CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Maxim Gorky » Kiếm Sống


XVI

Tôi cùng cậu chủ đi thuyền dọc theo những đường phố của hội chợ, giữa các cửa hiệu xây bằng đá bị ngập nước lũ đến tận tầng hai. Tôi chèo thuyền, cậu chủ ngồi phía lái điều khiển một cách vụng về: Cậu buông mái chèo phía lái quá sâu. Con thuyền xoay quẩn quanh, di chuyển từ phố này sang phố kia trên mặt nước đục yên lặng, trầm tư.

- Chà, năm nay nước to quá, mẹ kiếp! Cản trở hết cả công việc. – Cậu chủ càu nhàu, miệng hút điếu xì gà, khói thuốc tỏa mùi rạ cháy. – Nhẹ chứ! – Cậu kêu lên với vẻ sợ hãi. – Đi về phía cột đèn!

Cậu xoay xở với con thuyền, miệng chửi rủa:

- Lũ đê tiện, đưa cho chúng ta cái thuyền như thế đấy!

Cậu chỉ cho tôi những chỗ mà sau khi nước rút chúng tôi sẽ bắt đầu công việc sửa chữa lại các cửa hiệu. Cậu cạo râu nên nom da mặt xanh xanh, ria mép được xén bớt, miệng ngậm xì gà, trông cậu không giống người thầu khoán chút nào. Cậu mặc áo da, đi đôi ủng cao đến tận đầu gối, vai đeo túi dết của thợ săn, dưới chân cậu có đặt một khẩu súng hai nòng. Cậu hay mó máy cái mũ cát két bằng da với vẻ băn khoăn, lúc thì kéo sụp nó xuống mắt, bĩu môi và nhìn xung quanh với vẻ lo lắng, lúc thì hất ngược nó ra sau gáy, trông trẻ hẳn, rồi mỉm cười, nụ cười khuất trong bộ ria mép. Chắc cậu đang suy nghĩ về điều thú vị nào đó. Khó mà tin được rằng cậu rất bận, rằng việc nước rút chậm khiến cậu lo lắng. Có lẽ trong con người cậu đang dào dạt một luồng suy nghĩ không dính líu gì đến công việc.

Tôi thì đắm chìm trong một cảm giác ngạc nhiên trầm lắng: Nhìn thành phố chết này, nhìn những dãy nhà thẳng tắp có cửa sổ đóng kín này, thật là kì lạ. Thành phố ngập nước, giống như đang trôi bên cạnh con thuyền của chúng tôi.

Bầu trời xám xịt. Mặt trời lạc trong những đám mây, thỉnh thoảng mới ló qua tầng mây dày đặc như một vệt lớn bàng bạc lạnh lẽo.

Nước xám xịt và lạnh ngắt, khó mà thấy được dòng chảy; như thể nó đông lại, ngủ thiếp đi bên những ngôi nhà trống rỗng, những dãy cửa hiệu vàng ố. Khi mặt trời trắng nhợt ngó qua mây, cảnh vật xung quanh hơi sáng lên, nước phản chiếu màn trời màu xám, con thuyền của chúng tôi treo lơ lửng giữa hai bầu trời; những tòa nhà bằng đá cũng khẽ nhô lên và dường như nhẹ nhàng trôi về phía sông Volga và dòng Oka. Xung quanh thuyền, thùng gỗ, hòm sọt hỏng, dăm gỗ vụn và rơm rạ trôi bập bềnh, thỉnh thoảng có một cái sào hay một cây gỗ bập bềnh như một con rắn chết.

Đây đó có những ô cửa sổ mở, hé ra hành lang trên tầng mái có phơi quần áo lót, những đôi ủng dạ thò ra ngoài; một người đàn bà đứng nhìn qua cửa sổ xuống mặt nước xám; một chiếc thuyền con buộc vào đỉnh cây cột gang của dãy hành lang, mạn thuyền màu đỏ phản chiếu xuống mặt nước trông như một miếng thịt mỡ.

Cậu chủ hất đầu về phía những dấu hiệu của sự sống ấy, giải thích cho tôi:

- Đó là chỗ ở của bọn gác hội chợ. Họ bò qua cửa sổ ra mái nhà, ngồi lên thuyền rồi đi tuần tra xem có kẻ cắp không. Nếu không có kẻ cắp thì chính họ lại ăn cắp…

Cậu nói với vẻ uể oải, bình thản, hình như đầu óc cậu đang suy nghĩ chuyện gì khác. Xung quanh im lặng, vắng vẻ và huyền diệu y như trong mơ. Sông Volga và Oka hòa vào nhau thành một cái hồ lớn. Xa xa, trên một quả núi lởm chởm, thành phố hiện ra đẹp đẽ với nhiều màu sắc sặc sỡ. Cả thành phố chìm trong các vườn cây đen sẫm, nhiều cây đã nảy lộc, những vườn cây như khoác lên nhà thờ và các căn nhà chiếc áo lông ấm áp màu xanh nhạt. Tiếng chuông trầm trầm của ngày lễ Phục sinh ngân trên mặt nước. Nghe thấy rõ cả âm thanh ồn ào của thành phố. Nơi đây giống như một bãi tha ma đã bị lãng quên.

Thuyền chúng tôi lượn giữa hai hàng cây đen sẫm, theo phố chính về phía nhà thờ cũ. Điếu xì gà đã quấy rầy cậu chủ, khói hăng che kín cặp mắt cậu; mạn thuyền, mũi thuyền đụng suốt vào các thân cây.

