CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Lê Xuyên » Kinh Cầu Muống - Quyển Nhất


Ánh nắng ban mai làm cho Nhạn thấy dễ chịu nhất là sau một đêm được ngủ ngon giấc. Cô vui vẻ ngồi trước mũi xuống và quơ tay rút cây dầm lên để bơi phụ với Thế.

Thế vội cản lại:

– Cô nên nằm nghỉ thì hơn.

Nhạn gò lưng bơi rút một hơi như để thử sức, đoạn quay lại, cười bảo Thế:

– Anh làm như tui đau liệt giường liệt chiếu vậy!

Thế cảm động khi nhận thấy đôi má của cô gái đã hồng hào chớ không còn xanh lét nữa. Anh ta ấp úng hỏi:

– Sao tôi coi bộ cô... khỏe lại mau quá vậy?

Nhạn cúi mặt, thở dài:

– Ban đầu tui cũng tưởng là ngoi đầu dậy hết nổi... Coi dữ dằn vậy mà cũng chẳng sao anh à.

Thế gật gù một cách ngây thơ:

– Phải, khoa nhân thể học cho biết rằng cơ thể của người đàn bà chịu đựng giỏi lắm, giỏi hơn đàn ông nhiều.

Nhạn phá lên cười:

– Lúc nào anh cũng “xi bon” mớ sách vở ra hết à!

– Bộ không đúng hay sao?

– Ừ thì đúng nhưng nghe... trật chìa lắm.

Thế ngượng nghịu nói lảng ra:

– Dầu sao cô cũng nên dưỡng sức và một khi về tới bển nên lo thuốc thang bồi bổ chớ để sau này mang bịnh thì khổ lắm.

Nhạn nhăn mặt:

– Lúc nào anh cũng nói cái điều đau ốm đó, tui nghe rầu thúi ruột. Tui gặp anh, tui ham sống đôi chút mà anh cứ đồ đi nhắc lại chuyện đó hoài hà!

Thế luống cuống tạ lỗi:

– Tại tôi lo cho cô thiệt tình. Phải chi cô như thường thì chắc tới mười năm nữa tôi cũng chẳng biết cô là ai...

Nhạn lắc đầu, cười xòa:

– Phải tôi như thường thì làm sao anh có dịp gặp tui được? Anh này có ăn học mà nhiều lúc nói chuyện trên trời dưới biển gì nghe lãng xẹt à! Thôi qua sông cái rồi, mình rán bơi rút đi kẻo bị nước tống trôi tuốt luốt ra miệt chợ thì nguy cả đám.

Thể ưỡn ngực hít một hơi dài, móc mạnh dầm xuống mặt nước:

– Tôi bơi cứng lắm mà cô. Nội buổi sáng nay là mình về Cái Vừng. Qua tới bển, chắc gập đông đủ bọn của anh Tâm. Thế nào mấy cha nội này cũng lo cho tôi låm!

Vừa lúc ấy, có một chiếc xuồng ba lá ló ra giữa mặt sông và tiến về hướng xuồng của Thế. Trên chiếc xuồng ba lá này chỉ có một người đàn ông mặc bà ba đen đang cong lưng bơi rút.

Thẻ vui vẻ lên tiếng bảo Nhạn:

– Chắc tay đó ở bên Cái Vừng mới đâm xuồng qua. Để tôi chận lại hỏi thăm coi anh ta có hay biết gì bọn của anh Tâm không.

Nhạn lơ đễnh đáp:

– Anh làm như ai cũng biết bọn anh hết vậy!

– Thiệt vậy mà cô. Tụi này ở bển lâu lắm nên đầu trên xóm dưới gì ai ai cũng biết mặt biết tên... (anh ta đưa tay lên che mắt, chăm chú nhìn về phía xuồng ba lá và lầm bầm) Ủa lạ, người bơi xuồng là một đứa nhỏ. Sao tôi trong giông... giống thằng Tư liên lạc quá!

Nhạn thản thiên nói:

– Chiếc xuồng đó cũng ghim về hướng mình, như vậy một chút xíu nữa đây, anh sẽ rõ chứ cần gì phải nhấp nhổm cho mệt trí!...

Thế bực bội vì nhận thấy mình hoàn toàn có vẻ ngớ ngẩn trước Nhạn và hễ anh ta mở miệng ra nói được câu gì thì liền bị cô nầy bác đi hết, hoặc chế diễu trở lại.

Nhạn chợt lên tiếng:

– Xuồng bên kia kêu anh kìa!

Thế như sực tỉnh, gác dầm lên và lật đật gọi với gã trẻ tuổi ở bên kia xuồng đang tiến gần mình:

– Ủa Ba, mày đi đâu đó?

– May quá, tui qua kiếm anh đây.

– Sao mày biết tao còn ở bên này?

Ba cho xuồng kè lại:

– Bọn anh Tâm về tới bển và cho biết thế nào anh cũng còn lẩn quẩn ở miệt này (anh ta liếc chừng Nhạn rồi khẽ hỏi Thế)... Chắc cô này bị nạn đây hả?

Thế đáp gọn:

– Ừ.

– Mà anh chở cổ đi đâu đây? Thế có vẻ ngượng:

– Thì cổ quá giang về Cái Vừng để tìm bà con. Cổ không còn một ai là thân thích ở bên Cầu Muống nữa (anh ta vội hỏi lảng ra giọng hơi cau có). Mà mấy ảnh sai mầy qua kiếm tao chi vậy? Đằng nào tao cũng trở về bển chớ đi chỗ nào khác được mà cũng phải mất công qua bên này?

Ba liên lạc sốt sắng đáp:

– Ấy, để tui nói hết cho nghe: anh em ở bển đã dời đi hết trơn rồi.

Thể lo lắng ngắt ngang:

– Dời đi đâu? Mà làm sao phải dời đi!

Ba liên lạc thở dài:

– Ý thôi, mấy hôm nay mấy ảnh bị rượt chạy bái xái bài xai nên hết còn dám ở bên Cái Vừng nữa. Mấy ảnh đã rút đi qua miệt kinh Ông Cỏ.

– Còn anh Tâm?

– Cũng đi theo luôn với mấy ảnh?

Thế nhăn nhó hỏi:

– Bây giờ mầy qua đây để đưa tao về miệt đó phải không?

Ba liên lạc lắc đầu:

– Trễ quá rồi. Đường sá gì bị kẹt hết trơn, tui sợ giờ phút này mấy ảnh ở bên kinh ông Cỏ còn phải dông đi nơi khác nữa.

Thế chắt lưỡi:

– Rồi tao tấp vô đâu đây? Chẳng lẽ tao với mầy cứ thả lình bình ở giữa dòng như vậy hoài để chờ cho tàu tuần đến vớt hết?

Ba liên lạc bình tĩnh đáp:

– Đâu có. Mấy ảnh dặn tui qua nói với anh là anh nên rán ẩn nhẫn ở bên này.

Thế dằn mạnh mái dầm trên be xuồng:

– Mấy chả nói sao nghe dễ ợt. Mầy không biết là ở bên này cũng phải chạy ra khói hay sao?

Nhạn tự nảy giờ nín thinh, nay nghe Thế cằn nhằn một cách gần như là vô lý như vậy, vội nói xen vào:

– Thì mình tạm rút vô chỗ cũ. Thế trợn mắt:

– Lại trở về Thường Phước? Ý trời ơi, ở đó để chết khô hả?

Nhạn chắt lưỡi:

– Tại đối đế quá mình phải chịu như vậy chớ để cho sa vào rọ hết cả đám sao?

Thế quay phắt qua Nhạn:

– Rồi tôi cũng phải nê cô đi theo tò tò một bên nữa à?

Nhạn cười lạt:

– Thì anh cứ việc quăng tui xuống sông cái này cũng được mà!

Thế thở dài trong lúc Ba liên lạc vội lên tiếng nói đỡ vớt cho đôi bên:

– Thôi, cho cổ theo cũng chẳng hề hấn gì mà anh!

Thế bĩu môi:

– Mầy không biết khỉ gì mà cũng xía vô nói giỏi. Thà có cả chục người như mầy hay ông già bà cả gì theo tao, tao cũng chẳng ngán chớ mỗi một mình cổ. Đàn bà con gái rắc rối tổ mẹ chớ phải... gọn bân như tao với mầy đâu!

Ba liên lạc liếc chừng Nhạn, cười khì:

– Tui tưởng có bóng dáng đàn bà con gái vô thì đỡ khổ lắm chớ!

Thế chỉ về phía Nhạn:

– Thì đó, mầy có lãnh hông? Tao giao trọn gói cho mầy!

Nhạn rít lên:

– Lãnh không? Anh làm như tui đây là khúc cây khúc củi gì nên anh muốn giao cho ai cũng được hết á! Tôi biệt cần đi theo anh. Anh cứ thả tôi xuống

Thường Phước rồi để thây kệ tui. Mạnh ai nấy lo chớ hết còn dính dáng gì đến nhau nữa!

Ba liên lạc phụ họa theo:

– Cổ nói phải đa anh. Tui có nghe anh Tâm nói sơ qua về hoàn cảnh của cô. Anh đã thương cổ thì thương cho trót.

Thế cười khẩy:

– Được rồi, thế nào mầy cũng ở chung với tao, vậy tao nhờ mầy lo cho cổ.

Nhạn nói như quát:

– Tui có đủ tay chân mắt mũi nên không cần tới mặt nào hết!

Ba liên lạc cũng rụt rè tiếp lời cô ta:

– Tui còn phải đi công việc khác nữa chứ đâu có thể nấn ná ở đây với anh được. Thôi bây giờ tui xin kiếu....

Thế hớt hải hỏi:

– Rồi chừng nào tao về bển được? Ba liên lạc nhún vai:

– Thì để chừng nào... anh nhắm êm êm thì anh lòi về bển.

Thế lắc đầu quầy quậy:

– Ý thôi đi! Rủi tao về bển rồi không gặp ai hết khiến cho lại bị long chong nữa thì chết một cửa tứ!

Ba liên lạc suy nghĩ một giây rồi đáp:

– Thôi được để tui đi nghe ngóng rồi sẽ quay trở lại đây kiếm anh.

Thế gật đầu:

– Ừ, nhứt là mầy rán dẫn tao về ở với mấy ảnh thì tốt hơn. Thôi mầy có chuyện gấp thì dông đi.

Ba liên lạc tủm tỉm cười nhìn xéo Nhạn đoạn nói bâng quơ:

– Như vậy là sướng nhứt thế gian rồi mà còn kêu!

Dứt lời anh ta hối hả quơ dầm bơi tách ra và đi thẳng.

Thế thẫn thờ nhìn theo và để xuồng mình tiếp tục trôi theo dòng nước.

Thấy vậy, Nhạn lên tiếng nhắc chừng anh ta:

– Bây giờ anh tính sao đây? Giọng Thế không giấu vẻ bực bội:

– Thì còn tính gì nữa! Chỉ có nước quay trở lại!

Nhạn hừ một tiếng:

– Đã biết vậy sao còn cằn nhằn?

Thế háy xéo Nhạn đoạn lầm lì quơ dầm lên bơi thẳng một hơi như muốn trút tất cả sự bực mình lên mặt nước vậy...

Thế nhăn mặt khi thấy gian nhà sàn quen thuộc cũ ló dạng trên gò tre. Anh ta lẩm bẩm than trách vu vơ:

– Đi ba đồng bảy đỗi rồi cũng chui về cái hóc “bà tó” nầy ở!

Nhạn tủm tỉm cười nhưng không buồn nói năng gì hết.

...Thế cho mũi xuồng sấn mạnh lên bãi cỏ ven bờ gò, quăng mạnh chiếc đầm vô khoang, đoạn nói buông thỏng:

– Tới nơi rồi đó!

Nhạn đứng lên, lạnh lùng hỏi lại:

– Chắc anh muốn đuổi tui đi đó phải không?

Thế cau có đáp:

– Tôi không đuổi xua ai hết nhưng một khi về tới đây tôi muốn bàn lại với cô một việc này...

Nhạn vênh mặt lên, giọng trịch thượng:

– Thì tới rồi nè! Bàn tính gì thì nói đại đi! Tui có ăn thịt được anh đâu mà hễ hở ra chuyện gì anh cũng lập cà lập cập.

Thế giấu mặt đi, và trả lời một cách ngập ngừng đến kênh kiệu:

– Tôi nghĩ rằng Thường Phước cũng ở gần Cầu Muống và chắc là mình còn kẹt ở đây khá lâu. Bởi vậy tôi muốn...

Nhạn ngắt ngang:

– Muốn tống khứ tui dìa Cầu Muống chớ gì?

Vẻ mặt của Thế trở nên sượng trân:

– Không phải vậy. Tôi sẽ bơi xuồng đưa cô đến gần Cầu Muống rồi cô... chịu khó ở đó.

– Cám ơn. Tui có thân thì tui phải lo...

Thế lấy giọng bình tĩnh trở lại:

– Khổ quá, cô nên nhìn thẳng vào sự thật. Cô cần tịnh dưỡng thì nên về đó là hơn. Cô là dân thường và là đàn bà con gái thì trở về chỗ cũ ở cũng không ai để ý. Bà con cô bác ở đó tốt lắm, thế nào cũng có thiếu gì người cho cô ở nhờ.

Nhạn cười mũi:

– Anh lo cho tui dữ quá hén? Thế lên giọng nói tiếp:

– Tôi lo cho cô thiệt. Cô cần nơi ăn chốn ở đàng hoàng chứ sống theo lối cù bơ cù bấc đi ra đồng hoang bên này cô chịu sao thấu, ở đây đôi ba ngày thì còn được chớ nếu tình thế nầy kéo dài đến đôi ba tuần...

Nhạn trề môi:

– Anh làm như tui đây là một cô gái tân thời trên tỉnh mới xuống ở đây lần đầu vậy! Có lẽ anh nên lo cho tấm thân của anh thì hơn! Anh quên rằng tui quen nước quen cái dưới nầy sao? Và chính tay tui đã chỉ đường chỉ nẻo cho anh đi về miệt nầy sao?

Thế càng thêm ngượng nghịu:

– Ừ... nhưng cô còn yếu... Nhạn cười khẩy:

– Thằng cha này cứ nói vòng vo hoài! Mới ràng ràng đây anh cho rằng tui đã lấy lại sức và còn tuôn sách vở hay... khoa học gì ra để nói nữa.

Thế nổi cáu:

– Thì cô muốn làm gì đó thì làm. Tôi nói thiệt, chuyện nầy tôi không biết nữa đâu nghen!

Nhạn nhảy lên bờ, đáp gọn:

– Tui cũng chẳng cầu đến anh!

Thế chẳng nói chẳng rằng buộc xuồng lại tử tế đoạn làm như không chú ý đến gì nữa hết, đi một mạch lên căn nhà sàn.

Sau khi quét dọn kỹ càng căn nhà, vì lần này bắt buộc anh ta phải cư ngụ tại đây khá lâu. Thế lại lơn tơn đi xuống lấy xuồng chống đi qua gò kế cận mượn nóp và kiếm cơm ăn.

Anh ta chợt đứng khựng lại khi nhìn thấy Nhạn ngồi tỉnh khô dưới một góc ô môi rậm bóng.

Anh ta muốn giữ vẻ thản nhiên rảo bước đi luôn nhưng dáng điệu bé nhỏ của Nhạn, một dáng điệu lạc loài trong khung cảnh hoang vu này làm cho anh ta thấy không đành tâm.

Sau một giây do dự, anh ta chầm chậm tiến lại chỗ Nhạn ngồi để cố lấy giọng thản nhiên hỏi:

– Sao cô không lên nhà sàn ngồi nghỉ cho khỏe?

Nhạn duỗi thẳng chân ra, ngó lơ về phía khác, cười lạt đáp:

– Kỳ hông, tui làm gì mà phải lên trển? Bộ tui ngồi đây rồi chết sao?

Thế chắt lưỡi:

– Đành rằng vậy nhưng ở trển… sạch sẽ.

Vẻ mặt của Nhạn trở nên lạnh lùng đến mức độ như là khiêu khích:

– Ai không biết vậy nhưng ở trên là nhà của anh mà! Tui đâu dám lên!

Thế phá lên cười:

– Cô này sao hay giận lẫy quá! Nhà đó vô chủ, ai vô mà chẳng được?

Nhạn đừng rột dậy, cự nự một hơi:

– Bộ ảnh quên rằng tui không giỡn hay sao? Anh quên rằng tui với anh không còn... dính líu gì với nhau nữa sao? Bây giờ mạnh ai nấy lo kiếm chỗ ở riêng. Tui đau cũng thây kệ mồ tui! Tui đâu có cần anh làm bộ hỏi han tới.

Thế giậm mạnh chân:

– Lạ quá! Chẳng thà cô đi về Cầu Muống thì tôi không nói đến làm gì chớ cô ở đây...

– Lát nữa tui lội qua gò bên kia để lạy lục người ta cho tui ở dậu... Túng cùng quá thì tui đem thân ra làm mọi cho họ cũng được nữa! Con nầy đâu có ngán mấy thứ chuyện đó anh? Bộ anh nói, hễ tui xểnh ra là chết khô hay sao?

Thế thấy vui vẻ trở lại trước bộ điệu trẻ con của Nhạn, anh ta cười nói:

– Thôi mà cô, có chút vậy mà cũng giận dai. Nếu cô không muốn về bên Cầu Muống...

Nhạn ngắt lời:

– Nhất định là tui không dìa bển rồi. Tui đã nói với anh năm bảy lần là thà tui chết bờ chết bụi ở đâu cũng được chớ dầu cho có ăn bạc muôn bạc ức tui cũng không thèm léo hánh đến miệt đó nữa! Hừ, tui dư biết là anh bày đặt nói leo lẻo cái miệng là lo cho tui vậy chớ thiệt ra trong bụng anh, anh muốn tống khứ tui đi cho rảnh...

Thế cười lớn:

– Cô cứ chửi tôi cho no nê đi rồi nghe tôi nói...

– Xí, chửi anh cho thêm hao hơi tổn tiếng chớ té vàng té bạc gì? Anh làm ơn đi cho khuất con mắt tui đi.

– Cô không đói bụng sao?

– Đói thây kệ mồ tui...

Thế bước lại, nhìn kỹ vào mặt cô ta và tự nhiên có cảm tưởng mơ hồ rằng cô gái này không dễ gì biến khỏi cuộc đời mình trong phút chốc được. Một niềm xót thương chợt tràn dâng ngập lòng anh ta khi anh ta hồi tưởng lại bao nhiêu tai ương mà Nhạn phải hứng chịu. Và nghĩ cho kỹ lại, anh ta cũng thấy vui thích khi nhận ra rằng nếu không có Nhạn theo quấy rầy mình thì khoảng thời gian nương náu ở vùng khỉ họ cò gáy này sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu?

Nghĩ đến những ngày sắp tới mà mình và Nhạn phải sanh sống với một bề ngoài gần giống như một cặp vợ chồng son. Thế đâm ra nao nức lạ.

Như không dằn lòng được, anh ta rụt rè đưa một ngón tay ra khều nhẹ cằm cô gái.

Nhạn gục ngay mặt xuống như để chống trả nhưng không nói năng gì. Đánh bạo, Thế từ từ nâng cằm cô ta lên để có thể nhìn tận mặt cô gái đang phụng phịu ấy.

Thế vui sướng khi bắt gặp ánh mắt long lanh của Nhạn. Anh ta cười hỏi:

– Hết giận rồi hả? Nhạn háy dài:

– Còn lâu!

