Chương 14
Một buổi tối thứ bẩy. Thọ nằm trên đi văng
hút thuốc lá. Tân đang chấm bài luận cho học trò. Đối mặt Tân, Đình
ngồi tựa lưng vào ghế, hai tay khoanh trước ngực, mơ màng nhìn lên trần
nhà. Bỗng Đình nói vơ vẩn một mình:
- Không biết "vợ tôi" bây
giờ làm gì nhỉ? Có lẽ đang chấm bài, soạn bài, hay ngồi nghĩ đến
tôi cũng chưa biết chừng...
Thọ và Tân phì cười - Đình cũng
cười theo - Những lúc ấy, Đình nghĩ đến cô giáo An dạy trường con gái
trên Việt Trì. Hai người đã đính ước với nhau, chỉ còn đợi hết tang
là làm lễ cưới: An để tang cha, Đình để tang vợ. Đã một đôi khi An về
Vĩnh Yên thăm Đình. Hai người cùng chung một cảnh: cha mẹ đều mất cả.
An có cho Đình mượn một quyển tự vị, đêm nào Đình cũng dùng để gối
đầu.
Đình bỗng rầu nét mặt, nói nhỏ:
- Chưa chắc tôi
với nàng đã lấy được nhau... Trong đời tôi, nhiều sự xảy ra một cách
bất ngờ quá, khiến tôi bây giờ không thể tin cái gì là vững được. Hai
anh thử nghĩ xem, trong hai năm giời, mẹ chết, anh chết, cha chết, vợ
chết, cả gia đình đương sum họp vui vẻ, bỗng tự nhiên tan nát. Bao
người thân yêu của tôi chỉ còn lại một đứa em giai đang ho nặng, không
biết còn sống nổi được bao nhiêu ngày. Bao sự đau khổ nhất trên đời,
tôi đã nếm cả, có lẽ bây giờ không còn sự gì có thể làm cho tôi
khóc được nữa.
Rồi Đình lại kể đến những sự vất vả của
mình trong khi đi dạy học. Ra làm việc mới được gần bẩy năm đã phải
đi những mười hai trường, vì trong hai năm ở nha học chính, chàng phải
đi dạy thay các người được phép nghỉ, nơi nửa năm, chỗ một vài tháng.
Nào khi ở vùng Nam, bị tổng lý trong làng gây chuyện; nào khi ở Yên
Bái, đi chấm thi ở Sơ học Yếu Lược, bị mưa và tối trên đỉnh đèo,
đường trơn, đuốc tắt, gió to, mưa nặng hạt, chỉ đợi có chớp sáng mới
nhận thấy đường và đi được mấy bước. Cảnh ấy, Đình phải trải, chỉ
vì người đưa đường ham chóng đến và tính sai giờ.
Muốn Đình
không nhớ tới những sự buồn đã qua, Thọ nói:
- Còn anh Tân, bao
giờ thì cho chị ấy đi theo?
Tân hơi chau mày:
- Thôi không
nói chuyện ấy...
Đình cười:
- Anh này lạ! Hễ hỏi đến
vợ, là đánh trống lảng.
Tân gọi:
- Bếp!
Thằng
bếp ở dưới nhà dưới chạy lên. Thấy nó mặc chiếc áo cánh lụa mới,
Thọ hỏi:
- Bếp mới may áo đấy à?
- Thưa ông vâng.
- Bao nhiêu tiền?
- Hơn hai đồng ạ.
Thọ nhìn Đình
và Tân:
- Đấy là lương của nó có ba đồng một tháng.
Đình nói:
- Anh không biết, chứ trong hòm nó bao giờ
cũng có thuốc lá và nước hoa.
Tân bảo bếp tính tiền chợ rồi
dặn các thứ phải mua ngày hôm sau.
Bên ngoài có tiếng gõ cửa.
Bếp chạy ra mở, Thọ ngồi dậy, reo lên:
- Á! Ông Mỹ!
Mỹ
vừa bước vào vừa nói:
- Bây giờ ba ông ở với nhau vui nhỉ. Tối
thứ bẩy mà không đi chơi à?
- Cũng sắp sửa đi, ông ngồi chơi
đã.
Trong sáu ông giáo ở Vĩnh Yên, Mỹ là người có tính lạ hơn
hết. Ông chỉ biết có ông, biết đi dạy học, không để ý đến sự người
khác hơn kém mình về tài trí, thần thế hoặc tiền của. Ông chỉ làm
theo ý muốn và không thèm nghĩ đến dư luận. Bởi thế nên người ta đã
tặng ông tiếng: Mỹ Bát Sách.
Mỹ cũng biết thế nên thường nói:
- Nhiều người bảo tôi gàn, tôi cũng biết. Họ bổng lộc nhiều,
ăn tiêu rộng, tôi theo kịp họ thế nào được. Họ chẳng là gì mà ép
mình dưới ý muốn của kẻ khác. Nhưng chưa biết tôi gàn hay họ bát
sách.
Rồi Mỹ cười, đắc ý. Mọi người cười.
Thằng Bếp
bưng nước lên. Mỹ nói:
- Gớm! Các anh này sang nhỉ! Cà phê cẩn
thận.
Thọ hỏi Mỹ:
- Tôi thấy người ta nói ông đánh
trống cô đầu giỏi lắm, phải không?
Mỹ cười:
- Anh lại
hỏi kháy tôi rồi. Tôi có biết gì đâu. Hồi tôi còn ở Yên Lạc, một lần
đi dự tiệc ở nhà một ông nghị, có đông đủ người tai mặt trong huyện.
Họ mời tôi đánh trống: tôi từ chối. Họ ép tôi: tôi đánh liều, cứ tom
rồi lại chát. Họ khúc khích cười. Tôi tức quá, quẳng roi chầu xuống
nói; các anh cười à! cho ngón chầu các anh có hay mười mươi, nhưng nếu
túi các anh rỗng, vị tất cô đầu đã yêu các anh bằng tôi.
Mỹ
uống nốt tách cà phê, nói tiếp:
- Đối với họ, không thế, không
được. Họ hay khinh người lắm. Các anh nghĩ thế nào?
- Phải
lắm!
Tân vừa nói vừa mỉm cười nhìn Đình và Thọ.
Mỹ
nói:
- Thằng Hùng với con Bình dạo này láo quá. Chúng nó dắt
nhau đi đủ mọi nơi, ai cũng biết. Nếu phải trong bọn nhà giáo chúng
mình, họ đã đồn rầm lên, bịa đặt thêm vào, rồi chỉ trích, rồi đăng
báo cũng chưa biết chừng...
Tân nói:
- Có thế chúng
mình mới phải giữ gìn và mới xứng cái chức "Quốc dân giáo dục".
Đình cười:
- To tát thế? Gọi là chức "Gõ đầu trẻ" có
đúng không?
Thọ pha trò:
- Đối với ông Thúy, dạy lớp
năm, thì gọi là "Gõ đầu trẻ" hay "vú em đực" cũng chẳng sai.
Mỹ cười, rồi rủ Thọ, Đình và Tân đi đánh thăng quan.
Thọ nhìn hai bạn nói:
- Một!
Đình:
- Hai!
Tân:
- Ba!
Mỹ ngạc nhiên hỏi:
- Cái gì
vậy?
- Khẩu hiệu riêng của chúng tôi.
Ngoài đường giời
tối, gió thổi rì rào trên ngọn cây. Bốn người khoác vai nhau đi, thỉnh
thoảng lại bật đèn "bin" lên soi đường.
Hai giờ sau, lúc Thọ,
Đình, và Tân trở về thấy trước cửa nhà lập loè lửa thuốc lá. Thọ
nói:
- Ai lại đứng đợi chúng mình ở cửa rồi...
Lúc
đến nơi, thì ra thằng bếp, đầu chải mượt bôi nước hoa, tay cầm điếu
thuốc đang hút dở.