12.
982 nhăn nhó vì hai cẳng chân tê dại trong chiếc cùm, gần như không thể sai khiến được nữa. Anh ta cầm mép cùm kéo hai cẳng chân lại gần rồi bóp từ đầu gối xuống bắp chân, đến đầu các ngón chân cho máu chảy đều hòa. Lúc đó, trăng sắp lặn. Anh ước đoán là 4 giờ sáng. Rồi không sao ngủ lại được nữa.
Vụ 43 người tù khổ sai vượt ngục Tây Bá Lợi Á lần lượt diễn ra trước mắt anh như một cuốn phim dài linh động, nhất là khúc cuối thật bi thảm chua xót.
Quay về hiện tại, 982 rán sức tập trung tư tưởng để sắp xếp trong trí những kế hoạch vượt Trại Giam Đầm Đùn, rời bỏ túp lều phong vương này. Anh tính nhẩm: Còn bốn ngày nữa để chuẩn bị.
Bữa nay là Rằm, trăng tròn. Đợi đến tối 19, trăng hạ tuần mọc rễ, xẩm tối sẽ trốn trại, chạy vào ẩn trong rừng rồi đợi trăng mọc, anh sẽ nương ánh trăng lu mà cao chạy xa bay. Sau nữa ra sao, đành nhờ Trời, nhờ số phận. Có một điều bất lợi là anh không thuộc đường lối trong địa phương Thanh Hóa. Nhưng tùy cơ ứng biến, anh sẽ hỏi thăm đường về Chi Nê, Nho Quan rồi từ đấy sẽ kiếm cách vào làng Tề, là thoát!
Ước gì giữa đường gặp mặt trận, công việc sẽ dễ dàng biết bao nhiêu!
982 lại quay về thực tại. Sự việc cần phải giải quyết trước khi vượt ngục, ngay giờ phút này đây là vấn đề ăn, uống, nghĩa là vấn đề đói, khát. Phải làm sao cho khỏi phải ăn gạo sống, tránh uống nước vũng. Nếu không, mọi việc đều hư hết, anh sẽ mắc bệnh "phân cò" như mọi người bị phong vương trước anh, và vấn đề vượt ngục sẽ coi như không có. Như thế, chỉ còn mỗi việc là ngồi hay nằm chờ chết, cho tới khi chết thực sự, không nhổm dậy được nữa.
Cả ngày hôm qua cũng vẫn không gặp thằng nhỏ Hợi làm ở ban thợ rèn. Và cả Toàn cũng biệt tích luôn. Mới có một ngày 982 bị gạt ra ngoài cuộc sống chung trong trại mà đã thấy dài thật là dài. Đúng vậy: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Nhưng phải là một ngày ở lều phong vương thì câu ví mới đúng hết ý nghĩa của nó.
Cái đêm đầu tiên ngủ tại lều phong vương thật là đêm thê lương khủng khiếp mà 982 sẽ nhớ mãi, nhớ suốt đời cho đến khi xuống lỗ. Cái cảm giác rõ rệt nhất là cảm giác cô đơn, sợ hãi. Nằm trên "long sàng" bằng tre mà 982 tưởng là nằm dưới mộ, nghe gió thổi rào rào lạnh lẽo như mưa đêm Đông. 982 nhận chân một sự thực, anh đã bị gạt ra ngoài cộng đồng Đầm Đùn trước khi bị gạt ra ngoài nhân thế. Vừa đói bụng lại vừa lạnh, rét từ trong ruột rét ra, anh đã cắt một đường sợi gai ở đáy bao tải vừa đủ rộng để chui lọt đầu rồi chụp luôn bao tải vào mình, thò đầu ra ngoài bao, hai tay lùng bùng ở bên trong quấn chặt bao tải vào mình. Ấy vậy mà khí lạnh vẫn thấm vào trong người khiến 982 run lên từng hồi.
Gió từ trong rừng thổi ra, rít lên từng chập như tiếng thở dài của sơn lâm. Mấy cây cột rung rinh, mái rạ rào rạt như bị bốc đi đến nơi. 982 nhích lại nằm sát bên cây cột, đề phòng gió thổi sập lều sẽ ôm chặt cứng cây cột.
Cách một giờ, tiếng mõ cầm canh của cảnh vệ lại lóc cóc một hồi. Rồi yên lặng hoàn toàn.
982 nghe nói hồi trước đó, sàn nằm của lều phong vương hẹp lắm, mỗi bề không quá 90 phân, tù nhân phong vương chỉ ngồi chứ không nằm. Vì chỉ có một khoảng từ bả vai đến mông đít được nằm, còn đầu và hai cẳng chân thì lủng lẳng chênh vênh "chân chẳng đến đất, cật chẳng đến giời". Nằm trong tư thế đó, mỏi đến gẫy xương nên tù nhân chỉ ngồi còm cọm sáng đến tối ngày. Nay, không biết vì lý do gì ban quản trị cho làm lại sàn lều rộng rãi để tù nhân nằm một cách thoải mái đàng hoàng. Nhờ vậy, đêm hôm trước, 982 chợp mắt từ canh ba cho đến gần sáng. Anh cần ngủ để quên đói.
Chiều hôm qua, vì đói quá, anh ta đành bỏ mấy dúm gạo sống vào miệng nhai nát rồi chiêu ngụm nước. Nhai xong gạo lại thấp thỏm sợ vì lo mắc bệnh "phân cò". Đến tối, trước khi "đi ngủ" anh bốc hết gạo vào trong mảnh áo, gói kỹ rồi giữ luôn bên mình. Phòng đang đêm, cần dúm gạo nhai cho đỡ đói. Lại nữa, chuột bọ khỏi ăn mất. Nghĩ đến chuột, 982 hơi hy vọng. Trước khi cất bọc gạo, anh ta đếm đủ ba chục hạt gạo, vãi trên một mảnh là chuối khô, đặt trên sàn lấy đồ đè lên kỹ cho khỏi bay. Nếu sáng dậy, thấy mấy chục hạt gạo biến mất, ắt là đã có chuột tới. Như thế, anh sẽ tìm cái bẫy chuột, vì thịt chuột ăn rất...ngon nếu được nấu chín đàng hoàng. 982 lẩm bẩm: Sáng mai, sẽ lạy van giám thị xin được để trên sàn lều một cành cây, phòng đêm hôm có rắn leo lên sàn thì đuổi. Sự thực anh sẽ dùng cành cây đập chuột, lấy thịt ăn. Ăn bằng cách nào, 982 chưa nghĩ tới, bẩy được chuột, nghĩ cách cũng chưa muộn.
Trời sắp sáng rõ, tuy thế sương mù còn dầy đặc trong rừng và trên những lùm cây. Chưa có lệnh kẻng, tù nhân chưa được ra sân, nhưng giám thị và mấy tên cảnh vệ đã đi lại trong sân trại. Bọn này vẫn phải có mặt dưới trại từ trước lúc có tiếng kẻng.
Nghĩ đến ăn cơm, 982 thấy thèm rõ rãi, mặc dù khẩu phần hạng C không đủ vào đâu cho tù. Tuy vậy, tù chỉ đói dài mà chưa đến nỗi chết. Giờ đây, 982 lại không có cả hai chén "cơm chín" mà chỉ được hai nắm gạo sống mỗi ngày! Hai ngày nay, không có "hơi cơm chín" vào bụng, cơ thể anh ta yếu đi nhiều lắm. Bất giác 982 tha thiết cầu mong được ân huệ trở lại làm tù nhân thường tội dù khẩu phần C cũng tốt! Anh biết mong ước đó đối với anh từ lúc này, không thể nào thực hiện nổi. Rồi 982 triết lý vụn: Cái khổ cũng như cái sướng lại còn có cái sướng hơn, và sướng hay khổ là do sự so sánh mà có.
982 vẫn tiếp tục vẩn vơ suy nghĩ, nhìn về phía nhà tiểu công nghệ. Tù nhân đang tấp nập bưng cơm từ bếp lên. Hơi nóng từ các chảo cơm bốc lên nghi ngút, ăn được chén cơm nóng no lòng ấm bụng, khỏe sức biết là dường nào. Người ta sinh ra, ai cũng có quyền có chén cơm, đến con chó nuôi cũng được quyền có miếng cơm, vậy mà 982 không bằng con chó, vì có ai bắt chó mình nuôi phải ăn gạo sống thay cơm bao giờ!
982 thấy uất ức, phẫn nộ căm thù cả xã hội loài người, căm thù cái chế độ vô nhân đạo! Ý định vượt ngục lại sôi lên sùng sục trong lòng.
- Nhưng quái lạ! Không thấy giám thị tới mở cùm cho mình xuống dưới đất!
982 băn khoăn lo lằng, chờ đợi trong sự phập phồng.
Đến lúc tù nhân, đám sắp hàng đi làm củi, toán đi cuốc đất, người gánh nước tưới rau hay ra ngoài ruộng cuốc đất làm màu, trại vắng hẳn người mà vẫn không thấy bóng vía giám thị đâu hết. Bụng rân rân đau khó chịu, 982 đành phải men ra mép sàn, nắm lấy cột lều cho khỏi té, lom khom nửa đứng nửa ngồi vì vướng cùm ở chân, rồi tống các chất thừa trong bụng xuống bên dưới sàn.
° ° °
684 ngừng tay thụt bể, cầm xẻng xúc đầy than đá lấp kín lên đống than hồng. Không biết có chuyện gì, giám thị vừa tới gọi tù thợ rèn lên văn phòng ban quản trị. Thằng nhỏ thứ hai phụ việc ở lò rèn bữa nay được cắt công tác gánh nước tưới ruộng cà, đến trưa mới về. Thỉnh thoảng, một trong hai thiếu niên thuộc ba thợ rèn vẫn phải cắt đi làm công tác bên ngoài một, hai buổi những khi kẹt người. Lúc này, chỉ có một mình 684 ngồi bên lò rèn. Hắn đem một cuộn sắt tròn cũ ra, nắn lại cho thẳng theo lệnh của trưởng ban thợ rèn trước khi hắn ta lên văn phòng. Nắn xong là cắt ra từng khúc 12 phân một, để rèn thành mắt xích làm xiềng cho tù.
684 nhớ lại câu chuyện tán ri-vê hôm vừa đây mà tù nhân 982 bị tên thợ rèn cố tình cho trượt búa vào mắt cá chân để lột lấy chiếc áo cánh còn tốt. Lúc đó, vì thương hại 982 nên 684 đã ra hiệu cho biết nên đổi áo tốt cho thợ rèn để khỏi bị què chân. Khi giám thị dẫn 982 khập khễnh ra lều phong vương, 684 nhìn theo mà vẫn không nhớ đã gặp 982 ở đâu, trong trường hợp nào. Nhất định 982 không phải là người xa lạ. Cả ngày, cố sức bới trong trí mà 684 vẫn không nhớ ra là ai?
684 vừa nắm cây sắt tròn cho thẳng, vừa suy nghĩ...
Bỗng một người đến trước lò rèn liệng lưỡi cuốc xuống mặt đất, nhanh nhẩu nói:
- Cháu làm ơn sửa dùm...
Thiếu niên ngửng lên nhìn, nhận ngay được Toàn, vui vẻ hỏi:
- Bác cần sửa như thế nào? Tra cán vào cuốc, hả?
- Phải, tra cán vào cuốc. Và làm dùm ngay, nghe cháu?
684 kiếm dao dựa, gọt bớt cán cho vừa lỗ, rồi lanh lẹ đóng chặt cứng cán vào bàn cuốc. Xong, hắn lại còn cẩn thận đóng thêm một cây đinh vào cán, đánh quặp lại cho lưỡi cuốc khỏi lung lay.
Thiếu niên này thường gặp Toàn trong giờ ăn và hai người -một lớn một nhỏ- có cảm tình với nhau. Thấy 684 nhanh nhẹn, mặt mũi sáng sủa, ăn nói ra vẻ con nhà tử tế, cùng thuộc giai cấp tiểu tư sản nên Toàn mến 684, định có dịp thuận tiện sẽ hỏi lý do đã đưa 684 vào trại giam này. Một lần, Toàn đã cho ba thìa đường nên 684 nhớ mãi. Khi đó 684 đang bịnh, thèm một miếng đường kinh khủng.
Bữa nay Toàn xung phong đi cuốc đất trồng khoai. Đang làm, Toàn thấy thằng cha thợ rèn lên văn phòng, anh nghĩ không còn dịp nào tốt hơn, bèn cố ý đẩy mạnh cán cuốc cho gẫy, để có dịp đến lò rèn nhờ sửa lại và được gặp thiếu niên 684.
684 cắm cúi sửa cán cuốc. Toàn bỗng lộ vẻ suy nghĩ nhìn quanh quất một vòng thấy không có người, anh cúi nhìn đăm đăm vào mặt 684, khẽ buông một tiếng vừa cho người đối thoại đủ nghe:
- Hợi!
Thiếu niên vẫn tiếp tục đóng như không nghe. Nhưng Toàn cũng kịp nhận thấy cậu ta hơi giật mình mà trầm tĩnh kịp. Toàn khen thầm 684 còn nhỏ mà có bản lãnh, khẽ gọi lần nữa:
- Hợi! Hợi!!
Lần này, thiếu niên mới ngửng lên nhìn vào mắt Toàn, lạnh lùng và soi mói.
- Bác biết cháu là người thân của bác Dũng. Cháu không cần phải giấu bác nữa. Bác Dũng đang muốn gặp cháu lắm. Cháu không nhận ra bác Dũng sao?
Bây giờ 684 mới nhớ ra người tù phong vương là bác Dũng, đầu năm ngoái vẫn hoạt động trong cùng một tổ chức chính trị với ba của Hợi. Hắn mừng rỡ thốt lên:
- Cháu nhớ ra rồi!
Sau đó, Toàn tóm tắt kể lại cho Hợi nghe 982 đã nhờ anh việc gì. Hợi vẫn nghe, luôn luôn liếc ngang liếc dọc đề phòng có người tới bất ngờ. Toàn nhắc đi nhắc lại:
- Bác Dũng rất cần gặp cháu. Bác ấy đói lắm và đặt hết hy vọng vào cháu đấy.
- Cháu sẽ gặp bác Dũng, bằng bất cứ giá nào.
Toàn vác cuốc đi khỏi, Hợi tiếp tục cắm cúi làm việc. Nhưng tâm trí hắn chỉ nghĩ đến 982. Không ngờ bác Dũng lại bị bắt vào đây cùng với hắn. Một lần kia, ba của Hợi bị bọn cộng sản bắt hụt tại nhà riêng, chúng liền bắt luôn con để thế cho bố. Rồi Hợi bị đưa vào giam tại Đầm Đùn với các tội danh bịa đặt: Làm tay sai cho Phòng Nhì của Pháp! Hợi có máu liều lĩnh gan dạ của bố nên cắn răng chịu tội, nghĩ mưu tính kế chờ dịp vượt trại giam.
Nay gặp đồng chí của bố trong hoàn cảnh hiểm nghèo, Hợi nhất quyết sẽ giúp ích phần nào.
Còn đang nghĩ ngợi, Hợi thấy 271 quay lại lò với cây cuốc. Lúc đó, tù thợ rèn vẫn chưa về. Toàn xin đóng thêm một cây đanh nữa vào gần cổ cuốc, không thấy ai, Toàn nói vội:
- Cháu nói với bác Dũng rằng bác Thanh ở trên lò than đã về trại, được lưu lại trại vài hôm. Bác ấy hỏi thăm và sẽ đưa bác Dũng ít viên thuốc phòng trường hợp ăn gạo sống bị bệnh tả lỵ. Chiều nay, trong bữa cơm, sẽ chuyển thuốc cho cháu để đưa bác Dũng dùng khi cần.
Rồi Toàn vác cuốc đi thẳng ra ruộng, thoáng nghĩ đến Thanh. Tối hôm qua, sau lúc học tập, Thanh mới tâm sự với Toàn và tiết lộ anh ta là bạn thân của 982. Toàn quyết đoán hai người cùng hoạt động trong một đảng phái quốc gia và bỗng thấy có cảm tình với họ hơn trước. Vừa làm, Toàn vừa liếc nhìn chung quanh, coi có ai để ý đến mình không. Trên bờ ruộng, tên cảnh vệ vẫn đi đi lại lại, coi chừng bọn tù cuốc đất, gánh nước tưới rau và cầy ruộng. Trước khi đi, Toàn lại trình tên cảnh vệ, đưa xem cán cuốc gẫy vì mục và được phép quay về lò rèn sửa lại cán cuốc đàng hoàng. Tuy thế, bản tính nhút nhát Toàn vẫn thấp tha thấp thỏm.
Vừa cuốc như máy, Toàn vừa suy nghĩ tính toán mưu định riêng của anh. Thấm thoát tới cuối tháng 4 rồi. Toàn vẫn chưa "xoay" được lên làm than trong rừng với bọn Tuyên, Thanh và Mạnh...Thanh cho biết lứa than cuối đã ra lò được mấy bữa, từ đầu năm đến giờ, được 5 lứa than rất tốt, xếp đầy một khu trong rừng mà ban quản trị Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm chưa cho người lên gánh về phân phối. Thanh được cắt vào việc gánh than về trại. Tuyên và Mạnh cũng xung phong xin gánh than. Thấy có dịp, Thanh nhắc Toàn "vận động" xin lên rừng làm than như Toàn vẫn mong ước. Nghe các bạn kể lại, Toàn thấy công việc làm than "thích" hơn, nhất là được tự do hơn, thỉnh thoảng tù được gánh than ra chợ, bán được hàng lại có tiền thưởng, đủ mua một quả chuối, một phong thuốc lào, có thể lui tới các xóm của dân thiểu số địa phương, gặp dịp tán chuyện với đàn bà, con gái...Đã lâu nay, Toàn không được nghe tiếng nói trong trẻo của đàn bà con gái, chỉ nghe tiếng hô "báo cáo", quát tháo, mắng nhiếc, đe dọa cục cằn, tiếng búa rèn xích trên đe, tiếng roi song quất đen đét. Toàn mĩm cười ví von: "Tai mình thèm nghe tiếng chim hót, mắt mình thèm trông thấy bông hoa cười..." Phải chỉ lúc khác được tự do, cao hứng như thế, Toàn dám lấy giấy bút ra làm thơ ca ngợi tiếng oanh vàng rồi đó. Cái chất "phiếm" đặc biệt của con người tiểu tư sản vẫn thường lộ ra như vậy, ngay ở trong nhà tù.
Nhưng trên hết, đi làm than ở rừng có một điểm khoái nhất là được ăn no, và tù có thể làm lấy món ăn nếu có tiền mua thực phẩm sống ngoài chợ.
Tại sao tù làm than lại được ăn no?
Lý do cũng giản dị: Chỉ những tù nhẹ tội có hạnh kiểm tốt, mới được cho đi làm than và họ hy vọng sẽ được trả tự do khi có đại xá. Trên phương diện phục vụ, tù nhân làm than đem lại một mối lợi khổng lồ, đủ sức nuôi cả Trại Giam Đầm Đùn nên được hưởng chút xíu ân huệ. Vả lại, công tác làm than cũng rất vất vả nguy hiểm, dễ mất mạng, khác với tưởng tượng của Toàn.
Vì có mục đích riêng, Toàn đang cố gắng xung phong trong mọi công tác, và làm đầy đủ công việc không dám để giám thị chê trách. Dịp này, Toàn hy vọng lắm. Nghĩ vẩn vơ xa gần, Toàn sực nhớ đến số quần áo còn lại mà buồn. Hồi đầu tháng, khi thấy vô hy vọng nhận đồ tiếp tế của gia đình, anh đã liền cắt nốt nửa chiếc quần dài may thành quần đùi vì quần cũ đã bợt lắm không còn mặc được. Nhớ lại, dịp Lễ Giáng Sinh vừa rồi, Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế có thả dù cho tù nhân Pháp -ở riêng trại bên kia- và tù nhân Việt mà họ gọi chung là "nạn nhân của cuộc chiến", bao nhiêu thực phẩm và quần áo. Nhưng tù nhân Việt phải khăng khăng từ chối, không thèm ăn hay dùng đồ của thực dân phản động. Ít lâu sau, tù thấy nhân viên ban quản trị mặc nhiều kiểu áo lạ mắt lắm, không phải ở Việt Nam. Nhưng không anh nào dám nhìn kỹ, ngắm nghía hay bàn tán gì. Vì họ không muốn mất mạng một cách lảng nhách.
(Tù nhân Pháp tương đối mặc lành lặn hơn. Thời gian đầu tiên ở tù, tù nhân Pháp cũng rách rưới không tả được. Và có nhiều chuyện tức cười lắm. Vốn phong lưu, tác phong thực dân đã quen, mỗi lần đi cầu không có giấy chùi, tù nhân Pháp phải xé quần, xé áo ra để chùi cho sạch. Chùi riết mất tiêu luôn cả quần lẫn áo. Về sau, học theo lối tù Việt, "đi" xong lấy que "chùi" đỡ. Tù nhân Việt không kiếm được que, dùng hòn đất cũng được. Nhưng tù Pháp phải kiếm là thay que. Một lần, bất đồ hái phải lá han, anh tù Pháp nọ gần chết vì ngứa và dát, nhẩy đùng đùng trong trại như thằng hóa dại.
Với "kinh nghiệm xương máu" đó, tù nhân Pháp bảo nhau đề phòng lá han, loại lá có "chất độc nguy hiển". Câu chuyện "thiếu vệ sinh" này, tù vẫn thường kể lại cho nhau nghe...những giờ rảnh rỗi. Người kể chuyện còn tả lại từng nét mặt anh tù binh Pháp, vẻ cuống quít vì ngứa và dát nên cả bọn cùng cười, quên được nỗi buồn trong giây lát. Toàn buồn chán như thế, cũng phải bật cười).
...Toàn chợt thấy gan bàn tay rát như bị bỏng. Anh đã cuốc được một khoảng hơn hai chục thước vuông nghĩa là từ sáng sớm đến giờ mới được một phần năm công việc phải làm trong một ngày. Anh chống cuốc xuống đất, nhổ toẹt vào mỗi bàn tay một miếng nước bọt, rồi vội vã nắm chặt cán cuốc, nghiến răng cuốc như máy. Có làm tận lực như thế mới đạt tới mức trung bình...
Hợi làm không hở tay trong khi đầu óc suy tính đến trường hợp của 982 không ngừng. Từ khi vào trại giam, chính mắt hắn đã thấy sáu tù phong vương lần lượt mất mạng trước sau không đầy một tháng. Vì thế Hợi cho rằng nếu bác 982 không tìm cách vượt Trại Đầm Đùn ngay, e không kịp. Bây giờ, có hai phương pháp giúp đỡ 982, một là giúp bác ta làm sao khỏi chết vì tả lỵ, hai là giúp bác ta làm cách nào tháo cùm và xiềng để trốn. Về điểm trên, phải lấy trộm cơn hay cháy của nhà bếp đặng tiếp tế cho 982. Đó là một việc rất khó khăn không biết có làm nổi không? Trong Trại Đầm Đùn, một miếng cơm chín, một thìa nước rau, một cục xương, một điếu thuốc lào, thường đổi lấy mạng người như bỡn, vẫn thường thấy.
Muốn cắt xiềng, phải kiếm cho bác ta một cái giũa -cố nhiên phải giấu kín nhẹm thằng cha thợ rèn- để giũa mắt xiềng. Còn việc mở khóa cùm thì không khó, chỉ một sợi dây kẽm cứng, đập bẹt đầu, bẻ quặp lại như cái mỏ, cho vào lỗ khóa, nậy đúng khớp lò xo bật ngay. Điều này không đáng ngại. Hợi nghĩ tiếp:
- Bây giờ, nhân lúc lão thợ rèn vắng mặt, ta có thể chế tạo luôn chìa mở khóa đã.
May quá, Hợi vừa mở thùng đựng sắt vụn, tình cờ thấy một cây nan hoa (căm) xe đạp đã rỉ. Hợi vội rút ra, ngó coi chừng thợ rèn trong khi đập bẹt đầu cây nan hoa, rồi bẻ quặp lại thành một đầu mẩu vuông thước thợ, bằng hột thóc. Cẩn thận hơn, Hợi đập bẹt luôn đầu kia, nhưng làm "khấc" ngắn hơn chút đỉnh. Chỉ ba phút là xong, Hợi giấu luôn lên mái rạ rồi thảm nhiên tiếp tục chặt sắt làm mắt xích. Thợ rèn vẫn chưa về.
Tuổi trẻ vẫn hăng, nhất là vừa thực hiện xong một phần chương trình, Hợi tính đến việc kiếm giũa. Hợi nhớ mang máng trong một lần dọn đồ, cách đây hơn một tháng, có thấy một chiếc giũa cũ, nhưng xài vào việc vặt như cắt mắt xích của xiềng thì dư sức, không biết thợ rèn cất đâu. Thủng thẳng sẽ kiếm ra, quanh quẩn chỉ trong hai thùng đựng đồ nghề.
Hợi tiếp tục nghĩ, phấn khởi vì kết quả:
- Nhưng khi trốn vào rừng mà không có khí giới tự vệ sẽ rất nguy hiểm. Phải kiếm cho bác Dũng một con dao, có thể dùng để cắt trái cây, chặt cành cây v.v...Thôi cho luôn bác con dao của mình, làm con dao khác sau.
Hợi có rèn được một con dao bằng thép, chưa kịp làm cán, vẫn giấu trong thùng sắt vụn phòng khi cần. Như vậy, chỉ còn kiếm được giũa là hoàn toàn.
Hợi vẫn có dịp vào nhà bếp tuy có lệnh cấm rất nghiêm ngặt. Vì tù vào nhà bếp thường không dằn nổi sự thèm muốn, thấy thức ăn gì cũng lấy trộm bỏ vào miệng, thuận tiện sẽ nhai, không thì nuốt chửng. Nhiều tù bị đánh hộc máu mũi, máu miệng chỉ vì giả đò vấp té sấp vào rổ rau muống luộc, cố bốc một miếng rau bỏ vào miệng nuốt chửng. Lần nọ, một anh chẳng may bị nhà bếp, -ban hỏa thực cũng là tù trừ trưởng ban và dăm phụ tá- khám phá được mưu kế bắt há miệng nhe răng ra coi. Không còn sợi rau nào dính vào răng, anh tù ăn vụng tưởng đã thoát nhưng tên trưởng ban hỏa thực bắt há miệng đứng yên đó rồi quát nhân viên lấy chén nước lã bắt anh tù súc miệng nhổ vào chén. Coi lại, nước súc miệng còn xanh chất rau, tang chứng rành rành.
Sau đó một lát, anh tù đói ôm mặt từ nhà bếp đi ra, máu mồm máu mũi đổ ra ròng ròng vì bị "ăn" gần hai chục quả tống thay cho rau muống.
Như trên đã nói, tù không tha nuốt một thứ gì. Lần kia, một người tù vào bếp bưng cơm lên trại, chợt liếc thấy mấy cái xương cá đã ăn hết thịt và một nắm vỏ tôm đã giã lọc lấy nước ngọt (nấu riêng cho nhân viên ban quản trị) vứt bỏ ở góc bếp. Người tù mừng quá vội bốc hết bỏ vào túi đem lên trại, định ăn lại. Không may bị bắt quả tang, người tù bị phạt nhịn ăn một bữa là lãnh đủ năm roi song vì đã hành động trái với quan điểm của nhân dân và làm hại đến uy tín của chính phủ (!). Như thế khác gì nói xấu chính phủ không săn sóc đến đời sống của tù nhân (!), cho tù nhân ăn đói ăn khát??!! Tối hôm đó, trong giờ kiểm thảo, người tù phạm lỗi công nhận hành động hủ hóa của mình đáng tội và long trọng hứa sẽ sửa đổi, đề cao cảnh giác để không có những cử chỉ phương hại đến uy tín của chính phủ, bêu xấu chế độ.
Từ trước tới nay, Hợi vẫn vào nhà bếp, tuyệt nhiên chưa bao giờ ăn vụng, ăn trộm. Nhiều khi hắn cũng đói lắm nhưng tự kiềm giữ được. Có một vài lần nhân viên nhà bếp giương bẫy, nhưng Hợi may mắn không mắc, nhờ đó hắn được trưởng ban hỏa thực tin cậy và có cảm tình. Mấy chục con dao của nhà bếp đều do tay Hợi sửa lại khi quằn hay mài khi lụt. Hợi có "tay" mài dao, cả nhà bếp ai cũng thích hắn! Vì cảm tình riêng, lâu lâu trưởng ban hỏa thực lại giấu diếm cho Hợi một miếng cơm cháy lớn bằng hai bàn tay, Hợi để dành ăn dần ba, bốn ngày mới hết.
Cách đây tám hôm, được miếng cơm cháy lớn bằng nửa trang giấy học trò, Hợi chưa ăn đến, bẻ vụn ra bỏ vào lon sắt để dành. Đã có lần Hợi chia cho Toàn một miếng cháy thật lớn, bằng gói thuốc lá. Toàn giấu liền vào cạp quần, hồi hộp, mừng rỡ, yêu đời, yêu bạn đồng cảnh, đợi lúc vắng vẻ lấy ra nhai từng chút, ngon không thể tả được. Còn một miếng bằng hai đốt ngón tay, Toàn muốn kéo dài sự thích thú nên để dành đến đêm, mọi người trong trại ngủ yên, Toàn len lén vạch lưng quần lấy miếng cháy bỏ dần vào miệng, ngậm cho nát ra, chất gạo ngọt lừ, cho đến khi "miếng ngọc thực" biến dần...đi đâu mất hết! Toàn có kể lại cho Hợi nghe, cả hai bác cháu cùng cười.
Hợi miên man suy nghĩ, định chiều nay hay mai, mài dao cho nhà bếp xong, hắn sẽ ngoại giao xin một miếng cơm cháy nữa đặng tiếp tế cho bác Dũng.
Mọi việc tạm xếp đặt xong.
- Thế nào, làm xong chưa?
Thợ rèn tươi cười bước vào. Hợi ngửng lên trả lời:
- Dạ, chặt cũng sắp xong hết.
- Thôi, bỏ đấy ra thụt bể, đặng tao có chuyện làm đồ gấp...
Đến trưa, vừa có tiếng kẻng nghỉ việc, tên giám thị lại lò mò tới. Thợ rèn đang thu dọn đồ nghề, thấy giám thị vội ngừng tay kính cẩn gật chào, kiếm chuyện bợ đỡ:
- Giờ này, ông giám thị còn chưa được nghỉ vì công việc. Ông giám thị nên nghỉ một chút cho đỡ mệt.
Giám thị hách dịch gật đầu, quay sang bảo Hợi:
- 684! Vào nhà bếp nói với ông trưởng ban đưa cho lưng bát gạo, mày cầm ra cho thằng cha phong vương. Cho nó ăn nhiều gạo một chút đặng nó mau về với tổ tiên. Tao còn nhớ nọc kiến bò nhọt của nó, chưa hết buốt đây.
684 mừng thầm, lễ phép hỏi lại:
- Thưa ông giám thị, một lưng bát gạo phải không ạ?
- Ừ! Nếu nó đã nằm ngủ luôn không dậy nữa, báo cáo cho tao biết ngay. Để cho nó "ra bai" gấp.
- Vâng.
Thợ rèn phụ họa:
- Trước khi phát gạo, hãy gọi nó tỉnh dậy đường hoàng, nhận khẩu phần cho đủ, biết không?
Rồi nháy 684 một cách rất đểu, hạ thấp giọng:
- Mầy ngó luôn mắt cá chân nó, coi đã..."sâu quảng" chưa?
- Vâng.
Giám thị quay mặt lại, tủm tỉm cười một vẻ đồng lõa rồi đi thẳng lên văn phòng. Thợ rèn vội vã ra ngoài làm chi đó. Một mình trong lều, nhanh như chớp, Hợi với tay lên mái lều rút cây căm xe đạp trong mình, thủng thẳng lên nhà bếp.
Lát sau, tay cầm bát gạo, hắn theo con đường nhỏ đến lều phong vương, trong lòng xốn xang hồi hộp, nửa mừng nửa sợ...Vì trong quần phía trước bụng, hắn lại giấu được miếng cơm cháy, đủ nuôi sống người tù trong một ngày rưỡi. Cơm cháy vẫn bền no hơn cơm nạc. Qua cơn nguy hiểm ngặt nghèo, 684 đã hết hoảng sợ, hai chân bước thoăn thoắt. Khi đó, trên lều phong vương, 982 gần xỉu vì đói. Nhưng anh ta còn đủ tỉnh táo để mong mỏi, gói gạo sống còn lại từ hôm qua đặt trước mặt, 982 vẫn chưa dám bỏ vào miệng nhai. Anh ta có linh tính thế nào Toàn hoặc thiếu niên Hợi cũng đến. Nhưng hết cả buổi sáng, hồi kẻng nghỉ việc đã vang lên hồi nãy mà không có người nào tới. Giám thị cũng mất mặt luôn, không tới mở cùm như mọi ngày, cũng không phát cho gạo sống. 982 bỗng rợn người vì ý nghĩ:
- Hay nó bắt mình nhịn đói luôn tới chết để trả thù?
Nếu đúng như thế, đằng nào cũng chết, khi tên giám thị léo hánh lại lều, nhất định phải làm cách nào giết chết được nó, rồi mới chịu nhắm mắt sau. Không có vũ khí, anh sẽ ôm chặt nó cắn vào mũi, vào tai, vào cổ họng cho tới khi nó chết mới thôi. Ít nhất cũng trả thù được một kẻ trong đám cộng sản, một kẻ thù anh muốn giết hơn hết dù phải đổi mạng.
Mặt 982 bỗng bừng bừng, hai con mắt trũng sâu vì đói ăn trường kỳ quắc lên một cách dữ tợn. Nhưng...
982 lắng tai nghe rồi quay phắt về bên phải. Một người đang xăm xăm bước tới. 982 nhận ngay ra Hợi tuy Hợi có lớn hơn và thay đổi chút ít nét mặt, so với hồi còn ở Hà Nội. Vậy mà hôm nọ ở lò rèn, anh không thể nào nhớ ra Hợi, con một đồng chí chứ không phải em như anh nhớ lầm lúc đầu. Thiếu chút nữa, 982 hét lên một tiếng mừng rỡ.
Nhưng Hợi thảm nhiên leo lên cầu thang, mặt hắn tai tái vì xúc động, miệng nửa cười nửa lại như mếu một cách kỳ cục khó tả.
- Cháu Hợi!
- Bác Dũng!
982 định đứng lên nhưng bị cản trở vì cùm, đành ngồi nguyên vị mà chìa tay ra. Hợi nắm lấy bàn tay gầy guộc, nhìn thẳng vào mắt 982. Mới ba ngày mà 982 đã tóp đi nhiều. Cả hai cùng yên lặng trong mấy giây rồi 982 nói:
- Lấy tư cách là đồng chí của ba cháu, bác mong cháu giúp bác trong lúc này, tận tình giúp bác.
- Bác hãy tin ở cháu. Cháu xin cố gắng hết sức.
982 vội cho Hợi biết kế hoạch chuẩn bị: Nội tuần trăng này anh phải trốn. Muốn vậy, phải tháo cùm, cưa xiềng, phải có cơm ăn để khỏi và bịnh mới có sức băng rừng, vượt suối... 982 mong Hợi đang làm lò rèn. 982 nói không chút dè dặt, hoàn toàn tin chắc Hợi sẽ tận tình giúp anh.
Hợi chăm chú lắng nghe. Đến lúc 982 ngưng nói, Hợi lạnh lùng rút trong lưng quần miếng cơm cháy đưa cho 982. Phản ứng thật lạ lùng. 982 sững sờ, nhăn nhó vì cảm động, trông không khác chi một người gặp chuyện đau lòng, không nói được một tiếng, đến lúc chớp mắt mấy cái, hai giòng nước mắt đã lã chã. 982 đã có thuốc hồi sinh cứu tử một cách bất ngờ.
- Bác cất kín, kẻo giám thị thấy thì cả bác lẫn cháu đều mất mạng. Bác giấu từng miếng nhỏ trong nơi kín đáo để ăn dần. Cháu sẽ cố tiếp tế cho bác một lần nữa.
982 bẻ một miếng cháy bỏ tọt vào miệng, giữ thêm một miếng lớn hơn trong tay, rồi vịn cột lều đứng lên, đút miếng cơm cháy còn lại ngập trong lớp rạ thật kín. Một bữa của tù phong vương bấy nhiêu là tạm đủ.
- Bác sẽ nhớ ơn cháu mãi mãi.
Hợi liếc ngang liếc dọc tứ phía, buổi trưa, trong trại vắng vẻ, yên tĩnh. Tù nghỉ ngơi hết trong trại ngủ. Hợi đưa nhanh cây căm xe đạp cho 982 và nói:
- Đây là chìa khóa mở cùm...
982 chỉ xuýt xoa mấy tiếng "Hay quá! Hay quá!" rồi ngắm nghía cây căm và nói nhanh:
- Được rồi! Lúc lại đây, cháu thấy có mấy hòn đá trong đám cỏ. Nhưng cháu nghĩ không cần đến!
- Còn cái này?
982 chỉ vào sợi lòi tòi, đưa mắt hỏi. Hợi lặng lẽ đáp:
- Cháu sẽ mang cho bác một cái giũa còn tốt. Phút chót, trước khi rời lều này, bác sẽ cưa mắt xích. Cần nhất, bác phải nhớ mang theo cây giũa đừng để tụi nó kiếm thấy. Nếu không, đành là cháu vào ngồi thay bác ở lều này...Cháu còn trẻ quá, lên ngôi "vua" không xứng.
982 mỉm cười, thầm phục sự bình tĩnh, gan dạ và khôn ngoan của thiếu niên. Sực nhớ ra, anh vội nói:
- À, có chỗ giấu đồ kín lắm. Đủ rộng để cất 4, 5 miếng cơm cháy lớn và nhiều thứ khác. Cháu khỏi lo không có nơi kín đáo.
- Bác nên tập mở khóa cùm cho thạo, khi cần sẽ mở được ngay. Ngày một, ngày hai, cháu sẽ mang giũa cho bác. Thôi cháu về.
- Có tin của ba cháu không?
- Không! Bác Thanh trên lò than đã về trại được mấy bữa. Bác Thanh sẽ chuyển cho bác ít viên thuốc phòng bệnh tả lỵ, cháu sẽ đưa bác sau...
982 đưa Hợi ống tre, nhờ múc đầy một ống nước.
Hợi vác ống tre lại bên vũng nước. Mấy con chuồn chuồn đậu trên ngọn cỏ ở giữa vũng cất cánh bay đi. Hợi khỏa nhẹ ông tre cho tan váng "riêu cua" rồi múc đầy ống mang về cho 982.
Hợi đã quay về tới lò rèn mà 982 còn nhìn theo.
Quan sát khóa cùm, 982 biết ngay là một thứ khóa thường. Anh mừng thầm trong bụng, nhìn trước nhìn sau rồi vịn cột đứng lên, rút cây căm, cho đầu mẫu vào trong lỗ khóa. Hồi nhỏ, anh ta có học việc với một người thợ khóa ở Phố Lò Rèn Hà Nội nên chỉ một phút sau, nghe "cách" một tiếng, khóa bật ra liền. 982 lặng người đi vì mừng tuy biết trước kết quả, sau đấy anh mở ra, khóa vào mấy lần cho quen.
Sau cùng, 982 khóa cùm như trước, gài cây căm lên mái rạ, thầm nghĩ một cách sung sướng, đêm nay anh sẽ tháo cùm ra một lúc cho thoải mái cặp giò, để hiểu thấm thía thế nào là tự do của hai cẳng chân.
Từ lúc mở được khóa cùm, 982 có cảm tưởng tìm lại được sinh lộ và giờ khắc vượt trại chẳng còn xa. Anh ngồi dựa vào cột lều, ước lượng khoảng cách từ lều phong vương đến hàng ráo nứa thứ nhất, băng qua lối đi hẹp đến hàng rào thứ hai rồi...hết. Tự do! Tự do!
Khoảng hai mươi thước là ba chục bước chân, bước thật đều. Trong đêm tối, phải lấy bước chân tính đường. Tới hàng rào thứ nhất, anh sẽ đào ngạch dưới chân để chun qua, rồi đào ngạch chun qua rào thứ hai. Đào xong một ngạch, phải mất nửa tiếng đồng hồ đào hai ngạch mất một tiếng. Bỏ thêm ra nửa giờ nữa cho những trở ngại bất ngờ, thế là một tiếng rưỡi đồng hồ dùng vào việc đào ngạch.
Bảy giờ tối, trời đã tối mịt, sẽ bắt đầu mở cùm giũa xích. Mất một tiếng đồng hồ để cắt hai mắt xích ở hai đầu sợi xiềng, nửa tiếng cho một mối sắt, đào ngạch một tiếng rưỡi, 7 giờ tối khởi sự thì 9 giờ rưỡi sẽ ra lọt bên ngoài trại giam. Chạy vào rừng, chừng một tiếng đồng hồ nữa sẽ vượt được nửa cây số, hay nhiều lắm một cây số. Tối 19 âm lịch, tới 10 giờ khuya trăng mới mọc. Cố chạy thêm hai tiếng nữa dưới ánh trăng rồi leo lên cây ngủ, tới gần sáng sẽ chạy nữa. Khi đó vẫn còn trăng. Thế là thoát trận đầu.
Trong mình tràn trề một sinh lực mới vì 982 đã thấy lóe ra một niềm hy vọng chắc chắn. Theo kinh nghiệm, tù nhân nào còn nuôi hy vọng trong lòng sẽ là tù nhân sống sót.
982 bỗng ngồi thẳng người lên, nghểnh cổ đếm lại từng bước chân theo đường tưởng tượng, từ lều đến hàng rào. Lần này anh ước lượng khoảng đường đó dài từ 20 đến 21 thước nghĩa là từ 30 đến 32 bước chân. Trong đêm tối, cứ đếm đủ bước chân thì vừa tới hàng rào. Nhưng còn nhiều khó khăn khác trong thời gian lẩn trốn trong rừng, kiếm đâu ra thức ăn?
Vào nhà dân mượn nồi nấu cơm hoặc đổi gạo lấy thức ăn chín? Không được! Lộ hành tung thì nguy! Kiếm hoa quả trong rừng ăn tạm vậy. Nhưng nếu không kiếm được trái cây, củ sắn, củ khoai...? Đành vào nhà dân ăn xin lấy cỡ lỡ độ đường, cùng lắm sẽ ăn trộm, miễn sao sống sót!
982 miên man suy tính, tự đặt hàng trăm câu hỏi rồi tự trả lời. Tù nhân trong trại đã làm việc lúc nào không biết. Anh đang sống hoàn toàn trong giấc mơ giải phóng, tưởng tượng đang là con chim tự do bay trong rừng, sắp bay về tận tổ ấm gia đình, về tận trụ sở bí mật để hội họp, thảo luận, hoạt động với các anh em cùng chí hướng.
Trong trại giam cộng sản, quên được hiện tại khổ não mà hướng tâm trí về tương lai một cách tin tưởng là một sự kiện hiếm có và quý báu vô cùng. Cũng vì có tác dụng làm quên được khổ não nên một điếu thuốc lào mới trở thành một thức vật quan trọng, quan trọng ngang mạng người. Có người tù không được tiếp tế, phải để dành cả tháng mới kiếm đủ một điếu thuốc lào vì mỗi lần có dịp "mót" bã thuốc chỉ được một, hai sợi thuốc chưa cháy hết là nhiều. "Mót" được thêm sợi nào, người tù lại gom vào mảnh lá chuối dắt trong mình. Tới khi có ngót nghét một điếu thuốc, tù nhân đó mới chuẩn bị nửa ngày hay cả một ngày trời, đợi lúc thuận tiện nhất, thường thì vào buổi tối, sau khi học tập kiểm thảo xong trở về trại ngủ. Ngồi rảnh rang, người tù thận trọng sửa soạn kỹ càng cái điều cầy, rồi xin lửa kéo một hơi...thật dài, để hết cả thần lẫn trí vào điều thuốc.
Vừa tàn điếu thuốc là nằm lăn quay xuống trõng, lập tức không phí một giây, người tù dùng sức mạnh của tâm tưởng, nghĩ đến người thân nhất đối với mình, thường tình là cha mẹ, vợ con. Như vậy, người tù quên được hiện cảnh đau khổ và sống hai, ba mươi giây trong mộng ước. Rồi quay về sống thực tế trong trại giam.
Trường hợp của 982 không phải là điếu thuốc lào mà là mấy miếng cơm cháy và cây căm xe đạp có tác dụng mở khóa cùm để trốn khỏi trại giam...
Một cuốn truyện vạch trần bộ mặt gian trái của lủ Cộng Sản VN ! Chính xác - Trung Thực - Sống sượng - Kinh hoàng v...v... đọc đến đâu, vải đai đến đó . Có ai đó đã nói "chế độ CS không thể sửa chửa, hoặc đổi mới được, nó như một căn bệnh trầm kha, cần phải bị tiêu diệt tận gốc rể, ..." Quả ư là chính xác !!! Không thể giao du, làm ăn, đặt niềm tin nơi CS được. Chỉ có từ chết cho đến chết !!!!!... Read more
Xin hỏi làm sao down Tài liệu về được ả
Xin hỏi ban íiều Hành file dưới dạng PNG (.png) làm sao đem về máy PC nhà để đọc offline. Xin cám ơn nhiều.