Thế dỗ dành:

– Thôi mà cô... em! Đằng nào bây giờ cũng chỉ còn lại có tôi với cô và mình phải rán chịu đựng nhau để sống cho qua ngày, qua bữa, chứ chẳng lẽ làm mặt lớn mặt nhỏ với nhau được sao?

Nhạn khẽ thở ra rồi phân trần:

– Tại anh hay rắc rối quá. Anh ba hồi vầy ba hồi khác... nên tôi phát ghét. Thì mình cứ ở chung với nhau và anh coi tui cũng như một người đàn ông nào không được sao? Anh coi, từ hồi gặp anh tới bây giờ, tui có làm điều gì để cho anh phải bận bịu nhiều đâu? Tui còn phụ giúp cho anh được đôi ba công việc nữa là khác.

– Cô nói cũng phải... (Anh ta bật cười) Thiệt tôi không dè có ngày mình bị lâm vào một tình cảnh tréo cẳng ngổng như vậy!

Nhạn thoáng cau mày:

– Than hoài à? Bộ khó lắm chắc?

– Không... Kể ra thì cũng vui vui. Thôi cô lên nhà sàn nghỉ ngơi đi để tôi mượn nệm mượn nóp cùng kiếm cơm về ăn. À có lẽ bắt đầu từ ngày mai đây mình phải gởi tiền cô bác ở gò bên cạnh mua cho mình mấy thứ nồi chén để nấu cơm riêng ăn chớ chẳng lẽ mỗi ngày hai bữa cứ qua nhà thiên hạ nài cơm hoài coi sao được?

Nhạn hớn hở tán thành:

– Ở phải... Để tui lo việc cơm nước cho. Còn anh, anh lãnh phần đi kiếm cá, kiếm tôm.

– Như vậy là công bình lắm! Nhạn ngượng nghịu nhận xét:

– Thiệt giống như mình ra riêng... hén anh?

Thế ngập ngừng:

– Ừ, ra riêng một cách kỳ lạ nhất trần đời! Sau này tôi có kể chuyện này cho một người khác nghe chắc họ không tin...

Nhạn nheo mắt:

– Có gì mà không tin? Rõ ràng là tui với anh đang ở đây và mắc kẹt tại chỗ nầy ít lắm là đôi ba ngày nữa...

Thế cười tủm tỉm:

– Đành vậy. Tôi nói cô không hiểu...

Họ tin rằng chuyện này có thiệt nhưng nếu tôi quả quyết với họ là sau đó... Không có sự gì lạ xảy ra hết trơn thì nhứt định họ không chịu tin một chút xíu nào hết.

Nhạn hiểu ra, bật cười, đưa tay đập nhẹ vào vai Thế:

– Anh thiệt hay nghĩ bông lông. Họ không tin thì cũng phải... Tôi đã từng nói với anh rồi.

– Nói gì đâu?

Nhạn đỏ mặt ấp úng:

– Thì chuyện trai gái ở chung với nhau. Anh dư biết rằng nay tui không còn quý giá gì và bởi vậy việc chung đụng này đối với tui không ăn nhằm gì hết... (giọng của cô chợt trở nên rầu rĩ). Nay tui không còn cha mẹ, kể như không có việc lấy chồng luôn, thì tui đâu còn sợ tai tiếng gì nữa! Còn anh, anh là đàn ông con trai thì việc gặp gỡ hay ăn ở với một cô gái qua đường thì đâu có hề hấn gì. Sau này anh vẫn đi cưới vợ đàng hoàng như ai chớ đâu phải gặp cản trở chi?

Thế có vẻ khó chịu, nhưng rồi lại nói lãng ra:

– Thôi tôi đi xóm một chút đây. Nhạn thờ thẩn đáp:

– Ừ...Tui cũng phải đi tắm rửa qua loa chớ mấy hôm nay... bực bội trong mình quá...

Thế tán thành liền:

– Ừ, cô lo việc của cô đi. Chuyến nầy mình phải tổ chức lại đời sống cho đàng hoàng hơn một chút mới được...

Thế mang cơm về đến sàn và phải ngỡ ngàng đứng lại chớ không dám lên nữa.

Nhạn sau khi tắm rửa xong, đang phơi quần áo trên một cành tre gie ra sàn và có chỉ vận trên người một chiếc “xà rông” từ ngực xuống tới đầu gối...

Nghe động, Nhạn quay lại. Cô thản nhiên hỏi Thế:

– Làm gì đứng đó?

Thế xẻn lẻn đáp:

– Tại tôi thấy cô ăn mặc kiểu gì lạ quá!

Nhạn nhìn xuống thân mình, xoay hẳn người ra và vui vẻ đáp:

– Anh không thấy tui giặt hết quần áo đây hay sao? Bây giờ chỉ còn cách vận đỡ chiếc “xà rông” mà anh mua được hôm mình mới qua đây lần đầu!

Thế rụt rè bước tới, và không dám nhìn thẳng về phía Nhạn nữa:

– Thôi lên trên nhà sàn ăn cơm đi cô.

Nhạn hí hửng nói:

– Ừ, anh lên trước đi. Tui còn phải kiếm cách chải gỡ lại tóc tai chớ để u xù như vậy coi sao được.

Thế nhíu mày:

– Chải bằng cách nào? Nhạn cười đáp:

– Nói chải cho oai vậy thôi chứ còn cách nào khác hơn là dùng mấy đầu ngón tay.

– Ừ phải... Thế nào qua bận sau tôi cũng phải mượn về cho cô một cái lược mới được.

– À nhớ mượn luôn một cái kiếng soi mặt nữa nghen!

Thế cau mày:

– Chi rắc rối vậy? Cô làm như là sắp sửa soạn để đi chợ đi búa gì vậy.

Nhạn cười giòn:

– Bộ anh cấm người ta chưng diện một chút sao?

– Chưng diện với ma ở đây à?

– Với anh không được sao? Thế quay mặt đi:

– Với tôi ăn nhằm gì. Thôi, tôi lên nhà sàn trước đây. Mà cô cùng liệu lăng xăng rồi lên chớ cứ cà rà ở dưới nầy hoài, tôi không đợi được đâu nghen.

Nhạn cười ngất:

– Tui thách anh bỏ đói tui đó. Nói vậy chớ tui lên liền chớ chẳng lẽ còn ở dưới này giồi phấn thoa son gì mà phải lâu!

... Vì bị bó túm tụm trong chiếc “xà rông” Nhạn phải xoay trở mãi mới ngồi xuống được. Cô tươi cười hỏi Thế:

– Hổng biết mấy bà đầm bận “củng” rồi ngồi làm sao?

Thế nói đùa:

– Họ phải đứng suốt đời và nếu có muốn ngồi thi phải tốc bùng rền lên!

Nhạn cười ngất:

– Anh mắc dịch này nói nghe kỳ thấy mồ! Họ ngồi ghế chớ đâu ngồi xệp xuống như mình (rồi cô làm mặt nghiêm). Mà anh có muốn tui tốc bùng rền lên theo lối đầm tây hông? Tui dám làm lắm đa! Ở đây có ai khác đâu mà tui sợ!

Thế xua tay la hoảng:

– Thôi, thôi! Tôi nói chơi chớ bộ thiệt sao mà cô tính chuyện ác đức đó.

Nhạn phì cười:

– Thằng cha coi vậy mà nhát. Thôi ăn cơm đi! Làm gì mà lấm lét như là đi ở rể vậy?

Thẻ nhăn mặt:

– Thiệt cả đời tôi, tôi chưa hề phải ngồi ăn uống một cách kỳ đời như vậy.

– Bộ khó chịu lắm sao?

– Không phải khó chịu nhưng xốn con mắt lắm.

– Nói dóc, đàn ông con trai ai mà chẳng khoái mấy cảnh này?

– Đành vậy nhưng cái gì nó cũng phải có đầu đuôi chớ khi không... đụng liền nên... cũng hơi khó chịu chớ!

– Mại hơi hoài. Anh cứ coi tui như gốc cây góc cột hổng được sao?

Thế lại xua tay:

– Thôi ăn đi bà nội! Chuyến này tôi quyết nghỉ ngơi cho khỏe một thời gian. Cô cũng nên bắt chước tôi.

– Cha, lo quá há! Không nghỉ ngơi chớ làm gì nữa bây giờ.

... Cơm nước xong xuôi. Thế trải nóp ra nằm ngủ, Nhạn lúi húi dọn dẹp một hồi rồi cũng nằm xuống ở một góc nhà sàn.

Thế thấy cô ta vẫn còn bận « xà rông

» nên lên tiếng nhắc chừng:

– Sao cô không xuống coi quần áo khô chưa để lấy lên thay.

Nhạn thản nhiên đáp:

– Khô gì mau quá vậy? Mà tui cũng muốn nằm ngủ như vậy để cho khỏe thân khỏe xác hơn.

– Nhưng... coi sao được.

– Anh nầy sao hay để ý đến mấy thứ chuyện vặt vãnh quá. Ở đây chỉ có tui với anh và tụi mình thì còn... lạ gì nữa mà anh phải nhăn nhăn nhó nhó? Anh làm như mình là một ông già nho.

Thế cựa mạnh người xoay mặt vô vách:

– Được rồi, cô muốn hát bội hát tiều gì đó thấy kệ cô. Tôi chẳng hơi sức đâu nói đến nữa. Tôi lo ngủ cho khỏe thân!

Nhạn cười khẩy:

– Tui đã nói là mạnh ai nấy lo, ai biểu anh hay để ý đến tui chi...

Rồi cô xổ tóc ra, vung tay duỗi chân, uốn éo thân mình một cách khoái trá. Đoạn cô lẩn thẩn bẻ mấy lóng tay nghe răng rắc, ngáp dài rồi kêu lên:

– Ý cha, buồn ngủ quá!

Liếc chừng thấy Thế vẫn không nhúc nhích cục cựa và làm như đã ngủ say. Nhạn đâm ra bực mình.

Cô ngồi rột đậy, to tiếng hỏi vọng sang chỗ Thế nằm:

– Bộ ngủ thiệt rồi hả? Thế vẫn nằm yên.

Nhạn nhún vai thở dài, nằm vật xuống như cũ, lẩm bẩm:

– Thằng cha gì chỉ biết có ăn với ngủ. Nói bộ người ta cần lắm chắc!

Rồi như bị bực bội điều gì, cô đưa tay nới phăng đầu « xà rông » vận bó nơi ngực ra. Cô cong lưng lên, thở mấy hơi dài và cảm thấy dễ chịu trở lại đôi chút.

Trời nắng gay gắt bên ngoài nhưng nhờ có gió hiu hiu thổi từ quãng đồng trống bao la tạt vào nên không khí trên nhà sàn cũng đỡ oi bức.

Thế nằm nghĩ ngợi vẫn vơ một hồi rồi cũng ngủ quên đi từ lúc nào...

Anh ta thức giấc vào lúc xế trưa. Lồm cồm ngồi dậy Thế đã thấy Nhạn ngồi lên và đang lúi húi cúi mặt xuống làm cái gì mà anh ta chẳng trông thấy rõ vì Nhạn xoay lưng về hướng mình.

Tuy nhiên, có một điều làm cho anh ta để ý ngay là khoảng xà rông vận trên ngực cô gái đã tụt xuống quanh eo để phơi bày cả tấm lưng trắng, hơi to nhưng không thô vì nối tiếp cũng thừa tương xứng.

Thế vội tằng hắng để “báo hiệu”. Nhạn ngừng tay quay mặt lại cưới hỏi:

– Ngủ ghê quá há?

Thế ra tay dụi mắt để khỏi phải nhìn thẳng:

– Ừ, có lẽ vì quá mỏi mệt nên tôi chợp mắt một chút xít là hết còn biết đất trời gì nữa! A sao cô dậy sớm quá vậy?

– Tui cũng ngủ trọn một giấc khá lớn và cũng mới thức đây.

Mấy lần Thế toan đứng dậy nhưng liếc thấy Nhạn vẫn bình tĩnh như không và không có vẻ gì muốn “che giấu” hết, anh ta đâm ra khựng lại. Cuối cùng anh ta đành lên tiếng hỏi:

– Cô làm gì đó?

Nhạn trả lời nhưng không quay mặt lại:

– À tui lấy muối thoa mấy vết bầm. Đâu anh lại giúp tui một tay coi!

Thế cười thành tiếng:

– Chuyện có chút xíu vậy mà cô còn sai tôi nữa chớ!

Nhạn ngừng tay quay lại, cau mày, giọng hơi hỗn hào:

– Thằng cha nầy hay làm bộ thấy bà nội. Người ta nhờ xức giùm nước muối một chút mà cũng làm biếng!

– Ý trời, đâu phải là chuyện làm biếng hay siêng năng gì? Cô phơi thân phơi thể để mọi thứ... nơ – nơ như vậy...

Nhạn cười ngặt nghẽo, xoay hẳn người về phía Thế:

– Thằng cha nầy không bỏ tật lớn đó. Bộ anh lạ gì tui đây sao. Thì tui vẫn vậy chớ bộ mọc thêm nanh thêm gút gì mà anh sợ!

Thế hơi cúi mặt xuống:

– Lúc cô hoạn nạn thì khác nhưng lúc này cô... sởn sơ... tôi cũng phải thấy khác. Mà thôi, cô xức muối cho xong đi chớ rắc rối làm gì nữa!

Nhạn cố ngoái cổ để nhìn ra phía sau lưng mình:

– Xong hết rồi, chỉ còn phía sau lưng tôi không với tới nên mới nhờ đến anh. Thằng cha này làm bộ quá! Chắc ý anh nói là tui muốn chọc ghẹo gì anh hả? Ai thèm.

– Vậy hả?

– Ủa. Lại đây một chút coi! Anh làm như tui táp anh được vậy!

Cực chẳng đã Thế phải đứng lên, nhưng lại “giao hẹn” trước:

– Đâu cô quay lưng ra chớ để như vậy thì tôi có thấy bầm đâu...

Nhạn ngoan ngoãn xoay nhanh người.

Thế lựng khựng bước lại, ké né ngồi xuống và hỏi:

– Đâu... chén muối đâu?

– Thì trước mặt anh đó. Bộ anh này để con mắt đâu chắc!

Thế ngượng nghịu cầm chén nước muối lên nhìn vào tận lưng no đầy khiến cho lằn xương sống chạy rõ thành một đường dài ấn sâu xuống.

Anh ta nhìn kỹ và chẳng thấy có vết bầm nào hết.

Nhạn lại giục:

– Sao lâu quá vậy?

– Tôi có thấy gì lạ đâu?

Nhạn vòng tay ra phía sau để cố chỉ mấy chỗ đau cho anh ta thấy:

– Mấy chỗ này đây nè!

Thế ghé mắt nhìn kỹ, chỉ có làn da phẳng phiu và phơn phớt lông măng. Anh ta rướn giọng hạch lại:

– Không có gì hết trơn mà.

Như quá sốt ruột. Nhạn xoay nhanh người lại để chỉ cho Thế thấy rõ những vết bầm tím trên ngực mình, rồi lên giọng cằn nhằn:

– Sao không có được. Anh không thấy tui đã xức hết những dấu bầm nầy rồi sao? Xót thấy mồ! Chắc ở sau lưng tui, tụi nó cũng cắn bấy bá như vậy!

Thế vội ngoái cổ để... chỉ muốn tiếp tục tìm kiếm những vết thương trên lưng Nhạn và chắt lưỡi phân trần:

– Thật mà cô. Chẳng lẽ có dấu bầm mà tôi lại hiểm không xức cho cô sao?

Phải chi có gương có kiếng tôi sẽ ở đưa cho cô coi ngược thì cô mới rõ.

Nhạn thật thà hỏi lại:

– Bộ thiệt vậy hả? Thế cười lớn:

– Cô này thiệt lạ. Tôi giấu cô để làm gì? Trước đây tôi còn nhắc cô nên lo thuốc men nữa là khác.

Nhạn vặn vẹo thân mình, cố khuỳnh tay lên cao để mò đến những chỗ gần vùng bả vai và nhăn nhỏ rên rỉ:

– Sao tui thấy đau ê hết trơn vậy? Mới ban đầu đâu có!

Thế reo lên như mới khám phá một điều gì mới mẻ:

– Tôi biết rồi, tới hôm nay cô mới bị thấm... đau, cô rêm mình rên mẩy chớ không phải bị... như phía đằng trước đâu... bặt.

Anh ta phát cười rộ rồi xẻn lẻn nín

Nhạn cau mày:

– Cái gì ngộ lắm sao mà cười khan như vậy?

Thế ấp úng:

– Tôi nói đúng mà. Cô chỉ bị rêm vì... một khi... mình nằm thì ai động tới lưng mình làm gì?

Nhạn đỏ mặt nhưng rồi làm bộ cự nự:

– Mắc dịch đâu không!

Nhưng rồi cô lại gật gù và chậm rãi lên tiếng:

– Thằng cha này nói cũng phải (Cô đưa tay xô nhẹ Thế dang ra). Thôi anh muốn đi đâu thì đi, chớ tui thấy bộ mặt nhăn nhăn của anh tui... muốn đạp một cái quá.

Thế xẻn Iẻn đứng lên và trong một thoáng, anh ta chợt nhận thấy tất cả sự lố bịch của mình rồi như muốn trả thù cho sự “thấp kém” ấy anh ta bỗng quay lại, trừng mắt nhìn lại Nhạn.

Ánh mắt khá dữ dội và rất bất ngờ ấy làm cho Nhạn hoảng kinh.

Với một phản ứng tự nhiên, cô chụp lấy « xà rông » kéo vội lên tới vai và né người nhích nhanh vô phía trong, miệng lắp bắp kêu lên:

– Cái gì kỳ vậy?

Thế cười lạt:

– Coi bộ cô coi tôi không ra gì hết! Nhạn lấy lại sự bình tĩnh:

– Cái gì mà... không ra gì?

Thế chẳng nói chẳng rằng, ngồi thụp xuống, nắm chặt lấy hai bả vai Nhạn từ từ kéo lại phía mình.

Nhạn nhăn nhó và bực tức kêu lên:

– Bộ thằng cha này điên rồi sao? Đau người ta thấy mồ! Việc gì thì anh phải nói chớ...

Thế càng bấu mạnh mười đầu ngón tay vào và chỉ cười một cách... gầm gừ.

Nhạn như chợt hiểu, cô nhoẻn miệng cười, nói:

– Bộ ai cấm cản gì sao mà anh làm hùm hổ quá vậy! Tui còn đây chớ bộ biến ra nước được hay sao? Buông tay ra, rồi muốn gì thì nói.

Ánh mắt của Tbế dịu xuống để trở thành ngơ ngác. Anh ta khẽ thở dài đoạn buông thõng tay xuống. Anh ta đưa tay gạt mớ tóc lòa xòa trên trán như được tỉnh trí hơn, đoạn thờ thẫn nói:

– Thôi, chẳng cần gì lắm.

Dứt lời, anh ta dợm đứng lên, nhưng Nhạn đã vội níu với anh ta lại, nhìn sát vào mặt và hỏi:

– Sao kỳ vậy? Ba hồi vầy ba hồi khác? Thế lắc đầu:

– Thây kệ tôi.

