MỤC LỤC
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
HỘI ĐỒ SƠN
Với tục Chọi trâu
Miền Bắc có câu ca dao :
Dù ai buôn bán đâu đâu,
Mồng Mười tháng Tám Chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng Mười tháng Tám thì về Chọi trâu.
Câu ca dao này đã nói lên lòng hâm mộ của mọi người đối với tục Chọi trâu, bỏ mọi công việc để được dự một cuộc vui đặc biệt của dân tộc.
Tục Chọi trâu hàng năm diễn ra tại hội tổng Đồ Sơn, phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Kiến An.
Tổng Đồ Sơn ở ven bờ biển vịnh Bắc Việt, gồm ngay cả bãi bể Đồ Sơn. Du khách tới bãi bể Đồ Sơn, là đã tới địa phận tổng. Tổng này hàng năm mở hội vào ngày mồng mười tháng Tám, và trong hội có cuộc vui hấp dẫn nhất là tục chọi trâu, tổ chức chung bởi ba làng trong tổng là Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc Xuyên.
Thần tích
Thần tích các làng thuộc tổng Đồ Sơn, theo các ông Nguyễn văn Liêm, Thú Y sĩ và Ngô quốc Côn, nguyên tri phủ Kiến Thuỵ mà tập san Indochine nhắc lại trong số 7 xuất bản ngày I7-9-I942, nguyên do như sau :
Cách đây I8 thế kỷ, với gió mùa Đông Nam, một số ngư phủ Nguyên quán ở Thần Hoà trôi giạt tới chân núi Tháp Sơn của bán đảo Đồ Sơn. Sống ở đây, những ngư dân này liên tiếp chịu mọi thiên tai, bão tố nối tiếp trời hạn hán.
Trước mọi tai nạn, họ chỉ biết ngày đêm ngưỡng lên trời van vái và cầu khẩn xin chư vị thần linh miền ven duyên thương họ.
Cho tới một hôm, trời trong sáng dưới ánh trăng tháng Tám, một số người trông thấy ngoài biển, dưới ánh trăng vàng đang đùa sóng gợn, một lão nhân đầu tóc bạc phơ ngự trên một chiếc sập đá, tay cầm một chiếc gậy dài ngắm nhìn một đôi trâu chọi nhau.
Hình ảnh này hiện rồi biến. Sau đó một trận mưa độ lượng đã tưới mát mặt đất.
Qua hình ảnh xuất hiện bất ngờ trên mặt biển, ngư dân hiểu thần linh giáng hạ báo cho dân chúng biết mà thờ phụng.
Để làm hài lòng thần nhân, họ tổ chức những cuộc chọi trâu và tục này đã được lưu truyền mãi mãi. Một tấm hoành khắc vào đời Vua Lý Thánh Tông (I054-I059) gắn trên chính điện ngôi đình xã Đồ Sơn, chứng tỏ cổ tục này đã có từ lâu lắm.
Dân chúng thờ thần, vị lão nhân đầu râu tóc bạc, nhưng không biết duệ hiệu của tôn thần, họ cầu khẩn xin thần nhân cho biết để tiện việc thờ phụng nhất là việc khấn vái trong lúc cúng lễ và để thoả lòng tôn kính.
Sau nhiều lễ nghi liên tiếp thực hiện với sự thành kính của mọi người, dân chúng mang đặt trong ngôi đền thần một mâm bột gạo, rồi toàn thể cùng rút lui sau khi đã đóng kỹ cửa đền.
Vài ngày sau khi trở lại, trên mâm bột họ thấy có vết chân chim. Xoá đi, ngày mai trở lại, vết chân chim lại hiện ra. Như vậy thần nhân đã cho dân làng biết duệ hiệu của mình. Từ đó dân làng thờ ngài dưới danh hiệu Điểm Tước Đại Vương.
