MỤC LỤC
- Vào chuyện
- Tường thuật - I
- Tường thuật - II
- Tường thuật - III
- Tường thuật - IV
- Mr. N. và những Mr. Canh Cong
- Những người từ xa đến
- Tường thuật - V
- Đội quân thắn thánh
- Tường thuật - VI
- Tường thuật - VII
- Tường thuật - VIII
- Tường thuật - IX
- Tường thuật - X
- Tường thuật - XI
- Tường thuật - XII
- Tường thuật - XIII
- Tường thuật - XIV
- Tường thuật - XV
- Tường thuật - XVI
- Tường thuật - XVII
- Tường thuật - XVIII
- Tường thuật - XIX
- Tường thuật - XX
- Thần Chết trở về từ cỏi chết
- Vài lờl cuối
Tường thuật - X
Bỗng có lúc tôi muốn thử đưa ra hình dung trước về Mr. Đại, một nhân vật cho đến lúc này vẫn vô cùng bí ẩn nhưng rõ ràng là hiện diện khắp nơi. Tôi có những cơ sở để làm điều này. Nhiều lần may phúc được diện kiến những vị tai to mặt lớn, thuộc hàng đại nhân, bố cho tôi đi cùng. Có thể bố muốn tôi làm quen với tầng lớp trên để hiểu biết về họ. Cũng có thể bố muốn chính họ sẽ là tấm gương cho tôi về ý chí và sự thành đạt. Hoặc đơn giản chỉ là cách ông khoe con, làm giảm nhẹ tính sự vụ của cuộc gặp gỡ mà về bản chất là trao đổi lợi ích. Bởi vì đôi khi rõ ràng tôi là một thứ "chiếu nghỉ" về tâm lý cho cả chủ và khách.
Bất cứ ai mà tôi gặp đều có thể (hoặc xứng đáng) là Mr. Đại. Khi còn là cậu bé, thứ mà họ hấp dẫn tôi nhất là vẻ mặt oai vệ, nghiêm trang. Người nào cũng tai to, mặt lớn, da dẻ hồng hào đầy sung lực, có chân mạng làm đại nhân. Còn khi tôi đã có những từng trải nhất định, thì nhu cầu quan sát khiến tôi muốn tìm ở họ những ẩn số của sự thành đạt. Điều gì khiến những con người ấy có rất nhiều quyền lực với người khác. Chắc chắn họ phải cực kỳ khôn ngoan như lời của ông thầy tôi. Để dẫn dắt một đám đông hỗn tạp luôn là nỗi kinh sợ với đa số. Nhất định phải có nghệ thuật cao cường và sức mạnh khác người. Nhưng với họ, những con người ấy, như rồi tôi phát hiện ra, thì sự dẫn dắt đó chỉ đơn giản là công việc, càng khó càng hấp dẫn, càng khó càng khiến họ có cơ hội thể hiện bản thân. Đấy thực sự mới là điều hấp dẫn từ những con người ấy mà tôi không thể cưỡng lại được nhu cầu khám phá.
Trước mặt họ, những người như bố tôi trở nên bé nhỏ, yếu đuối và đầy mặc cảm.
Sau đây, trong thời gian hồi hộp chờ tin tiếp theo từ ông Sinh, tôi tạm phác thảo sơ sài một vài chân dung những con người ấy. Để khách quan và tránh mọi phiền phức từ thói suy diễn, tôi sẽ dùng bảng mã chữ cái để chỉ tên của họ.
Chân dung ngài A:
Trước khi mô tả sơ sài về ông, tôi xin kể về bối cảnh khiến tôi được gặp ông. Đó là lần ông tổ chức ăn mừng một sự kiện gì đó. Nghe nói phải mất rất nhiều công sức, những người như bố tôi mới được phép có mặt. Và bố đã có mặt, lẫn vào hàng trăm những khuôn mặt làng nhàng khác. Nhưng chả hiểu sao, khi đi chào hỏi khách khứa, vị đại nhân, có thể do lãng trí, lại cứ đứng khá lâu trước mặt bố tôi. Cốc rượu trên tay ông chìa ra khiến bố tôi phải cúi mình xuống. Nhưng thông thường sau khi chạm cốc, dù không biết khách mời là ai (làm sao mà ông nhớ được, ấy là tôi nghe bố kể lại thế), ông sẽ đi sang chỗ người khác để ban cho họ thứ quý hiếm mà ông vừa ban cho bố. Nhưng như đã nói, có thể lúc đó trong đầu ông đang vương vấn một chuyện gì đó, cũng có thể ông nhầm bố tôi với một ai khác, cũng có thể chả vì bất cứ lý do gì (tại sao cứ phải có lý do gì, khi ông có toàn quyền muốn làm gì thì làm, ít nhất là trong ngôi biệt thự của ông) mà ông cứ nhìn bố tôi qua đáy chiếc cốc pha lê hảo hạng, đựng một thứ rượu hảo hạng, đã sắp úp miệng xuống. Vì quá bất ngờ, nên bố chả biết nói chuyện gì. May mà ông hỏi vu vơ mấy câu rồi gọi tiếp rượu. Và lại ngửa cổ. Trong câu chuyện mà chính bố không tin là dành cho mình, ông hỏi thăm về con cái. Bố đã vớ được cái cọc để không chết ngợp. Bố đem tôi ra kể với ông. Ông nghe và gật gù. Trước khi đi sang chỗ những người khác đang nóng lòng chờ đợi đến lượt, ông bảo thêm: "Hôm nào đưa thằng bé đến chơi với tôi nhé. Phải chăm sóc thế hệ tương lai cho chu đáo". Bố tôi nghe mà không thể tin vào tai mình. Bố đâm ra bị đặt vào thế khó. Rất có thể lời hỏi thăm đó cũng giống như câu hỏi quen miệng của ông về con chó con nào đó, sau liền quên ngay. Trong trường hợp ấy người được yêu cầu chẳng cần phải thực hiện. Nhưng nếu điều phỏng đoán ấy không đúng thì sao? Nếu vị đại nhân kia có duyên kiếp với tôi thật thì sao? Khi đó, việc không đưa tôi đến gặp ông, sẽ là sự bất kính không thể tha thứ của bố tôi. Với một người thận trọng như bố, thà là vô duyên còn hơn mắc tội, lại là tội lớn.
Vì thế mà tôi được bước chân qua long môn (vì đại nhân trổ hai con rồng hướng vào nhau trên cổng) để được thấy long nhan, như cách bọn trẻ vẫn bắt chước giọng điệu của phim lịch sử Tàu!
Khác với mọi hình dung trước đó của tôi, ngài A khá giản dị trong giao tiếp. Nó chẳng khác mấy với những gì bố tôi vẫn thể hiện mỗi khi có khách đến. Ngài niềm nở xoa đầu tôi trước khi gọi người nhà đưa tôi ra vườn chơi. Từ lúc đó đến khi tôi quay vào lễ phép chào ngài theo lễ nghĩa, tôi chỉ được nhìn ngài thêm khoảng 15 phút, khi bố tôi ngỏ ý xin ngài một tấm ảnh chân dung. Nghe nói bất cứ ai có dịp bước chân vào đây, khi về đều mang theo tấm chân dung của ngài, với chữ ký điệu nghệ phía sau. Nghe bố đề nghị một cách đầy quỵ lụy, ngài chỉ chiếc ghế, ý là bảo bố ngồi đó chờ ngài. Ngài thò tay xuống phía dưới gầm một chiếc bàn to gần bằng chiều ngang căn phòng, rút xoẹt lên một tấm hình (không rõ có bao nhiêu tấm tất cả bởi nó có vẻ rất nhiều). Ngài đặt tấm hình của chính ngài ngay ngắn trước mặt, trên một quyển sách khá to và dày. Có lẽ quyển sách viền vàng ấy chỉ làm duy nhất một việc là vật kê mỗi khi ngài ký tặng ảnh. Ngài lựa trong số hàng chục cái bút cắm vào chiếc ống bằng vàng, đưa mắt nhìn khắp lượt chiếc bút, rồi chỉnh sửa tư thế. Ngài làm việc đó hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng, không sai sót. Phải là một việc làm đi làm lại hàng ngàn lần mới đạt được độ thuần thục tự nhiên như vậy. Vẻ mặt ngài chợt trở nên căng thẳng khi ngòi bút chạm vào mặt tờ giấy ảnh. Ngài đưa tay và chữ ký của ngài dần hiện ra. Nhưng sau đó ngài vò ngay tấm ảnh, cũng ném xuống gầm bàn, đầu khẽ lắc và miệng lẩm bẩm:
- Chưa đạt...
Ngài rút lên một tấm ảnh chân dung khác, tất nhiên là y hệt (đó là bằng chứng cho thấy phỏng đoán của tôi rằng phía bên dưới rất nhiều ảnh là có cơ sở), vẫn với thái độ và cách thao tác cũng y hệt lần trước. Mọi thứ đều y hệt, chỉ có vẻ mặt lúc ngài đưa bút ký là có khác tí chút. Môi ngài bậm lại, mắt đưa theo tay, nắn nót ở mỗi nét thanh, nét sổ và cả lần này ngài cũng vò ngay tấm ảnh, ném vào chỗ lúc trước dưới gậm bàn.
Cả thảy bảy lần như vậy.
Mãi đến lần thứ tám, nếu tôi đếm không nhầm, sau khi kéo tay lên xuống có vẻ trơn tru hơn, ngài mới thấy hài lòng, nhìn lại chữ ký lần nữa rồi tươi cười đưa cho bố tôi. Bố cúi rạp xuống, hai tay đưa ra đón lấy món quà vô giá. Nó vô giá vì rất nhiều lẽ, trong đó có cả sự cầu kỳ, cẩn trọng, tỉ mẩn tới từng nét bút của người ký. Khi bố ngắm nghía chân dung ngài bằng vẻ mặt của một gã nô tài được chủ bất ngờ ban thưởng lớn, lật phía sau xuýt xoa khen chữ ký mạnh mẽ, đầy khí cốt của trời đất, thì ngài, vẻ mặt mãn nguyện và hoàn toàn thư thái, kiểu thư thái của người vừa làm xong một việc trọng đại, đi đi lại lại giảng giải về cảm xúc chi phối chữ ký. Rằng bằng kinh nghiệm xương máu mà ngài tích cóp được qua thời gian, chữ ký thể hiện rõ nhất tâm trạng của người ký: Vui hay buồn, xúc động hay vô cảm, bực tức hay độ lượng, vội vã hay thư thả. Thậm chí chỉ nhìn vào chữ ký, nếu là người tinh ý, còn có thể nhận ra nó mang lại cho người xin điều gì từ nét ký. Khi ngài nói như vậy, tôi thấy bố khẽ liếc mắt nhìn chữ ký của ngài, để xem sắp tới ông gặp điều gì. Đừng có là điều dữ, còn lại thì điều gì cũng được. Vẻ mặt của bố không giấu được ý nghĩ ấy. Nhưng ngài không quan tâm. Ngài không còn chút gì thừa ra cho người khác, khi cơn giảng giải đang lên tới cao trào. Từ chuyện chữ ký, sang chuyện thư pháp mà ngài lõm bõm hiểu qua những lần đến thăm một vị chuyên bán chữ kiếm ăn, thuộc hàng nhân sĩ. Tiện thể ngài nói luôn về cách bố trí tranh trong phòng, về cách dùng cốc, tách, ly cho từng loại đồ uống. Không phải cứ vớ thứ gì cũng có thể dùng được, mà bọn châu Âu, nơi phát sinh của thói xa hoa, đã nghĩ hết cho rồi. Trong muôn vàn cái thối nát, đáng chết của chúng nó, thì có thứ mình cũng phải học. Đó là chúng nó rất kỹ lưỡng trong thiết kế, ẩm thực, trang phục. Văn hóa rượu là của chúng nó. Âm nhạc cũng của chúng nó. Kiến trúc thì thôi rồi, mấy cái lầu lùn tịt của anh Tàu, anh Nhật không ăn thua. Tiện thể ngài kể về những chuyến đi nước ngoài, ở những khách sạn không chê được điểm gì về cách bài trí... Nhờ cơn ngẫu hứng bất tận của ngài mà tôi đồ rằng nó luôn xảy ra, bố con tôi may mắn được ở bên ngài lâu hơn gấp đôi thời gian dự kiến ban đầu. Tôi có cảm tưởng ngài có thể duy trì được cảm hứng nói từ sáng đến tối, nếu có những người nghe thành kính như bố con tôi.
Ngài là lựa chọn số một cho phỏng đoán của tôi về Mr. Đại.
Phác thảo chân dung ngài B:
Tôi phải nói ngay đây chỉ là phác thảo, bởi không thể nào vẽ nổi chân dung của ngài, nếu chỉ dựa vào khiếu quan sát và tài dùng chữ. Ngài là một sự cách điệu hoàn hảo của Thượng đế khi chủ ý tạo ra một khuôn mặt không có dung mạo (để dùng vào việc gì thì Đức Toàn năng lại không nói). Cũng có nghĩa là mọi thứ có ở ngài, cũng thuộc về mọi khuôn mặt khác. Về phần mình, khi miêu tả chân dung ngài A, tôi có chút tự tin bằng ngần nào, thì thiếu đi đúng ngần ấy khi tả lại ngài B, với chỉ mong muốn nhỏ nhoi là bạn đọc có thể hình dung chút ít về ngài.
Nhưng bằng kinh nghiệm từ bố mình, tôi luôn đoán đấy là một người quan trọng. Vì thế, khi hình dung về Mr. Đại, tôi cũng liền nghĩ ngay đến ngài.
Tôi không nhớ chi tiết chúng tôi được diện kiến đại nhân trong hoàn cảnh nào, nhưng nó là một cuộc gặp gỡ rất nhiều cảm xúc, khiến tôi mỗi khi hồi tưởng về những lần đi theo bố đến nơi quan trọng nào đó, lại cứ nhớ ngài, nhớ khuôn mặt không có cá tính của ngài. Nói chính xác thì cái dung mạo của ngài cứ trồi lên trong ký ức tôi. Rất có thể khi đó tôi đang mơ theo đuổi thêm nghề môi giới kinh doanh. Tôi phải đóng vai là một người không thuộc về ai, mà thuộc về cả thế giới này. Và tôi bỗng ước, giá như mình có khuôn mặt của ngài. Nó nhẵn nhụi, đó là điều không thể bỏ qua. Mọi thứ trên khuôn mặt ấy đều có vẻ rất đúng tỷ lệ của một ma nơ canh nam. Nhưng khi tổng hợp lại thì nó lại biến sạch khỏi tâm trí những yếu tố của một sự sáng tạo nào đó. Tôi đang bí từ để gọi đúng hình dong của ngài. Rất bí. Và nếu không quá khó tính, có thể tạm dùng từ "bản sao". Khuôn mặt ngài là bản sao của bất cứ M.C. nào từng xuất hiện trên truyền hình: vô cảm, chải chuốt, động tác như được lập trình, giọng nói không cần âm sắc để có thể lọt mọi lỗ tai. Nhưng có vẻ vẫn chưa ổn. Tôi sợ ngần ấy mô tả vẫn chưa ổn, đặc biệt khi ngài thể hiện cảm xúc mỗi lần nói ra câu cửa miệng sau đây: "Kẻ thù của chúng ta thâm hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều, và lại còn dối trá nữa chứ. Muốn chiến thắng những kẻ như vậy - mà chúng ta thì luôn phải có nghĩa vụ chiến thắng - thì mình cũng phải biết thâm hiểm".
Bao giờ ngài cũng dừng lại, như tôi thấy hôm ngài nói điều đó với bố tôi, trước khi hạ một câu mang tính bản quyền và phần nào thể hiện rõ nhất tính cách ngài:
- Ý của tôi là (ngài nháy mắt)... các anh có hiểu không?
Ngoài ngần ấy ra, tôi không nhớ thêm được gì về ngài B.
Chân dung ngài C:
Trái ngược với ngài B, có lẽ đây là con người sở hữu bộ mặt dễ nhớ nhất thế giới. Mô tả ngắn gọn nhất - đồng thời khó có thể đầy đủ hơn mà tôi muốn quý vị lưu ý chính là cái hình dung mang tính hội họa sau đây:
- Một viên gạch vuông, mỗi cạnh 25 xăng ti mét, nung quá lửa nên bị sùi vài chỗ, trong khi vài chỗ khác hóa sành.
- Một viên gạch lục - như cách gọi của dân gian - (nếu ai không biết thì có thể tra Google), xếp dọc, một cạnh liền vào với cạnh của viên gạch vuông, sao cho trục của viên gạch lục nằm chính giữa cạnh của viên gạch vuông.
- Một cái chum đựng tương của làng cổ Đường Lâm hay Hương Canh, hay Thổ Hà đều được, chỉ nhớ quay miệng xuống dưới.
- Hai quả bí đao trồng trên đất tốt, tức là có bón phân chuồng.
- Một đôi giày thủ công màu nâu đỏ của hãng Berluti.
Cứ thế xếp theo thứ tự vừa kể ta sẽ có một chân dung không thể đặc sắc hơn về con người mà rồi quý vị sẽ thấy, luôn chiếm tâm trí tôi vào mỗi ban đêm. Sở dĩ có chuyện đó là vì thái độ của bố tôi khi gặp ngài. Lần này thì may thay, bối cảnh của cuộc làm quen, tôi lại nhớ một cách hoàn hảo. Đó là vào dịp gặp gỡ đầu xuân của những người thành đạt. Trong một căn phòng khổng lồ của khách sạn hạng năm sao, tất cả những thứ gì sang trọng bậc nhất đều có dịp để hội tụ. Bố tôi lọt thỏm giữa những đại gia lớn hơn ông gấp bội. Nhưng qua dịp hưởng sái đó, lần đầu tiên tôi ước đoán được tầm cỡ của bố tôi. Ông không lớn nhưng không hề nhỏ, ở tầm trung. Những cái bắt tay, những lời chào hỏi, thái độ của đám nhân viên... đều ngầm ý nói lên một điều gì. Khi đó tôi đã là sinh viên, đã có đủ kiến thức cho vài cuộc trao đổi trong chủ đề hẹp, chẳng hạn những yếu tố có thể gây rủi ro tài chính, vấn đề nợ xấu và hiện tượng cho vay dưới chuẩn. Rồi các hình thức hợp đồng đang thịnh hành... Bố để mặc tôi tự do tìm người nói chuyện. Và khi tôi đang cố gắng vận dụng hết những gì đã học, đã đọc để làm một cuộc phản biện mini với tay chuyên gia trẻ là giảng viên một trường đại học hàng đầu về kinh doanh, thì mọi người đều quay ra cửa, nơi có một đám đông đang dịch chuyển. Phải nói là dịch chuyển, bởi nó rất chậm và cả khối cùng nhích. Một lúc sau thì mọi người nhận ra ngài C, con người có hình dong cổ quái hơn những gì tôi vừa mô tả. Ngài có cái mặt to quá cỡ, với cái cổ khá tương xứng để tạo ra trụ đỡ đáng tin cậy và hài hòa về thẩm mỹ. (Nghe nói Chúa là một kiến trúc sư tài ba, trước khi rõ ràng nghề chính của ngài là nặn tượng). Ngài mặc quần đeo dây vì không thể tìm ra cái dây lưng nào vừa với cỡ bụng ngài. Như một sự chủ ý mang tính đùa vui, chân của ngài quả thật giống như hai quả bí đao cỡ đại, cong queo ở chỗ đầu gối. Và lạy Chúa tôi, cái hình dung lắp ghép ngẫu nhiên của tôi hóa ra lại rất khớp mới thú vị chứ: ngài diện một đôi giày màu boóc đô bóng như có thể soi gương được. Ngài không thể tự đi, nên phải dìu. Mà cần tới những bốn người mới có thể dìu được. Vì thế tôi mới có cảm giác như mô tả lúc đầu.
Kể từ khi ngài xuất hiện, chẳng còn bất cứ kẻ nào trong hàng ngũ bạn bè, đối tác của bố đáng để người ta kể tên. Tất cả vụt tắt như những ngọn nến gặp cơn gió mạnh. Mọi sự chú ý đều hướng về con người không thể tự đi trên hai chân của mình. Mà ngài chưa hề nói một câu nào, mới chỉ giơ tay hua hua chào chung đám đông. Thế rồi lần lượt những người có mặt đều kính cẩn lết đến trước mặt ngài bằng màn ra mắt cực kỳ bài bản. Tất nhiên rồi cũng đến lượt bố. Ông dắt theo cả tôi đến, lưng khom xuống khẽ chào:
- Tiểu đệ hèn mọn hôm nay đem cả con trai đến chào đại ca.
Ngài C, như cách đánh thứ tự mang tính số học thuần túy của tôi, chiếu cái nhìn trắng dã vào con trai Mr. Nam. Tôi có cảm giác mình vừa bị ánh mắt của con mãng xà tinh phóng thẳng vào tim bằng những tia nọc cực độc. Toàn thân tôi - và có thể cả bố tôi - mất hết cảm giác là mình đang đứng trên mặt đất.
- Thằng bé ngộ quá - Ngài đáp, hơi phóng ra từ cổ họng. Có thể dùng cách của ngài để tạo ra tiếng bão tố và tôi cam đoan là không ai nghe qua băng thu âm có thể phát hiện.
Xong màn chào hỏi và từ đấy đến khi bố và tôi rời khỏi căn phòng sang trọng, không có thêm lần nào chúng tôi tìm được cơ hội để gần ngài. Nhưng có lẽ chỉ cần như vậy, cũng đủ để mỗi khi nghĩ về tương lai, tôi lại thấy cặp mắt, khuôn mặt và cái thân hình rất khó quên của ngài.
Ngài là ai vậy? Hoàn toàn ngài có thể là Mr. Đại lắm chứ.
Ngài... F:
Như đã nói, do hoang mang, để lấp đầy khoảng trống về tinh thần trước khi gặp Mr. Đại, tôi chỉ ngẫu húng nhớ lại vài chân dung mà tôi nghĩ một trong số họ có thể chính là ngài, người đang nắm trong tay tương lai của tôi mặc dù tôi chưa hề một lần được diện kiến tôn nhan. Hóa ra họ không hề dễ tìm kiếm trong mớ ký ức chưa quá lộn xộn của tôi. Khó bởi vì, so với hình dung của tôi về Mr. Đại, thì số người ngang cơ với ngài không nhiều, thậm chí rất ít. Trong khi đó bộ sưu tập của tôi lên tới hàng trăm. So với ngài, phần lớn là nhãi nhép! Sau khi rà soát lại từng người một, tôi dùng phép loại suy để bỏ ra ngoài những nhân vật ít có khả năng đóng vai trò lớn mà nếu kể ra cũng chỉ làm mất thì giờ vàng ngọc của quý vị. Nhưng cuối cùng, dù đã nâng lên đặt xuống vài lần, tôi vẫn cứ phải nhắc đến một đại nhân nữa, tạm gọi là ngài F. Xin không suy diễn hiểu lầm với ký hiệu về giống lợn lai, trong đó F là thế hệ bố mẹ, F1 là giống lai được tạo ra giữa hai giống lợn nái Móng Cái và lợn đực ngoại giống Yorkshire hoặc Landrace. Mô tả về giống lợn này rõ ràng như sau: Ngoại hình có tầm vóc trung bình, màu lông trắng rải rác có bớt đen nhỏ trên mình và đốm đen nhỏ ở vùng quanh hai mắt. Thân dài vừa phải, lưng hơi võng, bốn chân chắc chắn. - Ưu điểm: Số con đẻ ra nhiều, tỷ lệ nạc đạt 42-46[sup]%[/sup]. Như một câu thơ trứ danh của Tố Hữu: "Lịch sử thường đi những lối không ngờ", biết đâu trước mắt tôi hồi đó là Mr. Đại mà tôi đang tìm hiện nay thì sao.
Về ngài F, tôi có kỷ niệm khá thú vị với ngài.
Trước hết vẫn phải nhắc đến ngoại hình của ngài một chút. Ngài trông phần nhiều giống như người có máu lai, giữa châu Á và châu Âu hoặc châu Mỹ. Vì thế tầm vóc của ngài khá là ngoại cỡ so với chuẩn châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Lưng ngài hơi dài hơn bình thường, so với cặp chân ngắn nhưng cực kỳ vững chãi. Những người thân cận khẳng định ngài có một cái bớt nửa đen, nửa trắng ở lưng, vì thế rất ít khi ngài cởi trần, kể cả những khoảng thời gian riêng tư nhất. Ấn tượng đặc biệt ở ngài khiến bất cứ ai cũng phải thu mình lại khi đứng trước ngài chính là cặp lông mày. Nó vừa to, vừa rậm, vừa cứng và lại uốn thành hình móc câu kéo gần đến vạch nhân trung. Mỗi khi ngài biểu lộ cảm xúc, dù vui hay buồn, cặp lông mày đều biến hình khiến như cả một đội quân sắp sửa ào ra từ đó, súng ống, giáo mác tua tủa. Ngài kết hôn bảy lần, cả thảy con chính thức và rơi vãi lên tới 42 đứa (đó là theo tin đồn nhưng việc ngài là con rơi thì là tin chính thức).
Tất cả đều trưởng thành và trên mức trưởng thành.
Bố tôi gặp ngài trong một lần ông có vinh hạnh được tháp tùng ngài đi nghỉ tại một bãi biển nổi tiếng miền Trung. Vì chuyến đi mang tính chất riêng tư nên ngài cho phép bố tôi đưa theo vợ con, để tăng tính gia đình, tạo cảm giác gần gũi giữa ngài với dân tình bên ngoài. Vì thế tôi có thời gian khá dài để quan sát và chứng kiến những hành động của ngài. Trước hết ngài là người rất nhiệt tình trong ăn uống. Thực đơn của từng bữa đều phải đầy ắp các loại hải sản mà ngài ưa thích. Đồ uống cũng phải đủ phong phú để ngài lựa chọn. Tất cả những yêu cầu đó hóa ra lại là dễ thực hiện nhất. Ngài thích cầm chiếc phuốc-sết bằng bạc, loại to bản, cắm phập vào lưng con tôm hùm và làm phơi ra thứ thịt trắng muốt. Ngài đưa vào miệng những miếng lớn, nhai ngon lành cùng với từng ngụm rượu vang trắng có vị chát rất ma mị, kén mua từ những hầm rượu nổi tiếng của Pháp hay loại rượu vang làm từ những vườn nho trăm tuổi xứ Tây Ban Nha. Khi sang châu Âu, thỉnh thoảng cũng được mời tham dự một số bữa tiệc kiểu Hà Lan nhưng chưa bao giờ tôi thấy bóng dáng của những chai rượu huyền bí ấy. Có vẻ như chúng chỉ dành riêng cho một số người.
Càng có cơ sở để tôi tin lời đồn lưng ngài có bớt khi quả thực suốt mấy ngày nghỉ, tôi không thấy ngài xuống biển lần nào. Ngài luôn mặc bộ quần áo bằng lụa màu vàng kiểu vua chúa, may theo lối các xếnh xáng Tàu ưa thích. Sáng và chiều, sau bữa ăn thịnh soạn không trùng thực đơn ngoại trừ món tôm hùm bông nấu theo kiểu Nhật, ngài lại thong dong ra biển, trong sự ngưỡng mộ sâu sắc của những người dân địa phương. Đôi lần bố tôi được đi theo ngài. Ngài thường xoa đầu tôi, cười hiền hậu bảo: "Bố nào thì rồi con cũng phải thế nhé". Tôi để ý trên bàn tay ngài có mấy cái nhẫn gắn kim cương và đá quý, như đóng đai quanh những ngón tay béo múp. Có cảm giác khi đói chỉ cần mút những ngón tay ấy cũng đủ no. Chính đám nhẫn này lại khiến ngài trở nên gần gũi với chúng tôi hơn. Chả là ngài rất thích có người để khoe những vật được biếu tặng. Nghe đồn (qua những người bạn có khiếu hài hước của bố) mỗi khi có khách đến nhà, bất cần biết vì việc gì và cho dù nó có cấp bách đến đâu thì cũng cứ thong thả, thong thả là triết lý sống của ngài. Trước hết hãy để ngài khoe đám đồ vật cái đã. Cái bình này chính hiệu Ả Rập, nhìn vàng viền quanh cổ của nó đi, nguyên bản lấy từ kho báu của các Pharaon đấy nhé. Còn đây là một trong những viên đá quý mà chỉ các Sultal thời Đế chế Ottoman mới được dùng. Chai rượu kia lấy ra từ một hầm rượu thuộc hàng quốc bảo của Ucraina, có thể còn lưu lại dấu vân tay của Sa hoàng Nicolas đấy, không dưới trăm năm đâu nhé. Còn chiếc ghế kia, có biết nó bằng gỗ gì không, là gỗ dùng để đóng ghế ngồi cho các tổng thống Mỹ đấy.
Đại loại sau một vòng, đủ để ngài thấm mệt, thì mọi việc chẳng còn gì quan trọng hơn bữa ăn đã dọn sẵn. Thế nhưng ngài rất được việc. Chưa có đề xuất nào của những người như bố tôi bị ngài săm soi, thay đổi. Khi đó, vẫn theo lời những người bạn của bố, trông ngài thật phúc hậu. Thích gì cứ mở miệng xin, ngài ban cho hết. Ngài sinh ra để không phải lo bất cứ việc gì - đấy là số phận và cũng là câu trả lời gần trọn vẹn cho những ai thóc mách muốn biết ngài có vai trò gì. Nếu để trọn vẹn hoàn toàn, thì chỉ cần thêm vào: nhưng ngài can dự vào mọi chuyện. Vì thế chân dung của ngài không gì tiện hơn là lấy ngay hình ảnh của ông Di Lặc bụng ưỡn ra, cười hết cỡ miệng, vai đeo một bọc tiền vàng, vô lo, vô nghĩ và có thể là vô duyên nữa, nhưng hóa ra lại hướng về vô lượng tương lai.
Một người như vậy, nếu là Mr. Đại lừng danh thì có gì không ổn? Thậm chí tôi nghĩ, nếu bỏ phiếu bình bầu những vị mà tôi vừa phác chân dung xem ai xứng đáng là Mr. Đại hơn cả, tôi tin ngài F thuộc loại đạt cao phiếu. Tôi thì có phần chắc chắn là sẽ bầu cho ngài.
Quý vị đừng hỏi các bậc đại nhân ấy làm gì, bởi hỏi như vậy là quý vị đang tự biến mình thành kẻ ngoài lề. Nếu cần họ phải làm gì, thì Chúa đã biết cách để chọn một loại đất sét khác.