Anh ta toan đứng lên nữa. Nhạn vội buông luôn tay giữ mép “xà rông” để lấy sức giữ anh ta lại, lên giọng đã đớt cự nự:

– Thôi đừng có khùng điên. Tội gì mà phải hành thân hành xác như vậy. Ngồi lại đây tui nói cái này cho mà nghe (liếc thấy bộ mặt “thê thảm” của Thế cô phì cười). Ai chết đâu mà anh cứ xụ cái mặt như vậy?

Thế nhìn lại Nhạn. Ánh mắt long lanh của cô gái, cùng đôi môi dày hơi trề ra làm cho anh ta hồi hộp đôi chút. Anh ta muốn làm cử chỉ gì để chấm dứt cái không khí khó chịu này, để rồi đây khỏi bận tâm gì nữa, và cũng để xua đuổi cái mặc cảm là mình “thấp kém” hơn cô gái quê ấy.

Nhạn tuy không sao hiểu nổi tâm trạng phức tạp ấy nhưng vẫn canh chừng anh ta bằng sự “tinh nhạy” của người đàn bà. Và cô ta canh cũng đúng.

Thấy vẻ mặt vừa dịu xuống và vừa ngập ngừng của Thế, cô vội kéo nhẹ anh ta về phía mình, rồi lên giọng vỗ về như... một bà mẹ dỗ dành đứa con khó tánh:

– Lại đây... người ta thương. Hổng sao hết đâu mà anh sợ. Đằng nào... em cũng lo cho anh, em cũng quí anh, chiều anh.

... Rồi sau này anh muốn sao cũng được, em có giữ anh luôn đâu mà anh ngại... Tụi mình hiểu nhau được như vầy là có phước lắm rồi chớ đừng làm khó làm dễ nhau chi nữa ở đây.

Quanh đi quẩn lại chỉ có em với anh... Bộ anh không biết vậy sao?

Như một gốc cây bị bão giật bứng đi mớ rễ cuối cùng, Thế ngã nhào theo đà tay trì kéo của cô gái. Và khi mắt và mũi bị “ngập” vào mớ tóc đen rậm phủ lòa xòa trên vai cô gái, anh ta biết rằng mình đã chịu thua, chớ không phải thắng như anh ta lầm tưởng lúc quay phắt trở lại.

Nhạn quàng tay vỗ nhẹ lên tấm vai rộng của người con trai, nửa như mơn trớn, nửa như ru dỗ:

– Anh có chịu như vầy không?

Thế chỉ gục gặt đầu trong mớ tóc dày và trên bờ vai êm ấy.

Đợi một hồi lâu sau, Nhạn mới nhẹ đẩy anh ta ra, nheo mắt hỏi:

– Bộ ngủ gục rồi sao?

Thế mỉm cười một cách thơ dại:

– Hông.

Nhạn làm bộ cau mặt:

– Không chớ sao lại không nhúc nhích gì hết trơn vậy? Anh muốn để cho... thiu hết à?

Thế ngơ ngác:

– Thiu... cái gì?

Nhạn chắt lưỡi, véo má anh ta:

– Hổng biết ai cho anh xuống dưới này làm chi! Trai ở chợ ở búa gì mà bơ bơ như gà mở cửa mả. May là anh gặp em chớ hổng thôi tới chết anh cũng chưa mở con mắt.

Thế thấy vui thích trở lại trước những nhận xét tuy sống sượng nhưng không phải là không ngộ nghĩnh của Nhạn.

Anh ta hôn nhanh lên má cô gái và không muốn quá hốp tốp khi phải đưa mắt nhìn xuống...

Vì đôi tay của Nhạn vướng mắc trên vai Thế, vòng « xà rông » vẫn còn nằm gọn quanh eo cô gái.

Hơn một lần Thế đã từng để mắt đến nơi tấm thân ấy khi Nhạn còn hôn mê trong một căn chòi ở bên kia biên giới, nhưng trong những lúc ấy, anh ta không còn đầu óc để nghĩ ngợi vớ vẩn điều gì khác nữa được.

Nay, hoàn cảnh khác hẳn, Thế khô- ng khỏi hồi hộp trước những xúc cảm mới mẻ và dồn dập của mình.

Tuy vậy, anh ta vẫn còn đủ sáng suốt để tự nhủ rằng, dù sao mình cũng nên cố nén lòng để tránh trước phần nào hay phần nấy những cử chỉ quá hấp tấp, quá vụng về khiến cho mình trở thành “;nhẹ thể” trước mắt Nhạn.

Nhưng rồi, như hết còn có thể thận trọng thêm nữa, Thế níu lấy một bên vai của Nhạn và ngã người xuống được.

Nhạn cười khẽ và không cưỡng lại đà tay lôi kéo ấy.

Thế bỗng cong người nằm gấp để có thể ngẩng đầu lại nhìn lại Nhạn.

Thế cau mày và ngồi nhổm dậy. Những vết tím bầm còn in rõ trên khuôn ngực kia làm cho anh ta sững sờ và hết còn thấy nôn nao gì nữa.

Anh ta cũng không phân biệt nổi là mình đang xót thương cho số phận của cô gái hay là đang ghen tức với mấy tên Thổ ở phía bên kia lằn ranh.

Để ý đến thái độ lạ lùng ấy Nhạn vội lên tiếng hỏi:

– Gì vậy anh?

Mắt không rời, nhìn thấy mấy vết bầm, Thế ngập ngừng hỏi lại:

– Chắc cô còn đau lắm phải không? Nhạn nhíu mày:

– Chuyện đó ăn thua gì mà anh hỏi trong lúc này?

Thế thở dài:

– Không biết sao chớ tôi... không đành tâm khi phải nhìn thấy mấy vết bầm kia...

Nhạn mỉm cười, hồn nhiên đáp:

– Hổng sao đâu mà! Nó sắp lặn hết bây giờ. Em chỉ còn thấy ê ê chút chút vậy thôi.

Tiếng xưng em ngọt xớt ấy làm cho Thế được thỏa mãn tự ái phần nào và có lẽ trong lúc này, anh ta chỉ còn xót thương thật tình cho « tai nạn » của Nhạn chớ hết hẳn mọi ý nghĩ ghen tức với mấy tên Thổ kia.

Anh ta đưa một ngón tay nâng niu đôi vết bầm ấy, và lần đầu tiên, anh ta có được một giọng xúc cảm nồng nhiệt và không giấu giếm trước mặt Nhạn:

– Em nói vậy chớ thế nào cũng còn đau... Ừ, như vậy mà hổng đau sao được.

Nhạn vẫn ngoan ngoãn nằm yên và khi thấy anh ta trân mặt ra và không ừ hử gì hết, cô nhoẻn miệng cười:

– Em nói là không sao hết mà!

Thế gượng gạo rút tay lên, đáp bâng quơ:

– Ừ, chắc là nó sắp lặn hết...Chắc nhờ em xức nước muối.

– Chớ sao! Anh thì chẳng lo săn sóc hay ngó ngàng gì đến người ta hết. Thôi nằm xuống đi anh cưng.

Thế nhìn chăm bẵm lại cô ta trong một giây rồi đột nhiên ôm siết lấy Nhạn, giọng rên rỉ:

– Không. Anh muốn chờ em được thật mạnh khỏe. Từ nay trở đi em đừng lo gì hết, và cũng chẳng cần đi đâu hết.

Nhạn xô anh ta ra, nhìn tận mắt như dò xét, rồi nhíu mày như lấy làm lạ lùng lắm vậy.

Hiểu ý cô ta. Thế khẽ gật đầu:

– Anh nói thiệt mà!

Nhạn có vẻ không vừa lòng:

– Ai bắt anh nói thiệt? Anh này kỳ quá, chuyện này chưa xong lại nhảy qua chuyện nọ. Em có đòi anh phải gánh em suốt đời đâu!

Thế ngơ ngác:

– Anh quý em thiệt, bộ em giận anh sao?

Nhạn chắt lưỡi:

– Rắc rối không hà! Em muốn một đằng anh lại leo một nẻo. Đúng là cha nội này ham hành tội mình và hành tội sang người khác. Anh hay suy nghĩ lung tung như vậy... cho nó mất vui chớ hổng ích lợi gì hết. Tính chuyện ăn xổi ở thì cho xong là quá đủ cho em rồi... Bộ anh định rước em về làm vợ luôn sao? Hổng ai bắt buộc như vậy đâu nghen!

Thế lắc đầu thở dài:

– Dầu sống chung với nhau trong một ngày đi nữa anh cũng không thể coi rẻ rúng em được.

Nhạn cười thành tiếng, cú nhẹ đầu Thế:

– Thằng cha này kỳ cục quá! Giả tỷ như anh không coi em rẻ rúng thì có... khác hôn? Anh toàn là làm cho mọi chuyện... “óc trâu” hết trơn! Phải chi anh để cái thời giờ anh nghĩ quẩn để lo cho em thì còn có... vị hơn!

– Thì anh lo nên mới nghĩ ra. Nhạn làm như nạt nộ:

– Bây giờ em không biểu anh lo cái mốc xì gì hết!

Thế nhìn thẳng vào người Nhạn, giọng ôn tồn:

– Anh không đành tâm vui sướng riêng được khi em còn mang những vết bầm tím kia... (anh ta mỉm cười) Kể ra rán chút thì cũng được chứ chẳng phải không nhưng làm như vậy... mất vui đi.

– Sao lạ vậy, hả?

– Vì anh không muốn mình giống như mấy tên mắc dịch kia.

Nhạn thoáng cau mày nhưng rồi lại vui vẻ hỏi:

– Giống chỗ nào mà giống? Thế phát một cử chỉ bâng quơ:

– Anh có cảm tưởng vậy thôi... Nhạn xô nhẹ anh ta ra:

– Cảm tưởng là cái khỉ khô gì! Mấy cha có ăn học sao hay rắc rối quá. À, em biết rồi, chắc mấy vết bầm trên người em làm cho anh... lợm giọng mất ngon phải không?

Thế phì cười trước lối so sánh mộc mạc nhưng rất xác đáng ấy. Tuy nhiên, anh ta cũng tìm cách đáp trớ đi:

– Hổng phải vậy đâu. Anh muốn để cho hai đứa mình nghĩ ngơi cho khỏe rồi sau đó muốn tính gì thì tính.

Rồi như để chứng tỏ là mình đã nhất quyết như vậy, anh ta chậm rãi đưa tay níu lấy mép “xà rông” kéo phủ lên ngực của Nhạn, vận chắc lại.

Nhạn cảm động và nể phục cử chỉ khác thường ấy. Cô âu yếm níu lấy vai của Thế để đứng lên theo.

Hai người dắt tay nhau ra đứng trên ngưỡng cửa nhà sàn, ngó tuông ra đồng trống.

Thế và Nhạn đều bị chóa mắt vì ánh nắng chói lòa bên ngoài. Trong giây phút đó, cả hai đều quên bẵng đi hoàn cảnh sống tạm bợ của mình, quên bẵng đi không khí chiến tranh vẫn còn lẩn quẩn khắp đó đây.

Nhạn vừa xơ nồi cơm trên bếp vừa quay qua hỏi Thế:

– Anh còn bao nhiêu tiền trong túi mà xài sang quá vậy?

Thế đang ngồi dựa lưng vô vách để theo dõi Nhạn nấu cơm, làm thức ăn. Đó là một cách tiêu khiển thú vị nhứt của anh ta. Lần đầu tiên trong đời mình. Thế mới có dịp khám phá ra rằng người đàn bà có những cử chỉ tuy lặt vặt nhưng rất dễ mến, dễ cảm.

Nhạn gõ mạnh chiếc đũa bếp lên thành nồi và nhắc hỏi Thế:

– Sao em hỏi hết hơi mà anh không ừ hử đi hết trơn vậy? Bộ « tư tưởng » đến cô nào hả?

Thế giật mình, bật cười, trở bộ ngồi và vui vẻ đáp:

– Ở đây thì còn có cô nào khác để “tư tưởng”! Mà em hỏi tiền để chi vậy?

Nhạn bày tỏ sự lo lắng rất... đàn bà của mình:

– Em thấy mình cứ nằm không để ăn xài hoài thì có ngày cháy túi. Anh lại không biết hà tiện nữa! Ngày nào anh cũng gởi tiền mua cá thịt hết thì làm sao chịu nổi!

Thế vung tay ra vẻ bất cần:

– Còn đồng nào xài hết đồng nấy rồi sau sẽ tính. Với lại anh thấy tình hình coi bộ cũng yên lần. Có lẽ mai mốt gì đây sẽ có liên lạc tới đây kiếm...

– Kiếm một mình anh hén? Thế đau ra lúng túng:

– Thì họ kiếm... chung vậy. Nhạn cười lạt:

– Xì, kiếm chung! Em là cái gì mà họ… kèm luôn em vô đó!

Thế đành nói liều:

– Ăn thua anh đây chớ!

Nhạn uể oải đứng lên, chậm rãi bước lại:

– Ăn thua anh thì em càng mau bị đá đít.

Thế nhíu mày:

– Sao vậy? Nhạn chớp mắt:

– Còn sao nữa! Sờ sờ ra trước mắt đó! Tự hổm nay em có thấy anh để ý gì đến em đâu! Anh cứ lơ lơ là là hoài... Phải mà, anh sợ rớ vô rồi bị em níu anh luôn chớ gì!

Thể lật đật đứng lên:

– Em sao hay đoán mò quá! Anh không biết em đã khỏe khoắn chưa. Hai đứa mình ở chung trong một nơi vắng vẻ như vầy... anh nóng ruột lắm chớ phải... hay ho hay giỏi giắn gì đâu để bơ thờ đối với em!

Nhạn xụ mặt xuống:

– Chắc anh đợi cho tới hết giặc! Thế phì cười nắm chặt lấy vai cô ta.

Anh ta cảm động nhìn kỹ đôi má của cô gái ửng hồng vi mới vừa rời khỏi bếp nóng, nhin kỹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên cổ.

Nhạn đâm ra xẻn lẻn trước cái nhìn soi mói của Thế. Thời gian qua đã làm cho cô khuây khỏa phần kỷ niệm cũ và cuộc sống bình thường đã làm cho cô “trở về” với bản tánh tự nhiên mà một người con gái phải có trong một trường hợp tương tự như thế…

Nhạn phải ngó lơ sang chỗ khác và ỏn ẻn cự nự:

– Bộ người ta lạ lắm sao mà anh nhìn dữ thần vậy!

Thế nức lòng đáp:

– Đúng vậy. Em mỗi ngày một lạ. Em không giống hồi mới về đây một chút xíu nào hết.

– Lạ chỗ nào đâu, làm ơn chỉ coi. Thế say sưa nói:

– Lạ... đủ thứ hết. Anh không ngờ em cũng là một người con gái dễ thương như vậy!

Nhạn cười ngất, quay mặt Ia:

– Bộ lúc trước, anh cho em đây là quỷ sứ hay chằng tinh gấu ngựa gì chắc?

Thế ra chiều suy nghĩ:

– Không… nhưng em làm cho anh khớp. Có lẽ tại em… hổng cần cái gì hết.

Thế tha thiết phân trần:

– Anh vô tình nói vậy chớ không có gì khác đâu. Anh đã theo em như vầy thì chẳng lẽ anh bỏ em ngang xương sao!

Nhạn phải phì cười:

– Em theo anh thì có và bởi vậy nên anh muốn bỏ rơi em lúc nào cũng được hết à!

Thế nức lòng nói:

– Em đừng nghĩ bậy như vậy. Anh đang còn ức lòng ghê lắm đây.

Nhạn ngước mặt lên, nhí nhảnh hỏi:

– Ức cái gì?

Thế không rời mắt nhìn Nhạn:

– Ức đủ thứ hết. Tự hôm nay mình cứ trơ mắt ngó ngang.

Nhạn cắn mạnh vào vai anh ta:

– Tại anh hết trơn. Anh làm cao làm kỳ hoài, thấy ghét quá.

Thế khẽ thở dài:

– Anh thấy em lơ là nên anh cũng ngại...

– Ai biểu hôm trước anh đốc chứng chi? Bây giờ anh đợi em phải năn nỉ ỉ ôi anh nữa à? Nghỉ đi! Chết thì chết chớ em không theo lối ăn xin đâu!

Thế đâm ra trân tráo:

– Giả tỷ như anh ăn xin có được không?

Nhạp lấy ngón tay « xỉ » vào trán anh ta:

– Anh này bắt đầu sanh giặc rồi đa! Thằng cha này coi bộ lù khù vậy mà dữ chứ chẳng chơi!

Thế nắm chặt lấy hai bàn tay của Nhạn khiến cô rên rỉ:

– Gẫy tay người ta!

Rồi thấy Thế liếc chừng về phía chiếc đệm ở góc nhà. Nhạn nói luôn:

– Người ta đang mắc nấu kìa đa cha nội.

Thế vung tay:

– Hổng cơm nước gì nữa hết.

Và anh ta không để cho Nhạn kịp có thêm một lời hay một cử chỉ phản đối nào nữa...

Nhạn buông tay ra khỏi lưng Thế và nhỏng nhảnh kêu lên:

– Nồi cơm khét hết trơn rồi kìa!

Thế mở mắt ra, hít mũi đánh hơi và nói nhanh:

– Thây kệ nó. Để cho cháy luôn cũng được.

Nhạn cựa mạnh người:

– Thì để em lại bớt than... nước đang sôi dữ kìa!

Thế ghìm chặt cô ta lại:

– Hổng cho đi đâu hết.

Nhạn toan cự nự nữa nhưng rồi lại nói rít trong kẽ răng:

– Anh thiệt hết sức!

Như một đứa bé tham ăn, như một con thú sợ vuột một miếng mồi. Thế hấp tấp gục mặt bên cổ sâm sấp mồ hôi…

Anh ta chỉ còn thoáng nghe tiếng nước sôi ọc ạch trong nồi cơm ở góc bếp. Âm thanh đều đặn ấy rồi cũng hạ dần theo lửa tàn.

... Nhạn nắm tóc Thế lay nhẹ: – Ngủ luôn rồi sao cưng?

Thế dụi mắt, vội nhìn xuống và khi thấy chiếc xà rông to đã đắp phủ lên người mình từ lúc nào, anh ta mới có vẻ yên tâm. Anh ta xẻn lẻn ngó lên:

– Em... đi hồi nào mà anh chẳng hay vậy?

Nhạn hớn hở đáp:

– Em có lắc kêu anh dậy mà anh cứ ừ ào rồi ngủ luôn.

– Vậy hả? Mới chợp mắt nghỉ một chút mà ngủ quên đi lúc nào cũng chẳng hay.

Nhạn háy xéo anh ta:

– Ai biểu “cả mô” chi. Thôi dậy đi ăn cơm hay là còn tính nằm cho rục xương sống luôn ở đó?

Thế vươn vai ngáp dài, đoạn nhăn mặt kêu lên:

– Ý cha, ráo cổ quá!

– Để em bưng nước cho uống nghen?

Thế xua tay:

– Thôi khỏi em. Em lại lo dọn cơm đi để anh ngồi dậy...

Nhạn nhíu mày:

– Thì ngồi dậy liền không được sao? Thế nhìn xuống chiếc “xà rông” đắp hờ trên người mình... Hiểu ý, Nhạn cười rộ:

– Thằng cha nầy làm bộ quá! Thôi được rồi, đi khuất mắt cho anh khỏi mắc cỡ.

Dứt lời cô rảo bước lại bếp.

Thế ngượng nghịu đứng lên và bật cười khan khi thấy mình hơi loạng choạng.

Nhạn quay lại hỏi:

– Cười gì vậy?

Thế lắc đầu nhưng rồi cười nói:

– Cái điệu nầy mà kéo dài thì chắc anh hết còn chạy giặc nổi... Ý cha, rủi Tây vô bố đúng vào lúc này thì...

Nhạn đỡ lời anh ta:

– Thì anh cũng đáng đời (rồi cô làm mặt giận). Hôm nay rán ăn cơm khét nghen cưng.

Thế gượng cười bước lại:

– Khét chút đỉnh... cơm thơm thêm chứ có gì đâu mà kêu!

Nhạn vùng vằng:

– Cháy đen cả lớp dưới đít nồi kìa cha nội!

– Vậy hả! Mới có một chút. Nhạn trề môi:

– Một chút của anh đó hả? Đã nói thôi rồi còn bày đặt.

Thế vội chặn lời cô ta:

– Thôi em lo dọn cơm đi. Đói bụng thấy mồ đây nè!

Nhạn chống nạnh lên, giọng ra lịnh:

– Khoan đã. Anh đi xuống rửa mặt cho khỏe đi và tiện thể bứt lên đây ba mớ rau ngổ để chấm mắm.

Thế bước lại bá lấy cổ Nhạn, nhón chân để ngó ngoái lại phía bếp và chép miệng trầm trồ:

– Cha, ơ mắm kho ngon quá mạng. Cái điệu này chắc anh ăn “xạc” luôn nồi cơm quá. Sao hôm nay em vo gạo ít vậy.

Nhạn liếc xéo anh ta: hà!

– Anh chỉ giỏi... đói con mắt thôi

Tâm lại móc thuốc ra vấn hút: – Qua tự nãy giờ...

Liếc thấy vẻ mặt lầm lì khác thường của Tâm, Thế lo lắng, hỏi:

– Bộ anh em ở bển gặp... chuyện gì hả?

Tâm thản nhiên lắc đầu:

– Không.

– Vậy chứ sao tôi coi bộ anh buồn bực quá vậy?

Tâm cười lạt:

– Cũng như thường thôi chớ có gì đâu mà buồn!

Thế nhíu mày nhìn kỹ lại bạn:

– Nhưng tại sao anh qua đây một mình? Thằng liên lạc đâu? Mấy ảnh có nhắn gì tôi không?

Tâm không giấu giọng oán trách:

– Còn tại gì nữa! Tại tôi nóng ruột vì anh nên tôi mới xin với mấy ảnh cho tôi qua đây. Thằng liên lạc bị nạn chết mất xác rồi...

– Trời, tội nghiệp nó quá! Tâm đều giọng kể lể:

– Phải tôi biết anh... khỏe ru như vầy tôi cũng cũng chẳng thèm qua đây làm gì?

Thế nhíu mày:

– Coi bộ mấy anh em muốn bỏ rơi tôi luôn sao?

Tâm cười lạt:

– Anh em ở bển cũng sắp lâm vào tình trạng tứ tán. Tôi qua đây thấy anh được yên thân và... đầy đủ hơn ai hết, tôi cũng lấy làm mừng.

Thế bực mình:

– Anh này sao ăn nói lạ quá! Tôi đang rầu thấy mồ đây!

Tâm cười khẩy:

– Rầu theo cái điệu của anh thì ai cũng ham hết!

Thế nhíu mày nhìn kỹ Tâm để dò xét. Anh ta chưa biết phải hỏi phỏng tình ý gì của Tâm như thế nào thì anh chàng này đã phủi quần đứng lên và bằng giọng rất tự nhiên, anh ta nói luôn:

– Kể ra cô Nhạn gặp được anh thì cũng có phước. Như vậy cổ cũng được yên thân.

Thế chợt hiểu và đâm ra ngượng nghịu ngang:

– À tôi quên cho anh hay nữa, cổ... còn ở đây... Đáng lẽ cô qua bên Cái Vừng để kiếm bà con nhưng bị lộn xộn tới...

Tâm cười mũi:

– Thì tôi có nói gì đâu mà anh phải... cắt nghĩa lòng vòng quá vậy?

Thế, như nhớ được điều gì, vội hỏi lại Tâm:

– Mà sao anh biết cổ còn ở đây? Tâm cười rộ:

– Có gì mà không biết. Hồi nãy tôi cũng hơi vô phép một chút... Tôi đến đây mừng quá nên có hơi... lật đật chạy lên kiếm anh... Nói nào ngay, tôi cũng muốn leo lên nhà sàn để “hù” cho anh giựt mình chơi nhưng... tôi nghe ông bà đang... rủ rỉ rù rì nên tôi phải ba chân bốn cẳng “a la de” lại.

Thế đỏ mặt, ấp úng chống chế:

– Tôi với cổ nói chuyện tầm phào chơi.

Tâm cười to thêm:

– Thì ông bà làm mưa làm gió gì thì làm chớ ai có nói gì đâu mà giấu quanh hổng biết.

– Thì cũng vui đùa vậy thôi. Tâm lại bồi thêm mấy câu liền:

– Mà sao... cù cưa cù nhầy lâu quá vậy? Giác này là giác sáng nữa! Tôi tưởng anh với cổ ở đây cả tuần lễ nay thì chắc no nê đã đời rồi chứ có đói khát như tụi tôi ở bển đâu mà làm nôn làm nã bất kể giờ giấc gì hết trơn vậy?

Thế ngượng quá, đâm tức:

– Anh nói xiên nói xỏ chi vậy? Tôi nói ra đây anh có tin hay không thì tôi không dám ép: tôi với cô chỉ mới... quen nhau hồi sáng này thôi. Sau tai nạn bên kia biên giới cổ không được khỏe, bộ anh không biết sao?

Tâm cười lớn:

– Ôi chuyện đó ăn thua gì. Đàn bà như chiếc ghe chài “lớn” mà là thứ ghe có gắn lưới hai bên cho nước qua lại để “rọng” cá nên dầu có chở bao nhiêu cũng khẵm, không chìm hết. Thứ cô Nhạn đây cũng vậy! Anh không thấy cổ bị cả chục thẳng đầu quăn môi trớt nó làm cho bái xái bài xai mà rốt cuộc rồi cũng trấm trơ trấm trất hay sao? Cô Nhạn đây chỉ chở có vài ba thằng và nay lại bao một mình anh thì ăn chung gì!

Thể lườm mắt:

– Anh nói tầm bậy không? Tôi tưởng anh cũng quý cổ lắm mà! Chính anh đã đốc thúc tôi qua bên kiếm cổ.

Tâm trân tráo ngắt lời Thế:

– Đâu phải kiếm cổ để cho anh bợ tay trên như vậy? Anh nên biết rằng sau đó tụi nầy chạy thắt họng và còn lộn về Cầu Muống để kiếm anh... Đó anh coi, anh được như vậy là cha rồi!

– Anh đừng nói vậy chớ. Việc này dầu sao cũng chỉ là một việc nhỏ, một việc riêng của tôi chớ chẳng ăn thua gì đến ai hết...

Tâm gật gù:

– Đúng. Như vậy việc của tôi qua đây kể như xong. Thôi tôi đi về bển, ở đây làm gì nữa!

Vừa lúc ấy Nhạn chạy ra và khi thấy Tâm cô reo lên:

– Té ra anh Tâm.

Tâm chưa kịp nói gì thì cô lại quay qua trách móc Thế:

– Sao anh gặp anh Tâm dưới này anh không hú cho em biết. Làm em ở trển đợi hết hơi, tới chừng em nghe... có tiếng nói chuyện om sòm em mới chạy xuống.

Thế ừ ào:

– Thì... ảnh cũng mới tới đây...

Tâm cau có khi nghe lại người xưng hô anh em liền miệng và anh ta càng uất người khi nhận thấy vẻ mặt vừa sáng rỡ vừa... no đủ của Nhạn.

Nhạn chợt bước lại đập nhẹ vào vai anh ta. Tâm cười chua chát:

– Tôi biết khỉ gì mà nói, nội việc nghe hai ông bà xưng hô anh anh em em ngọt xớt với nhau tôi cũng đủ... mừng hết lớn rồi!

Nghe Tâm nói xiên nói xéo như vậy Thế đâm ra sượng trân nhưng trái lại Nhạn, vẫn không tỏ vẻ gì nao núng. Cô ta còn nói móc lại Tâm:

– Bộ cha nội nầy ghen hả?

Đó là một câu nói quá bất ngờ cho Tâm và anh ta khựng lại trong một giây rồi cười lạt:

– Ăn nhậu gì đến tôi mà tôi ghen! Thứ nhứt là với tánh nết... dễ dãi của cô...

Nhạn lườm mắt:

– Thằng cha này lại muốn… thua me rồi bắt bài cào gỡ! Thôi, có đói bụng không lên ăn cơm luôn với tụi này.

Tâm lạnh lùng lắc đầu:

– Cám ơn. Bây giờ tôi phải đi. Nhạn trợn mắt:

– Cái điệu giận lẫy của anh thấy ghét quá! Anh làm như tui với anh Thế... chuyện gì động trời vậy! Giả tỷ như tụi tui có lấy nhau cũng là việc thường mà!

Thế vội kêu lên:

– Cái gì mà lấy nhau! Em đừng nói vậy, anh Tâm ảnh... hiểu lầm...

Tâm cười nói:

– Còn gì nữa mà hiểu lầm! Thôi ông bà lên ăn cơm đi kẻo trễ. Còn phần tôi, để thây kệ tôi. Tôi ngồi nghỉ giây lát chờ cho mát trời rồi sẽ đi về bển.

Thế bước lại níu tay anh ta:

– Thôi mà anh. Chẳng lẽ cất công đây rồi bỏ đi như vậy sao? Đằng nào tôi cũng phải theo anh về bển chứ đâu lẽ sống đời bên nầy.

Nhạn cau mày nhìn lại hai người, hỏi gằn:

– Còn tui đây? Sướng há! Muốn hất tui hả?

