CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Võ Hồng » Hoa Bươm Bướm


Phần 12

Dran, ngày... tháng... Anh Luân.

Mai Trang vừa trải qua bao nhiêu hiểm nguy mới lọt từ Đà Lạt xuống đây. Ghé lại thăm anh thì nhằm lúc anh phải đi Fimnom vắng. Tìm hỏi Quỳ thì Quỳ đi Tháp Chàm. Thật là khéo vô duyên. Con người cô độc, đi đến đâu cũng tìm gặp sự cô độc, hoàn toàn, trọn vẹn.

Trang ngồi ở bàn của anh ở ngay trong phòng anh. Anh Nhân bạn cùng phòng của anh cho mượn chìa khóa mở. Ngồi đợi anh nhưng không chắc anh về. Hoặc là không về kịp. Hoặc là không bao giờ về nữa. Chiến tranh có nhiều cái phi lý. Trang được biết những việc lộn xộn đã xảy ra ở Fimnom. Không dễ điều đình như anh tưởng đâu. Tâm trạng hoang mang dao động của lũ chỉ huy Nhật, của lũ binh sĩ Nhật, cái mặc cảm của kẻ bại trận thúc đẩy họ có những hành động rất đỗi bất ngờ. Trang tưởng tượng anh đi ngang nhiên trên con đường, trong óc sắp đặt những lời lẽ ngoại giao ôn tồn sẽ nói với tên Trung úy Tsukamoto (có lẽ anh chưa biết rằng Tsukamoto đã được đổi về Fimnom thay Đại úy Izui). Anh là loại người ngây thơ cứ tưởng rằng con đường trung thực là con đường ai cũng công nhận, rằng con đường đó phải dẫn tới kết quả tốt đẹp. Nhưng Trang không tin điều đó bởi lẽ nhiều người khác mà Trang gặp không xử sự như vậy. Trang nghĩ rằng ở trong bụi rậm có nhiều họng súng đại liên đang âm thầm chĩa vào ngực, vào bụng anh. Rời một phút cuồng nộ, một thoáng uất hận, người lính Nhật mang nhiều giày vò, mang nhiều ẩn ức kia không kìm chế nơi bản năng của mình, y lùa tay bấm cò, quét một tràng đạn lên người anh. Giết! Giết! Giết! Những người lính chỉ nghĩ đến giết, giết; chỉ tâm niệm có giết, giết. Không giết được kẻ thù chính thì giết tạm kẻ thù phụ, không nổ cò được vào đứa có bom nguyên tử thì đàn áp người đi tay không. Anh Luân ơi, dù cố sức ngăn cản mà cái ý nghĩ “thư này chả bao giờ anh đọc đến bởi lẽ anh đã gục ngã, quằn quại, tắt thở ở trên một đoạn đường Fimnom”, ý nghĩ ấy vẫn cứ ám ảnh Trang. Chính Trang ngồi lì ở bàn anh, trong phòng anh, rút giấy từ cái cặp sách của anh để viết liên miên như thế này mặc kệ những con mắt tò mò của nhiều người đi ngang qua phòng dòm vào, là để xua đuổi cái ám ảnh rùng rợn đó. Viết đến mấy trang Trang không lượng trước được. Đợi đến bao giờ, Trang không dự tính được. Cũng như cuộc đời của Trang vậy thôi. Vừa viết vừa đợi, đợi trong khi viết, lúc nào Trang cũng phải làm hai việc một lần. Cho đỡ sốt ruột và đỡ suy nghĩ vẩn vơ.

Anh có biết Trang đã trải qua bao nhiêu nông nổi mới lọt về được đến miền này không? Định gặp để kể cho anh nghe. Viết ra chắc là không phô diễn hết được. Chữ viết chậm chạp đâu theo kịp đà suy nghĩ và tiếng nói. Nhưng có cách nào khác được?

Trang ở Đà Lạt công tác theo lệnh của Ủy ban. Phải trốn tránh hết sức vì bọn Nhật nó quen mặt. Trang phải bỏ nhà cũ dọn về ở cái vi la bỏ trống của một người bạn, cũng ở đường Lacaze. Tên cái vi la, Trang chắc anh còn nhớ vì nó nằm trên con đường đi về của anh. Đó là: Mon coeur au ralenti. Thật là buồn cười cho số mệnh khéo run rủi, ở nhằm vào cái nhà của một thằng có “Trái tim đập chậm”. May mà chưa phải là vi la có “trái tim đứng yên”. Vi-la này, ý chừng phải là của mình. Cái nhà mồ đó. Buồn ghê.

Công tác bình thường thôi. Trang ít có can đảm nhìn một thành phố chết. Từ ngày cơ quan rút đi, bộ đội rút đi, đồng bào rút đi... thì Đà Lạt lại sống ngẩn ngơ như một con người mất hồn, như một con bệnh bán thân bất toại. Nhưng tai nạn không phải vì cớ đó mà vì một người ngẫu nhiên đến xin ở trọ tại cái vi la “trái tim đập chậm”. Y đến hồi nào Trang không biết. Ở chung dưới dãy nhà ngang với chú gác dan. Một hôm, thấy y từ cổng đi vào, Trang kêu chú gác dan hỏi thì chú bảo là người bà con của chú. Mình cũng đi tá túc nhà người ta thôi, đây đâu phải nhà mình nên Trang mặc kệ. Nào ngờ dăm hôm sau, y đứng ra triệu tập đồng bào để lập Ủy ban hành chánh mới. Mười ngày sau y bị đội công tác bí mật lẻn vào nhà giữa khuya, bắt được đem nhốt vào bao bố vất xuống hồ. Công tác ém nhẹm quá đến nỗi Trang cũng không hay biết gì hết. Mãi đến khi Kempeitai đến lục soát nhà tìm thủ phạm thì Trang mới hay. Chúng nó nghi cho Trang chỉ huy công tác này. Trang hết sức bào chữa nhưng chúng nhất định không tin. Thật là ngu xuẩn. Nếu Trang chỉ huy thì dại gì Trang nằm im tại nhà cho chúng bắt, bắt giữa lúc Trang mặc áo ngủ nằm đọc truyện trinh thám của Conan Doyie. Tên Hạ sĩ Nhật gầm gừ bắt Trang phải theo nó về văn phòng Kem- peitai. Trang không chịu. Nó tát Trang hai cái xiểng liểng. Từ nhỏ tới giờ chưa bị ai tát nặng như thế. Tưởng gãy mất cái khớp xương quai hàm, nên vừa gượng đứng vững Trang đã vội hả miệng xem khớp xương có còn ở chỗ cũ không. Lại phải la lên một tiếng xem miệng mình còn phát âm được không. Biết không thể kháng cự được, Trang phải theo nó về Kempeitai. Tên Đại úy “tai- chô” ít dã man hơn một chút. Nó có học nói bập bẹ được vài tiếng Pháp nên nhiều khi vì bận tìm một chữ Pháp để dùng trong câu nói, hoặc vì lẩm nhẩm chia một động từ mà nó quên bặm môi để làm dữ. Khi nói hết câu nó mới chợt nhớ, quặm mắt xuống, nhíu mày lại, hầm hừ, nhưng mà Trang đâu có còn sợ nữa. Trang còn dư bình tĩnh để lẩm nhẩm nghĩ thầm: “Chớ nên dùng ngoại ngữ để biểu lộ sự nóng giận của mình khi mình không thạo ngoại ngữ đó lắm”. Chúng nó giam Trang, và thằng Hạ sĩ “tát tai” giữ quyền điều tra. Chẳng có gì để khai cho nó hết nên tha hồ cho nó đánh. Thằng này vũ phu thật. Nó dùng thoi, dùng cả chân giày để đá. Trang uất ức không phải vì bị đòn đau mà vì bị đòn không hợp lý. Thà rằng mình bị đánh khi chúng nó chưa thua trận, nghĩa là hoạt động của mình đi ngược lại quyền lợi của nó. Đằng này nó chỉ còn là một tên gác dan tạm thời và người mà nó theo lệnh lại là kẻ tử thù hôm qua của nó. Trang tự nhủ: Mình đang chết một cách vô lý.

