CLOSE
Add to Favotite List
EBOOKS » Nguyễn Ái Lữ » Đất Nổi Giậ­n


CHƯƠNG 3

“TÔI THƯỜNG LUI TỚI CỬA HÀNG NGƯỜI THỢ ĐAN TRE”

Trời mưa suốt từ sáng đến chiều, Ngày dài chán chết đi được. Trong những giờ nghỉ, không ai ra khỏi lớp; chốc chốc lại nghe cha tôi, Thầy Seurel, la lên:

“Đừng dậm giày rầm rầm như vậy, các con!”

Sau lần ra chơi cuối cùng trong ngày, hay như chúng tôi vẫn gọi là “mười lăm phút cuối cùng”, Thầy Seurel bước ngang bước dọc một cách trầm tư, rồi bất thần dừng lại, gõ mạnh cây thước lên bàn để làm ngừng những tiếng la lộn xộn vẳng từ cuối lớp. Trong sự yên lặng trịnh trọng, ông hỏi:

“Ngày mai ai sẽ là người đánh xe ra ga với François để rước ông bà Charpentier?”

Đó là ông bà nội tôi. Ông nội Charpentier là một viên kiểm lâm già đã hồi hưu, luôn luôn choàng cái áo khoác ngoài bằng len xám của người Ả rập với cái mũ trùm đầu bằng lông thỏ mà ông gọi là mũ kêpi. Đám chúng tôi ai cũng biết rõ về ông. Vào buổi sáng, để rửa mặt, ông đã kéo nguyên cả một xô nước rồi úp mặt vào trong đó theo cái cách của những người lính già, chà xát lan man chòm râu cằm của ông. Một vòng tròn trẻ con, tay chắp sau lưng, quan sát ông với sự tò mò đầy kính trọng. Ít nhất đã có hơn một lần Millie dẫn bà Charpentier vào lớp sơ học nên bọn họ ai cũng biết bà cả, một phụ nữ nhà quê bé nhỏ lúc nào cũng trùm đầu bằng cái mũ đan tay.

Hằng năm, cứ vài ngày trước lẽ Giáng Sinh, chúng tôi lại đi đón ông bà đến đây bằng chuyến xe lửa lúc bốn giờ hai phút chiều. Để đến thăm chúng tôi, ông bà phải vượt qua nhiều tỉnh thành, trong các túi hành lý được đóng kín của ông bà Charpentier có nhét đầy hạt dẻ và thực phẩm cho ngày lễ Giáng Sinh. Rồi kể từ lúc ông bà bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà trong bộ quần áo ấm, mỉm cười pha chút gấp gáp thì chúng tôi đóng tất cả cửa lại. Thế là bắt đầu một tuần lễ tràn đầy thú vị.

Phải có người cùng với tôi đánh xe ra ga đón ông bà, một người đủ chững chạc để không làm chúng tôi ngã nhào xuống mương, lại cũng phải hiền lành nữa bởi vì ông nội Charpentier hay chửi thề và bà nội thì có đôi chút ba hoa.

Với câu hỏi của Thấy Seurel, đã có hàng chục giọng gào lên cùng một lúc:

“Meaulnes! Meaulnes đại ca!”

Nhưng Thầy Seurel lại làm ra vẻ như không nghe gì cả. Cho nên chúng nó lại la tiếp:

“Fromentin!”

Có đứa lại gào:

“Jasmin Delouche!”

Anh chàng nhỏ nhất trong số các anh em họ nhà Roy, người đã cỡi lên mình một con lợn nái phóng phăm phăm ngoài cánh đồng, tự la lên: “Em! Em!” bằng cái giọng oang oang.

Dutremblay và Moucheboeuf thì đứng lên giơ tay một cách thẹn thùng.

Riêng tôi lại ao ước Meaulnes được chỉ định. Đi với anh, chuyến du hành nho nhỏ bằng xe lừa ấy sẽ trở thành một sự kiện trọng đại. Meaulnes cũng ao ước được đi nhưng giả bộ làm thinh một cách kiêu hãnh. Tất cả học trò lớn, kể cả Meaulnes, đều ngồi hẳn lên bàn, hai chân gác trên băng ghế. Cứ như thế, trong chốc lát, chúng tôi được tạm nghỉ để cười đùa hoan hỉ. Còn anh chàng Coffin thì vén áo khoác lên quấn quanh thắt lưng, rồi ôm cây cột trụ bằng sắt chống đỡ cái xà của lớp học, bắt đầu leo lên với vẻ hứng thú.

Thế nhưng Thầy Seurel đã làm mọi người cụt hứng khi la lên:

“Rồi! Moucheboeuf sẽ đi.”

Vậy là tất cả tự trở về chỗ ngồi của mình trong im lặng.

° ° °

Vào lúc bốn giờ chiều, trong cái sân lạnh lẽo bị trời mưa xói mòn tạo thành từng rãnh nhỏ, còn mỗi tôi và Meaulnes ở lại đó. Cả hai không nói lời nào mà chỉ chăm chú nhìn ngôi làng lấp loáng đang được gió thổi hong khô. Chẳng bao lâu, anh chàng Coffin bé nhỏ đầu đội mũ, trên tay cầm một mẩu bánh mì, từ nhà hắn đi ra, men sát tường và tự trình diện bằng cách huýt gió nơi ngưỡng cửa nhà ông thợ đóng móng ngựa. Meaulnes mở cổng gọi hắn. Một lúc sau cả ba chúng tôi đã an tọa trong cửa hàng ấm áp, ánh sáng đỏ ối, có cơn gió lạnh thình lình tạt qua. Coffin và tôi ngồi gần bên lò rèn, bàn chân vấy bùn giẫm lên lớp phoi bào trắng; còn Meaulnes thì lặng yên đứng dựa vào cánh cửa đang đong đưa, hai tay đút sâu trong túi. Ngoài phố, thỉnh thoảng có một người đàn bà trong làng từ tiệm bán thịt trở về ngang qua hàng đóng móng ngựa, dầu cúi xuống để tránh gió; mỗi lần như thế chúng tôi lại ngước lên để nhìn xem đó là ai.

Không ai nói gì. Người thợ đóng móng ngựa và anh phụ việc của ông - một người thổi bễ lò và cả đập sắt nữa - chiếu lên tường những bóng hình thô bạo... Giờ đây tôi vẫn nhớ lại chiều ấy cũng giống như những chiều khác trong thuở hoa niên của mình. Trong tôi như có sự trộn lẫn giữa niềm vui và nỗi lo lắng: sợ rằng bạn tôi sẽ tước di của tôi niềm hân hoan dáng tội nghiệp là được đánh xe ra Nhà Ga, đồng thời cũng đợi chờ một vài kế hoạch đặc biệt nào đó mà Meaulnes không dám thú nhận với tôi, sẽ làm đảo lộn mọi sự...

Thỉnh thoảng, công việc đều đặn và bình thản ở cửa hàng đóng móng ngựa lại được tạm ngưng một lát. Người thợ để cái búa rơi một cú mạnh và đanh xuống cái đe. Ông nhìn chăm chú một miếng sắt vừa rèn xong trong lúc kéo tấm phủ chân bằng da tới gần. Rồi ngửng đầu lên, ông nói với chúng tôi như chỉ cốt để xả hơi một chút:

“Mạnh khỏe chứ các cậu?”

Còn người thợ phụ kia, một tay đặt bâng quơ trên sợi dây xích của cái bễ thổi, một tay chống lên hông trái, nhìn chúng tôi mà cười.

Và công việc ầm ĩ đến điếc cả tai lại tiếp tục.

Trong một lúc tạm nghỉ, từ chỗ cánh cửa đong dưa, ai cũng nhìn thấy Millie đi qua trong gió, hai vai quấn chặt lại dưới chiếc khăn san, tay cấm những gói nhỏ. Bác thợ đóng móng hỏi:

“Có phải là ông Charpentier sắp đến không?”

“Ngày mai,” tôi trả lời, “với bà nội cháu. Cháu phải đánh xe ra ga đón chuyến xe lửa lúc bốn giờ hai phút chiều.”

“Có phải bằng chiếc xe của nhà Fromentin không?”

tôi đáp nhanh:

“Không, bằng xe của cha Martin.”

Thế là cả hai người cười ồ lên. Người thợ đập đe từ tốn ra dấu xin được nói vài lời:

“Với con ngựa cái nhà Fromentin, người ta có thể đi đón họ ở tận Vierzon, lại còn cả một giờ để nghỉ ngơi tại đó. Nơi ấy cách đây mười lăm kilômét. Và rồi trở vê trước khi con lừa của cha Martin được thắng vào xe.”

Bác thợ kêu lên:

“Coi nào! Một con ngựa cái thì phải như thế chứ!”

“Tôi tin rằng Fromentin sẽ dễ dàng cho mượn nó ngay thôi.”

Cuộc đối thoại chấm dứt ở đó. Lần nữa, cửa hàng lại đẩy những tia lửa và tiếng động, chúng tôi mạnh ai người nấy nghĩ ngợi.

Thế nhưng đến giờ phải rời đi, tôi giơ tay ra hiệu với Meaulnes, thì thoạt đầu anh ra vẻ không nhìn thấy tôi. Tựa lưng vào cánh cửa, vai nghiêng nghiêng, anh như chìm đắm tâm tư theo những gì người ta vừa nói. Cứ như thế, nhìn anh chìm đắm mất hút trong suy tư, ánh mắt xuyên thấu không gian đầy sương phủ, nơi có những con người bình dị đang làm việc, tôi bất thần nghĩ đến hình ảnh của nhân vật Robinson Crusoé, một thanh niên người Anh, trước cuộc khởi hành lớn đã nói: “Tôi thường lui tới cửa hàng người thợ đan tre.”

Từ đó, câu này cứ làm tôi suy nghĩ mãi.



nguồn: tusachtiengviet.com

BOOK COMMENTS

  • 0.0/7 - 0 rating
    TO TOP
    SEARCH