Thế chắt lưỡi:

– Em đừng nóng. Em sẽ đi với tụi này...

Đến lượt Tâm phản đối:

– Chở cô về bển mấy ảnh chửi cho thụt sình. Mấy ảnh đang lo chạy thắt họng kia kìa!

Thế ngập ngừng:

– Thì mình cho cổ quá giang qua sông cái để cổ lên Cái Vừng... (anh ta dịu giọng nói tiếp với Nhạn) Em chịu khó về bển nương náu một thời gian rồi khi nào anh yên thân yên chỗ anh sẽ tìm cách qua thăm em.

Nhạn thở dài:

– Thì cũng được. Thời buổi giặc giã nầy... em cũng không mấy tin ở những lời hứa hẹn theo kiểu đó nhưng chẳng lẽ em níu áo anh hoài được sao! Em dư biết là anh bỏ em được chớ bỏ anh em sao xong!

Thế cảm động không biết làm gì hơn là quay qua phân bua với Tâm:

– Anh có nghe cổ nói không? Dầu sao đi nữa mình cũng phải nhìn nhận cổ là người biết điều, như vậy anh còn... giận hờn tôi làm gì nữa!

Tâm cũng đâm ngượng:

– Thiệt ra tôi sợ tôi... vô tình phá đám hai người chớ... chuyện kia thì ăn thua gì.

Nhạn vui vẻ xen vô:

– Vậy thì mình lên ăn cơm đi, trong lúc chạy giặc thì chuyên hiệp tan như... ăn cơm bữa. Em gặp được mấy anh đây được lúc nào hay lúc ấy chớ bắt mấy anh... cõng theo hoài đâu được!

Tâm ngần ngừ trong giây lát rồi nói: – Ừ thì đi ăn cơm.

Nhạn rầu rĩ cuốn chiếc đệm lại trong lúc Thế bơ thờ đứng tựa lưng lên ngạch cửa. Tự nhiên anh ta buồn ngang và không dám nhìn về phía Nhạn nữa.

Tâm thì có vẻ thản nhiên như khô- ng. Đôi lúc anh ta liếc chừng Nhạn rồi cười tủm tỉm một mình như có điều gì khoái trá riêng.

Khi mọi người đã cụ bị đồ đạc xong xuôi, Tâm mới bước lại vỗ vai Thế và thấp giọng bảo:

– Lát nữa, qua sông cái rồi, anh đi về bển một mình.

Thế quắc mắt:

– Còn anh?

Tâm làm ra vẻ quan trọng:

– Tôi còn phải đi ra Hồng Ngự để lấy tin. Mấy ảnh bắt tôi phải lãnh công việc... khó nuốt nầy.

– Vậy tụi mình cùng đi cho có lợi hơn?

Tâm khẽ lắc đầu:

– Đi hai đứa dễ lộ lắm. Với lại mấy ảnh đang nóng lòng gặp anh và theo chỗ tôi biết thì mấy ảnh định nhờ anh ra Châu Đốc để đi về Sài Gòn liên lạc về một việc quan trọng gi đó. Anh mới xuống nên có đầy đủ giấy tờ đi đường...

Thế nhăn mặt:

– Ở bển thiếu gì người có thể đi được mà lại phải chờ đến tôi!

Tâm khẽ nhún vai:

– Ai biết đâu! Để khi qua sông cái xong xuôi tôi sẽ chỉ chỗ mấy ảnh ở để anh đi luôn. Mình phải nhơn lúc tối trời nấy để xê xích cho dễ...

Thế liếc chừng về phía Nhạn:

– Còn cô kia?

Tâm thản nhiên đáp:

– Để tôi đưa cổ đến gần Cái Vừng rồi thả cổ xuống. Thôi mình cũng nên... phóng sanh cổ phứt cho rồi chớ đem đàn bà con gái theo lộn xộn lắm, nhứt là ở chỗ có đông đực rựa mà thằng nào thằng nấy cũng… chết đói chết khát từ năm bảy đời rồi.

Thế đành ừ hử cho xuôi, nhưng trong lòng rất vốn xang khi phải xa lìa Nhạn một cách... tức tưởi như vậy! Nhưng anh ta không còn cách gì để cạy gỡ một khi Tâm đưa ra mấy đề nghị rất hữu lý đó.

Mặt khác, anh ta cũng dư biết rằng mình còn có anh em và việc anh ta xuống đây cũng không phải là để đi nghỉ mát hay có thể tự ý lao mình vào một cuộc phiêu lưu tình ái... lông bông nhứt như thế...! hỏi:

Vừa lúc ấy, Nhạn vui vẻ lên tiếng

– Hai người bàn tính gì đó?

Thế ngượng nhìn lại Tâm, Tâm bình tĩnh hất hàm bảo anh ta:

– Thì anh nói cho cổ biết đi!

Nhạn ngơ ngác nhìn lại Thế, giọng hốt hoảng:

– Bộ anh tính bỏ em lại hả? Thế lắc đầu:

– Hông... Tụi này đều có công việc hết. Kẻ phải ra Hồng Ngự, người phải về kinh Ông Cỏ nên tụi này chỉ đưa em về gần Cái Vừng như anh đã bàn với em hôm trước. Thôi em chịu khó về bển ở đỡ ít lâu rồi anh liệu cách qua thăm sau...

Nhạn cười lạt:

– Giặc giã nầy mà anh nói điều đó thì kể cũng như ăn trớt hết chứ tin sao được. Em biết thế nào cũng có ngày này... Thôi bây giờ mấy anh cho em quá giang một đỗi cũng được.

Tâm ôn tồn lên tiếng:

– Cô qua xuồng tôi đây để lát nữa khỏi phải sang qua sớt lại. Tôi ra thẳng Hồng Ngự nên tiện đường cho cô xuống gần Cái Vừng.

Nhạn quay sang Thế:

– Vậy anh Thế đưa em về bển rồi đi đâu thì đi không được sao?

Tâm lại nói chận:

– Hổng được đâu cô à. Anh Thế còn phải đi xa và nhơn trời tối này mà bơi xuồng cho tới nơi. Thiếu gì dịp khác để ảnh trở lại thăm cô. Ảnh đã nhờ tôi đưa cô đi về bển... Vậy cô qua xuồng tôi cho tiện…

Nhạn thở dài nhưng rồi cũng ngoan ngoãn nghe theo...



Posted by: mailfish

BOOK COMMENTS

  • 5.9/7 - 14 ratings
    • doan hu u 2 years ago

      Sao truyện upload chậ­m , rất khó đọc , hay bị tình trạng "" reload "" liên tục , admin vui lòng chỉnh lại giùm cho bà con , nhất là người lớn tuổi , cảm ơn tất cả " admin " gìn giữ được văn học một thời của miền nam trước 1975

      0
    • admin 2 years ago

      Cám ơn doan hu u báo lỗi. Trang ebook rất nhiều người vào, lâu lâu vietmessenger chỉ cần "reboot server"

      0
    Reply
    • V
      vankeen 8 years ago

      Tôi muốn download sách này, xin admin chỉ cách download vợi Thấy những truyện khác vẫn cho download, còn những truyện này lại không có chỗ để download. email: truongvan123450@gmail.com

      0
    Reply
    • nguoidoc 8 years ago

      Xin hỏi có thể cho tôi bản PDF không. Tôi không đọc online nhiều.

      0
    Reply
    • 9 years ago

      @vuhoa55

      Install Flash

      0
    Reply
    • vuhoa55 9 years ago

      Không biết làm sao để đọc !!! Làm ơn giúp với.

      0
    Reply
    • tamtinhtang 9 years ago

      huynh gởi ở mail nào huynh , email của Tám là thaiho2000@gmail.com

      Cám ơn huynh

      0
    Reply
    • thu vi 9 years ago

      Muốn download truyện này phải dùng sreenshot của computer hay smart phone.

      0
    Reply
    • mailfish 9 years ago

      @tamtinhtang

      đã gởi PDF cho tamtinhtang rồi đó nhé

      0
    Reply
    • tamtinhtang 9 years ago

      Mailfish ơi , Tám đã đọc xong quyển hai .... giờ còn chờ bro up lên tiếp nè . Cám ơn huynh nhiều nghen ...

      0
    Reply
    • mailfish 9 years ago

      @tamtinhtang

      truyện audio đọc hay quá. nhạc cũng hay nữa

      khi thâu xong quyển 1, tamtinhtang PM mailfish. mailfish sẽ gởi PDF quyển 2 để đọc tiếp

      thank you for sharing

      0
    Reply
    • tamtinhtang 9 years ago

      íã chuyển thành audio book
      Xin cám ơn vietmessenger và người up quyển Kinh Cầu Muống
      http://ungthanhha.blogspot.ca/2015/03/audio-kinh-cau-muong-le-xuyen.html

      0
    Reply
    • S
      sac_nguyensinh 10 years ago

      Cám ơn anh Tám Tình Tang và chị Kim Oanh đã bỏ công đọc và post lên cho mọi người nghe, thiệt là nóng hổi... anh chị sớm hoàn tất nhe , tui đang háo hức muốn nghe hết nè. Anh có rãnh thì chơi luôn bộ Rặng trâm bầu - Lê Xuyên luôn nhé. Tôi luôn ủng hộ anh, chi. ... Read more

      0
    Reply
    • HUNGDIEP 11 years ago

      Cám ơn anh ,chị đã download những truỵên VN mà tôi không thể tìm đươc trong các tiệm sách HTD Thành thậ­t cám ơn rât nhiêu.

      0
    Reply
    • S
      sachcu 11 years ago

      Xin giúp cách download truyện này , rất cám ơn anh chị trên 4rum

      0
    Reply
    • jbxuanthanh 11 years ago

      xin hỏi, làm sao để download cuốn tiểu thuyết Kinh Cầu Muống đây vẩy

      0
    Reply
    TO TOP
    SEARCH