MỤC LỤC
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
13
Dưới trời mưa tầm tã, hộp đựng giày kẹp nách, bàn tay trái băng bó, Albert đẩy rào chắn bước vào một khoảnh sân nhỏ nơi chất đống những rầm cửa, bánh xe, mui xe ngựa đã bục, ghế dựa gãy, những thứ vô bổ, không biết chúng được mang đến đây bằng cách nào và để làm gì. Bùn ngập khắp nơi, và Albert thậm chí còn không tìm cách bước trên những viên gạch lát được xếp theo hình bàn cờ, bởi vì mưa lụt mới đây đã đẩy gạch rời xa nhau quá, cho nên có lẽ phải nhảy như làm xiếc thì mới không bị ướt chân. Anh không còn giày cao su từ khi đôi sau cùng bị hỏng, dù sao đi nữa, tay ôm hộp các tông đầy ống thủy tinh mà nhảy như vũ công thì… Anh nhón chân đi qua sân, đến một ngôi nhà nhỏ, có một tầng đã được quy hoạch lại để cho thuê với giá hai trăm quan, chẳng là gì so với giá tiền thuê nhà trung bình ở Paris.
Họ đã chuyển đến đây sống vào tháng Sáu, ít lâu sau khi Édouard trở lại làm dân thường.
Hôm đó, Albert đến đón Édouard ở bệnh viện. Dù ít tiền nhưng anh cũng bấm bụng đi taxi. Từ khi cuộc chiến kết thúc, người ta đã thấy nhiều người cụt tay cụt chân đủ loại - trong lĩnh vực này, chiến tranh cũng có một trí tưởng tượng không thể ngờ - nhưng sự xuất hiện của quái vật Golem 1 khập khiễng trên cái chân cứng đơ với một lỗ thủng ngay giữa mặt vẫn làm cho tay tài xế người Nga khiếp đảm. Bản thân Albert, mặc dù tuần nào cũng đến bệnh viện thăm bạn, mà còn thấy ngạc nhiên. Ở bên ngoài, ấn tượng mà lỗ thủng ấy tạo nên không hề giống như khi ở trong phòng. Như thể người ta dắt một động vật vườn thú đi dạo ngay trên phố. Suốt chặng đường, họ chẳng nói một câu.
Édouard không có nơi nào để đi. Khi đó Albert đang ở trong một gian phòng chật chội trên tầng bảy áp mái, gió thông thốc thổi, trong hành lang có chuồng tiêu và vòi nước lạnh, anh rửa ráy trong chậu thau và đi nhà tắm công cộng khi cần. Édouard vào phòng, vẻ như không nhìn nó, ngồi lên một chiếc ghế dựa đặt gần cửa sổ và ngắm đường phố, bầu trời; rồi châm một điếu thuốc qua lỗ mũi phải. Albert hiểu ngay rằng cậu ta sẽ không bao giờ rời xa nơi này nữa và gánh nặng này sẽ nhanh chóng trở thành nguồn sống thường nhật đích thực.
Cuộc sống chung trở nên khó khăn ngay lập tức. Chỉ riêng thân hình của Édouard, lêu nghêu, gầy còm - chỉ những con mèo xám chạy qua trên mái nhà mới gầy hơn - đã choán hết cả chỗ. Gian phòng vốn đã chật hẹp cho một người; hai người thì chẳng khác gì sự chung lộn trong chiến hào. Rất dễ nản. Édouard ngủ dưới sàn, trên một tấm chăn, hút thuốc cả ngày, cái chân cứng đờ duỗi ra phía trước, mắt nhìn cửa sổ. Trước khi đi, Albert chuẩn bị cho Édouard món gì đó, nguyên liệu, ống dẫn, cao su, phễu, Édouard có thể đụng vào hoặc không đụng vào. Suốt ngày, anh ở nguyên một chỗ, một bức tượng muối. Dường như anh để cuộc sống trôi qua như máu chảy ra từ một vết thương. Việc ở bên nỗi khổ đau khủng khiếp đến mức Albert nhanh chóng bịa đủ cớ để ra ngoài. Thực ra, anh chỉ đi ăn tối ở quán Duval, nhưng một mình trò chuyện với một kẻ sầu bi như thế khiến tinh thần anh suy sụp kinh khủng.
Anh phát sợ.
Anh hỏi Édouard về tương lai của cậu ta, cậu ta định tìm chỗ nương náu ở đâu? Nhưng cuộc tranh luận, đã được khơi gợi nhiều lần, kết thúc ngay khi Albert thấy bạn chiến đấu của mình ủ rũ, đôi mắt đẫm lệ, đôi mắt là thứ duy nhất còn sống trong bức tranh tệ hại đó, ánh mắt điên loạn bộc lộ sự bất lực tuyệt đối.
Thế nên Albert chấp nhận rằng, giờ đây, anh phải chăm lo toàn bộ cho Édouard và trong một quãng thời gian dài dằng dặc, cho đến khi cậu ta đỡ hơn, cho đến khi cậu ta hứng thú trở lại với cuộc sống và có những dự định cho tương lai. Albert ước tính dộ dài của thời kỳ lại sức này bằng tháng, không chịu nghĩ rằng tháng không phải là một đơn vị đúng.
Anh mang giấy và màu về, Édouard phác một cử chỉ cảm ơn nhưng không bao giờ mở hộp ra. Cậu ta đâu phải là kẻ ăn chực hay một kẻ thực dụng, cậu ta chỉ là một cơ thể trống rỗng, không khát khao, không ham muốn, dường như không cả tư tưởng; giả như Albert có buộc cậu ta vào chân cầu như một con vật mà người ta không muốn nuôi nữa rồi ba chân bốn cẳng chạy trốn thì có lẽ Édouard cũng chẳng hề oán thán.
Albert biết khái niệm “suy nhược thần kinh”, anh tìm hiểu, hỏi han đó đây, biết thêm cả những “ưu tư”, “trầm uất”, “trầm cảm”, tất cả những thứ đó chẳng mấy có ích cho anh, điều quan trọng nhất đang ở ngay trước mắt anh: Édouard đang chờ chết, và cho dù thời gian chờ đợi là bao lâu, đó vẫn là lối thoát duy nhất, không bằng một sự thay đổi, sự chuyển tiếp giản đơn từ trạng thái này sang trạng thái khác, được chấp nhận bằng thái độ nhẫn nhịn, như những ông già bại liệt lặng lẽ mà rốt cuộc người ta không còn nhìn thấy nữa, chỉ làm cho người ta ngạc nhiên vào ngày mà họ qua đời.
Albert nói với cậu ta không ngừng nghỉ, tức là anh nói một mình, như một người già trong căn nhà tồi tàn.
- Này, cậu xem, mình có may mắn không này, - anh vừa nói với Édouard vừa làm món trứng rán thịt. - Về chuyện trò ấy mà, có lẽ mình đã gặp phải một thằng đã khó tính lại còn hay chống đối.
Anh thử mọi cách để làm cho thằng bạn chiến đấu của mình vui tươi lên, bởi vì anh muốn cải thiện tình trạng của cậu ta, và để thấu hiểu điều vẫn còn là một bí ẩn đối với anh, kể từ ngày đầu tiên: Édouard sẽ làm thế nào khi cậu ta muốn cười sảng khoái? Có lẽ khả dĩ nhất là cậu ta phát ra những tiếng the thé trong cổ họng, giống như những tiếng tỉ tê khiến bạn cảm thấy khó chịu và làm cho bạn có ý muốn giúp đỡ, như khi ta nói từ nào đó để chữa cháy cho một người nói lắp đang bị ngắc ngứ một âm tiết, khá là bực. May mà Édouard ít khi phát ra những âm thanh đó, có vẻ đó là việc làm cậu ta mệt nhất. Nhưng vấn đề cười thì Albert không thể nào giải quyết được. Vả lại, từ khi bị chôn vùi dưới đất, đó không phải là suy nghĩ duy nhất gần giống với một nỗi ám ảnh. Ngoài căng thẳng, lo lắng thường trực và sợ hãi tất cả những gì có thể xảy đến, anh bị những ám ảnh giày vò đến kiệt sức, như mới đây, anh chăm chăm nghĩ đến việc tái tạo cái đầu ngựa chết. Anh đã cho đóng khung bức tranh của Édouard, dù tốn tiền. Đó là vật trang trí duy nhất trong phòng. Để khích lệ bạn tiếp tục vẽ, hoặc chỉ đơn giản là làm gì đó cho hết ngày, thỉnh thoảng anh đứng trước mặt cậu ta, tay cho vào túi quần, vừa ngắm nghía bức tranh một cách phô trương vừa bảo rằng anh chàng Édouard này thực sự, thực sự có tài, và nếu anh ta muốn… Nhưng chẳng được tích sự gì, Édouard châm một điếu thuốc khác, bằng lỗ mũi trái hay phải gì đó, và mải miết ngắm nhìn những mái nhà bằng kẽm và những ống khói, những thứ tạo nên phần cơ bản nhất của cảnh quan. Anh chẳng thích thú gì, chẳng có dự định nào trong suốt từng ấy tháng nằm viện, nơi anh dành phần lớn sức lực để phản đối mệnh lệnh của các thầy thuốc, bác sĩ phẫu thuật, không chỉ vì anh không chấp nhận tình trạng mới của mình mà còn bởi anh không thể nào hình dung được ngày tiếp theo, tương lai anh sẽ ra sao. Thời gian đã đột ngột dừng lại khi quả pháo nổ. Édouard còn tệ hại hơn một cái đồng hồ treo tường hỏng, chí ít thì đồng hồ hỏng cũng còn cho ta biết thời giờ chính xác hai lần mỗi ngày. Anh hai mươi tư tuổi, và một năm sau ngày bị thương, anh vẫn không thể trở lại thành thứ gì đó giống với con người trước đây của mình. Không thể khôi phục bất cứ điều gì.
Édouard đã thẫn thờ rất lâu, căng mình trong thái độ kháng cự mù quáng, giống như những người lính khác, theo cách người ta vẫn nói, bất động trong tư thế khi người ta tìm ra họ, co quắp, rúm ró, quăn queo, những gì cuộc chiến này đã tạo ra thật điên rồ. Sự khước từ của anh được thể hiện trên gương mặt của giáo sư Maudret, một kẻ đểu cáng theo ý anh, quan tâm đến y học và những tiến bộ của ngành phẫu thuật hơn là quan tâm đến bệnh nhân; nhận định này có lẽ vừa đúng vừa sai, nhưng Édouard là kiểu người quyết đoán, mặt anh có một lỗ thủng ngay chính giữa và anh không phải kiểu người hay cân nhắc. Anh bấu víu vào moóc phin, dùng toàn bộ sức lực để tìm cách được kê moóc phin, hạ mình dùng đến những mưu hèn kế bẩn không hề xứng với anh, van xin, gian lận, yêu sách, giả bộ, ăn cắp, có lẽ anh nghĩ rằng moóc phin có thể giết chết mình, tôi mặc kệ, luôn luôn phải dùng nhiều hơn, và vì anh khăng khăng từ chối tất cả, ghép mặt, dùng bộ phận giả, thiết bị hỗ trợ, rốt cuộc giáo sư Maudret đã tống anh ra ngoài; quá mệt với loại người này, đề xuất với họ những đột phá mới nhất trong ngành phẫu thuật thì họ lại thích giữ nguyên hiện trạng, họ nhìn chúng tôi như thể chính chúng tôi là những người đã nã pháo vào họ. Đồng nghiệp của họ là các bác sĩ tâm thần (anh lính Larivière đã gặp nhiều, nhưng vốn là một người khép kín, ương bướng, anh không bao giờ trả lời họ), và các bác sĩ tâm thần thì có những lý thuyết về sự cự tuyệt bướng bỉnh của loại thương binh đó; giáo sư Maudret phớt lờ những cách lý giải này, ông ta nhún vai, muốn dành thời gian và khoa học cho những người xứng đáng để ông làm việc với cường độ đó. Ông ta ký giấy xuất viện mà chẳng thèm nhìn mặt Édouard.
Édouard ra viện cùng với các đơn thuốc, một liều moóc phin cực nhỏ và cả đống giấy tờ mang tên Eugène Larivière. Vài giờ sau, anh ngồi trên một chiếc ghế dựa trước cửa sổ, trong căn hộ bé xíu của đồng đội; sức nặng của cả thế giới đè lên vai anh, như thể anh vừa bước vào xà lim sau khi bị kết án chung thân.
Cho dù không thể kết nối các ý với nhau, Édouard vẫn nghe Albert nói về cuộc sống thường nhật, cố gắng tập trung, ừ tất nhiên rồi, phải nghĩ đến chuyện tiền nong, đúng như vậy, anh sẽ làm gì bây giờ, làm gì với tấm thân to lớn của mình, không thể vượt qua nhận định đơn giản đó, trí lực anh chuội đi như nước đổ lá khoai; khi anh tỉnh lại thì trời đã tối, Albert đi làm về, hoặc ngay giữa trưa và cơ thể anh đòi được tiêm moóc phin. Dù sao anh cũng cố gắng, thực sự cố tưởng tượng những gì sắp xảy ra, nắm tay anh siết lại, chẳng được gì cả, suy nghĩ của anh lỏng toẹt, kẽ hở nhỏ nhất cũng lọt qua, bị xóa nhòa ngay, nhường chỗ cho những nghiền ngẫm triền miên. Quá khứ của anh như một dòng sông, lộn xộn, chẳng trước chẳng sau. Hình ảnh trở đi trở lại thường xuyên là mẹ anh. Anh chỉ còn nhớ rất ít về mẹ, và với những gì ít ỏi còn sót lại, anh bám riết vào đó; những hồi ức mơ hồ, tập trung vào những cảm giác, mùi hương xạ mà anh cố tìm lại, bàn trang điểm màu hồng của mẹ với chiếc ghế tròn có túp len, những lọ kem, những cái bàn chải, lớp vải xa tanh mượt mà anh đã níu lấy vào buổi tối khi mẹ cúi xuống người anh, hoặc tấm lắc bằng vàng mà bà cúi xuống mở ra cho anh xem như một điều bí mật. Trái lại, anh chẳng nhớ gì về giọng nói của bà, về những gì bà nói, về ánh mắt của bà. Mẹ anh đã tan biến trong ký ức anh, chịu chung số phận với tất cả những người còn sống mà anh từng quen biết. Phát hiện này khiến anh sửng sốt. Từ ngày anh không còn mặt, tất cả những gương mặt khác cũng bị xóa nhòa. Những gương mặt của mẹ anh, bố anh, bạn bè anh, của những người anh yêu, của các thầy cô giáo, của chị Madeleine… Chị Madeleine cũng trở về nhiều lần. Không có gương mặt chị, những gì còn lại chỉ là tiếng cười. Anh không biết có tiếng cười nào lảnh lót hơn thế. Édouard đã làm những điều kỳ quặc để nghe tiếng cười đó và việc đó cũng không đến nỗi khó lắm, một bức vẽ, hai điệu bộ nhăn nhó, bức biếm họa về một người ở - bọn người ở cũng cười bởi vì Édouard không hề ác ý, rõ ràng là thế - nhưng đặc biệt là màn hóa trang, anh vô cùng thích hóa trang và cực kỳ tài giỏi về khoản này, hóa trang mà chẳng mấy đã biến thành giả trang. Với màn trang điểm, tiếng cười của Madeleine có phần gượng gạo, không phải vì chị, không đâu, mà “vì bố, chị bảo, bố mà thấy thế này”. Chị cố gắng để mắt đến mọi thứ, đến từng chi tiết. Đôi khi, tình huống trở nên vượt quá tầm kiểm soát của chị, và sẽ là những bữa ăn tối lạnh nhạt, nặng nề, bởi vì Édouard đã xuống, giả vờ quên lau chùi mascara. Ngay khi nhận ra, ông Péricourt đứng dậy, đặt khăn ăn xuống và yêu cầu con trai bước ra khỏi bàn ăn, này, gì thế, Édouard hét toáng lên, vẻ bực bội một cách giả tạo, con có làm gì nữa đâu, nhưng khi ấy chẳng ai cười cả.
Những gương mặt đó, kể cả gương mặt của anh, đã biến mất, chẳng còn gương mặt nào. Trong một thế giới không có mặt, người ta còn biết bấu víu vào cái gì, đánh nhau với ai? Với anh, đó chỉ còn là một thế giới gồm những hình người bị chặt đầu, trong đó, do quy luật bù trừ, tỷ lệ giữa các phần cơ thể tăng lên gấp bội, chẳng hạn như những bộ phận nặng nề trên cơ thể của bố anh. Những cảm giác về thời ấu thơ nổi lên như bọt nước, khi là cơn rùng mình thú vị bởi run sợ xen lẫn khâm phục khi tiếp xúc với ông, khi là cách ông vừa nói vừa mỉm cười: “Phải không, con trai?” và bắt anh làm chứng trong những cuộc tranh luận của người lớn và về những chuyện mà anh không hiểu. Tưởng chừng như trí tưởng tượng của anh đã trở nên nghèo nàn, chỉ còn là những hình ảnh sẵn có. Thế nên, đôi khi anh thấy dường như ngay trước bố anh là một cái bóng mênh mông, đặc sệt như con yêu tinh trong những bộ ảnh. Và cả tấm lưng của bố anh nữa! Tấm lưng rộng và kinh khủng, đến mức anh thấy lưng bố cũng lớn bằng cả người anh, lấn át anh, chỉ riêng tấm lưng thôi cũng biết cách thể hiện sự lãnh đạm, xem thường, chán ghét.
Trước đây Édouard từng căm thù bố mình, giờ thì đã hết: hai người đã gặp nhau trong sự khinh bỉ có đi có lại. Đời Édouard đã tàn bởi đến lòng hận thù cũng không còn để mà chống đỡ. Cả trong cuộc chiến này, anh cũng đã thua.
Thế nên, ngày tháng trôi qua, trở đi trở lại là những hình ảnh, những buồn đau, Albert đi đi về về. Khi phải tranh luận (Albert luôn muốn tranh luận), Édouard ngoi lên từ giấc mơ của mình, đã tám giờ tối, thậm chí anh còn không bật đèn. Albert hăng say như một con kiến, nói năng rất hào hứng, điều quan trọng nhất, đó là những khó khăn liên quan đến tiền bạc. Ngày nào Albert cũng xông vào những cửa hàng Vilgrain mà chính phủ đã mở cho những người nghèo khổ nhất, và bảo rằng cái gì cũng thế, vèo cái là hết. Anh không bao giờ nhắc đến giá moóc phin, đó là cách anh thể hiện mình là người tế nhị. Thường thì anh nói về chuyện tiền nong, nhưng với giọng điệu hầu như vui vẻ, như thể đó chỉ là sự túng thiếu tạm thời, sau này nhớ lại chắc vui lắm, giống như ngoài mặt trận, để thêm vững tin, đôi khi người ta xem chiến tranh đơn giản chỉ là một biến thể của nghĩa vụ quân sự, một công việc cực nhọc nhưng rồi sẽ để lại những kỷ niệm tốt đẹp.
Với Albert, vấn đề kinh tế sẽ được giải quyết ổn thỏa, chỉ có điều chưa biết khi nào mà thôi, phụ cấp thương binh của Édouard sẽ làm giảm gánh nặng về tài chính, sẽ giúp trang trải những nhu cầu của bạn anh. Một người lính đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc mà mãi mãi không bao giờ có thể tiếp tục cuộc sống bình thường, một trong những người lính đã chiến thắng, đã bắt nước Đức phải quỳ gối… đó là một chủ đề mà Albert nói không biết chán, anh cộng phụ cấp phục viên, phụ cấp giải ngũ, phụ cấp thương binh, phụ cấp tàn tật…
Édouard lắc đầu từ chối.
- Sao lại không? - Albert hỏi.
Hóa ra là, anh nghĩ, Édouard chưa làm các thủ tục, chưa điền và gửi các loại giấy tờ.
- Mình sẽ làm, ông bạn ạ, - Albert nói, - đừng lo.
Édouard lại lắc đầu. Và vì Albert vẫn không hiểu, anh lại gần bảng giao tiếp rồi lấy phấn viết: “Eugène Larivière”.
Albert nhíu mày. Édouard liền đứng dậy, moi từ ba lô ra một tờ giấy nhàu nát có tên: “Thủ tục làm hồ sơ xin tiền thưởng hoặc phụ cấp”, với danh sách các giấy tờ cần cung cấp để được xét duyệt. Albert dừng mắt trước những loại giấy tờ mà chính Édouard đã gạch chân bằng bút đỏ: Chứng thực nguồn gốc vết thương hay bệnh tật - Phiếu kê những sổ y bạ đầu tiên liên quan đến phiên chế và bệnh xá - Phiếu sơ tán - Giấy nhập viện đầu tiên…
Cú sốc quá lớn.
Dẫu sao như vậy là đương nhiên. Chẳng có Eugène Larivière nào trong danh sách những người bị thương ở cứ điểm 113 và đã nhập viện. Người ta có thể tìm ra một Édouard Péricourt, đã được sơ tán và sau đó chết vì vết thương quá nặng, rồi sau đó là một Eugène Larivière được chuyển đi Paris, nhưng chỉ cần kiểm tra sơ qua giấy tờ hành chính thôi cũng đủ biết chuyện này không thể ổn thỏa, anh thương binh đã được nhập viện Édouard Péricourt và Eugène Larivière không phải là một vì hai ngày sau Larivière đã xuất viện để được chuyển đến Bệnh viện Rollin ở đại lộ Trudaine. Không thể nào cung cấp những giấy tờ cần thiết.
Édouard đã thay đổi danh tính, anh không còn có thể chứng minh được điều gì, anh sẽ không hưởng bất cứ thứ gì.
Nếu người ta điều tra ngược về trước, kiểm tra sổ sách, giấy tờ, lần ra cái mẹo ấy, việc giả mạo giấy tờ ấy thì thậm chí còn ngồi tù chứ mong gì được hưởng phụ cấp.
Chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn Albert để hứng chịu khổ sở, nhưng lần này, kiệt sức, anh thấy tình thế này như một điều bất công. Tệ hơn nữa, như một sự phủ nhận. Mình đã làm gì? Anh hoảng hốt, dằn vặt. Cơn giận sục sôi trong lòng anh từ ngày giải ngũ bỗng bung ra, anh đập đầu thật mạnh vào vách ngăn, cái khung lồng bức tranh vẽ con ngựa rơi xuống, mặt kính nứt đôi, Albert ngồi bệt xuống đất, ngơ ngẩn, trán anh sưng một cục gần hai tuần.
Mắt Édouard vẫn còn đẫm lệ. Thế nhưng không nên khóc nhiều trước mặt Albert vì thời gian đó, hoàn cảnh riêng cũng đã khiến cậu ta rất dễ rớt nước mắt… Édouard hiểu điều đó, anh chỉ đặt tay lên vai Albert. Anh cảm thấy hối hận kinh khủng.
Phải nhanh chóng tìm một chỗ ở cho hai người, một bị mắc chứng cuồng ám, một bị tàn tật. Albert chỉ có một khoản tiền không đáng kể. Báo chí tiếp tục rêu rao là Đức sẽ bồi thường toàn bộ những gì họ đã phá hoại trong chiến tranh, gần nửa đất nước. Trong khi chờ đợi, giá sinh hoạt không ngừng tăng cao, tiền trợ cấp chưa được thanh toán, tiền thưởng chưa được trả, giao thông thì lộn xộn, hàng cung ứng thì thất thường, thế nên người ta mới buôn lậu, nhiều người phải xoay xở để mà sống, trao đổi cho nhau những vụ làm ăn có lãi, người này quen người khác, người khác lại quen người khác nữa, người ta chuyền cho nhau những mẹo làm ăn, những địa chỉ quan trọng, và cứ thế, Albert đến số 9 ngõ Pers, trước một ngôi nhà tư sản, nơi đã có đến ba người thuê nhà sống chen chúc với nhau. Trong sân có một nhà kho nhỏ, giờ dùng để chất đồ lặt vặt, còn tầng hai chưa có người ở. Tạm bợ, nhưng rộng rãi, có lò sưởi than, rất ấm, hơn nữa trần nhà không cao lắm, có nước ngay ở dưới, hai cửa sổ rộng và một tấm mành có hình những người chăn cừu, lũ cừu và những cây cọc sợi, bị rách ở ngay giữa và được vá lại bằng chỉ lớn.
Albert và Édouard chuyển nhà bằng xe kéo, xe tải thì quá đắt. Lúc ấy là đầu tháng Chín.
Chị chủ nhà mới, chị Belmont, đã mất chồng vào năm 1916 và mất anh trai một năm sau. Chị còn trẻ, có lẽ xinh đẹp, nhưng đã chịu nhiều đau khổ đến mức người ta không còn biết chị có xinh đẹp không nữa. Chị sống với cô con gái tên là Louise, chị bảo mình rất yên tâm khi có “hai người đàn ông trẻ tuổi” đến ở, bởi vì, chỉ có một mình trong ngôi nhà lớn này, trong ngõ hẻm này, chị không thể trông cậy vào ba người hiện đang thuê nhà nếu có vấn đề, vì họ đều đã già. Chị sống qua ngày đoạn tháng một cách tùng tiệm bằng tiền cho thuê nhà và giúp việc cho nhà này nhà khác. Thời gian còn lại, chị đứng bất động sau cửa sổ, nhìn đống đồ linh tinh mà trước đây chồng chị tấp một chỗ, giờ đã thành vô ích và han gỉ trong sân. Albert chỉ cần nghiêng người qua cửa sổ là nhìn thấy chị.
Con gái của chị, Louise, là một cô bé rất tháo vát. Mười một tuổi, mắt như mắt mèo, những nốt tàn nhang chẳng biết để làm gì. Và là một bé gái rất lạ. Đôi khi hiếu động như nước từ khe đá chảy ra, nhưng lúc sau lại trầm tư, bất động như một bức tranh chạm trổ.
Nó ít nói, Albert chưa từng nghe giọng nó nói đến ba lần, và nó không cười bao giờ. Dù thế, nó xinh lắm, nếu đà này mà lớn lên, nó sẽ khiến bọn con trai suốt ngày ẩu đả tranh giành. Albert chưa bao giờ hiểu làm thế nào nó có thể chinh phục được Édouard. Thường thì cậu ta chẳng muốn gặp ai, nhưng con bé này, chẳng ai có thể ngăn cản nó. Ngay những ngày đầu tiên, nó đã ở đó, rình dưới chân cầu thang. Trẻ con thường tò mò, nhất là con gái, ai chả biết thế. Mẹ nó hẳn đã nói cho nó biết về người thuê nhà mới đến.
- Có vẻ không ưa nhìn. Đến mức không bao giờ dám ra ngoài, người bạn chăm sóc chú ấy đã nói với mẹ như vậy.
Thế là, tất nhiên rồi, chẳng có cách nói nào hay hơn để kích thích trí tò mò của một bé gái mười một tuổi. Nó sẽ chán thôi… Albert nghĩ. Nhưng không hề. Cứ thấy nó ngồi trên một bậc thang ở phía trên, gần cửa ra vào, cứ thế nó chờ và hễ có dịp là ngó mắt vào trong, Édouard bèn mở toang cánh cửa. Cô bé đứng ở ngưỡng cửa, miệng hé mở “ô” lên một tiếng tròn trịa, dễ thương, mắt giương to, không nói một từ nào. Phải nói rằng gương mặt Édouard thực sự dễ sợ với cái lỗ hở hoác đó, răng hàm trên có vẻ như lớn gấp đôi thực tế, chẳng có gì giống với những thứ ta từng biết cả. Vả lại, Albert đã không úp mở, nói với Édouard: “Ông bạn ạ, nhìn cậu ai cũng phát khiếp, chưa ai thấy một bộ mặt như thế cả, ít nhất cậu cũng nên quan tâm đến những người khác.” Anh nói thế để cậu ta quyết tâm ghép mặt, chẳng phải thế. Để đưa ra bằng chứng, Albert chỉ cửa ra vào nơi cô bé đã hoảng hốt chạy trốn khi thấy cậu ta. Édouard, chẳng hề nao núng, chỉ rít thêm một hơi thuốc lá qua một lỗ mũi bằng cách bịt lỗ kia, anh nhả khói ra cũng bằng đường đó bởi vì, qua cổ họng thì thực sự không được, Édouard, Albert nói, mình không thể chịu nổi, nói thật với cậu là mình sợ lắm, chẳng khác một miệng núi lửa đang phun trào, mình thề với cậu đấy, cậu thử nhìn mình trong gương mà xem, rồi cậu sẽ thấy, v.v… Albert mới đón Édouard về vào trung tuần tháng Sáu, giờ họ đối xử với nhau như một đôi bạn lâu năm. Cuộc sống thường nhật thì khó khăn, tiền vẫn luôn thiếu, nhưng như vẫn thường xảy ra, những khó khăn đó đã khiến hai người xích lại gần nhau, gắn bó keo sơn. Albert rất nhạy cảm với bi kịch của bạn mình và anh không bao giờ quên rằng, nếu cậu ta không đến cứu anh… hơn nữa lại vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc cuộc chiến. Còn Édouard thì cảm nhận được Albert đơn độc đến mức nào khi một mình phải gánh vác đến hai cuộc đời, anh nỗ lực hết mình để giảm nhẹ gánh nặng đó, nên kể cả việc nội trợ cũng không từ, tôi nói là một cặp đôi đích thực mà.
Cô nhóc Louise lại xuất hiện vài ngày sau vụ bỏ chạy đầu tiên. Albert nghĩ rằng khi nhìn thấy Édouard, cô bé đã bị mê hoặc. Nó đứng một lúc như trời trồng ở cửa gian phòng lớn. Không báo trước, nó tiến về phía Édouard rồi chìa ngón tay trỏ về phía mặt anh. Édouard đã quỳ xuống - dĩ nhiên rồi, Albert rồi sẽ thấy nhiều điều kỳ quặc như thế với cậu ta - rồi để cho con bé lấy ngón tay vuốt lên vực thẳm mênh mông đó. Con bé có vẻ suy tư, chăm chú, tưởng như nó đang làm bài tập, đang tỉ mỉ lấy bút chì tô lên đường viền bản đồ nước Pháp để nhớ hình dạng.
Quan hệ giữa họ bắt đầu từ đó. Đi học về là con bé lên chỗ Édouard. Nó nhặt nhạnh cho Édouard những tờ báo cũ ngày hôm trước hoặc tuần trước. Đó là hoạt động duy nhất của Édouard, đọc báo, cắt các bài báo. Albert đã liếc qua hồ sơ của cậu ta, cậu ta lưu giữ những bài báo mà mình cắt ra, những bài nói về những người đã chết trong chiến tranh, các hoạt động tưởng niệm, danh sách những người mất tích, khá buồn. Édouard không đọc báo Paris, chỉ đọc báo địa phương. Louise luôn tìm được báo cho anh, không biết bằng cách nào. Hằng ngày, hoặc gần như thế, Édouard có một tập báo cũ, có Ouest-Éclair, Rouen, hay Miền Đông Cộng hòa. Con bé làm bài tập trên bàn ăn trong khi cậu ta hút thuốc Capora và cắt báo. Mẹ Louise không có phản ứng gì.
Một buổi tối, vào khoảng trung tuần tháng Chín, Albert về nhà, mệt lử sau một ngày quảng cáo rong; suốt buổi chiều, anh đã đi hết những đại lộ lớn từ Bastille đến đại lộ Cộng hòa, đeo trên người những tấm biển quảng cáo (một bên là thuốc viên Pink: chỉ cần ít thời gian để thay đổi mọi thứ, bên kia là áo nịt Juvenil: Hai trăm kho hàng tại Pháp). Khi vào phòng, anh thấy Édouard đang nằm dài trên chiếc đôn cũ rích nhặt được vài tuần trước đó và anh đã chở về bằng chiếc xe ba gác của một người bạn quen trước đây trong trận Somme, anh bạn này dùng chút sức tàn để kéo xe bằng cánh tay còn lại, đó là cách mưu sinh duy nhất của anh ta.
Édouard đang hút thuốc bằng lỗ mũi và đeo một mặt nạ, màu xanh thẫm, bắt đầu từ phía dưới mũi, trùm hết phần dưới khuôn mặt, xuống đến tận cổ, như chòm râu của một diễn viên bi kịch Hy Lạp. Màu xanh đậm nhưng sáng sủa, điểm những chấm vàng li ti, như thể người ta đã rải vảy vàng lên đó trước khi sấy khô.
Albert tỏ vẻ bất ngờ. Tay Édouard phác một động tác đầy kịch tính, vẻ như muốn hỏi: “Thế nào, cậu thấy mình sao?” Rất là lạ. Lần đầu tiên kể từ ngày quen biết, Albert thấy ở cậu ta một biểu hiện đúng là của con người. Thực ra, không thể nói khác đi được, trông rất đẹp.
Khi đó, Albert nghe một tiếng bước chân êm êm phía bên trái, anh quay đầu và chỉ kịp thấy Louise chạy xuống cầu thang rồi biến mất. Anh vẫn chưa bao giờ nghe tiếng con bé cười.
Những chiếc mặt nạ đã ở lại, cũng như Louise.
Vai ngày sau, Édouard mang một chiếc mặt nạ khác trắng tinh, trên đó có vẽ một cái miệng lớn đang tươi cười. Phía trên là đôi mắt long lanh rạng ngời niềm vui, cậu ta giống một diễn viên kịch người Ý, Sganarelle 2 hay Pagliaccio 3 gì đó. Từ hôm đó, báo đọc xong, Édouard nhồi thành bột giấy để làm những chiếc mặt nạ trắng như phấn, sau đó cả Louise và anh cùng vẽ hoặc tô. Lúc đầu chỉ là một trò chơi, giờ đã nhanh chóng trở thành một công việc đúng nghĩa. Louise đúng là một đạo cô vĩ đại, cứ thấy thủy tinh giả ngọc, ngọc trai, vải, dạ phớt màu, lông đà điểu, da rắn giả là mang về. Ngoài báo ra, chạy khắp nơi để mang những thứ lặt vặt đó về hẳn là một công việc thực sự chứ chẳng chơi, bản thân Albert có lẽ cũng chẳng biết kiếm đâu ra.
Édouard và Louise dành hết thời gian làm mặt nạ. Không bao giờ Édouard mang một mặt nạ hai lần, có cái mới thì anh bỏ cái cũ, anh treo nó lên tường như những chiến lợi phẩm săn bắn, hoặc như cách trưng bày trong một cửa hàng bán đồ giả trang.
Tám giờ rưỡi tối, Albert về đến phía dưới cầu thang, tay ôm chiếc hộp các tông.
Dù đã được bác sĩ Martineau băng bó nhưng bàn tay trái của anh, bàn tay bị tên Hy Lạp chém, vẫn đau khủng khiếp, cảm xúc trong anh lẫn lộn. Món hàng này, nhờ lao tâm khổ tứ mới có, mang lại cho anh một chút thư thái; việc tìm kiếm moóc phin quá mất thời gian và công sức đối với một người như anh, vốn rất nhạy bén với đủ loại cảm xúc, vốn rất mẫn cảm… Đồng thời, anh không thể không nghĩ rằng thứ anh mang về có thể giết bạn anh hai mươi lần, một trăm lần.
Anh tiến ba bước, nhấc tấm vải bạt bụi bặm phủ trên những mảnh vỡ còn sót lại của chiếc xe ba bánh, gạt mớ lộn xộn vẫn đang chất đầy trong thùng ra rồi cho chiếc hộp các tông quý báu của mình vào.
Vừa đi, anh vừa tính nhẩm. Nếu Édouard cứ dùng liều lượng như bây giờ, cũng khá cao chứ chẳng phải không, thì họ có thể yên tâm trong vòng gần sáu tháng tới.
--------------------------------1 | Nhân vật thường xuất hiện trong các vở kịch của Molière. |
2 | Vở nhạc kịch của Ruggero Leoncavallo, Ý. |
3 | Hãng xe ô tô và thiết bị hàng không Tây Ban Nha. |