CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Karl Gjellerup » Kamanita, Kẻ Hành Hương


17. THA HƯƠNG

Chỉ cho mọi người vị trí của họ xong, tôi lại bước vào nhà. Xung quanh tôi bây giờ tĩnh lặng biết bao, tĩnh lặng chưa từng có. Không còn nghe thấy tiếng hai cô vợ - à không phải thế, mà là nghe thấy tiếng hai cô vợ xa dần ra khỏi cổng. Không còn khả năng chợt thấy cất lên từ một xó nào đó hai cái tiếng the thé ấy cứ kích nhau lên dần, lên dần, để rồi cuối cùng hoặc hợp âm thành một bè đôi chửi rủa đến lạc cả giọng, hoặc lại tách bè. Thế đấy, trong nhà bây giờ tĩnh lặng, an bình đến khó hiểu, khó tả.

Bây giờ hình như toà dinh thự có vườn tược rộng rãi bao quanh của tôi lại càng tuyệt đẹp hơn bao giờ hết. Tôi rùng mình nghĩ, chỉ vài tiếng nữa thôi, cái tuyệt đẹp ấy rồi sẽ bị lũ cướp vô đạo đức kia phá cho tan nát. Tôi ít lo cho tính mạng của mình mà cứ day dứt với cái hình ảnh là rồi khi mặt trời lại mọc, những lối đi có cây trồng được tỉa tót công phu kia sẽ chỉ còn là chốn hoang vắng, những cây cột đá hoa được chạm trổ rất nghệ thuật kia sẽ bị lật đổ nhào và tất cả những gì mà tôi đã phải lao tâm khổ tứ, khó nhọc, kiên trì mới gây dựng được - niềm hoan hỉ lớn của tôi, cũng chỉ còn là một đống phế tích. Tôi vốn biết quá rõ các dấu vết của Angulimala.

Tôi chẳng có việc gì khác ngoài việc đợi, mà đợi cho đến tận nửa đêm vì còn những mấy tiếng đồng hồ nữa.

Trước kia, không ngừng bị lôi cuốn vào cái chuỗi không hề ngừng nghỉ của những thú vui và những công việc, tôi không bao giờ bận tâm đến ký ức. Lúc này việc làm chẳng có, ngồi đơn độc trong căn phòng trông ra vườn và trông ra căn sảnh có cột, giữa toà dinh thự vắng lặng như đã chết, tự nhiên có phần nào đó tôi lại nhớ đến thuở thiếu thời, cái thuở hoàn toàn của chính tôi. Ý nghĩ bay bổng, lần đầu tiên hướng về chính tôi và cả cuộc đời như diễu qua trước mặt tôi. Tôi như người ngoài cuộc ngồi xem, thờ ơ nên không hề thấy thỏa mãn.

Có một đôi lần tạm ngừng xem, đi một vòng qua nhà, sân, vườn để cho yên tâm là mọi người vẫn canh gác. Đến lần thứ ba hay thứ tư gì đó, từ hàng cột bước ra, vì đã nhiều lần đi thành đoàn, quen xem sao, tôi chợt nhận ra cho tới nửa đêm chỉ còn độ nửa tiếng nữa. Tôi vội bước nhanh và dặn dò người của tôi phải hết sức cảnh giác. Chính tôi cũng cảm thấy máu như nện búa trong huyết quản và họng như muốn thắt lại vì căng thẳng, về phòng rồi, tôi lại ngồi như cũ. Song không còn muốn nghĩ ngợi gì nữa, tôi cảm thấy rất tức ngực, rồi lại như sắp ngạt thở.

Tôi đứng bật dậy, bước ra chỗ có hàng cột để cho dễ thở. Bỗng thấy có một hơi khẽ quạt ngang má, rồi ngay sau đó vang lên tiếng kêu của một con cú. Cùng lúc ấy từ ngoài vườn thoảng vào hương thơm ngát của mấy bông sen vừa mới nở dưới đầm. Tôi lại ngước mắt nhìn sao để xem giờ, thì nhìn thấy ở phía trên các ngọn cây đen sẫm, dải Ngân hà lấp lánh vắt ngang qua mảng trời màu lam đậm.

