MỤC LỤC
- 1. Về Đến Ba Lê
- 2. Khánh Kiệt
- 3. Tìm Thầy Chạy Thuốc
- 4. Bán Lừa
- 5. Đau Lòng Con Trẻ
- 6. Bơ Vơ
- 7. Một Đêm Lo Lắng
- 8. Giữa Đường Giông Tố
- 9. Đói Lả
- 10. Gặp Quí Nhân
- 11. Bạn Đường
- 12. Tới Mạc Quang
- 13. Thơ Thẩn Bên Rừng
- 14. Đêm Thứ Nhất Ở Mạc Quang
- 15. Mái Lều Hoang
- 16. Cô Thợ Mới
- 17. Một Tai Nạn
- 18. “Cù Lao Hảo Vọng”
- 19. Đôi Dép Sậy
- 20. Đồng Tiền Kiếm Được
- 21. Món Trứng Lùi
- 22. Bữa Tiệc Thanh Đạm
- 23. Cô Thợ Thông Ngôn
- 24. Làm Xướng Ngôn Viên
- 25. Thương Trẻ Cô Đơn
- 26. Giữ Việc Văn Phòng
- 27. Quần Áo Mới
- 28. Cô Bé Đánh Xe
- 29. Thủ Đoạn Của Tạ Loan
- 30. Thăm Tìm Người Mất Tích
- 31. Tin Tức
- 32. Bức Ảnh
- 33. Học Tập
- 34. Thăm Đêm
- 35. Con Gái Ấn Độ
- 36. Sét Đánh Bên Tai
- 37. Lễ Truy Điệu
- 38. Mở Lòng Từ Thiện
- 39. Ông Và Cháu
- 40. Trong Gia Đình
CHƯƠNG 13
THƠ THẨN BÊN RỪNG
Sau khi Hồng vào nhà, Liên ngồi một mình ở sân, tự nhiên như ở nhà mình. Nhưng không phải nhà nàng vì sân đó dành riêng cho những viên chức ăn cơm tháng, còn thợ thuyền phải vào trong sân, ở đấy không có bàn, ghế chi cả. Nàng liền đứng dậy đi bâng quơ ra các phố ở quanh đó.
Nàng đi rất thong thả, không mấy lúc đã đi hết cả các phố. Nàng thấy nhiều con mắt tò mò theo dõi nàng nên không dám dừng bước, mà cũng không dám lộn đi lộn lại mãi một chỗ.
Đối diện với nhà máy, có một ngọn đồi. Trên đồi, một khu rừng xanh ngắt nổi trên nền trời trong sáng. Đến đấy có lẽ nàng được tĩnh mịch hơn và có thể nghỉ ngơi tự do không ai để ý đến.
Thực vậy, rừng đó vắng vẻ cũng như các cánh đồng mông quạnh chung quanh. Tới ven rừng, nàng có thể nằm dài trên đám rêu và nhìn bao quát thung lũng và khu làng ở giữa. Mặc dầu nàng đã biết qua làng đó do cha nàng kể lại nhiều lần, nhưng nàng không khỏi bỡ ngỡ vì các phố ngóc ngách như bàn cờ. Bây giờ ngồi trên cao, nàng nhận rõ từng điểm, đúng như cha nàng đã tả và đúng như hình ảnh quê hương nàng mơ thấy trong cơn đói lả ở dọc đường.
Bây giờ nàng đã đặt chân lên mảnh đất thân yêu đó rồi ! Sung sướng biết bao ! Mạc Quang ! Cái tên quen thuộc mà nàng đã nhắc đến bao lần và từ khi bước chân vào nước Pháp, đã bao lần nàng trông thấy tên đó ghi trên mui các xe ngựa qua đường và ở sườn toa xe lửa tại các ga. Khi đó Mạc Quang còn là một làng ở trong mộng tưởng, bây giờ Mạc Quang thực sự ở ngay trước mắt nàng.
Ở bên kia làng, trên sườn đồi là khu nhà máy. Cứ trông mầu của những mái nhà đó, nàng có thể biết rõ được lịch trình tiến triển của toàn cơ xưởng như những người dân sinh trưởng ở đây.
Ở giữa khu, trên bờ con sông con, một tòa nhà gạch, mái ngói đã đen xám bởi thời gian với cột ống khói mảnh dẻ bị tróc mòn vì mưa gió, là nhà máy sợi cũ, phế bỏ đã lâu, nhưng ba mươi nhăm năm về trước ông Vĩnh Phan đã thuê tòa nhà đó. Thuở ấy, ai cũng bảo ông dại, theo đuổi nghề này chỉ có mà sạt nghiệp. Nhưng đáng lẽ bị phá sản như người ta tưởng, ông lại ăn nên làm ra, từ đồng xu này đến đồng xu khác, rồi từ triệu nọ đến triệu kia.
Chẳng bao lâu, chung quanh người mẹ sề, con cái đã nẩy nở gấp bội. Những đứa con lớn xấu xí, còm gầy, nhớm nhếch như mẹ, đó là điều thông thường cho những gia đình mới dúm rau, dúm bếp, trái lại những đứa con sinh sau, trẻ trung hơn, khỏe khoắn hơn, tươi đẹp hơn, lại được trang điểm huy hoàng coi vượt hẳn những người anh chúng nó già nua trước tuổi, và đứng hiên ngang bệ vệ như thách đố với sức tàn phá của thời gian.
Những xưởng cũ làm liền xít chung quanh nhà “máy cái” trên một khoảng đất chật hẹp, còn những xưởng mới dựng cách xa nhau bằng những đường sắt. Trên những cơ xưởng mới đó có một hệ thống dây điện, chằng chịt như một màng lưới mắc ngang trời.
Liên ngồi im lặng ngắm từ những ống khói cao, những ngọn thu lôi nhọn hoắt cho đến những cột điện, những toa xe hỏa, những kho chứa than, rồi nàng nghĩ cái thành phố chết này sáng mai nhờ hơi than lửa sẽ hồi sinh, máy móc sẽ chuyển động, sẽ quay cuồng, khói tỏa mù trời và tiếng ầm nhức óc, chẳng kém huyên náo, rộn rịp như ở Saint Denis mà nàng đã trông thấy khi rời Ba Lê.
Rồi nàng nhìn xuống làng. Làng cũng theo nhịp của nhà máy mà bành trướng thêm: những mái nhà cũ với những cây hoa thiên thảo trùm lên như những cái mũ vàng, ở liền sát nhau chung quanh một ngôi nhà thờ cổ kính. Những mái mới còn giữ mầu đỏ của ngói ở lò ra chưa được bao lâu. Những nhà này ở rải rác theo bờ sông con, giữa những khu vườn rộng và những đám cây trong thung lũng. Nhà cửa trong làng bày ra một cảnh tượng trái ngược với những nhà máy cơ xưởng, nghĩa là những nhà cũ trông chắc chắn và vui mắt, còn những nhà mới thì đơn sơ bần bạc, tỏ ra rằng người dân Mạc Quang ngày xưa sống về nông nghiệp được sung túc hơn là kỹ nghệ như ngày nay.
Trong đám nhà cũ nói trên, có một ngôi nhà trông vẻ đặc biệt hơn, ở giữa một thửa vườn trồng những cây to và có một con đường xây đi đến nhà giặt quần áo. Ngôi nhà này nàng đã biết: chính là nơi ông Vĩnh Phan đến ở đầu tiên để lập nghiệp ở Mạc Quang rồi mãi sau ông mới bỏ để ra ở lâu đài. Nhà giặt quần áo kia, nàng cũng biết. Ngày còn nhỏ, cha nàng đã ngồi hàng giờ để nghe những người đầy tớ gái vừa vò quần áo vừa kể chuyện cổ tích. Những chuyện đó nhiều lần cha nàng kể lại nghe nên nàng vẫn còn nhớ, tiếng cha nàng vẫn còn văng vẳng bên tai như nàng mới được nghe hôm nào.
Mặt trời xế chiều, rọi ánh nắng vào chỗ nàng ngồi. Nàng phải đứng dậy đi vài bước tìm một chỗ khác cũng có cỏ mềm và thơm, cũng dễ nhìn xuống làng và thung lũng, nàng ngồi đó thấy thư thái tâm hồn mà đã lâu nàng chưa được thảnh thơi như thế.
Tuy nhiên, trong lúc thư tâm nàng không quên rằng trong tương lai còn nhiều thử thách phải đương đầu chứ chưa hết đâu. Mai đây, nàng có thể có việc làm, có bánh ăn, có chỗ ngủ nhưng còn cái nguyện vọng của mẹ nàng trao cho nàng để thực hiện xét ra thực khó khăn, mỗi khi nghĩ đến, nàng không khỏi lo âu. Nhưng dù sao đến được làng Mạc Quang này cũng là một công trình quá lớn lao đối với nàng. Bây giờ muốn đi tới đích, nàng sẽ còn vấp phải bao nhiêu cản trở trên đường, dù khó, dù lâu, nàng quyết tâm phấn đấu đến cùng. Tìm được một mái nhà để trú thân, kiếm được mười xu một ngày để sinh sống, đó chẳng phải là sự may mắn đã bắt đầu ủng hộ cho một người con gái cực khổ từng lấy đường cái làm giường, lấy vỏ cây phong làm bữa hay sao ?
Nàng nghĩ sáng mai nàng sẽ bước vào một đời sống mới. Nàng cần phải đặt một chương trình để theo, định cái gì đáng làm, cái gì không nên làm, cái gì đáng nói, cái gì không đáng nói. Điều này khó quá vì nó là một công việc nặng nề quá sức non nớt của nàng. Nếu mẹ nàng sống mà đến được đây, mẹ nàng có thể giải quyết được. Nay nàng không có kinh nghiệm, kém sáng suốt, kém khôn ngoan, thiếu ý nhị, nghĩa là không được một đức tính nào như mẹ nàng cả, nàng chỉ là một đứa trẻ con, không được dìu dắt, không nơi nương tựa, không người khuyên bảo, thì làm sao mà thành công được.
Nghĩ tới đó, nước mắt ở đâu dàn dụa ra, nàng không cầm giữ được. Nàng nức nở khóc và gọi khẽ: “Mẹ ơi ! Ối mẹ ơi !” như nhiều lần nàng đã kêu mẹ sau khi từ giã nghĩa trang, để phù hộ và cứu nguy cho nàng.
Thực vậy, mẹ nàng chẳng đã cứu nàng, thêm sức cho nàng, đỡ nàng dậy khi nàng bị ngã gục dưới sức nặng của lao khổ và tuyệt vọng ở dọc đường ? Nếu nàng không tâm niệm câu cuối cùng của người mẹ khi hấp hối: “Mẹ trông thấy … phải, thấy con được sung sướng !”, mỗi khi nàng nản lòng thì nàng đâu có chịu đựng được đến cuối cùng ? Phải chăng những người sắp chết, thì cái linh hồn thoát ra phảng phất ở không trung, và biết trước được những điều bí ẩn mà những người trần không tài nào đoán được.
Mối trầm tư đó không làm yếu lòng nàng, trái lại đã làm cho nàng phấn khởi, chứa chan hy vọng và tin tưởng. Ngọn gió chiều hiu hiu thổi qua mặt nàng êm ái làm sao, tựa hồ như bàn tay vô hình của mẹ nàng đến vuốt ve đôi má đẫm lệ của nàng, và như có tiếng thoảng bên tai: “Mẹ trông thấy con được sung sướng !”
Tại sao lại không ? Tại sao mẹ nàng lại không ở cạnh nàng trong lúc này, cúi xuống mình nàng như một bà Tiên hộ mệnh ?
Thế thì nàng có thể nói chuyện với mẹ nàng, bảo mẹ nàng nhắc lại cho nàng nghe những điều tiên tri mà mẹ nàng đã tiết lộ khi ở Ba Lê để nàng vững dạ. Nhưng dù ở trong cơn cuồng tín, nàng vẫn biết mẹ nàng không thể nói lên lời như người sống được, mặc dầu những vong hồn có thể phát biểu ý kiến cho những người nào biết huyền bí đó.
Nàng đăm chiêu tìm tòi, nghĩ ngợi. Bỗng mắt nàng đưa tới một khóm cúc hoa trắng gần đám cỏ nàng nằm. Nàng vội đứng dậy, chạy đến nhắm mắt hái vài bông, không lựa chọn gì cả.
Hái xong, nàng về chỗ, ngồi xuống và trầm lặng nghĩ ngợi. Xong bằng một tay run run vì xúc động, nàng bắt đầu ngắt từng cánh hoa và lẩm bẩm đếm.
“Tôi thành công ít, nhiều, hoàn toàn, thất bại, tôi thành công ít, nhiều, hoàn toàn, thất bại”.
Cứ như thế nàng trịnh trọng rứt và đếm từng cánh hoa cho đến khi chỉ còn trong tay vài cánh.
Còn bao nhiêu ? Nàng ngừng lại không đếm nữa vì số cánh còn lại đã trả lời nàng. Nhưng để chắc thêm, nàng lại tiếp tục:
– Tôi thành công … ít, … nhiều,… hoàn toàn.
Ngay lúc đó một làn gió ấm thổi vào tóc nàng, môi nàng: mẹ nàng đã âu yếm hôn nàng và trả lời nàng.