MỤC LỤC
- 1. Gian truân từ thuở mới ra đời
- 2. Cô dâu của tòa nhà Sơ-tông
- 3. Đêm tân hôn lịch sử
- 4. Lá rụng về cội
- 5. Hiểm nguy trên biển cả
- 6. Vào tay kẻ cướp
- 7. Ra tù vào khám
- 8. Lọt vào hang hùm
- 9. Chui vào hang sói
- 10. Kẻ thù hay người yêu?
- 11. Rơi vào lưới tình
- 12. Vào tay bọn phản loan
- 13. Hai ngã đường tình
- 14. Người yêu của Đại Đế
- 15. Con ma trong ngôi nhà cổ
- 16. Người chết hiện về
- 17. Tình yêu mất, khổ lụy còn
- 18. Lòng dạ đàn ông
- 19. Muốn ly hôn phải kết hôn
- 20. Một ngày bằng ba thu
- 21. Người chồng vô hình
- 22. Hôn lễ rợn người
- 23. Tỳ vết của tiền nhân
- 24. Hiệp sĩ bên đường
- 25. Người yêu không duyên số
- 26. Định mệnh an bài
- 27. Duyên phần kết cuộc
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
HÔN LỂ RỢN NGƯỜI
Màn đêm đã buông xuống từ lâu, MaiAnh vẫn còn đứng nguyên một chỗ, mắt thẫn thờ nhìn ra khu hoa viên…
Giờ này màu sắc của cỏ cây hoa lá chỉ còn lại một màu đen dày đặc. Những tượng đá bây giờ trông thấy cũng lờ mờ như hình ảnh của ma trơi.
Không hiểu sao trong đầu MaiAnh cứ lởn vởn hình ảnh của ma quái?
Khi nãy tắm xong nàng lên giường nằm nghỉ một lúc. Đến khi đặt lưng lên giường nàng có cảm tưởng như nằm trên bàn tế lễ, mà con vật sống hy sinh dâng tế thần là mình, nên sợ hãi bật ngồi dậy.
Tuy mệt về cuộc hành trình dài, nhưng nàng vẫn không thể an lòng dưỡng sức vì tâm trí mãi lo âu…
LãVi mang đến cho nàng chiếc áo cưới. Chiếc áo bằng nhung trắng, kết những đoá hoa hồng bằng vàng kim loại lóng lánh. Chiếc áo nặng trĩu, nhưng cũng không nặng nề như cái vương miện bằng vàng kết ngọc trai và kim cương mà Mai-Anh đội lên đầu.
Lần đầu tiên trong đời được mặc chiếc áo quí giá và cũng là lần đầu tiên trên đầu đội cái vương miện dành cho các bà Hoàng-hậu, Vương-phi. Nhưng không hiểu sao MaiAnh chẳng có niềm vui sướng trong lòng?
Nàng lo sợ giây phút sắp đến… Lo sợ… lo sợ… nhưng việc phải đến sẽ phải đến! Lo sợ, lo sợ… mà vẫn phải đợi chờ, chờ đợi việc sắp xảy ra…
Nàng vẫn đứng bất động bên khung cửa sổ, mắt vẫn đăm đăm nhìn khu hoa viên. Hay nói đúng ra mắt nàng vẫn nhìn ra khoảng không gian đen tối bên ngoài.
Bỗng nàng nhớ đêm nào nàng cũng đứng tựa bên cửa sổ ở toà nhà SơTông chờ đợi giờ phút hợp cẩn với chồng là Phan-Xi. Thời gian chưa đầy một năm, nhưng nàng có cảm tưởng như một thế kỷ trôi qua!
Nhớ lại ngày ấy nàng ngất ngây hạnh phúc. Sau giờ hành lễ của cha GaThi, nàng trở về phòng chờ đợi người yêu. Chờ đợi giây phút làm đàn bà… Chờ đợi giây phút thiêng liêng nếm mùi tình ái…
Hai tâm hồn yêu nhau chưa đủ, nếu hai thể xác chưa hòa nhịp ái ân. Ngược lại sự gần gủi của đôi vợ chồng không có tình yêu thì người vợ đâu khác gì cô gái bán thân, mà người chồng là khách làng chơi?
Đêm nay nàng sẽ làm vợ. Nàng chờ đợi giây phút làm vợ… Nhưng thiết tưởng trên thế gian này chưa có cô dâu nào làm vợ như hoàn cảnh của nàng hiện tại!
