Người làm việc thiện bằng súng
Enjolras vừa trở về. Như con chim ưng, anh vừa âm thầm dạo quanh một vòng trong vùng bóng tối ngoài chiến lũy. Hai tay khoanh lại, một bàn tay đặt lên miệng, anh lắng nghe trong chốc lát nỗi vui vẻ của anh em đang vừa kháo chuyện vừa chuẩn bị đón trận tấn công sắp tới. Trong ánh bình minh sáng tỏ, nét mặt anh hiện ra tươi tắn và ửng hồng. Anh nói:
- Toàn bộ quân đội Paris sẽ tấn công. Một phần ba đội quân ấy đè lên chiến lũy của các đồng chí đấy! Ngoài ra còn có quốc dân quân. Tôi đã trông rõ bọn chúng. Độ một giờ nữa, các đồng chí sẽ bị tấn công. Dân chúng hôm qua thì sôi sục nhưng sáng nay lại im lìm... có lẽ không ai đến chi viện cho chúng ta đâu!
Từ chỗ tối nhất trong đám đông, một tiếng người cất lên nói to với Enjolras:
- Đành vậy! Xây chiến lũy lên cao bảy thước và anh em ta sẽ ở cả đây. Các đồng chí! Hãy lấy xác chúng ta mà phản kháng. Phải tỏ ra rằng nếu dân chúng bỏ rơi những người cộng hòa thì những người cộng hòa vẫn sẽ không bỏ rơi dân chúng!
Lời nói ấy xé tan đám mây nặng nề của những lo lắng cá nhân, làm cho trí óc mọi người bớt căng thẳng. Một tràng pháo tay hoan nghênh nhiệt liệt. Mãi sau này cũng không ai biết được tên người đã nói. Có lẽ một người thợ không ai để ý hay một người qua đường anh hùng nào đó đã nói. Kiểu người vô danh vĩ đại ấy bao giờ cũng có mặt trong những biến động của loài người, những cơn thai nghén của xã hội và đến giờ phút nhất định, họ nói lên lời quyết định cuối cùng rồi tan biến ngay trong bóng tối sau khi đã thay mặt nhân dân và Chúa một phút trong ánh chớp sáng ngời.
Không khí chung ngày mồng Sáu tháng Sáu năm 1832 là không khí của sự quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi. Cho nên, cũng giờ ấy, ở chiến lũy Saint-Merry, nghĩa quân cũng đồng thanh hô to: "Có viện trợ hay không viện trợ cũng mặc! Chúng ta quyết tử đến người cuối cùng ở đây!" Câu nói ấy đã trở thành câu nói lịch sử.
Khi người vô danh nào đó đã ban bố cái quyết định "lấy xác mà phản kháng" và đem lại cho mọi người phương thức thống nhất tâm hồn như thế đã dứt lời thì từ khắp cửa miệng đều vang lên những tiếng hô thoải mái và rùng rợn. Tiếng hô ấy về ý nghĩa thì buồn thảm thật, nhưng trong giọng hô lại đầy khí thế chiến thắng.
- Tinh thần quyết tử muôn năm! Tất cả ở lại!
- Tại sao lại tất cả? - Enjolras hỏi.
- Tất cả! Tất cả!
Enjolras nói tiếp:
- Địa thế ở đây thuận lợi, chiến lũy lại kiên cố. Ba mươi người cũng đủ. Sao lại hy sinh những bốn mươi?
Mọi người đáp:
- Vì chẳng ai chịu bỏ đi.
Enjolras nói to, giọng nói rung vang gần như gắt:
- Các đồng chí! Nền cộng hòa không thừa người đâu mà đem phung phí vô ích. Khoa trương là xa xỉ. Nếu có vài người phải lánh đi, thì nhiệm vụ ấy cũng phải được thi hành như mọi nhiệm vụ khác.
Enjolras là người nguyên tắc. Đối với các đồng chí, anh có một thứ uy lực vô thượng gần như tuyệt đối. Mặc dù thế, lần này người ta vẫn xì xào. Là người có khiếu chỉ huy từ trong mạch máu, Enjolras nghe có tiếng xầm xì nên anh thấy cần phải nhấn mạnh, làm rõ thêm. Anh cất giọng nghiêm nghị nói:
- Ai sợ chỉ có ba mươi người là không đủ thì cho biết?
Tiếng bàn tán tăng lên gấp bội. Có tiếng người trong một nhóm nào đó nhận xét:
- Lánh đi ư? Nói nghe dễ lắm, nhưng chiến lũy đã bị bao vây cả rồi.
- Phía chợ chưa bị bao vây. - Enjolras nói - Con đường Mondétour còn tự do, từ đó đi qua phố Prêcheurs thì có thể đến chợ Innocents.
- Đến đó cũng lại bị bắt vì thấy người từ trong chiến lũy ra, bọn lính sẽ soát rất kỹ, nếu tay có mùi thuốc súng sẽ bị bắn liền.
Enjolras không đáp, để tay lên vai Combeferre. Cả hai bước vào gian phòng thấp. Một lát sau họ trở ra. Enjolras hai tay rộng mở với bốn bộ quân phục anh đã cho để riêng một nơi. Combeferre theo sau mang các mảnh yếm da và mũ giắt lông. Enjolras nói:
- Với các bộ quân phục này, ta có thể trà trộn vào hàng ngũ địch rồi trốn thoát. Hãy được cho bốn người đã.
Anh ném các bộ quần áo xuống mặt đường đã cạy hết đá. Đám đông vẫn không hề nhúc nhích. Combeferre lên tiếng:
- Nào, các đồng chí đã có gia đình! Các đồng chí hãy bắt tay anh em và đi đi, để mặc bọn tôi ở đây làm nhiệm vụ. Các đồng chí thân mến! Đời còn có ngày mai! Ngày mai các đồng chí có thể sẽ không còn nữa nhưng gia đình các đồng chí sẽ còn với bao nhiêu đau khổ, khó khăn. Con cái các đồng chí sẽ mất cha. Mọi gánh nặng sẽ đè lên vai những người đàn bà, những người mẹ già, vợ trẻ... Chúng tôi biết các đồng chí đều là người can đảm. Các đồng chí đều vui sướng và tự hào vì được hy sinh vì nghĩa lớn. Nhưng các đồng chí không phải chỉ có một thân một mình trên đời này. Còn có nhiều người khác cần đến các đồng chí.
Cảnh này làm cho Marius xúc động, thức tỉnh anh. Trong tâm trí anh chỉ có một ý nghĩ là chết nhưng anh cũng mơ màng nghĩ rằng trong khi mình sắp chết chẳng có ai ngăn cấm mình không được cứu người khác. Anh cất tiếng:
- Enjolras và Combeferre nói đúng. Không cần sự hy sinh vô ích. Chúng ta hãy nhanh lên! Combeferre đã nói những lời quyết định. Trong số các đồng chí, ai là người có gia đình, có cha mẹ, có vợ con, có em dại phải nuôi... hãy bước ra.
Không một ai cả. Marius lặp lại:
- Những người có vợ con và gánh nặng gia đình, bước ra khỏi hàng ngũ!
Marius có uy tín lớn, dẫu Enjolras vẫn là người chỉ huy nhưng Marius lại là cứu tinh của chiến lũy. Enjolras thét:
- Tôi ra lệnh!
Marius nói:
- Tôi van các đồng chí!
Lời nói của Combeferre làm cho họ nao nao, lệnh của Enjolras khiến họ lung lay và câu van xin của Marius khiến họ xúc động. Thế là đám người anh dũng ấy bắt đầu tố cáo nhau. Và cuộc đấu tranh hiếm có ấy nổ ra. Đấu tranh để khỏi bị đẩy ra ngoài cái chết. Đấu tranh nhường sự sống cho người khác, giành cái chết cho mình. Courfeyrac thúc giục:
- Mau lên! Mười lăm phút nữa thì sẽ trễ mất!
- Các đồng chí! - Enjolras tiếp - Ở đây là chế độ cộng hòa và phổ thông đầu phiếu là nguyên tắc cao nhất. Các đồng chí hãy chọn lấy những người phải ra đi. Mọi người phải tuân theo.
Mấy phút sau, năm người được sự đồng thanh chỉ định bước ra khỏi đám đông. Marius kêu lên:
- Những năm người!
Marius đếm kỹ từng người và nhìn bốn bộ quân phục. Làm sao để chọn một người phải rời sự sống đây? Vừa lúc đó, một bộ thứ năm như từ trên trời rơi xuống chồng lên bốn bộ kia. Người thứ năm được cứu thoát. Marius ngước lên và nhận ra ông Fauchelevent. Jean Valjean vừa vào trong chiến lũy. Không biết vì hỏi dò được hay vì bản năng, vì ngẫu nhiên thế nào mà ông đã theo đường Mondétuor đến đó. Nhờ bộ quân phục quốc dân quân, ông đã đi qua dễ dàng. Người lính gác của nghĩa quân không ra hiệu báo động gì vì thấy chỉ có một quốc dân quân đi lẻ một mình. Anh ta đã để cho người ấy tự nhiên vào ngõ phố. Anh ta nghĩ bụng, chắc là một người đến tăng cường lực lượng cho ta, cho dù là kẻ địch thì chắc chắn cũng sẽ trở thành tù binh mà thôi. Giờ phút vô cùng nghiêm trọng này, người lính gác không thể xao nhãng nhiệm vụ, rời xa vị trí quan sát của mình được.
Khi Jean Valjean bước vào trong chiến lũy, chẳng ai nhìn thấy ông cả. Mọi con mắt đang đổ dồn vào năm người được chọn và bốn bộ quân phục. Ông đã trông thấy và nghe rõ hết. Ông lặng lẽ cởi bộ quân phục ra và ném vào đống quần áo kia. Nỗi vui mừng thật khó tả. Bossuet hỏi:
- Người này là ai thế?
Combeferre đáp:
- Một người ra tay cứu kẻ khác.
Marius, giọng nghiêm chỉnh, tiếp:
- Tôi biết ông ấy.
Sự bảo đảm của Mairius đủ làm cho mọi người thỏa mãn. Enjolras quay về phía Jean Valjean.
- Đồng chí! Cảm ơn đồng chí!
Và anh nói thêm:
- Đồng chí biết chúng ta sắp chết chứ?
Jean Valjean không đáp, im lặng giúp người nghĩa quân được ông cứu thoát mặc bộ quân phục vào người. Năm người được chỉ định theo ngõ Mondétuor ra khỏi chiến lũy. Họ hoàn toàn không khác gì bọn quốc dân quân. Một người trong bọn họ vừa ra đi vừa khóc. Trước khi lên đường, cả năm người ôm hôn thắm thiết các đồng chí còn ở lại.
Năm người được trả lại cuộc sống vừa đi xong, Enjolras chợt nhớ đến tên tù binh đã bị khép vào tội chết. Anh vào gian thấp. Javert bị trói vào cây cột đang có dáng nghĩ ngợi. Enjolras hỏi:
- Mày cần gì không?
- Khi nào các người giết ta? - Javert nói.
- Chờ đã! Bây giờ chúng ta đang cần đạn.
- Thế thì cho ta xin ít nước!
Enjolras đưa cho hắn ly nước. Hai tay Javert bị trói nên anh cầm cho hắn uống luôn. Enjolras hỏi lại:
- Không cần gì nữa à?
- Đứng ở cây cột này khó chịu lắm. Các người muốn trói ta thế nào thì trói, nhưng các người cũng nên để ta nằm trên một cái bàn như người kia kìa.
Y hất đầu chỉ thi hài cụ Mabeuf.
Theo lệnh của Enjolras, bốn nghĩa quân cởi trói cho Javert khỏi cây cột và dẫn hắn đến cái bàn ở cuối phòng, đặt hắn nằm lên đây, buộc chặt dây ngang bụng hắn. Để cho chắc chắn, người ta dùng thêm dây buộc theo kiểu dây đai trong nhà tù.
Trong khi người ta trói Javert, một người đứng ở bậc cửa đưa mắt nhìn hắn chăm chăm. Thấy bóng người ấy trải trên mặt đất, Javert quay đầu lại, ngước mắt nhìn và nhận ra Jean Valjean. Javert đã từng là cai ngục ở Toulon, thanh tra ở Montreuil là người đã tố cáo Thị trưởng Madeleine chính là tù khổ sai Jean Valjean. Nhờ từng trải, có nhiều kinh nghiệm, nhờ bản lĩnh, nhiều mưu mẹo, Jean Valjean đã thoát khỏi sự truy lùng của hắn. Hắn cũng chẳng giật mình, cứ kiêu hãnh sụp mắt xuống và chỉ lẩm bẩm mấy lời:
- Cũng dễ hiểu thôi!
Trời mỗi lúc một sáng nhanh nhưng chẳng thấy nhà ai mở lấy một cái cửa sổ hay hé lấy một cánh cửa lớn. Các đường phố lặng câm. Mặt đường loang loáng ánh nắng sớm mai trắng nhạt, cũng không có một bóng người. Enjolras cắt thêm người canh gác ở phố Mondétuor đề phòng bị tấn công bất ngờ từ sau lưng. Chẳng có gì lạ mắt bằng một chiến lũy chuẩn bị đón một cuộc xung phong. Mọi người đều cố chọn cho mình một vị trí chiến đấu thuận lợi nhất. Người chỉ huy vừa hạ lệnh chuẩn bị chiến đấu thì mọi cử động lộn xộn đều chấm dứt. Thời gian chờ đợi không lâu lắm. Tiếng động rõ rệt lại vang lên từ phía Saint-Leu nhưng không giống những lần trước. Toàn thể chiến sĩ đều trông về cuối phố, mắt nhìn chằm chằm không chớp.
Một khẩu pháo hiện ra. Bọn pháo thủ đang đẩy pháo tới. Khẩu pháo đã sẵn sàng bắn. Enjolras thét:
- Bắn!
Cả chiến lũy bắn ra một loạt. Tiếng nổ vang lên ghê gớm. Một thác khói phủ lên, xóa nhòa khẩu pháo và bọn lính. Vài giây sau, làn khói tan đi, khẩu pháo và bọn pháo thủ lại hiện ra. Bọn pháo thủ đã đẩy khẩu pháo vào trước mặt chiến lũy. Cái họng dữ dội của nó há hốc ra nhằm vào chiến lũy. Enjolras nói:
- A ha! Vui nhỉ! Thằng cộc cằn đã đến! Hôm qua là búng chơi, hôm nay mới đấm thật đây. Quân đội giơ cái chân voi ra với bọn mình rồi đấy. Chiến lũy rồi sẽ bị giã ra trò. Hôm qua súng trường nắn thử, bây giờ đại bác đến phá đây.
Rồi anh hô to:
- Lắp đạn lại!
Trong khi nghĩa quân lắp đạn lại thì bọn pháo thủ cũng nạp đạn vào nòng khẩu pháo. Khắp chiến lũy đều hết sức lo lắng. Khẩu pháo bắn, tiếng nổ vang rền.
- Có mặt! - Một tiếng reo vui vẻ cất lên.
Phát đạn đại bác đập vào chiến lũy thì đồng thời Gavroche cũng nhảy phóc vào giữa.
Cả chiến lũy xao xuyến và ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của Gavroche nhiều hơn là vì quả đại bác. Quả đại bác đã mất hút vào trong mớ gạch đá chằng chịt. Nó chỉ làm gãy một bánh của chiếc xe khách và hủy hoại cái xe bò Anceau, chứ không gây thiệt hại gì khác. Thấy thế, cả chiến lũy phá lên cười. Bossuet gọi bảo bọn pháo thủ:
- Tiếp tục đi!
Trong khi đó, một nhóm khác vây quanh Gavroche. Nhưng chú chẳng kịp kể chuyện gì. Marius lòng hồi hộp, kéo chú ra một nơi.
- Em trở lại đây làm gì?
- Ô hay! Chứ còn anh? - Chú bé hỏi lại và nhìn chằm chằm Marius với vẻ liều lĩnh "yêng hùng" của chú. Một thứ ánh sáng kiêu hãnh ngời lên trong khóe mắt làm cho mắt chú to thêm.
Marius nói tiếp, giọng nghiêm nghị:
- Ai bảo em trở lại đây? Em đưa cái thư của anh đến đúng địa chỉ chứ?
Về chuyện cái thư, Gavroche không phải là không có chút hối hận. Vì nôn nóng trở lại chiến lũy, chú đã làm cái việc trút cho xong nợ hơn là trao cho người có thư. Chú đành phải tự thú với mình là chú đã nhẹ dạ đem gửi bừa cho người lạ mà chú không nhận cho rõ mặt. Tuy người ấy để đầu trần thật nhưng chắc đâu là người nhà. Tóm lại, chú tự mắng thầm chú về việc ấy và chú sợ những lời trách móc của Marius. Để thoát nạn, chú bèn dùng phương pháp đơn giản nhất. Chú nói đại cho xong:
- Đồng chí ạ, em đã trao cái thư cho người gác cổng. Cô nương đang ngủ. Thức dậy sẽ có thư đến tay.
Đưa bức thư kia đi, Marius nhằm hai mục đích: Vĩnh biệt Cosette và cứu Gavroche. Bây giờ chỉ đạt được một nửa, anh cũng đành bằng lòng vậy. Nhưng bức thư gửi đi và ông Fauchelevent có mặt ở chiến lũy, trong tâm trí anh, bỗng nhiên hai sự việc ấy chắp nối lại. Anh đưa tay chỉ ông Fauchelevent và hỏi Gavroche:
- Em biết ông ấy không?
- Không.
Ong Fauchelevent chính là ông Jean Valjean mà Gavroche vừa trao thư, nhưng Gavroche chỉ thấy ông trong bóng tối nên chú không nhận ra. Còn Marius chỉ biết Jean Valjean dưới cái tên Fauchelevent mà anh tưởng là cha của Cosette, người anh đeo đuổi. Thật ra, Jean Valjean là con người quả cảm, nhân hậu nhưng cuộc đời phải chịu nhiều gian khổ, cay đắng. Khi làm Thị trưởng ở Montreuil, biết Fantin bị đuổi việc oan và rơi vào cảnh túng quẫn sắp chết, ông đã tìm cách giúp đỡ và hứa sẽ tìm Cosette con của cô. Giữ lời hứa với người đã khuất, ông đã cứu Cosette thoát khỏi sự đày đọa của vợ chồng Thénardier. Tuy bị săn đuổi, truy lùng ráo riết nhưng ông vẫn cố nuôi nâng, chăm sóc, dạy dỗ Cosette như chính con của mình. Nhưng khi nhận được bức thư vĩnh biệt của Marius gửi Cosette, với bản chất nhân hậu và lòng hy sinh quên mình vì người khác, ông đã đi ngay đến chiến lũy. Trong bộ quân phục quốc dân quân, ông dễ dàng vượt qua mọi trạm gác của quân chính phủ để đến chiến lũy, trước khi Gavroche trở về.
Nghe Gavroche trả lời vậy, những ước đoán, nghi ngờ về sự có mặt của ông Fauchelevent trong lòng Marius cũng tan biến. Anh dần tin sự có mặt của ông là một chuyện hết sức tự nhiên. Trong khi đó, Gavroche đã ở đầu kia chiến lũy, miệng kêu to:
- Súng của tôi đâu?
Courfeyrac bảo đem trả súng cho chú. Gavroche báo cho "các đồng chí" biết rằng chiến lũy đã bị bao vây. Chú phải khó nhọc lắm mới quay về đây được. Một tiểu đoàn quân chính quy chia thành nhiều cánh trong khu vực Petite-Truanderie, đang quan sát phía phố Cygne. Phía đối diện lại có cảnh vệ thành phố chiếm đường Prêcheurs. Trước mặt chúng ta là đại bộ phận quân đội. Nói xong mấy điều về địch tình ấy, Gavroche vui vẻ pha trò:
- Tôi cho phép các đồng chí phết cho chúng một trận nhớ đời!
Trong lúc đó, Enjolras vẫn không ngừng theo dõi. Bỗng anh nghe có thứ tiếng đặc biệt như khi người ra rút các hộp đạn ra khỏi hòm. Và anh nhìn thấy tên khẩu đội trưởng thay đổi hướng súng, hơi nghiêng nòng về phía trái. Xong, bọn pháo thủ bắt đầu lắp đạn. Tên khẩu đội trưởng tự tay cầm lấy mồi lửa, đưa gần đến mồi thuốc. Enjolras liền thét to:
- Cúi xuống, chạy vào tường, tất cả quỳ xuống dọc chiến lũy.
Nghĩa quân đứng rải rác trước quán rượu và đã rời khỏi vị trí chiến đấu từ lúc Gavroche vào, bỗng xô nhau lộn xộn để trở về vị trí. Nhưng mọi người chưa kịp thi hành xong mệnh lệnh của Enjolras thì phát súng đã nổ xé trời. Phát súng nhằm chỗ khe hở của pháo đài nên đạn ria chạm vào tường, thia lia trở vào trong chiến lũy. Những mảnh sắt tai hại ấy làm hai người chết và ba người bị thương. Nếu cứ như thế thì không sao giữ nổi chiến lũy nữa. Cả chiến lũy ồn ào hoảng hốt. Enjolras nói:
- Hãy cứ chặn lại, không cho chúng bắn phát thứ hai nữa đã!
Anh hạ mũi súng, nhằm tên khẩu đội trưởng đang cúi xuống khóa nòng khẩu pháo để chỉnh và ổn định đường bắn lần cuối cùng. Sau khi ngắm kỹ tên khẩu đội trưởng, anh bóp cò. Một làn chớp lóe lên, tên pháo thủ quay tròn hai vòng rồi ngã xuống, nằm yên không động đậy. Phía bên kia phải ngừng bắn để khiêng tên pháo thủ và cử người khác thay vào. Nghĩa quân đã tranh thủ được mấy phút. Khẩu pháo sắp bắn lại. Với thứ đạn ghém ấy, chiến lũy sẽ không thể chịu đựng quá mười lăm phút. Nhất thiết phải làm cho sức bắn thia lia yếu đi. Enjolras hô to:
- Phải để ở đây một tấm đệm!
- Làm gì có đệm. - Combeferre nói - Đệm đã để các anh em bị thương nằm hết rồi.
Jean Valjean từ nãy đến giờ vẫn ngồi riêng trên một trụ vôi ở góc quán rượu, kẹp súng giữa hai chân, không tham dự vào công việc đang diễn ra. Nghe Enjolras ra lệnh, ông đứng dậy. Ở phía ngoài, cách chiến lũy không xa có một ngôi nhà, căng một tấm đệm ở cửa sổ để ngăn đạn. Tấm đệm được căng bằng hai sợi dây thừng. Đằng xa, người ta trông thấy rõ hai sợi dây ấy trên nền trời như hai sợi tóc. Jean Valjean nói:
- Cho tôi mượn khẩu các-bin hai nòng một chút.
Enjolras vừa lắp xong đạn khẩu súng của mình, bèn đưa cho ông. Jean Valjean ngắm cái cửa sổ và nổ súng. Một trong hai sợi dây đứt ra. Tấm đệm chỉ còn treo có một sợi. Jean Valjean bắn phát thứ hai. Sợi dây thứ hai đứt đập vào cửa kính. Tấm đệm tụt dần và rơi xuống mặt đường. Cả chiến lũy vỗ tay. Mọi người đồng thanh kêu lên:
- Có đệm đây rồi!
- Ừ. - Combeferre nói - Nhưng ai ra lấy về?
Tấm đệm quả đã rơi ngoài chiến lũy, nằm giữa quãng một bên là bọn lính bao vây và một bên là nghĩa quân bị bao vây. Cái chết của tên pháo thủ đã làm cho bọn lính tức giận nên chúng đã xả súng bắn vào chiến lũy, đồng thời tổ chức lại đội pháo thủ. Nghĩa quân không bắn trả vì tiết kiệm đạn. Song trên đường phố, đạn vẫn bay như mưa, trông rất dễ sợ.
Jean Valjean lách qua khe hở, bước ra đường phố, băng qua làn đạn đến chỗ tấm đệm, nhặt lấy, vác lên lưng và trở vào chiến lũy. Cũng tự tay ông đem đặt tấm đệm vào khe hở. Ông treo tấm đệm vào tường, cố ý làm cho bọn pháo thủ không nhìn thấy nó được. Khẩu pháo bên kia lại gầm lên, tuôn ra một mớ đạn ghém nhưng gặp tấm đệm, đạn lại rơi xuống hết. Cả chiến lũy được che chở. Enjolras nói:
- Đồng chí! Chính phủ cộng hòa cảm ơn đồng chí!
Bossuet khoái chí cười và kêu to:
- Một tấm đệm mà có sức mạnh đến thế, tuyệt quá! Thật là phi lý, phi lý quá! Cái mềm lại chiến thắng sấm sét! Cũng hay đấy! Hoan hô tấm đệm đã trị được khẩu thần công!
Quân chính phủ vẫn tiếp tục tấn công. Đủ loại súng đạn thi nhau dội vào chiến lũy. Các chiến sĩ nấp ở các cửa sổ phải tránh đi nơi khác. Đó cũng là một chiến thuật trong cách tiến công chiến lũy. Họ bắn để nghĩa quân bắn trả cho đến khi hết đạn, thì họ mới xung phong. Biết được ý đồ của đối phương, Enjolras cùng các chiến sĩ cố cầm cự để giữ vững chiến lũy. Cứ sau mỗi loạt súng trường của quân địch, chú bé Gavroche lại phùng má ra vẻ khinh bỉ cực độ. Chú nói:
- Tốt lắm! Cứ xé vải đi, chúng tớ đang cần băng mà.
Courfeyrac kêu hỏi đạn ghém sao ít công hiệu thế và nói với khẩu đại bác:
- Bố ơi! Bố chệch choạc rồi bố ơi!
Quân chính phủ thấy bên nghĩa quân im lặng không bắn trả nên sinh nghi. Nghĩa quân bỗng thấy một cái mũ lấp lánh ánh nắng trên một nóc nhà gần chiến lũy. Một tên lính cứu hỏa tựa lưng vào cái ống khói cao ngất, ra vẻ đứng gác. Từ chỗ ấy, y ngó thẳng xuống chiến lũy. Enjolras nói:
- Cái thằng kia nó giám sát chúng mình mới rầy rà chứ!
Jean Valjean không nói không rằng, giương khẩu súng trường. Trong nháy mắt, cái mũ bị viên đạn đập phải và rơi độp xuống đường. Tên lính hốt hoảng vội vã biến mất.
Tên thứ hai lên thay để quan sát. Tên này là một sĩ quan. Jean Valjean đã lắp lại đạn xong, giương súng lên và cho luôn cái mũ của hắn bay theo cái mũ của tên lính kia. Tên sĩ quan không lôi thôi nữa, cút ngay tức khắc. Cách cảnh cáo ấy, lần này thì bọn quân lính nghe thủng. Chẳng còn ma nào dám lên ló mặt ra trên nóc nhà nữa. Việc do thám tình hình chiến lũy thế là phải từ bỏ. Bossuet hỏi Jean Valjean:
- Tại sao ông không bắn chết người?
Jean Valjean không đáp.
Bossuet thì thầm vào tai Combeferre:
- Hắn không trả lời tôi.
Combeferre đáp:
- Đó là một người làm việc thiện bằng súng.