CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Mạc Ngôn » Người Tỉnh Nói Chuyện Mộng Du


Chuyện đọc thuở ấu thơ

Thuở ấu thơ, quả thật là tôi rất mê đọc sách. Thời ấy không hề có phim, cũng chẳng có tivi, ngay cả một chiếc máy thu thanh cũng không có. Mỗi năm, trước và sau Tết, những người trong thôn mới tổ chức diễn kịch, thường thì những vở kịch thời ấy đều xoay quanh việc tố khổ như “Huyết hải thâm cừu”, “Tam thế cừu”… Trong hoàn cảnh văn hóa ấy, xem các loại “nhàn thư”, tức sách giải trí, sách tiêu khiển trở thành lạc thú lớn nhất đối với tôi. Sức khỏe của tôi vốn rất kém, gan lại nhỏ, không dám cùng với cánh trẻ con trong xóm chơi những trò trèo cây lội sông nên chỉ biết chúi đầu vào những “nhàn thư”. Bố tôi rất phản đối chuyện tôi đọc “nhàn thư”, đại khái cũng là do ông sợ tôi trúng phải những chất kịch độc ẩn tàng trong những cuốn sách ấy mà biến thành kẻ xấu, nhưng điều ông lo sợ hơn là tôi quá ham đọc sách mà sinh ra trễ nải chuyện chăn dê cắt cỏ. Do vậy mà mỗi khi muốn đọc sách, tôi phải lén lén lút lút chẳng khác nào những người hoạt động cách mạng bí mật ngày xưa. Sau đó, khi giáo viên chủ nhiệm đến nhà thăm, có khuyên bố mẹ tôi rằng nên để cho tôi được tự do và một thời gian hợp lý để tôi đọc sách, mọi chuyện mới sáng sủa lên đôi chút, nhưng cách thức đọc “nhàn thư” của tôi vẫn cứ không được thoải mái như chuyện tôi đọc sách giáo khoa và mang sọt cỏ trên lưng. Dưới mắt bố mẹ, chuyện tôi dắt trâu lùa dê đi chăn thả còn thuận mắt hơn chuyện tôi đọc “nhàn thư” nhiều. Nhưng con người là một động vật kỳ lạ, không cho nó đọc cái gì, làm cái gì thì nó lại càng đâm ra nghiện cái ấy; chuyện hái trộm quả của nhà người ăn thấy ngon hơn quả của nhà mình có lẽ cũng thuộc về đạo lý này.

Cuốn “nhàn thư” mà tôi đọc một cách lén lút đầu tiên - trong đó có rất nhiều tranh ảnh đẹp - chính là “Phong thần diễn nghĩa”. Cuốn sách này là đồ gia bảo của một cậu bạn cùng lớp, không cho ai mượn một cách dễ dàng. Tôi đẩy cối xay cho mẹ cậu ta trọn một buổi sáng mới có thể lôi cuốn sách này trong gầm tủ nhà cậu ta ra. Quyền lợi được hưởng của tôi là, buổi chiều hôm đó tôi được nằm trong nhà cậu ta đọc cuốn sách này, tất nhiên là dưới sự giám sát chặt chẽ của người nhà và của cậu ta, làm như hễ tôi mang được sách ra khỏi cửa nhà cậu ta là tôi đã biến thành kẻ trộm đạo ngay lập tức. Thời gian ngắn ngủi để đọc cuốn sách được đổi bằng mồ hôi này để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong trí óc tôi. Thật không dễ gì quên được những Thân Công Báo có thể cưỡi trên lưng hổ, Trịnh Luân có thể phun ánh sáng bằng lỗ mũi, Thổ Hành Tôn có thể độn thổ, Dương Nhiệm có tay trên mắt và có mắt trên tay… Do vậy mà cách đây mấy năm, xem bộ phim truyền hình nhiều tập “Phong thần diễn nghĩa” trên tivi, tôi đã bất bình thay cho người xưa. Một danh tác như thế mà bị các nhà làm phim làm cho không còn ra hình thù gì nữa. Kỳ thực, những tác phẩm kiểu “Phong thần diễn nghĩa” không thể chuyển thể thành kịch bản phim, nếu muốn làm phim, tôi nghĩ, cũng chỉ có thể dựng thành phim hoạt hình như “Đại náo thiên cung”, “Vịt đường chuột gạo”… đại loại như thế.

Từ đó về sau, bằng rất nhiều phương pháp, thậm chí là thủ đoạn, tôi đã đọc kỳ hết những cuốn “nhàn thư” như “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử truyện”, “Nho lâm ngoại sử”… trong tủ sách của mọi nhà ở trong làng. Ngày ấy, trí nhớ của tôi cực tốt, cầm cuốn sách trên tay và đọc qua một lần bằng tốc độ của máy bay phản lực nhưng tất cả tên tuổi nhân vật tôi đã thuộc làu làu, những tình tiết chủ yếu tôi nắm trong lòng bàn tay, thậm chí là những đoạn miêu tả ái tình lâm ly dài dằng dặc tôi cũng nhớ không sai một chữ, bây giờ tất nhiên là hoàn toàn không thể. Không chỉ có “nhàn thư”, trước khi Cách mạng Văn hóa bộc phát, tôi đã đọc được mười mấy bộ tiểu thuyết hiện đại. Còn nhớ, tôi mượn được từ một người thầy bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Bài ca thanh xuân” đã là buổi chiều, vẫn biết là nếu không đi cắt cỏ, nhất định bụng tôi tối nay sẽ trống rỗng, nhưng cầm lòng không đặng trước sức hấp dẫn của cuốn sách nên đã chúi đầu vào trong đống cỏ sau nhà mà đọc. Chỉ một buổi chiều mà tôi đã đọc xong cuốn sách dày cộp, toàn thân bị kiến và muỗi đốt đến nổi cục khắp nơi. Đầu choáng mắt hoa rời khỏi đống cỏ thì mặt trời đã lặn ở phía tây, tiếng dê kêu be be trong chuồng. Đói quá, trong lòng lại cảm thấy bất an, sẵn sàng chờ một trận đòn nên thân, hay ít ra cũng là một trận chửi ra hồn. Nhưng khi trông thấy bộ dạng thảm hại của tôi, mẹ chỉ than lên một tiếng đầy khoan dung, không đánh cũng không chửi, chỉ bắt tôi mau mau kiếm ít cỏ cho dê ăn. Tôi phóng vù ra khỏi sân, tâm tình khoan khoái không thể tả, lúc ấy tôi cảm thấy cuộc sống sao mà hạnh phúc!

Anh hai tôi cũng là một tay mê sách. Anh ấy lớn hơn tôi năm tuổi, việc mượn sách của anh cũng dễ dàng hơn tôi rất nhiều, thường mượn được những cuốn mà tôi không thể mượn được. Nhưng anh ấy lại không bao giờ cho tôi đọc nhờ những cuốn anh ấy mượn về. Khi anh ấy đọc sách, tôi như bị thôi miên, như những vụn sắt bị nam châm hút, lẳng lặng mò ra sau lưng anh, ban đầu đứng từ xa liếc mắt nhìn, cổ vươn ra rất dài chẳng khác nào một con ngỗng đang uống nước, dần dà quên phắt là cần phải giữ khoảng cách nên lân la đến gần. Anh hai biết tôi đang nấp sau lưng nên cố tình đọc và lật trang sách thật nhanh, tôi đành phải đọc một lúc đến mười hàng chữ mới mong đuổi kịp anh ấy. Cuối cùng thì anh ấy đã cảm thấy mình bị quấy rầy, bèn gấp sách lại và đẩy tôi tránh ra một bên thật xa. Nhưng chỉ chờ anh hai mở sách ra là tôi đã sà đến. Anh hai còn sợ thừa lúc anh ấy không có nhà tôi có thể đọc vụng nên thường giấu sách vào một nơi bí mật giống như nhân vật đảng viên Lý Ngọc Hòa trong vở kịch “Hồng đăng ký” giấu điện đài dưới lòng đất. Nhưng tôi thông minh hơn tay đội trưởng hiến binh Nhật trong vở kịch ấy nhiều, lúc nào tôi cũng có thể tìm ra được chỗ giấu sách mà anh hai tôi đã hao phí không biết bao nhiêu tâm lực để giấu. Tìm được sách là tôi không còn để ý gì đến chung quanh nữa, chỉ hận là mình không thể nuốt cuốn sách vào bụng mà thôi. Có một lần anh ấy mượn về cuốn “Phá hiểu ký” giấu trên mái lá chuồng lợn, khi tôi lục lạo tìm, đầu tôi đụng vào một tổ ong treo lủng lẳng trong chuồng. Một tiếng vỡ òa, mấy chục con ong đã bâu đầy mặt, đau đến suýt ngất. Nhưng không quan tâm gì đến chuyện bị ong đốt, tôi vẫn tranh thủ đọc, đọc đến khi mắt không thể mở ra được nữa. Mặt tôi sưng tròn như quả bầu, đôi mắt híp lại. Anh hai tôi trở về, trông thấy bộ dạng của tôi thì hết hồn, nhưng công việc trước tiên là anh ấy giật cuốn sách từ trên tay tôi đem giấu ở một chỗ bí mật khác rồi quay lại, bắt đầu trị tôi. Một bạt tai của anh suýt chút nữa đã khiến toàn bộ thân hình tôi bay vèo vào trong chuồng lợn. Xong, anh ấy nói: Đáng đời cho mày! Nỗi oán hận cùng với nỗi đau đớn hòa lẫn khiến tôi khóc rống lên. Anh ấy nghĩ ngợi một lúc, có lẽ là sợ mẹ về sẽ bị chửi một trận nên nói: Chỉ cần mày nói là mày vào nhà xí, không cẩn thận nên đụng phải tổ ong, tao sẽ cho mày đọc xong cuốn “Phá hiểu ký”. Tôi khoan khoái vô cùng, đồng ý ngay. Nhưng đến ngày hôm sau, mặt tôi đỡ sưng, có thể mở mắt được, đến tìm anh ấy đòi sách, anh ấy đã chối phắt chuyện đã hứa. Tôi thề rằng từ đó về sau nếu mượn được cuốn sách nào sẽ không bao giờ cho anh ấy đọc nữa, nhưng chỉ cần tôi mượn về được cuốn nào mà anh ấy chưa đọc, ngay lập tức anh ấy sử dụng bạo lực để cướp lấy đọc trước. Có một lần, khó khăn lắm tôi mới mượn được của bạn cùng lớp cuốn “Tam gia hạng”, trở về nhà tôi vùi đầu vào trong đống rơm cạnh chuồng trâu, đọc đến đoạn “nhập mê” thì anh ấy mò đến, giật cuốn sách trên tay tôi mà chẳng gặp khó khăn gì, nói: Cuốn sách này vô cùng độc hại, tao phải xem trước, giúp mày phê bình! Nói xong thì nhét cuốn sách vào bụng bỏ chạy. Tôi điên tiết vô cùng, nhưng đuổi theo cũng không thể đuổi kịp, nếu có đuổi kịp đánh cũng không lại anh ấy, chỉ biết đứng bên chuồng trâu nhảy tưng tưng mà chửi rủa. Mấy ngày sau, anh ấy vất cuốn sách cho tôi, nói: Mau đem đi trả đi! Cuốn sách này cực kỳ lưu manh! Tất nhiên tôi chẳng dại gì mà nghe lời anh ấy, ôm ấp mối hận lòng và nỗi bi thương đọc “Tam gia hạng”, chìm đắm trong những cuộc tình ngây thơ của các cô gái trong từng trang sách. Những âm thanh từ thành phố Quảng Châu đầy nước ngày xưa như văng vẳng réo rắt bên tai, từng nhân vật như hiện ra bằng xương bằng thịt ngay trước mặt. Khi đọc đến đoạn Khu Đào đang đi dạo trên bãi cát thì bị lựu đạn nổ mà chết, tôi nằm úp mặt xuống đống rơm mà khóc thút thít. Tôi đau lòng lắm, một nỗi đau chỉ có thể tự ngẫm mà không thể nào dùng ngôn ngữ nói ra được. Lúc ấy hình như tôi chỉ mới chín tuổi. Sáu tuổi đi học và biết đọc, thì ra tôi đã đọc sách được ba năm. Trong một thời gian rất dài sau khi đọc “Tam gia hạng”, tôi như người mất hồn, không còn tâm trí đâu để mà học nữa, trước mắt lúc nào cũng có hình bóng xinh đẹp của Khu Đào ẩn ẩn hiện hiện, bàn tay cầm bút cứ vẽ một cách vô thức hình bóng Khu Đào theo trí tưởng tượng và kể cả viết tên Khu Đào đầy trên các cuốn vở. Cán bộ lớp đã phát hiện ra chuyện này, không những lên tiếng cười nhạo, chửi tôi là đồ lưu manh mà còn báo cáo với thầy giáo chủ nhiệm. Thầy phê bình tôi là tư tưởng không lành mạnh, bảo tôi đã trúng phải thuốc độc tư tưởng của giai cấp tư sản. Mấy chục năm sau, lần đầu tiên đến Quảng Châu, tôi chui vào tất cả hang cùng ngõ hẻm để tìm hình bóng Khu Đào, nhưng ngay cả một Hồ Hạnh cũng không hề gặp mặt. Tôi hỏi những người bạn Quảng Châu rằng, Khu Đào đã đi đâu? Bạn bè nói: Ban ngày, những người như Khu Đào ngủ vùi, ban đêm mới bắt đầu làm ăn.

Không lâu sau khi đọc xong “Tam gia hạng”, tôi mượn được từ một người thầy rất tâm đắc với tôi cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Anh chàng thợ đốt lò với cô quân nhân, mối tình đầu giữa họ bao nhiêu năm qua vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Paven câu cá bên sông, Donia ngồi trên một cành cây bên sông đọc sách… Donia vì sao lại thích anh chàng đầu tóc rối bù, toàn thân đầy than đá như thế nhỉ? Nàng ngồi trên cành cây đung đưa đôi chân đọc sách… Lúc ấy Paven có tâm trí để mà câu cá không? Nếu là tôi, nhất định là không có tâm trí đâu mà câu cá cả. Từ khi Donia xin lỗi Paven, cánh cửa thời niên thiếu đã đóng để cho cánh cửa người lớn mở toang ra. Mối tình rất đẹp và làm cho người ta tiếc nuối này đã bắt đầu. Tôi nghĩ, nếu Donia không xin lỗi Paven, nếu nàng dùng lời lẽ của tiểu thư quý tộc để nhiếc mắng Paven thì có lẽ không có thép đã tôi thành như thế nữa. Một con người cao quý nhưng không ý thức về cái cao quý của mình mới thực sự cao quý. Một con người nhân vì những sơ suất của mình mà xin lỗi những người thấp hơn mình, đó là điều vô cùng đáng quý. Tôi và Paven giống nhau, cũng sẽ yêu Donia ngay sau khi nàng ngỏ lời xin lỗi. Có lẽ nói yêu là có phần hơi sớm, nhưng ít nhất là những cảm tình đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng, bức tường giai cấp đã bị phá đổ. Tình yêu làm cho người ta quên đi than đá; kỷ luật lao động lúc nào cũng mâu thuẫn với tình yêu, cổ kim đều như thế. Họ đuổi bắt nhau, cô tiểu thư thiên kim chạy trước, anh chàng thợ đốt lò đuổi theo sau… Thời khắc kích động tâm tình con người nhất đã đến: làm như vô tình lại vừa như cố ý, thân thể thơm lừng của Donia tựa vào ngực Paven… Đọc đến đoạn này, những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra khỏi hốc mắt thằng bé con ngu ngốc nhất vùng Đông Bắc Cao Mật. Tiếp theo là Paven cắt tóc đến thăm nhà Donia… Hơn ba mươi năm trước, tôi đọc cuốn sách này, từ đó đến nay không hề lật lại, có thể có nhớ, có thể có quên nhưng những gì tôi kể vừa rồi nhất định không thể quên. Những ngày trong quân ngũ, tôi có dịp xem bộ phim chuyển thể từ cuốn sách này, nhưng Donia mà tôi thấy trên phim không hề giống với Donia trong sách. Paven và Donia cuối cùng thì chia tay. Ngày ấy đọc đến đoạn này tôi không thể nói ra được những suy tư của mình… Nếu tôi là Paven, nhưng tiếc thay tôi lại không phải là Paven… Không phải là Paven nhưng tôi lại không quên được cái đêm chia tay ngọt ngào ấy… Con chó hung dữ nhà Donia, làn da nõn nà của Donia, bà mẹ hiền từ của Donia, toàn thân toát ra mùi sữa bò và bánh bao… Sau này, trên công trường làm đường, họ còn gặp lại nhau, nhưng lúc này bức tường giai cấp đen sì đã được dựng lên, đấu tranh giai cấp, đáng sợ quá. Nếu Donia có được làm vợ Paven, nhất định họ cũng không thể hạnh phúc, bởi những khác biệt giữa họ là quá lớn. Sau này Paven yêu Rita, một cô gái  trong hàng ngũ đoàn thanh niên cộng sản của mình. Đó là tình yêu cách mạng, tuy cũng có chỗ cảm động thật nhưng nếu so với mối tình đầu, nó thiếu hẳn sự đam mê thuần khiết. Cuối cùng thì anh chàng bất hạnh Paven lại kết hôn với một cô gái khác, mối tình thứ ba này chẳng có chút ý vị lãng mạn nào. Khi xem đến đây, hình tượng Paven thuở thiếu thời đã biến mất khỏi tâm trí của tôi.

Đọc xong “Thép đã tôi thế đấy”, Đại Cách mạng Văn hóa cũng bùng phát, đương nhiên chuyện đọc sách thuở ấu thơ của tôi cũng đã kết thúc.

Tháng 3 - 1997



BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH