CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Vũ Thất » Đời Thủy Thủ


Chương 2

Tôi hồi hộp đứng cạnh ông Hạm phó khi ông gõ cửa phòng Hạm trưởng. Tôi nghe tiếng đáp "cứ vào". Vừa khuất sau tấm màn xanh chưa đầy một phút ông đã bước trở ra và hất hàm ra dấu. Như đã thành thói quen sau ba tháng huấn nhục, tôi cúi mặt kiểm soát lần nữa bộ quân phục đại lễ thẳng nếp với hai hàng nút vàng và đôi giày trắng tinh bóng láng. Tôi hít một hơi dài, vừa thở ra nhè nhẹ vừa vén bức màn. Trong bộ tiểu lễ, Hạm trưởng xoay ghế hướng thẳng vào tôi. Tôi đứng vào thế nghiêm, đưa tay lên chân mày chào thật đúng quân cách với lời trình diện ngắn gọn:

- Hải quân Thiếu úy Võ Bằng số quân 60A700653 trình diện Thiếu tá.

Từ tư thế chào, bàn tay tôi nhấc chiếc mũ kẹp vào nách. Ông hạm trưởng chào đáp rồi đưa tay ra. Tôi nghiêng người nắm bắt. Ông giữ bàn tay tôi khá lâu đủ để tôi lấy lại bình tĩnh. Giọng ông vui vẻ:

- Theo những gì được ghi trong quân bạ thì tôi phải nói là tôi rất hài lòng được anh phục vụ trên tàu này. Anh đã nghỉ phép? Có cần nghỉ thêm không?

Tôi nhìn cặp lon hai gạch lớn kèm một vạch nhỏ vàng ánh trên vai ông và tự dưng dâng lên cảm giác nể phục:

- Thưa thiếu tá không!

- Anh chưa lập gia đình chứ?

- Dạ chưa!

Khi nói môi ông hơi chúm lại như là nụ cười vừa thân ái vừa kiêu hãnh:

- Tốt lắm! Bởi vì trong suốt ba tháng đầu tiên anh cần dốc hết thời giờ để học hỏi mọi thứ trên chiến hạm. Có hai lý do chính: Một là anh sẽ thay tôi khi nhận nhiệm vụ sĩ quan trực nhật. Hai là… khi lãnh trách nhiệm trưởng phiên hải hành. Nghĩa là nếu anh không nghiêm túc học hỏi, nếu anh phạm lỗi lầm thì không chỉ đời hải nghiệp anh đi đong mà đời Hạm trưởng của tôi cũngđi đứt!

Ông cất tiếng cười to, cởi mở. Tuổi ông khoảng trên ba mươi. Mớ tóc ngắn không rẽ ngôi được vuốt xuôi về phía trước. Vầng trán cao, cặp mắt như phát ra những tia tinh ranh làm tăng vẻ trẻ trung yêu đời cho khuôn mặt tròn trịa. Tuy nhiên tất cả những đặc điểm đó không làm giảm nét chững chạc qua cử chỉ và giọng nói của ông, Giọng nói vừa ấm vừa trong, dễ gây cảm tình. Ông chợt đổi giọng nghiêm trang:

- Tại sao anh chọn hải nghiệp?

Tôi lúng túng. Thật ra, tôi chưa hề có ý chọn hải nghiệp. Một người bạn đã chọn cho tôi đúng lúc tôi muốn chấm dứt đời học trò. Nhưng sau hai năm vất vả ở quân trường, tôi đã thấy thật hạnh phúc được mang bộ quân phục trắng. Tôi đáp không chút ngập ngừng:

- Thưa Thiếu tá, tôi thích…

Ông gật đầu, ngắm tôi một lúc rồi quay nhìn sang quyển sổ quân bạ. Ông chầm chậm lật vài trang. Tôi lặng thinh chờ ông lên tiếng.

- Tôi ra trường trước anh tám năm. Phục vụ liên tiếp sáu chiến hạm. Chiếc này là chiếc thứ ba tôi làm hạm trưởng. Anh thích hải nghiệp, hẳn là anh cũng thích sớm trở thành hạm trưởng. Vậy thì tôi truyền kinh nghiệm này cho anh. Anh phải "mó tay" vào mọi việc trên tàu để không một thủy thủ nào, dù với ngành nghề nào, đều không thể "qua mặt" được mình. Anh phải nhập tâm mọi đặc điểm của tàu, quán tính, đặc tính chiến thuật, khả năng tác chiến vân vân. Anh phải nằm lòng mọi chức năng, công dụng của các máy móc thiết bị để có được các phản ứng thích đáng, kịp thời, hữu hiệu. Anh phải hiểu rõ ý nghĩa các màu xanh trắng đỏ đen vàng trên các ống dẫn, trên các con ốc, núm vặn. Nói tóm là anh phải biết rành rẽ mọi thứ trên tàu như biết về… người yêu của mình. Anh hiểu ý tôi chứ?

Thay vì bậc cười, tôi nói lớn:

- Thưa thiếu tá, rõ!

Ông gật gù:

- Được lắm! Còn điều này khó hơn. Nhưng trước tiên tôi muốn biết thêm về anh, về một điều không thấy ghi trong quân bạ. Sổ ghi anh có bị phạt vài lầnvi phạm quân kỷ nhưng không có lần nào với lý do trốn đi bờ hay đi bờ về trễ. Thật ra anh có bay bướm lắm không?

Không đợi tôi trả lời, ông cười tiếp:

- Tàu này, sĩ quan nào cũng bay bướm, nhất là ông hạm phó bất kể sắp cưới vợnay mai. Riêng tôi thì dù đã có vợ, có con mà vẫn còn thích… độc thân tại chỗ. Nếu anh không bay bướm, anh hóa thành người hùng cô đơn! Tôi chủ trương làm việc hết mình thì chơi cũng phải hết mình. Cái khó là trong mọi trường hợp, anh phải biết đặt công vụ trước tư vụ. Cái khó hơn nữa là khi anh chơi hết mình, anh phải chơi cho đẹp, cho phong nhã, nghĩa là anh không được gây buồn phiền cho giađình,gây tai tiếng cho Hải quân. Đồng ý?

- Thưa rõ!

Ông hơi nhỏm người sửa lại thế ngồi. Hai cánh tay tựa lên thành ghế làm nổi bật hai hàng huy chương đủ màu gắn bên trên nấp túi áo tiểu lễ . Tôi nhận ra được hai "anh dũng bội tinh" nằm ở hàng trên. Phía nấp túi áo bên kia là cái huy hiệu hạm trưởng màu vàng có hình bánh lái tàu vòng quanh ngôi sao năm cánh. Bên dưới là một bảng tên màu đen mang hàng chữ trắng Nguyễn Hữu Hảo. Đọc cái tên, tôi ngạc nhiên mở to mắt nhìn kỹ thêm. Ông chính là nhà thơ tôi ái mộ. Năm ngoái, tôi có mua tập thơ đầu tay của ông được quân trường phổ biến. Có một câu tôi đọc một lần mà nhớ mãi: "Chưa đến với em môi sóng đã cười" (thơ Hữu Phương). Thấy tôi nhìn đăm đăm ở ngực, ông tươi nét mặt:

- Đi loại tàu chuyển vận và đổ bộ này khó kiếm huy chương lắm. Phải đi loại giang pháo hạm, hay đi giang đoàn, duyên đoàn… Tương lai anh còn dài, rồi cũng như tôi, phải qua nhiều đơn vị chiến đấu. Lúc đó tha hồ mà hốt huy chương.

Tôi thấy cần nói lên cảm nghĩ của mình:

- Thưa, nhìn bảng tên, tôi không ngờ thiếu tá chính là nhà thơ tôi ái mộ. Rất hân hạnh được phục vụ dưới quyền thiếu tá.

Ông nhìn tôi bằng ánh mắt hài lòng:

- Thế thì càng thêm vui vì nay tôi có người đồng điệu để bàn về thơ. Các ông sĩ quan kia đều thuộc loại… đàn gảy tai trâu!

Ông dừng lại, mỉm cười như biểu lộ sự lỡ lời rồi trở lại công vụ:

- Theo thông lệ, chức vụ sĩ quan ẩm thực thường dành cho các sĩ quan mới ra trường. Một chức vụ không có gì khó khăn, là lo ăn uống cho toàn thể thủy thủ đoàn. Nó chỉ đòi hỏi ở anh đức tính liêm khiết và không ẩu tả. Tôi thích những người bay bướm nhưng lại ghét những người ẩu tả.

- Thưa thiếu tá, tôi hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ.

- Tốt lắm! Về chi tiết, anh hỏi anh cựu sĩ quan ẩm thực trong thời gian bàn giao. Tôi cho anh một tuần và bắt đầu ngay hôm nay. Song song với việc bàn giao, anh phải biết qua mọi sự việc liên quan đến chiến hạm trong vòng hai tuần. Đầu tiên là anh phải học nằm lòng quyển H.Đ.C. HĐC là Huấn thị Điều hành Căn bản chiến hạm. Có thể thỉnh thoảng tôi hỏi anh vài đoạn trong đó. Anh còn phải tìm hiểu mọi sinh hoạt, mọi nơi chốn, không bỏ sót nơi nào, từ mũi tới lái. Sau đó, anh có một tuần để làm bản tường trình những sự việc anh đã tìm hiểu. Rồi ba tháng sau nữa, anh làm bản tường trình mọi điều anh đã học hỏi về chiến hạm.

Ông ngừng lời nhìn tôi như dọ dẫm phản ứng của tôi. Tôi vội lên tiếng mạnh dạn:

- Thưa thiếu tá tôi hiểu!

Ông gật đầu tỏ ý hài lòng:

- Tốt! Mọi vấn đề khác, anh hỏi ông hạm phó.

Ông im lặng, dường như xem còn gì nhắn nhủ nữa không. Căn phòng nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Một chiếc bàn khá rộng bằng sắt mặt lót mica trắng. Một hồ sơ màu xanh nước biển có dán tựa "Trình Hạm trưởng" đặt ở góc ngoài. Góc trong, sát vách là bức ảnh gồm ba người mà tôi đoán là vợ và hai con ông, một gái một trai. Một cây viết thon dài cắm vào lọ mực màu đen gợi nên hình ảnh lọ mực của các vua chúa thời xa xưa. Bên trên là một giá đầy sách. Phía sau ông là chiếc giường treo, nệm dầy trải drap trắng muốt.

- Anh cần hỏi gì không?

- Thưa thiếu tá không!

Giọng ông trở nên đầm ấm hơn:

- Còn một điều chót tôi muốn nhắc anh là ở trên tàu, như mọi người, anh gọi tôi làhạm trưởng và dĩ nhiên gọi sĩ quan phụ tá tôi là hạm phó. Tôi biết các từ đó còn lạ với anh. Rồi sẽ quen đi. Thôi, cám ơn anh.

Ông nhìn thẳng vào mắt tôi mỉm cười hiền hòa. Tôi đặt chiếc mũ lên đầu, khép chân lại, sửa thẳng người rồi thực hiện động tác chào thật nghiêm chỉnh. Ông chìa tay và tôi trân trọng nắm lấy. Ông nhẹ xiết rồi buông ra. Tôi quay nửa vòng, bước ra cửa, tâm hồn nhẹ hẩng…

Bên ngoài phòng hạm trưởng là một khu vực rộng lớn dùng làm nơi làm việc của bộ chỉ huy mà cũng là phòng ăn, phòng tiếp khách của sĩ quan. Thấy tôi bước ra, ông hạm phó đang ngồi chung với các sĩ quan quanh một chiếc bàn dài trải nỉ xanh thẩm đứng lên, tươi cười:

- Nào, bây giờ ta làm một màn giao duyên. Xin giới thiệu cùng toàn thể sĩ quan, đây là thiếu úy Võ Bằng, vừa tốt nghiệp khóa 11.

Tôi lại đứng vào thế nghiêm, giơ tay chào. Tất cả vui vẻ phát một cử chỉ đáp lễ. Điều tôi kinh ngạc đến sững sờ là thằng bạn học đã dụ dỗ tôi vào Hải quân đang nhìn tôi tủm tỉm cười. Thiếu úy Tâm, trước tôi một khóa, nói bằng giọng bạn bè xưa:

- Đọc lệnh thuyên chuyển, thấy tên mày về tàu này mà đợi dài cả cổ hôm nay mới được chiêm ngưỡng dung nhan. Nghỉ phép kỹ thế!

Tôi định phóng tới ôm Tâm nhưng tiếng hạm phó vang lên:

- Thế là khỏi phải giới thiệu cựu sĩ quan ẩm thực. Nhưng tôi phải giới thiệu tiếp, bắt đầu từ… tôi: Hải quân Đại úy Lê Vĩnh Đắc, khóa 6.

Ngay từ khi xách bị xuống tàu, thấy bảng tên ông trước ngực, tôi đã biết ông là ai. Ông tốt nghiệp thủ khoa với số điểm cao nhất được làm chuẩn mực cho các khóa đàn em. Ông trông đẹp trai hơn bức ảnh được treo ở phòng trực đại đội sinh viên có lẽ nhờ mái tóc kiểu đời thường.

Ông đưa tôi vòng qua chiếc ghế nệm có tay tựa màu nâu nhạt ở đầu bàn. Bảy chiếc khác tương tự cùng màu nhưng có phần nhỏ hơn. Tôi đứng trước vị trung úy có nét mặt khắc khổ ngồi ghế bìa, đối diện ghế của hạm phó.

- Đây là trung úy Hào, khóa 7, sĩ quan đệ tam, phụ trách truyền tin và an ninh.

Chúng tôi bắt tay nhau. Kế đến là trung úy Hải,khóa 8, cơ khí và phòng tai. Ông có khuôn mặt xương, đôi mắt ranh mãnh, vóc dáng khỏe mạnh. Khi đến bên Tâm, Tâm đứng lên ôm xiết tôi. Tôi cũng xiết chặt bằng tất cả thân tình. Cảm giác lạc lõng hầu như tan biến. Tôi bước sang phía kia bắt tay thiếu úy Được, khóa 9, phụ trách ban chuyển vận và đổ bộ, người có bộ mặt trông bậm trợn, vang danh với các trò huấn nhục dành cho khóa 10 của Tâmmà một vài trò độc đáo được khóa Tâmáp dụng vào khóa tôi. Vị cuối cùng, trung úy Tùng, khóa 8, trưởng ngành trọng pháo, chuyên lo vũ khí đạn dược. Ông sắp rời tàu về đơn vị mới và Tâm sẽ tiếp nhận phần vụ của ông.

Hạm phó chỉ một chiếc ghế ở cuối bàn đối diện ghế hạm trưởng:

- Đấy là chiếc ghế dành cho sĩ quan kém thâm niên nhất. Từ nay, trước mỗi bữa ăn, "cụ" sẽ phải đọc thực đơn và mời hạm trưởng cùng các sĩ quan thưởng thức. Sau bữa ăn, không ai được rời bàn khi hạm trưởng chưa rời bàn. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được bàn cãi hai đề tài là chính trị và tôn giáo.

Trung úy Hào chen vào:

- Còn thì tha hồ nói … tiếu lâm!

Tôi cười đáp nhận. Ở quân trường, các sinh viên đã được nhắc nhở về các tập tục này. Đó là một trong những huấn thị căn bản để tránh hiềm khích, để duy trì tình hải nghiệp. Hạm phó đưa tôi đến một dãy tủ sắt, mỗi tủ gồm năm ngăn kéo chứa các loại hồ sơ. Mỗi ngăn có dán biển xanh với hàng chữ đỏ: Công văn Đến KÍN, công điện Đến Khẩn, hồ sơ trực nhật. Ông mở từng ngăn cho thấy hồ sơ được xếp theo từng tháng. Gần đó, bên trên bốn chiếc ghế tựa cùng màu nâu nhạt trông êm ái và đẹp mắt là một giá sách, cuốn nào cuốn nấy thật dày. Đó là những cẩm nang mô tả sơ đồ chiến hạm, thiết bị và máy móc, cách sử dụng, điều khiển, tu bổ, sửa chữa… Tôi nghĩ đến hai tuần sau phải nạp bảng tường trình nghiên cứu cho hạm trưởng mà lạnh người…

Hạm phó lại lên tiếng:

- Mỗi cơ phận trên tàu đều được chụp hình, ghi chú, vẻ vời trong các sách này. Tôi sẽ đưa cụ đi từng nơi, quan sát từng thứ… Thí dụ như trong phòng này, cụ nhìn lên trần sẽ thấy chi chit đủ thứ dây nhợ, đường ống, màu sắc. Cụ phải biết chúng là gì, để làm gì… Cụ có cần một ly cà phê trước khi ta gặp toàn thể nhân viên và sau đó dạo bước từ mũi chí lái chăng?

Không đợi tôi trả lời, ông bước về chiếc bàn giải khát đặt ở góc. Ông rót hai tách và đưa tôi một. Mùi cà phê tỏa thơm đến tỉnh người. Ông chỉ tôi hộp đựng sữa và hộp đựng đường. Cạnh đó là hộp đựng các gói trà, gói ca cao. Tôi vừa hít hơi vừa bước theo ông về bàn. Ông ra dấu tôi đặt ly lên chỗ tôi được chỉ định và nói:

- Trong khi chờ cà phê nguội, tôi sẽ đưa cụ qua phòng ngủ sĩ quan để nhận giường và tủ cá nhân. Nhân đó cụ thay vào bộ quân phục làm việc!

Ông quay sang trung úy Hào:

- Sĩ quan trực cho nhấn còi tập hợp nhân viên. Mười phút nữa tôi sẽ giới thiệu sĩ quan tân đáo.

Tôi nhấc cái xách tay khá nặng đang đặt nằm tạm cạnh cửa phòng hạm trưởng, bước theo hạm phó. Tâm lẽo đẽo bước sau tôi.



BOOK COMMENTS

  • 6.5/7 - 2 ratings
    TO TOP
    SEARCH