Được sự che chở của Đại Vương, đám ngư dân làm ăn phát đạt, chống đỡ được mọi tai nạn của biển cả cũng như mọi sự biến diễn của thời gian. Sự phát đạt ngày càng tăng tiến ; dân số ngày càng đông ; làng xã được lập ra, đầu tiên mới có một làng, rồi hai làng, ba làng : Đồ Sơn, Ngọc Xuyên và Đồ Hải, ba làng họp thành tổng Đồ Sơn sau nầy.
Qua các triều đại thần linh luôn luôn được sắc phong. Những bản sắc cũ không còn nữa, nhưng đến trước ngày đất nước chia hai vào năm I954, dân làng còn giữ được sắc phong của vua Cảnh Thịnh triều Lê và của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định triều Nguyễn.
Lúc đám ngư dân mới lập đền thờ, đây chỉ là một ngôi đền lợp lá, nhưng sau này đền được xây gạch với đầy đủ vẻ tôn nghiêm. Đền toạ lạc đối diện sông Hồng Giang, phía trước nơi thần linh đã xuất hiện.
Theo một số dân Đồ Sơn thuật lại, sự tích Điểm Tước Đại Vương có hơi khác :
Bãi bể Đồ Sơn xưa kia chỉ là nơi hẻo lánh hoang vu với tám túp lều đánh cá của tám nhà thuyền chài lập thành một ấp nhỏ. Một hôm ông Trưởng ấp bàn với bảy nhà kia lên núi Cửu Long ở gần bãi bể, tìm chỗ thạch bàn bày một mâm bột, cúng xin duệ hiệu vì dân ấp tới ngày đó thờ Bát Bộ tôn thần. Mấy hôm sau, mấy người rủ nhau trở lại chỗ thạch bàn chỉ thấy có một vết chân chim, ngó xuống chân núi có hai con gà vàng đang chọi nhau.
Các cụ trong ấp về lập đền thờ và hàng năm tới ngày lễ, dân ấp tổ chức các cuộc chọi gà. Với tục lệ mới này, dân trong ấp làm ăn vẫn không thấy thịnh vượng. Hàng ấp lại lên núi cầu lại Duệ hiệu. Khi ở trên núi ngó xuống, mọi người thấy hai con trâu vàng chọi nhau. Từ đó hàng năm có tổ chức cuộc chọi trâu, và dân cư làm ăn ngày thêm thịnh vượng. Về sau với sự sinh con sản cháu, với dân chúng nhiều người nơi khác tới cư ngụ làm ăn, ấp đổi thành làng, một làng rồi ba làng.
Hỏi đến Bát Bộ tôn thần, dân làng cho biết đây là tám vị thần linh, nhưng họ không nói rõ tám vị này là những vị nào.
So với những điều thuật lại theo tài liệu của các ông Nguyễn văn Liêm và Ngô quốc Côn, câu chuyện của dân làng không đúng hẳn song vẫn có nhiều sự trùng hợp, xin nhắc lại ở đây để tiện giúp các vị muốn khảo cứu kỹ về sau.
Ngoài ra cũng có một số người cho rằng sở dĩ xã Đồ Sơn có tục chọi trâu là để kỷ niệm Quận Hẻo tức là Nguyễn-hữu-Cầu, một tướng giặc có danh về đời Hậu Lê đã bị Phạm-đình-Trọng đánh bắt. Điều này so với tấm hoành của ngôi đình xã Đồ Sơn đã nhắc ở trên thì sai hẳn, đền có trước đời Lý, lẽ nào dân làng không thờ quận Hẻo lại có tục chọi trâu để kỷ niệm quận Hẻo. Rất mong được sự soi sáng của các vị học giả hiểu biết hơn.
Tục Chọi trâu
Chọi trâu được tổ chức ở một khoảng đất rộng, trước ngôi đình chung của ba xã Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc Xuyên, toạ lạc trên địa phận xã Đồ Hải.
Để dự cuộc chọi trâu này, mỗi xã trong tổng đều phải có trâu chọi. Tiếng rằng chọi trâu ở Đồ Hải nhưng đây là hội chung của hàng tổng Đồ Sơn. Tổng nầy với ba xã gồm tất cả I4 thôn, mỗi thôn trong kỳ hội đều có trâu cảu mình dự chọi, tổng cộng tất cả I4 con trâu.
Kén chọn trâu
Trâu dự chọi phải được kén chọn kỹ lưỡng và phải chăm sóc một cách đặc biệt riêng.
Ngay từ tháng Ba đầu năm, dân hàng tổng đã phải đi lùng trâu ở khắp nơi các tỉnh Bắc Việt, sự kén chọn trâu chọi do các tay chuyên môn hiểu biết về trâu qua tướng trâu, có con trâu chọi nhau hăng hái, có con trâu chỉ biết cổ cày vai bừa, ăn no kéo nặng không chiến đấu.
Theo các nhà chuyên môn, trâu chọi phải đầu nhỏ, cổ dài, bờm 1 tròn, lưng hơi hơi nhô lên. Sừng trâu phải cứng, vuông ở chân sừng, mặt sừng mịn, không dấu vết, vươn thẳng một mạch lên khỏi đầu, hai chiếc sừng cân đối và như nằm trong một mặt phẳng. Hơn nữa sừng phải kín, tiếng chuyên môn để chỉ những cặp sừng hai đầu không quá xa nhau, và cũng không cao khỏi trán trâu bao nhiêu. Tốt nhất khi cặp sừng cách trán trâu chừng sáu tấc, 20 phân ngày nay (20 cm), và hai đầu sừng cách nhau vào khoảng I2 tấc. Mắt trâu phải tròn và lanh lợi, nằm dưới cặp vành mắt cứng khoẻ. Hàm trâu phải thuộc loại hàm nghiên, nghĩa là đen như nghiên mực. Tai trâu phải dính với sừng, xoáy trâu trên đầu phải nhiều lông và những lông này phải cứng. Trán phải dẹt, thân phải mập lẳn… Trâu phải cao vây, sa ức, kín sườn, bụng cheo đúng như lời tục ngữ. Vậy là cái bướu ở vai, ức là phía ngực. Muốn kín sườn, đôi vai trâu phải to, còn bụng cheo tức là loại bụng hơi lớn lớn.
Người ta còn kén trâu qua đuôi, đùi, chân và các khớp chân : đuôi tròn, đùi dài, chân ngắn, khớp dẻo dai. Ngoài ra, cũng cần để ý tới khoáy trâu, nghĩa là những chỗ lông trâu hợp thành từng khoáy như tóc trên đầu con người. Tục tin rằng con trâu nào có hai khoáy đối nhau ở hai bên đùi là con trâu sẽ chiến thắng sau những cuộc giao đấu hăng say.
Loại trâu chọi thường được lựa trong những con trâu từ tám đến mười tuổi.
Kén chọn trâu qua hình dáng tướng mạo, nhưng người lựa trâu cũng cần để ý đến xuất xứ của mỗi con trâu. Phải tuyệt đối tránh mua lại trâu ăn cắp, do đó, người ta thường tìm hẳn đến các chủ trâu.
Lễ trình trâu
Sau khi tất cả mười bốn thôn đã mỗi thôn kén chọn tậu được con trâu, dân hàng tổng làm lễ trình trâu với đức tôn thần.
Tất cả đàn trâu của mười bốn thôn đều được dắt tới sân đình làng Đồ Hải, con đứng con nằm ngổn ngang, con miệng đang nhai lại đám cỏ ăn lúc sáng. Ở trong đình quan viên hàng tổng hội họp để làm lễ khấn trình với thần linh. Lẽ tất nhiên có những lễ vật như hương đăng trà quả rượu trầu. Vị đại diện hàng tổng thắp hương khấn vái lễ thần rồi xin một quẻ âm dương để được biết ý thần hài lòng về những con trâu đã chọn. Rồi lần lượt các quan viên khác trong hàng tổng đều vào lễ, sau cùng là những dân thôn đã được hàng thôn uỷ nhiệm việc nuôi trâu.
Trong lúc đó, những con trâu vẫn điềm nhiên nằm đứng trước sân đình.
Nuôi trâu
Lễ trình trâu xong, thôn nào dắt trâu về thôn đó, và kể từ ngày đó, một người được hàng thôn cử nuôi trâu phải săn sóc con trâu sao cho khoẻ mạnh và nhất là tinh khiết.
Thường được giao nhiệm vụ này là những chàng trai chưa lập gia đình và chàng còn phải ở không, không được tính tới hôn nhân cho đến sau ngày hội chọi trâu mồng mười tháng tám.
Trong khi nuôi trâu, chàng trai phải chịu mọi sự kiêng khem, không được động tới các món ăn bị coi là ô uế : thịt cầy, thịt chó, hành tỏi sống và cả thịt trâu bệnh nữa, và tuyệt đối không được giải quyết sinh lý dù có bị đòi hỏi. Các cậu lại phải ăn ở cho sạch sẽ, tránh mọi nơi dơ dáy như đi thăm đàn bà đẻ, dự đám táng. Cả đến những hành động gian tà như trộm cắp cũng phải tránh. Một người làng Đồ Sơn còn nói với chúng tôi là ngay đến ý nghĩ gian tà cũng không được có !
Nếu không may con trâu bị vang mình sốt mẩy, bỏ ăn lờ đờ, lập tức chàng trai nuôi trâu phải trai giới cầu khẩn thần linh để xin cho trâu được bình phục.
Và việc nuôi trâu cũng thực khó khăn ! Cỏ rơm phải rửa cẩn thận, tránh cho trâu ăn phải những vật dơ. Quan trọng nhất là phải giữ gìn để trâu không đi tơ với trâu cái. Tục bảo rằng nếu trâu phạm phải điều này sẽ bị tôn thần vật chết ngay.
Nếu trâu ăn rơm ăn cỏ không đủ, các cậu trai nuôi trâu đôi khi phải cho chúng ăn thóc, nhất là thóc nếp con 2 để tẩm bổ.
Muốn giữ gìn trâu về mọi mặt, người ta thường tránh thả trâu dông với các đàn trâu khác, e chúng nhiễm phàm tính.
Người nuôi trâu mong đợi từng ngày hạn kỳ ngày hội để tròn nhiệm vụ không mang lỗi với hàng thôn hàng xã và hàng tổng. Nuôi trâu để chết sẽ bị hàng bắt vạ và phải bỏ tiền ra mua đền hàng thôn con trâu khác.
Rất may, theo dân tổng Đồ Sơn, những con trâu này sau ngày lễ trình trâu, bản tính chúng dường như thay đổi, chúng mang sự kiêu hãnh trong mình và không ưa đi lẫn lộn vào đám trâu phàm.
Chọi trâu
Trâu chính thức chọi nhau vào ngày hội, nhưng trước ngày đó đã có những cuộc đấu loại để gạt bỏ bớt những con trâu kém vững mạnh và chỉ lưu lại sáu con trâu xứng đáng nhất.
Cuộc đấu loại bắt đầu trong những ngày mồng 8 và mồng 9 tháng 6, rồi lại tiếp tục vào ngày 30 tháng 7 âm lịch. Các cuộc đấu loại diễn ra giữa các xã đương sự với số trâu của mình. Lẽ tất nhiên, dân các thôn đều phải cáo thần linh trước khi cho trâu đấu loại.
Sau các cuộc đấu loại, quan viên các thôn cung kính rước bình hương từ bàn thờ Điểm Tước đại vương tới đình hàng tổng với đầy đủ nghi trượng của một đám rước thần. Từ hôm đó hàng ngày tại nơi đây đều có những cuộc tế lễ cho đến ngày hội chính là ngày mồng mười tháng tám.
Ngày Mồng Mười tháng Tám, tất cả I4 con trâu đã dự cuộc đấu loại đều được đem tới trình diện với đức tôn thần tại đình hàng Tổng, tuy nhiên chỉ được đự vào các trận bán kết và chung kết :
- 3 con trâu của xã Đồ Sơn
- 2 con trâu của xã Đồ Hải
- và I con trâu của xã Ngọc Xuyên.
Những trận bán kết và chung kết được thể hiện tại đấu trường, một khu đất trước mặt ngôi đình chung, có bắc gióng chung quanh.
Trước những trận đấu kết cục này, các viên chức hàng Tổng cũng có lễ cáo thần linh. Trong khi ở trong đình đang hành lễ, những con trâu dự cuộc còn ở bên ngoài gióng và mắt chúng đều có vải che.
Cuộc lễ xong, dân làng đánh một hồi trống dài. Tiếng trống dứt, tại gióng trâu, một người phất cờ lệnh ra hiệu.
Theo hiệu cờ, hai xã dự cuộc đấu thứ nhất, rước trâu vào gióng, rước một cách rất long trọng, có người che lọng cho trâu, theo sau trâu đủ đồ lỗ bộ bát bửu và cờ quạt lại thêm cả chiếc kiệu.
Đám rước trâu đi giữa tiếng trống liên hồi, và khi trâu đã vào gióng rồi, tiếng trống vẫn không ngừng.
Vải che mắt trâu được bỏ đi, đôi trâu diện đối diện. Có con trâu trước khi chiến đấu đã được dân xã cho uống rượu. Đôi trâu gườm gườm nhìn nhau, xông vào húc nhau. Cuộc chiến đấu thật tàn bạo và dữ dội, khách đứng xem trước những đòn trâu giao nhau phải thấy rợn mình. Càng đánh nhau chúng càng hăng. Mắt chúng đỏ ngầu. Chúng đưa cặp sừng lên, chúng hất cặp sừng xuống. Chúng liều lăn xả vào nhau như có một mãnh lực thiêng liêng gì thúc đẩy.
Trong lúc đó, tiếng trống vẫn vang lên, cờ lệnh vấn phất, và dân chúng như để cổ võ cho đôi trâu chọi nhau vẫn hò reo.
Hai con trâu chọi nhau cho tới khi một con trâu thua chạy hoặc bị đối thủ húc chết tại gióng. Con trâu thắng trận được dân làng đương sự mang cờ lọng ra rước rất trịnh trọng từ gióng vào sân đình, và con trâu thua cũng được dắt hoặc khiên về đình đợi, khi các cuộc đấu kết liễu, cùng bị làm thịt với con trâu được, để tế thần.
Xong cặp trâu này tới cặp trâu khác.
Bán kết rồi chung kết.
Trong các cuộc chọi trâu có nhiều trường hợp một con trâu thấy địch thủ không dám giao chiến bỏ chạy, con trâu này bị tuyên bố thua cuộc.
Theo lệ, con trâu chạy ra khỏi gióng bị kể như thua, tuy đã hơn một lần, đôi trâu đuổi nhau ra khỏi gióng vẫn chọi nhau.
Sau cuộc chung kết, những con trâu thắng trận được xếp nhất nhì, ba và hàng Tổng phát cho các làng đương sự về mỗi con trâu một giải thưởng.
°
Trâu được hay thua, sau cuộc đấu đều bị mổ thịt tế thần. Số phận chúng thật giống số phận của các quốc gia nhược tiểu chịu sự chỉ huy của các cường quốc, đâm chém lẫn nhau để rồi cùng chết !
Thịt trâu được dùng làm phần chia cho hàng Tổng. Những ai đã có công trong việc nuôi trâu cũng như trong việc tổ chức hội Chọi Trâu, về phương diện lễ nghi cũng như về các phương diện khác, đều có phần chia.
--------------------------------1 | Danh từ bờm chúng tôi dùng theo địa phương. Đây là túm lông cứng trên đầu trâu. Có người gọi là xoáy thủ. |
2 | Nếp con là loại nếp nhỏ hạt tròn tròn, khác với nếp cái hạt lớn và mập hơn, nhưng không tròn tròn. (Tròn tròn xin hiểu như gạo Mỹ hạt tròn). |