May sao hồ sơ của Trang được chuyển sang bàn giấy của Thiếu úy Hino. Hino trước đây mê con Cầm, đội viên đội Hồng thập tự của Trang. Hai người yêu nhau, lấy nhau và Cầm xin ra khỏi đội. Hino con nhà quý phái, đang học Luật thì bị động viên. Nói tiếng Anh rất hay và chơi violon rất khá. Cầm được Hino báo tin nên xin phép vào thăm Trang. Và chính Cầm sắp đặt cho Trang trốn thoát khỏi phòng giam của Kempeitai. Chi tiết cuộc vượt ngục này dài dòng lắm. Trang viết không hết đâu. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy mệt mỏi, rối trí rồi. Y như người leo chiếc thang cao không dám nhìn xuống dưới chân mình nữa. Chỉ tóm tắt lại rằng: Trang đã trốn ra khỏi phòng giam và ngụy trang đi theo ngả rừng La Ba mà về đây.

Chân sưng nhức khi Trang ngồi viết những dòng chữ này. Mặt cũng có nhiều vết bầm, nhiều chỗ sưng khiến Trang không dám nhìn vào gương nữa. Trang được phép về Phan Rang nghỉ dưỡng bệnh. Thật ra thì Phan Rang không phải là nơi dưỡng bệnh lý tưởng, ai cũng biết thế, nhưng còn biết về đâu nữa? Nha Trang thì đã ngập khói lửa. Đường vào Nam thì giặc đã đánh ra đến Xuân Lộc. Trang sẽ về Phan Rang nhưng không phải ở tại thành phố mà về ở làng Đăng, sát bể. Nơi đây an lành, có gạo, có cá và tôm cua, có gió và nhiều ánh nắng.

Bốn giờ chiều rồi mà không có tiếng ô tô đậu trước cổng. Chiếc nào cũng vù vù lượn qua chân dốc rồi băng băng chạy thẳng về phía đầu cầu. Trang bị lừa liên tiếp. Hy vọng lóe lên phía bên tay mặt, hướng chân dốc và tiêu tan phía bên đầu cầu. Mau chóng quá, khoảng thời gian đi từ hy vọng sang tuyệt vọng.

Thỉnh thoảng có người đi qua phòng, chìa mặt vào để hỏi tin tức về anh. Chắc đó là những người bạn thân. Trang trả lời: “Anh chưa về” và họ cúi đầu chào với vẻ mặt buồn. Ai cũng nghĩ là cuộc đi của anh có nhiều hiểm nguy.

Chà, trong cảnh chạy giặc mà anh cũng còn chơi hoa nhỉ? Nhưng sao anh lại cắm hoa bưởi? Có phải vì nhớ quê hương ở nơi xa xôi dưới đồng bằng không? Cánh hoa bưởi trắng và láng mướt. Nụ bầu bĩnh. À, lần đầu tiên Trang mới nhìn gần một cành hoa bưởi. Trông nụ hoa, Trang dễ liên tưởng đến khuôn mặt thiếu nữ miền quê ngoài Bắc. Cũng trắng mát, cũng bầu bĩnh. Ừ nhỉ, cái hoa nó đẹp và, nó tự nhiên không biết làm dáng. Nó lúc nào cũng thế, hai mươi năm trước hay mấy mươi năm sau, nếu nhìn nó, ta tưởng gặp lại tuổi thơ của mình. Anh yêu hoa bưởi còn bởi lý do nào khác nữa không?

Nắng chiều đã thoi thóp ở lưng đồi trước mặt. Sương mù đã bắt đầu tràn ngập ở nẻo thung lũng nơi xa. Năm giờ ở chiếc đồng hồ tay. Trang sắp giã từ anh đây. Năm giờ rưỡi có chuyến tàu chạy xuống Tháp Chàm, Trang sẽ đáp chuyến tàu đó. Chả biết chừng nào mới gặp lại anh. Trên bàn có chiếc ảnh nhỏ của anh. Cho Trang xin nhé. Khi nào gặp lại anh được thì Trang sẽ trả lại. Bằng nếu anh mắc tai nạn ở Fimnom thì Trang sẽ giữ nó mãi mãi. Nó sẽ giúp Trang hình dung anh một cách dễ dàng. Chỉ dùng ký ức không thì chừng mười năm sau những hình bóng người thân yêu đều lờ mờ đường nét. Trang giã từ anh đây, căn phòng màu trắng, cái bàn viết, chồng sách, cái lọ nhỏ cắm cành hoa bưởi. Cầu mong Thượng đế giữ anh an lành.

Mai Trang

Luân lật qua trang sau của tờ giấy mong được đọc thêm những dòng chữ của Mai Trang nhưng chỉ gặp màu trắng trống trải mênh mông. Trong cái khu- ng ảnh đặt trên mặt bàn, chiếc ảnh của chàng đã bị bóc đi, để lại một khoảng nhỏ trống vắng. Tất cả đã xa hết, mất hết, chạy vun vút bỏ chàng lại đằng sau. Sự nguy hiểm của cuộc ra đi Mai Trang. Quỳ. Sự sung sướng được thoát nạn, chàng chỉ hưởng trọn vẹn, khi cúi đầu chào giã người Trung úy Nhật Bản. Họ bằng lòng giải hòa và yêu cầu quân đội ta tôn trọng ranh giới được ấn định bằng chiếc cầu sập. Bên ta đâu có đòi hỏi chi hơn? Căn cứ vào lời yêu cầu đó, Luân giải thích cho viên Trung úy hiểu rõ rằng tai nạn xảy ra chỉ bởi hai bên hiểu lầm nhau thôi. Bên nào cũng có thành kiến là mình bị đối phương dòm ngó và chuẩn bị tấn công.

Luân kéo chiếc ghế bành ra ngồi ở gần cửa sổ. Buổi chiều đã xuống đậm ở những hốc núi và lũng sâu. Ban tuyên truyền đang phát thanh ở ban công giữa tiếng đàn măng đô lin, băng rôn nhộn nhịp và nghèo nàn. Tin tức chiến sự rộn ràng với những số súng trường, súng máy tịch thâu được, số xác địch ngã trên chiến trường. Xen giữa những bản tin là tiếng hát đơn thanh của chị Duyên, đồng thanh của toàn ban.

Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi. Là có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi, ra đi thà chết chớ lui...

Đồng bào đứng tập trung ở dưới mặt đường. Đó là những bộ mặt đăm chiêu mang nặng dấu vết âu lo. Không có trẻ con. Luân bỗng ngạc nhiên thấy rằng sao mãi đến nay mình mới chợt nhận thấy sự vắng mặt của trẻ con trong cái thành phố nhỏ này. Thiếu tiếng nô đùa của nhỏ, không khí trở nên trang nghiêm khắc khổ. Thành phố của người lớn! Của cán bộ, bộ đội màu áo ka ki xanh, của những cán bộ chính quyền đi lại hấp tấp, của người buôn và người làm vườn dáng dấp nặng nề. Những gia đình có đông con phần nhiều đều đã tản cư về miền xuôi. Ở đây bước ra một bước khỏi con đường ô tô, con đường xe lửa là rừng, là dốc đá, là hang hốc, là hổ, là vắt. Đó không phải là giang san của trẻ con. Thành phố của người lớn! Người lớn gầm gừ tranh sống, vô tình và tàn bạo. Chính nhờ cái dáng người nhỏ bé của trẻ con, bàn tay mũm mĩm, lông mày phơn phớt nhạt, màu da trắng mịn, tròng mắt đen của chúng mới làm êm dịu đi mọi nét khô khan hung bạo trong tâm hồn của người lớn. Xung quanh Luân chỉ lẫn lộn cô người lớn. Trên chiến trường, người lớn nổ súng vào nhau. Nếu để một bầy trẻ con mũm mĩm ngây thơ đi bơ vơ giữa hai trận tuyến thì chắc chắn là lương tâm của những người lính đối địch có điều dễ suy nghĩ.

Luân lần mò đi lại cánh cửa bật đèn. Ánh điện tỏa ra xé tan bóng tối. Nhưng trong tâm hồn chàng, Luân cảm thấy dường như còn lê thê một buổi hoàng hôn dài. Chàng chợt cười thầm mình đã nghĩ viển vông về lương tâm của người lính. Ở đây không phải là hai phe đang tranh chấp nhau mà có một phe mạnh gây chiến và một phe yếu tự vệ. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt và người lớn đã có lý khi họ cho lũ trẻ con tản cư đi xa.



BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH