CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Cổ Long » Hậ­u Tiểu Lý Phi Đao (Huyết Tâm Lệnh)


CHƯƠNG XI

NHỮNG CÁI RỦI-RO TRONG NGHỀ

MỘT thứ bảy, ngày phiên chợ, trong các phố dân quê đi lại tấp-nập. Khi tôi về qua chợ, thấy Phi và Bùi đang đứng xem thợ nhổ răng trên một bãi đất công. Giữa tiếng kèn trống rộn-ràng, Phó Tuyên đang hành nghề. Bác nhổ phăng-phăng và ném những chiếc răng vô-dụng lên không phơi-phới như thể những đứa trẻ đánh chuyền.

Sau ba mươi năm chiến-đấu với những hàm răng khỏe và gan, Phó Tuyên rút được nhiều kinh-nghiệm và trở nên một tay lành nghề. Hơn nữa bác lại vui tính và mau mồm miệng nên cả hạt ai cũng biết tiếng. Vì thế hôm đó công-chúng bâu đặc chung quanh xe bác.

Anh Bùi nghề võ kém nhưng nghề ảo-thuật lại tài. Anh thường thi-thố để trêu mọi người. Buổi đó, đám đông toàn người nhà quê ngờ-nghệch anh được dịp đùa-nghịch. Thoạt nhìn thấy anh ở đây, tôi đã đoán anh định làm trò đây. Nhiều lần anh đã bị tát tai vì trêu phải những tay chẳng vừa. Vì thế, tôi không dám lại gần anh.

Hôm đó, trò chơi của hai bạn tôi sáng-chế ra là rút hộp “thuốc hít” của những người nghiện thuốc và rút “mùi-soa” của những người không nghiện thuốc. Cố nhiên, kẻ nhanh tay là Bùi phải làm việc móc túi. Còn Phi khi nhận được hộp thuốc hít thì lấy bã cà-phê thế vào và khi nhận được mùi-soa thì lấy thuốc hít xát vào.

Những người nhà quê chất-phác, mắt mải nhìn những người đau răng đang đợi nhổ, tai mải nghe những lời rao hấp dẫn của Phó Tuyên, hơn nữa lại bị tiếng kèn trống làm rối xòe, đứng ngây người như tượng gỗ cả, túi bị móc ra tra vào không biết gì cả.

Lát sau, nhiều người móc mùi-soa ra lau mũi bị hắt hơi từng chập không ngừng. Những người khác đến cơn nghiền đem thuốc ra hít chẳng thấy mùi vị gì, cứ nhìn đi nhìn lại hộp thuốc và ngờ-ngợ. Hai đồng đảng trông điệu-bộ của họ, bấm-nhau và cười rũ. Thấy thinh-thích, tôi cũng muốn vào nhập bọn.

Nhưng khi tôi mới bước được vài bựớc thì thấy một người Cảnh-binh len vào và thộp cổ Bùi, đang thọc tay vào túi áo một bà già. Đồng-thời, ở một góc kia có tiếng ồn-ào : Phi cũng bị bắt.

Không cần xem hơn nữa, tôi gạt luôn mấy người đứng sát cạnh và chạy thẳng về xe báo cho Bô-La hay câu chuyện vừa xảy ra.

Một giờ sau, các nhà chức-trách đến khám xe chúng tôi. Lẽ dĩ-nhiên, người ta không bắt được gì vì hai bạn tôi không phải là phường ăn cắp. Nhưng người ta cứ bỏ tù Bùi và Phi mặc dầu Bô-La khiếu-nại là những trò chơi dại-dột của hai trẻ, chứ chúng không hề lấy của ai. Nhưng các quan tòa không chịu. Bô-La sợ người ta lại buộc cho tội đồng-lõa hay tội chứa-chấp quân gian nên không dám kêu nài nữa

Cảnh-sát không có cảm-tình với phường hát rong. Bất hạnh, trong hạt có tội lỗi gì xẩy ra nhằm lúc những phường hát rong đi qua là người ta đổ cả vào đầu họ trước nhất. Đối với họ, người ta không cần xét hỏi lôi thôi. Trái lại, chính họ phải trình-bày và chứng-minh rằng mình vô tội.

Bùi và Phi bị bắt quả tang đang thọc tay vào túi người ta, không thể chối cãi là không định tâm ăn cắp. Vì thế chúng bị xử giam trong nhà trừng-giới cho đến tuổi thành-niên. .

Thế là trong đoàn khuyết mất hai người, tôi phải bù vào chỗ trống đó, nghĩa là tôi phải làm việc thay thế cho cả hai người.

Khi Bô-La bảo thế, tôi hét lên rằng tôi không đủ khả-năng để xếp mình vào trong hộp.

Bô-La kéo tóc tôi – kéo tóc là một lối vuốt ve và là dấu yêu-quí của ông ta – và bảo :

– Không phải vấn-đề “vào hộp” . Con dẻo-đang lắm, con có thể tập trò múa lộn trên dây được

Thế rồi khi đến chợ A-Lăng-Xông, tôi bắt đầu luyện tập nghề mới. Nhưng việc diễn tập của tôi vì một sự rủi ro xảy đến nên bỏ dở không tiến hành được. Dự-định trốn đi của tôi cũng do đó phải đình lại.

Hôm đó là chủ-nhật. Chúng tôi khai diễn từ 12 giờ trưa, liên tiếp cho đến tối không nghỉ. Những nhạc-công đều khô cổ thổi kèn như hết hơi. Bô-La rao chào mãi khãn cả tiếng. Sư-tử nằm lỳ không muốn dậy. Khi Diệp-Lan giơ roi dọa, nó đưa đôi mắt rầu-rầu lên như kêu van. Tôi, tôi cũng mệt lử vì đói và khát, không buồn cử-động chân tay.

Cho tới 11 giờ khuya cửa rạp còn có khách. Bô-La quyết diễn thêm xuất nữa và ra cửa kêu gọi,:

– Chúng tôi chỉ biết phục-vụ cho hoan-lạc của quý-khách. Chúng tôi đã kiệt lực rồi. Nhưng dù chúng tôi có phải chết cả vì mệt nhọc, chúng tôi cùng cố thỏa-mãn hiếu-kỳ của quý-khách. Kính mời liệt-vị vào coi! vào coi!

Màn đầu là phần việc của tôi. Tôi phải nhảy lộn qua trên lưng từ một đến bốn con ngựa xếp dần vào. Xong phải diễn võ trên đầu sào. Trò thứ nhất, tôi nhẩy lúng-túng, khán-giả xì-xào. Đến trò thứ hai, khi Bôn đem cây sào ra, tôi ngán quá muốn bò. Xong, cái nhìn hầm-hầm của Bô-La, tiếng reo khích-thích của khán-giả và cả lòng tự-ái của tôi làm cho tôi cố-gắng. Tôi nhẩy phắt lên vai Bôn rồi leo thoăn-thoắt lên đầu sào cao tới năm mét.

Bôn cũng mệt rồi, giữ cây sào không vững. Đến khi tôi lấy hai tay bám vào đầu sào đưa thẳng ngang thân ra một bên như lá cờ giương trong gió, bỗng cột sào lảo-đảo, tim tôi ngừng đập, tôi buông tay ra.

Công-chúng kêu rú lên, tôi đã ngã soài xuống đất, hai tay đưa về phía trước. Tôi nghe thấy tiếng “cắc” ở vai bên phải và tê-bại cả mình mẩy. Nếu không có lớp mạt-cưa bên dưới thì tôi đã tan xác rồi. Tuy-nhiên, tôi đứng phắt dậy định giơ tay chào công-chúng đang nhao-nhao lo-lắng cho số mạng của tôi, nhưng tôi buốt vai quá, không sao nhắc cánh tay lên được.

Người ta chạy đến vây lấy tôi, hỏi tôi cùng một lúc, làm tôi ngột cả ngựòi. Lúc đó tôi mới thấy đau nhiều và đứng không vững.

Bô-La nói :

– Không hề gì. Mời quý-vị về chỗ – chúng tôi xin tiếp-tục diễn hầu quý-vị.

Bôn giơ hai tay lên trời nói :

– Nó không sao tái-diễn được nữa. Thôi để “ nó an-nghỉ cho khỏe mà ! ”.

Cả rạp đều vỗ tay cười rộ.

Trong sáu tuần-lễ, tôi không thể nhắc tay lên như Bôn đã ra kiểu cho tôi, vì xương quai-sanh ở vai tôi bị gẫy.

Trong gánh xiếc, người ta ít khi dùng đến thầy thuốc. Khi buổi diễn chấm dứt, Bô-la tự chữa cho tôi. Ông ta buộc băng vào vai tôi và thay thế cho thuốc, người ta bắt tôi đi ngủ không cho ăn uống gì.

Tôi ở trong xe chở loài vật. Tôi nằm trên giường đã hai giờ rồi mà không sao ngủ được, vừa sốt vừa khát. Tôi trở mình hết bên này sang bên kia không sao tìm được một vị-trí êm-dịu cho vai tôi. Chợt tôi thấy có người sẽ mở cửa đi vào.

Diệp-Lan nói nhỏ :

– Tôi đây, anh có ngủ được không?

– Không.

Nàng lại bên giường cầm tay tôi và nói :

– Vì tôi mới nên nỗi này. Xin anh tha thứ cho tôi.

– Sao?

– Nếu tôi để anh đi sớm thì hôm nay anh đã không ngã.

Ánh trăng lọt qua cửa sổ chiếu vào mặt nàng, tôi nhìn thấy đôi mắt long-lanh lệ. Tôi làm ra bộ khỏe mạnh. Tôi nói:

– Không hề gì. Cô tưởng tôi trầm-trọng lắm sao ?

Tôi cố giơ tay lên nhưng đau buốt quá, tôi liền kêu lên một tiếng nhỏ.

Nàng nói:

– Đấy, anh xem. Thực là vì tôi, vì tôi

Đột nhiên, nàng cởi cánh tay áo ra, bảo tôi:

– Đây, anh nhìn xem.

– Gì thế?

– Anh để tay xem.

Rồi nàng cầm tay tôi đưa trên cánh tay nàng, tôi thấy hình như dướm máu.

Nàng nói tiếp :

– Thấy anh gẫy xương vai, tôi liền cắn vào cánh tay tôi cho thật đau, bởi vì đã là bạn, người ta phải cùng đau khổ với nhau chứ !

Nàng nói với một giọng cương-quyết và mắt nàng lóng-lánh như những hạt kim-cương dưới ánh trăng xanh. Việc nàng làm thực là vô lý nhưng tôi rất cảm-động và muốn khóc.

Thấy vậy nàng nói :

– Tôi làm anh buồn sao ? Thôi, tôi đã lấy nho ở tủ đem cho anh đây. Anh có đói không ?

– Tôi đang khát, được nho ăn hay lắm.

Nàng lại lẻn ra lấy thêm cho tôi một chén nước nữa.

Nàng nói .

– Bây giờ, anh phải ngủ đi – nàng sửa lại cái gối dưới đầu tôi cho ngay ngắn – cho chóng khỏi để chúng ta cùng trốn. Ngày nào anh bình phục, chúng ta sẽ đi ngay. Anh không thể làm nghề leo sào nữa. Các nghề ấy không phải là nghề của anh.

– Nếu Bô-La ép tôi làm thì sao?

– Bô-La ấy à? Tôi sẽ bảo con Tuấn-Sư cắn chết hắn. Chỉ một cái tát, một miếng ngoạm là đi đời! Chẳng khó gì.

Nàng trở ra, trước khi khép cửa, còn quay lại giơ tay tỏ dấu thân-yêu :

– Ngủ đi!

Tôi đỡ khát và đỡ đau. Tôi cố ngủ. Nhưng không sao chợp mắt được vì tôi cứ nhớ đến mẹ tôi.

Cái tai-nạn bất ngờ đã làm chậm ngày đi của chúng tôi, hơn nữa nó lại đưa chúng tôi vào sâu mùa sương-gió. Trong ngày hè, chúng tôi có thể ngủ giữa đồng được, nhưng về tháng mười một, đêm sẽ dài và lạnh, lại hay mưa tuyết.

Diệp-Lan không để tôi làm gì cả. Nàng chăm nom thú vật thay tôi. Nàng nóng lòng mong tôi lành bệnh hơn tôi. Khi tôi bàn với nàng đợi đến mùa xuàn hãy trốn thì nàng giận tôi.

Nàng nói :

– Nếu anh cứ ở với họ, đến mùa xuân anh đã chết rồi. Bô-La sẽ bắt anh tập đu-bay, anh không tránh thoát dâu. Rồi họ cứ đưa chúng ta đi xa Ba-Lê mãi. Đến mùa xuân chúng ta sẽ lưu-lạc đến miền Nam nước Pháp.

Lý-do cuối cùng làm tôi nghe ra.

Ta cần phải chóng khỏi – sáng nào cũng thế, tôi phải qua cuộc khám-nghiệm của Diệp-Lan –muốn thế, tôi đứng sát lưng vào vách xe và giơ từ từ cánh tay đau lên, đến chỗ nào tay không lên được nữa, nàng lấy mũi dao đánh dấu vào vách. Cứ như thế nàng so-sánh mức tiến của cánh tay tôi cho đến ngày giơ thẳng lên được là khỏi.

Chúng tôi từ A-Lăng-Sông đã đến Văng-Đôm. Rồi lại từ Văng-Đôm sẽ đi Bơ-Loa và thành Tua. Ở đây, tôi sẽ phải tiếp-tục diễn trò. Vì thế tôi bàn với Lan khi nào đoàn xe đến Bơ-Loa là chúng tôi trốn đi Óc-Lê-Ăng để về Ba-Lệ. Lan đưa tiền cho tôi để mua một tấm bản-đồ cũ vẽ đủ đường-sá nước Pháp. Với một cái kẹp tóc, tôi dùng làm com-pa đo quãng dường từ Bơ-Loa đến Ba-Lê và tính ra cách đến 40 dặm. Quãng dài quá, mà những ngày tháng 11 lại chỉ có 10 giờ thôi. Diệp-Lan đi không quen liệu có thể đi được mỗi ngàỳ 6 dặm không? Nàng quả quyết là sẽ đi được, nhưng tôi nghi lắm. Nhưng dù sao cùng chỉ là một hành-trình trong độ một tuần-lễ thôi. May sao nàng đã để dành thêm được, và số tiền lên tới 10 phật-lăng. Đồ ăn đã chuẩn-bị, dép của tôi đã làm xong. Nàng lại nhặt trên đường được một cái chăn ngựa cũ, còn dùng để đắp được.

Sửa-soạn đâu vào đấy, chúng tôi chỉ đợi ngày lành bệnh là ra đi. Theo mức tiến của cánh tay tôi ghi ở vách xe, chúng tôi tính đến ngày đoàn xiếc đỗ lại ở Bơ Loa là tôi khỏi hẳn. Nhưng rủi thay! Con Tuấn-Sư ngày thường lành thế, bỗng dưng nổi loạn làm cho ngày đi của chúng tôi lại bị ngăn trở một lần nữa.

Một buổi chiều, hai người Anh khen ngợi tài nghệ của Diệp-Lan, sau khi khán-giả ra về, lại gần Diệp-Lan bảo diễn lại lần nữa cho họ xem. Bô-La vui lòng nhận lời vì hai vị khách đó hứa đãi Bô-La một bữa thịnh-soạn. Diệp-Lan lại vào chuồng sư-tử.

– Con bé xinh quá !

– Can-đảm thực !

Hai người khách thi nhau vỗ tay,

Bô-La nói khoác rằng sở dĩ Diệp-Lan vào hẳn chuồng vuốt ve sư-tử không sợ nó hại là nhờ hắn biết cách huấn luyện cho nàng.

Người Anh thứ nhất nói :

– Ông chỉ nói róc, ông mà dám vào chuồng sư-tử kia à?