“Thiên hà”, tự dưng tôi thì thầm. Tự dưng ngực hết tức và có một con sóng ấm cứ thế dâng, để rồi cuối cùng thành dòng lệ nóng hổi ứa ra đằng mắt.

Lúc cuộc đời như diễu qua trước mắt, tôi có chợt nhớ cả đến Vasitthi và cuộc tình của chúng tôi, song lại như cái gì đó hơi xa lạ, gần như một giấc mơ rồ dại. Song lúc này tôi không nghĩ đến nó mà tôi thấy lại nó, tôi vừa là chính tôi của ngày ấy vừa là chính tôi của lúc này; nhận thấy chỗ khác biệt ấy, tôi thật sự hoảng hốt. Ngày ấy ngoài chính tôi và mối tình của tôi ra, tôi chẳng có gì để sở hữu, tách hai thứ ấy sao được nhỉ? Còn lúc này, ồ, tôi có tất cả mọi thứ! Vợ và con, voi, ngựa và bò, trâu kéo xe, người làm và người hầu, nhà đầy hàng hóa, vàng bạc và châu báu, một cái công viên nhỏ, một toà dinh thự mà đồng hương phải thèm - nhưng chính tôi lại ở đâu nhỉ? Như khi quả đã thành, hột khô đi, teo lại và tất cả chỉ còn vỏ!

Như tỉnh dậy, tôi nhìn quanh quất.

Khu vườn rộng mênh mông, với những tán cây đen sẫm hướng lên vòm trời đêm rắc đầy sao và có dải Ngân hà vắt qua, căn sảnh kiêu hãnh với những ngọn đèn sáng rực trên trần thạch cao giữa các hàng cột. Lúc này tất cả hiển hiện trong một thứ ánh sáng mới khác hẳn, chúng vây lấy tôi, thù địch và đe dọa, như những con dơi quỷ lấp loáng đã hút cạn máu người mà vẫn còn toác miệng thèm khát, còn muốn hút nốt giọt cuối cùng, chỉ chịu bỏ lại cái xác cứng đờ của một kiếp người lõ dở. Có tiếng động ở xa không rõ ràng - tiếng thì thầm hay là tiếng chân bước? Tôi giật mình. Kiếm tuốt sẵn cầm tay, tôi nhẩy xuống vài bậc, đứng nghe ngóng. Cướp! Nhưng không! Tất cả im ắng, tất cả vẫn im ắng, không có động tĩnh gì ở xa và ở xung quanh. Chỉ là thứ âm thanh kỳ lạ của đêm vắng, nó đã từng làm tôi nhẩy dựng lên bên đống lửa canh của các đoàn tải hàng. Chẳng có gì ở ngoài kia! Nhưng trong tôi có gì? Không còn là sợ, máu dồn trong lúc này, cũng không phải là dũng cảm trong tuyệt vọng; không, đó là reo mừng!

"Hoan nghênh các người, quân cướp! Lại đây xem, Angulimala! Phá đi, đốt đi! Các người hủy diệt là hủy diệt kẻ thù không đội trời chung của ta! Lại đây nào! Cho kiếm nhuốm máu ta đi! Đâm thủng cái thân này đi, đó là kẻ thù xấu xa nhất của ta đấy, bệ rạc, bê tha! Mạng sống này, lấy nó đi, đó là vật sở hữu tồi tệ nhất của ta đấy! Hoan nghênh các người, quân cướp ạ, bạn tốt, bạn cũ của ta!”. Không thể lâu: đã quá nửa đêm. Tôi mong trận đấu biết bao! Angulimala sẽ tìm tôi, để rồi xem liệu lần này nó có đánh bật được kiếm ra khỏi tay tôi! Ôi, sẽ êm ái biết bao, cái chết ấy, sau khi tôi đã đâm thủng được hắn. Hắn, chính hắn và chỉ có hắn, phải chịu trách nhiệm về tất cả nỗi niềm bất hạnh của tôi.

“Không thể lâu nữa“ - không biết bao nhiêu lần tôi đã nhắc lại câu ấy trong cái đêm hôm ấy! Lúc này - Thế chứ! Không, đó chỉ là tiếng ngọn cây xào xạc, tắt dần đi rồi lại rộ lên. Nghe như có con vật lớn đang quẫy. Không ngừng lại thế và có lần đã vang lên tiếng hót ngắn gọn của một con chim nào đó.

Chẳng phải đó là tín hiệu ngày sắp rạng sao?

Tôi lạnh toát người. Không lẽ tôi phải thất vọng ư? Vâng, lúc này tôi run, bởi tôi sợ bọn cướp sẽ không đến. Có vẻ sắp đến hồi kết - một trận đấu ngắn, căng thẳng rồi chết, hầu như không cảm thấy. Tôi thấy không có gì khó khuây bằng cái triển vọng chết tiệt, sáng ra lại thấy mình ở đây, vẫn khung cảnh cũ, vẫn chính cuộc sống cũ, bị ràng buộc bởi cuộc sống cũ. Sẽ xẩy ra điều đó thật ư? Bọn nó không đến, những kẻ giải phóng! Chắc chắn là đúng rồi - tôi không dám tìm hiểu thêm. Nhưng sao lại có thể như thế? Vậy rút cuộc tôi là nạn nhân của một ảo ảnh sao? Lúc tôi nhận ra kẻ tu hành khổ hạnh ấy chính là Angulimala? Tôi đặt đi đặt lại câu hỏi đó, tuy nhiên tôi không thể tin điều đó. Vậy tất hắn còn phải đến - không có mục đích, chắc chắn hắn đã không khéo cải trang mà đến để rồi lại biến mất, cứ như thể trái đất nuốt chửng hắn. Bởi tôi đã tìm hiểu thêm và đã biết chắc, là hắn chẳng hẹn khất thực 1 ở đâu khác hết.

Tiếng gáy còn ngái ngủ của một con gà trống non ở nhà gần đó kéo tôi ra khỏi giấc mơ màng. Tôi không còn thấy ngôi sao tôi định tìm, vài ngôi đã khuất mất sau ngọn cây, và ngay những ngôi đứng cao nhất cũng không còn được tỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa: ngày sắp rạng và cuộc tấn công của Angulimala chắc chắn không xảy ra.

Biết vậy mà không hề cảm thấy thất vọng, và đương nhiên cũng không thấy nhẹ nhõm vì đã hết nguy hiểm. Bởi có một ý tưởng mới đã lóe lên trong tôi:

“Cần bọn cướp ấy để làm gì? Để nhờ đuốc, nhờ vòng tẩm nhựa của chúng giải thoát cho khỏi gánh nặng của cái cơ ngơi tráng lệ này ư? Thì cũng có người tự nguyện từ bỏ sở hữu để làm kẻ hành hương đi đây đi đó. Tựa con chim nó bay đi đâu là chỉ bằng cánh của nó, kẻ khất thực bằng lòng che thân chỉ bằng chiếc cà sa, tự kiếm sống chỉ bằng cái bát khất thực. Tôi từng được nghe ca ngợi: “ở nhà là ở tù, ru rú trong cái xó bẩn thỉu, đi hành hương là có cả một trời tự do”.

Tôi cần đến kiếm đao của bọn kẻ cướp là để diệt cái thân này. Nhưng khi xác này tiêu tan đi thì lại có xác khác, nó từ kiếp sống này mà sanh ra như là quả của kiếp sống này. Đương nhiên là tôi với Vasitthi từng thề thốt, có con sông Thiên Hằng vẫn đổ nước bạc vào đầm sen ở cõi Tây Phương cực lạc, là rồi sẽ tìm nhau ở các cánh đồng linh hồn. Như cô ấy bảo thì với lời nguyền ấy, sẽ sinh ra cho mỗi người một cái mầm sống trong con đầm thiêng nước trong suốt như pha lê kia. Mỗi suy nghĩ trong sạch, mỗi việc làm tốt lành đều thúc cho mầm phát triển. Cái ác, cái không xứng như con sâu, nó đục mầm. Hẳn là cái mầm của tôi đã bị đục ruỗng từ lâu rồi! Tôi đã nhìn lại cuộc đời mình: chỉ thấy cái không xứng, hẳn từ đó rồi lại sẽ sinh cái không xứng. Vậy đổi lẫn như thế, tôi được gì?

Quả bây giờ có những người, họ diệt mọi khả năng tái sinh trần thế ngay ở trong cuộc sống này và chắc chắn họ sẽ được hưởng cực lạc vĩnh hằng bất di bất dịch. Đó chính là những người đã bỏ lại tất cả sau lưng họ, để tự do hành hương đây đó. Vậy cần gì đến đuốc đốt nhà, kiếm giết người của lũ kẻ cướp? Lúc đầu tôi run sợ trước lũ cướp rồi sau lại nóng lòng mong chúng và hy vọng ở chúng, giờ tôi chẳng sợ gì chúng cũng chẳng cầu mong gì ở chúng. Hết sợ, hết mong tôi thấy rất thanh thản. Trong cái thanh thản ấy, tôi thưởng thức tiền vị của niềm vui, như người đi hành hương đã đạt được cái đích của mình.

Và tôi, đã từng biết cái giá của đời sống lang thang, mới cách đây hai mươi bốn tiếng còn ngán ngại thậm chí cả những chuyến đi gần, bây giờ tôi quyết định làm kẻ không nhà. Tức thì cũng chẳng cần quay vào nhà, tôi đi thẳng ra chỗ để cái kho chứa dụng cụ, nhặt lấy cây gậy của người đánh trâu, đẽo bỏ đầu nhọn để làm gậy đi đường, nhặt thêm một cái bầu nữa mà những người đi làm đồng thường hay đeo bên mình. Ra giếng, tôi lấy đầy một bầu nước. Chợt người quản gia lại hỏi:

— Angulimala và quân của nó không đến nữa sao, thưa ông?

— Không, Kolita, chúng không đến nữa.

— Nhưng thưa... ông đã định ra ngoài rồi sao?

— Đúng vậy, Kolita, ta sắp ra ngoài và muốn nói với mi về chuyện đó. Chẳng là ta quyết định chọn con đường mà người ta vẫn nói là đường của những loài chim di trú. Chọn con đường ấy, Kolita, thì có đi không có về. Chết rồi không quay lại trái đất, còn sống cũng không trở về nhà. Mi vốn là kẻ trung thành, ta giao hẳn cho mi trông nom cái nhà này. Hãy quản lý nó cho tốt, đợi con ta đến tuổi trưởng thành. Ta gửi lời chào cha ta và hai cô vợ. Chúc mạnh khỏe!

Nói xong, rút lại bàn tay mà Kolita đang vừa hôn vừa khóc, tôi bước thẳng ra cổng. Chợt nhìn thấy cái cọc, chỗ có người mặc áo khổ tu đã đứng tựa, tôi thầm nghĩ: nếu như việc người đó giống Angulimala chỉ là một ảo ảnh thì mình đã hóa giải đúng.

Tôi bước thật nhanh không hề nhìn lại, vượt qua khu ngoại ô với bao nhiêu vườn tược. Trong cái hừng sáng đầu tiên của buổi rạng đông, con đường thiên lý trải dài trước mặt, như dẫn đến vô tận.

Bạch Đại đức, tôi đã thành kẻ tha hương như vậy.

--------------------------------
1Đi xin ăn.


BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH