửa. Thấy
cơn mưa đã ngơn ngớt, anh nói:
- Thôi, uống hết chỗ rượu đó rồi
về anh em!
Ba người lính uống cạn ly rượu. Họ bước ra đứng nơi
cửa, lóng ngóng rồi kẻ trước người sau chạy vụt ra đường. Sực nhớ
lời chị Hai Thép mới căn dặn, thím Ba còn níu áo hạ sĩ Cơ dặn thêm:
Về vụ súng ống, có thêm cây nào nữa thì càng hay, nhưng khó
quá thì thôi nghe, không nên lấn cấn lâu, dễ lộ. Cứ vác bốn cậu bốn
cây cho chắc... Nhớ sụp tối ra ngã ba, tôi đợi mấy cậu ở đó... Bà con
có gom góp được ít tiền cho mấy cậu làm lộ phí, đừng lo....
Hạ sĩ Cơ nghe vậy thì cúi thấp đầu, mắt hấp hái. Anh ta khẽ
nói:
- Thôi tôi về nghen thím!
Anh bước thoắt ra cửa, bấm
mũi giày lên mặt đường đất trơn nhẫy, chệnh choạng chạy theo ba người
lính phía trước. Chốc sau, anh đã đuổi kịp họ. Trong cơn mưa dịu bớt,
anh vừa nhanh chân bước vào lào phào nói cho ba người lính biết những
điều mà thím Ba ú vừa nói với anh.
Cơn mưa ngớt, nay lại đổ
ào xuống, lớn hơn. Bốn người lính chạy lại, tay giớ lên, chới với.
Mưa mỗi lúc một to. Thoáng thấy bóng cây me lờ mờ hiện ra sau
màn mưa giăng, hạ sĩ Cơ chỉ tay nói:
- Ở đó có nhà của ông già
mù. Rấn tới đó đụt
Họ chạy riết tới cây me. Bốn người dừng
đứng dưới gốc me, rũ rũ quần áo một lúc rồi chạy vô nhà ông Tư Đờn.
Ông già đang ngồi nứt vành cái rổ xúc, nghe tiếng giày lộp
bộp thì biết ngay là lính. Ông còn phân biệt được đâu là tiếng giày
bố nữa, nên biết chắc là lính bảo an. Đứa cháu gái khoảng mười hai
mười ba tuổi ở trong bếp chạy ra, đứng quệt quệt tay vào ống quần
hỏi:
- Mấy ông kiếm gì?
- Không, ghé đụt mưa chút mà em!
Một anh lính đáp và day sang nói với ông Tư:
- Bác làm
ơn cho tụi tôi đụt nhờ nghe bác!
Ông Tư vẫn buộc cái vành rổ:
- Mấy ông cứ đụt!
Đứa gái nhỏ liếc mắt ngó họ rồi
chạy vào bếp. Bốn người lính ngồi chồm hổm dưới đất, khoanh tay rế,
ngó coi ông Tư nứt vành rổ. Một anh tấm tắc:
- Bác đương cái
rổ xúc này khéo quá!
- Tui đương vụng chớ không đặng khéo đâu!
Ông Tư thoái thác. Anh lính hơi cụt hứng, xẽn lẽn. Nhưng anh ta
lại cố hỏi thêm:
- Như bác đương một ngày được mấy cái?
- Có nan sẵn thì hai cái!
Ông Tư đáp gọn lỏn. Hỏi câu
nào ông trả lời câu đó chớ không trả lời hơn.
- Bác đương rổ
như vậy kiếm ăn đủ không?
Ông Tư từ từ ngước cặp mắt tối đục:
- Không đủ thì cũng phải đủ chớ ông. Tật nguyền: như tui thì
làm bữa nào đong gạo bữa nấy. Đâu thể bẳng thiên hạ được....
-
Tụi tôi đi đây không chỉ đủ ăn gạo như bác thôi, chớ sung sướng khỉ gì?
Ông già nghe nói chợt buông lỏng cọng mây trên tay:
- Mấy
ông nói tui nghe không lọt. Thân già tàn tật như tui bì sao được với
mấy ông kia chớ. Mấy ông còn đủ tay chân, cầm súng rong ruổi, tháng
tháng lãnh lương, rồi thường khi còn kiếm được con gà con qué, mà mấy
ông nói không sung sướng. Tôi nghe không lọt...
- Nói bác không
tin, chớ tụi tôi cực lắm...
Tui biết mấy cậu cực, cực mà đi
tới đâu cũng có thịt trâu, thịt gà ăn...
Hạ sĩ Cơ buồn rầu
chắc lưỡi:
- Bác ơi, bác đừng nhiếc tụi tôi chi tội nghiệp.
Tụi tôi không phải như mấy thằng bắn trâu bắt gà của bà con đâu!
Ông Tư mò kiếm cọng mây, tiếp tục xỏ buộc vành rổ:
-
Tui đâu dám nhiếc mấy ông. Mà tui cũng đâu biết là ông lính nào bắt
gà, ông lính nào bắt gà, ông lính nào không bắt gà... Tui chỉ biết
lính mấy ông cốt tử là hay bắn trâu, bắt gà. Mới hôm qua đây bắt con
gà mái đẻ của tui còn nằm trên ổ, cháu tui chạy theo giành hết sức
mà giành không lại.
- Tụi nó khác, tụi tôi khác bác ạ. Tụi
tôi trước cũng là dân ruộng, chết đói thì chết chớ không giựt đồ của
cô bác đâu!
Mấy ông nói vậy thì tui biết vậy chớ tui đâu biết
hơn được!...
- Tụi tôi nói thiệt mà!
Thôi thì tui cũng
cho là mấy ông nói thiệt. Kể như bây giờ mấy ông còn tử tế, nhưng tui
e đi hoài kiểu này thế nào mấy ông cũng làm ẩu. Đi lính "quốc gia"
mà không giựt đồ, tui không tin!
Bốn người lính ngó nhau, không
biết nói năng sao với ông Tư nữa!
Mưa bên ngoài vẫn tầm tã.
Trời tối mịt. Ông già bỗng dịu giọng và đổi cách xưng hô.
-
Mưa lớn quá, trời tối chưa mấy cậu?
- Tối rồi!
Ông Tư
réo cháu:
- Tím ơi, đốt đèn đi con!
Con bé ở trong bếp
đang thổi lửa phù phù. Hồi sau nó rón rén bưng thếp đèn mỡ cá đi ra,
đặt lên chõng tre. Rồi nó dọn đĩa chén. Nghe đứa cháu quơ đũa rột
rẹt, ông Tư buông cái rổ hỏi ốn người lính:
- Mấy cậu ăn cơm
chưa?
- Dạ rồi!
- Tưởng chưa thì ở ăn cơm. Tui kêu nó
nấu!
- Dạ, cảm ơn bác, tụi tôi ăn rồi!
Ông Tư Đờn đứng
dậy, khom lưng, tự đấm vào lưng mình thùm thụp. Ông quơ bàn tay tới
trớc sờ thành chõng, ngồi lên. Con Tím đưa cho ông nó đôi đũa và chén
cơm mới bới.
Ông cầm đũa, xới xới cơm trong chén. Bỗng ông giụi
đầu đũa xuống chén, im đi một chốc rồi hỏi:
- Vậy trước khi đi
đây mấy cậu là dân ruộng?
- Dạ phải.
Hạ sĩ Cơ đáp.
- Sao không ở nhà mần ruộng, đi đây chi?
Ông Tư hỏi xong,
chậm rãi và cơm. Con Tím gắp chỗ có nạc trong tô canh chua bỏ vào
chén cho ông. Tô canh này đặt phía bên ông Tư. Hình như đứa cháu gái
nấu tô canh riêng cho ông nó ăn. Thấy nó chỉ nhỏ nhẻ ăn với cá khô.
Giữa lúc hai ông cháu ăn cơm, một anh lính thấy cây đờn độc huyền treo
nơi vách thì bước tới coi. Anh ta khều sợi đồng bật lên tiếng kêu
thánh thót, thốt nói:
- Cây đờn này mà tiếng tốt quá!
Ông Tư vẫn lặng thinh và cơm. Nhưng đôi con mắt tối đục của ông
chợt hướng về phía sợi dây đờn còn ngân rung chưa dứt. Ông bảo, giọng
nghiêm trang:
- Cậu nào đờn được thì lấy xuống đờn chơi, đừng
khều phá!
Anh lính được dịp bợ cây đờn xuống, ra ngồi ngoài
bậc cửa lẩy tăng tăng. Anh ta cũng quào được mấy câu vọng cổ. Tiếng
đờn nhấp nhem của người lính nghe cứ lẩng cẩng, lúc dài ra thậm
thượt, lúc lại hẫng đi như người bị nấc.
Ông Tư ăn cơm xong, mưa
vẫn không ngớt. Ông bước xuống mò kiếm một cọng tre, ngồi xổm gối
trên manh đệm, xỉa răng. Hai hố mắt ông ngó ra ngoài trời mưa chớ không
màng tới tiếng đờn của người lính.
Anh lính quào hoài có mấy
câu ý chừng cũng ngượng. Anh nói ướm:
- Nghe nói bác đờn hay
lắm. Bác đờn nghe chơi!
Ông Tư như sực tỉnh, ngước mắt hỏi:
- Cái gì? Tui đờn é à?
- Phải, bác đờn đi, bác đờn đi!
Hạ sĩ Cơ cũng khẩn khoản.
Ông già nín thinh hồi lâu,
mới nói:
- Ngón đờn của tui không tươi đâu...
Không, tụi
tôi biết bác đờn hay lắm, bác đờn cho con em đây nó ca cái bản gì mà
"đề cờ đề cờ" đó đi! Trời còn mưa dữ quá, tụi tôi chửa về được đâu!
Ông già vẫn khước từ:
- Thiệt... không nói giấu gì mấy
cậu, đời tui nghèo cực không thôi, nên chữ đờn của tui không đặng tươi.
Người ta chê chữ đờn tui nghe nó ai oán lắm!...
Mặc dù ông Tư
từ chối, hạ sĩ Cơ vẫn bợ cây đờn trên tay người lính nọ, trao lại cho
ông.
Ông Tư sợ cây đờn rớt, bèn rút gối chân xuống, ôm cây đờn
vào lòng. Ông đưa tay run run rờ lướt trên thân đờn hồi lâu, chép miệng
nói:
- Tối hôm nọ cũng có mấy cậu lính tới biểu tôi đờn cho
mấy cậu nghe, thấy họ ăn nói tử tế như mấy cậu, mà lại cứ nài nỉ
hoài, tui mới đờn... Về sau họ tới nghe chật nhà, bỏ cả canh gác tần
phòng sao đó nên ông đại úy đi kiếm chửi bới om sòm. Ông đuổi mấy cậu
lính về, quát tháo tui: "Ông già, tôi cấm ông không được tụ tập quyến
rũ lính tới đờn ca nữa nghe!" Tui thưa: "Bẩm ông, tui đâu có tụ tập
quyến rũ mấy cậu. Từ đầu tui đã nói với mấy cậu là tui không đờn,
nhưng mấy cậu cứ một mực khăng khăng bắt tui đờn cho mấy cậu nghe,
buộc lòng tui mới đờn...." Ông đại úy hăm tui: "Từ rày trở đi ông đừng
đờn nữa, không thì tôi đập nát cây đờn của ông đa!" Tui mới thưa: "Dạ
từ rày mấy cậu mà có rủ tui cũng không đờn nữa!"
Ông Tư kể
và bàn tay gày guộc của ông không ngớt rờ rẫm vuốt ve thân đờn. Coi
tuồng như cây đờn nay còn nằm trong lòng ông là một sự may mắn lắm
vậy.
- Bây giờ bác cứ việc đờn đi, khỏi sợ. Ông đại úy
"nghoẻo" hồi hôm kia rồi.
- Tui có nghe. Tui nghe đồn ổng bị bắn
chết trước miệng hang.. phải không?
- Phải, chết trước miệng
hang!
Vậy cái ông mới lên thay ổng thì sao. Nhắm có đòi đập bể
đờn tui nữa không?
- Giọng hỏi của ông già bấy giờ chợt như có
náu tiếng cười. Mấy người lính nói:
- Không đâu, thằng cha trung
úy mới lên thay này nó không chú ý đâu!
- Vậy thì được, để tui
đờn mấy cậu nghe!
Ông Tư nói rồi liền vặn trục đờn kèn kẹt.
Ông rút cây găm tre ở cuối thân đờn, cất tiếng gọi cháu:
- Tím
ơi, rửa chén rồi chưa con?
- Chút xíu nữa ngoại ơi!
- Ờ,
rửa rồi ra đây ngoại biểu
Ông già quắp cây găm đờn trong năm
ngón tay, ngồi đợi. Bốn người lính ngồi nhích tới.
Lát sau con
Tím nhong nhong đi ra. Ông Tư nghe tiếng bước chân nó, liền giơ tay:
- Ngồi xuống đây con. Ngoại đờn, con ca bản Nam ai cho mấy cậu
này nghe
Đứa cháu gái nghe ông nó bảo thế thì mặt lộ vẻ không
vui. Nó với tay kéo cái đuôi tóc nhỏ xíu như cái đuôi mèo ra trước
ngực, nói ngủng ngoẳng:
- Con hổng ca đâu!
Ông Tư cười,
bảo mấy người lính:
- Mấy cậu thấy không. Nó còn giận vụ con
gà mái đẻ đó!
Rồi ông nhỏ nhẹ nói với cháu:
- Ca đi
con. Mấy cậu lính đây tử tế chớ không phải như tụi hôm qua đâu. Mấy
cậu.. cũng nghèo như mình.
Con Tím chẳng nói chẳng rằng, nó
với cái khăn sọc vắt trên vai ông nó lau đôi bàn tay nhỏ ướt nước. Lau
rồi, nó vắt khăn lên vai ông nó như cũ. Dưới ánh đèn mỡ cá chập
chờn, nó mở to mắt nhìn chằm chằm xuống đệm. Thỉnh thoảng nó lại
liếc nhìn mấy người lính. ánh mắt của con Tím hơi dịu bớt vẻ hằn
học. Khuôn mặt của nó coi sáng sủa, nhưng da mặt bị rỗ huê lấm tấm
(chắc là dấu vết của một trận đậu mùa khủng khiếp nào đó để lại).
Ông già biết chắc cháu mình thế nào cũng sẽ hát, nên một tay
cầm trục đờn, một tay cầm găm ông bắt đầu dạo vô. Khi những ngón tay
khô gầy của ông xeo nhẹ cây găm, tức khắc sợi dây đồng chợt như rùng
mình nức nở. Khúc dạo vô chưa chi nghe đã rưng rưng, thê thiết. Con Tím
như bị tiếng đờn của ông nó thu hút. Đôi mắt con bé từ từ ngước lên,
long lanh sáng rực. Nó nhìn ra đêm mưa rơi, và bàn tay bé nhỏ của nó
bỗng bíu chặt lấy vạt áo mốc cời của người ông. Chữ đờn cuối của
khúc nhạc dạo chợt ngắt ngang. Bàn tay cầm trục của ông Tư co quắp
lại, giật bắn lên. Còn bên tay cầm găm của ông thì cất quá khỏi sợi
dây đờn lúc ấy đang ngân cao vời vợi.
Không khí gian nhà bỗng
như lắng xuống. Con Tím liền cất tiếng ca:
Khi vâng ơ... chiếu
chỉ ra đề cờ...
Cây găm trong tay ông Tư cũng liền lẩy đờn
rất nhanh. Chữ đờn của ông dìu đưa tiếng ca của đứa cháu bay theo:
Từ chàng đi ơ... thiếp bặt tin đợi chờ
Như hồng nhạn cao
phi
Sông Hớn ơ... bơ vơ...
Não nùng tiếng ngẩn ngơ
Má phấn
ơ.. duyên phai lợt
Hồng nhan luống đợi chờ
Trướng lý đành để
dính bụi trần nhơ...
Tiếng ca của con Tím nghe non nớt quá,
mà tiếng đờn của ông Tư là tiếng đờn già dặn của cả một đời người
sáu mươi năm tủi cực đau thương dồn nén. Sự khác biệt đó tạo nên một
mối tương phản lạ lùng:
...Kìa cờ ai tiếng trống gióng xa xa
Ai hay là chiếu chỉ triệu chồng ta
Chốn giang biên chàng có hay
chăng là
...
Giọng ca của con Tím chấp chới
Từ chàng ra
chốn cung đao...
Thiếp trông tin chàng như cá trông sao...
Sợi dây đờn bây giờ không lẻ loi nữa. Dường như không phải chỉ
có mỗi mình nó trên thân đờn nữa mà là có rất nhiều sợi. Đây thật
không thể nói là ngón đờn tươi hay không tươi, ai oán hay không ai oán.
Đây là tiếng đờn chạnh lòng chạnh dạ, buộc người xa vợ phải nhớ vợ,
ai xa con sẽ nhớ con. Đây là sợi tơ đồng réo gọi tình thương nhớ làng
quê, nhớ sông nước bến bờ, nhớ mồ mả tổ tiên. Bốn người lính đều
cúi đầu, tóc phủ xõa gối.
Trong lúc tiếng đờn vẫn cứ khoắc
khoải vẳng lên những tiếng đờn ly biệt, bồn chồn. Ngoàii mưa vẫn không
ngừng rơi. ánh đèn mỡ cá lù mù rội những hạt mưa ngoài cửa đang bay
xiên, loang loáng.