CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Lee Child » Kẻ Thù


HAI MƯƠI HAI

Chiếc Chevy cạn xăng khi chúng tôi tới sân bay National. Chúng tôi để nó trong bãi xe qua đêm, rồi đi bộ về ga đi. Đoạn đường dài chừng một dặm. Xe buýt đã hết. Lúc ấy là nửa đêm, và nơi này gần như bị bỏ hoang. Bên trong ga, chúng tôi phải làm loạn lên mới lôi ra được một nhân viên làm thủ tục từ văn phòng đằng sau. Tôi đưa anh ta hai tờ giấy đi đường cuối cùng mà tôi ăn cắp, rồi anh ta đặt cho chúng tôi chuyến bay sáng đầu tiên tới sân bay LAX. Chúng tôi sẽ phải đợi khá lâu.

“Nhiệm vụ là gì?” Summer hỏi.

“Bắt giữ ba người,” tôi đáp. “Vassell, Coomer và Marshall.”

“Tội gì anh?”

“Giết người hàng loạt,” tôi nói. “Nạn nhân là bà Kramer, Carbone và Brubaker.”

Cô nhìn tôi chằm chằm. “Anh chứng minh được không?” Tôi lắc đầu. “Anh biết rõ chuyện đã xảy ra. Anh biết thời điểm, phương thức, địa điểm và động cơ gây án. Nhưng anh chẳng chứng minh được cái nào cả. Ta chỉ có thể trông chờ vào lời thú tội mà thôi.”

“Còn lâu mới được.”

“Trước đây anh từng thành công rồi,” tôi nói. “Luôn có cách.”

Cô do dự.

“Đây là quân đội mà, Summer,” tôi bảo. “Đâu phải nhóm trà chiều của mấy quý cô đâu.”

“Kể em nghe về Carbone và Brubaker đi.”

“Cho anh ăn cái đã,” tôi bảo. “Anh đói quá.”

“Ta còn xu nào đâu,” Summer nói.

Đằng nào những hàng quán quanh đây cũng đã kéo phên sắt đóng kín cửa rồi. Có thể họ sẽ phục vụ đồ ăn cho chúng tôi trên chuyến bay. Chúng tôi đem hành lý tới sảnh ngồi đợi, bên cạnh ô cửa sổ cao hai mươi feet chỉ phản chiếu một màu đen của trời đêm. Hàng ghế nhựa dài xung quanh có gắn tay vịn cách nhau mỗi cái hai feet để người ta không nằm ra ngủ được.

“Kể em nghe đi,” cô bảo.

“Vẫn chỉ là một chuỗi những phán đoán điên rồ thôi, hết cái này tới cái kia.”

“Anh cứ thử nói xem.”

“OK, bắt đầu từ bà Kramer. Tại sao Marshall lại tới Green Valley?”

“Bởi vì đó là nơi đầu tiên đáng tìm thử nhất.”

“Nhưng đâu phải. Đó rõ ràng là nơi cuối cùng để tìm. Kramer có mấy khi ở đó suốt năm năm nay đâu. Cấp dưới của gã phải biết điều ấy chứ. Họ đi cùng gã nhiều mà. Vậy nhưng họ vẫn vội vàng quyết định cho Marshall tới thẳng đó. Vì sao?”

“Vì Kramer đã bảo họ rằng đó là nơi ông ta định tới?”

“Chính xác,” tôi bảo. “Gã bảo họ mình về đó thăm vợ, thực chất là để giấu việc gã qua đêm với Carbone. Nhưng, cớ gì gã phải kể với họ điều này?”

“Em không biết.”

“Vì có những loại người mà em bắt buộc phải thanh minh với họ.”

“Thí dụ ai?”

“Giả sử em là một đại gia đang hú hí cùng chân dài của mình nhé. Nếu có một đêm bọn em không thể gặp nhau, thì em bắt buộc phải cho ả đào của mình một lý do nào đó. Và nếu em thanh minh rằng mình phải về thăm vợ để khỏi bị nghi ngờ, thì ả đào kia bắt buộc phải tin. Có thể ả không thích, nhưng cũng phải tin. Bởi vì ả phải chấp nhận rằng điều đó đôi khi sẽ diễn ra. Đó là một phần của mối quan hệ này.”

“Kramer đâu có chân dài nào. Ông ta đồng tính mà.”

“Gã có Marshall đấy.”

“Không,” cô nói. “Không thể nào.”

Tôi gật đầu. “Kramer ngoại tình với Marshall. Marshall là gối ôm chính thức của gã. Bọn họ quen nhau. Dù Marshall không phải sĩ quan tình báo, nhưng Kramer vẫn bổ nhiệm hắn vào vai trò đó để cả hai được gần nhau. Họ là một cặp. Nhưng Kramer là loại đa tình. Gã gặp Carbone ở đâu đó và bắt đầu lén hẹn hò với anh ta. Vậy nên đêm Giao thừa Kramer bảo Marshall rằng mình về nhà thăm vợ và Marshall đã tin gã. Như mọi cô nhân tình mà thôi. Vậy nên Marshall mới tới Green Valley. Hắn thật sự tin rằng Kramer đã tới đó. Hắn là người duy nhất trên đời này dám tin chắc điều ấy. Chính Marshall đã khai với Vassell và Coomer Kramer đi đâu. Nhưng Kramer lại nói dối hắn. Như những người yêu nhau vẫn nói dối nhau vậy.”

Summer lặng đi hồi lâu. Cô chỉ nhìn ra trời đêm.

“Điều đó có ảnh hưởng gì tới chuyện xảy ra ở đó không?” cô hỏi.

“Anh nghĩ là có, một phần nào đó,” tôi bảo. “Anh nghĩ bà Kramer đã nói chuyện với Marshall. Bà ta hẳn phải nhận ra hắn từ hồi còn sống trong doanh trại ở Đức. Bà ta chắc hẳn đã biết chuyện giữa hắn với chồng mình. Vợ tướng thường tinh lắm. Có thể bà ta còn biết có thêm thằng cha thứ ba nữa. Có thể bà ta đã bực mình và khiêu khích Marshall về điều đó. Kiểu như, Anh cũng chẳng giữ nổi người tình của mình, nhỉ? Có thể Marshall đã hóa điên và mất kiểm soát. Có thể đó là lý do hắn không báo lại ngay sự việc với Vassell và Coomer. Bởi vì thiệt hại ngoài kế hoạch này đâu chỉ vì vụ đột nhập mà thôi. Mà còn vì một cuộc cãi vã nữa. Đó là lý do anh nghĩ bà Kramer không chỉ bị giết vì chiếc cặp táp. Anh nghĩ một phần lý do khiến bà ta bị giết là vì đã trêu tức một thằng cha đang ghen lồng lộn.”

“Đây chỉ là đoán mò.”

“Bà Kramer đã chết. Đó đâu phải đoán mò.”

“Nhưng phần còn lại thì là vậy.”

“Marshall năm nay ba mốt tuổi, chưa từng kết hôn.”

“Đâu có ý nghĩa gì đâu anh.”

“Anh biết,” tôi bảo. “Anh biết mà. Anh không có chứng cứ gì hết. Chứng cứ là thứ xa xỉ nhất trong lúc này.”

Summer im lặng một thoáng. “Rồi xảy ra chuyện gì nữa?”

“Rồi Vassell và Coomer và Marshall bắt đầu ráo riết truy tìm chiếc cặp táp kia. Họ có lợi thế hơn ta vì biết mục tiêu là một gã đàn ông, chứ không phải phụ nữ. Marshall bay về Đức hôm mồng hai, rồi lục soát văn phòng và phòng riêng của Kramer. Hắn tìm thấy gì đó dẫn đến Carbone. Có thể là từ một cuốn nhật ký, một lá thư, hay bức ảnh nào đó. Hoặc là một cái tên, hay số điện thoại trong sổ danh bạ. Sao cũng được. Mồng ba hắn bay trở lại, và họ lên kế hoạch rồi gọi cho Carbone. Họ gây áp lực với anh ta. Họ dàn xếp một cuộc trao đổi vào đêm sau. Đổi chiếc cặp táp lấy lá thư, tấm hình hay thứ gì đó. Carbone đồng ý. Anh ta hăm hở đồng ý vì không muốn bị lộ, và dù sao cũng đã kịp gọi kể cho Brubaker về chi tiết ghi trong bản chương trình nghị sự kia. Anh ta không mất gì, mà còn được lợi hơn. Có khi anh ta đã từng trải qua điều tương tự từ trước. Có khi nhiều hơn một lần ấy chứ. Thằng cha tội nghiệp ấy là người đồng tính suốt mười sáu năm trời tại ngũ. Nhưng lần này lại không suôn sẻ như trước. Bởi vì Marshall đã giết anh ta trong khi hai bên trao đổi.”

“Marshall sao? Hôm ấy Marshall còn không có ở trại cơ mà?”

“Có chứ,” tôi bảo. “Em còn biết cách nào mà. Chính em đã từng nói khi mình chuẩn bị rời khỏi trại đi gặp thanh tra Clark về thanh xà beng kia đó. Em nhớ không? Khi lão Willard đang gọi điện truy đuổi anh ấy? Lúc đó em đã đề nghị anh còn gì.”

“Đề nghị gì cơ?”

“Marshall đã trốn trong cốp xe, Summer ạ. Coomer lái, Vassell ngồi ghế phụ, và Marshall trốn trong cốp xe. Đó là cách họ vào được cổng chính. Rồi họ đánh xe ra tít một góc khuất ở bãi xe phòng ăn sĩ quan. Cho xe lùi vào, vì Coomer đã mở cốp xe trước khi bước ra. Dù Marshall giữ nắp cốp, nhưng hắn vẫn cần được che giấu cẩn thận. Rồi Vassell và Coomer vào trong nhà, bắt đầu dàn dựng bằng chứng ngoại phạm bất khả xâm phạm kia. Trong lúc ấy Marshall trốn trong cốp xe gần hai tiếng đồng hồ, níu lấy nắp cốp, chờ đến khi bốn bề yên tĩnh. Rồi hắn trèo ra ngoài lái xe đi. Đó là lý do vì sao nhóm tuần tra đêm đầu tiên nhớ tới chiếc xe, còn nhóm thứ hai thì không. Chiếc xe đã ở đó, rồi biến mất. Vậy là Marshall đón Carbone ở một điểm hẹn trước nào đó, và họ cùng đi tới bìa rừng. Carbone giữ chiếc cặp táp. Marshall mở cốp đưa cho Carbone một phong bì hay gì đó. Carbone xoay lưng đi soi nó dưới ánh trăng, kiểm tra xem có nhận đúng thứ đã giao kèo không. Ngay cả một kẻ thận trọng như lính Delta cũng sẽ làm thế. Sự nghiệp một đời đang trên bờ vực mà. Ở sau lưng, Marshall lấy ra thanh xà beng và nện anh ta. Đâu chỉ vì chiếc cặp táp. Đằng nào hắn cũng lấy được chiếc cặp. Cuộc trao đổi đang diễn ra suôn sẻ mà. Và Carbone cũng sẽ không dám hó hé gì sau đó nữa. Marshall nện anh ta một phần vì tức giận. Hắn ghen vì anh ta đã ngoại tình với Kramer. Đó là một trong những lý do vì sao hắn giết anh ta. Rồi hắn lấy lại phong bì và chiếc cặp táp. Ném cả hai vào cốp xe. Sau đó thế nào thì ta đã rõ. Hắn biết trước mình sẽ làm gì nên đã chuẩn bị đồ để đánh lạc hướng. Rồi hắn lái về tòa nhà doanh trại và vứt thanh xà beng đi trên đường trở về. Hắn đỗ xe vào chỗ ban đầu rồi trèo lại vào trong cốp. Vassell và Coomer bước ra từ phòng ăn rồi lái xe đi.”

“Rồi sau đó thì sao?”

“Họ đi, và cứ đi. Họ hào hứng và bồn chồn. Nhưng lúc đó họ đã biết thằng con cưng của mình đã làm gì bà Kramer rồi. Nên họ cũng hồi hộp và lo lắng lắm. Họ không biết phải dừng ở đâu để một tên có thể đang vấy máu trên người trèo ra khỏi cốp xe. Nơi an toàn đầu tiên họ tìm thấy chính là trạm dừng chân cách một giờ đi xe về hướng Bắc. Họ đậu thật xa những xe khác cho Marshall trèo ra. Marshall đưa họ chiếc cặp táp. Họ tiếp tục lên đường. Họ dành một phút lục soát chiếc cặp, rồi quẳng nó ra khỏi cửa sổ sau khi đi thêm được một dặm nữa.”

Summer ngồi im lặng. Cô đang ngẫm nghĩ. Mí mắt dưới hấp háy lên liên tục.

“Đó chỉ là giả thuyết mà thôi,” cô bảo.

“Em có cách giải thích nào khác không?”

Cô nghĩ một lúc. Rồi lắc đầu.

“Vậy còn Brubaker thì sao?” cô hỏi.

Một giọng nói vang ra từ loa gắn trên trần nhà, thông báo rằng chuyến bay của chúng tôi đã mở cửa. Chúng tôi cầm hành lý rồi xếp hàng. Ngoài trời vẫn tối mịt. Tôi đếm những hành khách kia. Tôi hy vọng sẽ có vài ghế trống, đồng nghĩa với việc dư đồ ăn sáng. Lúc ấy tôi đói lắm. Nhưng có vẻ không được như vậy. Trông chuyến bay khá đông. Tôi đoán sức hút của thành phố L.A. khá lớn, trong tháng Giêng này, đối với những người sống ở Thủ đô. Chắc người ta cũng chẳng cần lý do lý trấu gì để xếp lịch hội họp ở đó.

“Vậy còn Brubaker thì sao?” Summer hỏi lại lần nữa.

Chúng tôi di chuyển tới hàng ghế của mình. Chúng tôi có một ghế giữa và một ghế cạnh cửa sổ. Ghế cạnh đường đi đã có một bà xơ ngồi sẵn. Bà ta già rồi. Tôi hy vọng tai bà ta đã yếu. Tôi không muốn bị nghe lén. Bà ta dịch chỗ cho chúng tôi vào trong. Tôi để Summer ngồi cạnh bà ta. Tôi ngồi bên cửa sổ. Thắt dây an toàn. Im lặng một chốc. Nhìn cảnh sân bay bên ngoài. Nhìn người ta tất tả tới lui dưới đèn pha. Rồi máy bay lùi ra khỏi cửa lên, và bắt đầu chạy trên đường băng. Không phải dừng đợi máy bay khác. Chúng tôi cất cánh chừng hai phút sau.

“Anh không chắc về Brubaker,” tôi bảo. “Ông ta liên quan gì đến vụ việc? Họ gọi ông ta, hay ông ta gọi họ? Ông ta biết về bản chương trình nghị sự nửa tiếng sau Giao thừa. Một tay xông xáo như vậy, chắc đã cố gây áp lực. Hoặc Vassell và Coomer chỉ dự phòng tình huống xấu nhất. Họ có thể cho rằng một hạ sĩ quan cấp cao như Carbone sẽ gọi cho sếp của mình. Nên anh chưa rõ là ai gọi ai trước. Có khi bọn họ gọi nhau cùng lúc. Hoặc là cả hai cùng coi nhau là mối họa, hoặc Vassell và Coomer đã gợi ý giải pháp nào đó để đôi bên cùng có lợi.”

“Việc ấy có khả năng chứ?”

“Ai biết được?” tôi bảo. “Những đơn vị phối hợp này sẽ kỳ quái lắm. Brubaker chắc chắn sẽ rất nổi tiếng, vì ông ta vốn thích những cuộc chiến tranh kỳ quái. Vậy nên có thể Vassell và Coomer đã dụ ông ta tin rằng họ muốn tìm một đồng minh chiến lược. Dù sao chăng nữa, họ đã hẹn gặp nhau vào tối muộn ngày mùng bốn. Brubaker chắc đã định rõ địa điểm. Ông ta hẳn đã tạt qua nơi đó nhiều lần, tới lui trên đường từ trại Bird tới khách sạn sân golf của mình. Và hẳn ông ta đã tự tin lắm. Ông ta sẽ chẳng để Marshall ngồi sau lưng mình nếu có lo lắng gì.”

“Sao anh biết Marshall đã ngồi sau lưng ông ta?”

“Thủ tục mà,” tôi bảo. “Ông ta là một đại tá ngồi nói chuyện với một chuẩn tướng và một đại tá nữa. Ông ta đã để Vassell ngồi ghế trước, còn Coomer ngồi ở băng ghế sau, sau lưng ghế phụ, để ông ta có thể quay đầu quan sát cả hai bọn họ. Marshall ngồi ngoài tầm nhìn và không bị đề phòng. Vì hắn chỉ là thiếu tá thôi mà. Ai cần hắn chứ?”

“Họ có định giết ông ta từ trước không? Hay chỉ là việc phát sinh thôi?”

“Họ định từ trước rồi, chắc chắn vậy. Họ đã lên hết kế hoạch. Một nơi vắng vẻ để giấu xác, gói heroin Marshall chuẩn bị từ đêm ở Đức, và một khẩu súng sẵn đạn. Nên rốt cuộc thì ta đã đúng, dù là do vô tình mà đúng. Nhóm người đã giết Carbone, sau đó đường hoàng rời khỏi cổng trại, rồi giết luôn Brubaker, là một. Đi gần như không ngừng nghỉ.”

“Hai cú đánh lạc hướng,” Summer bảo. “Gói heroin kia, và bỏ xác ở phía Nam, chứ không phải phía Bắc.”

“Một bọn nghiệp dư,” tôi nói. “Nhóm khám nghiệm thành phố Columbia hẳn đã thấy ngay dấu máu bầm và vết bỏng. Vassell và Coomer chỉ đơn thuần gặp may mắn khi nhóm khám nghiệm kia không báo lại cho mình ngay lập tức. Hơn nữa, họ đã để lại xe của Brubaker ở phía Bắc. Đúng là khôn ba năm dại một giờ.”

“Bọn họ hẳn đã mệt mỏi. Áp lực, căng thẳng, hàng giờ liền trên xe. Họ đi từ nghĩa trang Arlington, lại lên Smithfield, lại xuống Columbia, lại lên sân bay Dulles. Chắc đi suốt mười tám tiếng đồng hồ ấy chứ. Chẳng trách vì sao bọn họ lại mắc sai lầm. Nhưng họ có thể đã thoát tội nếu anh không phớt lờ lão Willard.”

Tôi gật đầu. Không nói gì.

“Một cáo buộc yếu ớt,” Summer bảo. “Rất yếu nữa là khác. Thậm chí còn chẳng dựa trên cơ sở nào. Tất cả chỉ toàn là đoán mò thôi.”

“Chứ sao nữa. Vậy nên ta mới cần lời tự thú của họ.”

“Anh cần suy nghĩ tường tận, trước khi đối đầu với họ. Một cáo buộc yếu như thế này, có khi chính anh phải vào tù đó. Vì tội quấy rối.”

Tôi nghe động ở sau lưng, và nữ tiếp viên bước vào phục vụ bữa sáng. Cô đưa một suất cho bà xơ, cho Summer, rồi cho tôi. Một suất ăn thảm hại. Chỉ có nước ép hoa quả và miếng bánh mì kẹp thịt heo với phô mai còn nóng. Chỉ vậy thôi. Tôi đoán lát sẽ có phục vụ cà phê. Tôi hy vọng mới đúng. Tôi ăn sạch trong vòng ba mươi giây. Summer mất khoảng ba mốt giây. Nhưng bà xơ không động tới món ăn. Bà ta chỉ để chúng nằm trước mặt. Tôi huých vào hông Summer.

“Em hỏi xem bà ta có ăn không,” tôi nói.

“Sao được anh,” cô bảo.

“Bà ta phải rộng lượng chứ,” tôi nói. “Làm xơ là phải vậy.”

“Sao được anh,” cô lặp lại.

“Được chứ em.”

Cô thở dài. “OK, đợi em một phút.”

Nhưng cô làm hỏng việc. Cô đợi lâu quá. Bà xơ đã mở lớp gói và bắt đầu ăn miếng bánh kẹp.

“Bố khỉ,” tôi nói.

“Em xin lỗi,” Summer đáp.

Tôi nhìn cô. “Em nói gì ấy nhỉ?”

“Em bảo là em xin lỗi.”

“Không, trước ấy cơ. Câu cuối của em ấy.”

“Em bảo là làm sao em hỏi bà ấy được.”

Tôi lắc đầu. “Không, trước khi họ dọn suất ăn sáng cơ.”

“Em bảo đây là một cáo buộc vô cùng yếu.”

“Trước đó nữa.”

Tôi thấy cô như đang tua lại cuộn băng trong đầu mình. “Em bảo Vassell và Coomer hẳn đã thoát tội, nếu anh không phớt lờ lão Willard.”

Tôi gật đầu. Ngẫm nghĩ về điều đó trong một phút. Rồi nhắm mắt lại.

Tôi mở mắt ra lần nữa khi tới Los Angeles. Máy bay hạ cánh, và tiếng bánh xe va xuống, rít lên khi trượt trên đường băng làm tôi tỉnh dậy. Rồi hệ thống thổi ngược rít lên, và phanh máy bay khiến tôi giật về trước cấn vào đai an toàn. Tia sáng đầu tiên của ngày hiện ra bên ngoài cửa sổ. Bình minh có màu nâu, như thường lệ tại nơi này. Một giọng nói cất lên từ hệ thống phát thanh thông báo với chúng tôi rằng đã bảy giờ sáng tại California. Chúng tôi đã đi về hướng Tây suốt hai ngày trời, và mỗi hai mươi bốn giờ trôi qua, cảm giác dài như hai mươi tám giờ vậy. Tôi ngủ được một chút và không thấy mệt lắm. Nhưng vẫn đói vô cùng.

Chúng tôi rục rịch xuống máy bay và đi bộ tới khu lấy hành lý ký gửi. Đó là nơi tài xế thường đón khách. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Thấy là Calvin Franz đã chẳng cử ai tới đón chúng tôi. Mà anh ta thân chinh đến luôn. Tôi mừng lắm. Như gặp được quý nhân vậy. Tôi có cảm giác rằng bọn tôi sẽ được bảo bọc chu đáo.

“Tôi có vài tin cho cậu đây,” anh ta nói.

Tôi giới thiệu anh ta với Summer. Anh ta bắt tay cô, rồi phụ xách túi của cô đi. Tôi đoán đó nửa là thái độ lịch thiệp, nửa là cách giục khéo chúng tôi ra xe Humvee nhanh lên. Chiếc xe đỗ ngay khu cấm đậu. Nhưng cảnh sát chẳng dám động tới nó. Xe Humvee ngụy trang màu đen xen xanh lá thường có uy như vậy. Chúng tôi trèo lên xe. Tôi để Summer ngồi đằng trước. Đó nửa là thái độ lịch thiệp của tôi, nửa là vì tôi muốn thỏa sức duỗi chân ở băng ghế sau. Ngồi trên máy bay tù chân quá.

“Họ tìm thấy chiếc Grand Marquis rồi,” Franz nói.

Anh ta nhấn bộ tăng áp rồi phóng ra khỏi vỉa hè. Trại Irwin nằm ở hướng Bắc thành phố Barstow, vốn cách rìa thành phố khoảng ba mươi dặm. Tôi đoán chừng anh ta sẽ mất một giờ len lỏi giữa giao thông buổi sáng. Tôi thấy Summer để ý cách lái xe của anh ta. Trong mắt ánh lên vẻ thán phục của dân nhà nghề. Có khi cả chặng đường sẽ chỉ tốn có ba lăm phút.

“Nó nằm ở Căn cứ Andrews,” Franz bảo. “Bị bỏ lại đó vào mùng năm.”

“Khi Marshall bị triệu về Đức,” tôi nói.

Franz gật đầu ở ghế tài. “Sổ nhật ký xuất nhập trại của họ ghi vậy. Chính Marshall đã đậu nó ở đó với chứng nhận từ Quân đoàn Vận tải. Người của tôi đã nhờ phía FBI. Như vậy nhanh hơn. Họ phải nhờ vả một chút. Bên Cục kiểm tra nó suốt đêm. Ban đầu ngần ngại, nhưng rồi họ ráo riết lắm. Có vẻ như nó có liên quan đến vụ án nào đó mà phía họ đang điều tra.”

“Vụ Brubaker,” tôi đáp.

Anh ta gật đầu lần nữa. “Trong cốp xe có dấu tích của Brubaker mà. Cụ thể hơn, thì là máu và óc của ông ta. Chúng được chùi đi bằng giấy, nhưng không sạch.”

“Còn gì nữa không?” tôi hỏi.

“Nhiều chứ. Còn có máu từ nguồn khác nữa, chỉ là những vệt máu bị bôi ra, có thể là quệt từ tay áo hay lưỡi dao gì đó.”

“Từ Carbone đó,” tôi bảo. “Khi Marshall nấp trong cốp xe. Họ có tìm thấy con dao không?”

“Không,” Franz nói. “Nhưng vân tay của Marshall dính đầy trong cốp.”

“Hẳn vậy rồi,” tôi đáp. “Hắn nấp trong ấy cả mấy tiếng mà.” “Trong cốp còn có một thẻ định danh nằm trơ trọi,” Franz nói. “Như thể sợi dây xích của nó bị đứt, và cái thẻ bị tuột ra mất.”

“Của Carbone?” tôi hỏi.

“Còn ai nữa.”

“Rõ là dân nghiệp dư,” tôi bảo. “Còn gì nữa không?”

“Toàn thứ linh tinh thôi. Chiếc xe ấy luộm thuộm lắm. Nhiều tóc và sợi vải, giấy bọc đồ ăn nhanh, lon nước ngọt, kiểu vậy.”

“Có hũ sữa chua nào không?”

“Có một cái,” Franz bảo. “Trong cốp.”

“Vị dâu hay mâm xôi?”

“Dâu. Có dấu vân tay của Marshall trên nắp. Hình như hắn tiện mồm ăn vặt hay sao đó.”

“Hắn có mở nó ra,” tôi bảo. “Nhưng không ăn đâu.”

“Có một phong bì rỗng,” Franz nói. “Địa chỉ người nhận ghi là Kramer ở Quân đoàn XII tại Đức. Bưu phẩm hàng không, đóng dấu một năm trước. Không có thông tin người gửi. Giống thư gửi ảnh gì đó, nhưng bên trong trống rỗng.”

Tôi không nói gì. Anh ta nhìn tôi từ gương chiếu hậu.

“Trong số những gì tôi vừa nói có tin nào tốt không?” anh ta hỏi.

Tôi mỉm cười. “Nó vừa giúp chúng tôi đi từ đoán mò sang có cơ sở.”

“Một bước nhảy vọt của nhân loại,” anh ta đáp.

Rồi tôi ngưng cười và quay đi nơi khác. Tôi bắt đầu nghĩ về Carbone, Brubaker, và bà Kramer. Rồi đến bà Reacher. Người ta đang chết dần khắp nơi trên thế giới, trong buổi đầu tháng Giêng năm 1990.

Rốt cuộc sau hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được trại Irwin. Tôi đoán người ta đã nói đúng về cao tốc thành phố L.A. Doanh trại nhìn y như trước. Luôn luôn nhộn nhịp. Nó chiếm cả một khoảng rộng giữa sa mạc Mojave. Vài nhánh trung đoàn Thiết giáp trực luân phiên tại đây, rồi đóng vai chủ nhà khi những đơn vị khác tới để tập luyện. Nơi đây ngập tràn không khí của đợt luyện tập mùa xuân. Thời tiết lúc nào cũng dễ chịu, còn quân nhân thì vui vẻ chơi đùa dưới nắng trời cùng những món đồ chơi to bự đắt tiền.

“Cậu muốn bắt tay vào việc luôn không?” Franz hỏi.

“Cậu có canh chừng bọn họ chứ?”

Anh ta gật đầu. “Có, trong âm thầm.”

“Thế thì ăn sáng trước đi.”

Phòng ăn sĩ quan của Lục quân Hoa Kỳ là địa điểm tuyệt vời dành cho những người ăn không đủ no các món phục vụ trên chuyến bay. Dãy thức ăn tự chọn dài cả dặm. Thực đơn giống bên Đức, nhưng nước ép cam và quầy trái cây trông ngon lành hơn ở California này. Tôi ăn ngang sức một đại đội súng trường, và Summer ăn còn nhiều hơn tôi. Tôi tiếp năng lượng bằng toàn bộ số cà phê mà mình có thể uống nổi. Rồi tôi ngả ra bên bàn ăn. Hít một hơi sâu.

“OK,” tôi bảo. “Làm việc thôi.”

Chúng tôi về văn phòng của Franz để anh ta điện cho lính mình. Họ báo cáo rằng Marshall đang ở ngoài sa mạc, nhưng Vassell và Coomer đang ngồi bó gối trong phòng nghỉ dành cho sĩ quan viếng thăm. Franz đưa chúng tôi tới đó bằng chiếc Humvee của mình. Chúng tôi bước ra vỉa hè. Mặt trời chói rọi trên đầu. Không khí ấm áp và hơi bụi bặm. Tôi ngửi được mùi hương của những khóm cây gai miền sa mạc mọc ở tít tầm mắt.

Phòng dành cho sĩ quan viếng thăm của trại Irwin trông như thể được chính nhà thầu ở trụ sở Quân đoàn XII xây dựng vậy. Một hàng dài những căn phòng na ná nhau bọc quanh một khoảnh sân đầy cát. Ở một bên là khu sinh hoạt chung. Phòng xem ti vi, đánh bóng bàn, và phòng khách. Franz dẫn chúng tôi qua cửa rồi đứng sang một bên, và chúng tôi liền thấy Vassell và Coomer đang ngồi cạnh nhau trên ghế bọc da. Tôi chợt nhớ ra mình mới chỉ gặp họ một lần, khi họ tới văn phòng mình ở trại Bird. Cảm giác thật kỳ lạ, vì tôi dành bao nhiêu thời gian vừa rồi nghĩ về họ.

Bọn họ đều mặc bộ đồ dã chiến mới tinh tươm, mẫu ngụy trang kiểu sa mạc cách tân, với loại họa tiết mà người ta đùa là nhìn giống viên sô cô la. Trông cả hai vẫn giả tạo hệt như trong bộ ngụy trang rừng cây hồi trước. Trông vẫn như hai thành viên tổ chức từ thiện Rotary Club vậy. Vassell vẫn hói, còn Coomer thì vẫn đeo cặp kính kia.

Bọn họ ngước lên nhìn tôi.

Tôi hít một hơi.

Họ là sĩ quan cấp trên.

Tội quấy rối.

Có khi chính anh phải vào tù đó.

“Chuẩn tướng Vassell,” tôi lên tiếng. “Và đại tá Coomer. Hai vị đã bị bắt vì vi phạm Bộ luật Thống nhất của Tư pháp Quân đội, khi thông đồng với nhau và một cá nhân khác thực hiện hành vi giết người.”

Tôi nín thở.

Nhưng bọn họ chẳng ai có phản ứng gì. Chẳng ai lên tiếng. Họ chỉ buông xuôi. Trông họ như đầu hàng vậy. Như biết rõ kết cục sẽ đến, và điều không thể thoát khỏi cuối cùng đã xảy ra. Như họ đã lường trước việc này ngay từ phút ban đầu vậy. Như biết chắc chuyện sẽ đến kết cục này. Tôi thở ra. Người ta thường có nhiều phản ứng khác nhau khi nghe hung tin. Đau buồn, tức giận, hoặc chối bỏ. Nhưng hai người đây trông như đã đi qua hết các bậc cảm xúc đó rồi. Rõ ràng là vậy. Họ ngồi yên đó trước mũi giáo, cứng người chấp thuận.

Tôi ra hiệu cho Summer hoàn thành thủ tục. Có rất nhiều điều khoản trong Bộ luật Thống nhất mà anh phải đọc ra. Đủ các loại khuyên răn và cảnh cáo. Summer đọc chúng tốt hơn tôi. Giọng cô rõ ràng, còn thái độ thì chuyên nghiệp vô cùng. Cả Vassell lẫn Coomer đều không phản ứng. Không quát tháo, không năn nỉ, không tức tối biện hộ. Họ chỉ ngoan ngoãn gật đầu sau mỗi điều. Họ tự ngồi dậy khỏi ghế mà không cần yêu cầu.

“Còng tay chứ sếp?” Summer hỏi tôi.

Tôi gật đầu.

“Đương nhiên,” tôi đáp. “Dẫn bộ họ tới phòng tạm giam. Theo họ suốt chặng đường. Đừng đưa họ lên xe. Cứ để mọi người trông thấy họ. Để mọi người biết họ là vết nhơ.”

Tôi nhờ một lính kỵ binh chỉ đường, rồi lái chiếc Humvee của Franz đến tìm Marshall. Hắn hình như đang ở trong một đài quan sát gần một mục tiêu tập bắn bị vứt bỏ. Mục tiêu tập bắn bị vứt bỏ kia hình như là một chiếc xe tăng Sheridan lỗi thời. Nghe họ tả là nó nát bét cả rồi. Đài quan sát thì mới hơn, và gần chiếc xe tăng cũ ấy. Tôi được dặn phải chạy theo đường mòn, để tránh bom đạn xịt, và rùa sa mạc. Nếu tôi cán phải đống bom đạn xịt kia, tôi sẽ chết. Còn nếu tôi cán phải bọn rùa sa mạc, thì tôi sẽ bị Bộ Nội vụ bắt giữ.

Tôi rời doanh trại một mình, vào chính xác chín rưỡi sáng. Tôi không muốn đợi Summer. Cô còn bận với thủ tục xử lý Vassell và Coomer. Tôi thấy mình như đang đến đoạn cuối của hành trình, và chỉ mong nó kết thúc chóng vánh. Tôi mượn một khẩu súng phòng thân cầm theo, nhưng hóa ra nó vẫn là một quyết định sai lầm.



BOOK COMMENTS

  • 7.0/7 - 1 rating
    TO TOP
    SEARCH