HAI người ra khỏi ga thì vừa đúng năm giờ, ánh nắng đã tàn tàn. Mầu nắng vàng ối trên mái những chiếc nhà cổ, ngói sẫm rêu, trên những con đường đá trắng, trên những ao bèo xanh bé nhỏ. Những cậu bé đi học tư về, má ửng hồng vì nắng, nện guốc vang những vỉa hè lát gạch to; mái tóc và tà áo đỏ, xanh của vài cô thiếu nữ, trong gió chiều, bay phấp phới. Phi thấy cái tỉnh lỵ con con, cái ‘‘tỉnh phủ’’ ấy sống trong một bầu không khí ríu rít, nhởn nhơ vui. Lòng nàng cũng nhởn nhơ vui. Quên cả rằng mình đương đi bên cạnh một người lạ, nàng nhẩy nhót tung tăng lên như khi còn ở Hà- nội, mỗi buổi chiều tan học ở trưòng ra. Tâm hồn nàng reo như mấy đàn chim liếu điếu, đang họp đàn trong những cành cây xanh tươi.
Đi đến ngã ba rẽ vào phố Chính – phố độc nhất của Phủ lý - nàng ngừng lại hỏi bạn đồng hành:
- Ông không vào tỉnh à? Ông về đâu?
Chàng cười, không đáp và hỏi lại:
- Cô về đâu?
- Tôi về trại Tùng Châu.
Nàng nghĩ đến những Đồi thông của trại ban nãy, chàng đã tưởng nàng không biết nên đã gợi ra để vào chuyện với nàng. Phi mỉm cười, nói đùa:
- Chính cái trại Tùng Châu, ‘‘chung quanh có chín mươi chín cái đồi liên tiếp’’ mà ông đã dẫn giải cho tôi ban nãy...
Điềm nhiên chàng đáp:
- Vâng. Trại Tùng Châu của cụ cử Hoàng.
Phi nhìn chàng, sửng sốt:
- Ông cũng biết cụ cử Hoàng?
- Vâng!
- Cụ cử Hoàng là bà tôi, ông ạ. Cậu mợ tôi gọi bằng cô. Tôi học ở Hà-nội, bây giờ về trại bà tôi nghỉ hè. Thế ông biết trại của bà tôi, thì ông có quen anh Đào, cháu ruột bà tôi không?
- Có phải ông Đào người dong dỏng cao?
- Tôi không biết. Tôi chỉ nghe thấy ông nội tôi nói đến anh ấy luôn thôi. Ngày năm xưa tôi về trại, thì anh tôi lại đi học ở tỉnh. Hiện giờ anh tôi cũng đang học ở trường Mỹ thuật Hà nội, nhưng chúng tôi chẳng giáp mặt nhau bao giờ.
- Ít ra cô cũng biết tiếng ông Đào là nhà thi sĩ chứ?
Chàng đưa mắt nhìn Phi, Phi hơi e thẹn cúi đầu. Là vì ít lâu nay, trên một vài tờ tuần báo, người ta thường thấy những bài thơ ký tên ‘‘Nguồn Đào’’ và đề ‘‘Tặng Phi’’, những bài thơ ấy tả những phút nhớ mong một người đẹp. Phi cũng có đọc và thực ra những câu thơ tha thiết của Nguồn Đào cũng đã có những phút làm cho Phi tưởng nhớ bâng khuâng. Nhưng cũng chỉ thế... mà thôi!
Phi thấy câu nói và giọng nói của người bạn đồng hành như có ý hờn dỗi với mình, thì vội lấy hết lòng thành thực ra phân trần:
- Không! thực tôi chưa hề được biết anh Đào tôi.
Thanh niên không đáp, chàng cúi đầu, trầm ngâm. Phi nói lảng sang chuyện khác:
- Tôi phải ra bến thuê đò về Cung quế rồi lại lên đi bộ hơn một cây số nữa mới đến trại.
Rồi thân mật trỏ ra xa bảo:
- Bến đò kia rồi!
- Vậy ta phải đi gấp lên kẻo tối.
- Ông cũng xuống đò?
- Vâng, tôi cũng xuống đò !
Phi ngơ ngác:
- Ông về đâu?
Chàng lại không đáp.
Thấy lần này là lần thứ hai chàng không đáp vào câu Phi hỏi chàng về đâu, thì Phi ngờ vực. -Xuống đò, Phi sẽ hỏi người lái:
- Đến bến Cung quế rồi, thì có đường về những đâu, bác lái nhỉ?
- Thưa cô có một đường về Trại Thông thôi.
Phi hơi lạ lùng nhìn chàng thanh niên và ngẫm nghĩ: ‘‘có lẽ người này là anh Đào’’. Rồi Phi không tự nhiên được nữa - Phi hơi ngượng. Một lát, Phi lại hỏi người lái đò:
- Nếu không lên bến Cung quế mà cứ đi thẳng thì đi đâu?
- Thưa cô, về đến phố huyện Bình dương.
- Phải rồi !
Phi đoán ra là chàng thanh niên hẳn là một người bạn, hoặc người quen thuộc ông tri huyện Bình dương.
- Biết thế! Chỗ anh chàng ở đấy.
Phi sung sướng như cô học trò vừa giải đáp được một bài tính đố khó.
Sông Châu, về mùa tháng năm, trong như một dòng suối. Mặt nước sông phẳng lặng, loang loáng như dầu. Chiếc thuyền nan lướt đi như một chiếc lá. Hai bên bờ sông, những ruộng dâu xanh rờn, những ruộng mía lá xám rải phơi ra dưới chiều nắng. Từ một vài chiếc thuyền chài đậu ở bên sông, khói xanh của bữa cơm chiều đã yên lặng tỏa lên từ những mũi thuyền: cảnh sông Châu nhuộm đầy một vẻ bình yên, tịch mịch.
Phi bẻo lẻo, huyên thuyên hỏi chuyện người lái đò về phong tục quê:
- Bác lái này, sao chen vào những ruộng mía và ruộng dâu, thỉnh thoảng lại có những ruộng gì cây ngắn sát đến mặt đất thế nhỉ?
- Bẩm cô, đấy là những ruộng dâu người ta vừa mới đốn xong.
- ‘‘Đốn’’ thế nào, hở bác?
- Bẩm cô, dâu chỉ tốt lá được độ một hay hai năm rồi nó cỗi đi, thì lá nó nhỏ và mỏng. Dâu cỗi lại phải đốn, nghĩa là chặt nó đi sát đến gốc. Tự những gốc còn lại, một lớp cây non lại mọc lên.
- Người ta hái dâu chắc vui lắm phải không? Sao không thấy ai hái, bác nhỉ?
- Có, thưa cô, họ đang hái kia...
Phi theo tay người lái trỏ trông lên. Trong một thửa ruộng ba bốn cô gái quê yếm nâu, khăn mỏ quạ, đang vin cong những cành dâu mềm xuống, thoăn thoắt tỉa ngược lên từng lá một. Cứ dâu đầy tay thì các cô lại bỏ vào trong một chiếc giỏ tre đeo cạnh thắt lưng. Vừa tỉa các cô vừa hát những câu ca dao theo một điệu cũng khoáng đãng, mênh mông như những cánh đồng dâu bao la rộng.
Một cô thấy chiếc thuyền Phi đi qua, thì bắt ngay lấy hát:
Thuyền ai... đi ngược... về xuôi...
Cho em lại nhớ... những lời nước non...
Anh đi... đêm ấy trăng tròn...
Em về... trăng giãi đầu non... lạnh lùng...
Hai tiếng ‘‘lạnh lùng’’ sau cùng của câu hát ngân dài ra não nuột, làm cho tự nhiên Phi cảm thấy một cái buồn giéo giắt lạnh lùng. Nắng đã tắt hẳn. Chiều hôm trên sông nhạt nhẽo bâng khuâng như một bài thơ ly biệt. Một làn sương mỏng phát phơ trên đồng lúa, một vầng ráng tan ở dưới chân trời xa ; tiếng sáo diều lửng lơ, vơ vẩn kéo đêu ra một điệu buồn tênh. Có chiếc thuyền đi qua, hai người lái gật đầu chào nhau; rồi mỗi chiếc lại đi một ngả. Bâng khuâng, Phi nghĩ đến những cuộc gặp gỡ như hai chiếc thuyền trên mặt sông, gặp trong giây lát rồi lại xa nhau, xa nhau mà không còn mong gì có ngày lại gặp... Bất giác nàng nhìn trộm về phía chàng tuổi trẻ, thì thấy chàng cũng đương đăm đăm nhìn về xa, tựa như chàng cũng một tâm sự với Phi.
- Thưa cô ! đến bến Cung quế rồi đây ạ!
Tiếng gọi của người lái làm Phi giật mình quay lại: thuyền đang quay mũi vào áp bến, và làm tan mấy đám bèo xanh.
Phi bồi hồi lại gần người thanh niên, ngước mắt nhìn chàng, buồn rầu chào.
- Thôi lần này thì chào ông thực...
Chàng quay lại cười, và bằng một giọng êm dịu, tự nhiên trách:
- Thề ra cô không lên đây ạ? Cô về mãi huyện Bình dương ? Sao ban nãy cô bảo về bến Cung quế?
Chàng cười rồi thản nhiên bước lên! Phi không sửng sốt chút nào cả, bước theo chàng lên. Phi cười tinh quái. Nàng đoán: ‘‘Đích rồi, đích là anh Đào đây rồi!’’
Phi ngẫm nghĩ :‘‘Anh ấy lại muốn trêu mình kia đấy! Được!’’
Phi nghĩ thế, và vẫn đi sát cạnh chàng thanh niên một cách tự nhiên như trên bờ sông Châu ban nãy.
Đường đi, hai bên rủ những ngọn tre. Lá tre nhỏ xào xạc rung lên dưới gió. Chàng thanh niên bảo Phi:
- Cảnh nhà quê về chiều ở vùng này đẹp lắm, cô nhỉ?...
- Vâng, cho nên vùng này mới sản xuất được nhiều thi sĩ!
Vừa nói, Phi vừa ngẩng nhìn chàng. Như hiểu ý câu trêu cợt của Phi, người thanh niên trỏ tay nói lảng:
- Đồi Thông kia rồi, cô !
- Ừ nhỉ ! Nhưng không trông thấy trại nhỉ?
- Nóc chiếc nhà gác rêu xanh, lắp ló trong đám cây kia là trại đấy !
- Ông tả cảnh hay quá. Ông thực là một nhà thi sĩ... một nhà thi sĩ dấu tên.
Chàng yên lặng không đáp, và cúi nhìn xuống đường. Phi cho là chàng thẹn, càng được thể:
- Ông này, sao mỗi khi người ta làm thơ, người ta lại cứ phải tưởng tượng có một người đàn bà bên cạnh?
- Tôi không làm thơ bao giờ, tôi không biết.
- Xem anh Đào thì biết.
- Vậy lát nữa về trại, cô thử hỏi ông Đào xem !
Đường đến một quãng gò ghề, khó đi. Phi lỡ chân suýt ngã, Phi vịn tay vào chàng. Mấy đứa trẻ chăn trâu bên đường phá lên cười, bảo nhau:
- Vợ chồng... chúng mày ạ.
Rồi một đứa hát ngay câu hát ví:
Vợ chồng... như đũa có đôi,
Như chim ngang trời... liền cánh cùng bay !
Phi thấy thèn thẹn thế nào. Nàng vờ reo:
- Gần đến nơi rồi!
Và rảo bước lên như muốn đi gấp lên để cho chóng đến.
Tới gốc cây đa cổ thụ thì nàng phải ngừng lại; vì con đường tự nhiên rẽ làm hai ngả. Nàng ngơ ngác, quay lại, phải hỏi chàng thanh niên:
- Rẽ đằng nào hả ông?
- Về trại Tùng Châu thì cô rẽ về tay phải, ạ !
Phi nhìn chàng và cười:
- Vâng, tôi rẽ về tay trái vì tôi về bến Thanh Miện, Thôi xin chào cô!Chàng thản nhiên rẽ bước, Còn Phi đứng lại ngơ ngác nhìn theo. Phi nhìn theo mãi cho đến khi chàng khuất vào sau một bụi tre xa, nàng chẳng thấy ngoảnh lại nhìn nàng một lần cuối cùng nữa. Phi tự nhiên bứt rứt cả lòng. Nghĩ đến những câu chuyện vừa rồi mà trong đó nàng đã nhắc đến Đào nhiều quá, Phi cho rằng vì thế nên chàng đã hờn dỗi với mình, chàng không quay lại, Nàng thẩn thờ, lặng lẽ bước, suy nghĩ và khe khẽ thở dài.
Những đám mây hồng ban nãy, dần dần đen thẫm lại. Từng giải mây đen dồn dập xua đuổi nhau về phía Bác. Một đàn cò đi kiếm ăn về, bay mải miết, vạch thành những đường trắng sáng loáng ngang trời. Ngơ ngác nhìn theo một đàn cò, nàng thẫn thờ bước như một kẻ mất trí...Nhưng Phi đã đi đến một con đường lát đá, hai bên trồng toàn bồ kết lá nhỏ lăn tăn. Hai bên dường là hai mảnh ao trong lốm đốm những vết bèo xanh. Nàng đã đến trại. Bất giác nàng nhớ lại những ngày còn bé nàng về trại, hôm nào cũng ra bờ ao lấy lá khoai đội lên đầu làm nón quaithao để ‘‘chơi đám cưới’’ với trẻ con hàng xóm; Phi khẽ mỉm cười.Cổng trại lờ mờ hiện ở đằng cuối đường, trong bóng tồi một bụi tre đầy lá.Đến gần nàng nhận rõ thấy, vượt lên khỏi tường,những cành bưởi rườm rà lủng lẳng những quả tròn xanh.Bà xã Nhân, người lão bộc trong trại lọm khọm chạy ra đón Phi, mừng rỡ cười nheo cả mắt lại.- Bà ở trong cổng ấy chị ạ. Chị vào mau đi, bà mong từ sáng đến giờ đấy!
Ở cổng trong, bà Cử đang cặm cụi nhặt cỏ ấu mọc len vào kẽ những hòn gạch, Bà vẫn cái khăn nhiễu tam giang, vẫn mặc cái áo vải ruộm son, vẫn đi đôi dép mo như mười mấy năm về trước,,, Phi gọi bà rối rít lên :
- Bà ơi bà ! Bà !
Bà Cử ngẩng lên, nhìn mãi mới nhận ra là cháu, bà vui vẻ quá, cười nhíp mắt lại rồi, âu yếm hỏi :
- Phi đấy à ! Sao bây giờ mới đến nơi hả con ?
- Thưa bà, sáng ngày mưa quá, con tưởng không về được.
- Khổ ! Thế đường có đỡ trơn không ?
- Thưa bà,không trơn. Đường khô và sạch lắm ! Trời mát quá.
- Sao mồ hôi thế kia ? Má đỏ bừng lên thr61 ?
Phi cười, rồi rút mùi soa ra lau trán. Bà Cử ngắm nghía cháu :
- Trông con tôi độ này lớn khác hẳn đi !
Vào đến sân, Phi đưa mắt nhìn khắp cả lớp dinh cơ quen thuộc khi xưa một lượt. Nhữngchiếc nhà ngói thấp, tường và mái đã xanh rêu, những ‘‘huân’’lúa to rộng dựng tròn chung quanh những chiếc sân lát gạch bát tràng vuông. Chen vào những chiếc sân, là những bồn trồng hoa và cam quít. Chiếc ao con chạy dài như một cái hào vây bọc cả lớp dinh cơ. Bóng cây rợp mát suốt ngày. Bên ngoài ao một lũy tre gai, cao kín như một bức tường chót vót.
Nhìn thấy chỗ giàn nho xưa bâY giờ lại là một giàn hoa lý, Phi hỏi :
- Giàn nho đâu rồi bà ?
- Bà phá đi rồi. Trồng lý thơm nhà hơn,
- Nhưng nho ăn ngon chứ ! Hoài của , sao bà lại phá đi bà ?
Bà Cử âu yêm bảo cháu : - Được, vùng đây người ta trồng nhiều nho lắm, lúc nào con muốn ăn bà bảo thím xã Nhận sang Thanh Miện thím ấy mua cho.
Nghe nhắc đến làng Thanh Miện, Phi chợt lại nhớ đến người thanh niên, thì cái buồn đâu tự nhiên lại man mác cả lòng nàng. Nàng thẫn thờ nhìn ra khoảng không và thờ tha-4n hỏi bà :
- Làng Thanh miện có ở gần trại không bà ?
Bà Cử đang hái một chùm hoa lý, không nghe tiếng nên không đáp. Bóng chiều bâng khuâng, Không khí tự nhiên đìu hiu, quạnh quẽ.
Sực nghĩ đến Đào, Phi hỏi bà :
- À, nghỉ hè thì anh Đào đã về chưa thưa bà ?
Bà Cử như chợt nhớ ra :
- Ơ kia, hôm qua bà sai nó lên đón con mà lại! Thế con về một mình ư?
- Thưa bà, con có đi đón đấy ạ ! Con đi đón Phi mãi tận Hà nội mà !
Đào cười khanh khách từ sau một bức tường thấp bước ra. Sửng sốt, Phi ngửng lên: chính là người bạn đồng hành ban nãy.
Nàng cúi đầu, mỉm cười. Nàng vừa e thẹn mà vừa sung sướng. Nàng đứng ngây ra, không biết nói gì. Còn Đào thì khoanh tay đứng nhìn Phi, cười và hóm hỉnh bảo bà :
- Có người vừa phải lừa to, bà ạ.
Phi càng thẹn, quay mặt lên nhìn những cây cam. Bà Cử không hiểu hỏi:
- Con bảo ai mắc lừa, hả con?
Không để cho Đào trả lời, Phi liến thoắng hỏi bà :
- Bà ơi! Vườn nhãn ở đâu? Nhãn sắp chín rồi đấy bà ?
Bà Cử vui cười :
- Còn lâu lắm mới đến mùa nhãn.
- Con muốn xem vườn nhãn một lát.
- Xa lắm, mà bây giờ tối rồi. Để mai anh Đào hãy đưa đi. Con ra ao rửa chân đi rồi vào ăn cơm.
Phi chạy vội ra cầu ao.
Trời chỉ còn mờ mờ sáng. Không khí xám như màu tro. Qua khe lũy tre trên bờ ao, những mảnh ráng cuối cùng ở phía Tây còn tha-1y loang loáng đỏ.
Phi nhìn một ngọn tre non run rẩy lên trong gió và mỉm cười sung sướng, bâng khuâng...