Người thứ hai nói thêm :

– Tôi đố ông vào đấy. Tôi thách 10 đồng ăn 1 nếu ông dám vào.

Bô-La đáp :

– Tôi nhận lời.

– Nhung con bé phải ra kìa. Ông sẽ vào một mình.

– Được rồi. Diệp-Lan trao roi cho ta !

– Con bé ra rồi và không được trở vào nữa chứ?

– Hẳn thế.

Mọi người đều đứng ở đấy cả : Anh Bôn,, bà Đô-La và các các nhạc-công. Tôi mở cửa chuồng.

Bô-La bỏ bộ áo Đại-tướng ra.

Một người Anh nói :

– Nếu con sư-tử này thông-minh, nó sẽ không cắn ông ta, vì thịt ông ta dai như chão.

Họ nói đùa làm chúng tôi phải bật cuời.

Tuy thông-minh nhưng nó không quên được những trận đòn bằng chạc sắt mà Bô-La vẫn luồn qua song đập vào mình nó. Đầu tiên thấy Bô-La cầm cao roi tiến vào, con Tuấn-Sư hơi run-run. Điệu bộ đó làm cho Bô-La phấn-khởi. Bô-La quất vào mình nó một roi cho nó đứng dậy. Nhưng roi da không phải là chạc sắt, con Tuấn-Sư biết rằng nó đã nắm được kẻ thù. Một luồng hùng-khí thoáng qua óc u-tù của nó. Nó gầm lên và đứng dậy. Bô-La chưa lùi được bước nào thì nó đã vồ lấy. Bô-La nằm bẹp dưới hai chân khủng-khiếp của nó đang quắp những móng vào. Tuấn-Sư vừa gầm-gừ vừa lăn Bô-La vào dưới bụng nó. Bô-La kêu :

– Tôi chết mất!

Đầu nó cúi xuống thân Bô-La, hai mắt nó lóe như ngọn lửa trừng- trừng nhìn chúng tôi; đuôi nó quất vào hai bên sườn ầm ầm như tiếng trống.

Bôn lấy chạc sắt luồn qua song đập vào lưng nó loạn xạ, nó cứ trơ-trơ không nhúc-nhích. Một người Anh rút súng lục chĩa vào tai sư-tử ở gần song sắt.

Bà Bô-La vội nắm tay người Anh giữ lại và nói:

– Đừng giết nó.

Người Anh nói:

– Bà này quí sư-tử hơn chồng à ?

Rồi lầm bầm thêm vài câu bằng tiếng ngoại-quốc.

Thấy tiếng ồn-ào, Diệp-Lan chạy đến. Chuồng này vẫn có một “con song” dễ tháo để khi nguy hiểm, Diệp-Lan nhỏ nhắn có lối lách ra được mà con ác thú không chui lọt. Diệp-Lan liền tháo song len vào, con Tuấn-Sư lúc đó đang quay lưng lại không biết gì.

Diệp-Lan tay không, nhẩy phắt lên bờm nó. Con vật giật mình quật cổ lại hất Diệp-Lan ngã hẳn vào song sắt và giơ vuốt ra chống-cự. Khi nó nhận ra là Diêp-Lan, nó liền co chân lại, bỏ Bô-La và chạy nằm nép vào một góc.

Bô-La thoát chết nhưng xây-xát khắp mình mẩy, người ta phải khiêng ông ta ra trong khi Diệp-Lan đứng đó coi chừng con Tuấn-Sư bẽn-lẽn.

Diệp-Lan bước ra sau cùng, chân đi khập-khiễng: con sư-tử đã làm trẹo cổ chân nàng. Người ta phải nán lại và buộc chân cho nàng, đau tám hôm mới khỏi, còn Bô-La bị thương nặng, ho ra máu, nằm liệt giường.

Nửa tháng sau, Diệp-Lan bảo tôi chân nàng đã lành mạnh như thường và chúng tôi có thể thực hiện ý-định dễ-dàng vì Bô-la đang bị đau nặng không thể đuổi bắt chúng tôi được.



BOOK COMMENTS

  • 4.2/7 - 15 ratings
    TO TOP
    SEARCH