MỤC LỤC
- PHẦN I
- Nguyễn Lộ Trạch và Thiên Hạ Đại Thế Luận
- Phan Châu Trinh (1872-1926) Cuộc Đời, Tư Tưởng, Hoạt Động
- Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu (1867-1940)
- PHẦN II
- Căn Cứ Địa Của Phong Trào Duy Tân
- Phát Động Phong Trào
- Nam Du
- Khi Phan Châu Trinh Xuất Ngoại Trở Về
- PHẦN III
- Từ Lý Thuyết Tới Thực Hành
- Hợp Thương Và « Quốc Thương »
- Học Không Thi ? Học Để Biết
- Một Anh Hùng Thảo Dã : Lê Cơ
- Các Hiện Tượng Khác Của Phong Trào
- Nghệ Tĩnh, Lãnh Tụ Phong Trào Duy Tân Bị Bắt Trước Nhất
- Đông Kinh Nghĩa Thục Hay Phong Trào Duy Tân Miền Bắc
- PHẦN IV
- Những Cuộc Biểu Tình Vĩ Đại 1908
- Diễn Tiến : Dân Làm Chủ Tình Hình
- Khủng Bố Trắng
- Dọc Theo Dãy Trường Sơn Đến Hà Nội
- Cái Quan Luận Định
- PHỤ LỤC
- Sách Báo Tham Khảo
NGHỆ TĨNH, LÃNH TỤ PHONG TRÀO
DUY TÂN BỊ BẮT TRƯỚC NHẤT
PHONG TRÀO Duy Tân ở Thanh Nghệ lẽ tất nhiên cũng rất mạnh như truyền thống tranh đấu oai hùng của khu vực ấy.
Huỳnh thúc Kháng đã từng có nhận xét như sau trong «Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908» 1 mà tôi đã nhắc ở một phần trên : « Nghệ Tĩnh và Nam Nghĩa, từ phái văn học đến phái Cần Vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong trào Tân Học cải cách cùng Đông học cán dùi trống một nhịp với nhau, dân Nghệ Tĩnh hò reo như gió đưa diều… » (Vụ kháng thuế 385)
Phan châu Trinh vốn là bạn thân của Ngô đức Kế, thi đỗ đại khoa cùng một năm, đã cùng nhau chủ trương và lãnh đạo Phong Trào Duy Tân, lập ra Minh xã. Ngô đức Kế là một nhân vật nhiệt thành với Duy Tân, bị tù tội, đày ải nhiều năm rồi sau này, khi rời khỏi Côn Lôn là lại về Hà Nội lập báo Hữu Thanh (1921) và nhất mực đề cao chánh học quảng bá, tất cả những tài liệu nào của Phan châu Trinh còn lại (trong đó có cả Giai nhân kỳ ngộ bị tịch thu lập tức) cùng Huỳnh thúc Kháng làm sống lại chủ thuyết Dân Quyền, phổ biến tư tưởng Tân học chính đáng. Huỳnh thúc Kháng giới thiệu Ngô đức Kế 2 sau khi cho biết qua người có vinh dự đứng đầu sổ tù Côn Lôn là Phan châu Trinh, nhưng còn :
«…mang cái chức tù vào ngục thì cụ Tập Xuyên lại là người thứ nhứt, vì lúc cụ Tập Xuyên vào ngục, cụ Tây Hồ còn đương ở Hà Nội (1907).
Cụ tên Đức Kế, họ Ngô, con quan tham tri Ngô huệ Liên, đỗ tấn sĩ cùng khoa Tân Sửu triều Thành Thái. Khoa hoạn nối đời, vẫn là một nhà danh phiệt ở tỉnh Hà Tĩnh.
Sau đỗ rồi, cụ ở nhà đóng cửa đọc sách, thường lưu tâm đến việc nước. Học thuyết Âu Tây mà người Tàu đã dịch thành sách, cụ đọc được nhiều và có chỗ tâm đắc. Trong khoảng ấy, kể phong triều bài xích khoa cử, đề xướng tân học, cụ là một người rất khẳng khái.
Sau cụ Sào Nam đông độ rồi, có tên Ngụy tác Hạ, do viên án sát Hà Tĩnh lúc ấy là Cao 3 xui nó khai vu cho cụ, kêu án tiềm thông dị quốc bị bắt giam ở ngục Hà Tĩnh gần một năm, sau đày ra Côn Lôn. Lúc còn ở ngục Hà Tĩnh có bài thi :
Mã tự du long, xa tự lưu,
Vấn dư hà sự độc ưu sầu
Niên lai ái thuyết văn minh học
Dinh đắc nam quan tác sở tù.
Dịch :
Xe như nước chảy, ngựa như rồng
Vì cớ gì ? ta vẫn bực lòng.
Ham học văn minh đà mấy lúc
Mão tù đâu khéo cấp cho ông !
Học văn minh mà đổi được chức tù, câu nói chua cay và sâu sắc. Tuy vậy, giá trị văn minh, muốn mua nó há chỉ tù mà thôi đâu ». (Thi Từ Tùng Thoại 12, 13)
Về Ngô đức Kế, Phan châu Trinh cũng có cho biết là một nhân vật lỗi lạc của Phong Trào Duy Tân, và vụ bắt giam trên này rất oan : « Ông thi đậu tiến sĩ (cùng một khoa với tôi) rồi không ra làm quan, ở nhà lập phố buôn và lập trường học, lập thơ xã 4 . Năm 1907, ông ấy bị quan án sát tỉnh là Cao ngọc Lễ 5 vu làm giặc, bắt giam ở tỉnh một năm, xét không có thiệt trạng và không chứng cớ. Nhật (?) báo Bắc Kỳ thường nói ông oan không tội, lại chỉ trích vết xấu của quan án sát ra, ai cũng biết ông bị vu oan, nên kết án không thành, phải thả ra. Năm 1908, thừa dịp các tỉnh nổi dậy, khâm sứ nghiêm sức một loạt kết án, nên ông bị xử tử đày Côn Lôn, cha làm tham tri cũng bị đuổi về ». (Trung Kỳ dân biến (sđd) trang 35)
Theo Huỳnh thúc Kháng thì khi bị bắt, ông cha là Ngô huệ Liên bảo con tự tử, nhưng Ngô đức Kế biết mình còn sống, cần phải sống để «học ở nhà trường thiên nhiên» (lao tù) đặng sau này hành động giúp dân, giúp nước nên không chịu nghe lời cha.
Ngoài Ngô đức Kế, thân sĩ Nghệ An lừng lẫy trong Phong Trào Duy Tân là Đặng nguyên Cẩn. Ông hiệu Thái Sơn, đỗ phó bảng, làm quan đến Đốc học, được sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu và là bạn già của Sào Nam. Ông kết giao với Huỳnh thúc Kháng, đã vài năm giao nhau bằng tinh thần, trên làng học mới mà chưa biết mặt nhau. Huỳnh thúc Kháng mô tả ông :
« Vóc người nhỏ bé, mặt mũi đen xám, ngoài văn học ra, toàn không biết cái thứ gì. Tướng cụ xấu, nếu như người không quen biết mà mới gặp cụ lần đầu tất cho là cái người không biết chữ «nhứt là một» mà ai có dè trong bụng như kho sách, khí áp ngàn quân, cái ngòi bút cổ cảnh không ai sánh, cùng với cái tướng xấu quê đen quạm kia, hiệp thành cái lạ mà người đời ít có !
Phong triều tân học ở Nghệ Tĩnh, cụ cùng cụ Ngô tập Xuyên đề xướng, mà cụ chuyên về mặt giáo dục, thường tự sánh với Phúc Trạch Dụ Cát (nhà đại giáo dục Nhật Bản về đời Minh Trị duy tân, lập Khảng 6 Ứng nghĩa Thục) Nhật Bản. Cụ trước có làm quan tại Kinh, sau làm Đốc học Nghệ An và Đốc học Bình Thuận, quan trường vẫn trọng cụ Cụ giao du khắp cả trong nước, thường tự xưng là phái ôn hòa, lấy việc đào tạo bọn hậu tiến làm trách nhiệm mình. Bọn học trò cụ ở Nghệ Tĩnh nhiều người xuất sắc, trong đám tân học như Ngư Hải (Đặng thếThân) Tùng Nham (Nguyễn văn Ngôn) đều là học trò cao túc của cụ, sau chết về việc nước cả ». (T.T.T.T)
Sau này về vụ Phong Trào Duy Tân, ông Đặng nguyên Cẩn bị đày ra đảo Côn Lôn có làm bài thi bày tỏ chí hướng hoài bão, vẫn một lòng nhớ công cuộc giáo dục thanh niên và vẫn tự xưng mình ở phái ôn hòa :
Hồi thủ Hà Sơn bách cảm tình,
Kỷ nhân đông độ, kỷ nam thành ?
… … …
Phiên phiên thiếu tuấn thục tài thành
Bình sanh mạn đạo ôn hòa phái,
Tàm quí Ai đình A lạc khanh. 7
Huỳnh thúc Kháng dịch :
Ngảnh lại non sông rối ruột tằm,
Mấy người đông độ, mấy vào Nam
… … …
Trẻ trăng một lũ có ai chăm.
Bình sanh vẫn phái ôn hòa đấy,
Ai lạc, ai đinh hỗ phải cam.
Gần đây, tôi có nghe một đôi người bảo Đặng nguyên Cẩn thuộc phái thiết huyết, cấp khích, nhưng những bài thơ trên chứng minh rất hùng hồn ông là của phái Duy Tân và Duy Tân ôn hòa là khác. Ông vẫn thường tỏ chí ấy. Sau này, khi đang ở tù, ông vẫn một mực tích cực phát huy tư tưởng Duy Tân, chống cả người anh em (?) là Đặng văn Bá hiệu Nghiêm Giang con cụ Thám Hoa Đặng văn Kiều. Ông Văn Bá «tánh tình phụ khí», không phục ai, ghét khoa học, triết học, học thuyết Âu Tây, mà lại ham dịch lý, bói toán. Hai người ở trong tù vẫn tranh luận thuyết quân quyền, dân quyền rất quyết liệt. Nguyên Cẩn có làm ba bài thi ngụ ý châm phúng mà Huỳnh thúc Kháng còn nhớ một số câu, dịch ra Việt văn :
Chết sống đã đành vì chủng tộc,
Công danh nào phải bởi người riêng.
… … …
Há phải còn vua nước mới còn,
Hoàng thống dám xưng dân tặc hậu 8
Người si còn tưởng đế quyền cao.
Đối với Dịch lý, bói toán, ông cũng thẳng tay công kích óc mê tín của Nghiêm Giang :
Từ bọn Hán nho bày thuật số,
Giống độc luôn luôn truyền đến nay.
… … …
Hai mắt đã trông rành cuộc thế,
Một kim cần phải tỉnh lòng người…
Huỳnh thúc Kháng cũng có họa lại. Tôi chép luôn ra đây để cho bạn đọc thấy rõ tư tưởng Dân quyền của ông Huỳnh thật là sắt thép, như một chân lý không cần bàn cãi :
Ngàn năm học cũ nước trôi mòn,
Sóng mới năm châu khéo cuốn tròn.
Đều nói không ngôi vua mới quí,
Chả nghe thủ cựu nước nào còn.
Lư Xoa luận nọ, xoay trời đổ, 9
Thịnh Đốn thành kia khắp đất tôn. 10
Kìa sử đông tây tranh cạnh đấy,
Vì ai giọt máu cứ trôi dồn.
(T.T.T.T. 150)
Công nghiệp của các nhân vật này, Phan châu Trinh đã nhắc là lập phố buôn, lập trường học, lập thờ xã, nghĩa là cũng đủ những cơ sở cần thiết của Phong Trào Duy Tân. Tôi chưa có những tài liệu thật tỉ mỉ để cho biết kỹ hơn. Chỉ có nghe nhắc đến Hợp Thương Triều Dương, Huỳnh thúc Kháng có nhắc tới mà trong tự phán của Phan bội Châu cũng có nói qua : « Nhưng ông Ngư (Ngư Hải Đặng thái Thân hay Hải Côn, một đồng chí quan trọng bậc nhất của Phan sào Nam sau Tiểu La Nguyễn Thành) không muốn tôi vào Kinh, cố ngăn tôi lại, nên tôi lại quay ra Nghệ, ước với cụ Thái Sơn (tức Đặng nguyên Cẩn, thày dạy Ngư Hải), mật hội với nhau trong một chiếc thuyền (…) cụ nhân nói với tôi rằng : «chúng ta nên ở trong nước nhân phong triều này, tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể, đặng sau dễ cổ động tấn hành. Việc này để tôi với anh em Tập Xuyên mấy ông xem tính với nhau». Tôi cực lực tán thành. Đến ngày sau Triều dương thương quán và nông hội, học hội ở mọi nơi lần lượt sáng lập, thảy là noi tôn chỉ đó». (Tự Phán 58, 59)
Theo Phan bội Châu, việc bàn luận này đã có từ năm 1905, sau tháng bảy. Như thế thì ta có thể đoán công cuộc liên kết của Minh xã Phan châu Trinh – Ngô đức Kế đã có từ trước khá lâu và Ngô đức Kế đã dự liệu đứng ra tổ chức đủ các cơ cấu. Theo đoạn văn trên này, ta không thấy nhắc đến chủ thuyết Dân Quyền nên Phan bội Châu cực lực tán thành. Nhưng chúng ta đều biết Ngô đức Kế và Đặng nguyên Cẩn đều là những người xem tân thuyết Dân Quyền như Tôn Giáo, rất cuồng tín thì hẳn khi hoạt động, sẽ không còn đi theo ước vọng của Phan bội Châu nữa. Tuy nhiên, ở Nghệ Tĩnh, lực lượng thiết huyết cực mạnh nên sau này họ lấn áp cả phái Duy Tân. Chính Phan bội Châu sau này cũng thường bực mình vì phái cấp khích ấy, ngay cả trong thương quán Triều dương : « Thượng tuần tháng giêng năm Đinh vị (1907) tôi (Phan bội Châu) về tận Hà Nội, chỉ ở lại một ngày một đêm, vừa đụng cụ Tập Xuyên (Ngô đức Kế) từ tỉnh Nghệ lại hội với tôi. Lúc đó Triều Dương thương điếm đã thành lập nhưng nghe nói người trong điếm ham bàn cách mạng lắm tôi lấy làm lo, vì ngôn luận với thực hành, không thể nào đồng một chốn, một thời giờ mà thu được hiệu quả cả hai bên. Tôi có nói với cụ Tập Xuyên, nhưng cũng đã muộn rồi ». (T.P. 86)
Dù sao, chúng ta thấy chỉ duy ở Thanh Nghệ hai phái Quang Phục và Duy Tân còn có sự liên hệ nhau. Còn như ở Quảng và Hà Nội, hai phái tách rời hẳn nhau để dễ làm việc, chỉ giúp nhau trên mỗi một khoản bí mật, tiền bạc cho du học sinh, nhưng cũng nơi có, nơi không. Sở dĩ chỉ có khoản ấy vì Phan châu Trinh đã đồng ý nên có lẽ ông cũng tán thành việc giúp đỡ. Còn các hoạt động khác, họ đi riêng nhau, có khi chống nhau «cơ hồ lên nổi đảng tranh» như Phan bội Châu từng ghi nhận trong Tự Phán (trang 87)
Và chính vì có sự liên hệ mật thiết với nhau nên tổ chức Phong Trào Duy Tân ở Thanh Nghệ bị chú ý trước tiên rồi lãnh tụ Duy Tân thứ nhứt bị bắt cũng tại đó. Ngô đức Kế bị bắt từ 1907 rồi ở tù luôn cho đến sau này phải đưa ra Côn Đảo sau Dân biến 1908.
--------------------------------1 | Thi văn quốc cấm, Khai Trí 1968. Nhiều chỗ sẽ in tắt là Vụ Kháng thuế. |
2 | Hiệu Tập Xuyên, làng Trảo Nha, Hà Tĩnh, tiến sĩ 1901. |
3 | Tức Cao ngọc Lễ, xem sau. |
4 | Xem thế thì trước 1907 (Đông Kinh Nghĩa Thục) Nghệ Tĩnh đã có đủ cơ sở Duy Tân rồi. |
5 | Cao ngọc Lễ, học trò của Tống Duy Tân. Năm Ất Dậu, ông Tân theo thân sĩ khởi nghĩa, sau biết việc không thành, muốn ra thú mà không ai dẫn đường, nghe nói Cao ngọc Lễ làm người hầu quan Pháp, bảo người tới cậy Cao ngọc Lễ nói trước với quan Pháp, để ông ra đầu mới tiện, Ngọc Lễ giả nhận lời, lại bảo ông đến chỗ nọ ở chờ, ông tin lời làm theo và nói với quan Pháp, xin binh vây bắt được ông, sợ ông tố cáo lộ việc gian dối ra nên xin giết gấp ông đi, vì có công đó được làm quan (P.C.T.) |
6 | Hay Khánh ? trong Đông Kinh Nghĩa Thục (sđd) Nguyễn hiến Lê vẫn gọi Khánh Ứng Nghĩa Thục. |
7 | A lạc Khanh, danh nhân nước Ai Cập (H.T.K). |
8 | Sách ghi lộn là dặc tặc hậu. Câu này chắc là nhắc lại lời tự xưng của Cường Để khi ở Hương Cảng gởi lời về hiệu triệu quốc dân. Và sở dĩ Cường Để tự xưng dân tặc hậu là vì nghe Phan châu Trinh bài xích đau đớn nặng nề đế quyền và xem như mình là con cháu bọn giặc của dân. |
9 | Lư Xoa (J.J. Rousseau) (1712-1778) làm sách Le contrat social (Dân Ước) gây ra ảnh hưởng Dân Quyền. |
10 | Hoa Thịnh Đốn (Washington) 1732-1799 dựng nên nước Cộng hòa Hoa Kỳ. |