Cậu chủ ngạc nhiên nói, vẻ tức giận:

- Con thuyền này đểu thật!

- Thế thì cậu đừng lái nữa.

- Sao lại có thể được? – Cậu càu nhàu. – Nếu trên thuyền có hai người thì bao giờ cũng có một người chèo, một người lái. Trông kìa, đấy là những dãy cửa hiệu Trung Quốc…

Tôi biết rõ khu hội chợ từ lâu; tôi biết cả những dãy nhà buồn cười có kiểu mái lố lăng này. Góc các mái nhà có những bức tượng bằng thạch cao ngồi xếp chân vòng tròn. Ngày xưa tôi cùng các bạn đã lấy đá ném vào các bức tượng ấy, một số đã bị chính tôi làm cụt đầu, cụt tay. Nhưng tôi không lấy gì làm tự hào về việc đó…

- Thật vô ý nghĩa. – Cậu chủ vừa nói vừa chỉ vào những dãy nhà ấy. – Giá mà người ta để cho mình xây dựng cái đó…

Cậu huýt sáo, hất mũ ra sau gáy.

Không hiểu sao tôi chợt nghĩ bụng rằng nếu là cậu thì cũng sẽ xây dựng thành phố bằng đá này buồn tẻ như vậy thôi, cũng ở một chỗ trũng hằng năm bị nước của hai con sông làm ngập úng. Và những dãy nhà Trung Quốc kia cũng sẽ được xây dựng y như thế này.

Cậu vứt điếu xì gà ra ngoài mạn thuyền, nhổ nước bọt rồi nói, vẻ ngao ngán:

- Chán ngấy, Peskov ạ! Chán ngấy! Ở đây không có những người có học thức, chẳng có ai để nói chuyện cả. Muốn khoe khoang, nhưng biết khoe với ai? Không có người. Chỉ toàn bọn thợ mộc, thợ nề, bọn bần nông, bọn kẻ cắp…

Cậu nhìn sang ngọn đồi bên phải, phía ngôi nhà thờ quét vôi trắng rất đẹp nhô lên trên mặt nước, rồi lại tiếp tục nói, như sực nhớ lại một chuyện gì đã bị lãng quên:

- Tôi đã bắt đầu uống bia, hút xì gà, sống theo người Đức. Anh bạn ạ, người Đức là những người sành sỏi, chà, cái lũ quỷ ấy! Uống bia thật là dễ chịu, còn hút xì gà tôi vẫn chưa quen! Hút nhiều quá, nhà tôi hay càu nhàu: “Anh có mùi gì như là mùi của thợ đóng yên ngựa thế?” Đấy, anh bạn ạ, chúng ta sống phải có mánh khóe mới được… Thôi anh tự lái lấy nhé…

Sau khi đặt mái chèo lên mạn thuyền, cậu cầm súng bắn một phát vào bức tượng trên mái nhà. Bức tượng không bị hư hại, viên đạn chì sượt qua mái nhà và bức tường, những đám bụi bốc lên trong không khí.

- Không trúng rồi. – Xạ thủ chân thành thú nhận rồi lại nhồi đạn vào súng.

“Anh đối xử với bọn con gái ra sao, đã phá giới chưa? Chưa à? Còn tôi mới mười ba tuổi đầu đã yêu đương rồi…” Cậu kể như kể một giấc mơ, câu chuyện mối tình đầu của cậu với cô hầu phòng của vị kiến trúc sư; cậu đã từng sống ở nhà ông ta với tư cách là học trò.

Làn nước xám khẽ vỗ oàm oạp, cọ sạch các góc nhà. Phía sau nhà thờ là một biển nước hoang vắng mờ mờ lấp lánh, đó đây trên mặt nước nhô lên những cành liễu đen sì.

Ở xưởng làm tượng thánh người ta hay hát bài hát của trường dòng:

Biển xanh,

Biển động…

Có lẽ cái biển xanh ấy trông chán ngấy lên được…

- Ban đêm tôi không ngủ. – Cậu chủ nói. – Có khi tôi dậy, trèo ra khỏi giường và đứng cạnh cửa buồng cô ấy, run như cầy sấy; ngôi nhà rất lạnh lẽo! Đêm đêm, lão chủ của cô ấy thường mò tới, lão có thể bắt gặp tôi, nhưng tôi cóc sợ, thật đấy…

Cậu nói với vẻ suy nghĩ, như đang xem xét một chiếc áo cũ đã hỏng xem liệu có thể mặc được một lần nữa hay không.

- Cô ấy trông thấy tôi, thương hại, mở rộng cửa và gọi: “Vào đi, anh chàng ngốc…”

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện như vậy, chúng làm tôi phát ngấy, mặc dù trong mỗi chuyện đều có nét riêng thú vị về “mối tình đầu”, hầu hết mọi người kể lại một cách không khoác lác, không bỉ ổi, thường là dịu dàng và buồn bã. Tôi hiểu rằng khoảnh khắc ấy là cái tốt đẹp nhất trong cuộc đời người kể chuyện. Hình như đời nhiều người chỉ có một cái đó là tốt đẹp thôi.

Cậu chủ vừa cười vừa gật đầu, thốt lên với vẻ kinh ngạc:

- Anh không được nói chuyện này cho nhà tôi nhé, tuyệt đối không được nói! Chuyện cũng chẳng có gì kì lạ. Nhưng chớ có kể! Câu chuyện thế này nhé…

Hình như không phải cậu kể cho tôi mà cho chính cậu. Nếu cậu có im lặng thì tôi cũng sẽ nói, vì trong bầu không khí yên tĩnh và vắng vẻ này, cần phải nói, hát, chơi đàn phong cầm, không thì sẽ vĩnh viễn ngủ thiếp đi trong giấc mơ nặng nề giữa thành phố chết đang chìm trong làn nước giá lạnh và xám xịt.

- Điểm trước tiên là không nên lấy vợ sớm! – Cậu khuyên tôi. – Lấy vợ, anh bạn ạ, là một việc vô cùng trọng đại! Chưa vợ có thể muốn sống ở đâu và sống ra sao thì tùy ý! Có thể sống ở Ba Tư, làm tín đồ Hồi giáo, cũng có thể làm cảnh sát ở Moskva; muốn đốt nhà cướp của cũng được, tất cả đều có thể sửa chữa được! Còn lấy vợ vào, anh bạn ạ, nó giống như là thời tiết ấy, không thể nào sửa chữa được đâu… Thật đấy! Anh bạn ạ, vợ không phải là cái ủng có thể tháo ra và quẳng đi dễ dàng…

Nét mặt cậu thay đổi, cậu nhìn xuống dòng nước xám, khẽ cau mày, lấy ngón tay xoa cái mũi hếch và lẩm bẩm:

- Thật đấy, anh bạn ạ… Hãy thận trọng! Giả sử anh có bị lôi cuốn về phía nào chăng nữa, anh hãy cứ đứng cho thẳng… Tuy nhiên, anh nào rồi cũng mắc bẫy cả thôi…

Thuyền chúng tôi đi vào đám bụi cây của hồ Meshtcherskoye, hồ này hòa vào với sông Volga.

- Chèo khẽ chứ. – Cậu chủ nói thầm, chĩa súng vào bụi rậm.

Sau khi bắn được mấy con chim mỏ nhát gầy nhom, cậu ra lệnh:

- Chúng ta đi tới Kunavino thôi! Tôi sẽ ở lại đó cho đến tối, còn anh về nhà bảo rằng tôi bận làm việc với mấy người thầu khoán nên về muộn.

Sau khi đưa cậu tới một con phố thuộc vùng ngoại ô cũng bị ngập nước lũ, tôi trở về theo đường hội chợ tới phố Stravelka, buộc thuyền lại và ngồi ở đó nhìn nơi hai con sông hòa dòng chảy, nhìn thành phố, tàu thủy và bầu trời. Bầu trời giống như đôi cánh lộng lẫy của một con chim to lớn khoác bộ lông trắng bằng mây. Trong những vực thẳm xanh biếc, giữa các đám mây, mặt trời vàng óng ló ra, nó vừa thoáng nhìn xuống là cảnh vật trên mặt đất liền thay đổi. Vạn vật chuyển động một cách phấn chấn và vững chắc, dòng sông chảy xiết dễ dàng cuốn theo vô số bè gỗ. Vài bần nông rậm râu đứng vững trên bè, điều khiển các mái chèo dài và gọi nhau ơi ới mỗi khi gặp tàu thủy đi ngược chiều. Chiếc tàu thủy bé nhỏ kéo theo một cái sà lan rỗng đi ngược dòng; dòng sông cuốn lôi nó lại. Con tàu xoay mũi như một con cá măng, thở phì phì, bánh lái bướng bỉnh rẽ dòng nước đang chảy xiết. Trên sà lan, bốn bần nông ngồi sát vai, chân thõng ra ngoài; trong số họ có một người mặc sơ mi đỏ. Họ hát một bài ca không nghe rõ lời, nhưng tôi biết bài ấy.

Tôi cảm thấy rằng ở đây, trên dòng sông sinh động này, mọi vật đều gần gũi với tôi, tôi biết và hiểu tất cả. Còn cái thành phố bị ngập phía sau lưng tôi thì như một cơn ác mộng, như câu chuyện bịa đặt của cậu chủ, cũng khó hiểu như cậu vậy.

Sau khi ngắm cảnh chán chê, tôi trở về nhà, cảm thấy mình như một người lớn có khả năng làm đủ việc. Trên đường về, tôi nhìn từ trên núi Kremlin xuống dòng sông Volga; từ trên núi này nhìn xuống, trái đất dường như rộng bao la và hứa hẹn tất cả những gì ta muốn.

Ở nhà, tôi có nhiều sách vở. Căn nhà của Nữ hoàng Margot trước đây bây giờ có một gia đình đông người thuê: Năm cô tiểu thư, cô nào cũng đẹp, và hai cậu học sinh trung học. Họ thường cho tôi mượn sách. Tôi say mê đọc Turgenev và ngạc nhiên vì thấy mọi điều đều dễ hiểu, giản đơn và trong sáng như mùa thu, các nhân vật của ông cao thượng và những gì ông nói tới một cách dịu dàng đều tốt đẹp.

Tôi đọc cuốn Trường đạo của Pomyalovski 1 và lấy làm ngạc nhiên bởi những chuyện tả trong ấy rất giống cảnh sinh hoạt ở xưởng làm tượng thánh. Nỗi tuyệt vọng vì buồn chán biến thành sự cuồng loạn dã man cũng rất quen thuộc với tôi.

Tôi rất thích đọc sách Nga, trong đó tôi tìm thấy có một điều gì quen thuộc và buồn buồn, dường như giữa những trang sách ẩn náu tiếng chuông tuần chay: Tôi vừa mới giở cuốn sách ra là nó khe khẽ ngân vang.

Tôi đọc Những linh hồn chết 2 một cách miễn cưỡng; Bút kí từ ngôi nhà chết 3 cũng vậy. Những linh hồn chết, Ngôi nhà chết, Cái chết, Ba cái chết, Những cái xác còn sống 4 – tên gọi na ná của mấy cuốn sách này tình cờ khiến tôi chú ý, chúng gây một mối ác cảm không rõ rệt, Triệu chứng của thời đại 5 , Bước một 6 , Làm gì 7 , Kí sự làng Smourin 8 – những cuốn sách đại loại như vậy tôi đều không thích 9 .

Nhưng tôi rất thích Dickens và Walter Scott. Tôi đã đọc các tác giả này một cách thích thú đặc biệt. Mỗi cuốn tôi thường đọc đi đọc lại hai, ba lượt. Những cuốn sách của Walter Scott làm tôi nhớ đến các buổi lễ sáng lộng lẫy ở nhà thờ, tuy có hơi dài và chán nhưng bao giờ cũng trang nghiêm. Dickens trở thành nhà văn mà tôi sùng kính, ông nắm được một cách tài tình thứ nghệ thuật khó khăn nhất: Lòng yêu mến con người.

Tối tối, trên thềm nhà tụ tập một đám đông; anh chị em nhà K., bọn thiếu niên, cậu học sinh trung học mũi hếch Vyacheslav Semashko, thỉnh thoảng cô tiểu thư Ptitzina, con gái của một vị quan to, cũng đến. Mọi người bàn luận về văn học, về thơ ca: Đối với tôi đề tài đó rất gần gũi và dễ hiểu, tôi đọc nhiều hơn tất cả bọn họ.

Họ hay kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra ở trường trung học, than phiền về các thầy cô giáo. Nghe họ kể chuyện, tôi thấy mình tự do hơn bọn họ và rất ngạc nhiên về sức chịu đựng của họ, nhưng dù sao tôi vẫn thèm muốn được như họ, được cắp sách tới trường.

Các bạn đều lớn tuổi hơn tôi, nhưng tôi thấy mình già dặn hơn, chín chắn hơn và có kinh nghiệm hơn. Điều đó khiến tôi có chút bối rối, tôi muốn cảm thấy mình gần gũi với họ hơn. Thường thường tối mịt tôi mới về nhà, người đầy bụi cát, khí chất khác hẳn những ấn tượng thực ra rất tầm thường của họ. Bọn con trai bàn tán nhiều về con gái, yêu hết cô này đến cô nọ và cố công làm thơ. Thường họ phải nhờ đến tôi: Tôi thích tập làm thơ, vì tôi tìm ra vần rất dễ dàng, nhưng không hiểu sao thơ của tôi bao giờ cũng trở thành thơ hài hước. Thơ làm để gửi tặng cô Ptitzina thường nhiều hơn cả, trong các bài thơ này lúc nào tôi cũng ví cô với rau cỏ, với củ hành.

Semashko bảo tôi:

- Thơ thẩn gì mà lại thế? Đó chỉ là những cái đinh đóng giày.

Không muốn thua kém họ về mặt nào, tôi cũng yêu cô Ptitzina. Tôi không nhớ tôi đã tỏ tình như thế nào, nhưng câu chuyện kết thúc không được tốt đẹp lắm: Có một tấm ván nổi lềnh bềnh trên mặt nước xanh lè và hôi thối ở ao Zvyezdin, tôi mời cô đi dạo trên tấm ván đó. Cô đồng ý, tôi kéo tấm ván vào gần bờ và đứng lên đó; một mình tôi thì không sao cả. Nhưng khi cô tiểu thư duyên dáng ăn mặc lộng lẫy toàn đăng ten và dải lụa, đứng lên đầu kia tấm ván và tôi hãnh diện lấy gậy đẩy nó ra khỏi bờ thì tấm ván đáng nguyền rủa tròng trành dưới chân chúng tôi, rồi cô tiểu thư ngã lộn nhào xuống ao. Tôi lao theo cô như một chàng hiệp sĩ và đưa ngay cô lên bờ. Sự kinh hãi và bùn xanh đã làm tiêu tan vẻ đẹp nàng tiên của tôi!

Cô ta giơ nắm đấm ướt dọa tôi và hét lên:

- Anh cố ý dìm tôi!

Rồi, không tin những lời biện bạch chân thành của tôi, từ đó cô bắt đầu coi tôi như thù địch.

Nói chung, sống ở thành phố không thú vị lắm. Bà chủ già đối xử với tôi vẫn đầy ác cảm như trước, mợ chủ nhìn tôi với con mắt nghi ngờ, cậu Viktoruska, mặt mũi ngày càng đỏ vì những nốt tàn nhang, như có điều gì bực bội không kiềm chế được và thường hay cáu gắt với mọi người.

Cậu chủ rất bận vẽ đồ án, cả hai anh em cùng làm mà vẫn không xuể; cậu mời thêm bố dượng tôi tới giúp.

Một hôm tôi từ hội chợ về sớm, vào khoảng năm giờ chiều; khi bước vào phòng ăn tôi thấy một người mà tôi đã lãng quên ngồi ở cạnh bàn trà, bên cậu chủ. Ông đưa tay cho tôi bắt.

- Chào anh…

Tôi choáng váng vì bất ngờ: Quá khứ bùng lên như một đám cháy, lòng tôi se lại.

- Anh ta sợ kìa! – Cậu chủ kêu lên.

Ông bố dượng mỉm cười nhìn tôi; trên khuôn mặt hốc hác, cặp mắt đen của ông lại càng to hơn, toàn thân ông nom tiều tụy và quắt queo. Tôi nắm lấy những ngón tay thanh tú và nóng hổi của ông.

- Thế là chúng ta lại gặp nhau. – Ông vừa nói vừa ho sù sụ.

Tôi bước ra, bải hoải như người bị đánh. Giữa chúng tôi phát sinh một quan hệ không rõ ràng và dè dặt; ông gọi tôi bằng tên riêng kèm tên lót và nói với tôi như với một người ngang hàng.

- Khi nào đi ra hiệu, anh mua giùm tôi một phần tư funt thuốc lá Lapherm, một trăm giấy thuốc lá Vitcorson và một funt xúc xích…

Tiền ông đưa cho tôi bao giờ cũng nóng nóng rất khó chịu vì bàn tay nóng hổi của ông. Rõ ràng ông bị lao và chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông biết điều đó, nói với một giọng trầm tĩnh, tay vê vê bộ râu cằm đen và nhọn hoắt:

- Bệnh của tôi gần như không chữa được. Tuy vậy, nếu ăn nhiều thịt vào thì cũng có thể. Có lẽ tôi sẽ bình phục…

Ông ăn rất nhiều, ăn và hút thuốc lá, chỉ khi nào ăn mới rời thuốc lá khỏi miệng. Hằng ngày tôi mua xúc xích, giăm bông, cá trích cho ông, nhưng bà em bà tôi vẫn cam đoan với vẻ ác ý không duyên cớ:

- Không nuôi thần chết bằng những món ăn nhẹ được đâu, không lừa dối nó được đâu, chẳng ăn thua gì hết.

Bà già và mợ chủ săn sóc bố dượng tôi một cách đến khó chịu, họ luôn mồm khuyên ông thử hết thứ thuốc này đến thứ thuốc khác, nhưng sau lưng, họ lại chế giễu ông:

- Thật là nhà quý tộc! Hắn bảo phải phủi sạch vụn bánh trên bàn, kẻo ruồi nó đến. – Mợ chủ kể.

Bà lão cũng hùa theo:

- Chứ sao, dòng dõi quý tộc mà lại! Áo thì đã sờn, bóng cả lên, thế mà hắn vẫn chải luôn tay. Thật là một con người kì quặc, trên người hắn không có lấy một hạt bụi.

Còn cậu chủ có vẻ như là an ủi họ:

- Hãy chờ đợi ít lâu nữa, lũ quỷ ạ, ông ta sắp chết rồi đấy!…

Thái độ thù địch vô nghĩa của những người tiểu thị dân đối với nhà quý tộc vô tình đã khiến tôi gần gũi với bố dượng. Nấm tán đỏ là một thứ nấm bỏ đi, thế mà nó rất đẹp!

Sống ngột ngạt giữa những con người này, bố dượng tôi giống như một con cá tình cờ sa vào chuồng gà mái; một lối so sánh thật lố lăng, giống như toàn bộ cuộc sống lố lăng này vậy…

Tôi bắt đầu tìm thấy ở bố dượng những nét của bác Tốt Lắm, người mà tôi không bao giờ quên; tôi đã tô điểm cho bác và Nữ hoàng bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất mà sách vở mang lại cho tôi; tôi hiến cho họ những gì trong sạch nhất trong tôi và tất cả những mộng tưởng có được nhờ đọc sách. Bố dượng cũng là một người xa lạ bị người ta ghét bỏ như bác Tốt Lắm. Ông đối xử với tất cả mọi người trong nhà như nhau; không bao giờ ông nói trước, ông trả lời câu hỏi của người khác với một vẻ lịch sự và ngắn gọn đặc biệt. Tôi rất thích khi ông khuyên cậu chủ. Ông đứng ở bên bàn, cúi gập người, lấy móng tay khô héo gõ gõ vào mặt giấy dày cộp và bình tĩnh giảng giải:

- Ở đây cần phải nối các đầu đòn tay bằng một vòm cuốn. Nhờ đó sẽ phân tán sức ép lên các bức tường, nếu không đòn tay sẽ sập mất.

- Đúng, khỉ thật! – Cậu chủ lẩm bẩm.

Khi bố dượng tôi đi rồi, bà vợ bảo ông chồng:

- Em rất lấy làm lạ, sao anh lại để cho người ta dạy anh như vậy!

Mợ khó chịu nhất khi thấy ăn tối xong ông bố dượng tôi lại đi đánh răng và súc miệng, cục yết hầu nhọn nổi lên. Mợ nói, giọng chua loét:

- Theo tôi, Evgen Vassilich, ông ngửa cổ như vậy rất có hại.

Ông mỉm cười lịch sự:

- Vì sao vậy?

- Thế… đấy…

Ông bèn lấy cái que bằng xương giũa những móng tay tái nhợt.

- Anh xem, ông ta còn giũa móng tay nữa! – Mợ chủ lo ngại. – Sắp chết rồi mà còn…

- Chao ôi! – Cậu chủ thở dài. – Cái lũ quỷ này, sao các người ngốc không để đâu hết thế…

- Anh nói gì? – Mụ vợ nổi cơn tam bành.

Còn bà lão đêm đêm thường sôi nổi than vãn với Chúa:

- Lạy Chúa, bây giờ người ta lại khoác lên cổ con cái tên bệnh hoạn này, còn thằng Viktoruska lại bị bỏ rơi…

Viktoruska bắt đầu bắt chước kiểu cách của bố dượng tôi, dáng đi chậm rãi, cử chỉ đường hoàng, thắt cà vạt hoa mĩ và ăn khéo léo, không nhồm nhoàm. Cậu thường hỏi một cách thô bỉ:

- Maksimov, “đầu gối” tiếng Pháp nói như thế nào?

- Tên tôi là Evgen Vassilich. – Bố dượng tôi thản nhiên nhắc.

- Thôi được! Thế “vú” gọi là gì?

Trong khi ăn tối, Viktoruska ra lệnh cho mẹ:

- Ma mère, donnez-moi encore du 10 thịt muối.

- Chà, mày là người Pháp rồi. – Bà lão xúc động.

Bố dượng tôi như một người vừa câm vừa điếc, không nhìn ai cả, điềm nhiên nhai thịt.

Một hôm cậu anh bảo cậu em:

- Viktor ạ, bây giờ mày đã học được tiếng Pháp rồi, mày nên đi kiếm tình nhân đi thôi.

Đó là lần duy nhất mà tôi nhớ là bố dượng tôi lặng lẽ mỉm cười.

Còn mợ chủ thì tức giận ném thìa xuống mặt bàn và quát chồng:

- Thế mà anh không biết xấu hổ, có mặt tôi mà anh dám nói những điều đê mạt như vậy à!

Thỉnh thoảng bố dượng tới chỗ tôi ở, trong một phòng xép tối om; tôi ngủ ở đấy, phía dưới cầu thang lên gác thượng. Tôi thường ngồi đọc sách ở bậc cầu thang, đối diện cửa sổ.

- Anh đọc sách đấy à? – Ông vừa hỏi vừa thở ra khói, trong ngực ông như có những thanh củi cháy nổ lép bép. – Sách gì thế?

Tôi đưa cho ông xem cuốn sách.

- À. – Ông nói sau khi liếc nhìn tên sách. – Cuốn này hình như tôi đã đọc rồi! Anh có muốn hút thuốc không?

Chúng tôi vừa hút thuốc vừa nhìn qua cửa sổ ra ngoài cái sân bẩn thỉu, ông nói:

- Rất đáng tiếc là anh không được đi học; tôi nghĩ anh có nhiều khả năng…

- Con vẫn học đấy chứ, vẫn đọc sách…

- Như thế chưa đủ, cần phải đến trường, học có hệ thống…

Tôi muốn nói với ông: “Dạ thưa ngài, ngài đã học ở nhà trường và học có hệ thống, nhưng kết quả ra sao?”

Nhưng hình như cũng đoán được ý nghĩ của tôi, ông nói thêm:

- Người có chí khí thì nhà trường sẽ phát triển cho người đó rất nhiều. Những người có học vấn cao mới có thể đẩy cuộc sống tiến lên được!

Nhiều lần ông khuyên tôi:

- Tốt hơn hết anh nên rời khỏi nơi đây; tôi thấy anh ở lại đây không có ý nghĩa gì, và cũng không lợi gì…

- Con thích những người thợ.

- A… Thích ở chỗ nào?

- Sống với họ rất thú vị.

- Cũng có thể…

Nhưng có lần ông nói:

- Thật ra, lũ chủ ở đây đều là lũ hèn hạ, hèn hạ…

Nhớ lại mẹ tôi đã nói tiếng ấy vào lúc nào và như thế nào 11 , tôi vô tình lùi lại. Ông mỉm cười và hỏi:

- Anh không tin như vậy à?

- Có…

- Đúng… Tôi biết mà.

- Dù sao thì con vẫn thích cậu chủ…

- Phải, ông ta có lẽ là người tốt… Nhưng hơi ngộ nghĩnh…

Tôi muốn nói với ông về chuyện văn chương, nhưng ông không thích sách và nhiều lần khuyên tôi:

- Anh không nên say mê quá: Trong sách mọi vật đều được tô vẽ thêm, đều bị xuyên tạc về mặt này hay mặt khác. Phần lớn những người viết sách là những người tầm thường, đại loại như ông chủ của chúng ta vậy.

Tôi cảm thấy những nhận xét ấy thật táo bạo, tôi càng có cảm tình với ông hơn.

Có lần ông hỏi tôi:

- Anh đã đọc Goncharov chưa?

- Mới đọc cuốn Chiến hạm Pallada thôi.

- Cuốn Pallada ấy rất chán. Nhưng nói chung Goncharov là nhà văn thông minh nhất ở Nga. Tôi khuyên anh nên đọc cuốn Oblomov của ông ta. Cuốn sách này của ông ta chân thật và táo bạo hơn cả. Và nói chung trong văn học Nga đó là cuốn sách hay nhất…

Về Dickens, ông nói:

- Tôi cam đoan với anh rằng đó là một tay hồ đồ… Trong phụ lục của báo Thời mới 12 có đăng một tác phẩm rất hay, Sự cám dỗ của thánh Anton 13 – anh nên đọc truyện đó! Hình như anh thích tôn giáo và các truyện đó đều nói về tôn giáo thì phải? Cuốn Sự cám dỗ rất có lợi cho anh…

Chính tay ông cầm đến cho tôi một tập phụ lục. Tôi đã đọc một tác phẩm viết rất khéo của Flaubert. Tác phẩm này làm tôi nhớ đến vô số sự tích các thánh, có đôi chuyện do lão già thông thái kể cho tôi nghe. Nhưng tác phẩm này không gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Tôi thích tập Hồi kí của Upilio Faimali, người nuôi dạy thú dữ đăng bên cạnh hơn.

Khi tôi nói với bố dượng điều đó, ông thản nhiên bảo:

- Có nghĩa là anh chưa đến tuổi đọc những tác phẩm như vậy. Nhưng chớ quên cuốn sách ấy…

Đôi khi ông ngồi với tôi rất lâu, không nói không rằng, chỉ ho và liên tiếp thở ra khói. Cặp mắt đẹp của ông sáng lên nom rất dễ sợ. Tôi nhìn trộm ông và quên rằng con người đang chết dần chết mòn một cách ngay thật và giản dị, không kêu ca than vãn này, ngày xưa là người thân yêu của mẹ tôi và đã làm nhục mẹ. Tôi biết hiện giờ ông đang sống với một cô thợ may, tôi băn khoăn và thương hại cho cô ta. Có thể nào cô không kinh tởm khi ôm bộ xương dài kia, khi hôn cái mồm hôi thối nồng nặc kia? Cũng như bác Tốt Lắm trước đây, bố dượng tôi thỉnh thoảng đột nhiên nói những câu rất độc đáo:

- Tôi thích lũ chó săn, chúng ngốc, nhưng mà đẹp. Đàn bà đẹp thường là ngốc…

Tôi không thể không kiêu hãnh mà nghĩ: “Giá mà ngài được biết Nữ hoàng Margot!”

- Những người sống lâu trong một ngôi nhà thì cuối cùng khuôn mặt họ đều trở thành như nhau hết. – Có lần ông đã nói câu đó.

Tôi liền ghi nó vào cuốn vở của tôi.

Tôi chờ đợi những câu châm ngôn ấy như đợi một việc thiện. Thật là thú vị khi nghe được những câu nói độc đáo trong ngôi nhà mà tất cả mọi người đều nói bằng thứ ngôn ngữ tầm thường, cứng đờ, theo những khuôn mẫu đơn điệu, cũ rích.

Bố dượng tôi không bao giờ nhắc với tôi về mẹ, ngay cả tên mẹ hình như cũng không bao giờ ông nhắc đến. Điều đó làm tôi rất biết ơn, gây cho tôi cảm giác gần như tôn kính ông.

Có lần tôi hỏi ông về Chúa, tôi không nhớ rõ tôi đã hỏi như thế nào, ông nhìn tôi và nói rất bình tĩnh:

- Tôi không biết. Tôi không tin vào Chúa.

Tôi nhớ đến Sitanov và kể chuyện về anh. Sau khi chăm chú nghe tôi kể, bố dượng nhận xét, vẫn với giọng bình tĩnh:

- Anh ta biện luận, mà người biện luận thì dù sao cũng tin vào một cái gì đấy… Còn tôi, tôi không tin, có thế thôi!

- Lại có thể thế ư?

- Tại sao lại không? Anh cũng thấy rõ như vậy, tôi không tin…

Tôi chỉ thấy có một điều: Ông đang chết mòn. Chưa chắc tôi đã thương tiếc ông, nhưng lần đầu tiên tôi thấy mình quan tâm một cách tự nhiên và sâu sắc tới người thân cận sắp chết, tới bí mật của cái chết.

Người ấy đang ngồi đây, đầu gối chạm vào tôi, toàn thân nóng bừng, và đang suy nghĩ. Ông phân loại mọi người với vẻ tự tin, theo thái độ của mình với họ. Ông nói về tất cả, như người có quyền nhận định và giải quyết mọi việc. Trong con người ông như có cái gì vừa cần thiết vừa không cần thiết với tôi. Đó là một con người phức tạp, là tâm một cơn lốc thường xuyên của các ý nghĩ. Dù tôi có đối xử với ông ra sao, ông vẫn là một bộ phận của chúng tôi, vẫn sống đâu đây trong con người tôi, tôi vẫn nghĩ tới ông, linh hồn ông vẫn hòa lẫn với linh hồn tôi. Mai đây, ông sẽ biến mất, hoàn toàn biến mất; những gì ẩn náu trong đầu óc, trái tim ông mà tôi tưởng có thể đọc được trong cặp mắt đẹp của ông, cũng sẽ biến đi. Khi nào ông biến mất, một trong những sợi chỉ sống ràng buộc tôi với thế giới cũng sẽ đứt; chỉ còn hồi ức, nhưng hồi ức ấy sẽ ở trong tôi nguyên vẹn, sẽ vĩnh viễn tồn tại, không gì có thể xóa nhòa. Còn cái thể xác phải chết kia, nó sẽ thay đổi, sẽ biến mất…

Đó là những ý nghĩ, đằng sau những ý nghĩ ấy có một cái gì không thể nói ra bằng lời đang sản sinh và nuôi dưỡng những ý nghĩ ấy, nó có uy thế cưỡng bức ta nhìn kĩ các hiện tượng trong đời sống, mỗi hiện tượng đều đòi hỏi câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”.

- Anh có biết không, hình như tôi sắp quỵ rồi thì phải. – Bố dượng nói với tôi vào một hôm trời mưa. – Tôi yếu lắm rồi! Và cũng chẳng muốn gì nữa…

Hôm sau, trong bữa trà tối, ông phủi rất cẩn thận những vụn bánh khỏi bàn và đầu gối, như gạt khỏi mình một cái gì vô hình. Bà chủ già vừa lườm ông vừa nói thầm với ả con dâu:

- Trông kìa, hắn đang rỉa lông và chải chuốt…

Hai ngày sau ông không tới làm việc nữa. Sau đó bà chủ già giúi cho tôi một phong bì trắng to và nói:

- Này, trưa hôm qua có một cô mang cái này tới, tao quên đưa cho mày. Cô ả trông cũng dễ thương, không hiểu đối với mày là thế nào, tao cũng chẳng rõ!

Trong phong bì, trên tờ giấy in mẫu sẵn của nhà thương, có viết những hàng chữ lớn:

“Nếu anh rỗi, mời anh tới thăm tôi. Tôi ở Martinov.

E.M.”

Sáng hôm sau tôi đã ngồi trong phòng nhà thương, trên giường của bố dượng. Thân hình ông dài hơn giường nên hai bàn chân đi đôi tất xộc xệch màu xám thò qua cả cọc thành giường. Cặp mắt lờ đờ dò dẫm trên mấy bức tường quét vôi vàng, dừng lại trên khuôn mặt tôi rồi dừng lại tại đôi tay nhỏ nhắn của cô gái ngồi trên ghế đẩu ở đầu giường. Cô đặt hai tay trên gối, bố dượng há miệng, lấy má cọ vào tay cô. Cô gái nom đầy đặn, mặc chiếc áo đen giản dị. Nước mắt từ từ chảy trên khuôn mặt trái xoan của cô; cặp mắt xanh ướt đẫm nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hom hem, vào cái mũi to nhọn hoắt và cái miệng thâm sì của bố dượng tôi.

- Đáng lẽ phải gọi cha cố đến. – Cô nói thầm. – Nhưng anh ấy không cho gọi… Anh ấy chẳng hiểu gì cả…

Cô nhấc hai tay khỏi cái gối, áp vào ngực như thể cầu nguyện.

Bố dượng tôi hồi tỉnh trong giây lát, nhìn lên trần nhà, cau mày vẻ nghiêm khắc, và giống như nhớ lại chuyện gì, nhích bàn tay xương xẩu lại gần phía tôi.

- Anh đấy à? Cảm ơn. Anh thấy đấy… Tôi cảm thấy mình… thật là…

Nói xong câu đó, ông mệt lử, nhắm mắt lại. Tôi vuốt ve những ngón tay lạnh giá dài ngoằng ngoẵng có móng tay tái nhợt của ông. Cô gái khẽ hỏi:

- Evgen Vassilich, xin anh đồng ý!

- Đấy, làm quen với nhau đi. – Ông đưa mắt về phía cô và bảo tôi. – Một người rất tốt…

Ông im lặng, miệng mở rộng hơn, rồi bỗng nhiên kêu thét khò khè như một con quạ; ông lồng lộn trên giường, tung chăn, hai tay trần sờ soạng quanh mình. Cô gái cũng kêu lên, rúc đầu vào cái gối nhàu nát.

Bố dượng tôi chết rất nhanh, lập tức nét mặt ông biến đổi, nom rất dễ thương.

Tôi khoác tay cô gái bước ra khỏi bệnh viện. Cô chuệnh choạng như người ốm và khóc nức nở. Cô cầm chiếc mùi soa vo chặt trong tay, hết chấm lên mắt này lại chấm lên mắt kia. Cô cuộn cái khăn chặt hơn và nhìn nó, dường như đó là vật quý nhất, vật cuối cùng cô có.

Bỗng nhiên cô dừng lại, nép vào người tôi và nói với giọng trách móc:

- Anh ấy không sống nổi đến mùa đông… Ôi, trời đất ơi, trời đất ơi, thế là thế nào nhỉ?

Sau đó cô giơ bàn tay ướt đẫm nước mắt bắt tay tôi.

- Xin từ biệt. Anh ấy rất khen ngợi anh. Ngày mai sẽ chôn cất.

- Có thể tiễn chân chị về nhà không?

Cô nhìn quanh.

- Tiễn làm gì? Trời hãy còn sáng.

Tôi đứng ở góc ngõ nhìn theo. Cô đi rất thong thả, giống như người không có việc gì cấp thiết.

Lúc đó là tháng Tám, lá đã bắt đầu rụng.

Tôi không có thì giờ để đưa bố dượng ra nghĩa địa, và cũng không bao giờ gặp lại cô gái ấy nữa…

--------------------------------
1N. G. Pomyalovski (1835 – 1863), nhà văn Nga.
2Tác phẩm của N. V. Gogol (1809 – 1852), nhà văn Nga.
3Tác phẩm của T. M. Dostoevsky (1821 – 1881), nhà văn Nga.
4Tác phẩm của I. X.Turgenev (1813 – 1883), nhà văn Nga.
5Tác phẩm của D. I. Mordovtsev (1830 – 1905), nhà văn Nga.
6Tác phẩm của I. V. Fyodorov (1837 – 1883), nhà văn Nga.
7Tác phẩm của N. G. Chernyshevsky (1828 – 1889), nhà văn Nga.
8Tác phẩm của P. V. Zasodimski (1843 – 1912), nhà văn Nga.
9Sau này Gorky đã thay đổi hẳn thái độ đối với những tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga vĩ đại Những linh hồn chếtLàm gì?
10Tiếng Pháp: Mẹ ơi, đưa thêm cho con…
11Xem chương XII Thời thơ ấu của Gorky.
12Một tờ báo phản động.
13Tiểu thuyết của nhà văn Pháp G. Flaubert (1821 – 1880).


BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH