MƯỜI HAI
Summer lái xe. Chúng tôi đi bằng chiếc Humvee tôi đậu trên vỉa hè. Chúng tôi không muốn mất thời gian lấy một chiếc sedan trong bãi. Chiếc xe khiến tay lái của cô hơi gượng một chút. Humvee thường là những chiếc xe đồ sộ chậm chạp có thể chạy trên nhiều địa hình, nhưng lại không hợp để phóng nhanh trên đường lát nhựa. Trông cô nhỏ xíu sau vô lăng. Chiếc xe kêu ầm ầm. Động cơ gầm lên còn bánh xe rít rõ to. Lúc đó đã bốn giờ chiều một ngày xám xịt và trời dần trở tối.
Chúng tôi đi về phía Bắc hướng quán trọ gã Kramer ở và quẹo hướng Đông qua giao lộ rồi trực chỉ Bắc trên cao tốc I-95. Chúng tôi đi được mười lăm dặm và qua một tiệm dừng chân rồi bắt đầu tìm trụ sở cảnh sát. Hóa ra nó cách đó thêm mười hai dặm nữa. Đó là một tòa nhà một tầng dài xây bằng gạch, với một rừng ăng ten radio cắm trên đầu. Trông như đã bốn mươi năm tuổi. Tường gạch đã phai màu. Không biết tòa nhà đã từng được sơn vàng rồi bị ánh nắng làm ngả màu hay nó từng được sơn trắng rồi bị ố bẩn bởi khói xe cộ qua lại bấy lâu. Dọc chiều dài tòa nhà có dòng chữ bằng thép không gỉ ghi Sở Cảnh sát Bắc Carolina theo phong cách Art Deco [1].
[1] Một trường phái nghệ thuật và trang trí mang tính trung chiết.
Chúng tôi đậu xe bên ngoài lớp cổng gắn kính. Summer tắt động cơ chiếc Humvee rồi cả hai ngồi thêm một giây nữa mới trườn ra ngoài. Bước qua một vỉa hè khá hẹp và mở cổng vào trong tòa nhà. Một nơi như bao trụ sở cảnh sát khác, được xây theo lối thực dụng với sàn lót vải sơn, luôn được đánh bóng hằng đêm dù có cần hay không. Bức tường được phết mấy lớp sơn bóng chồng trực tiếp lên nền xi măng. Không khí nóng nực và thoang thoảng mùi mồ hôi lẫn cà phê.
Một tay nhân viên ngồi sau bàn lễ tân. Chúng tôi hãy còn mặc đồ dã chiến và chiếc Humvee nằm rõ mồn một bên ngoài cửa, nên anh ta nhận ra rất nhanh. Anh ta không buồn xem căn cước hay hỏi chúng tôi đến đây làm gì. Cũng chẳng chất vấn vì sao tướng Kramer không đích thân tới. Anh ta chỉ lướt qua tôi và nhìn Summer chăm chú hơn một chút rồi cúi xuống bàn lấy chiếc cặp táp kia. Nó nằm trong một túi nhựa trong. Không phải túi đựng vật chứng. Chỉ là một túi mua sắm thông thường. Trên mặt túi còn in tên cửa tiệm màu đỏ.
Chiếc cặp táp này đồng bộ với cái túi vải của gã Kramer về mọi mặt. Cùng màu, cùng kiểu thiết kế, cùng độ cũ, cùng mức độ sờn rách, không ghi tên viết tắt. Tôi mở nó ra nhìn vào trong. Có một chiếc ví. Có vé máy bay. Có hộ chiếu. Có bản lịch trình gồm ba tờ giấy được bấm với nhau. Có một cuốn sách bìa cứng.
Nhưng không có bản chương trình nghị sự kia.
Tôi đóng cặp lại rồi đặt nó lên quầy. Để nó vuông góc với mép quầy. Tôi thất vọng, nhưng không ngạc nhiên.
“Nó có nằm sẵn trong túi khi được tìm thấy không?” tôi hỏi.
Tay tiếp tân lắc đầu. Anh ta vẫn đang nhìn Summer, không phải tôi.
“Tự tay tôi bỏ vào túi,” anh ta nói. “Cho sạch sẽ. Tôi đâu biết bao giờ mới có người đến lấy nó.”
“Chính xác thì các anh tìm thấy vật này ở đâu?” tôi hỏi anh ta.
Anh ta khựng lại một chút, rời mắt khỏi Summer và lần ngón tay to sụ lên cuốn sổ trên bàn, rà theo một dòng đến chỗ mã vị trí. Rồi anh ta quay lại và dùng ngón tay đó truy ra một điểm trên bản đồ. Bản đồ ấy là bản vẽ cỡ lớn phần cao tốc I-95 của Bắc Carolina, vừa dài vừa hẹp, hệt như miếng ruy băng rộng cỡ hơn chục phân. Nó thể hiện từng dặm một từ chỗ rời Nam Carolina đến chỗ tiến vào địa phận Virginia. Ngón tay anh ta lơ lửng một hồi rồi nhấn xuống, rất quả quyết.
“Đây,” anh ta nói. “Rìa đường về hướng Bắc, qua khỏi trạm dừng chân một dặm, cách ta chừng mười một dặm về hướng Nam.”
“Có cách nào biết được chiếc cặp táp đã ở đó bao lâu không?”
“Không hẳn,” anh ta đáp. “Bọn tôi đâu có hay ra rìa cao tốc tìm rác rưởi chứ. Thứ này ở đó có khi cả tháng rồi không chừng.”
“Thế tìm thấy nó kiểu gì vậy?”
“Thì khi kiểm soát giao thông như thường lệ thôi. Viên cảnh sát thấy nó nằm tơ hơ ở đó, khi đang đi từ xe tuần tra tới chiếc xe anh ấy vừa yêu cầu dừng lại.”
“Chính xác là từ bao giờ?”
“Mới hôm nay thôi,” anh ta nói. “Ngay đầu ca trực thứ hai. Sau buổi trưa một chút.”
“Nó đâu có nằm đây cả tháng,” tôi bảo.
“Ông kia bị mất nó từ khi nào?”
“Đêm Giao thừa,” tôi đáp.
“Ở đâu?”
“Bị cướp ngay chỗ ông ta đang trọ.”
“Lúc đó ông ta ở đâu?”
“Một quán trọ cách đây ba mươi dặm về hướng Nam.”
“Vậy là kẻ cướp lúc đó đang trên đường trở về hướng Bắc.”
“Chắc vậy,” tôi đáp.
Anh ta nhìn tôi như thể muốn xin phép rồi cầm chiếc cặp táp lên hệt như một nhà sưu tập ngắm nghía một món đồ quý hiếm. Anh ta đặt nó dưới ánh đèn rồi nhìn ngó từ mọi góc.
“Tháng Giêng,” anh ta nói. “Chúng tôi hay có sương đêm. Ngoài trời đủ lạnh để đường đóng băng. Nên chúng tôi phải rải muối. Vào thời điểm này tại rìa cao tốc, vật gì cũng nhanh cũ. Chiếc cặp táp này trông sờn cũ, nhưng chưa nát lắm. Trong thớ vải vẫn còn vài hạt sạn. Nhưng không nhiều lắm. Nó không nằm đó từ đêm Giao thừa, đó là chắc chắn. Chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi nghĩ vậy. Chỉ một đêm thôi, không hơn.”
“Anh có chắc không?” Summer hỏi.
Anh ta lắc đầu. Đặt chiếc cặp táp lại lên quầy.
“Suy đoán thôi,” anh ta nói.
“OK,” tôi bảo. “Cảm ơn nhé.”
“Nhờ anh ký nhận đồ giùm.”
Tôi gật đầu. Anh ta xoay cuốn sổ lại đẩy đến chỗ tôi. Trên túi ngực phải tôi có gắn bảng tên Reacher ngụy trang tối màu, nhưng tôi đoán nãy giờ anh ta chẳng để ý. Anh ta chủ yếu mải nhìn túi ngực Summer. Nên tôi ngoáy chữ K. Kramer lên đúng dòng trên cuốn sổ rồi cầm chiếc cặp táp trở ra.
“Ăn cướp gì ngộ ghê,” tay tiếp tân nói. “Trong ví còn thẻ tín dụng American Express và tiền mặt. Bọn tôi kiểm tra bên trong rồi.”
Tôi không trả lời. Chỉ bước thẳng ra cửa, leo lên chiếc Humvee.
Summer dừng xe đợi đường bớt đông rồi phóng vút qua ba làn đường leo lên cả dải phân cách trồng cỏ mềm. Xe trườn xuống con dốc, qua rãnh thoát nước rồi lên thẳng lề đường đối diện. Cô đợi một chút rồi mới lùi xe trở lại mặt đường và tiến về hướng Nam. Cách lái như vậy mới phù hợp cho một chiếc Humvee.
“Ví dụ thế này nhé sếp,” cô nói. “Đêm qua Vassell và Coomer rời trại Bird lúc mười giờ tối cùng với chiếc cặp táp. Họ đi về hướng Bắc tới sân bay Dulles hoặc sân bay Washington Nationals. Trên đường họ lấy lại bản chương trình nghị sự rồi ném chiếc cặp táp ra ngoài cửa sổ.”
“Họ ngồi trong quầy bar và nhà ăn suốt thời gian ở trại Bird.”
“Có thể một trong những người đó đã chuyển cái cặp cho họ. Ta nên kiểm tra họ ăn tối với ai. Có thể nữ quân nhân lái xe Humvee kia cũng có mặt.”
“Họ có bằng chứng ngoại phạm cả.”
“Nhưng không chắc chắn. Tiệc Giao thừa loạn lắm ai mà đảm bảo được.”
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng chiều đang tan nhanh. Trời dần trở tối. Bên ngoài thế giới trông thật tối tăm và lạnh lẽo.
“Sáu mươi dặm,” tôi nói. “Người ta tìm thấy chiếc cặp táp cách trại Bird sáu mươi dặm về hướng Bắc. Cả tiếng đồng hồ đi xe chứ ít gì. Bọn họ hẳn sẽ lấy lại bản chương trình nghị sự và quẳng chiếc cặp táp đi từ lâu rồi.”
Summer không nói gì.
“Vả lại họ có thể làm điều đó ở trạm dừng chân chứ. Thí dụ như bỏ vào thùng rác này. Thế còn an toàn hơn. Ném chiếc cặp táp ra ngoài cửa xe đang chạy thì lộ liễu quá.”
“Có khi chẳng có chương trình nghị sự nào thật.”
“Lần đầu tiên trong lịch sử quân đội đấy.”
“Thế thì có thể nó không quan trọng thật.”
“Bọn họ đặt suất ăn mang đi ở trại Irwin. Một tướng hai sao, một tướng một sao, và một toán đại tá làm việc xuyên giờ ăn trưa. Chắc cũng là lần đầu trong lịch sử quân đội. Hội nghị đó chắc chắn quan trọng, Summer ạ, tin tôi đi.”
Cô im lặng.
“Cô đánh xe lại như ban nãy đi,” tôi bảo. “Leo lên dải phân cách ấy. Rồi lái về hướng Bắc thêm chút nữa. Tôi muốn kiểm tra khu vực dừng chân đó.”
Khu vực dừng chân ấy cũng hệt như ở những vùng giao giữa các tiểu bang mà tôi đã từng thấy. Tuyến cao tốc về hướng Bắc và hướng Nam khẽ tách sang hai bên để rồi ở giữa nhô lên một dãy nhà dài và to. Dãy nhà dành cho khách đi từ cả hai chiều đường. Vậy nên chúng chỉ có hai mặt tiền và không có mặt sau. Toàn bộ được xây bằng gạch với những thềm hoa và cây không lá nằm lặng lẽ vây quanh. Có chỗ đổ xăng. Có chỗ đậu xe. Lúc này nơi đây như đang lửng lơ giữa im lìm và nhộn nhịp. Lễ tết đang kết thúc. Nhiều gia đình miễn cưỡng trở về nhà, chuẩn bị đi học, chuẩn bị đi làm. Một phần ba bãi đậu xe đã kín. Cách họ đậu xe cũng thú vị. Thay vì chịu khó đi thêm một đoạn nữa để được gần quán ăn hay quầy vệ sinh nào đó, họ chọn dừng lại ngay điểm đậu đầu tiên mình thấy. Có lẽ bản tính con người là vậy. Một dạng thiếu tự tin nào đó.
Ngay cửa chính tòa nhà là một khoảnh sân bán nguyệt. Tôi có thể thấy bảng đèn nê ông sáng rực trong tiệm bán đồ ăn. Bên ngoài, sáu thùng rác đặt gần cửa. Có khá nhiều người ở quanh, nhìn tới, nhìn lui.
“Đông người quá,” Summer nói. “Chuyện này chẳng đi đến đâu sếp à.”
Tôi gật đầu lần nữa. “Nếu không vì bà nhà Kramer tôi đã cho qua vụ này luôn rồi.”
“Vụ Carbone quan trọng hơn. Ta nên biết ưu tiên vụ việc sếp ạ.”
“Thế thì khác nào ta chịu thua chứ.”
Chúng tôi rời khu dừng chân theo hướng Bắc và Summer lại trổ tài đánh xe trèo qua dải phân cách như ban nãy rồi quành về hướng Nam. Tôi ngả người cho thoải mái hết mức có thể trong chiếc xe quân dụng trên đường về. Trời ngả tối dần phía bên trái tôi. Xa xăm đâu đó bên phải tôi là bóng hoàng hôn mập mờ phương Tây. Mặt đường có vẻ ẩm ướt. Summer trông không bận tâm lắm đến khả năng đường trơn trượt.
Tôi ngồi yên trong hai mươi phút đầu. Rồi tôi bật đèn trong xe lên để lục soát thật kỹ càng chiếc cặp của Kramer. Tôi không mong tìm được gì đáng chú ý, và tôi đã đúng. Hộ chiếu của gã là hộ chiếu tiêu chuẩn, đã qua bảy năm sử dụng. Nhìn gã trong hình có vẻ đỡ hơn khi nằm phơi thây trong quán trọ, nhưng cũng không hơn bao nhiêu. Rất nhiều dấu thị thực cả đi cả về từ Đức và Bỉ. Một nơi là mặt trận trong tương lai, nơi kia là trụ sở chính khối Liên minh Quân sự Châu Âu. Ngoài hai nơi đó ra thì gã không còn đi tới nước nào khác. Quả là dân chuyên nghiệp. Trong vòng ít nhất bảy năm gã chỉ toàn tâm toàn ý vào đấu trường chiến xa vĩ đại cuối cùng của thế giới và cấu trúc quyền lực của nó.
Tập vé máy bay kia thì y như Garber đã kể. Từ Frankfurt đến Dulles, rồi Washington Nationals đến Los Angeles. Tất cả đều là hàng ghế bình dân với giá dành cho công chức, được đặt trước ngày bay ba hôm.
Thông tin trong nhật ký hành trình khớp với cuống vé máy bay. Có lưu cả số ghế. Có vẻ như gã Kramer thích ngồi ghế gần lối đi. Chắc bọng đái không còn được khỏe như hồi trẻ. Còn có tờ xác nhận đặt một phòng đơn trong nhà khách dành cho sĩ quan của trại Irwin, nơi gã chưa kịp đặt chân tới.
Trong ví có ba mươi bảy đô la Mỹ và sáu mươi bảy đồng mác Đức, đều là tiền lẻ. Thẻ tín dụng American Express là dạng thẻ màu xanh cơ bản, sắp hết hạn trong vòng một năm rưỡi. Nhìn dòng Thời điểm đăng ký, ta có thể thấy gã đã từng có một thẻ như vậy từ năm 1964. Tôi thấy là khá sớm đối với một sĩ quan quân đội. Hồi đó ai cũng chỉ nhận được tiền mặt hay phiếu thanh toán của quân đội mà thôi. Kramer quả là thức thời, về mặt tài chính.
Có một bằng lái xe bang Virginia. Gã khai khu Green Valley là địa chỉ thường trú, dù hiếm khi dành nhiều thời gian tại đó. Còn một thẻ căn cước quân đội tiêu chuẩn. Thêm tấm ảnh chụp bà Kramer, nhét phía sau ngăn bằng nhựa trong. Một phiên bản trẻ trung hơn người phụ nữ tôi thấy nằm chết giữa sàn hành lang kia. Bức ảnh đó cũng phải từ hai mươi năm trước rồi. Trông hồi ấy bà ta khá xinh xắn. Tấm ảnh phai dần theo thời gian khiến mái tóc dài màu nâu vàng ngả thành màu cam.
Ngoài ra không còn gì trong chiếc ví. Không biên lai, không hóa đơn nhà hàng, không bản sao giấy than hóa đơn thẻ tín dụng, không lưu số điện thoại, không mẩu giấy vặt nào. Tôi không ngạc nhiên lắm. Tướng thường là những người gọn gàng, ngăn nắp. Họ cần có khiếu chinh chiến, và cả khiếu quản lý nữa. Tôi đoán văn phòng lẫn bàn làm việc của gã Kramer cũng hệt như chiếc ví này. Chỉ chứa những vật gã cần và không nhận những thứ thừa thãi.
Cuốn sách bìa cứng kia là tài liệu nghiên cứu Trận Vòng cung Kursk được một trường đại học vùng Trung Tây Mỹ nào đó xuất bản. Trận Kursk diễn ra vào tháng Bảy năm 1943. Đó là chiến dịch tấn công khổng lồ cuối cùng và cũng là thất bại kinh hoàng đầu tiên trên mặt trận của Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Nó trở thành trận đấu tăng vĩ đại nhất mà thế giới từng được chứng kiến, nhưng sẽ không phải là trận duy nhất nếu họ thả nổi cho những gã như Kramer. Tôi không ngạc nhiên khi biết gã Kramer đi đọc thứ này. Một phần nhỏ nào đó trong gã hẳn lo rằng bản thân sẽ chẳng bao giờ được tham gia một chiến dịch long trời lở đất nào trừ phi tự thỏa mãn mình bằng cách đọc tài liệu về một trận hỗn chiến tung trời đất giữa hàng trăm chiến xa Tiger và Panther của Đức với chiến xa T-34 của Xô Viết vào mùa hè đỏ lửa năm đó.
Trong chiếc cặp không còn gì khác đáng chú ý. Chỉ vài mẩu giấy vụn kẹt lại giữa các đường may. Có vẻ gã Kramer luôn dọn sạch sẽ túi của mình mỗi khi sửa soạn đồ đạc lên đường. Tôi cất mọi thứ vào trong và gài khóa lại rồi đặt chiếc cặp táp ngay dưới chân.
“Nhớ nói chuyện với bên nhà ăn,” tôi nói. “Khi ta trở về. Tìm hiểu xem những ai đã ngồi cùng Vassell và Coomer.”
“OK,” Summer đáp. Rồi tiếp tục lái xe.
Chúng tôi trở về trại Bird vừa giờ ăn tối. Rồi dùng bữa tại nhà ăn dành cho sĩ quan cùng vài sĩ quan Quân cảnh khác. Nếu có gián điệp của lão Willard trong đó, hẳn họ sẽ chỉ thấy hai nhân vật mặt mũi uể oải đang ngồi không. Nhưng Summer lâu lâu lại lén rời bàn rồi trở lại cùng ánh mắt có tin tức mới ấy. Tôi ăn phần tráng miệng và uống cà phê thật chậm rãi để người ta không nghĩ mình đang có việc gì khẩn cấp lắm. Rồi tôi đứng dậy ra ngoài. Đứng chờ bên vỉa hè lạnh giá. Summer trở ra trong vòng năm phút sau. Tôi mỉm cười. Cứ như chúng tôi đang lén lút qua lại với nhau vậy.
“Chỉ có một phụ nữ ngồi ăn cùng Vassell và Coomer thôi,” cô nói.
“Ai vậy?” tôi hỏi.
“Trung tá Andrea Norton.”
“Cái cô dạy môn chiến thuật tâm lý đấy á?”
“Chính cô ta.”
“Cô ta có đi chơi đêm Giao thừa mà?”
Summer nhăn mặt. “Sếp thừa biết tiệc tùng kiểu ấy như thế nào rồi mà. Quán bar trong thị trấn, cả trăm người tham dự, ra vào liên tục, ồn ào, lộn xộn, bia rượu, từng cặp đôi rời quán cùng nhau. Cô ta có thể lẻn đi mà.”
“Quán bar ấy ở đâu?”
“Cách quán trọ kia ba mươi phút đi bộ.”
“Thế thì cô ta sẽ phải vắng mặt, ít nhất, một tiếng đồng hồ.”
“Hoàn toàn khả thi.”
“Vậy cô ta có ở quán bar lúc nửa đêm không? Nắm tay người khác cùng họ hát bài ‘Auld Lang Syne’? Ai đứng cạnh cô ta có thể xác nhận.”
“Người ta nói cô ta đã ở đó. Nhưng lúc ấy có khi cô ta đã kịp trở lại rồi. Thằng nhóc lễ tân bảo chiếc Humvee bỏ đi vào mười một giờ hai mươi lăm phút. Cô ta đã có thể trở về quán bar mà còn thư thả tới năm phút. Sẽ không khả nghi gì. Sếp biết đó, mọi người cũng cứ thế xuất hiện thôi, đợi đón năm mới mà. Như kiểu tăng hai của buổi tiệc ấy.”
Tôi không đáp.
“Cô ta có thể lấy chiếc cặp táp để dọn sạch dấu vết của mình. Có thể nó có mẩu giấy ghi số điện thoại, hoặc tên hay hình của cô ta. Hoặc là một cuốn nhật ký chẳng hạn. Cô ta không muốn làm lộ chuyện. Nhưng sau khi dọn sạch sẽ, cô ta cũng chẳng cần những thứ khác nữa. Được hỏi tới thì cứ thế vui vẻ trả lại thôi.”
“Vậy cách nào Vassell và Coomer biết ai mà hỏi?”
“Trong cái hũ nút này thì làm sao giấu được cuộc ngoại tình lâu dài đến vậy.”
“Không hợp lý,” tôi bảo. “Nếu người ta biết chuyện giữa Kramer và Norton, thì cần gì tới tận căn nhà ở Virginia kia?”
“OK, có thể là họ không biết. Có thể việc đó nằm trong những điều họ nghi ngờ chẳng hạn. Có thể là thứ cuối danh sách. Như thể họ tưởng chuyện hai người đã chấm dứt rồi ấy.”
Tôi gật đầu. “Ta có thể lấy được thông tin gì từ cô ta?”
“Ta có thể đi xác nhận rằng Vassell và Coomer đã hẹn gặp để lấy lại chiếc cặp táp vào tối qua. Điều đó chứng tỏ họ đã truy tìm nó, và vì vậy họ chính là nghi phạm chính trong vụ bà Kramer.”
“Bọn họ chẳng gọi ai từ khách sạn, và cũng không có thời gian tự thân đến đó. Nên chắc khó khép họ vào dạng tình nghi được. Ta còn lấy được thông tin gì khác không?”
“Ta có thể xác định được bản chương trình nghị sự kia đang ở đâu. Ta biết Vassell và Coomer đã thu hồi nó. Ít ra như thế quân đội có thể thở phào yên tâm rằng sẽ không có tay phóng viên nào vô tình mò ra được nó tại một bãi rác công cộng cả.”
Tôi gật đầu. Không nói gì thêm.
“Và có khi Norton đã thấy nó rồi,” Summer bảo. “Có khi còn đọc qua nữa. Có thể cô ta còn cho ta biết được nguyên nhân của những chuyện lùm xùm gần đây.”
“Khá hấp dẫn đấy.”
“Hẳn là vậy rồi.”
“Ta cứ xông thẳng vào hỏi cô ta luôn được không nhỉ?”
“Sếp từ Đội 110 mà. Sếp muốn hỏi ai mà chẳng được.”
“Tôi không muốn lão Willard biết.”
“Cô ta có biết lão đó hằm hè gì với sếp đâu.”
“Biết chứ. Lão liên lạc với cô ta ngay sau vụ Carbone mà.”
“Tôi nghĩ chúng ta phải nói chuyện với cô ta.”
“Vụ này nói chuyện cũng khó đấy,” tôi nói. “Cô ta có vẻ dễ giận.”
“Nói chuyện sai cách mới vậy thôi.”
“Thế làm cách nào cho đúng đây?”
“Ta có thể thao túng tình huống này. Đây là một vụ bê bối mà. Cô ta chẳng muốn bị lộ chuyện đâu.”
“Không nên ép quá kẻo cô ta gọi lão Willard thì khốn.”
“Sếp sợ lão à?”
“Tôi chỉ sợ quyền hạn của lão thôi. Sẽ chẳng ích gì nếu cả hai ta bị điều đi tới tận Alaska đâu.”
“Tùy sếp đó.”
Tôi im lặng một hồi lâu. Nhớ lại cuốn sách bìa cứng của gã Kramer. Bây giờ cũng giống như ngày mười ba tháng Bảy, năm 1943, ngày diễn ra Trận Vòng cung Kursk kia. Chúng tôi giống Alexander Vasilevsky, tướng chỉ huy Xô Viết trong trận đánh ấy. Nếu ta tấn công ngay bây giờ, ngay giây phút này, ta phải ráo riết truy kích không ngừng cho đến khi quân thù cong đuôi bỏ chạy và cuộc chiến kết thúc. Nếu tạm ngừng hay dừng lại để thở dù chỉ một giây, ta sẽ bị nghiền nát ngay.
“OK,” tôi nói. “Chiến thôi.”
Chúng tôi gặp Andrea Norton trong phòng nghỉ dành cho sĩ quan và tôi hỏi cô ta có thể dành vài phút nói chuyện với bọn tôi trong văn phòng của cô ta không. Trông cô ta bối rối như muốn hỏi lý do vì sao. Tôi trả lời đây là việc tối mật. Cô ta vẫn bối rối. Vì lão Willard đã bảo rằng vụ Carbone kết thúc rồi, nên cô ta không hiểu bọn tôi còn tìm đến vì lẽ gì nữa. Nhưng cô ta vẫn đồng ý. Cô ta nhắn sẽ gặp chúng tôi trong văn phòng chừng ba mươi phút nữa.
Summer và tôi đợi ba mươi phút trong văn phòng mình cùng bản danh sách những ai có mặt hoặc vắng mặt tại doanh trại vào thời điểm Carbone bị hạ sát. Cô xếp gọn gàng mớ giấy tờ dài dằng dặc kia thành một xấp dày chừng hai phân. Trong ấy có chi tiết tên họ, cấp bậc và số thứ tự theo từng hàng in bằng mực in kim. Mọi cái tên đều được đánh dấu bên cạnh.
“Dấu này nghĩa là gì?” tôi hỏi cô. “Có mặt hay vắng mặt?”
“Có mặt,” cô đáp.
Tôi gật đầu. Tôi đang lo chuyện ấy. Tôi lướt ngón cái qua mớ hồ sơ.
“Có bao nhiêu người tất cả?” tôi hỏi.
“Chừng một ngàn hai trăm người.”
Tôi gật đầu lần nữa. Về lý thuyết mà nói thì việc sàng lọc qua một ngàn hai trăm cái tên để tìm ra một kẻ thủ ác chẳng có gì khó. Có những ca cảnh sát phải ngụp lặn trong một bể nghi phạm lớn hơn nhiều. Như có vụ ở Hàn Quốc mà họ đã xét toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ vào dạng tình nghi. Nhưng để xử lý những ca như vậy ta cần nguồn nhân lực vô biên, lực lượng điều tra lớn, và nguồn hỗ trợ khổng lồ. Và cần nhất là sự hợp tác của mọi người. Chẳng cách nào sức còm của hai cá nhân có thể xử lý nổi việc này, mà lại còn lén lút sau lưng sĩ quan chỉ huy nữa.
“Bất khả thi,” tôi nói.
“Không gì là bất khả thi cả,” Summer đáp.
“Ta phải tìm phương cách khác.”
“Như thế nào hả sếp?”
“Thủ phạm đem gì đến hiện trường?”
“Đi tay không ạ.”
“Sai,” tôi nói. “Hắn đem chính bản thân tới.”
Summer nhún vai. Miết ngón tay theo mép tập hồ sơ. Xấp giấy ép vào nhau dày cộp rồi mỏng dần trong lúc không khí thoát ra giữa những trang giấy.
“Sếp chọn một cái tên đi,” cô nói.
“Hắn đem theo một con dao K-bar,” tôi bảo.
“Một ngàn hai trăm cái tên, một ngàn hai trăm con dao K-bar.”
“Hắn mang theo một tuýp sắt hoặc xà beng gì đó.”
Cô gật đầu.
“Và cả sữa chua nữa,” tôi bảo.
Cô im lặng.
“Bốn thứ,” tôi nói. “Bản thân hắn, một con dao K-bar, một vật cùn, và sữa chua. Sữa chua ở đâu ra?”
“Từ tủ lạnh trong phòng riêng của hắn,” Summer đáp. “Hoặc phòng ăn chung nào đó, bàn buffet, từ viên sĩ quan hậu cần, siêu thị hoặc quán ăn hoặc tiệm tạp hóa đâu đó ngoài doanh trại.”
Tôi tưởng tượng hình ảnh một gã thở hồng hộc, đi nhanh, có thể đầm đìa mồ hôi, tay phải cầm con dao vấy máu và cây xà beng, tay trái cầm hũ sữa chua đã rỗng, vấp váp giữa đêm đen, tới gần một nơi nào đó, nhìn xuống, thấy cái hũ, bèn ném vào bụi cây, cất dao vào túi, giấu xà beng dưới lớp áo khoác.
“Ta nên tìm cái hũ đó,” tôi nói.
Summer im lặng.
“Chắc hắn đã vứt nó đi rồi,” tôi nói tiếp. “Ở nơi nào không gần hiện trường lắm, nhưng cũng chẳng xa.”
“Liệu có ích gì cho ta không sếp?”
“Cái hũ đó dám có in mã sản xuất trên ấy. Chí ít là một dòng hạn sử dụng. Kiểu vậy. Từ đó may ra ta tìm được nơi hắn đã mua nó.”
Rồi tôi khựng lại.
“Dám khi còn tìm được dấu vân tay trên ấy,” tôi nói.
“Hắn đeo găng mà sếp.”
Tôi lắc đầu. “Tôi thấy người ta mở hũ sữa chua suốt. Nhưng chưa bao giờ thấy ai đeo găng mà thử cả. Bên trong còn một lớp đậy bằng nhôm mà. Có mép để lật lên ấy.”
“Thế ta phải xới tung một trăm ngàn mẫu vuông đất doanh trại để tìm đó sếp.”
Tôi gật đầu. Trở về bước đầu tiên. Thông thường thì chỉ cần vài ba cú điện thoại là tôi có thể lôi cả đám lính ra ngoài sân quỳ cách nhau một yard, bò chậm rãi bằng cả bốn chi như răng của một cây lược người khổng lồ, cắm mặt xuống đất và dùng tay tách từng ngọn cỏ. Cứ thế làm hết hôm nay rồi đến ngày mai, làm đến ngày kia, cho đến khi ai đó tìm thấy thứ chúng tôi cần tìm. Với khoản nhân lực của quân đội, anh hoàn toàn có thể tìm được cây kim dưới đáy bể. Cây kim đó có gãy làm đôi anh cũng tìm được. Miếng mẻ của cây kim đó cũng tìm được nữa là.
Summer nhìn đồng hồ trên tường.
“Hết ba mươi phút rồi,” cô nói.
Chúng tôi lái chiếc Humvee tới khu huấn luyện tác chiến tâm lý rồi đậu xe ở khoảng sân có lẽ dành riêng cho ai đó. Lúc đó đã chín giờ. Summer tắt máy xe rồi chúng tôi mở cửa bước vào trời đêm lạnh.
Tôi mang theo chiếc cặp táp của Kramer bên mình.
Chúng tôi bước qua hành lang lát gạch đã cũ tới trước cửa phòng Norton. Bên trong đang sáng đèn. Tôi gõ cửa rồi cả hai bước vào. Norton ngồi sau bàn làm việc. Khối sách giáo khoa của cô ta đã được xếp vào kệ tủ sau lưng. Không có cuốn sổ tay nào trên bàn. Không bút mực lẫn bút chì. Bàn làm việc của cô ta sạch trơn. Ánh sáng từ đèn bàn rọi xuống thành một hình tròn hoàn hảo trên mặt gỗ.
Phòng cô ta đặt ba chiếc ghế dành cho khách. Cô ta vẫy tay mời chúng tôi ngồi. Summer ngồi bên phải. Tôi ngồi bên trái. Tôi đặt chiếc cặp táp của Kramer vào ghế giữa, đối mặt Norton, như bóng ma từ quá khứ hiện về. Cô ta không để mắt tới nó.
“Tôi giúp gì được hai vị đây?” cô ta hỏi.
Tôi cố tình chỉnh chiếc cặp táp sao cho nó dựng thẳng thớm trên ghế.
“Mòi cô kể cho chúng tôi về bữa tiệc tối qua,” tôi nói.
“Bữa tiệc nào chứ?”
“Cô có dùng bữa cùng vài sĩ quan Thiết giáp ghé thăm doanh trại ta.”
Cô ta gật đầu.
“Vassell và Coomer,” cô ta đáp. “Thì sao?”
“Họ từng làm việc cho thiếu tướng Kramer.”
Cô ta gật đầu lần nữa. “Tôi cũng biết vậy.”
“Kể chúng tôi nghe về bữa ăn đi.”
“Về món ăn á?”
“Về không khí chung,” tôi đáp. “Về cuộc đối thoại, về thái độ mọi người lúc đó.”
“Như mọi bữa ăn trong nhà ăn dành cho sĩ quan thôi mà,” cô ta nói.
“Ai đó đã đưa một chiếc cặp táp cho Vassell và Coomer.”
“Vậy sao? Như kiểu, quà tặng á?”
Tôi im lặng.
“Tôi không nhớ việc đó,” Norton nói. “Khi nào vậy?”
“Trong bữa tối,” tôi nói. “Hoặc khi họ chuẩn bị ra về.” Không ai nói gì.
“Một chiếc cặp táp sao?” Norton hỏi.
“Là cô phải không?” Summer hỏi.
Norton nhìn cô, rất thẳng thừng. Hoặc cô ta thực sự không hiểu chuyện đang xảy ra, hoặc cô ta là một diễn viên đại tài. “Là tôi làm sao cơ?”
“Là người đưa họ chiếc cặp táp.”
“Tại sao tôi lại đưa họ chiếc cặp? Tôi đâu có thân với họ đến vậy.”
“Cô thân với họ đến mức nào?”
“Tôi gặp hai người này một hai lần gì đó, cách đây nhiều năm rồi.”
“Ở trại Irwin?”
“Hình như vậy.”
“Sao cô lại ăn tối với họ?”
“Vì lúc đó tôi đang ở quầy bar. Rồi họ mời tôi. Từ chối thì không được lịch sự lắm.”
“Cô có biết họ sẽ tới hôm đó không?” tôi hỏi.
“Không,” cô ta đáp. “Tôi chẳng biết. Tôi ngạc nhiên vì họ không ở Đức thôi.”
“Vậy cô thân với hai người đó đủ để biết họ công tác tại nơi nào.”
“Kramer là một chỉ huy Thiết giáp ở châu Âu. Bọn họ là cấp dưới của ông ta. Tôi hẳn sẽ không nghĩ hai người đó công tác ở đảo Hawaii rồi.”
Không ai nói gì. Tôi quan sát ánh mắt Norton. Cô ta không nhìn chiếc cặp của Kramer lâu hơn nửa giây. Vừa đủ để biết tôi đem tới một chiếc cặp nào đó, rồi không bận tâm nữa.
“Chuyện này là sao vậy?” cô ta hỏi.
Tôi không đáp.
“Nói cho tôi biết đi.”
Tôi chỉ vào chiếc cặp. “Vật này thuộc về thiếu tướng Kramer. Ông ta đánh mất nó vào đêm Giao thừa và tới hôm nay lại xuất hiện. Chúng tôi đang tìm hiểu xem nó đã ở đâu.”
“Ông ta mất nó ở đâu?”
Summer cựa người trên ghế.
“Tại một quán trọ,” cô đáp. “Khi đang quan hệ tình dục với một nữ quân nhân từ doanh trại này. Cô ta lái một chiếc Humvee tới đó. Vì vậy chúng tôi đang tìm một nữ sĩ quan có quen biết với Kramer, và có quyền sở hữu một chiếc Humvee cá nhân, và vắng mặt tại doanh trại trong đêm Giao thừa, và có dự bữa ăn tối qua.”
“Tôi là nữ sĩ quan duy nhất dùng bữa tối qua mà.”
Một thoáng yên lặng.
Summer gật đầu. “Chúng tôi biết. Và hứa sẽ giữ kín chuyện này, với điều kiện cô cho chúng tôi biết cô đã giao chiếc cặp này cho ai.”
Căn phòng trở im lặng. Norton nhìn Summer như thể cô vừa kể một câu chuyện tiếu lâm mà cô ta chưa kịp hiểu.
“Cô nghĩ tôi đã ngủ với thiếu tướng Kramer sao?” cô ta hỏi.
Summer không đáp.
“Vậy thì, không có đâu,” Norton nói tiếp. “Lạy Chúa tôi.”
Không ai nói gì thêm.
“Tôi chẳng biết mình nên cười hay khóc nữa,” cô ta bảo. “Tôi đang rối mù lên đây. Vừa rồi là một lời vu khống quá lố bịch. Cô nói vậy mà nghe được thì tôi cũng ngạc nhiên quá.”
Không ai nói gì một lúc lâu. Norton mỉm cười, như thể tất cả chuyện vừa rồi chỉ làm cô ta thích thú. Chứ không nối giận. Cô ta nhắm mắt lại rồi mở chúng ra một lát sau, như muốn xóa cuộc đối thoại ban nãy ra khỏi đầu.
“Trong chiếc cặp có thứ gì bị mất không?” cô ta hỏi tôi.
Tôi không trả lời.
“Giúp tôi đi nào,” cô ta nói tiếp. “Làm ơn đó. Tôi đang muốn làm rõ chuyến viếng thăm kỳ khôi này của hai vị. Trong chiếc cặp của Kramer có thứ gì bị mất không?”
“Vassell và Coomer bảo không.”
“Nhưng rồi sao?”
“Tôi không tin bọn họ.”
“Anh nên tin thì hơn. Dù gì họ cũng là cấp trên.”
Tôi không đáp.
“Vậy sĩ quan chỉ huy mới của anh nói gì?”
“Ông ta không muốn điều tra tiếp vụ việc này. Ông ta sợ phanh phui một vụ bê bối.”
“Anh nên nghe lời ông ta thì hơn.”
“Tôi làm điều tra. Việc của tôi là phải đặt câu hỏi.”
“Quân đội như gia đình vậy,” cô ta nói. “Chúng ta là một phe mà.”
“Tối qua có phải Vassell và Coomer đã ra về cùng chiếc cặp này không?”
Norton nhắm mắt lại lần nữa. Ban đầu tôi tưởng cô ta sắp nổi đóa, nhưng tôi nhận ra cô ta đang hồi tưởng về cảnh tối qua, tại khu gửi áo khoác của sĩ quan.
“Không,” cô ta đáp. “Cả hai không ai đem theo chiếc cặp này ra về cả.”
“Cô có chắc không?”
“Tôi cam đoan.”
“Thái độ bọn họ khi dùng bữa như thế nào?”
Cô ta mở mắt.
“Hai người đó rất thoải mái,” cô ta đáp. “Như thể họ đang tận hưởng một buổi tối nhàn hạ vậy.”
“Bọn họ có nói vì sao lại ghé trại Bird lần nữa không?”
“Đám tang của thiếu tướng Kramer diễn ra hôm qua, vào tầm trưa.”
“Tôi không biết việc đó.”
“Tôi nghe nói Viện Walter Reed đã trả xác còn Lầu Năm Góc lo hậu sự.”
“Đám tang tổ chức ở đâu?”
“Nghĩa trang Arlington,” cô ta đáp. “Chứ ở đâu nữa?”
“Nơi đó cách đây ba trăm dặm.”
“Chừng đó. Theo đường chim bay.”
“Vậy sao họ lại tới đây dùng bữa tối?”
“Cái đó thì họ không nói với tôi,” cô ta đáp.
Tôi im lặng.
“Còn gì nữa không?” cô ta hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Một quán trọ à?” cô ta nói tiếp. “Nhìn tôi giống loại đàn bà con gái đồng ý gặp gã nào đó tại một quán trọ sao?”
Tôi không trả lời.
“Mời về cho,” cô ta nói.
Tôi đứng dậy. Summer cũng làm theo. Tôi cầm chiếc cặp của Kramer từ ghế giữa rồi bước ra khỏi phòng. Summer đi theo sau.
“Sếp tin cô ta không?” Summer hỏi tôi.
Chúng tôi đang ngồi trong chiếc Humvee ngay bên ngoài khu tác chiến tâm lý. Động cơ xe vẫn im lìm còn hệ thống sưởi đang phả làn hơi vừa nóng vừa nồng thoang thoảng mùi xăng dầu.
“Có chứ,” tôi đáp. “Ngay khi cô ta không thèm nhìn chiếc cặp. Nếu trông thấy nó từ trước hẳn cô ta đã lúng túng ngay lập tức rồi. Và tôi cũng tin chuyện quán trọ kia nữa. Phải là đại gia mới tán đổ được cô nàng này.”
“Vậy ta đã biết được gì thêm nào?”
“Chẳng biết được gì cả,” tôi đáp. “Một con số không to đùng.”
“Không đâu, ta biết doanh trại Bird này là một nơi rất hấp dẫn, có vẻ vậy. Vassell và Coomer cứ tới đây suốt, mà chẳng có lý do nào cả.”
“Vậy mới lạ chứ,” tôi nói.
“Và cô Norton kia nghĩ chúng ta là một gia đình.”
“Sĩ quan mà,” tôi nói. “Chứ cô tưởng thế nào?”
“Sếp là sĩ quan. Tôi cũng là sĩ quan.”
Tôi gật đầu.
“Tôi học trường West Point tới bốn năm trời,” tôi nói. “Đáng lẽ tôi phải hiểu chuyện hơn mới phải. Đáng lẽ tôi nên thay tên đổi họ rồi trở về đây với lon binh nhì. Thêm ba lần thăng cấp nữa, tôi đã là chuyên viên cấp E-4 rồi. Có khi còn được lên trung sĩ cấp E-5. Ước gì là vậy.”
“Giờ thì sao sếp?”
Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần mười giờ.
“Đi ngủ thôi,” tôi nói. “Ngay rạng sáng, ta sẽ đi tìm hũ sữa chua kia.”