Bởi vì…
Đêm nay sẽ không có giờ phút trao nhau ly rượu «hợp cẩn» giữa cô dâu và chú rể. Cũng không có một ĐạtSơn BôFo đến gõ cửa phòng tân hôn để đòi cô dâu trả nợ một đêm ái ân thay cho chú rể giờ động phòng!
Một hôn lễ trắng! Một hôn lễ kết hợp bằng một một tờ giá thú cho hai kẻ khốn khổ! Một cuộc nhân duyên không bằng tình yêu của đôi tâm hồn! Cũng không có ái ân của đôi thể xác!
Một hôn nhân lạ lùng nhất chưa hề xảy ra trong xã hội loài người!
Đêm nay…
Nàng dâu trong chiếc áo cưới vương giả, trong phòng tân hôn vương giả… sẽ ngồi bơ vơ, sẽ ngủ bơ vơ… để nghe tiếng lòng thổn thức… để nghe xác thịt rên rĩ… vì chú rể sẽ không đến đây để cùng vầy cuộc ái ân!
Một nàng dâu thê lương khốn khổ nhất trong những nàng dâu trên thế gian! Và cuối cùng nàng dâu ấy không chịu đựng được nữa, ôm mặt khóc vùi. Khóc thật nhiều, khóc thật no nê, làm hoen ố cả gương mặt điểm trang!
Lâu lắm, lâu lắm, nàng mới ngẩng mặt soi gương… Rồi nàng tự hỏi:
«- Soi gương để làm gì? Trang điểm để cho ai?»
Cánh cửa phòng vụt mở ra… Hai người bước vào với cây đèn có sáu ngọn nến cháy lập loè. MaiAnh quay mặt nhìn hai người đi vào phòng, một là nghĩa phụ nàng, một là LãVi.
Nét mặt của cha Gathi có vẻ trầm tư, nhưng chỉ một thoáng qua gương mặt ấy trở lại bình thản. Rồi giọng nói thật dịu từ miệng Cha thoát ra:
- Đi con! Tới giờ rồi!
Cha mặc chiếc áo Giáo-chủ màu hồng đỏ, đưa cánh tay cho MaiAnh vin lấy và dắt đi ra ngoài… Thình lình toàn thân Mai-Anh run lạnh vì có cảm tưởng như mình đang theo vị linh mục đến pháp trường, mà một lúc nữa đây sẽ là giờ hành quyết… Nàng run rẫy trên tay của nghĩa phụ, chân bước tới như cái máy, chiếc áo vương giả lê lết trên nền nhà.
Nàng được Cha giới thiệu tất cả gian phòng của toà lâu đài. Phòng nào cũng đèn đuốc sáng choang, huy hoàng rực rỡ như ngày đại lễ ở các đền vua.
Trong phút chốc cảm giác ghê sợ trong lòng MaiAnh như tan biến. Nàng bỗng có một cảm giác mới lạ, mường tượng mình chính là vai cô gái trong các chuyện thần thoại của trẻ con, như nàng công chúa «lọ lem» đi vào lâu đài tìm vị hoàng tử đẹp trai…
Chỉ khác một điều vị hoàng tử mà công chúa «lọ lem Mai-Anh» đi tìm trong toà lâu đài này chỉ là một bóng ma! Hay nói đúng ra là «một người vô hình»!
Giới thiệu một lượt tất cả các phòng của tòa lâu đài một cách khoan khoái và hãnh diện, cha GaThi đưa MaiAnh vào một phòng nhỏ. Phòng này đặc biệt hơn các phòng khác là ngoài cái ghế bành bọc gấm nhung màu đỏ sẫm, còn có tấm gương thật lớn như mặt vách, ngăn cách phòng bên cạnh. Phía trước gương có ngọn đèn sáp cháy lập loè.
Cha GaThi ra dấu bảo MaiAnh ngồi trên ghế trước mặt tấm gương. Cha đứng sau lưng nàng như chờ đợi một người… Tay Cha đặt lên vai nàng như muốn đem cho nàng một niềm tin, một sự bảo đảm.
MaiAnh vừa muốn hỏi Cha định làm gì, bất chợt miệng nàng đớ ra vì tiếng nói của cha GaThi vang lên:
- Đây, tôi xin giới thiệu với Thái-tử. Nghĩa nữ của tôi, Mai-Anh ĐờSơNa.
Rõ ràng là Cha nói chuyện với tấm gương trước mắt! Và tấm gương trả lời:
- Tha lỗi cho sự tiếp đón không hoàn hảo của tôi, Giáochủ nhé? Đáng lý tôi là chủ nhân phải mở miệng nói trước. Nhưng… nhưng quả thật tôi… tôi không biết phải mở lời ra sao? Tôi chỉ biết cảm kích sự hiện diện của Giáochủ và phu nhân…
Bây giờ tấm gương nói với MaiAnh:
- Phu nhân! Nghĩa phụ của phu nhân có kể sơ cho tôi nghe về nhan sắc của phu nhân, nhưng… phải thành thật mà nói Ngài giáo-chủ không có năng khiếu của một nhà văn. Hay cũng có thể nói văn chương không đủ chữ để nói hết được vẻ thiên kiều bá mị của phu nhân! Tôi… xin phép tỏ lời ngưỡng mộ và chân thành cảm ơn sự hiện diện của phu nhân nơi đây.
Giọng nói trầm buồn và rời rạc, y như người nói thổn thức khi nói, khiến người nghe phải xúc động thương cảm.
Nỗ lo sợ tan biến, MaiAnh nhìn tấm gương, dịu dàng hỏi:
- Thái-tử đã thấy thiếp rồi sao?
Tấm gương đáp lời nàng bằng giọng xúc động:
- Phải! Tôi đã nhìn thấy rõ phu nhân. Tôi… tôi là… tấm gương trước mặt phu nhân. Một tấm gương đang sung sướng in lại hình ảnh một người đàn bà đẹp.
- Quả thật tấm gương đang sung sướng đó sao? Thiếp nghe như giọng nói của ai qua gương sao thật buồn não nuột?
- Chẳng qua từ lâu rồi tôi không có dịp nói. Một tiếng nói ít khi phát ra lời nên quên hẳn những âm thanh bình thường, làm buồn lây phu nhân. Xin lỗi phu nhân! À, tôi nghe được giọng của phu nhân êm như điệu nhạc.
MaiAnh nghe thương hại thật sự người đang đối thoại với mình. Một vị Thái-tử quyền uy mà lời nói thật ôn hoà khiêm tốn! Thật tội nghiệp cho người này không hiểu đã mắc phải bệnh tật chi?
Bỗng dưng nàng sinh lòng thương cảm và muốn đóng vai trò làm vợ thật sự người này… Vai trò của định mệnh của nàng!
Một giọng nói bi thảm thế kia hẳn do những khổ đau triền miên của những tháng năm dài chồng chất? Nếu thế thì trên đời này chưa ai đáng thương hơn người ấy!
Tim nàng chợt se sắt quặn đau. Chừng như không cầm lòng được nữa, nàng quay mặt nói với cha Gathi:
- Thưa Cha! Xin Cha cho phép con được một mình nói chuyện với Thái-tử.
Cha GaThi mỉm cười gật đầu:
- Lẽ đương nhiên rồi! Ta chờ con ở phòng sách bên cạnh.
Nói xong Cha đứng lên bước đi. Cánh cửa phòng sau khi cha Gathi khép lại thì MaiAnh cũng đứng lên đi đến bệ cửa sổ.
Nàng muốn tránh nhìn mình trong gương, thấy môi miệng mình nói cho mình nghe, thì không khác gì một kẻ điên ngồi một mình nói lảm nhảm. Chẳng thà nàng nhìn bâng quơ qua cửa sổ để nói chuyện với một người mà nàng đoán chừng đang đứng đâu đó bên kia gương…
Nàng chưa kịp mở đầu câu chuyện thì giọng nói u buồn khi nãy nhỏ hơn:
- Tại sao nàng không muốn nghĩa phụ nàng ngồi lại đây?
MaiAnh dịu dàng đáp:
- Vì thiếp muốn được nói chuyện riêng với Thái-tử.
Lặng một lúc, có lẽ để nén cơn cảm xúc người ấy mới lên tiếng:
- Thiết tưởng giữa chúng ta đâu còn điều gì phải nóí? Đức Giáo-chủ đã liệu tính mọi điều khoản minh bạch cho cuộc hôn nhân giữa tôi với phu nhân.
- Phải! Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ biết dựa vào các điều khoản như một giao kèo mua bán thôi sao?
Lại im lặng một lúc, người ấy mới trả lời:
- Nếu như phu nhân đã bằng lòng mọi điều khoản tưởng cũng đã đủ! Tôi không biết Đức Giáo-chủ đã có nói rõ điều này chưa? Dù sao tôi cũng xin lập lại một lần nữa để phu nhân an lòng là… tôi sẽ không làm phiền đến cuộc đời riêng tư của phu nhân. Tôi chỉ xin phu nhân một điều…
Người ấy ngập ngừng như lo sợ điều khẩn cầu của mình quá đáng nên do dự không dám thốt ra lời! Cuối cùng người ấy cũng nói được:
- Tôi… chỉ xin phu nhân là… ngày nào đứa trẻ chào đời, thỉnh thoảng phu nhân đưa nó về đây. Tôi ước mong nó thích mãnh đất này… ngôi nhà này… những gì thuộc về nó… ngay cả những người dân của nó!
Giọng nói ngập ngừng lệch lạc có lẽ vì quá xúc động, làm MaiAnh xốn xang cả tâm cang!
Con của nàng chưa sinh ra mà người ấy thương yêu dường ấy, thì nàng là mẹ sao có thể vô tình với một người quá tốt?
Nàng biết con người cao thượng kia có một tâm tư khốn khổ. Nàng muốn nói lời an ủi, muốn giải toả nỗi niềm bất hạnh của người ấy, nên khẩn khoản van nài:
- Thái-tử! Tha lỗi cho thiếp, nếu lời thiếp sắp nói làm thương tổn Ngài. Thiếp xin Ngài! Thiếp muốn biết sự thật tại sao chúng ta không thể gặp mặt nhau? Ngài chẳng phải là phu quân của thiếp sao?
Một sự im lặng gần như bất tận…
MaiAnh có cảm tưởng như người ấy đã biến mất rồi? Nàng tự trách mình đòi hỏi quá sớm khiến người ấy sợ hãi bỏ đi!
Đang lúc MaiAnh ôm đầu khổ sở vì ân hận… Thình lình sau mặt gương có tiếng phát âm trở lại:
- Không thể được! Chúng ta không thể đi xa hơn được. Một lúc nữa đây trong giờ hôn lễ ở giáo đường, tay tôi sẽ được chạm lên tay phu nhân một lần để… đeo nhẫn cưới… Rồi thôi! Trọn đời chúng ta sẽ không còn giây phút nào gần gũi hơn nữa!
MaiAnh kêu lên tuyệt vọng:
- Vì sao chứ? Vì sao Thái-tử tự làm khổ mình? Thiếp đâu phải thuộc hạng người vô cảm vô tâm? Dù cho Thái-tử có mắc bệnh tật gì… nhất định cũng chẳng làm cho thiếp ghê tởm…
Một giọng chua chát phát ra, ngắt lời nàng:
- Nàng thấy chưa? Nàng vừa mới đến vùng này đã nghe thiên hạ đàm tiếu về tôi! Thiên hạ cho rằng tôi mắc bệnh phong cùi ghê tởm. Hừ! Toàn là những lời thêu dệt! Phu nhân! Tôi xin xác nhận với phu nhân tôi không mắc bất cứ bệnh tật nào… ngoài việc tôi… tôi không muốn đối diện với phu nhân!
MaiAnh khổ sở, gọi khẽ:
- Thái-tử! Vì sao Thái-tử nỡ làm thế? Vì sao thiếp không được nhìn…
Người ấy ngắt lời nàng bằng giọng cay đắng:
- Vì tôi không muốn nàng chán ghét tôi!
Sau câu trả lời ngắn và gọn, MaiAnh không còn nghe âm thanh nào phát ra nữa! Mặt gương trở lại sự im lìm nguyên thủy của một vật vô tri!
Lâu lắm… lâu lắm… MaiAnh mới trở lại chỗ ngồi, buông mình lên ghế trong dáng điệu ngẩn ngơ nuối tiếc.
Người ấy đã đi rồi! Đã thật sự biến mất rồi!
Người ấy không cho nàng nhìn mặt! Phải chăng gương mặt ấy quá xấu xí… Xấu đến độ làm kinh hãi kẻ đối diện, nên người ấy không muốn nàng hay bất cứ ai nhìn thấy?
Có thể như thế lắm! Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của tên thư ký MãTô, đến vẻ đau thương sầu não của bà quản gia LãVi, thì cũng đoán biết phần nào cảnh ngộ của chủ nhân!
MaiAnh cảm nghe ân hận ray rức vì thấy mình quá hốp tốp đòi hỏi một điều mà người ta muốn giấu kín.
Lạ một điều người ấy không thắc mắc chút gì về cá nhân nàng?
Phải lắm! Mục đích của cuộc hôn nhân này là người ấy muốn có một đứa con mang tên họ mình để nối nghiệp vương tước, y như hoàn cảnh của NãPháLuân! Chỉ có khác một điều, NãPháLuân cần đứa con của mình do Hoàng-hậu sinh ra. Còn Thái-tử CôRaĐô cũng muốn có một đứa con do vị Nguyên-phi sinh ra, nhưng không mang dòng máu của mình! Nên chi, người vợ có thế nào, xấu đẹp ra sao, đối với Thái-tử không quan trọng!
Nàng tự hỏi:
«Sau khi thấy mặt nàng, Thái-tử đã nghĩ gì? Thái-tử có chút cảm tình nào dành cho nàng không?»
Nàng hỏi mà không thể tự đáp, đầu óc mờ mịt không biết chút xíu gì về con người sắp làm chồng mình!
Cánh cửa phòng vụt mở ra… Cha Gathi trở lại lần này không một mình, mà đi với ba người đàn ông lạ. Hai người ăn mặc theo vương giả thời trước. Một người nhỏ thó, mặc y phục thường dân.
Sau lời giới thiệu của cha Gathi, MaiAnh biết được hai vị kia là nhân chứng của chú rể. Một người là Hầu-tước, một là Bá-tước, thuộc dòng họ của Thái-tử. Còn người đàn ông nhỏ thó mặc y phục dân thường là viên công-chứng (notaire) đến lập chứng thư cho hai bên.
Viên công-chứng ngồi nơi chiếc bàn nhỏ với một tập hồ sơ. Lúc ấy có thêm bà quản gia LãVi và tên thư ký MãTô từ ngoài đi vào phòng, cũng hiện diện với tính cách nhân chứng.
Viên công-chứng đọc tràng giang các điều khoản hôn nhân giữa MaiAnh và Thái-tử CôRaĐô… Song MaiAnh không nghe không nhớ gì cả!
Nàng có cảm tưởng như đang nghe một tờ hợp đồng thương mại, nên chán nản trông mau chấm dứt bản thuyết trình của ông ta!
Nàng đứng bất động trước gương, mắt đăm đăm nhìn vào gương… Nàng đoán giờ phút này người đó nhất định sẽ ở đó để nghe viên công-chứng đọc các điều khoản hôn ước. Chắc chắn người đó đang nhìn nàng…
Bỗng nhiên nàng có cảm giác như có bàn tay đang ve vuốt sau gáy mình. Cảm giác kỳ lạ này thúc đẩy nàng quay mặt nhìn ra sau… Nhưng nàng không thấy ai, ngoài cái nhìn lạnh như băng đá của tên MãTô!
Cái nhìn quái đảng của hắn khiến MaiAnh khó chịu lập tức quay mặt lại, mà nàng cũng không thể đứng yên được nữa!
Cũng may lúc đó bài thuyết trình của viên công-chứng chấm dứt. MaiAnh ký tên trên tờ giao ước hôn nhân một cách hời hợt, như làm một việc không quan trọng trong đời.
Nàng đưa mắt nhìn cha GaThi… Cha mỉm cười bảo nàng:
- Xong rồi! Bây giờ mình ra giáo đường con à. Cha AMunĐi đang chờ chúng ta ở đó.
LãVi bước tới khoác lên mình MaiAnh chiếc áo choàng và giải thích:
- Giáo đường tuy ngay trong khu vườn của tòa lâu đài này, nhưng bên ngoài có gió hơi lạnh, Nguyên-phi cần phải khoác thêm áo choàng.
MaiAnh để mặc LãVi choàng áo lên người mình. Nàng cắp tay cha GaThi bước đi ra ngoài. Những người trong phòng lẽo đẽo theo phía sau đi thành hàng, y như đoàn đưa dâu.
Vừa ra khỏi cửa lâu đài, MaiAnh bắt gặp Chư và NiNa đứng nơi bậc thang chờ đón nàng. Đôi mắt của cả hai tròn xoe nhìn nàng như không biết nàng đang diễn trò gì?
Từ khi rời BaLê cho đến giờ phút này MaiAnh chưa nói cho hai gia nhân trung thành của mình biết nàng đến đây để kết hôn với một «thái-tử vô hình». Chúng như cái máy, chỉ biết vâng lệnh chủ, mà không thắc mắc chủ làm gì?
Thấy chủ ăn mặc diêm dúa kỳ lạ, đầu đội vương miện, đi theo đoàn người kỳ lạ… Cả hai vừa ngơ ngác vừa sững sờ nhìn theo chủ…
MaiAnh định bụng sẽ thuật cho Chư biết những uẩn khúc của cuộc hôn nhân này khi rảnh rỗi. Nhưng giây phút này nàng không thể lên tiếng giải thích điều gì nên cứ mặc nhiên bước đi.
Bây giờ bóng đêm dày đặc, bầu trời không có trăng sao. Một đêm đen tối âm u mờ mịt. Thỉnh thoảng có vài cơn gió thoảng qua, tuy nhẹ nhàng, nhưng cuốn quyện vào nhau như báo hiệu cơn giông sắp đến.
Đoàn người đưa lễ vẫn âm thầm nhấc từng bước trong bóng đêm. Không ai nói với ai một lời! Một sự im lặng khó thở rợn người, khiến MaiAnh có cảm tưởng như đoàn người đưa đám tang chớ không phải rước lễ cưới!
Không hiểu nỗi bực dọc từ đâu đưa đến, MaiAnh không chịu đựng được nữa, rít giọng bên tai cha GaThi:
- Mình đem chôn ai đây? Con có cảm tưởng như đi đưa đám tang của ai?
Cha Gathi bấu nhẹ vào tay nàng:
- Giữ mồm miệng một chút! Mọi người phải làm theo chỉ thị của Thái-tử. Con không được nói bậy bạ nhiều lời!
MaiAnh vẫn bướng bĩnh:
- Chao ôi, tổ chức lễ cưới sao mà vui đáo để!
Vì những bực tức trong người cuồn cuộn dâng lên không thể kềm chế, MaiAnh thấy cần phải nói, nói bất cứ lời gì… miễn sao tiêu tan sự im lặng ma quái này!
Dĩ nhiên câu nói mỉa mai của nàng khiến cha Gathi phát cáu:
- Con mai mỉa có lợi ích gì chớ? Con không vui, nhưng tất cả mọi người dự lễ hôm nay, kể cả Thái-tử, cũng đâu có ai vui? Đối với con cuộc hôn nhân này chỉ là hình thức, nhưng đối với người ấy là cả nỗi niềm chua xót đớn đau.
Lời mắng trách của cha GaThi làm MaiAnh nóng mặt! Nàng hổ thẹn vì nhớ lúc nãy nàng có quyết tâm giúp đỡ và an ủi con người bất hạnh ấy. Gìờ nàng chưa làm được gì đã buông lời phụ phàng!
Ân hận phát ra lời, nàng nói:
- Xin lỗi Cha! Quả thật con không cố ý!
Để cha GaThi quên nỗi phiền giận, MaiAnh mỉm cười nhỏ nhẹ hỏi Cha:
- Cha có thể cho con biết Thái-tử năm nay bao nhiêu tuổi không?
- Khoảng 27, 28 tuổi.
- Trẻ thế cơ à?
- Có khi nào ta nói với con, người ấy là một ông già đâu?
MaiAnh chống chế:
- Cha không nói, song con không tưởng Thái-tử còn trẻ như thế.
Nàng quả thật không ngờ người chồng nàng mang tên chỉ là một thanh niên trai trẻ. Một người ở vào tuổi hoa niên mà phải sống âm thầm buồn tủi, quả thật đáng thương!
Nhớ lại giọng nói buồn não nuột của người ấy, MaiAnh chạnh lòng nói:
- Cha à! Con thật lòng muốn giúp đỡ người ấy… Con muốn bày tỏ chân tình của con. Nhưng… nhưng người ấy nhất định không cho con nhìn mặt. Không đối diện, không gần gũi, thì làm sao giúp đỡ được hỡ Cha?
Giọng nói của nàng nhỏ nhẹ dịu dàng khiến nghĩa phụ của nàng quên hết phiền giận. Ông ngọt ngào bảo:
- Con phải từ từ… Phải thật tế nhị trong lối xử sự, may ra Thái-tử bớt mặc cảm mà đổi ý sống cuộc đời bình thường. Hiện giờ người ấy chỉ mong có một đứa trẻ mang tên mình. Con làm thỏa nguyện điều mơ ước đó là kể như con đã giúp cho Thái-tử phần nào.
MaiAnh nói bằng giọng chắc chắn:
- Thái-tử có hỏi xin con thỉnh thoảng mang đưá trẻ về đây. Thật là tội nghiệp! Con người ta chưa sinh ra mà Thái-tử tỏ vẻ thương yêu dường ấy. Cha à, để rồi con sẽ đem con của con về đây một vài lần cho Thái-tử thoả nguyện.
Cha GaThi nhíu mày:
- Lúc nãy con không nghe viên công-chứng đọc tờ hợp đồng hôn nhân sao? Trong hợp đồng con phải đem đứa trẻ về đây mỗi năm một lần.
MaiAnh đỏ mặt, nói:
- Khi nãy con không để tâm nghe gì cả.
Cha GaThi thở ra:
- Con không nghe, nhưng con đã ký tên trên bản hợp đồng. Nhớ mà thực hiện đúng điều giao ước nhé.
- Vâng ! Con sẽ giữ đúng điều giao ước. Xin Cha yên tâm.
Ngừng môt lúc nàng nói tiếp:
- Tội nghiệp người ấy quá! Con muốn là bạn hay là cô em gái… để đem cho người ấy chút niềm vui.
Cha GaThi thở ra, nói lầm bầm một mình:
- Đã ký hôn thú làm vợ, còn ước muốn làm bạn hay em gái. Thật hết cách với con nhỏ này!
MaiAnh không nghe rõ nghĩa phụ nói gì, toan hỏi, nhưng bấy giờ đoàn người đã đi đến trước cửa giáo đường.
Nói là giáo đường, chớ thật ra chỉ là một mái nhà nhỏ làm chỗ thờ phượng ở chốn tư gia. Tuy nhiên lối kiến trúc y như giáo đường, có chóp nhọn trên nóc.
Nhà thờ nằm phía tay phải của toà lâu đài, hướng theo con đường ra chuồng ngựa. Bốn bên là thác nước đổ xuống từ triền đất cao trông giống như bốn mặt gương.
Lối vào phải đi qua khu rừng nhỏ, chung quanh bao bọc những thác nước. Nhà thờ nằm giữa lòng những khu đất cao, nhìn vào không khác gì là cái động và bên trong có treo đèn rải rác đó đây đem ánh sáng không tỏ rõ lắm, làm cho khung cảnh cực kỳ huyền ảo.
Cửa nhà thờ đã mở sẵn… MaiAnh nhìn thấy những ngọn đèn sáp cháy lập loè và bên cạnh bàn thờ bằng đá có một linh mục ăn mặc toàn đen đứng nơi đó. Dĩ nhiên vị linh mục chính là cha AMunĐi mà MaiAnh đã gặp khi mới đến.
Chỗ thờ phượng cũng như những nơi khác, cũng có băng ghế ngồi, bệ để quỳ đọc kinh. Điểm đáng lưu ý và khác hơn nơi khác là phiá sau bàn thờ có một bức màn nhung màu đen.
MaiAnh thầm đoán sau bức màn nhung có ghế cho Thái-tử ngồi và cái ghế đặt phía trước màn chắc là dành cho nàng? Xem ra cô dâu và chú rể cách nhau một tấm rèm nhung!
Quả điều dự đoán của MaiAh không lầm! Cha GaThi dắt nàng thẳng đến chiếc ghế đặc biệt dành cho nàng, rồi thụt lùi ngồi nơi dãy ghế phía trước. Các nhân chứng cũng ngồi dọc theo đó, ngoại trừ MaTô đứng bên linh mục AMunĐi để phụ lễ.
Nét mặt của MãTô cũng vẫn là nét mặt đá lạnh lùng quái đản, khác hẳn với những tượng đá đẹp đẽ uy nghi ngoài kia. Một vẻ mặt khó cảm tình, khó thương, nhất là đôi môi trề trệ của hắn và đôi mắt cú vọ toé lửa hận thù.
MaiAnh tự hỏi:
«Vì sao cái nhìn của hắn với nàng lúc nào cũng chứa chất hận thù? Phải chăng vì nàng làm bà chủ của hắn? Hay vì hắn không muốn chủ nhân hắn cưới vợ nên thù hận nàng?»
Cái nhìn của hắn lúc này làm mặt MaiAnh nặng xuống, mà trong lòng lửa giận phừng lên! Khiến cho trọn buổi lễ nàng không để tâm nghe linh mục AMunĐi nói gì?
Mãi đến khi tai nàng nghe vang lên âm thanh quen thuộc trầm buồn của con người sau bức màn nói lời nguyện cầu, lòng nàng mới dịu lại.
Giọng nói của người ấy như có năng lực huyền bí làm rúng động tâm can người nghe, làm bao nhiêu tức giận trong lòng MaiAnh tiêu đi, nhường lại cho nỗi buồn lâng lâng da diết…
Một người có giọng nói như thế làm sao có thể có một hình dung cổ quái được? Lời nói ấy… âm thanh ấy… phải xuất ra từ môi miệng đẹp của một tấm lòng cao cả mới hàm súc và thanh thoát như thế.
Bây giờ linh mục AMunĐi bước tới sát bức màn để nghe cô dâu và chú rể nói lời tuyên thệ.
MaiAnh có cảm tưởng như đang trong cơn mơ, vì giọng nói của người đó không còn ủ dột nữa, mà là một lời cả quyết:
- Trước Thượng Đế và loài người, tôi, CôRaĐô, thái-tử SenAnNa, xin tuyên thệ nhận «MaiAnh ĐờSơNa là vợ chính thức trọn đời».
Lời tuyên thệ trên môi miệng người ấy vừa thoát ra, Mai-Anh tưởng chừng như tiếng sét nổ từ không trung đem điều họa hoạn! Hai tiếng «trọn đời» làm nàng bủn rủn tay chân, hồn phách như biến đi.
Vì vậy đến lượt MaiAnh phải nói lời tuyên thệ, nhưng môi miệng nàng bị tê cứng, nói không ra tiếng, lí nhí trong cổ họng.
Linh mục AMunĐi ra lệnh:
- Bây giờ hai người hãy đặt tay lên nhau.
Một bàn tay mang găng trắng từ bên trong bức màn nhung lú ra… Bàn tay to lớn, ngón dài, chứng tỏ bàn tay của một người có tầm thước cao lớn vạm vỡ, song bình thường như những bàn tay của đàn ông. Đâu có gì khác lạ?
MaiAnh chăm chú quan sát bàn tay ấy… quên lững việc phải trao tay mình ra, khiến mọi người trân tối nhìn nàng.
Cha GaThi buộc miệng nhắc:
- Con phải đưa tay con ra chứ?
Tiếng của cha GaThi làm nàng giật mình, vội đặt tay nàng lên bàn tay kia nhè nhẹ, như sợ làm đau người ấy… Mắt nàng nhắm lại để nghe hơi ấm từ làn vải của găng chuyền vào da thịt mình…
Nàng bỗng nhớ đến lời của người ấy trước mặt gương ở lâu đài lúc nãy:
«Tối nay trong giờ hôn lễ, tay phu nhân sẽ đặt lên tay tôi. Rồi thôi! Trọn đời chúng ta sẽ không còn giây phút nào gần gũi hơn nữa».
Lời nói đó còn vang vang bên tai nàng như một lời giã biệt. Giây phút gần nhau ngắn ngủi này cũng là giây phút cuối cùng!
Bỗng câu nói của cha AMunĐi phát ra kinh động hơn vạn tiếng sấm sét:
- Tôi xin tuyên bố lễ thành hôn đã trọn! Từ đây cả hai là «một, hạnh phúc và hoạn nạn chia xẻ với nhau cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời».
Biết rằng câu nói đó là câu nói thường lệ của các linh mục khi cử hành hôn lễ, nhưng nó không khác gì một đòn trời giáng đánh vào tâm não MaiAnh, làm tim nàng như ngưng đập, toàn thân lạnh ngắt, tay chân run rẫy…
Đang lúc MaiAnh bấn loạn tâm thần thì có một bàn tay thứ hai từ trong màn đưa ra nắm tay MaiAnh đeo vào chiếc nhẫn cưới. Nàng giật mình luống cuống đeo vào bàn tay kia chiếc nhẫn cưới.
Bất thần MaiAnh có cảm giác như các luồng máu trong người ngưng chảy, vì bàn tay vừa đeo nhẫn của nàng bị kéo vào trong màn… Rồi có đôi môi mềm đặt lên đó một nụ hôn.
Một nụ hôn để kết thúc hôn lễ!
Thế rồi bàn tay nàng được trả tự do ngay sau đó… và bên trong bức màn không còn nghe tiếng gì ngoài tiếng thở dài.
Trước bàn thờ cha AMunĐi bắt đầu đọc bài kinh sau cùng và ngoài trời mưa đổ xuống như thác lũ.
° °
(xem tiếp chương 23 : Tỳ vết của tiền nhân)
HuynhDung